Read more
Osho - Hạt Cải Trời
Chương 7. Kho báu vững chắc
Chúa Giê-Su nói: Nước Trời giống như một thương gia khôn ngoan tìm được ngọc quý. Vì thận trọng nên ông ấy đã bán tất cả hàng hóa để mua viên ngọc ấy. (1) Các người cũng nên tìm loại bảo vật không thể hư mất, mà mối mọt không thể làm mục nát, và giun dế không thể phá hủy (2).
Nếu nhìn ra ngoài, bạn chỉ thấy thế giới hỗn tạp. Nếu nhìn vào trong, bạn sẽ thấy thế giới của nhất thể. Nếu lăn lộn bên ngoài, bạn có thể thành công nhiều, nhưng đánh mất nhất thể đó. Mà nhất thể ấy là trung tâm của bạn; nếu mất nó, bạn sẽ mất tất cả. Bạn có thể rất thành công, nhưng cuối cùng cũng bị bỏ lại, bởi vì nếu không tìm được chính mình, thì cũng như không đạt được gì cả.
Nếu bạn không tìm được chính mình, cả thế giới cũng không thỏa mãn bạn được. Nếu không tìm được bản thể của mình, tiền tài danh vọng chỉ làm bạn nghèo hơn. Lý do là càng giàu thì bạn càng cảm thấy thiếu thốn, vì bạn có cái để so sánh; của cải bên ngoài làm cho cái bên trong có vẻ nghèo nàn hơn. Cho nên mâu thuẫn của người giầu có là càng giầu càng cảm thấy nghèo; càng có nhiều càng cảm thấy trống trơn, bởi vì sự trống rỗng bên trong không thể khỏa lấp được bởi cái bên ngoài. Chúng không thể đi vào bản thể của bạn. Khoảng trống bên trong chỉ có thể làm đầy khi bạn nhận ra chính mình. Phải phân biệt cho rõ. Thế giới bên ngoài là của đám đông, nhưng ở đó thiếu nhất thể tính. Mà nhất thể đó là mục tiêu; nó nằm bên trong bạn, vì vậy nếu tìm bên ngoài, bạn sẽ không thấy. Không có gì giúp được bạn cả; bất cứ bạn làm gì đều thất bại.
Tâm trí sẽ tiếp tục cho bạn hy vọng, “Được cái đó thì bạn sẽ mãn nguyện.” Khi đạt được rồi nó sẽ nói, “Thêm cái kia nữa thì sẽ thỏa mãn.” Nó sẽ nói, “Bạn không thành công vì bạn không làm hết mình. Bạn hụt hẫng vì bạn không đủ nhanh.” Lý luận của nó có vẻ hợp lý nhưng không đúng (3), mà nếu nghe theo nó thì dù bạn có cong lưng mà chạy, cực vẫn theo sau; cuối cùng chỉ còn cái chết.
Thế giới của đám đông là vương quốc của thần chết. Mà thế giới của nhất thể không biết chết là gì. Người đi tìm chính là kẻ phải tìm, không phải vật thể bên ngoài, mà chính nội tâm của bạn. Bạn phải quay trở vào trong; bạn phải đổi chiều, bạn phải đổi hướng, bạn phải quay trở lại. Đôi mắt bạn nhìn ra ngoài sẽ chiếu sáng bên trong. Nhưng nó diễn tiến ra sao?
Trừ phi bạn hoàn toàn chán nản với thế giới bên ngoài, nó sẽ không xảy ra. Nếu còn một tia hy vọng, bạn vẫn tiếp tục cố gắng. Thất bại ở đời thì tốt, và khi đã chán nản với thế giới bên ngoài thì một hành trình mới bắt đầu (4). Thất bại bên ngoài càng sớm càng tốt. Chán nản càng sớm càng tốt – bởi vì thất bại bên ngoài là bước đầu để hướng về bên trong (5).
Trước khi bàn về lời của Chúa, một số chi tiết quan trọng cần phải biết. Thương gia khôn ngoan ấy là ai? Là người đã dám đổi tất cả để lấy ngọc quý. Vậy thì ai là người ngu xuẩn? Là người đã bỏ quên chính mình mà đi tìm những vớ vẩn ở đời, là người làm tôi tớ cho của cải thế gian (6).
Tôi nghe như vầy. Bạn của Nasruddin rất giàu có. Và khi giàu thì thường người ta muốn tìm lại bạn cũ, trở về xóm cũ, vườn xưa, để mang áo gấm về làng. Cho nên anh ta từ tỉnh trở về làng cũ. Gặp Nasruddin tại nhà ga, anh ta nói, “Nasruddin, anh biết không, tôi đã thành công rồi! Bây giờ tôi giàu lắm, không thể tưởng tượng nổi! Nhà của tôi có năm trăm phòng, đúng là một lâu đài!”
Nasruddin nói, “Tôi cũng biết vài người có nhà năm trăm phòng.”
Người bạn nói, "Tôi có hai sân gôn, mỗi sân mười tám lỗ, ba hồ tắm và vườn nhà tôi rộng cả chục mẫu tây.”
Nasruddin nói, “Tôi biết một người ở làng bên cạnh có hai sân đánh gôn và ba hồ tắm.”
Người bạn hỏi, “Ở trong nhà sao?”
Nasruddin nói, “Anh biết không - có thể anh giầu có lắm, nhưng tôi cũng không đến nỗi quá tệ: Tôi có lừa, có ngựa, có heo, có trâu, có bò, có gà.”
Người bạn cười ngất và nói, “Nasruddin, thiếu gì người có lừa, có ngựa, có bò, có gà!”
Nasruddin ngắt lời anh ta và nói, “Ở trong nhà sao?”
Nhưng dù có gì chăng nữa - sân gôn mười tám lỗ, ba hồ tắm và năm trăm phòng, hoặc có lừa, có ngựa, có bò - bất cứ những gì bạn có bên ngoài sẽ không làm bạn thoả mãn, bởi vì cái nhà thật sự của bạn vẫn còn trống không, bạn vẫn trắng tay. Chẳng có gì vào được nhà của bạn; chúng vẫn nằm ngoài, bởi vì chúng thuộc về bên ngoài - không có cách nào mang chúng vào được. Cho nên bên trong bạn vẫn nghèo nàn. Nếu nó nằm ngoài thì nói làm gì.
Nếu sự trống rỗng thuộc về bên ngoài, ở ngoại vi, thì bạn có thể lấp đầy bởi nhà to, xe đẹp, hoặc những cái khác. Nhưng sự trống rỗng lại cảm thấy bên trong; bạn cảm thấy sự vô nghĩa ở bên trong. Không phải là bạn không có nhà to, xe đẹp, mà đó mới là đầu mối của mọi rắc rối. Bạn cảm thấy bên trong hoàn toàn vô nghĩa. Sao vậy? Sinh ra làm gì? Sống làm gì? Cùng đích của đời người là gì?
Mỗi sáng bạn thức dậy ra đi mà chẳng biết về đâu! Mỗi ngày trang điểm, quần áo chỉnh tề, nhưng chiều đến bạn chẳng gặt hái được gì, chẳng đạt được đích gì cả. Tối đến bạn ăn ra ngủ để rồi hôm sau lại tiếp tục như trước. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế mà lăn. Bên trong bạn cảm thấy trống vắng hoàn toàn, vì chẳng có gì cả. Cho nên bề ngoài thì bạn có thể lừa dối người khác được, nhưng chính mình thì không. Sao bạn có thể đánh lừa chính mình được?
Tích lũy càng nhiều thì càng lãng phí cuộc sống, bởi vì giá phải trả là chính đời sống của mình. Bạn thiếu sống động hơn. Thần chết đã gần kề mà rác rưởi ngày càng chồng chất, trong lúc bên trong của bạn ngày càng thu lại. Tới một lúc bạn hoảng hồn và tự hỏi, “Ta đã đạt được gì? Ta đã đi đến đâu? Ta đã làm gì cho đời ta?”
Nhưng đã lỡ làng rồi. Thời gian bỏ phí không trở lại với bạn nữa. Bạn không thể đòi lại được nữa. Dù có hối hận thì cũng đã trễ rồi. Cho nên chợ chiều nào cũng buồn bã cả. Nỗi buồn ấy không phải do tuổi già gây ra, mà vì bạn nhận thức được những gì bạn làm cho chính mình. Mua được một căn nhà mà bạn nghĩ đã thành công, đã giàu. Bạn thấy được những cặp mắt thán phục của người khác, nhưng trong mắt của chính mình thì sao? Bây giờ bạn cảm thấy nỗi đau của một đời lãng phí, sự nhức nhối của thời gian để mất.
Cái chết đang đến gần, và chẳng mấy chốc bạn sẽ ra đi với hai bàn tay trắng. Hố thẳm này thuộc về bên trong. Bạn không thể lấy của cải bên ngoài mà lấp đầy nó được - trừ phi bạn tìm ra chính bạn. Cho nên Chúa Giê-Su nhắc đi nhắc lại mãi, “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời.” (7) Tại sao? Giàu thì có sao đâu?
Giàu chẳng có gì sai cả. Chúa muốn nói về những người phí cả đời để làm tôi cho của cải thế gian. Những người đó không thể vào Nước Trời được, bởi vì nơi đó chỉ dành cho những người đã tìm ra nội tâm của mình (8). Tại cửa thiên đường anh ta không thể đánh lận con đen. Anh ta không thể vào được vì anh ta đã lãng phí, đã thối rữa, đã mục nát. Nơi đó anh ta không thể nhảy múa, không thể ca hát. Anh ta không thể vào với những tầm phào đã đạt được khi còn sống. Anh ta đã bật gốc; anh ta tích lũy được nhiều, nhưng đánh mất chính mình - Và đó là cái nghèo của anh ta. Nếu sở hữu chính mình thì bạn giàu, thật sự giàu. Nếu không sở hữu chính mình, dù là một hoàng đế thì bạn vẫn nghèo (9).
Thêm một điều cần phải hiểu là tại sao ta muốn tích lũy mọi thứ. Sự thật quá rõ ràng, nhưng chúng ta chẳng thèm để ý. Chẳng ai nghe Chúa, nghe Phật cả, mà dù bạn có lắng nghe, thậm chí bạn cảm thấy bạn hiểu, bạn cũng chẳng hề làm theo. Phải có lý do rất sâu sắc nào đó. Cho nên bạn lờ hẳn Phật, phớt tỉnh Chúa, và tiếp tục việc làm của bạn. Ðôi khi bạn cũng nghi ngờ, nhưng chỉ thế thôi; sau đó thì lại đâu vào đó. Phải có gì đã bén rễ rất sâu mà ngay đến cả Phật, đến cả Chúa cũng không lay được, không nhổ được. Cái đó là gì vậy?
Chúng ta sống vì người khác. Nét đặc thù của chúng ta do quan điểm của người khác mà có. Họ là gương để chúng ta nhìn vào; chúng ta thấy chúng ta trong mắt người khác. Vấn đề là ở đó, vì họ không thể nhìn được bản thể bên trong của bạn. Không gương nào có thể phản chiếu được nội tâm của bạn. Chỉ có cái bên ngoài của bạn mới có thể phản chiếu được; nó chỉ áp dụng cho những cái bên ngoài, những cái có hình, có sắc. Dù bạn đứng trước cái gương tốt nhất, nó cũng chỉ phản chiếu được thể xác của bạn. Không có mắt nào có thể phản chiếu được phần bên trong của bạn.
Cho nên mắt người đời phản chiếu tiền bạc của bạn, thành công của bạn trên đường đời. Nhưng họ không thể phản chiếu bạn được. Và khi thấy người khác nghĩ bạn nghèo vì quần áo không đẹp, nhà không to, xe không bóng, bạn phải đua đòi bằng được mới thôi. Bạn lam lũ cả ngày chỉ vì đôi mắt của người khác. Chúng thúc đẩy bạn trở nên giàu có hơn nữa, nhiều quyền lực, nhiều uy tín hơn nữa. Con người của bạn chỉ là những phản xạ của người khác, nhưng người khác có thể chỉ phản chiếu cái bên ngoài, chúng không thể phản chiếu bạn. Vì vậy, tĩnh tâm (10) rất là cần thiết.
Tĩnh tâm nghĩa là đóng đôi mắt bạn lại, không nhìn hình phản chiếu nữa, mà nhìn vào bản thể của chính mình. Không thì cả ngày bạn đã va chạm với người khác rồi, mà đêm tối thì hoặc bạn ngủ như chết, hoặc bạn dây dưa với người khác trong mơ. Nghĩa là bạn không thể tránh được người khác. Bạn được sinh ra trong một xã hội, sống với xã hội, chết với xã hội - Trọn cả cuộc sống của bạn chỉ gồm có xã hội. Và xã hội là những đôi mắt ở xung quanh.
Sự phản chiếu của những đôi mắt đó tạo ấn tượng cho bạn. Được người khen là tốt thì bạn cảm thấy thích thú. Nếu bị chê bai thì bạn thấy xấu hổ. Nếu người khác nói bạn đần độn thì bạn nổi điên. Bạn sống vì người khác; bạn bị người khác thôi miên. Hãy tìm nơi thanh vắng - Sống với người khác, nhưng đừng để người khác làm què quặt chính mình. Mỗi ngày chỉ cần nhắm mắt lại một giờ. Nhắm mắt nghĩa là để xã hội lại bên ngoài, chỉ còn lại mình bạn thôi – để bạn có thể giáp mặt chính bạn một cách trực tiếp. Mỗi năm một lần dành một vài ngày tìm nơi hoang vắng, chỗ không người, chỉ một mình bạn, để nhận rõ chân tướng của mình. Bằng không thì sống mãi với người khác bạn sẽ bị thôi miên. Đó là lý do tại sao bạn muốn được người khác thán phục, cho họ có ấn tượng tốt về chính mình. Bạn chẳng quan tâm đến đời sống của mình, mà chỉ muốn người khác nghĩ rằng bạn giàu. Đó là sự khác biệt giữa sống cho mình và sống cho người khác. Người khác thán phục bạn vì những gì bạn sở hữu, không phải vì con người của bạn. Nếu gặp Alexander trong quần áo của người ăn xin, bạn sẽ không nhận ra ông ta, nhưng nếu thấy tên ăn mày ngồi trên ngai vàng, bạn sẽ quỳ xuống chân ông ta; bạn nhận ra ông ấy vì quần áo!
Chuyện xảy ra cho Ghalib, một nhà thơ lớn của Ấn. Ông được nhà vua mời dự tiệc. Thực khách có đến năm trăm người. Ghalib là một người nghèo, như phần lớn những nhà thơ khác – khó mà giàu trong mắt người đời.
Nhiều người có hảo ý nói, “Ghalib, anh nên mượn bộ áo khác, đôi giày, và cái dù. Áo của anh phai màu quá rồi, dù thì đã rách nát, giày thì lủng lỗ. Đi dự tiệc như thế thì ai coi!” Nhưng Ghalib nói, “Mặc đồ của người khác thì tôi không cảm thấy thoải mái, bởi vì tôi chưa mượn của ai bao giờ. Tôi chưa từng nhờ vả ai cả. Trời sinh ra sao thì tôi sống như vậy. Chỉ vì miếng ăn mà phải phiền phức như vậy thì không nên.”
Trong bộ áo cũ kỹ ấy Ghalib đến dự tiệc vua mời. Khi ông ấy đưa thiếp mời thì lính canh cười ngất và nói, “Ông đã ăn cắp của ai vậy? Cút đi ngay lập tức, không thì sẽ bị bắt!” Ghalib không thể tin được. Ông ấy nói, “Tôi đã được mời mà. Cứ hỏi nhà vua thì biết!” Lính canh nói, "Tên ăn mày nào cũng nói nó được mời. Và ông không phải người đầu tiên. Nhiều người đã đến đây rồi. Đi chỗ khác chơi đi! Ðừng nấn ná ở đây nữa, bởi vì quan khách sắp đến rồi.”
Ghalib trở về. Vài người bạn của ông đã tiên liệu chuyện gì sẽ xảy ra, nên họ để sẵn áo choàng, một đôi giày, một cái ô. Khi ông ấy trở lại thì lính cánh cúi chào và nói, “Xin mời ông vào!”
Ghalib là một nhà thơ rất nổi tiếng. Nhà vua rất ái mộ ông ấy nên đã mời ngồi ngay bên cạnh. Khi tiệc bắt đầu thì Ghalib có cử chỉ rất lạ. Nhà vua nghĩ ông ấy có vẻ điên điên.
Ông ấy để đồ ăn lên áo và nói, “Áo ơi! Hãy ăn đi! Vì mày đã đến dự tiệc, không phải tao.”
Nhà vua hỏi, “Ông không sao chứ, Ghalib?”
Ghalib nói, “Không sao. Trước đây tôi đã đến, nhưng không được vào. Bây giờ nhờ chiếc áo này mà tôi được vào. Tôi phải đi theo, bởi vì nó không thể đến một mình. Không nhờ nó thì tôi không có mặt ở đây.”
Điều này xảy ra cho mọi người: bạn được người khác nhận ra vì quần áo của bạn. Vì vậy bạn mới phải quan tâm mãi về những cái bên ngoài.
Tĩnh tâm giúp bạn tạm ngưng giao thiệp với người khác, giúp bạn tránh đôi mắt của người khác, gương của người khác. Hãy tạm quên tất cả! Hãy lấy vài phút mà nhìn vào trong. Nó sẽ giúp bạn nhận ra được những vết thương bên trong, rằng bạn trống rỗng bên trong. Rồi bạn sẽ đổi mới. Nó sẽ giúp bạn tìm kiếm những kỳ quan của nội tâm – cái bảo vật mà bạn đã có từ lâu, thay vì những của cải bên ngoài.
Của cải bên ngoài thì rất nhiều, nhưng bảo vật bên trong chỉ có một. Bạn bị lôi, bị kéo về mọi hướng bên ngoài, nhưng tỉnh thức là mục đích duy nhất bên trong. Chúa Giê-Su nói: Nước Trời giống như một thương gia khôn ngoan tìm được ngọc quý. Vì thận trọng nên ông ấy đã bán tất cả hàng hóa để mua viên ngọc ấy.
Chuyện xảy ra như thế này. Một thương gia bôn ba khắp nơi để kiếm tiền. Ông ta mua bán đủ mặt hàng và kiếm được nhiều tiền, nhưng cuối cùng gặp được một viên ngọc. Ông ta bán tất cả hàng hóa để mua một viên ngọc ấy. Trên đường về nhà, tàu bị đắm. Nhưng vì chỉ có một viên ngọc nên ông ta có thể bơi vào bờ và trở về nhà, và nhờ vậy mà gia sản vẫn còn nguyên vẹn.
Ðây là câu chuyện mà Chúa Giê-Su nói đến. Người đó chỉ có một món, thay vì nhiều, cho nên khi tàu chìm thì không gì bị mất. Chỉ có một thứ thì dễ, nhiều thì khó mà giữa được tất cả. Khi tàu đắm, nếu chỉ có một viên ngọc, bạn sẽ có thể mang nó bơi vào bờ, nhưng nếu có nhiều, bạn sẽ không có thể mang theo tất cả. Một viên ngọc thì dễ, nhưng nhiều hàng hóa quá thì mang theo cách nào?
Chúa Giê-Su nói: Nước Trời giống như một thương gia khôn ngoan tìm được ngọc quý. Vì rất thận trọng nên ông ấy… Ông ấy là người khôn ngoan, bởi vì đổi một vật quý để lấy nhiều thứ khác thì thật là ngu ngốc. Lời khuyên của Chúa là: đổi nhiều thứ rẻ tiền để lấy một vật quý. Ngọc quý là biểu tượng của vật quý duy nhất: nội tâm của bạn.
Vì thận trọng nên ông ấy đã bán tất cả hàng hóa để mua viên ngọc ấy.
Các người cũng nên tìm loại bảo vật không thể hư mất, mà mối mọt không thể làm mục nát, và giun dế không thể phá hủy Vậy hãy bắt chước thương gia ấy, thận trọng và khôn ngoan. Bất cứ gì bạn gom góp được trong thế giới này sẽ bị lấy đi hết. Bạn không nhận thấy là bạn không thể chiếm hữu được bất cứ cái gì trên thế gian này sao? Bạn chỉ cảm thấy thế thôi. Có cái nay là của bạn, nhưng trước đây thuộc về người khác, khi bạn chưa sinh ra. Chẳng mấy chốc khi bạn chết, những cái của bạn lại vào tay người khác. Sự sở hữu của bạn giống như một cơn mơ, lúc thì có, lúc thì không. Chuyện tương tự đã xảy ra.
Vua Ebrahim một đêm nghe một tiếng ồn trên mái nhà. Ông ta hỏi, "Ai đó?" Người kia nói, “Xin hãy yên tâm! Con lạc đà của tôi bị mất, và tôi đang đi tìm.” Ebrahim cười và nói, “Thằng khùng kia, đi xuống mau! Lạc đà nào lên tận mái nhà mà lạc! Ði về đi!”
Nhưng Ebrahim không ngủ được, vì ông ta là người suy nghĩ sâu xa, “Có thể người ấy không điên mà nói tượng trưng. Biết đâu người ấy là một người huyền môn, vì cứ nghe giọng của người ấy thì rõ. ‘Xin hãy yên tâm!’ Nghe có vẻ êm ái và dịu dàng quá, không thể là của một người điên. Và người ấy nói, ‘Con lạc đà của tôi bị mất, và tôi đang đi tìm.’ Lời ấy có vẻ sâu sắc, hình như muốn chỉ báo gì đó. Sáng mai ta phải tìm người ấy! Ta phải coi người ấy là ai, liệu là người điên, hoặc một thánh nhân. Không rõ người ấy lên mái nhà vì điên, hay được sai đến để đưa cho mình một thông điệp.”
Cả đêm Ebrahim không thể chớp mắt. Hôm sau ông ta sai người đi tìm người có giọng nói ấy. Nhưng tìm khắp nơi cũng không ra người ấy, vì sao có thể căn cứ vào giọng nói mà tìm ra người được? Khó lắm!
Rồi đúng giữa trưa ngoài cửa thành có sự lộn xộn. Một khất sĩ xuất hiện và nói với người gác cửa, “Xin cho tôi tạm trú trong quán trọ này vài ngày.”
Người gác cửa nói, “Ðây không phải là quán trọ. Ðây là cung vua.”
Nhưng khất sĩ nói, “Rõ rằng đây là một quán trọ. Du khách đến đây, ở lại ít lâu rồi ra đi. Ở đây không có ai là chủ cả. Xin hãy cho tôi vào. Tôi sẽ nói chuyện với ông vua. Có lẽ là ông ta là người dốt nát.”
Ebrahim nghe được nên cho gọi khất sĩ đến. Vua rất giận dữ và hỏi, “Ông đã nói gì thế?”
Người ấy nói, “Hãy nghe đây! Lần trước tôi đến đây, nhưng người khác ngồi trên ngai vàng này. Ông ta cũng thuộc loại ngu ngốc như ông vậy đó, và ông ta nghĩ đây là dinh của ông ấy. Bây giờ ông cũng nghĩ đây là dinh của ông!”
Nhà vua nói, “Sao mà ngu thế! Và đừng có hỗn! Người ấy là cha của tôi, và nay người đã quá vãng rồi!”
Khất sĩ nói, “Và sau này, khi tôi trở lại, sẽ không thấy ông ở đây. Sẽ có người khác thay chỗ ông. Người đó sẽ là con trai của ông, và anh ta sẽ nói, ‘Ðây là dinh của tôi!’ Dinh thự nào mà kỳ lạ vậy? Người đến, rồi đi. Cho nên tôi mới gọi nó là một quán trọ.”
Giọng nói này quen quá! Nhà vua nói, “Vậy ông là người điên đã tìm lạc đà trên mái nhà!”
Khất sĩ nói, “Vâng, tôi cũng điên như ông vậy. Nếu ông tìm chính mình qua những hào nhoáng bên ngoài, ông cũng đi tìm lạc đà trên mái nhà!”
Nhà vua xuống khỏi ngai vàng và nói với khất sĩ, “Xin ngài hãy ở lại đây, và để tôi đi. Tôi ở đây vì tôi tin rằng đây là dinh thự của tôi, đây là nhà của tôi. Nếu đây chỉ là một quán trọ, tôi phải đi tìm nhà của tôi, trước khi quá trễ”
Ebrahim đã trở thành nhà huyền môn. Và khi được mọi người biết đến, khi ông đạt đạo, ông ấy thường sống ngoài phố - ngay giữa kinh đô của mình. Trước đây cung điện thuộc quyền sở hữu của ông ấy. Nay nó chỉ là một quán trọ. Ông ấy thường sống bên ngoài, và đôi khi có người hỏi, “Bati đâu rồi?” Bati nghĩa là thành phố, nhưng nó cũng có nghĩa là “nơi người ta sống”. Nhưng Ebrahim sẽ chỉ ra nghĩa trang. Ông ấy sẽ nói, “Quẹo tay phải, bạn sẽ gặp bati, nơi người ta sống.”
Có người đến đó. Lúc trở về họ giận dữ nói, “Ông thuộc loại người nào vậy? Chúng tôi hỏi bati, nơi có người ở, mà ông lại chỉ ra nghĩa trang!”
Ebrahim cười và nói, “Vậy là chúng ta hiểu lầm nhau rồi, bởi vì một khi đã vào đó thì không ai ra nữa. Đó mới là bati thực sự. Ở đó ông không bao giờ đổi địa chỉ, vì ông sẽ ở đó mãi mãi và vĩnh viễn. Cho nên ông không hỏi về thành phố thực sự, mà hỏi về thành phố này. Mà đó là một nghĩa trang, vì người người đang chờ để chết. Có người chết hôm nay. Mai thì người khác. Mốt thì lại người khác nữa. Lúc nào cũng có người chờ chết.
Vậy mà ông gọi đó là ‘bati’? Ông gọi đó là thành phố sao? Tôi thì gọi đó là nghĩa trang, vì đó là nơi người ta chờ chết, nơi đó chẳng có gì ngoài sự chết.” Nếu đời sống tồn tại, đó chẳng qua chỉ là đang chờ cái chết. Mà sao sự sống lại là chờ cái chết? Sao đời sống có thể chóng qua như thế? Sao nó lại giống như một giấc mơ như thế?
Nó xuất hiện, rồi lại biến đi. Cuộc sống phải là cái gì vĩnh cửu. Nhưng nếu muốn tìm cái vĩnh cửu, hãy làm như thương gia thận trọng kia; hãy bán tất cả những gì mà bạn có. Hãy bán đi và mua lại một thứ duy nhất. Đó là viên ngọc của bản thể bên trong. Nó không thể bị chìm, không thể bị lấy đi, bởi vì nó chính là bạn. Bạn chỉ có thể sở hữu được chính mình, ngoài ra không gì có thể sở hữu được cả.
Bạn có thể sống trong ảo tưởng. Đó là chuyện khác. Qua ảo tưởng bạn nghĩ bạn sở hữu căn nhà này, người vợ này, chồng này, con cái này, nhưng cũng chỉ là ảo tưởng. Chẳng chóng thì chầy giấc mơ cũng hết. Bạn chỉ có thể sở hữu chính mình, vì cái đó sẽ không bao giờ mất đi. Bản thể ấy thường hằng, vĩnh cửu; nó mãi mãi là của bạn. Nó không thể bị tước đoạt bao giờ.
Ðây là sự khác nhau giữa tìm kiếm của tôn giáo và của thế gian. Tôn giáo tìm cái vĩnh cửu, mà thế gian tìm cái vô thường. Thế gian thuộc về thời gian, mà tôn giáo vượt thời gian. Hãy quan sát một sự kiện đơn giản này. Là khi bạn nhắm mắt lại, và khi ý tưởng không còn, thời gian cũng mất theo. Khi ý tưởng trở lại, thời gian cũng xuất hiện. Mỗi khi có sự vật là có thời gian.
Thời gian tồn tại xung quanh bạn, cả khối thời gian. Nhưng bên trong bạn là vĩnh hằng, bất tận. Cho nên những người đạt đạo đều nói rằng khi bạn đã vượt trên thời gian, khi bạn đã ra hẳn ngoài thời gian, bạn đã gặp lại chính bạn, bạn đã về nhà.
Có một chuyện như vầy. Một anh nghèo làm trong một nhà máy. Anh ta thường đi làm bằng con lừa. Mà anh thường về trễ nên vợ luôn luôn giận dữ. Cuối cùng anh ta phải giải thích, “Vấn đề là thế này. Khi tiếng còi cuối cùng vang lên, con lừa này trở nên quá quen với tiếng còi, đến nỗi nếu tôi ra trễ một hai giây, là nó tự ý bỏ đi, chẳng biết có tôi hay không. Mà lúc đó người nào cũng đổ xô ra về! Ai cũng muốn về nhà ngay tức thì, cho nên nhiều lần tôi ra khỏi sở thì nó đã bỏ đi rồi! Nó chỉ chờ hai hay ba giây là cao. Nếu tôi ra kịp thì không sao, bằng không thì tôi phải lội bộ một mình. Rắc rối là chỗ đó.” Anh ta nghĩ vợ sẽ hài lòng nên hỏi lại, “Bà có hiểu đầu đuôi của câu chuyện hay không?”
Vợ anh nói, “Hiểu chứ. Con lừa cũng còn biết khi nào phải về nhà mà!”
Con lừa cũng biết tới giờ phải về nhà, nhưng bạn chưa ý thức được nhà của bạn ở đâu, và lúc nào phải về. Bạn lang thang mãi; bạn cứ gõ cửa nhà người khác; bạn quên bẵng nhà của bạn ở đâu. Vì vậy nếu bạn cảm thấy bồn chồn thì cũng chẳng lạ. Nếu bạn không bao giờ thấy thoải mái thì cũng dễ hiểu thôi. Bạn ngao du hết nơi này đến nơi khác. Cái bệnh điên đó từ đâu mà có vậy? Bạn tìm gì? Được dịp là ai cũng đi. Người ta làm việc, để dành tiền rồi đi vòng quanh thế giới. Tại sao? Bạn có đạt được gì không?
Tôi nghe kể về một thợ săn người Mỹ đi thám hiểm núi lửa ở Hy Lạp, vào thẳng trung tâm của núi lửa. Anh ta nói với hướng dẫn viên, “Trời đất! Như là địa ngục vậy!”
Hướng dẫn viên nói, “Người Mỹ các anh – các anh đã đi khắp nơi! Nếu có đủ phương tiện thì cả địa ngục cũng không từ!”
Nhưng sao có sự bồn chồn này? Sao con người có máu lang thang như vậy? Bởi vì nhà của bạn đã mất nên bạn đi tìm. Bạn đi sai hướng, vì sự bất an của bạn cho thấy như vậy. Bất cứ nơi nào bạn đến, đều không phải nhà của bạn (11). Khó khăn là ở đó. Cho nên bạn tiếp tục tìm kiếm, thậm chí cả địa ngục bạn cũng mò tới, nhưng bạn không sẽ tìm thấy bất cứ ở đâu, bởi vì nó nằm bên trong bạn. Thậm chí con lừa cũng biết lúc nào phải quay về!
Tới giờ rồi. Đã trễ rồi. Bạn đã chờ quá lâu. Đừng tìm bên ngoài, đừng tìm nơi người khác, đừng tìm trong đồ vật – nơi đó bạn sẽ gặp những cái hỗn tạp, những cái đa dạng mà người Ấn gọi là maya. Maya (12) là cái hỗn tạp, đa dạng. Bạn tiếp tục tìm kiếm trong vô vọng. Đó là thế giới của những bóng ma. Maya nghĩa là ma lực của những cái hỗn tạp. Ma lực che mắt bạn. Bạn tìm mãi mà không thấy gì, vì đó là thế giới của ma quái; mỗi khi bạn đến gần thì nó lùi lại đàng sau, như thể cầu vồng. Từ xa nhìn lại thì đẹp. Nó sẽ hấp dẫn bạn, làm bạn điên đảo, làm bạn mơ màng, làm bạn ham muốn; bạn muốn giữ lại cầu vồng trong tay. Mà bạn càng tiến gần, nó càng lùi về sau.
Mỗi bước bạn đặt chân đến, bạn chẳng thấy gì cả. Cầu vồng ấy như thể cơn mơ, như thể ảo ảnh. Người Ấn gọi thế giới hỗn tạp này là maya – thế giới của mộng tưỏng, như thể do một ảo thuật gia dựng lên (13). Bạn tạo ra nó bằng sự ham muốn của mình; bạn đã sáng tạo ra những ham muốn đó – bạn là tác nhân của thế giới hỗn tạp ấy.
Hãy lấy chiếc xe làm thí dụ. Nếu mặt đất này không có người, nó có giá trị gì không? Ai sẽ là người yêu thích nó? Ai quan tâm về nó? Chim chóc chẳng thèm nhìn; trâu bò cũng chẳng thèm ngó đến. Chẳng ai chú ý đến nó. Nó sẽ rỉ sét, sẽ biến thành là rác rưởi. Nhưng nếu có người thì nó thành quý giá. Vậy giá trị ấy do đâu mà có? Nó là kết quả của lòng ham muốn; nếu bạn muốn có, nó trở thành có giá; nếu bạn không thèm nó, giá trị của nó biến mất. Tự nó chẳng có giá trị gì. Lòng ham muốn của bạn đem lại giá trị cho nó.
Cung và cầu là quy luật cơ bản của kinh tế học. Có đòi hỏi (cầu) là có cung ứng theo sau. Nhưng quy luật ấy đã thay đổi hoàn toàn. Có cung là sẽ có cầu. Bạn có nghĩ rằng trong thời Đức Phật có người mơ tưởng đến xe hơi không? Vấn đề không được đặt ra vì xe không có thì lấy gì mà mơ tưởng. Ngày nay cung cấp sản phẩm mới là một doanh nghiệp lớn. Trước hết tạo ra hàng mới, rồi quảng cáo, sau đó ham muốn sẽ theo sau. Rồi bạn đổ xô đến để xem, “Đây là cái mà tôi đang chờ cả đời. Nếu có được thì tôi sẽ thỏa mãn.” Nhưng sản phẩm mới được phát minh liên tục; quảng cáo tiếp tục tạo những ao ước mới.
Năm nào cũng có xe mới, nhà mới, mục tiêu mới. Sản phẩm mới luôn luôn được cung cấp để bạn hướng ra ngoài; bạn không có khoảng trống để suy nghĩ. Xe của bạn vẫn còn tốt, nhưng kiểu mới đã xuất hiện. Vậy nếu cứ chạy xe cũ thì cái tôi sẽ bị tổn thương. Kiểu mới có thể không tốt hơn - thậm chí có thể tệ hơn - nhưng không có kiểu mới thì không được. Bạn phải có vì ông hàng xóm đã có, vì mọi người đang bàn về nó.
Một phụ nữ đến nói với bác sĩ, “Hãy mổ cho tôi đi!”
Bác sĩ nói, “Cái gì? Bà đã điên chưa? Tại sao phải mổ? Bà hoàn toàn khỏe mạnh mà!”
Bà ấy nói, “Khổ một cái là mỗi lần tôi đến câu lạc bộ thì nghe bà này cắt ruột dư, bà kia cắt amiđan. Chỉ có tôi là không bình thường - không có gì để khoe cả! Vậy hãy cắt cái gì đi; tôi muốn có gì để khoe với mọi người.”
Bệnh tật mà cũng có cạnh tranh! Bạn phải dẫn đầu mọi người, bất kể hậu quả ra sao; bạn phải chiếm giải nhất.
Ba hành khách đấu láo trên xe lửa. Một người đem vợ ra khoe, “Vợ chồng tôi kết hôn đã mười năm, vậy mà mỗi đêm nhà tôi ra tận nhà ga để đón tôi về.” Không thể tin được!
Người thứ hai nói, “Tin được chứ! Vì tôi đã kết hôn được hai mươi năm mà vợ tôi vẫn còn ra đón tôi tại nhà ga mỗi đêm.”
Người thứ ba nói, “Tôi may mắn hơn! Vợ tôi đến đón tôi đã ba mươi năm rồi. Mặc dù tôi chưa hề kết hôn với bà ấy, bà ấy vẫn đến đón tôi. Tôi may mắn hơn hai vị!”
Dù biết người khác đang khoác lác, bạn cũng phải hơn họ mới xong; bạn phải đứng đầu - bất cứ chuyện gì. Nếu thời trang thay đổi, bạn cũng đua đòi cho được, dù kiểu mới có đẹp hay không. Không một ai ở nhà, vì người nào cũng gõ cửa nhà khác.
Ðó là những lời Chúa nói:
Nước Trời giống như một thương gia khôn ngoan tìm được ngọc quý. Vì thận trọng nên ông ấy đã bán tất cả hàng hóa để mua viên ngọc ấy.
Các người cũng nên tìm loại bảo vật không thể hư mất, mà mối mọt không thể làm mục nát, và giun dế không thể phá hủy.
Hãy tìm cái bất tử và luôn luôn tỉnh táo. Ðừng phí thời giờ với những cái không bền. Đừng chạy theo những cái sẽ thay đổi, trong thế giới luôn luôn thay đổi. Vậy thì bạn nghĩ những gì sẽ tồn tại mãi mãi? Trong đời bạn đã gặp những gì đã cho bạn một cảm giác rằng chúng sẽ tồn tại mãi mãi chưa? Thế giới hữu hình ở quanh bạn – chẳng có gì tồn tại cả. Vật sẽ đổi, sao sẽ dời; chúng sẽ già, sẽ chết; thậm chí trái đất này cũng sẽ biến mất.
Hi Mã Lạp Sơn chưa có trong thời Vệ-Đà (14), vì kinh Rig Veda không hề nhắc đến chúng. Nếu Hi Mã sừng sững ở đó thì không thể không nhắc đến, dù chỉ một lần! Sao bạn có thể không chú ý tới rặng núi đó được? Mà kinh nói về mọi thứ khác, nhưng không hề nhắc đến chúng. Vì lý do ấy nên học giả Tilak cho rằng kinh Vệ-Đà đã có ít nhất bảy mươi lăm nghìn năm. Điều ấy có vẻ hợp lý. Có thể chúng không được viết đã lâu như thế, nhưng chắc đã được truyền miệng cả nghìn năm rồi. Ðó là vì sao Hi Mã chưa được đề cập ở đó.
Các nhà khoa học nói rằng Hi Mã xuất hiện cách đây không lâu lắm; chúng là rặng núi cao nhất, nhưng trẻ nhất. Chúng vẫn còn cao, vẫn còn trẻ - mỗi năm mỗi cao hơn. Vindhya là núi có nhiều tuổi nhất - Có lẽ vì vậy nó khòm như lưng ông già sắp chết. Người Ấn có một giai thoại thú vị về Vindhya.
Tiên tri Agastya đi về hướng nam. Hồi đó mỗi lần phải qua Vindhya là một việc lớn. Truyền thuyết nói rằng khi Agastya đến, Vindhya cúi xuống để hôn chân ông ấy, và tiên tri nói, “Tôi sẽ trở lại ngay. Hãy giữ tư thế đó để tôi đi qua cho dễ!” Đến nay Vindhya còn uốn mình nằm chờ, mà tiên tri không hề quay lại nữa. Ông ta chết ở phía nam. Nhưng chuyện ấy rất thú vị. Vindhya, ngọn núi cổ nhất của trái đất, lưng còng như một ông già.
Thậm chí những ngọn núi trẻ sẽ già đi. Chúng chết đi thì ngọn khác lại sinh ra. Không có gì thường hằng ở thế giới bên ngoài. Hãy nhìn cây cối, sông núi: chúng có vẻ tồn tại mãi mãi, nhưng xem kỹ lại thì cảm giác ấy biến mất.
Sau đó hãy quay vào trong và quan sát ý tưởng của bạn. Chúng còn phù du hơn nữa. Chúng liên tục thay đổi; không một ý nghĩ nào kéo dài. Mới đây bạn giận dữ và bị ý tưởng giận dữ tràn ngập; ít lâu sau thì bạn cười vui vẻ và những ý tưởng giận dữ đó biến mất hoàn toàn, như thể chúng chưa hề có mặt. Tựa mây trên bầu trời; chúng đến và đi; chúng liên tục thay đổi hình dạng, giống hệt như những đám mây - chúng y hệt như mây.
Suy ngẫm về mây bạn sẽ nhìn thấy hình tướng của chúng thay đổi liên tục. Nếu không quan sát thì bạn không thấy, mà nếu quan sát bạn sẽ thấy chúng thay hình đổi dạng luôn luôn; không một khoảnh khắc nào hình dạng của mây không thay đổi. Tâm trí của bạn cũng thế: ý tưởng cũng có đặc tính y hệt một đám mây, nó thay đổi không ngừng. Ðó là lý do tại sao bạn không thể tập trung, bởi vì tập trung nghĩa là ý tưởng nào đó không được thay đổi. Vấn đề ở chỗ đó, vì ý tưởng liên tục thay đổi. Nó thay đổi mãi mãi, bất kể bạn làm gì: ý nghĩ này chuyền tay ý nghĩ khác, hình thù này nối tiếp hình thù kia. Thế giới của tư duy thay đổi không ngừng.
Đồi núi, mây nước thay đổi, chỉ bầu trời vẫn còn lại mãi mãi - nó kéo dài. Nội tâm của bạn cũng thế: mọi thứ thay đổi xung quanh bạn, ý tưởng thay đổi bên trong bạn - ngoại trừ bầu trời của tâm thức: quan sát viên bên trong, là không thay đổi. Ðó là viên ngọc quý mà Chúa nói đến. Đó là nhân chứng của mọi thay đổi xung quanh. Vì không có hình dáng rõ rệt nên nó không thể thay đổi. Có hình tướng tất có thay đổi. Hình hài không có thì thay đổi cách nào? Nó không có hình dáng rõ rệt. Người Ấn gọi là nirakar - vô định hình. Nếu bạn tìm đến cái vô định hình này bên trong, ban đầu nó có vẻ trống rỗng, vì bạn chưa hề biết cái vô định hình ấy bao giờ, bạn chỉ cảm thấy trống không. Nhưng đừng lo, đừng sợ, hãy đi vào. Khi bạn đã quen với nó, khi bạn đã ổn định trong đó, thì trống không không phải là trống không nữa: nó trở thành vô định hình. Khi đạt được vô định hình này, bạn có viên ngọc quý. Nghĩa là bạn đã đổi cái nhiều để lấy cái một. Hiện giờ, bạn đang đổi cái một để lấy cái nhiều. Mà cái một là ngọc quý, và cái nhiều chỉ là những hòn sỏi.
Chúng có vẻ rất quý, nhưng không phải, vì chúng không thể lâu bền. Lâu bền và vĩnh cửu là tiêu chuẩn của chân lý - hãy nhớ rõ điều này. Chân lý là gì? Là cái lâu bền và kéo dài vô tận. Mơ là gì? Là cái có mở đầu và có đoạn kết; là cái không thể kéo dài mãi mãi. Vậy hãy tìm cho được viên ngọc quý mà không ai có thể cướp đi được, ngay cả thần chết nữa. Lúc chết thì thân thể chết đi, và ý tưởng sẽ biến mất. Nhưng bạn thì sao? - Bạn sẽ tiếp tục mãi mãi.
Sự chết xảy ra quanh bạn, nhưng không bao giờ xảy ra cho bạn. Nó xảy ra ngoài ngoại vi, nhưng tại trung tâm thì không; nó xảy ra ở bên ngoài. Bạn sẽ không bao giờ chết, không thể chết. Đồi núi biến mất, mây đến rồi đi, nhưng bầu trời vẫn thế. Và bạn là bầu trời. Tính trời của bạn giống như bầu trời: trống rỗng, tuyệt đối trống rỗng, không có hình thù rõ rệt. Tất cả xảy ra bên trong nó, nhưng không gì phá hủy được nó. Ðây là những gì Chúa muốn nói. Các người cũng nên tìm loại bảo vật không thể hư mất, mà mối mọt không thể làm mục nát, và giun dế không thể phá hủy.
Chú Thích:
1. Mat-Thiêu 13:45
2. Thánh kinh cách thức không có câu này.
3. Theo Lý Luận Hình Thức (formal logic), một lý luận được coi là đúng nếu hợp đủ hai điều kiện: 1. Phải hợp lý (sound), 2. Phải đúng sự thật (true).
4. Kinh Dịch, quẻ Sơn Phong Cổ, viết, “Cổ: nguyên, hanh, lợi thiệp đại xuyên”, nghĩa là đổ vỡ thì tốt; qua sông lớn rất có lợi. Qua sông lớn, nói theo thuật ngữ của Phật Giáo, nghĩa là qua bờ bên kia: bờ của giác ngộ, giải thoát.
5. Chúa Giê-Su nói, “Kẻ đứng cuối cùng là kẻ đứng đầu” (Mat-Thêu 20:16)
6. Chúa Giê-Su nói, “Nếu được cả thế gian mà mất linh hồn thì cũng vô ích.” (Lu-Ca 9:25)
7. Mat-Cô 10:25.
8. Chúa Giê-Su nói, “Nước Trời trong lòng các ngươi.” (Luca 17:20)
9. “Nếu được cả thế gian mà mất linh hồn mình thì phỏng có lợi gì?” (Mat-Thiêu 10:26)
10. Meditation thường được dịch là “thiền quán”. Từ mà người Công Giáo quen dùng là “tĩnh tâm”.
11. Chồn có hang, chim có tổ, nhưng ta chẳng có nhà, thậm chí một chỗ để gối đầu.” (Mat-Thêu 8:20)
12. Maya là ma lực che mắt con người, không cho thấy thực tướng của sự vật, tương tự vô minh của Phật Giáo.
13. Người Ấn nói rằng toàn thể vũ trụ này chỉ là một vở kịch – leela – mà trong đó mỗi người chúng ta thủ một vai trò nào đó, và nếu ta tự đồng hóa với vai trò ấy, tức là ta đã bị maya che mắt, và ta sẽ rước lấy đau khổ cho chính mình. Nghiệp dữ do cũng sự tự đồng hóa ấy mà có.
14. Kinh Vệ-Đà của Ấn đã có ít nhất mười ngàn năm
Xem tiếp Chương 8 – Quay về Mục lục