Chương 7. Người trong cõi lặng

Chương 7. Người trong cõi lặng

Price:

Read more

Osho - Kinh Kim Cương
Chương 7. Người trong cõi lặng

Lúc ấy Phật bảo, ‘Phải, Subhuti, bởi vì Như Lai đã dạy rằng các pháp riêng biệt của chư Phật không phải riêng biệt của vị phật. Vì vậy mới gọi là các pháp riêng biệt của chư Phật.’
Phật hỏi, ‘Subhuti, ông nghĩ sao, vị Tu đà hoàn có nghĩ rằng mình đắc quả Tu đà hoàn chăng?’
Subhuti thưa, ‘Bạch Thế Tôn, không. Tại sao vậy? Bởi vì vị Tu đà hoàn không còn thấy mình chứng đắc quả Tu đà hoàn mới gọi là Tu đà hoàn.’
Phật hỏi, ‘Subhuti, ông nghĩ sao, liệu vị Tu đà hoàn còn nghĩ rằng ‘bởi tôi đã đắc quả Tu đà hoàn nên tôi đã tu chứng’ không?
Subhuti thưa: ‘Bạch Thế Tôn, không. Tại sao vậy? Bởi vì vị Tu đà hoàn chưa từng chứng đắc bất kì pháp nào. Do đó mới gọi là Tu đà hoàn.’ Không đắc vật nào, không âm thanh, mùi vị, xúc giác hay vật nào trong trí. Do đó mới gọi là Tu đà hoàn. Bạch Thế Tôn, nếu vị Tu đà hoàn còn nghĩ rằng ‘bởi tôi đã đắc quả Tu đà hoàn nên tôi đã tu chứng’ thế thì trong người đó sẽ có nắm giữ cái ta, nắm giữ cái người, nắm giữ linh hồn, nắm giữ mạng sống.’ Phật hỏi, ‘Subhuti, ông nghĩ sao, vị Alahán có nghĩ rằng mình đắc quả Alahán chăng?’ Subhuti thưa, ‘Bạch Thế Tôn, không. Tại sao vậy? Bởi vì vị Alahán không còn thấy mình chứng đắc quả Alahán mới gọi là Alahán. Tại sao vậy?Bạch Thế Tôn, cũng như tôi đây, tôi không nghĩ mình đã tu chứng, nên Như Lai mới gọi tôi là người trong cõi lặng, tôi không nghĩ mình đắc quả Alahán nên Như Lai nói Subhuti là bậc Alahán không còn ham muốn, người không ở đâu cả nên gọi là người trong cõi lặng.’
Kinh Kim Cương đối với phần lớn các bạn có vẻ như ngớ ngẩn, điên khùng. Nó phi lí nhưng không phản hợp lí. Nó là cái gì đó vượt ra ngoài lí trí; đó là lí do tại sao rất khó để diễn đạt nó trong lời.
Cách đây ít lâu, ở nhà tôi có một mục sư người Mĩ thích uống whisky, nghiện thuốc lá và mê món bắp rang. Một hôm, lang thang trong thư viện của tôi, tình cờ ông ấy vớ được Kinh Kim Cương. Trong khoảng mười đến mười lăm phút ông ta giở xem vài trang đây đó rồi ông ta đến bảo tôi, "Cái tay gọi là Phật ấy có lẽ điên. Chẳng những tay ấy điên, mà các đệ tử của tay ấy cũng điên luôn."
Tôi có thể hiểu được phát biểu của ông ta. Phật sẽ có vẻ điên đối với các bạn, vì ông ấy đang cố gắng nói cái không thể nói được. Ông ấy đang cố gắng nắm bắt cái gì đó mà về bản chất không thể nắm bắt nổi. Bởi vậy mới có những câu nói lạ lùng như trên - chúng thật lạ lùng. Chúng lạ lùng bởi cách thức chúng được nêu ra, cách thức chúng được diễn đạt, là không logic. Chúng chẳng có nghĩa gì, ít nhất là bề ngoài.
Và nếu bạn không cảm thấy cái gì đó của cõi bên kia, thì sẽ rất khó cho bạn hiểu điều Phật đang cố gắng làm. Chúng ta chỉ có thể hiểu những gì chúng ta đã kinh nghiệm, nếu không hiểu toàn bộ thì ít ra cũng hiểu được một phần. Bằng không hiểu biết của chúng ta vẫn còn bị bắt rễ trong kinh nghiệm của chúng ta.
Sự việc xảy ra: Buổi sáng hôm ấy cậu bé Charlie lần đầu tiên đến trường. Khi về nhà, mẹ em hỏi, "Thế nào, Charlie, con có thích trường không?"
"Cũng thích mẹ ạ, nhưng con chưa nhận được quà* của con."
* Chỗ này chữ ‘present’ vừa có nghĩa là món quà, vừa có nghĩa là hiện diện. Em bé hiểu lầm lời thầy phải hiện diện ở đấy là đợi để nhận quà.

"Quà cho con sao?" Mẹ em hỏi, "Là sao?"
"Khi gặp con, thầy giáo bảo, "Em cứ ngồi đây để nhận quà, em bé ạ." Con đã ngồi đó suốt cả sáng... mà chẳng nhận được gì cả!"
Bây giờ, hiểu biết của một em bé là hiểu biết của em bé. Và đó cũng là cách thức của các bạn - những em bé khi so sánh với Phật, khi liên quan tới những tuyên bố của Phật. Tuyên bố của Phật là về kinh nghiệm tối thượng. Bạn sẽ phải rất rất kiên nhẫn, chỉ thế thì cái gì đó mới bừng lên trong tâm thức bạn. Chúng có ý nghĩa vô biên. Cho dù hiểu được một lời phát biểu thôi, điều đó sẽ chứng tỏ nguồn gốc căn bản, cái sẽ làm thay đổi bạn đến tận gốc rễ.
Một người bố lần đầu tiên đưa cậu con trai nhỏ đi xem ca kịch. Người nhạc trưởng bắt đầu vung chiếc đũa chỉ huy và giọng nữ cao của một cô gái vút lên. Cậu bé chăm chú quan sát mọi thứ và cuối cùng hỏi, "Bố ơi, sao ông kia lại lấy đũa đánh cô này?"
"Ông ấy không đánh cô ấy bằng đũa đâu," ông bố giải thích.
"Thế tại sao cô ấy lại kêu ầm lên?""
Đã bao lần những ý niệm này nảy ra trong trí bạn: Phật nói gì thế nhỉ? Nó có vẻ quá điên khùng, chẳng có nghĩa gì cả. Nó vượt ra ngoài ý nghĩa thông thường. Bạn sẽ phải thu hết toàn bộ khả năng mình để trèo lên cái gì đó cao hơn mình. Bạn sẽ phải với tay sang cõi bên kia. Nếu bạn có thể chạm được dù chỉ một mẩu nhỏ những lời này, cuộc sống của bạn sẽ không bao giờ như cũ nữa.
Nhưng đó là điều khó. Chúng ta sống bắt rễ trong đất. Chúng ta giống như cây cối bắt rễ vào trong đất. Phật là con chim tung cánh bay trên trời. Bây giờ những cây dính chặt vào đất này đang cố hiểu thông điệp của con chim không có rễ nào trong đất nữa, con chim đang bay trên trời, biết rõ cái bao la, cái vô biên của bầu trời. Ông ấy có cái hiểu khác hẳn, tầm nhìn khác hẳn. Và khoảng cách thật bao la.
Chỉ rất ít người mới có thể có một vài thoáng nhìn về điều Phật đang cố gắng làm. Cái gì đó mang giá trị tuyệt đối đang được truyền đạt cho bạn. Nếu bạn không thể hiểu được, nhớ rằng bạn không hiểu được. Chớ nói, như ông mục sư thích rượu whisky, thuốc lá và bắp rang, rằng Phật điên. Đừng nói điều đó, nhận biết về điều đó. Nói Phật điên thì dễ hơn, thế thì bạn cởi bỏ trách nhiệm về hiểu; thế thì bạn có thể gấp quyển Kinh Kim Cương lại và quên tất cả về nó.
Nếu bạn nói, "Điều này vượt quá khả năng của tôi," thế thì có thách thức. Khi bạn nói, "Có thể vì tôi còn quá trẻ, chưa trưởng thành. Tôi không thể hiểu được, tôi phải trưởng thành về hiểu biết của mình. Làm sao Phật có thể  điên được?" thế thì có thách thức và bạn bắt đầu trưởng thành.
Bao giờ cũng nhớ rằng: đừng bao giờ quyết định về người khác. Cho dù Phật điên, cứ coi đó là thách thức đi. Bạn sẽ chẳng mất gì cả. Nếu ông ấy điên, thế nữa bạn cũng sẽ vượt ra ngoài những giới hạn của mình chỉ trong nỗ lực để hiểu ông ấy. Nếu ông ấy không điên, thế thì bạn đã gặp cái gì đó quí giá, thế thì bạn đã vớ được kho báu lớn.
Lời kinh:
Lúc ấy Phật bảo:
‘Phải, Subhuti, bởi vì Như Lai đã dạy rằng các pháp riêng biệt của chư phật không phải riêng biệt của vị phật. Vì vậy mới gọi là các pháp riêng biệt của chư phật.’
Xem ngớ ngẩn này đấy - nhưng nó mang đầy ý nghĩa, nó rất có nghĩa. Vậy pháp của chư phật là gì, những đặc trưng riêng biệt của vị phật là gì? Đặc trưng cơ bản của ông ấy là ở chỗ ông ấy không có đặc trưng nào, ở chỗ ông ấy là hoàn toàn bình thường, ở chỗ nếu bạn có bắt gặp ông ấy bạn cũng không nhận ra ông ấy.
Ông ấy không phải là người phô trương, ông ấy không phải là chính khách, ông ấy không phải là diễn viên. Ông ấy không có bản ngã để trình diễn. Ông ấy không có đó để thuyết phục bất cứ ai về tầm quan trọng của mình. Ông ấy hoàn toàn vắng bóng - đó là hiện diện của ông ấy. Đó là lí do tại sao có những phát biểu ngớ ngẩn này. Đặc trưng của ông ấy là ở chỗ ông ấy sống dường như ông ấy chết; ở chỗ ông ấy bước và vậy mà chẳng có ai bước trong ông ấy, ở chỗ ông ấy nói vậy mà chẳng có ai nói trong ông ấy... chỉ có im lặng hoàn toàn, không bao giờ bị phá vỡ.
Các thiền sư nói Phật chưa từng thốt ra một lời nào, và Phật đã nói suốt bốn mươi lăm năm liên tục. Nếu có ai đó có thể vượt qua ông ấy, thì đó là tôi; không ai khác có thể vượt qua ông ấy. Và tôi nói với bạn, tôi cũng chưa từng thốt ra một lời nào cả. Các thiền sư nói phải. Tôi đồng ý với họ bằng kinh nghiệm của riêng mình. Tôi cứ nói mọi điều với bạn vậy mà sâu trong tôi có im lặng tuyệt đối, không bị khuấy động bởi điều tôi nói. Khi tôi nói, im lặng có đấy; thậm chí không một gợn sóng nhỏ nảy sinh trong nó.
Tôi ở đây, theo cách này thì hoàn toàn hiện diện, nhưng theo cách khác lại hoàn toàn vắng mặt, vì chẳng có gì nảy sinh trong tôi mà nói ‘tôi’. Không phải vì tôi không sử dụng từ ấy; từ này phải được dùng, nó là tiện dụng - nhưng nó không gợi nên một thực tại nào. Nó chỉ là một tiện ích, một tiện dụng, một cách dùng ngôn ngữ; nó không tương ứng với thực tại nào.
Khi tôi nói ‘tôi’, tôi đơn giản dùng một từ để chỉ định về tôi, nhưng nếu bạn nhìn vào tôi thì bạn sẽ không thấy cái ‘tôi’ nào ở đó cả. Tôi cũng không thấy nó. Tôi đã từng nhìn nó mãi. Tôi càng nhìn vào, cái ‘tôi’ càng bay biến. Cái ‘tôi’ chỉ tồn tại khi nào bạn không nhìn vào nội tâm. Nó chỉ tồn tại khi bạn không nhìn. Khoảnh khắc bạn nhìn, cái ‘tôi’ biến mất.
Hệt như bạn đem đèn vào trong căn phòng tối, bóng tối biến mất. Cái nhìn vào nội tâm của bạn là ngọn lửa, là ánh lửa. Bạn không thể tìm thấy bóng tối ở đó - và cái ‘tôi’ của bạn không là gì ngoài bóng tối cô đặc lại.
Đặc trưng cơ bản của vị phật, pháp của phật, phẩm hạnh duy nhất của ông ấy, là ở chỗ ông ấy không có đấy, là ở chỗ ông ấy không có thuộc tính, ở chỗ không thể định nghĩa được, ở chỗ bất kì định nghĩa nào về ông ấy mà bạn đặt ra cho ông ấy đều không đúng, vì nó sẽ định biên ông ấy, nó sẽ giới hạn ông ấy, còn ông ấy không bị giới hạn nào. Ông ấy là trống rỗng thuần khiết. Ông ấy là không ai cả.
Phật là người bình thường tới mức nếu bạn bắt gặp ông ấy, bạn sẽ không nhận ra ông ấy. Bạn có thể nhận ra một ông vua, bạn biết ngôn ngữ về cách nhận ra ông vua, và ông vua cũng biết ngôn ngữ nào bạn nhận ra. Ông ta có chuẩn bị, ông ta diễn tập điều đó. Ông ta bị uốn theo việc chứng minh cho bạn rằng ông ta là con người đặc biệt. Phật thì không có chút nào như vậy cả. Ông ấy không cố chứng minh bất kì điều gì cho bất kì ai. Ông ấy không tìm cách để bạn nhận biết ông ấy. Ông ấy không cần được mọi người nhận biết. Ông ấy đã về nhà. Ông ấy không cần chú ý của bạn.
Nhớ lấy: chú ý là nhu cầu tâm lí. Điều này cần được hiểu. Tại sao mọi người cần nhiều chú ý đến thế? Tại sao ngay chỗ đầu tiên mọi người đều muốn người khác chú ý đến họ? Tại sao mọi người muốn đặc biệt? Cái gì đó bị thiếu bên trong. Bạn không biết mình là ai. Bạn biết chính mình chỉ bởi thừa nhận của người khác. Bạn không có bất kì cách tiếp cận trực tiếp nào tới bản thể mình, bạn đi qua người khác.
Nếu ai đó nói bạn tốt, bạn cảm thấy mình là tốt. Nếu ai đó nói bạn không tốt, bạn cảm thấy rất rất chán nản - vậy là bạn không tốt. Nếu ai đó nói bạn đẹp, bạn hạnh phúc. Nếu ai đó nói bạn xấu, bạn bất hạnh. Bạn không biết mình là ai. Bạn đơn giản sống theo ý kiến của người khác, bạn cứ thu thập các ý kiến. Bạn không có nhìn nhận - trực tiếp, tức khắc - về bản thể mình. Đó là lí do tại sao bạn thu gọn vào một con người vay mượn. Do đó mới cần đến chú ý.
Và khi mọi người chú ý đến bạn, bạn cảm thấy dường như bạn được yêu thương, vì trong tình yêu chúng ta chú ý lẫn nhau. Khi hai người yêu nhau sâu sắc, họ quên cả thế giới. Họ trở nên bị thu hút hoàn toàn vào bản thể nhau. Họ nhìn vào mắt nhau đắm đuối. Trong những khoảnh khắc ấy, mọi thứ khác biến mất, không tồn tại. Trong những khoảnh khắc thuần khiết đó, họ không ở đây. Họ sống viên mãn ở nơi nào đó rất cao trên trời, hay trên cõi trời, và họ tuyệt đối dồn chú ý vào nhau.
Tình yêu là chú ý - và mọi người đều bỏ lỡ tình yêu. Rất hiếm người mới đạt tới tình yêu, bởi vì tình yêu là điều thiêng liêng. Hàng triệu người sống không tình yêu vì hàng triệu người sống không có điều thiêng liêng. Tình yêu đã bị bỏ lỡ. Làm sao thế vào lỗ hổng ấy? Việc thay thế dễ dàng nhất là lôi kéo chú ý của mọi người. Điều đó sẽ lừa phỉnh bạn, lừa dối bạn, rằng họ yêu bạn.
Đó cũng là điều xảy ra cho lãnh tụ chính trị: ông ta trở thành thủ tướng hay tổng thống của một nước và dĩ nhiên, cả nước phải chú ý đến ông ta. Ông ta cảm thấy dễ chịu. Đó là một cách gián tiếp của việc cảm thấy được yêu, và chẳng ai yêu ông ta cả. Khi ông ta hết cương vị đó, chẳng ai quan tâm ông ở đâu.
Ai quan tâm đến Richard Nixon, ông ta sống hay chết - ai bận tâm? Bạn sẽ biết về ông ta chỉ khi ông ta chết. Thế thì báo chí sẽ nói điều gì đó về ông ta. Thế thì bỗng nhiên bạn sẽ biết - "Vậy ra ông ta vẫn còn sống?" Ai quan tâm đến một chính khách đã hết quyền lực? Khi ông ta còn quyền lực, người ta chú ý. Người ta chú ý tới quyền lực, nhưng chính khách cứ tưởng chú ý được dành cho mình.
Và chính khách là người tìm kiếm ái mộ và không có khả năng yêu và cũng không có khả năng được yêu. Tìm kiếm là về tình yêu; nó đã biến dạng một cách tinh vi, nó đã đổi hướng. Bây giờ nó trở thành việc tìm kiếm chú ý. Ông ta muốn thấy ảnh của mình hàng ngày trên báo chí. Nếu một ngày ảnh ông không có đó trong báo chí, ông ta cảm thấy bị quên lãng.
Ông ta thoả mãn những ham muốn tình yêu của mình, nhưng điều đó không thể được thoả mãn theo cách đó. Tình yêu, bất kì khi nào nó xuất hiện, đều đem theo chú ý như hình với bóng, nhưng chú ý không đem tới tình yêu. Chú ý có thể tới theo hàng nghìn cách. Bạn có thể tạo ra tai hoạ nào đó và mọi người sẽ chú ý đến bạn. Nhu cầu của chính khách và tội phạm là như nhau.
Kẻ tội phạm cũng muốn cùng một điều - sự chú ý. Nó giết người, rồi ảnh của nó xuất hiện trên các báo chí, tên nó được nêu trên đài phát thanh, nó xuất hiện trên ti vi. Nó cảm thấy dễ chịu. Bây giờ mọi người đều biết nó là ai, bây giờ mọi người đều nghĩ đến nó - rằng nó đã trở thành một tên tuổi trên thế giới. Nổi tiếng và khét tiếng cả hai đều tìm kiếm cùng một thứ.
Phật là tình yêu tuyệt đối. Ông ấy yêu sự tồn tại, sự tồn tại yêu ông ấy. Đó là điều samadhi là gì: khi bạn trong mối quan hệ cực thích với cái toàn thể. Ông ấy đã biết trạng thái cực thích toàn bộ - cực thích không phải của thân thể và không phải của tâm trí, mà là toàn bộ, không bộ phận. Ông ấy đã đi tới biết cực lạc đó. Bây giờ chẳng cần phải yêu cầu bất kì chú ý nào từ bất kì ai.
Ông ấy sẽ đi qua bạn trên đường và bạn cũng sẽ không thể nào nhận ra ông ấy, bởi lẽ bạn chỉ nhận ra được những chính khách, những tên tội phạm và những người như thế. Bạn có thể nhận ra người điên trên đường vì người đó sẽ làm những việc tai hoạ, nhưng bạn sẽ không nhận ra vị phật. Phật sẽ đi qua im lặng thế, không một tiếng thì thào. Đó là đặc trưng chính của ông ấy, hiện hữu dường như ông ấy không hiện hữu. Nhưng nếu đấy là đặc trưng chủ yếu - hiện hữu dường như người ta không hiện hữu - thế thì ông ấy không có đặc trưng nào cả.
Đó là điều Phật ngụ ý khi ông ấy nói: ‘Phải, Subhuti, bởi vì Như Lai đã dạy rằng các pháp riêng biệt của chư phật không phải riêng biệt của vị phật.
Vì vậy mới gọi là các pháp riêng biệt của chư phật.’
Cái phi thường của Phật là cái hoàn toàn bình thường của ông ấy. Cái bình thường của ông ấy là cái phi thường của ông ấy. Là bình thường là điều phi thường nhất trên thế giới.
Mới đêm hôm nọ tôi có đọc một chuyện rất hay về thánh Francis, vị phật.
Thánh Francis của vùng Assisi nằm chờ chết trên giường. Ông ấy hát vang, và hát to đến nỗi tất cả hàng xóm đều biết. Sư huynh Elias, một nhân vật kiểu cách nhưng là thành viên quan trọng của Dòng tu Francis, lại gần thánh Francis và nói, "Thưa cha, nhiều người đi đường đang tụ tập dưới cửa sổ của cha đấy." Nhiều người tới thật. Sợ rằng giây phút cuối của cuộc đời thánh Francis sắp tới, nhiều người yêu mến ông ấy đã tụ tập quanh ngôi nhà.
Sư huynh Elias này nói, "Tôi rất lo, thưa cha, rằng chúng tôi không thể ngăn cản họ nghe thấy cha hát. Việc cha không giữ đúng tư thế trong thời điểm quan trọng này có thể gây khó xử cho Dòng tu chúng ta, thưa cha. Điều ấy có thể làm giảm uy tín mà cha xứng đáng được hưởng trong giáo dân. Có thể là, do tình trạng nguy kịch mà cha quên mất nghĩa vụ đối với những người đã coi cha là thánh nhân. Có lẽ tốt hơn cha nên vì họ mà, ơ ơ..., chết nghiêm chỉnh cho đúng đạo Chúa chăng?"
"Xin lỗi sư huynh," thánh Francis nói, "nhưng lòng ta sung sướng quá, ta không thể nào đừng được: ta phải hát!"
Và ông ấy chết trong khi đang hát. Trong toàn bộ lịch sử Ki tô giáo, ông ấy là người duy nhất chết trong khi đang hát. Nhiều thiền sư đã chết trong khi hát, nhưng họ không thuộc vào Ki tô giáo. Thánh Francis là vị thiền sư duy nhất trong các thánh nhân Ki tô giáo. Ông ấy bất cần cái gọi là tôn nghiêm của đạo Chúa.
Bây giờ điều gì xảy ra? Sư huynh Elias này muốn chứng minh cho mọi người rằng Francis là một thánh nhân. Bây giờ ông ta sợ rằng mọi người sẽ không xem Francis là bậc thánh; họ có thể cho ông ấy là kẻ điên khùng hay gì đó. Một thánh nhân theo định nghĩa phải buồn rầu. Giáo dân Ki tô giáo chỉ tôn thờ những thánh nhân buồn. Họ không thể tin rằng Jesus đã cười. Đó là hạ thấp phẩm giá của đạo Chúa. Cười sao? - con người thế, bình thường thế sao? Họ chỉ biết mỗi một điều: đặt Jesus ở kia cao trên nhân loại - nhưng thế thì tất cả những gì là con người phải bị tước bỏ đi khỏi ông ấy. Thế thì ông ấy thành như người chết, một thứ lạnh lùng.
Sư huynh Elie này lo nghĩ. Đây là khoảnh khắc cuối, Francis đang hấp hối, và ông ấy sẽ để lại tiếng xấu đằng sau. Mọi người sẽ coi hoặc ông ấy không phải là thánh nhân hoặc ông ấy là kẻ điên khùng. Ông ta lo nghĩ vì ông ta muốn chứng minh. Trong thực tế ông ta không lo nghĩ về Francis, ông ấy lo cho chính mình và Dòng tu, "Sau này sẽ khó xử cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả lời ra sao khi người ta hỏi về những gì xảy ra ở những khoảnh khắc sau cùng này?" Ông ta lo nghĩ cho bản thân mình. Nếu thầy điên thì đệ tử ra sao? Ông ta là một đệ tử.
Nhưng hãy nhìn hai bình diện khác nhau, hai chiều hướng khác nhau cùng lúc. Elias luôn quan tâm tới dư luận quần chúng. Ông ta muốn chứng minh thầy mình là bậc thầy vĩ đại nhất, là thánh nhân vĩ đại nhất, và ông ta chỉ biết có một cách chứng minh điều đó - là thầy phải đạo mạo, là thầy phải coi cuộc sống là nghiêm trang, là thầy phải không cười, không hát, không nhảy múa. Những điều ấy quá con người, những điều ấy quá tầm thường. Người thường hữu tử thì có thể tha thứ được, nhưng người ở tầm cỡ thánh Francis thì không được.
Nhưng thánh Francis có cái nhìn khác - ông ấy chỉ là một người bình thường. Ông ấy nói, "Xin lỗi sư huynh, nhưng lòng ta vui sướng quá, không thể đừng được. Ta phải hát!" Thực ra, nói cho đúng không phải Francis hát, Francis đã trở thành bài hát. Đó là lí do tại sao ông ấy không thể kìm được điều đó, ông ấy không thể kiểm soát được. Không có ai còn lại để kiểm soát nó. Nếu bài hát xảy ra, nó xảy ra. Nó không trong kiểm soát, nó không thể bị kiểm soát, vì người kiểm soát đã biến mất. Cái ta, bản ngã không còn nữa. Thánh Francis không tồn tại như một cá nhân. Có im lặng tuyệt đối bên trong. Từ im lặng đó vang ra tiếng hát. Francis có thể làm gì được? Đó là lí do tại sao ông ấy nói, "Ta không đừng được, ta phải hát!".
Và ông ấy chết trong khi hát. Và không thể có cái chết nào đẹp hơn. Nếu bạn có thể chết trong khi hát, điều đó chứng tỏ rằng bạn đã sống trong khi hát, rằng cuộc sống bạn là niềm hân hoan và cái chết trở thành cao trào của nó, cực điểm.
Thánh Francis là vị phật. Đặc trưng của vị phật là ở chỗ ông ấy bình thường, ở chỗ ông ấy không có ý niệm gì về mình về việc mình phải là thế nào, ở chỗ ông ấy đơn giản tự phát, ở chỗ bất kì cái gì xảy ra thì cứ xảy ra. Ông ấy sống trong thôi thúc của tình thế, đó là cái chân thực của ông ấy. Bạn có thể gọi đó là đặc trưng của ông ấy, nhưng đó là loại đặc trưng gì vậy? Điều đó đơn giản là ở chỗ ông ấy không có đặc trưng nào cả, ông ấy không có trói buộc gì về tính cách quanh mình; ông ấy không có áo giáp, ông ấy không sống trong quá khứ, ở chỗ ông ấy không biết đến nghiêm chỉnh của đạo Chúa là gì, ở chỗ ông ấy sống trong mọi khoảnh khắc như trẻ thơ.
‘Phải, Subhuti, bởi vì Như Lai đã dạy rằng các pháp riêng biệt của chư phật
không phải riêng biệt của vị phật.
Vì vậy mới gọi là các pháp riêng biệt của chư phật.’
Bình thường là cái phi thường của ông ấy, không ai cả là có ai đó của ông ấy, vắng mặt là hiện diện của ông ấy, cái chết là cuộc sống của ông ấy.
Phật hỏi:
‘Subhuti, ông nghĩ sao,
Liệu vị Tu đà hoàn còn nghĩ rằng
‘bởi tôi đã đắc quả Tu đà hoàn nên tôi đã tu chứng’ ? Subhuti thưa:
‘Bạch Thế Tôn, không. Tại sao vậy?
Bởi vì vị Tu đà hoàn
chưa từng chứng đắc bất kì pháp nào. Do đó mới gọi là Tu đà hoàn.’
Không đắc vật nào, không âm thanh, mùi vị, xúc giác hay vật nào trong trí.
Do đó mới gọi là Tu đà hoàn.
Bạch Thế Tôn, nếu vị Tu đà hoàn còn nghĩ rằng ‘bởi tôi đã đắc quả Tu đà hoàn nên tôi đã tu chứng’ thế thì trong người đó sẽ có nắm giữ cái ta, nắm giữ cái người, nắm giữ linh hồn, nắm giữ mạng sống.’
Phật nói về bốn giai đoạn của người tìm kiếm tâm linh. Giai đoạn thứ nhất ông ấy gọi là người chiến thắng dòng chảy, Tu đà hoàn hay nhập lưu (vào dòng). Người chiến thắng dòng chảy tức là người đã đi vào phật trường, người đã được điểm đạo, người đã trở thành một sannyasin. Tại sao lại gọi là Người chiến thắng dòng chảy (Tu đà hoàn)? - bởi vì người đó không còn đứng trên bờ nữa, người đó không còn tĩnh tại nữa; người đó bắt đầu xuôi theo dòng đời. Người đó không còn tranh đấu với dòng sông nữa. Cái bản ngã đã quen đấu tranh với dòng sông và cái bản ngã đã quen đi ngược dòng không còn đó nữa.
Bây giờ lần nữa, bạn sẽ cảm thấy nó là ngớ ngẩn. Dòng chảy đã thắng, đó là lí do tại sao người đó được gọi là người chiến thắng dòng chảy. Người đó đã vứt bỏ mọi xung đột. Người đó đã buông xuôi, đó là lí do tại sao người đó lại trở thành thắng lợi, đó là lí do tại sao người đó được gọi là người chiến thắng dòng chảy. Những lời lạ lùng. Đầu tiên người đó đã cố gắng để thắng dòng chảy. Đó là điều mà tất cả mọi người trên thế gian này đều làm - cố gắng làm cho cuộc sống tuân theo những ham muốn và kế hoạch và phóng chiếu riêng của mình; cố gắng áp đặt một hình mẫu mang dấu ấn riêng của mình, của các giấc mơ riêng của mình, của những ham muốn riêng của mình vào cuộc sống. Mỗi người đều cố gắng lội ngược dòng, mỗi người đều cố gắng tranh đấu với cuộc sống, với tự nhiên, với Thượng đế. Đời người thông thường là cuộc sống của xung đột.
Nhưng trên thực tế, bạn đấu tranh với ai? Bạn đấu tranh chống lại cội nguồn của riêng mình. Bạn đấu tranh với ai? Với chính mình. Và cuộc đấu tranh ấy dẫn bạn đến những thất vọng ngày càng sâu sắc hơn, vì bạn không thể chiến thắng được; đấy không phải là cách để thắng. Bạn sẽ thua cuộc, vì bạn chỉ là một phần nhỏ nhoi mà sự tồn tại thì lại rộng lớn, mênh mông. Bạn không thể thắng khi chống lại nó. Bạn chỉ có thể thắng khi cùng với nó.
Bạn không thể thắng nếu chống lại nó, bạn chỉ có thể thắng nếu đi qua nó. Nếu nó hỗ trợ bạn, bạn có thể thắng. Nếu nó không hỗ trợ cho bạn, bạn có thể cứ tin tưởng là bạn thắng, nhưng rồi bạn sẽ thất bại. Đó chỉ là vấn đề thời gian. Sớm hay muộn, bạn sẽ mệt mỏi, thất vọng, kiệt sức vì tranh đấu, và thế thì bạn sẽ bỏ cuộc - nhưng thế thì bạn bỏ cuộc trong thất bại. Và thế thì trong thất bại đó chẳng vui vẻ gì. Làm sao có thể vui vẻ được trong thất bại? Người hiểu biết đều biết rằng trước khi thất bại đến, nếu bạn có thể buông xuôi thì sẽ có niềm vui.
Buông xuôi và thất bại thật khác nhau thế và giống nhau thế. Người thất bại có vẻ như là đã buông xuôi, và người đã buông xuôi cũng dường như là người thất bại, nhưng đó chỉ là bề ngoài, chỉ trên bề mặt. Sâu bên dưới họ là những thế giới tách biệt. Người thất bại cảm thấy tức giận, cuồng nộ, thất vọng, người đó trong địa ngục. Người buông xuôi, người đã buông xuôi, không có khổ sở. Người đó vui vẻ, người đó cực lạc. Người đó đã hiểu ra rằng toàn bộ cuộc đấu tranh là vô nghĩa, rằng toàn bộ cuộc đấu tranh ấy đã mang định mệnh thất bại, phải chịu số phận thất bại.
Cứ dường như tay trái đánh nhau với tay phải. Cứ dường như các ngón tay đánh với thân thể. Làm sao chúng chiến thắng được? Điều đó đã thấy trước rồi. Người hiểu biết thì buông xuôi. Người đó nói, "Đó là ý Trời. Phải thuận theo ý trời. Để thiên quốc tới." Người đó nói, "Tôi không còn nữa. Cứ thổi qua tôi. Biến tôi thành cây tre rỗng, chiếc sáo trúc. Nếu ngài muốn, cứ hát qua tôi. Nếu ngài không muốn thế, để im lặng đi qua tôi." Người đó trở thành lối đi. Người đó bắt đầu trôi theo dòng nước. Người đó nói, "Cứ để cho dòng đời chiếm hữu lấy ta. Ta sẽ không đấu tranh. Thậm chí ta cũng chẳng bơi nữa. Ta sẽ trôi nổi, ta sẽ đi theo gió."
Đi vào trong hiểu biết như vậy với cuộc sống được gọi là trở thành người chiến thắng dòng chảy. Nhưng đó là một từ kì lạ. Buông xuôi được gọi là chiến thắng - vì đấu tranh dẫn đến thất bại và thua cuộc. Buông xuôi dẫn đến chinh phục, đến thắng lợi.
Cuộc sống này là ngược đời. Phật có thể làm gì được? Cuộc sống là ngược đời. Những người đã buông xuôi lại chứng tỏ mình là người chiến thắng còn những kẻ cứ tranh đấu thì một ngày nào đó nhận ra rằng mình đã bị mất toàn bộ năng lượng trong trận chiến và chẳng có dấu vết nào của chiến thắng ở đâu cả.
Nhớ lấy, Alexander đã thất bại, không phải Francis. Napoleon đã thất bại, không phải Jesus. Thành Cát Tư Hãn và Tamurlane đều thất bại, không phải Phật. Lịch sử thật không nên bận tâm đến những kẻ thất bại - Thành Cát Tư Hãn, Tamurlane, Alexander. Lịch sử thật nên nghĩ nhiều về Phật, Jesus, Francis - người thực sự chiến thắng. Nhưng chiến thắng của họ bắt nguồn từ buông xuôi của họ.
Nghĩ về điều đó đi, chỉ nghĩ về cái đẹp và phúc lành của nó, khi bạn không tranh đấu, khi bạn chỉ trôi xuôi theo dòng sông. Nó đem bạn ra đại dương, nó đang đi ra đại dương. Bạn cứ hay làm ồn ào một cách không cần thiết. Nó vẫn đang trôi đi đấy thôi. Đơn giản đi với nó đi và bạn sẽ ra tới đại dương, tới điều tối thượng, tới cái vô hạn. Việc buông xuôi hoàn toàn này cho sự tồn tại, Phật gọi là kết quả của Người chiến thắng dòng chảy.
Giai đoạn thứ hai được gọi là người trở lại một lần, tức là Tư đà hàm (nhất lai), giai đoạn thứ ba là người không trở lại, tức là Anahàm (bất lai), và giai đoạn thứ tư là Alahán. Người chiến thắng dòng chảy (Tu đà hoàn) buông bỏ ba trói buộc. Thứ nhất là bản ngã, cá nhân, ý niệm về cái ta tách biệt. Một cách tự nhiên đó là toàn bộ nguyên nhân gốc rễ của đấu tranh. Thứ hai, là sống rập khuôn theo nguyên tắc, lễ nghi; có biết bao nhiêu người tôn giáo nhưng họ chỉ sống theo nguyên tắc và lễ nghi. Họ không biết gì về tôn giáo cả.
Lễ nghi không phải là tôn giáo, nguyên tắc không phải là tôn giáo.
Tôn giáo là một loại cuộc sống hoàn toàn khác - cuộc sống của nhận biết, cuộc sống của tình yêu, cuộc sống của từ bi. Nhưng nếu bạn nhìn quanh thế gian bạn sẽ thấy hàng triệu người đi nhà thờ, đi chùa chiền, đi đền Hồi giáo, đi gurudwaras để cầu nguyện, làm đủ thứ này thứ nọ, và tất cả đều là lễ nghi, còn tôn giáo thì không tồn tại.
Tôi đã từng nghe một câu chuyện cổ Ấn Độ:
Một anh chàng làm lễ shraddh cầu siêu cho người bố mới mất. Shraddh là buổi lễ khi bố của ai đó chết bạn cầu nguyện cho người chết được thượng lộ bình an, bạn cầu nguyện cho người đó.
Trong lúc đang hành lễ, con chó của gia đình chạy vào phòng cầu nguyện. Để tránh báng bổ, anh chủ nhà đứng dậy vội vàng xích con chó vào lan can ngoài hành lang.
Nhiều năm sau, anh chủ nhà chết và con trai người đó cũng làm lễ shraddh cầu siêu cho bố. Lo lắng tuân thủ mọi chi tiết của buổi lễ, anh ta phải bắt một con chó của hàng xóm, vì anh ta nhớ ra rằng điều quan trọng là phải có con chó. "Bố mình đã đứng lên giữa lúc đang cầu nguyện để làm điều đó, và sau khi xích con chó vào lan can hành lang, ông rất vui sướng tiếp tục cuộc cầu nguyện." Và anh ta không định bỏ thiếu điều gì; buổi lễ phải được hoàn hảo.
Vào lúc đó việc xảy ra là gia đình anh ta không có chó, anh ta phải chạy ra ngoài kiếm một con chó đi hoang. Anh ta tóm được một con, buộc kĩ vào lan can hành lang, và tiếp tục làm xong buổi lễ, rất an tâm. Từ nhiều thế kỉ, qui tắc đó được gia đình ấy tuân thủ rất cẩn thận. Trong thực tế, nghi lễ về con chó linh thiêng đã trở thành phần quan trọng nhất của buổi lễ.
Sự việc diễn biến như thế đấy. Người ta sống trong vô ý thức. Ông cha bạn đã làm điều gì đó, ông cha của họ đã làm điều gì đó, rồi ông cha của ông cha bạn đã làm điều gì đó. Việc ấy thành hào quang thiêng liêng. Bạn chỉ việc lặp lại nó; bạn chẳng quan tâm xem ý nghĩa của nó là gì.
Jesus gọi Thiên Chúa là "Cha ta - Abba." Bạn cũng gọi ông ấy là "cha" nhưng điều ấy vô nghĩa. Bạn không có tấm lòng trong đó; lễ nghi chỉ hời hợt. Bạn không có tấm lòng đến mức có thể gọi Thượng đế là Abba. Từ abba không có nghĩa, nhưng phải cảm thấy trong lòng. Nếu cái cảm có đấy, thì thậm chí cũng chẳng cần phải nói ra từ đó: cảm là đủ. Nhưng nếu cái cảm không có đó thế thì nó chỉ là một lễ nghi chết.
Tôi đã từng nghe:
Sau khi được mẹ đắp chăn cho nằm trong giường, em gái bốn tuổi chắp hai tay lại và bắt đầu cầu nguyện. Lơ đãng, em bắt đầu đọc kinh cầu xin phúc lành. Khi biết mình nhầm, em nhìn lên trần nhà rồi cười toét miệng, nói, "Xin Jesus xí xoá đi nhé!" Rồi em đọc kinh buổi tối.
Phật nói rằng có đôi điều mà người chiến thắng dòng chảy cần vứt bỏ. Một là bản ngã, hai là sống theo nguyên tắc và lễ nghi và ba là nghi ngại, do dự.
Tâm trí nghi ngại không thể thảnh thơi. Tâm trí nghi ngại không thể buông xuôi. Tâm trí nghi ngại không thể hiện hữu toàn bộ được: một phần cứ tranh đấu, một phần cứ nói không. Tâm trí nghi ngại không thể nói có tuyệt đối, mà đó là nền tảng của việc trở thành người chiến thắng dòng chảy - nói có với cuộc sống, nói có một cách vô điều kiện, nói có một cách đơn giản, bằng toàn thể bản thể bạn. Điều đó đủ là lời cầu nguyện. Nếu bạn có thể đơn giản ngồi im lặng và có thể nói có với sự tồn tại, thì cũng đủ - chẳng cần thêm gì nữa, không cần lễ nghi.
Ba điều này phải bị người chiến thắng dòng chảy (Tu đà hoàn) vứt bỏ. Thế thì giai đoạn thứ hai được gọi là người trở lại một lần (Tu đà hàm). Người trở lại một lần nghĩa là người sẽ chết và quay trở lại một lần nữa. Người này cần buông bỏ ham muốn, sắc dục và oán hận. Nhưng người này sẽ quay lại một lần nữa.
Giai đoạn thứ ba được gọi là người không trở lại (A na hàm), người sẽ không quay lại nữa. Người này cần phải buông bỏ lòng ham sống, ham muốn kiếp sống khác, khao khát được hiện hữu. Và giai đoạn thứ tư gọi là trạng thái của Alahán, người không có mặt (vắng bặt), người không là ai cả, người là hư không. Người đã trở thành vị phật.
Lễ nghi cũng giống vậy. Chúng không nảy sinh trong bạn; chúng bị áp đặt từ bên ngoài. Bạn cứ lặp lại, chúng thành máy móc.
Phật hỏi ông Subhuti về bốn giai đoạn nói trên. Ông ấy hỏi:
 ‘bởi tôi đã đắc quả Tu đà hoàn nên tôi đã tu chứng'?
Một câu hỏi đơn giản nhưng rất ý nghĩa.
Ông Subhuti đáp:
‘Bạch Thế Tôn, không. Tại sao vậy?
Bởi vì vị Tu đà hoàn chưa từng chứng đắc bất kì pháp nào.
…nếu vị Tu đà hoàn còn nghĩ rằng
Nếu bạn nói, "Tôi đã buông xuôi", thì bạn chẳng buông xuôi tí nào, vì làm sao bạn có thể buông xuôi được? Chính bạn phải bị buông xuôi. Cái ‘tôi’ phải bị buông xuôi. Bạn không thể nói, "Tôi đã buông xuôi". Nếu đấy là cái gì đó của việc bạn làm thế thì đấy không phải là buông xuôi.
Mọi người đến tôi và họ hỏi, "Làm sao chúng tôi có thể buông xuôi theo thầy được?" Và tôi nói, "Bạn không thể làm được điều đó. Bạn là chướng ngại cho việc buông xuôi. Bạn chỉ cần tránh sang một bên và việc buông xuôi có đấy."
Buông xuôi không phải là cái gì đó phải làm hay cái có thể được làm; nó không phải là việc làm. Buông xuôi là hiểu biết. Cái ‘tôi’ bao giờ cũng trong tâm trạng đấu tranh. Cái ‘tôi’ chưa bao giờ không tranh đấu: nó tồn tại qua đấu tranh, nó sống qua đấu tranh, nó phụ thuộc vào đấu tranh. Hoặc là bạn đấu tranh với người khác hoặc, nếu bạn thay đổi, thì bạn lại bắt đầu tranh đấu với chính mình. Đó là điều các tu sĩ vẫn thường làm trong các tu viện. Vì đã từ bỏ thế gian, họ không còn tranh đấu với ai nữa; bây giờ họ bắt đầu tranh đấu với bản thân mình.
Thân thể nói, "Tôi đói," còn họ nói, "Không." Bây giờ đây là đấu tranh. Bây giờ bản ngã đã nảy sinh theo cách mới. Bản ngã nói, "Trông đây, tôi kiểm soát thân thể giỏi làm sao! Tôi là chủ còn thân thể là nô lệ đấy." Mắt bạn mệt mỏi và chúng nói, "Buồn ngủ quá!", còn bạn nói, "Không, ta đã quyết định thức suốt cả đêm rồi. Đấy là việc thiền của ta. Ta đang thực hiện thiền đặc biệt. Ta không thể ngủ được." Và bạn cảm thấy dễ chịu. Bây giờ bạn đang đấu tranh.
Thân thể bạn muốn một chút tiện nghi, còn bạn thì ngủ trên tảng đá. Thân thể bạn muốn được một chút chỗ trú ngụ thì bạn lại cứ đứng ở ngoài trời nóng. Thân thể bạn muốn mặc quần áo ấm thì bạn lại cởi trần trong giá rét. Đây là những cách đấu tranh. Giờ đây bạn không còn đấu tranh với thế giới nữa cho nên bạn tự phân chia mình thành hai.
Bản ngã sống trong cọ xát; bất kì kiểu cọ xát nào cũng được. Chồng đánh vợ, vợ đánh chồng. Đây chẳng là gì khác hơn những cách nuôi dưỡng cho bản ngã. Bạn càng đánh nhau, bản ngã càng trở nên mạnh thêm và sức mạnh lớn nhất mà bản ngã nhận được là từ đấu tranh với chính bản thân bạn, vì đó là trận chiến gay go nhất. Giết ai đó khác là việc dễ dàng; còn tự giết mình dần dần, liên tục, kéo dài nhiều năm, là việc khó khăn, tự sát chậm chạp, và bản ngã cảm thấy rất thích. Đó là lí do tại cái gọi là những kẻ tu hành tôn giáo lại có bản ngã lớn thế; bạn sẽ không tìm được những bản ngã lớn như thế ở những người thường trong bãi chợ. Nếu bạn muốn thấy những bản ngã thực sự khổng lồ, nếu bạn muốn thấy họ thế nào, thì lên Himalayas và trong các hang động bạn sẽ thấy họ.
Người đã tự buông xuôi không thể tuyên bố rằng "tôi đã buông xuôi," người đó chỉ có thể nói buông xuôi đã xảy ra.
‘Bạch Thế Tôn, không. Tại sao vậy?
Bởi vì vị Tu đà hoàn chưa từng chứng đắc bất kì pháp nào.’
Vì bạn đã vứt bỏ cái ‘tôi’, đó là lí do tại sao bạn được gọi là người buông xuôi. Bạn không thể tuyên bố rằng "tôi đã buông xuôi." Nếu bạn tuyên bố, bạn làm lỡ toàn bộ vấn đề.
Không đắc vật nào, không âm thanh, mùi vị, xúc giác hay vật nào trong trí.
Do đó mới gọi là Tu đà hoàn.
Người đó chẳng được cái gì như một vật cả. Trên thực tế, thay vì thu được cái gì đó thì người đó lại vứt bỏ luôn chính ý niệm đạt được. Đó là lí do tại sao người đó được gọi là người chiến thắng dòng chảy. Người đó đã vứt bỏ toàn bộ đấu tranh, toàn bộ cuộc chiến mà người đó đã theo đuổi từ vô số kiếp. Người đó đã vứt bỏ toàn bộ dự án, người đó không còn quan tâm đến nó nữa.
Người đó chẳng thể chỉ cho bạn thấy điều gì và nói, "Tôi đã được cái này! Thấy không! Đây là thắng lợi của tôi." Người đó không thể giới thiệu cái vương quốc mà người đó đã thu được. Người đó không đạt được bất kì cái gì thấy được. Trong thực tế, thay vì được bất kì cái gì thấy được, thì người đó đã vứt bỏ bản ngã của mình. Nhưng trong đó, việc mất đi bản ngã lại là một thắng lợi vĩ đại. Tuy nhiên, một thắng lợi như vậy không thể được công bố lên.
‘Vâng, Bạch Thế Tôn, nếu vị Tu đà hoàn còn nghĩ rằng, ‘bởi tôi đã đắc quả Tu đà hoàn nên tôi đã tu chứng’ thế thì trong người đó sẽ có nắm giữ cái ta, nắm giữ cái người, nắm giữ linh hồn, nắm giữ mạng sống.’
Khoảnh khắc bạn nghĩ, "Ta đã thắng, ta đã buông xuôi được" là bạn lại tạo nên một cái 'tôi' mới rồi, một cái ta mới nổi lên, bạn lại bắt đầu nhìn với con mắt của bản ngã. Bạn lại có cảm nhận về cái ta.
Từ tiếng Anh ‘perception’ (cảm nhận) rất tuyệt. Nó bắt nguồn từ chữ ‘per-cap’ và ‘capio’ nghĩa là : thu, nắm bắt, bắt lấy, bắt giữ. Khoảnh khắc bạn cảm nhận bạn có đấy theo bất kì cách nào, bạn lại nắm giữ bản ngã và bản ngã lại nắm giữ bạn. Lần nữa bạn lại trở lại con đường mòn cũ. Toàn bộ vấn đề bị mất, bạn không còn là người chiến thắng dòng chảy nữa.
Theo cách này Phật lại hỏi về người một lần trở lại (nhất lai - tư đà hàm) và người không bao giờ trở lại (bất lai - a na hàm), nhưng bởi vì nó hệt nhau nên tôi bỏ qua, tôi không nhắc tới nó trong lời kinh này. Cuối cùng:
Phật hỏi,
‘Subhuti, ông nghĩ sao, vị Alahán có nghĩ rằng
mình đắc quả Alahán chăng?’ Subhuti thưa,
‘Bạch Thế Tôn, không. Tại sao vậy?
Bởi vì vị Alahán không còn thấy mình chứng đắc quả Alahán mới gọi là Alahán. Tại sao vậy?
Bạch Thế Tôn, cũng như tôi đây, tôi không nghĩ mình đã tu chứng,
nên Như Lai mới gọi tôi là người trong cõi lặng, tôi không nghĩ mình đắc quả Alahán
nên Như Lai nói Subhuti là bậc Alahán không còn ham muốn, người không ở đâu cả nên gọi là người trong cõi lặng.’
Thật đơn giản một khi bạn đã hiểu ý niệm này. Ý niệm là ở chỗ khi bạn đã vào trong cõi chân lí, bạn không thể là người công bố. Công bố của bạn sẽ là phủ nhận.
Một hôm có người tới hỏi Phật, "Ngài đã chứng ngộ chưa?" và Phật nói, "Ta không thể tự xưng mình là người đã chứng ngộ vì ta đã đạt được điều ấy."
Các bạn xem điều đó đẹp biết bao. Ông ấy nói, "Ta không thể tự nhận được vì ta đã chứng ngộ. Nếu ta còn tự nhận, điều đó sẽ là dấu hiệu chắc chắn rằng ta chưa chứng ngộ." Nhưng thấy khó khăn này nữa. Nếu Phật nói, "Ta chưa chứng ngộ", thế thì ông ấy đang nói dối. Nếu ông ấy nói, "Ta đã chứng ngộ", thì điều ấy cũng không thể được, vì trong chứng ngộ không có cái 'tôi'. Chứng ngộ chỉ xảy ra khi cái ‘tôi’ đã biến mất. Bạn thấy khó khăn và bất lực của ngôn ngữ chưa?
Phật hỏi: ‘Subhuti, ông nghĩ sao, vị Alahán có nghĩ rằng mình đắc quả Alahán chăng?’
Bây giờ Alahán không phải là một trạng thái. Nó không phải là cái gì đó tựa như một vật. Bạn không thể nắm giữ nó, bạn không thể chiếm hữu nó, bạn không thể tích chứa nó. Nó là tự do, không phải một thứ để sở hữu. Nó là tự do. Bạn đơn giản cứ vứt dần hết xiềng xích của mình. Ngày nào đó mọi dây xích trói buộc sẽ biến mất hết - thậm chí dây xích cuối cùng của ý niệm về cái ‘tôi’ cũng biến mất. Thế thì chẳng còn ai hiện diện; tâm thức ấy được gọi là Alahán.
Phật hỏi, "vị Alahán có nghĩ rằng mình đắc quả Alahán chăng?"
‘Vậy mới gọi là Alahán.
Tại sao vậy? Bạch Thế Tôn, cũng như tôi đây,
tôi không nghĩ mình đã tu chứng, nên Như Lai mới gọi tôi là người trong cõi lặng.’
Bây giờ ông Subhuti đưa trường hợp của mình ra làm thí dụ. Ông ấy nói, "Như Lai nói rằng tôi đã chứng ngộ. Như Lai nói rằng tôi đã trở thành Alahán. Như Lai nói rằng tôi ở trong cõi lặng." Đây là cách nói đặc biệt của Phật, "trong cõi lặng" có nghĩa không còn người nào bên trong - ở trong cõi lặng.
Trong cõi lặng nghĩa là không có ai cả, bởi vì nếu có ai đó, thì không thể có tĩnh lặng. Nếu có ai đó thì khuấy động sẽ tiếp tục. Ngôi nhà im lặng chỉ khi không có ai trong nhà. Dù chỉ có một người trong đó trong chốc lát, thì khuấy động sẽ tiếp tục. Thậm chí nếu một người có đó, thì người đó cũng làm xê dịch đồ đạc đây đó, người đó sẽ làm cái gì đó. Dù người đó có ngủ say, người đó cũng sẽ ngáy. Điều gì đó nhất định xảy ra. Khi không có một ai thế thì có an bình.
Phật gọi trạng thái Alahán là khi có an bình tuyệt đối, đến mức không thể tìm được ai ở đó. Khi ông ấy thường nói, "Subhuti, giờ đây ông ở trong cõi lặng", ông ấy đang nói, "Subhuti, giờ đây ông không còn nữa." Cũng vậy thôi.
Subhuti thưa, "Bạch Thế Tôn, ngài đã nói rằng Subhuti ở trong cõi lặng, ngài đã nói rằng Subhuti đã trở thành Alahán, chắc chắn ngài nói sự thật. Bạch Thế Tôn, làm sao ngài có thể nói không thật được? Nhưng tôi không thể nói, ý nghĩ đó không xuất hiện trong tôi, 'tôi là bậc Alahán, không còn tham lam.' Nếu tôi còn có ý nghĩ đó, thì hoá ra ngài đã nhầm. Nếu tôi nghĩ mình là Alahán, thế thì bản ngã lại xuất hiện, thế thì cái ta lại bị nắm giữ, thế thì lần nữa tôi lại rơi vào cạm bẫy xưa cũ. Nếu tôi có ý nghĩ mình là người ở trong cõi lặng, thế thì cõi lặng sẽ biến mất, bởi vì cái ‘tôi’ đã trở lại, cư dân trong đó đã trở lại." Thế thì bạn không thể trong cõi lặng được, thế thì cái gì đó nhất định sẽ xảy ra - đau khổ, giấc mơ, ham muốn, và thế giới, toàn bộ thế giới lại bắt đầu.
Bản ngã là hạt mầm của thế gian này. Hạt mầm nhỏ bé đó chứa đựng toàn bộ thế gian. Bạn cứ nghĩ, ‘tôi đây’, thế là cả thế gian này tới ngay lập tức.
Subhuti thưa, ‘Tôi không nghĩ mình là bậc Alahán không còn ham muốn.
Vâng, nếu tôi có ý nghĩ mình đã đắc quả Alahán, thì Như Lai sẽ không nói Subhuti là bậc Alahán không còn ham muốn, Subhuti là người đầu tiên trong cõi lặng, không ở một nơi nào.
Bởi vậy mới gọi Subhuti là người trong cõi lặng.’
Khi người ta đã biến mất, khi cư dân bên trong không còn nữa, thì cõi lặng được đạt tới.
Cái không, đó là hương vị đặc trưng cho thông điệp của Phật. Người ta phải đạt tới điểm mà người ta không có đó, khi vắng mặt duy nhất ngự trị. Nhưng thế thì chẳng có ai để tự nhận, thế thì chẳng có ai có thể tới, nói và khoe khoang về điều đó.
Để hiểu Phật, bạn sẽ cần một vài thoáng nhìn về cái không hiện hữu. Với ngôn ngữ bạn có thể hiểu điều ông ấy nói, nhưng điều đó cũng chẳng ích gì nhiều, điều ấy không đưa bạn đi xa vào trong nó được. Bạn sẽ phải có vài thoáng nhìn về nó - và chúng là có thể.
Thỉnh thoảng ngồi im lặng, không làm gì cả, giữ yên tĩnh; thậm chí không đọc câu mật chú nào, thậm chí không nhẩm tên Thượng đế, thậm chí không cần tư thế ngồi yoga đặc biệt nào, thậm chí không suy ngẫm, thậm chí không suy tư - chỉ ngồi im lặng trong phòng, hay dưới gốc cây, hay bên bờ sông, nằm dài trên cỏ, ngắm các vì sao, hoặc nhắm mắt. Chỉ hiện hữu ở đó, giống như bể năng lượng không đi đâu cả - và những thoáng nhìn sẽ bắt đầu đến với bạn. Trong một khoảnh khắc, bạn thấy mình có đấy và mình lại không có đấy.
Bạn có đấy, hoàn toàn có đấy, và vẫn không có đấy. Bạn không có đó nhưng lần đầu tiên bạn lại có đó. Thế thì bạn sẽ thấy tại sao Phật ngược đời đến thế. Bạn hiện hữu chỉ khi bạn không hiện hữu. Khi tất cả đều vắng bặt thì sẽ có sự hiện diện vĩ đại. Khi bản ngã hoàn toàn biến mất bạn trở thành cái toàn thể, bạn là tất cả. Bạn biến mất với tư cách giọt nước và bạn trở thành đại dương. Một mặt bạn đã biến mất, mặt khác bạn xuất hiện lần đầu tiên.
Chứng ngộ là cái chết và phục sinh. Chúng cùng đến với nhau, đồng thời. Tại đây cái chết xảy ra và lập tức nó được tiếp nối bởi phục sinh. Nhưng bạn sẽ phải nếm trải nó, bạn sẽ phải đắm mình trong đó. Những lời này không phải đơn thuần là lời, những lời này không chỉ là học thuyết và triết lí; chúng là kinh nghiệm mang tính tồn tại.
Tôi hiểu khó khăn của bạn. Đã có nhiều câu hỏi được nêu ra cho tôi rằng, "Khi thầy nói về người Sufi, tim chúng tôi rộn ràng, nhưng Kinh Kim Cương này không làm tim chúng rộn ràng." Đây là điều cao cả hơn, đây là điều tinh tuý hơn.
Bạn có thể hiểu được người Sufi: họ gần gũi với bạn. Họ nói về tình yêu. Ít nhất thì bạn đã nghe về từ 'yêu', bạn đã có ý niệm nào đó yêu là gì. Bạn có thể không hiểu hết tình yêu của người Sufi, điều họ muốn nói đến, nhưng ít nhất thì bạn cũng biết đôi điều về tình yêu, ít nhất bạn cũng biết bạn định nói gì, và khi nghe nói về tình yêu, trái tim bạn bắt đầu tan ra. Nhưng những lời này của Phật ở cấp độ cao hơn nhiều.
Nhưng không phải ai cũng như nhau cả. Một vài người biểu lộ xúc động sâu sắc trong những câu họ hỏi tôi. Cái đó còn tuỳ. Bạn có thể hỏi Prasad; tim anh ấy đập rộn ràng quá nhiều với Kinh Kim Cương đến mức anh ấy gần như bị đau tim. Hay bạn có thể hỏi Pradeepa.
Nhớ một điều: tôi nói chuyện ở đây cho biết bao người. Họ rất khác biệt, quan điểm của họ khác nhau. Đôi khi điều ấy phù hợp với bạn, đôi khi điều ấy không phù hợp với bạn. Khi nó không phù hợp với bạn, xin nhẫn nại, vì khi nó phù hợp với bạn, nó lại không phù hợp với người nào đó khác. Người đó phải kiên nhẫn. Tôi đang nói cho nhiều người- tôi không chỉ nói riêng với bạn và cho bạn, tôi đang nói cho hàng triệu người không có mặt ở đây, với những người mà những lời này sẽ đạt tới.
Nếu đôi khi bạn có cảm giác vấn đề quá khó với bạn hay bạn không thể với tới được, hãy kiên nhẫn. Cứ lắng nghe. Có thể tim bạn không rộn ràng, có thể điều đó còn cao hơn hay sâu hơn trái tim.
Có những điều nói với cái đầu, có những điều nói với trái tim và có những điều khác vượt ra ngoài. Điều tôi đang nói với bạn thuộc về cõi bên kia. Và cõi bên kia rất khó hiểu.
Bạn biết điều gì đó về cái đầu, bạn biết điều gì đó về trái tim, nhưng còn cõi bên kia thì bạn chưa biết tí gì về cõi bên kia.
Những lời này thật hiếm hoi. Kinh Kim Cương này đích thực là viên kim cương, viên kim cương quí báu nhất trong toàn bộ sách vở kinh điển của thế giới. Chưa từng có ai nói như vậy, chưa từng có ai bay bổng như vậy. Nếu bạn có cảm giác mình không thể bay cao đến thế, thì bạn cũng đừng tự khép kín mình. Cố thêm một chút đi. Nếu bạn có thể đi xa hơn một chút so với khả năng của bạn hôm nay, nếu bạn có thể tiến lên vài bước hướng tới cái chưa biết thì điều đó sẽ làm cho tâm hồn bạn phong phú hơn.

Ads Belove Post