Read more
Osho - Tôi là lối cổng
Chương 6. Tới trung tâm
Thầy đã nói rằng bất kì khi nào bùng nổ tâm linh tối hậu xảy ra cho một người, thế thì bắt đầu có quanh người đó một quá trình bùng nổ tâm linh ảnh hưởng tới những người tìm kiếm khác giống như phản ứng dây chuyền. Cho nên xin Thầy nói cho chúng tôi liệu phản ứng dây chuyền của bùng nổ tâm linh đã bắt đầu quanh Thầy chưa? Có những người đã trải qua bùng nổ tâm linh cao hơn không? Những người gần thầy về vật lí có sắp bùng nổ trong tương lai rất gần không?
Trước hết, người ta phải hiểu điều được ngụ ý bởi bùng nổ tâm linh. Nhiều điều được ngụ ý tới. Một, bùng nổ là cái gì đó mà với nó bạn không thể nào làm bất kì cái gì trực tiếp được. Nỗ lực của bạn là vô nghĩa, nó không phải là cái gì đó mà bạn có thể xoay xở được. Bùng nổ xảy ra cho bạn. Bạn không thể làm bất kì cái gì tích cực để làm cho bùng nổ xảy ra được, vì nếu bùng nổ do bạn làm ra, nó sẽ không phải là bùng nổ chút nào. Bạn sẽ còn lại, và bạn sẽ tiếp tục. Thậm chí sau khi bùng nổ bạn sẽ vẫn có đấy. Nếu bạn phải đạt tới nó, thế thì bạn sẽ không bùng nổ trong nó. Cho nên một cách tích cực vô nỗ lực mới có khả năng hướng tới bùng nổ; đây là điều đầu tiên, hệ quả cơ sở đầu tiên trong bùng nổ.
Bùng nổ có nghĩa là gián đoạn với quá khứ. Cái cũ đã biến mất hoàn toàn, và cái mới đã tới. Không có sự liên tục giữa hai điều này. Cái mới này không nối gì với cái cũ cả. Không có mối nối nhân quả, nó không có nguyên do từ cái cũ. Nếu nó có nguyên do từ cái cũ, thế thì không có bùng nổ, thế thì có sự liên tục, cái cũ đã tiếp tục dưới dạng mới. Thế thì bạn có thể thu được cái gì đó, bạn có thể đã thêm vào cái gì đó cho bản thân bạn, nhưng bạn vẫn như cũ; con người trung tâm vẫn như cũ. Chỉ có trên vùng ngoại vi cái gì đó được thêm vào và tích luỹ. Bản ngã của bạn trở nên mạnh hơn, mạnh hơn trước đây; bạn sẽ giầu có hơn. Cho nên không có bùng nổ trong sự liên tục.
Bùng nổ có nghĩa là cái cũ đã chết đi hoàn toàn và cái mới đã đi vào bản thể. Không có liên kết nhân quả giữa hai điều này. Có lỗ hổng - lỗ hổng không thể bắc cầu qua, vực thẳm. Thế thì bạn có thể gọi nó là bùng nổ. Điều này rất khó hiểu. Trong các kiếp sống của chúng ta mọi thứ đều dễ hiểu, mọi thứ đều nhân quả. Toàn bộ suy nghĩ logic của chúng ta đều dựa trên nhân quả; mọi thứ đều được nối lại, mọi thứ đều có quan hệ và trong sự liên tục với cái gì đó khác. Chẳng có gì là mới, mọi thứ đều chỉ là thay đổi của cái cũ - cho nên nó có thể được hiểu. Điều này là bởi vì tâm trí là sự liên tục. Tâm trí trút đầy với tri thức đã tích luỹ, với kí ức. Tâm trí bao giờ cũng có thể hiểu được cái cũ, nhưng cái mới không thể hiểu nổi với nó. Cái mới không thể nào được tâm trí hiểu nổi. Và nếu tâm trí bạn có cố gắng để hiểu cái mới, nó sẽ biến đổi cái mới thành dạng của quá khứ. Nó sẽ tạo hình dạng cho cái mới, lập nghĩa cho cái mới, và sẽ phân loại cái mới. Nếu mọi thứ đều được nối với cái cũ, thế thì tâm trí thấy dễ chịu vì nó có thể hiểu được.
Bùng nổ là cái gì đó mà tâm trí không thể nào hiểu nổi. Thực sự, trong bùng nổ, tâm trí bùng nổ và bị vứt bỏ hoàn toàn. Cho nên điều thứ hai cần phải hiểu là thế này: bạn sẽ không thể nào hiểu được bùng nổ. Tất cả những điều bạn hiểu sẽ không phải là bùng nổ; bạn sẽ thay đổi điều gì đó thành điều gì đó cũ nhưng đã biết. Bạn có thể nghĩ rằng điều tôi đang nói cũng giống như bất kì bùng nổ nào khác, nhưng bùng nổ tâm linh không giống với bất kì hiện tượng nào khác.
Nếu quả bom nổ, mọi thứ sẽ bị phá huỷ. Trật tự cũ mất đi, và có hỗn loạn. Nhưng hỗn loạn này là do trật tự cũ gây ra; đấy là sự liên tục. Chẳng có gì mới tới thành hình. Toàn bộ hỗn loạn này, toàn bộ mất trật tự này, chỉ là sự liên tục với trật tự cũ. Nó là cái cũ theo một cách mất trật tự. Không bùng nổ vật chất nào thậm chí có thể được làm biểu tượng hay được dùng một cách tượng trưng cho bùng nổ tâm linh. Từ ngữ tới từ việc xảy ra về vật chất và có nghĩa rộng mà hoàn toàn sai lạc. Bùng nổ tâm linh không có nghĩa rằng cái cũ là mất trật tự, rằng cái cũ đã trở thành hỗn loạn. Bùng nổ tâm linh có nghĩa cái gì đó mới mẻ được tạo ra, cái gì đó mới đã đi vào thành hình.
Bùng nổ vật chất là huỷ diệt. Bùng nổ tâm linh là sáng tạo. Nhưng nếu chúng ta cố gắng hiểu nó theo tương tự, thế thì chúng ta sẽ không thể nào biết được nó. Cái gì đó mới mẻ, cái gì đó hoàn toàn mới, đang đi vào thành hình. Bạn không thể cho nó ý nghĩa được vì bạn là cái cũ. Bạn không thể tạo ra nó được. Bạn phải là trống vắng. Bạn chỉ có thể giúp nó một cách tiêu cực bằng việc thiếu vắng mình, bằng việc không hiện hữu của bạn. Nếu bạn thiếu vắng, thế thì bùng nổ sẽ xảy ra. Hợp tác của bạn là cần thiết chỉ theo cách tiêu cực. Nhưng làm điều gì đó một cách tích cực lại dễ dàng, làm cái gì đó một cách tiêu cực là rất gay go.
Hợp tác là dễ dàng, không hợp tác là dễ dàng; nhưng hợp tác một cách tiêu cực là rất khó. Hợp tác một cách tiêu cực nghĩa là không tạo ra cản trở. Và tất cả chúng ta cứ tạo ra những cản trở không cho cái mới thành hình. Chúng ta bao giờ cũng nhấn mạnh vào cái cũ, chúng ta bao giờ cũng bám lấy cái cũ, đồng nhất với cái cũ. Cái cũ thực sự là "chúng tôi", là cái "tôi". Khi tôi nói cái "tôi", đấy là toàn bộ quá khứ. Cho nên làm sao cái "tôi" có thể giúp cho cái mới được? Làm sao cái "tôi" có thể giúp cho tương lai, cái "tôi" là quá khứ mà? Bất kì khi nào bạn nói "tôi", đấy là toàn bộ quá khứ trong một từ ngữ. Tất cả những cái mà bây giờ là chết rồi, tất cả những cái mà bây giờ phải bị chôn vùi, đang đứng đằng sau cái "tôi" này. Cho nên cái "tôi" này trở thành cản trở, chướng ngại duy nhất, vật cản duy nhất, để không cho cái mới tới.
Cho nên bạn không thể làm bất kì cái gì với cái "tôi" một cách tích cực, nhưng một cách tiêu cực bạn có thể làm được cái gì đó. Hiểu rằng bạn là cái cũ đi, và để cho hiểu biết này đi thật sâu, thấm vào bạn tới tận chiều sâu bên trong nhất. Trở nên hoàn toàn nhận biết rằng bạn không thể nào giúp cho cái mới thành hình được. Chừng nào cái mới còn chưa tới, không có tâm linh. Chừng nào cái mới còn chưa bùng nổ, bạn sẽ chưa được tái sinh, bạn sẽ chưa trong chiều hướng của điều thiêng liêng.
Không phải là cái "tôi" là được tự do đâu; thay vì thế, sẽ có tự do khỏi cái tôi, tự do khỏi chính mình. Không phải là tôi định làm điều gì đó; thay vì thế, tôi phải không làm gì cả để cho hiện tượng này có thể xảy ra. Nhưng chúng ta cứ liên tục làm điều này điều khác. Điều này bắt nguồn từ "tôi"; nó kéo dài, nó tiếp tục cái "tôi". Nó phóng chiếu "tôi" vào tương lai, và không thể có bùng nổ được.
Quá khứ chết, cái tích luỹ lại như bụi, cứ tích luỹ mãi lên tâm thức tựa tấm gương của tôi, và tâm thức tựa tấm gương của tôi mất đi, chỉ còn bụi bặm ở đấy. Chúng ta trở nên được đồng nhất với bụi. Bạn có thể tưởng tượng mình mà không có quá khứ được không? Nếu toàn bộ quá khứ của bạn bị phá huỷ, bạn sẽ sống ở đâu? Thế thì bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ là ai? Nếu mọi thứ từ quá khứ bị lấy đi, dần dần bạn sẽ cảm thấy bạn đang tan rã ra và biến mất.
Khi không có quá khứ, bạn là ai? Bạn ở đâu? Thế thì bạn sẽ được xác định bằng cái gì? Nếu không có quá khứ, bạn vẫn tồn tại, nhưng không cùng cách thức cũ nữa. Thực sự, bạn sẽ thành đối lập hẳn lại với cái bạn đang là. Nếu toàn bộ quá khứ bị tước đi, bạn sẽ chỉ là một tâm thức. Thế thì bạn không thể là bản ngã được.
Bản ngã là những sự kiện được tích luỹ lại, là quá khứ. Nếu nó bị tước đi khỏi bạn, thế thì bạn sẽ giống hệt tấm gương, soi gương mọi thứ với sự đồng nhất mới. Nếu bạn trở nên nhận biết rằng bạn là cái cản trở, thế thì bạn chẳng phải làm gì cả. Chính nhận biết này sẽ phá huỷ sự đồng nhất cũ. Và khi sự đồng nhất cũ đã hoàn toàn bị phá huỷ, khi có lỗ hổng giữa bản thể thực của bạn và kí ức của bạn, khi có không gian giữa bản ngã của bạn và bạn, thế thì bên trong không gian đó bùng nổ sẽ tới. Bên trong không gian đó là bùng nổ.
Bùng nổ này không thể nào hiểu nổi được bằng trí tuệ theo bất kì cách nào. Bạn càng cố gắng hiểu nó, bạn sẽ lại càng ít hiểu được nó hơn. Cho nên đừng bị căng thẳng về nó, chỉ thảnh thơi. Và đừng cố gắng hiểu tôi, mà thay vì thế cảm thấy từ bên trong bạn điều tôi đang nói. Nếu tôi nói bạn là quá khứ, thế thì đừng chỉ nghe lời tôi và nghĩ liệu bạn đúng hay sai. Cứ tiếp tục và cảm thấy bất kì cái gì đang được nói. Nghĩ dưới dạng sự kiện đi. Chúng là sự kiện.
Bạn đi vào trong, và nhìn xem bạn có là quá khứ không, liệu điều tôi đang nói đây có thực sự là sự kiện không. Bạn có cái gì nhiều hơn quá khứ không?Bạn có là quá khứ chết không hay có cái gì đó đang sống trong bạn mà không phải là một phần hay một gói của quá khứ? Đấy là cái gì vậy? Bạn không thể nào giới hạn nó cho bản thân mình được, vì cái "tôi" là sự giam cầm. Vì quá khứ bị giới hạn nên bạn có thể hạn chế nó. Quá khứ có thể bị giới hạn, nó đã xảy ra, nó là hữu hạn. Nhưng khi bạn trở nên nhận biết về cái gì đó trong bạn mà không phải là từ quá khứ mà là ở đây và bây giờ, thế thì cho dù toàn bộ quá khứ có bị huỷ diệt, nó vẫn sẽ có đấy.
Nếu có cái gì đấy trong bạn mà không bị phá huỷ bởi sự huỷ diệt của quá khứ, mà sẽ tiếp tục có đấy, nó chính là tâm thức tựa tấm gương - tâm thức thuần khiết. Thế thì "bạn" không có trong nó, nhưng bạn chỉ là tấm gương soi gương cho mọi thứ. Thế thì bạn sẽ cảm thấy lỗ hổng giữa bản ngã và bạn, bạn sẽ cảm thấy không gian. Và nếu bạn có thể còn lại trong hiểu biết này và trong nhận biết này, thế thì nó trở thành thiền. Nếu bạn chỉ có thể còn lại trong hiểu biết và nhận biết này, trong không gian này giữa bản thể thực của bạn - tâm thức của bạn - và quá khứ của bạn, thế thì con người tích luỹ, bản ngã, trở thành như một tầng ngoài.
Nó trở thành hệt như một đường biên giới, và trong trung tâm là tâm thức thuần khiết. Còn lại trong nó đi. Điều ấy sẽ rất không thoải mái, điều ấy sẽ rất bất tiện và gay go, vì chúng ta chưa bao giờ ở đấy cả. Chúng ta bao giờ cũng chạy ra phần ngoại vi, chúng ta bao giờ cũng trở thành đồng nhất với phần ngoại vi. Chúng ta sống ở phần ngoại vi và chưa bao giờ ở phần trung tâm. Phần ngoại vi là bản ngã, vì tất cả các sự kiện đều xảy ra ở phần ngoại vi, ở phần chu vi.
Phần chu vi này là điểm mà từ đó bạn động chạm tới người khác. Nếu tôi yêu bạn, việc xảy ra tình yêu là trên phần ngoại vi, trên đường biên. Cho nên chúng ta bao giờ cũng còn lại trên đường biên. Đó là trường hoạt động. Nhưng bản thể bao giờ cũng ở trung tâm. Cho nên nếu bạn có thể còn lại trong lỗ hổng này, trong không gian này, và nếu bạn có thể là chính mình - không ở phần ngoại vi mà ở phần trung tâm - nếu bạn có thể trở nên nhận biết về phần ngoại vi như quá khứ chết, như bề mặt, như thân thể, "bạn" đã mất.
Tôi không nói về thân thể vật lí này. Thực sự, bản ngã là thân thể.
Cho nên nếu có không gian này, không phải là chỉ hiểu về mặt trí tuệ, không phải là chỉ hiểu về mặt logic mà cảm thấy về sự tồn tại, nó sẽ trở thành bất tiện. Bạn sẽ trở thành không thoải mái, dường như bạn đang chết, vì bạn bao giờ cũng vẫn còn ở phần ngoại vi, đó đã là cuộc sống của bạn. Cho nên nếu bạn quay về trung tâm, việc ấy sẽ giống như việc chết, vì hiện tại ngoại vi đã trở thành cuộc sống. Bạn không biết bất kì cuộc sống nào khác. Bạn sẽ cảm thấy giống hệt như bị chìm xuống, chết đi, dường như bị nghẹt thở, và tâm trí sẽ nói, "Quay về phần ngoại vi đi. Cuộc sống là ở đó."
Nhưng ở phần ngoại vi không có cuộc sống - chỉ có hành động. Chỉ có việc làm, không có việc sống. Đó là lí do tại sao khi bạn không phải làm việc gì cả, việc không làm đó trở thành khó khăn đối với bạn đến mức bạn không thể còn lại với nó, bạn bắt đầu làm điều gì đó. Bạn có thể đọc báo, bạn có thể bật đài, bạn có thể làm mọi thứ. Hay nếu không có cái gì để làm, thế thì bạn có thể ngủ. Nhưng còn lại trong sự không làm là điều gay go nhất. Chẳng có lấy một khoảnh khắc nào mà bạn trong việc không làm. Và việc sống chỉ hiển lộ cho những người có thể còn lại trong không làm, người còn lại ở phần trung tâm.
Đó là điều được ngụ ý bởi hợp tác tiêu cực - hợp tác của bạn là cần thiết theo cách tiêu cực. Bạn không làm điều gì đó; bạn vẫn còn trong sự không làm. Và thế thì bùng nổ xảy ra.
Nó chỉ xảy ra cho bạn. Và khi nó xảy ra, bạn bao giờ cũng sẽ ở trung tâm. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không thể nào làm bất kì cái gì. Bạn sẽ có thể làm, nhưng phẩm chất của hành động sẽ khác đi. Bây giờ một loại tình yêu khác sẽ thành có thể từ phần trung tâm, một loại hoạt động khác sẽ có thể từ phần trung tâm. Bây giờ tình yêu sẽ không phải là hành động, mà là trạng thái của tâm trí. Nó sẽ không phải là lúc này bạn yêu và lúc khác bạn không yêu nữa. Bây giờ nó sẽ trở thành chính sự tồn tại của bạn. Bạn sẽ là việc yêu, và mọi hành động và mọi mối quan hệ sẽ có phẩm chất khác, ý nghĩa khác, chiều sâu khác. Qua bùng nổ này bạn sẽ hoàn toàn không còn đồng nhất với tâm trí nữa, với bản ngã, với thân thể, với phần ngoại vi - hoàn toàn không đồng nhất.
Việc phá huỷ sự đồng nhất chính là bùng nổ. Bây giờ bạn sẽ không tiếp tục như cũ nữa, vì mọi sự tiếp tục chỉ là ở phần ngoại vi. Đây không phải là cái gì đó tiếp tục với phần ngoại vi, nó là bước nhảy. Nếu bạn tiếp tục chạy trên phần ngoại vi, thế thì đấy là sự tiếp tục. Nếu bạn cứ chạy vòng trên phần ngoại vi, bạn có thể chạy cả đời, nhưng từng bước đều bị gắn với bước trước và từng bước lại dẫn bạn tới bước tiếp. Nó là một quá trình có móc nối. Nhưng nhảy ra khỏi phần ngoại vi để vào phần trung tâm là không liên tục với cái cũ. Nó là gián đoạn - không phải là một bước thêm nữa và không do bước trước gây ra. Nó hoàn toàn mới và không nguyên cớ.
Điều này trở nên khó hiểu, vì trong thế giới này của những điều xảy ra và những sự kiện, chẳng cái gì là không nguyên cớ cả. Nhưng vật lí học hiện đại đã tới gần hơn với điểm này; vật lí học hiện đại đã đi tới một tình huống song hành. Hành vi của điện tử là gián đoạn. Cho nên toàn bộ khoa học vật lí, do bởi hành vi này của điện tử, đã lấy một chiều hướng mới.
Trước thế kỉ này, vật lí là một hệ thống dựa nhiều nhất vào phương pháp khoa học. Mọi thứ đều có nguyên nhân, mọi thứ đều là liên tục. Và mọi thứ đều chắc chắn, bởi vì chỉ với móc nối nhân quả, mới có chắc chắn.
Khi mọi thứ có thể xảy ra không nguyên nhân, thế thì không có chắc chắn, thế thì thực sự không luật nào có thể áp dụng được.
Toàn bộ khoa học ngày nay vẫn đang lưỡng lự vì người ta không xác định được hành vi của điện tử. Nó hoạt động chẳng theo nhân quả gì. Đôi khi nó biến mất tại điểm này rồi lại xuất hiện tại điểm khác chẳng có sự liên tục nào ở giữa. Từ điểm A, điện tử biến mất; tại điểm B, nó xuất hiện. Và không có sự liên tục giữa A và B. Nó không phải là sự liên tục, nó không di chuyển. Điều này trở thành bí ẩn, nhưng tôi coi nó như sự tương tự.
Có hai kiểu suy nghĩ: một là suy nghĩ logic và một là suy nghĩ tương tự. Suy nghĩ logic tiến hành theo trình tự: "Cái này thế này, do đó cái kia sẽ xảy ra." Nguyên nhân được xác định cho nên hậu quả sẽ theo sau. Quá trình logic là quá trình chắc chắn, xác định. Cho những tiền đề đặc biệt, kết quả đặc biệt sẽ tự động theo sau; không có tự do. Trong suy nghĩ logic, không có tự do. Mọi thứ đều có nguyên nhân bởi quá khứ, cho nên nó bị quá khứ thống trị. Nếu tôi cho bạn một liều chất độc, bạn sẽ chết, bạn không được tự do. Một liều chất độc sẽ gây ra cái chết. Cái chết phải theo sau; nó là điều chắc chắn, sự liên tục, mối nối nhân quả.
Suy nghĩ tương tự lại hoàn toàn khác - khác hẳn. Suy nghĩ tương tự là theo cách thơ ca. Bạn nhảy từ việc này sang việc khác đơn giản qua tương tự, không qua trình tự logic. Chẳng hạn, tôi có thể yêu ai đó và có thể viết một bài thơ trong đó tôi nói, "Người yêu của tôi giống như mặt trăng." Chẳng có mối nối nào. Không có móc nối nhân quả giữa khuôn mặt người yêu tôi và mặt trăng. Không có mối quan hệ chút nào, chỉ là tương tự. Tôi đã nhảy từ điểm này sang điểm khác mà chẳng di chuyển theo bất kì trình tự nào. Nó cũng giống hệt như hành vi của điện tử vậy.
Nhà thơ bao giờ cũng hành xử như thế, họ nhảy từ điểm này sang điểm khác đơn giản qua sự tương tự. Thậm chí có thể không có sự giống nhau hiển nhiên, nhưng nếu nó dường như thế đối với nhà thơ theo cách nào đó, cái gì đó có lí, thế là đủ. Cái gì đó đang được vọng lại. Thế thì có bước nhảy, bước nhảy tương tự.
Toàn bộ văn đàn của huyền môn đều là tương tự. Các nhà huyền môn có thể chỉ cho bạn sự tương tự, đó là lí do tại sao có nhiều ngụ ý đến thế. Tất cả chúng đều là tương tự, Jesus nói trong tương tự, Phật cũng thế, và mọi người. Họ không đưa ra bất kì lí do và biện minh logic nào. Thực sự, Jesus chưa bao giờ tranh luận về bất kì điểm nào. Không có biện luận, nhưng chỉ có sự tương tự.
Nếu bạn thông cảm, chỉ thế thì bạn mới có thể hiểu được suy nghĩ tương tự. Nếu bạn không thông cảm, thế thì bạn không thể hiểu được, vì sự tương tự tuỳ thuộc không chỉ vào lập luận mà còn vào cả thái độ thông cảm của bạn và vào liệu bạn có thể tiếp tục cùng quá trình này bên trong mình được không.
Cho nên với sự tương tự, tôi lấy hành vi của điện tử: giống hệt điều này là bùng nổ tâm linh. Cái cũ bị loại bỏ ở phần ngoại vi; không có móc nối nào giữa phần ngoại vi và phần trung tâm, không có di chuyển. Bạn không di chuyển từ ngoại vi vào trung tâm. Nếu bạn di chuyển, thế thì sẽ có móc nối từ phần ngoại vi, thế thì bước đầu tiên hướng tới trung tâm sẽ được lấy từ phần ngoại vi, và nó phải được nối với phần trước đó; thế thì có móc nối nhân quả.
Bạn đang ở phần ngoại vi, và bỗng nhiên bạn thấy mình ở phần trung tâm. Không có di chuyển ở giữa. Đó là bùng nổ.
Chúng ta sẽ lấy một tương tự khác, vì vật lí có thể bạn không biết. Chẳng hạn, bạn ngủ ở Bombay và mơ rằng bạn đang ở London. Đến sáng, khi giấc mơ đã qua và giấc ngủ đã hết, bạn có di chuyển ngược từ London về Bombay không? Lại nữa, bạn mơ rằng bạn đang ở London trong khi ngủ ở Bombay. Ai đó tới và đánh thức bạn dậy, và bạn vẫn ở London. Bạn sẽ tỉnh ở London hay ở Bombay? Bạn sẽ tỉnh dậy ở Bombay. Nhưng làm sao bạn quay lại? Bạn có di chuyển qua khoảng cách nào không? Nếu bạn di chuyển qua khoảng cách, thế thì bạn sẽ không thức dậy, vì khoảng cách chỉ có thể được di chuyển qua trong giấc mơ. Nếu bạn di chuyển qua khoảng cách, nếu bạn đáp máy bay, thế thì máy bay sẽ là một phần của giấc mơ. Nếu bạn đơn giản tỉnh dậy, thế thì giấc mơ sẽ bị gián đoạn ở London, bạn sẽ tỉnh dậy ở Bombay, và sẽ không có việc di chuyển ở giữa. Cho nên việc tỉnh dậy là cái gì đó mới. Nó không phải là sự liên tục với giấc mơ.
Cho nên phần ngoại vi là giấc mơ - giấc mơ về việc làm, giấc mơ của bản ngã. Đó là lí do tại sao ở Ấn Độ các nhà huyền môn đã nói, "Đây là ảo tưởng." Họ đã nói, "Đây chỉ là mơ; toàn bộ thế giới này chỉ là mơ." Và khi Shakara và những người khác đã nói rằng toàn bộ thế giới này là mơ, đây là sự tương tự và phải không được hiểu sai. Nó đã từng bị hiểu sai rồi. Bạn có thể chỉ ra cái vô nghĩa nào mà họ đang nói. Thế giới này mà lại là mơ sao? Nó thực đến thế cơ mà! Nhà triết học huyền học Ấn Độ Shankara cũng đã biết điều này. Thực sự, đây là thực. Nhưng ông ấy đang nói theo cách tương tự.
"Thế giới này là mơ." Khi điều ấy được nói ra, nó không có nghĩa rằng thế giới này thực sự là mơ đâu. Nó chỉ có nghĩa rằng nếu bạn thức tỉnh trong nó, nhận biết trước đây sẽ bị gián đoạn. Bạn sẽ không tìm thấy bất kì mối nối nào giữa mơ và việc tỉnh dậy. Bạn sẽ không tìm thấy bất kì mối nối nào dù là cái gì, bất kì quan hệ nào dù là quan hệ gì. Bạn sẽ chỉ bị bối rối làm sao bạn ở London và làm sao bạn đã quay về.
Nhưng thực sự chẳng ai bị bối rối cả. Khi người ta ra khỏi mơ, người ta chẳng bao giờ bối rối cả. Bạn có bao giờ bối rối không? Bạn chỉ nói, "Ô! Mơ đấy mà," và chương này khép lại. Bạn chẳng bao giờ nghĩ về nó cả. Cùng điều đó xảy ra bất kì khi nào có bùng nổ. Bạn biết, "Ô! Toàn bộ mơ đã tan biến rồi. Nó chỉ là mơ, và bây giờ mình đang ở trung tâm." Bạn chẳng bao giờ hỏi, "Làm sao nhỉ? Làm sao mình đã ở phần ngoại vi, và làm sao mình đã về lại phần trung tâm? Mình đã di chuyển thế nào?"
Mọi người sẽ hỏi Phật: "Thầy đã trở thành chứng ngộ thế nào?" Câu hỏi này là ngô nghê. Nó cũng hệt như hỏi ai đó làm sao người đó ra khỏi mơ. Phương pháp nào vậy? Kĩ thuật nào vậy? Làm sao bạn có thể thực hành được việc ra khỏi mơ? Mơ chỉ tan vỡ ra, nhưng mơ có cách thức riêng của nó để bị tan vỡ. Đôi khi mơ trở thành ác mộng, nó trở thành không thể nào chịu đựng nổi. Thế thì chính cái không thể chịu đựng được ấy của nó, cái đau khổ của nó, làm cho nó bị vỡ ra.
Cho nên nếu cuộc sống ở phần ngoại vi đã trở thành ác mộng, nếu việc sống như chúng ta sống đã trở thành địa ngục, thế thì tất cả những điều này sẽ đẩy bạn ra khỏi mơ. Nhưng khi bạn ra ngoài nó, bạn sẽ biết nó không có nguyên cớ, nó không phải là sự liên tục. Đó là lí do tại sao chúng ta gọi nó là bùng nổ. Cái gì đó mới xảy ra trong nó - cái gì đó hoàn toàn mới. Người ta không thể nào hiểu được nó dưới dạng cái cũ.
Cho nên bạn có thể làm được gì thậm chí là một cách tiêu cực? Bạn có thể làm được ít nhất ba điều một cách tiêu cực. Một, nhận biết - thậm chí bạn có thể nhận biết chỉ một khoảnh khắc. Nhận biết rằng bạn đã trở nên đồng nhất với quá khứ mà đấy không phải là bản thể bạn. Bản thể là trong hiện tại, ở đây và bây giờ, còn bạn lại bị đồng nhất với cái gì đó không ở đây và bây giờ. Nhận biết về điều này. Để cho nhận biết này tới với bạn một cách bất thần, tại bất kì đâu. Bạn đang bước đi trên phố - dừng lại một chốc, đột nhiên nhận biết. Bất kì đâu, trong bất kì tình huống nào, dừng lại một chốc và đột nhiên nhận biết bạn đang ở đâu - ở phần ngoại vi hay ở phần trung tâm? Bạn có bị đồng nhất với kí ức hay bạn không bị đồng nhất với kí ức? Ban đầu điều này chỉ đến một chốc, mà cũng chẳng được lấy một chốc. Sẽ chỉ có một thoáng nhìn vào một phần của khoảnh khắc. Bạn sẽ cảm thấy nó, và nó sẽ trôi qua. Nhưng thoáng nhìn đó sẽ sâu sắc thêm, và sẽ có chuyển động mới từ ngoại vi vào trung tâm - chuyển động giống như điện tử - một cái nhảy, một bước nhảy từ điểm này sang điểm khác. Tình huống sẽ sâu sắc thêm.
Vẫn còn nhận biết nhiều nhất có thể được đi, và dùng bất kì và mọi tình huống. Chẳng hạn, thở ra đã hết và chưa có hít vào. Có lỗ hổng - lỗ hổng rất nhỏ, rất chi li giữa hai việc thở này. Bạn không thở ra mà cũng chẳng thở vào. Trở nên nhận biết về lỗ hổng đó. Vẫn còn trong nó trong một khoảnh khắc; bạn sẽ cảm thấy phần trung tâm, và bạn sẽ xa hẳn phần ngoại vi. Bạn sẽ ra khỏi giấc mơ.
Bạn đang sắp ngủ, nhận biết rằng giấc ngủ đang tới, nó đang hạ xuống bạn; bạn đang chìm vào nó. Thế thì có một khoảnh khắc mà bạn chẳng thức cũng không ngủ. Tâm trí đang thay đổi chiều hướng của nó. Trong một khoảnh khắc bạn chẳng ngủ mà cũng chẳng thức. Nhận biết về nó và vẫn còn trong lỗ hổng đó, và bạn sẽ được ném vào phần trung tâm. Bạn sẽ ra khỏi phần ngoại vi.
Buổi sáng bạn trở về từ trạng thái ngủ. Cảm thấy khoảnh khắc mà bạn còn chưa tỉnh, nhưng giấc ngủ đã qua. Bao giờ cũng có khoảnh khắc ấy. Bất kì khi nào tâm trí thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, đều có lỗ hổng. Mọi nơi đều có lỗ hổng, vì không có lỗ hổng không thể có thay đổi được; và trong lỗ hổng đó bạn chẳng bao giờ ở phần ngoại vi. Lỗ hổng đó là gián đoạn với phần ngoại vi.
Bạn phải hiểu đích xác điều tôi đang nói đây:
Không có lỗ hổng nào ở phần ngoại vi cả; mọi lỗ hổng đều ở phần trung tâm.
Sự liên tục duy nhất chỉ ở phần ngoại vi - sự kiện này xảy ra, sự kiện khác xảy ra. Và ở giữa, trong lỗ hổng, bao giờ cũng là phần trung tâm. Bạn bao giờ cũng về lại phần trung tâm, và rồi vào khoảnh khắc khác bạn bao giờ cũng về lại phần ngoại vi. Nhưng việc này xảy ra nhanh quá, nó như là vô thời gian đến mức thông thường bạn không thể nào trở nên nhận biết được về nó. Nhưng nếu bạn trở nên nhận biết, chăm chú, cảnh giác và cẩn thận, thế thì dần dần bạn sẽ có những thoáng nhìn.
Bạn yêu ai đó, và yêu đã qua còn ghét chưa bắt đầu. Có một khoảng khắc. Yêu xảy ra ở phần ngoại vi, ghét xảy ra ở phần ngoại vi, nhưng lỗ hổng ở giữa chúng bao giờ cũng xảy ra ở phần trung tâm. Cho nên khi bạn yêu, bạn ở phần ngoại vi; khi bạn ghét, bạn ở phần ngoại vi. Nhưng khi bạn thay đổi từ yêu sang ghét hay từ ghét sang yêu, bạn không ở phần ngoại vi. Lỗ hổng bao giờ cũng ở phần trung tâm. Bạn bị ném ngược lại. Bạn không thể thay đổi ở phần ngoại vi vì trên phần ngoại vi bạn chỉ đang hành động. Bản thể là ở tại phần trung tâm; bạn phải quay lại để thay đổi. Nhưng việc tới và việc đi này nhanh chóng quá, nó nhanh chóng vô thời gian đến mức thông thường bạn không thể nào trở nên tỉnh táo về nó được.
Tỉnh táo trong mọi thay đổi đi. Bạn đang bị ốm, bây giờ ốm đã qua, và sức khoẻ vẫn còn chưa tới. Nhận biết đi - bạn sẽ ở phần trung tâm. Không một thay đổi nào có thể có trên bản thân phần ngoại vi. Đó là lí do tại sao mọi người đều cần ngủ, vì trong giấc ngủ, thay đổi lớn xảy ra. Nếu bạn không thể ngủ say, bạn sẽ không thể sống được, vì cuộc sống cần những thay đổi nào đó hàng ngày. Hàng ngày, nhiều thứ phải được thay đổi trong thân thể, trong tâm trí, trong xúc động. Có nhiều thay đổi hàng ngày. Cho nên tự nhiên có một cách làm cho bạn thành vô ý thức, vì khi có ý thức bạn sẽ không lưu lại tại phần trung tâm lâu được. Bạn bị ném vào vô ý thức để cho bạn không ở phần ngoại vi, bạn không chạy ở phần ngoại vi. Bạn ngủ, bạn vô ý thức. Cho nên bạn ở phần trung tâm, và bạn định lại trong bản thể.
Nhưng thậm chí khi bạn đang tỉnh thức cũng có những thay đổi. Tương tự như bạn đổi số khi cho xe chạy. Trong một thời gian rất ngắn bạn đưa chiếc xe về vị trí trung lập. Bao giờ cũng phải về qua vị trí trung lập bạn mới đổi số được. Trung lập có nghĩa là không vào số nào cả. Nếu bạn chuyển từ số một sang số hai, bạn không thể chuyển nó một cách trực tiếp được. Trước hết nó phải được đưa về vị trí trung lập đã, rồi sau đó nó mới được chuyển tiếp đi số khác. Bạn càng trở thành chuyên gia bao nhiêu, bạn càng mất ít thời gian bấy nhiêu cho nó. Thực sự, một lái xe chuyên gia trở thành chẳng nhận biết rằng mọi lúc số được đổi, nó đi qua vị trí trung lập. Nó được đổi mau lẹ đến mức người đó chẳng cần nhận biết về nó. Chỉ người đang học lái xe mới nhận biết, ngoài ra chẳng ai nhận biết cả. Và trung lập bao giờ cũng là điều khó học. Bất kì khi nào bạn thay đổi từ hành động này sang hành động khác, bạn đều quay lại trạng thái trung lập, về trung tâm.
Cho nên nhận biết đi.
Ai đó xúc phạm bạn - bây giờ bạn sẽ thay đổi, bạn không thể còn lại như cũ. Bạn sẽ phải thay đổi trên phần ngoại vi. Cũng vẻ mặt ấy đã trở nên chẳng liên quan, bạn sẽ phải thay đổi toàn bộ vẻ mặt. Bây giờ nhận biết về điều đang xảy ra bên trong. Bạn sẽ phải đi vào phần trung tâm, rồi lại quay ra phần ngoại vi, và thế thì bạn có thể thay đổi vẻ mặt mình. Cho nên khi ai đó xúc phạm bạn, thiền bên trong đi. Đi vào. Người đó đã cho một điểm thay đổi.
Mật tông đã dùng chất gây say để làm cho người tìm kiếm nhận biết về việc thay đổi trạng thái tâm thức. Họ sẽ cho bạn cùng một chất gây say, rồi thầy sẽ nói, "Nhận biết về lỗ hổng." Cho tới khoảnh khắc đó bạn vẫn nhận biết, và bây giờ bạn đang mất nhận biết. Cho nên nhận biết về khoảnh khắc này khi bạn thay đổi từ có ý thức sang vô ý thức.
Người ta bao giờ cũng thay đổi, và nếu người ta trở nên nhận biết về những khoảnh khắc thay đổi này, người ta trở nên nhận biết về phần trung tâm.
Một thiền sư sẽ ném bạn ra khỏi cửa sổ và sẽ kêu lên từ phía sau, "Nhận biết đi!" Bạn đã bị ném ra, bạn đang ở giữa, bạn mới chỉ lướt qua cửa sổ, và bạn sắp va xuống đất. Ông ấy kêu, "Nhận biết đi!" Bạn đã ngã xuống đất, vẻ mặt bạn phải thay đổi. Bây giờ tình huống lại hoàn toàn khác. Bạn đã tới để hỏi câu hỏi siêu hình nào đó, và ông ta làm điều gì đó hoàn toàn phi siêu hình. Ông ta đã ném bạn ra khỏi cửa sổ! Bạn đang hỏi liệu Thượng đế có tồn tại hay không. Điều ấy hoàn toàn chẳng liên quan gì tới việc ném bạn qua cửa sổ cả. Nhưng ông ấy nói "Nhận biết đi!"
Trong chính khoảnh khắc khi bạn sẽ thay đổi vẻ mặt, thay đổi trạng thái, khi bạn vừa vượt qua cửa sổ, đấy không chỉ là thân thể bạn đang trải qua thay đổi. Trạng thái tâm thức của bạn cũng sẽ trải qua thay đổi. Và thầy biết đích xác khi nào nó thay đổi. Chính khoảnh khắc đó ông ấy sẽ kêu lên, "Nhận biết đi!" Và nếu bạn có thể lắng nghe ông vào khoảnh khắc đó, bạn sẽ ở trung tâm - bị ném ra khỏi phần ngoại vi.
Cho nên bất kì khi nào có bất kì sự thay đổi tình huống nào, cẩn thận nhìn vào bên trong đi. Không có di chuyển, chỉ có cái nhảy từ phần ngoại vi vào phần trung tâm và từ phần trung tâm ra phần ngoại vi. Và hành vi này giống hệt như điện tử, hay giống hệt như mơ. Bạn làm sâu sắc hơn nhận biết này. Đấy là tất cả những gì bạn có thể làm được. Điều này là tiêu cực bởi vì nhận biết không phải là việc làm, nhận biết không phải là hành động.
Bất kì khi nào bạn đang trong trạng thái thay đổi, nhận biết, và sẽ không có hành động. Hành động sẽ bị ngăn lại bất kì khi nào bạn nhận biết. Nếu tôi đặt dao vào cổ bạn, thậm chí hơi thở cũng dừng. Bạn trở nên nhận biết đến mức mọi thứ đều dừng lại. Bạn bị ném vào phần trung tâm.
Nhận biết không phải là hành động. Ham mê hành động chỉ là trốn thoát nhận biết, và tất cả chúng ta đều trở nên ham mê - người ta phải làm điều gì đó. Ham mê này đang giúp cho tính liên tục.
Dùng bất kì cơ hội nào để tỉnh táo - bất kì cơ hội nào. Và có hàng nghìn và hàng nghìn cơ hội mọi ngày. Tỉnh táo, và bạn sẽ cảm thấy cái nhảy từ ngoại vi vào trung tâm. Bản thể tại trung tâm này có thể trở thành dễ dàng cho bạn. Bạn đang ở ngoài nhà; trời trở nên nóng. Vào nhà. Bất kì khi nào bạn cảm thấy thích vào nhà, bạn có thể vào. Bất kì khi nào bạn cảm thấy thích đi ra, bạn có thể đi ra. Chẳng khó khăn gì. Khi việc di chuyển này từ ngoại vi vào trung tâm đã trở thành giống như thế này, thế thì bạn sẽ có bùng nổ.
Tôi dùng từ 'thế thì'... Tôi dùng từ 'chầm chậm'. Tôi nói "dần dần"... Tôi nói "lát nữa thôi"... Tất cả những từ này đều chẳng liên quan gì, nhưng bởi vì tôi không thể làm được bất kì điều gì khác, tôi đành phải dùng những từ này. Chúng là không liên quan chừng nào có liên hệ tới bùng nổ. Bùng nổ không bao giờ là dần dần, nó không bao giờ chầm chậm, nó không bao giờ lát nữa thôi. Nó là bất thần. Nhưng bạn sẽ không thể nào hiểu được nó. Cho nên để cho việc hiểu của bạn, hay nếu bạn muốn, để cho việc hiểu sai của bạn, từ ngữ phải được dùng tới.
Toàn bộ mẫu hình ngôn ngữ đều được tạo ra cho phần ngoại vi. Chẳng thể làm được gì khác. Ngôn ngữ được tạo ra bởi những tâm trí ở phần ngoại vi. Nó là cần cho những tâm trí đang ở phần ngoại vi. Nó là sự cần thiết của phần ngoại vi và không cần cho phần trung tâm. Phần trung tâm là tuyệt đối im lặng, chẳng ngôn ngữ nào được cần tới ở đó cả. Cho nên chúng ta phải diễn giải phần trung tâm theo ngôn ngữ của phần ngoại vi, thế thì điều này chắc chắn xảy ra.
Cho nên đừng hiểu lầm tôi khi tôi nói dần dần. Tôi chưa bao giờ ngụ ý dần dần cả. Bùng nổ sẽ chẳng bao giờ lát nữa thôi. Cho nên những từ này chỉ là để cho bạn tin tưởng, để cho bạn có thể hi vọng, để cho nó có thể trở thành hiểu được đối với bạn, để cho một điều gì đó trên phần ngoại vi có thể được hiểu. Nó cũng hệt như là nói về thế giới tâm thức tỉnh thức với một người đang mơ. Người ta phải dùng ngôn ngữ mơ, là điều ngớ ngẩn. Bất kì cách diễn đạt nào cũng đều là ngớ ngẩn theo một cách nào đó, nhưng chẳng thể làm được gì. Người ta cảm thấy hoàn toàn bất lực, và bất lực lớn làm sao.
Người ta biết điều gì đó - chẳng hạn, tôi biết bùng nổ nghĩa là gì, tôi biết bản thể tại trung tâm nghĩa là gì. Nhưng tôi không thể nào nói cho bạn được. Bạn hỏi tôi, tôi nói điều gì đó, và tôi lúc nào cũng biết rằng tôi không thể nào nói cho bạn được. Và tôi biết bùng nổ nghĩa là gì, bản thể tại trung tâm nghĩa là gì. Khoảnh khắc tôi bắt đầu nói, tôi bắt đầu dùng ngôn ngữ của phần ngoại vi. Khoảnh khắc ngôn ngữ của phần ngoại vi được dùng tới, mọi thứ trở nên bị bóp méo. Cho nên hiểu những điều ngụ ý này đi.
Bạn hỏi về những bùng nổ dây chuyền. Bất kì khi nào có một bùng nổ, nhiều điều bắt đầu xảy ra. Vì hiện tượng này là lớn lao thế, bất kì khi nào một cá nhân trải qua nó, dù người đó ở đâu, người đó cũng chẳng thể làm gì ngoài việc trở nên bị tiêm nhiễm. Người đó có thể không muốn điều ấy, nhưng điều này bắt đầu xảy ra. Bản thể người đó tại trung tâm sẽ đẩy bất kì ai gần người đó về phần trung tâm nữa. Và bởi vì điều này, biết bao nhiêu lần người ta sẽ bắt đầu cảm thấy bị người đó đẩy ra.
Chẳng hạn, nhiều người đã cảm thấy bị Gurdjieff đẩy ra. Họ chỉ muốn chạy khỏi ông ấy vì bởi việc ở gần ông ấy họ chẳng biết sao lại bị đẩy ra. Nhiều phụ nữ tìm kiếm tâm linh chạy khỏi Gurdjieff vì họ cảm thấy dường như là họ bị huých vào trung tâm dục, chỉ bởi việc ở cạnh ông ấy. Họ cảm thấy ông ấy đã làm điều gì đó. Ông ấy chẳng làm gì cả, nhưng bởi vì trung tâm đang vận hành duy nhất của họ là trung tâm dục, nên cái huých đầu tiên bao giờ cũng được cảm thấy tại đó. Nếu đàn ông tìm kiếm tâm linh tới Gurdjieff họ không cảm thấy điều đó nhiều lắm, nhưng đàn bà tìm kiếm tâm linh sẽ cảm thấy điều đó. Điều này là vì thân thể vật lí của đàn ông có điện sinh học dương, còn thân thể vật lí của đàn bà có điện sinh học âm, cho nên các giới tính đối lập hấp dẫn lẫn nhau. Đàn ông chứng ngộ toả ra năng lượng cực kì lớn đối với đàn bà tìm kiếm tâm linh. Và cả hai điều sẽ xảy ra: đàn bà tìm kiếm tâm linh sẽ bị hấp dẫn về người kiểu như Gurdjieff và đồng thời cũng bị đẩy ra. Cái huých nội tâm sẽ được cảm thấy theo biết bao nhiêu cách, và từng người sẽ cảm thấy điều ấy theo cách của riêng mình.
Ở phương Tây, điều đó đã được cảm thấy rất sâu sắc bởi biết bao nhiêu lí do. Một lí do là ở chỗ thiếu những bước mở đầu. Ở Ấn Độ người tìm kiếm phải chạm vào chân thầy. Điều ấy dường như là không cần thiết, nó có vẻ hình thức, nhưng có những bí mật. Nếu bạn cúi đầu xuống trước thầy, bạn chạm vào chân thầy, trung tâm dục của bạn sẽ không bị huých bởi sự hiện diện của thầy, vì khoảnh khắc bạn buông xuôi, bạn sẽ cảm thấy năng lượng của thầy trên toàn bộ thân thể mình. Người buông xuôi trở thành một tổng thể. Bạn có thể đã không cảm thấy điều đó, nhưng khi tôi nói cho bạn, bây giờ bạn sẽ cảm thấy nó và biết tới nó.
Cho nên cách thức Ấn Độ để chạm vào chân thầy là nằm dài hoàn toàn trên đất. Tất cả các bộ phận thân thể đều phải chạm đất. Chúng ta gọi đó là sashtang. Điều đó có nghĩa tất cả các bộ phận thân thể đều chạm đất khi bạn nằm dài trên đất. Nhiều điều khoa học bắt đầu xảy ra. Thân thể bạn trở thành một và tác động rung động trên toàn bộ thân thể chứ không ở một trung tâm. Nó không thấm vào một trung tâm đặc biệt nào, mà vào toàn bộ thân thể. Bạn theo chiều ngang, và tác động đi dọc bạn từ đầu xuống chân. Nếu bạn theo chiều đứng, bạn đứng, cùng tác động đó sẽ đi qua bạn, nhưng nó không thể đi xuyên qua toàn bộ thân thể bạn được; nó không thể xuyên qua chân bạn được. Phần nhạy cảm duy nhất trong bạn là trung tâm dục, cho nên nó đi xuyên qua trung tâm dục. Nếu bạn đang đứng cùng với thầy, người đang ở phần trung tâm, tác động của thầy, rung động của thầy sẽ xuyên qua phần trung tâm của bạn. Nó có thể trở thành lực đẩy hay nó có thể trở thành lực hấp dẫn; trong cả hai trường hợp, đều sẽ có khó khăn. Nếu bạn nằm ra, thế thì luồng đi xuyên qua bạn, chạm tới bạn, chảy trong bạn từ đầu này tới đầu kia, và nó có hiệu quả dịu dàng.
Trên đất nước này, nơi người ta đã phát triển khoa học nội tâm này, điều đó đã trải qua nhiều thế kỉ. Và người ta chỉ biết tới bởi biết bao nhiêu kinh nghiệm, vì con người không thể nào được thực nghiệm như con lợn. Phải mất hàng thế kỉ để biết đến những điều này - chỉ qua kinh nghiệm và việc xảy ra. Người ta đã làm điều đó thành một điều kiện cơ sở mà mọi người phải bắt đầu với tin cậy, với niềm tin. Nếu bạn chân thành thế thì bạn trở nên cởi mở. Nếu bạn hoài nghi, thế thì bạn khép kín. Nếu bạn khép kín, thế thì cùng năng lượng mà đáng sẽ giúp bạn hướng tới bùng nổ của mình sẽ cứ xoay tròn. Nó không thể thấm vào bạn, bạn đóng kín. Nó sẽ không thể nào giúp bạn được. Nếu bạn cởi mở và tin cậy, thế thì nó sẽ đi sâu vào bên trong. Thế thì bùng nổ trở thành bùng nổ dây chuyền. Và điều này có thể xảy ra, điều này bao giờ cũng xảy ra. Cho nên thái độ tin cậy tạo ra dây chuyền bùng nổ lớn.
Đôi khi bùng nổ dây chuyền cứ tiếp tục mãi, thậm chí khi thầy ban đầu đã chết. Chẳng hạn, trong tín ngưỡng của người Sikhs, vị thầy thứ mười là vị thầy cuối cùng. Cho đến vị thầy thứ mười, các vị thầy đã liên tục nhau, người nọ tiếp người kia. Nhưng với người thứ mười, tín ngưỡng này đã dừng lại và bị đứt ra. Lí do là gì? Tại sao Govind Singh đã dừng dây chuyền lại? Nó đã liên tục từ Nanak tới Govind Singh. Nó đã là lực sống, nhưng với Govind Singh nó đã bị dừng lại. Nó không thể được truyền trao, vì không ai có khả năng. Không ai cởi mở để nhận nó một cách toàn bộ, hoàn toàn, và nó không thể nào được trao một cách bộ phận. Hoặc bạn cởi mở toàn bộ hoặc không.
Tin cậy một phần là không tin cậy. Nó chỉ là lừa dối. Không phải là bạn tin chín mươi chín phần trăm - thậm chí đến chín mươi chín phẩy chín phần trăm cũng chẳng có tác dụng. Một phần mười phần trăm hoài nghi đó sẽ đủ để giết chết toàn bộ vấn đề, vì một phần mười phần trăm hoài nghi đó sẽ làm cho bạn đóng lại. Nếu bạn tin cậy một cách cởi mở, thế thì có phản ứng dây chuyền; thế thì bạn hoàn toàn đi vào trong cái đụng chạm. Thế thì cái đụng chạm không chỉ là đụng chạm, nó trở thành một phần và một khoảnh bản thể bạn.
Nếu bạn cởi mở, điều ấy không có nghĩa là bạn đang lấy bất kì cái gì từ tôi. Không có cái "tôi" như thế. Không phải là bạn đang lấy cái gì đó từ ai đó, đấy chỉ là bản thân bạn được phản xạ trong cái ta riêng của mình. Chúng ta chỉ có vẻ tách biệt bởi vì bản ngã. Nếu bạn cởi mở, thế thì dây chuyền này có thể tiếp diễn hàng thế kỉ. Chẳng hạn, dây chuyền của Phật vẫn còn tiếp diễn. Tất nhiên, ngày nay nó không còn được rộng rãi nữa, nó đã trở thành dòng suối rất chật hẹp, nhưng nó vẫn tiếp diễn.
Khi Bồ đề đạt ma từ Ấn Độ tới Trung quốc, đấy không phải là để truyền giáo hay chuyển giao thông điệp của Phật cho người Trung quốc và những người khác. Đấy chỉ là việc đi tìm một người mà có thể được trao cho bùng nổ, người cởi mở đến mức trước khi Bồ đề đạt ma chết ông ấy có thể truyền trao được mọi thứ cho. Cho nên ông đã ngồi ở Trung quốc suốt chín năm, liên tục quay mặt vào tường. Nếu bạn có tới gặp ông ấy, ông ấy cũng chẳng thèm nhìn vào bạn. Lưng ông hướng vào mọi khách thăm. Cho nên nhiều người đã hỏi, "Cái gì thế này? Sao ông ngồi như thế này?" Bồ đề đạt ma sẽ nói, "Ta đã từng đối mặt với mọi người nhiều năm trời, nhưng ta chưa bao giờ thấy mặt họ khác gì hơn bức tường. Chẳng ai chịu tiếp nhận; mọi người đều giống như bức tường. Cho nên bây giờ thế này cũng chẳng khác biệt gì. Khi các ông tới ta mà không như bức tường, ta sẽ quay mặt lại với các ông, thế thì ta sẽ nhìn vào các ông."
Trong chín năm trời ròng rã không người nào tới mà có khả năng, người mà Bồ đề đạt ma có thể quay mặt ra. Thế rồi Huệ Năng tới. Ông ấy tới, đứng đằng sau, rồi chặt một bàn tay và đưa cho Bồ đề đạt ma và nói, "Bây giờ xin thầy đổi ý kiến, nếu không tôi sẽ chặt đầu mình." Bồ đề đạt ma quay mặt lại Huệ Năng và nói, "Bây giờ người này mới tới. Vì ông mà ta đã phải vượt qua cả rặng Himalayas." Và đã có truyền trao không kinh sách. Bồ đề đạt ma chẳng đem theo kinh sách nào, cho nên họ nói việc truyền trao đã được tiến hành mà không có kinh sách. Ông ấy chỉ nhìn vào mắt của Huệ Năng và thế là có truyền trao, giống hệt như từ điểm này sang điểm khác mà không có di chuyển ở giữa.
Cho nên điều này nữa cũng phải được hiểu. Dây chuyền các bùng nổ là các cái nhảy. Khi cái gì đó từ tâm thức tôi đi sang tâm thức bạn, đấy là một bước nhảy. Nó đã ở đây, và rồi nó đang ở đấy, và nó chẳng bao giờ ở giữa. Không có quá trình nào. Nếu bạn tiếp nhận, nếu bạn cởi mở, ngọn lửa đang ở đây sẽ đồng thời thấy có ở kia. Không có lỗ hổng thời gian. Dây chuyền này có thể tiếp tục mãi mãi, nhưng nó chẳng bao giờ tiếp tục. Điều đó là rất khó vì thậm chí với một thầy sống cũng khó mà cởi mở.
Tâm trí cố gắng theo đủ mọi cách để đóng kín vì cởi mở là chết. Với tâm trí đó là cái chết. Cho nên nó sẽ cố gắng. Nó sẽ tranh biện, nó sẽ tìm nhiều lí do để đóng kín. Nó sẽ tìm ra những điều rất ngớ ngẩn. Về sau, vào những khoảnh khắc khác, bạn không thể quan niệm được rằng những điều này có thể đã làm cho bạn hoài nghi, rằng những điều vô nghĩa này đã làm cho bạn ngần ngại. Những điều chẳng có nghĩa gì hết cả đang tạo ra rào chắn. Và nếu bạn không cởi mở, thế thì dây chuyền này, việc truyền trao này, là không thể được.
Tất cả thiền của bạn, và tất cả nhấn mạnh của tôi vào thiền, chỉ là để làm cho bạn cởi mở. Bất kì lúc nào bạn cởi mở, sẽ có truyền trao.
Những bùng nổ nho nhỏ xảy ra hàng ngày. Chúng chỉ là những thoáng nhìn vào phần trung tâm. Nhưng thoáng nhìn đó là không đủ. Nó có thể có ích, nhưng đừng thoả mãn với nó. Thông thường chúng ta trở nên thoả mãn với điều này. Có một thoáng nhìn, và người ta trở nên thoả mãn. Người ta làm nó thành kho báu, thế rồi người ta cứ nhớ mãi nó. Khi thoáng nhìn này được chuyển từ phần trung tâm sang phần ngoại vi, thế thì nó trở thành kí ức. Thế thì bạn nuôi dưỡng nó, thế thì bạn nhớ nhung nó, thế thì bạn cảm thấy phấn khởi về nó. Thế thì bạn bao giờ cũng tự hỏi khi nào nó lại xảy ra nữa. Thế thì nó đã trở thành một phần của phần ngoại vi, của kí ức. Nó là vô dụng.
Những bùng nổ nho nhỏ thậm chí có thể là định mệnh nếu bạn nuôi dưỡng chúng như kí ức. Vứt chúng đi, quên hết chúng đi. Đừng mong đợi lặp lại của chúng. Chỉ thế thì bùng nổ chính mới có thể có. Chỉ thế thì bùng nổ toàn bộ mới có thể có.
Cho nên có những bùng nổ nho nhỏ, nhưng tôi chẳng bao giờ chú ý tới chúng. Và bạn cũng không nên chú ý gì tới chúng, vì thế thì chúng chỉ trở thành một phần của kí ức. Chúng không thể phá huỷ được kí ức; ngược lại, chúng có thể làm mạnh nó. Cho nên một kinh nghiệm nhỏ, một kinh nghiệm tí hon, chẳng thể nào có tác dụng. Vứt nó đi. Chừng nào cái toàn bộ còn chưa đạt được, đừng bằng lòng.
Trước khi bùng nổ tối thượng, đừng thoả mãn. Đừng bằng lòng. Đừng bao giờ nhớ bất kì điều gì đã xảy ra. Không nên tích luỹ lại và nuôi dưỡng bất cứ kinh nghiệm gì. Khi nó đã xảy ra rồi, vứt nó đi, quên nó đi, tiến tới. Chừng nào còn chưa có bùng nổ toàn bộ... chẳng cái gì bùng nổ nho nhỏ có tác dụng cả, cho nên đừng chú ý vào đó.
Mọi thứ đã xảy ra, mọi thứ đang xảy ra, nhưng tôi chẳng bao giờ nói về những bùng nổ nhỏ cả. Nếu ai đó tới tôi và nói rằng có bùng nổ nhỏ này, tôi sẽ chỉ cố vứt nó đi. Nó không đáng nhớ, nó sẽ là rào chắn. Tiếp tục đi vào phần trung tâm, chừng nào bạn còn chưa đạt tới điểm mà từ đó không có việc quay lại. Khi điểm đó tới, nó không bao giờ là một phần của kí ức cả. Bạn nhớ chỉ những điều bị mất. Cái mà bao giờ cũng cùng bạn, bạn không cần phải nhớ.
Thực sự, bạn trở nên nhận biết chỉ khi kinh nghiệm mất đi. Nếu bạn nói, "Anh yêu em lắm," nhận biết rằng có mọi khả năng là tình yêu đang kết thúc. Nó có thể đã xảy ra rồi đấy. Nó chỉ là bản ngã của quá khứ. Đó là lí do tại sao tôi nhấn mạnh - "Anh yêu em lắm." "Lắm" là nỗ lực để lấp lỗ trống. Và có lỗ hổng. Tình yêu đã qua. Khi tình yêu tồn tại, bạn cảm thấy nó và sống với nó, im lặng là đủ. Khi nó đã qua, bạn huyên thuyên về nó. Bây giờ im lặng là không đủ. Ngược lại, trong im lặng tình yêu chết sẽ được phô bầy. Trong im lặng, bạn không thể che giấu nó. Bây giờ bạn bắt đầu huyên thuyên về nó. Thông thường, chúng ta không nói để kể mọi điều. Ngược lại, chúng ta nói để che giấu mọi việc. Trong im lặng, bạn không thể nào che giấu nó bằng lời được.
Bất kì khi nào bạn trở nên nhận biết về bất kì bùng nổ nhỏ nào, đừng nuôi dưỡng kí ức và đừng khao khát lặp lại của nó. Nó đã qua, nó đã trở thành một phần của quá khứ chết. Vứt nó đi. Để cho cái đã chết được chôn vùi, và tiến tới. Và khi bùng nổ thật, bùng nổ chính, bùng nổ tối thượng xảy ra, bạn sẽ không nhớ nó nữa. Bạn sẽ không cần phải nhớ nó, nó sẽ cùng với bạn. Nó sẽ là trung tâm của bạn. Nó sẽ là bản thể bạn, bạn không thể quên được nó. Không có ý nghĩa gì cho việc nhớ hay quên. Và chừng nào bùng nổ chính đó còn chưa xảy ra, bùng nổ nhỏ chẳng có nghĩa.
Và bạn cũng đã hỏi liệu mọi người quanh tôi có đang trải qua bùng nổ hay không. Có đấy, họ đang đi tới nó. Nếu họ không đi tới nó, họ không thể nào còn lại với tôi lâu được, họ không thể tiếp tục được. Cho nên bất kì khi nào một người không có khả năng tới tôi, hoặc họ sẽ tự ra đi hoặc tôi sẽ tạo ra những tình huống mà trong đó họ sẽ ra đi. Với họ chẳng thể làm được gì cả. Nhưng những người còn lại với tôi, sẽ tiếp tục với tôi. Tôi cho phép họ làm như vậy chỉ nếu họ đang hướng tới bùng nổ, nếu hiểu biết của họ đang sâu sắc hơn, nếu họ đang trở nên tỉnh táo và nhận biết hơn. Tất nhiên, con đường là gay go và có nhiều chông gai cạm bẫy. Người ta tiến lên một bước rồi lùi lại hai bước; việc ấy xảy ra hàng ngày. Con đường không thẳng băng; nó quanh co khúc khuỷu. Và nó cũng không phải là trên đất bằng; nó giống hệt như trên đường mòn đồi núi. Biết bao nhiêu lần bạn tới cùng một điểm, chỉ trên một mức độ hơi cao hơn.
Tôi cho phép ở gần tôi chỉ là những người mà tôi thấy có khả năng, tiềm năng; ngoài ra tôi tạo ra những tình huống mà trong đó chính họ sẽ rời bỏ đi. Rất dễ tạo ra một tình huống cho ai đó bỏ đi. Rất khó tạo ra tình huống cho ai đó ở lại. Mọi người đều sẵn sàng bỏ đi, vì đi tới phần trung tâm thực sự là cuộc phiêu lưu gay go duy nhất. Và với tôi, họ bao giờ cũng trong một cuộc vật lộn. Với tôi, họ không thể tồn tại ở phần ngoại vi được. Tâm trí của họ sẽ cố gắng bằng mọi phương pháp để còn ở lại phần ngoại vi, nhưng họ chỉ có thể ở lại với tôi nếu họ tiến về phần trung tâm.
Khi bạn ở cùng tôi, bạn vẫn tiếp tục ở phần ngoại vi, còn tôi vẫn tiếp tục ở phần trung tâm. Toàn bộ quá trình hệt như cuộc vật lộn nội tâm trong mỗi người trong các bạn. Bản thể bạn vẫn còn ở phần trung tâm, còn bản ngã bạn vẫn còn ở phần ngoại vi. Có vật lộn và căng thẳng. Và khi bạn tới tôi, bạn trở thành phần ngoại vi, tôi trở thành phần trung tâm, và cũng cuộc vật lộn đó bắt đầu. Nhưng ở cùng tôi sẽ có ích theo nhiều cách. Nếu bạn có thể tiếp tục ở cùng tôi một thời gian, bạn sẽ có thể còn lại với bản thể mình, với trung tâm mình, dễ dàng hơn nhiều. Hiện tượng này cũng giống hệt như nó ở bên trong từng cá nhân; không có sự khác biệt.
Khi tôi nói với bạn, tôi nói với bạn như phần trung tâm của bạn. Khi bạn ở cùng tôi dường như là bạn ở cùng với phần trung tâm của bạn. Và khi một ngày nào đó bạn sẽ bùng nổ vào phần trung tâm, thế thì bạn sẽ biết. Trước đó bạn không thể biết được. Trước đó bạn sẽ phải tin cậy vào tôi.
Khi bạn tới phần trung tâm của mình, thế thì bạn sẽ biết rằng bạn chưa từng sống với tôi trước đây, bạn chỉ sống trong phản xạ của trung tâm của mình. Nhưng điều đó tới chỉ muộn về sau khi bạn đi qua nó. Nhưng điều này sẽ xảy ra. Mọi người đều có khả năng tiềm năng này. Nếu người đó tự cản trở chính mình, đấy là vấn đề khác. Ngoài ra, nếu bạn không tự cản trở mình, nếu bạn không là kẻ thù với chính mình, bạn có khả năng như bất kì vị phật nào, và sự việc sẽ xảy ra.
Xem tiếp Chương 7 – Quay về Mục lục