Chương 8. Đã về nhà

Chương 8. Đã về nhà

Price:

Read more

Osho - Kinh Kim Cương
Chương 8. Đã về nhà

Câu hỏi thứ nhất:
Tại sao tất cả những bậc thầy vĩ đại đều đến từ phương Đông?
Bởi vì nhân loại còn chưa toàn bộ. Phương Đông hướng nội, phương Tây hướng ngoại. Con người bị chia chẻ, tâm trí bị phân liệt. Đó là lí do tại sao tất cả các bậc thầy vĩ đại lại đến từ phương Đông còn tất cả các nhà khoa học vĩ đại lại đến từ Phương Tây. Phương Tây đã phát triển khoa học và đã hoàn toàn quên mất linh hồn nội tâm; nó quan tâm đến vật chất, nhưng đã bỏ qua chủ quan nội tâm. Toàn bộ tập trung của nó là vào đối tượng bên ngoài. Do đó tất cả các nhà khoa học vĩ đại đều được sinh ra ở phương Tây.
Phương Đông đã trở thành quá quan tâm đến linh hồn nội tâm và quên mất cái khách quan, vật chất, thế giới. Các bậc thầy tôn giáo vĩ đại đã phát triển ra từ điều này; nhưng đây không phải là một tình huống tốt, điều này không nên như vậy. Con người nên trở thành một. Con người không nên được phép bị mất cân xứng thêm nữa. Con người nên linh động, không hướng ngoại cũng chẳng hướng nội. Con người nên có khả năng là cả hai. Cái bên trong và cái bên ngoài, nếu được quân bình, sẽ cho kinh nghiệm cực lạc vĩ đại nhất.
Một người không nghiêng quá vào bên trong, không nghiêng quá ra bên ngoài là con người của quân bình. Người đó sẽ là nhà khoa học và nhà huyền học cùng lúc. Đó là điều sẽ xảy đến, đó là điều sắp xảy ra. Chúng ta đang chuẩn bị hiện trường cho nó. Tôi mong muốn thấy một người không Đông phương, cũng không Tây phương, vì Đông phương khi đối lập với Tây phương là xấu. Tây phương đối lập với Đông phương cũng lại xấu. Toàn bộ trái đất thuộc về chúng ta và chúng ta thuộc về toàn bộ trái đất. Con người nên chỉ là con người, con người toàn bộ, toàn thể. Từ tính toàn thể ấy sẽ phát sinh lành mạnh mới.
Phương Đông đã khổ, phương Tây đã khổ. Phương Đông đã khổ; bạn có thể thấy điều đó ở khắp xung quanh - cái nghèo, cái đói. Phương Tây đã khổ; bạn có thể thấy bên trong tâm trí Tây phương - cái căng thẳng, cái lo lắng, cái khổ não. Phương Tây rất nghèo nàn về bên trong, phương Đông rất nghèo nàn về bên ngoài. Nghèo nàn là dở. Dù nó là bên trong hay bên ngoài thì cũng chẳng có gì khác nhau, nghèo nàn không nên được phép. Con người nên giầu có, bên trong, bên ngoài, cả hai. Con người nên giầu có theo mọi chiều.
Nghĩ về một người vừa là một Albert Einstein đồng thời là một Phật Gautam, cả hai. Suy ngẫm về khả năng đó đi - điều ấy là có thể. Thực tế, nếu Albert Einstein sống thêm ít lâu nữa, ông sẽ trở thành nhà huyền học. Ông đã bắt đầu suy nghĩ về bên trong, ông đã trở nên quan tâm tới bí ẩn bên trong. Bạn có thể vẫn còn quan tâm tới những bí ẩn bên ngoài được bao lâu? Nếu bạn thực sự quan tâm tới bí ẩn thế thì sớm hay muộn bạn sẽ cũng vấp phải bên trong nữa.
Quan niệm của tôi là về một thế giới không Đông phương, không Tây phương, không bên trong, không bên ngoài, không hướng nội, không hướng ngoại - thế giới cân bằng, thế giới toàn thể. Nhưng trong quá khứ nó chưa bao giờ được như vậy cả. Đó là lí do tại sao câu hỏi của bạn có liên quan.
Bạn hỏi: "Tại sao tất cả các bậc thầy tâm linh vĩ đại đều đến từ phương Đông?" Bởi vì phương Đông đã từng bị ám ảnh bởi bên trong như đối lập với bên ngoài. Tự nhiên, nếu như trải qua hàng thế kỉ, bạn đã bị ám ảnh bởi bên trong, bạn sẽ tạo ra một Phật, một Nagarjuna, một Shankara, một Kabir. Điều đó là tự nhiên.
Nếu bạn bị ám ảnh bởi bên ngoài như đối lập với bên trong, bạn sẽ tạo ra một Albert Einstein, một Eddington, một Edison; điều đó là tự nhiên. Nhưng điều này không tốt cho toàn thể nhân loại. Cái gì đó bị thiếu đi. Người đã phát triển bên trong và không phát triển bên ngoài vẫn còn non dại bên ngoài, vẫn còn đần độn bên ngoài. Và cùng trường hợp đó với người đã phát triển nhiều, đã chín muồi, rất chín muồi, như các nhà toán học, vật lí hay hoá học đạt tới, nhưng cái bên trong thậm chí vẫn còn chưa được sinh ra, vẫn còn trong bụng mẹ.
Đây là thông điệp của tôi cho các bạn: vứt bỏ các bán cầu này đi - Đông và Tây - vứt bỏ những bán cầu bên trong và bên ngoài này đi. Linh động vào. Để vận động, tuôn chảy là chính cuộc sống của bạn. Vẫn còn sẵn có cho bên ngoài và bên trong cả hai.
Đó là lí do tại sao tôi lại giảng về yêu và thiền. Yêu là bước chuyển đi ra, thiền là bước chuyển đi vào. Và người đang trong yêu và thiền đang vượt ra ngoài phân liệt, vượt ra ngoài chia chẻ đủ các loại. Người đó trở thành một, người đó được tích hợp. Thực tế người đó có linh hồn.
Câu hỏi thứ hai:
Osho kính yêu,
Thầy không chán sao, chán và ngấy, khi hết ngày nọ sang ngày kia cứ phải trả lời những câu hỏi giống nhau, trong khi chúng tôi ngồi đó, nhắm mắt, bịt tai, khép miệng, chẳng bao giờ nhận được thông điệp - rằng không có câu trả lời?
Sự tươi mát như sương trong ánh sáng buổi sớm của thầy luôn làm tôi kinh ngạc; vậy mà tôi vẫn mù, điếc và câm, bị cắt rời khỏi việc chia sẻ sự toả sáng của thầy, trừ những khoảnh khắc ngắn ngủi.
Điều thứ nhất: tôi không có đó, cho nên tôi không thể chán và ngán ngẩm. Trước hết bạn phải có đấy để mà chán. Bạn càng có đấy, bạn càng cảm thấy chán hơn; bạn càng ít có đấy, càng ít chán hơn. Đó là lí do tại sao trẻ em ít chán hơn người già. Bạn không quan sát điều đó sao? Trẻ em gần như không chán. Chúng cứ chơi mãi với những đồ chơi cũ, chúng cứ đuổi theo những con bướm giống nhau, chúng cứ nhặt những vỏ ốc giống nhau. Chúng không chán.
Bạn đã bao giờ kể chuyện cho một em bé nghe chưa? Nghe xong câu chuyện, em bảo, "Kể nữa đi... nữa đi." Và bất kì khi nào gặp lại bạn, em bé lại nhắc, "Kể lại chuyện ấy cho con nghe đi, con thích chuyện ấy lắm." Tại sao em bé không chán? - Bởi vì em không có đó. Hoặc nếu có, thì chỉ ở dạng rất sơ khai; bản ngã còn chưa tiến hoá. Bản ngã mới là nhân tố gây ra chán.
Loài vật không chán, cây cỏ không chán, thế mà có cái gì mới lạ trong cuộc sống con vật và cây cỏ đâu? Năm nào cây hồng chẳng nở ra hoa hồng như thế, chim hót sáng và chiều vẫn cùng một điệu. Còn con chim gáy đâu có biết nhiều nốt, chỉ biết mỗi một nốt nhạc. Thế mà nó cứ hót lặp đi lặp lại; thật là đơn điệu. Nhưng chẳng có con vật nào chán, chẳng cái cây nào chán. Thiên nhiên không biết gì về chán cả. Tại sao? - bởi vì thiên nhiên không có bản ngã.
Một phật không chán, một Jesus không chán, vì họ đã vứt bỏ bản ngã. Thiên nhiên chưa tiến hoá: Phật đã vứt bỏ nó. Phật và thiên nhiên gần như nhau. Tôi nói gần như, bởi vì chỉ có một khác biệt - có ý nghĩa lớn - nhưng chỉ một khác biệt. Khác biệt là ở chỗ có nhận biết. Thiên nhiên không có bản ngã, nhưng không nhận biết, Phật không có bản ngã nhưng nhận biết.
Một khi bạn biết bạn không có đó, thì lấy ai ra mà chán? lấy ai ra mà ngán ngẩm? Đó là lí do tại sao mỗi sáng tôi có thể tới đây và cứ trả lời những câu hỏi của các bạn. Tôi không chán. Tôi không thể chán được. Gần hai mươi nhăm năm nay tôi không còn biết đến buồn chán nữa. Thậm chí tôi còn quên mất hương vị của nó, cảm thấy nó thế nào.
Điều thứ hai: các câu hỏi không phải là như nhau. Chúng không thể thế được - chúng đến từ những người khác nhau; làm sao chúng có thể là cùng câu hỏi được? Vâng, đôi khi lời có thể giống hệt nhau, nhưng câu hỏi không hệt nhau. Hai người khác nhau biết bao - làm sao họ có thể hỏi cùng một câu hỏi được? Cho dù lời là như nhau, cho dù cấu trúc câu hỏi là như nhau, ấy vậy tôi vẫn muốn lưu ý bạn - chúng không thể như nhau được.
Bây giờ câu hỏi này do Anand Shaila nêu ra; không ai khác có thể hỏi câu hỏi đó. Không ai khác trên trái đất lớn lao này có thể hỏi điều đó. Để hỏi câu hỏi này, sẽ phải cần tới một Shaila. Và Shaila thì chỉ có một; không có nhiều Shaila.
Cho nên nhớ lấy, mỗi cá nhân đều có một tính duy nhất như vậy. Coi tất cả các câu hỏi đó như nhau là thiếu kính trọng. Tôi kính trọng câu hỏi của bạn. Chúng không như nhau. Chúng có sắc thái của riêng chúng, mầu sắc của riêng chúng, nhưng bạn cần con mắt rất thấu suốt để thấy khác biệt, bằng không thì bạn có thể không có khả năng thấy được.
Khi bạn nhìn quanh và bạn thấy tất cả cây cối đều mầu lục, bạn có cho rằng đấy là cùng một mầu lục không? Thế thì bạn không biết cách nhìn vào mầu sắc. Thế thì đưa một hoạ sĩ tới, thế thì hỏi ông hoạ sĩ này và ông ấy sẽ nói, "Tất cả chúng đều là các mầu lục khác nhau. Có hàng nghìn sắc lục - đậm nhạt khác nhau, sắc thái khác nhau. Không hai cây nào cùng một mầu lục cả." Cứ nhìn ra xung quanh và bạn sẽ thấy - vâng, mỗi mầu lục lại là một mầu lục khác nhau.
Câu hỏi cũng vậy. Và thậm chí nếu cùng một người hỏi nhiều lần cùng một câu, thì thế nữa nó cũng không thể là một được, vì bạn cứ thay đổi mãi. Chẳng cái gì tĩnh tại cả. Bạn không thể bước vào cùng một dòng sông hai lần, và bạn không thể gặp cùng một người lần nữa. Shaila không thể hỏi câu hỏi này ngày mai, vì sẽ không còn con người đó ngày mai nữa. Sông Hằng đã chảy đi, bao nhiêu nước đã chảy qua. Khoảnh khắc này nó liên quan, ngày mai nó có thể chẳng liên quan; cái gì đó khác có thể nổi lên trong tâm thức.
Không có hai người nào có thể nêu cùng một câu hỏi, và thậm chí không có việc cùng một con người có thể hỏi cùng câu hỏi, vì con người cứ thay đổi mãi. Con người giống như ngọn lửa, thường xuyên thay đổi. Nhưng lần nữa bạn phải có cái nhìn rất sâu sắc. Tôi chưa bao giờ gặp những câu hỏi giống hệt nhau. Tôi bao giờ cũng xúc động bởi câu hỏi của bạn. Tôi bao giờ cũng tự hỏi làm sao các bạn lại hỏi được như thế.
"Thầy không chán sao, chán và ngấy, khi hết ngày nọ sang ngày kia cứ phải trả lời những câu hỏi giống nhau, trong khi chúng tôi ngồi đó, nhắm mắt, bịt tai, khép miệng, chẳng bao giờ nhận được thông điệp - rằng không có câu trả lời?"
Chính bởi vì bạn ngồi đó "nhắm mắt, bịt tai, khép miệng, chẳng bao giờ nhận được thông điệp," nên điều đó trở thành thách thức đối với tôi. Đấy là cuộc phiêu lưu lớn. Bạn cứ kiên trì, tôi cũng kiên trì. Câu hỏi là: Ai sẽ thắng? Phải chăng bạn cứ mãi mãi khép kín hay một ngày nào đó bạn sẽ thương hại tôi và bạn sẽ lắng nghe... sẽ hé mở tai bạn, tim bạn ra một chút? Đây là là cuộc vật lộn. Đây là cuộc đánh vật không ngừng giữa thầy và đệ tử - một cuộc đấu thường xuyên.
Và đệ tử không thể thắng. Chưa bao giờ có trường hợp đệ tử thắng thầy được. Đệ tử có thể trì hoãn, người đó có thể chậm trễ, nhưng người đó không thể thắng được. Và bạn càng để chậm trễ thì thất bại của bạn càng trở nên chắc chắn. Tôi đang xâm lấn vào bản thể bạn bằng nhiều cách khác nhau. Bạn cứ ngồi đó, bịt mắt, bịt tai và đóng kín tim lại - bạn chỉ ở đó, có thế thôi. Bạn chỉ cần ở đó. Sớm hay muộn, một ngày nào đó, bạn sẽ nghe được thông điệp.
Bạn có thể cứ còn khép kín được bao lâu? Người ta nói rằng ai đó cứ kiên trì trong điên rồ của mình thì người đó sẽ trở thành khôn ngoan. Bạn kiên trì. Một ngày nào đó, mặc dù bạn thế, bạn sẽ nghe. Đó là lí do tại sao tôi cứ nói mọi sáng, mọi chiều, năm này qua năm khác.
Và bạn nói "... chẳng bao giờ nhận được thông điệp - rằng không có câu trả lời." Bạn sẽ nhận được thông điệp đó chỉ khi không còn câu hỏi trong tâm trí bạn, chưa bao giờ trước lúc đó. Làm sao bạn có thể nhận được thông điệp rằng không có câu trả lời nếu bạn vẫn còn câu hỏi? Chính câu hỏi giả thiết là có câu trả lời. Câu hỏi là việc tìm kiếm câu trả lời. Câu hỏi hình thành với giả dụ là câu trả lời đã có, bằng không thì làm sao câu hỏi tồn tại được? Câu hỏi không thể tự nó tồn tại một mình được; nó phụ thuộc vào câu trả lời hay ít nhất cũng vào khả năng có câu trả lời.
Cái ngày bạn hiểu ra rằng không còn câu hỏi nào trong bạn nữa, chỉ ngày đó bạn mới nghe thấy thông điệp này rằng không có câu trả lời. Và ngày ấy bạn sẽ thấy rằng bạn chẳng hỏi điều gì, và tôi cũng chẳng trả lời gì cả. Đã có im lặng hoàn toàn. Tất cả những việc hỏi và trả lời này đều tựa như giấc mơ.
Nhưng vì bạn hỏi, tôi phải trả lời. Đó là cách duy nhất để giúp bạn gạt bỏ những câu hỏi. Nhớ lấy, những câu trả lời của tôi không phải là những câu trả lời, mà chỉ là phương tiện. Câu trả lời của tôi không nhằm trả lời câu hỏi của bạn, vì tôi biết rất rõ là không có câu hỏi nào cả. Tất cả các câu hỏi đều giả. Bạn đã mơ về chúng. Nhưng khi bạn hỏi, tôi kính trọng bạn. Tôi trả lời. Việc trả lời của tôi chỉ là kính trọng của tôi đối với bạn, và câu trả lời của tôi cũng chỉ là phương tiện. Nó sẽ giúp bạn thấy rằng câu hỏi sẽ tan biến dần.
Một ngày nào đó, bạn bỗng nhiên thức tỉnh và không còn câu hỏi nào nữa. Ngày ấy, bạn sẽ thấy rằng tôi chưa từng bao giờ trả lời lấy một điều. Chẳng cái gì có thể được trả lời cả vì không có câu hỏi nào trong sự tồn tại. Sự tồn tại tồn tại mà không có câu hỏi nào. Nó là bí ẩn; không phải là vấn đề cần giải quyết, mà là bí ẩn cần được yêu mến, bí ẩn cần được được sống.
Và Shaila nói: "Sự tươi mát như sương trong ánh sáng buổi sớm của thầy luôn làm tôi kinh ngạc; vậy mà tôi vẫn mù, điếc và câm, bị cắt rời khỏi việc chia sẻ sự toả sáng của thầy, trừ những khoảnh khắc ngắn ngủi."
Những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy sẽ có tác dụng. Những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy là niềm hi vọng. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi sẽ xâm nhập vào bạn. Những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy sẽ dần lớn lên. Một ngày nào đó bạn sẽ thấy những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy đã xâm chiếm bạn. Thậm chí một khoảnh khắc có mối tiếp xúc giữa tôi và bạn, thế là đủ, nó sẽ quá đủ. Thậm chí sáng suốt nhỏ bé ấy sẽ trở thành ngọn lửa trong bạn. Tia lửa bé nhỏ ấy sẽ thiêu cháy toàn bộ tâm trí bạn, tới chính gốc rễ, gốc rễ và tất cả.
Câu hỏi thứ ba:
Tôi không thích những câu kinh này của Phật. Chúng khô khan, khó hiểu và rắc rối. Phải chăng chân lí là giản dị?
Chân lí là đơn giản và chân lí là khó. Thực tế nó khó bởi vì nó đơn giản. Nó đơn giản thế còn tâm trí bạn thì phức tạp đến mức bạn không thể hiểu được nó; bạn cứ làm lỡ nó. Nó đơn giản đến mức nó chẳng thách thức gì bạn. Nó đơn giản đến mức bạn đi qua bên nó, vẫn hoàn toàn chẳng nhận biết rằng bạn đã đi qua chân lí.
Chân lí đơn giản vì chân lí là hiển nhiên. Nhưng đơn giản không có nghĩa là dễ dàng. Cái đơn giản là rất phức tạp. Nếu bạn đi vào trong nó thì bạn sẽ bị lạc, bạn thậm chí chẳng bao giờ thoát ra được nó. Cái đơn giản có chiều sâu trong nó; nó không nông cạn. Và để đạt tới cái đơn giản đó, bạn sẽ phải mất nhiều thứ - và để mất những thứ này lại khó khăn.
Thí dụ, tại sao những câu kinh này của Phật đối với bạn lại có vẻ khó thế? - bởi vì chúng phi logic. Nếu bạn có thể đánh mất đi logic của mình, chúng sẽ đơn giản. Khó khăn đến từ tâm trí của bạn, không phải từ kinh của Phật. Phật là người rất đơn giản. Ông ấy đơn giản phát biểu sự kiện. Nhưng vấn đề nảy sinh từ bạn, vì bạn không thể chấp nhận sự kiện đơn giản đó. Bạn có ý kiến của mình. Những ý kiến đó can thiệp vào.
Bạn nói, "Làm sao điều này có thể như vậy được? Nếu con người này là đúng thế thì toàn bộ logic của mình sai à." Và điều đó bạn không thể nào chấp nhận được. Toàn bộ quá trình học hành, đào tạo của bạn đều là logic, còn ông ấy cứ nói những điều phi logic. Ông ấy bất lực. Tại tầm cao ấy, tại cấp độ viên mãn ấy, logic không tồn tại. Ông ấy có thể làm được gì? Tại cấp độ viên mãn ấy, mọi thứ đều thành ngược đời. Tại cấp độ viên mãn ấy, những mặt đối lập gặp nhau, những mâu thuẫn trở thành bổ túc cho nhau. Ông ấy có thể làm được gì? Ông ấy phải khẳng định chúng. Vấn đề nảy sinh từ bạn - bởi vì bạn muốn rằng những chân lí ấy được giải thích theo logic của bạn.
Hãy hình dung một cậu học sinh phổ thông trong giờ vật lí tỏ ý không thích, "Em không đồng ý với công thức của Albert Einstein."
"Không à? Tại sao không?" thầy giáo hỏi.
"Thưa thầy, trước hết là vì nó rất chán, và mỗi lần thầy giảng cái đó là em lại buồn ngủ. Thứ hai là nó không cân xứng. Thầy xem! E = mc2. Ông ấy đặt một bên chỉ có mỗi một kí hiệu còn bên kia công thức là ba kí hiệu. Không mĩ thuật. Tại sao ông ấy không chuyển bớt một kí hiệu sang bên trái cho công thức cân đối hơn? Đó là lí do em ghét nó."
Bây giờ cậu học sinh này đang nêu ra những vấn đề thú vị. Nó không đối xứng: "Loại phương trình quái quỉ gì thế này? Hai vế không cân nhau. Thật không mĩ thuật. Chỉ cần đưa một kí hiệu sang vế bên kia, mọi thứ trông sẽ đẹp hơn, đối xứng hơn."
Cậu bé này hoàn toàn không nhận biết gì về điều cậu ta nói, nhưng tất cả những gì cậu phát biểu đều có vẻ logic. Tuy nhiên, công thức Einstein không nhằm mục đích giải trí cho bạn. Nó là để diễn tả thực tại. Nếu bạn chán nó, điều đó đơn giản chứng tỏ rằng đầu óc bạn bị giới hạn, rằng bạn không thể hiểu được sáng suốt thấu đáo ấy. Người ta nói rằng, trên toàn thế giới vào thời đó chỉ có mười hai người hiểu được lí thuyết tương đối của Einstein. Trên toàn thế giới, chỉ có mười hai người?
Chân lí đơn giản thật, nhưng khi bạn xem xét chi tiết nó, khi bạn bắt đầu đi sâu vào thực tại của nó, thì nó trở nên khó. Chẳng hạn, thánh Augustine tương truyền đã từng nói, "Ai cũng biết thời gian là gì. Tôi cũng biết nó, nhưng khi ai đó hỏi tôi “Thời gian là gì? Xin giải thích nó cho tôi,” thì tôi thấy thật lúng túng."
Bạn biết thời gian là gì, bạn sống theo thời gian. Buổi sáng bạn thức dậy lúc sáu giờ, buổi tối bạn ngủ lúc mười một giờ, buổi trưa bạn ăn lúc một giờ. Bạn đi làm, bạn về nhà. Bạn dùng thời gian, bạn biết thời gian là gì, nhưng bạn có thể giải thích được nó không? Khoảnh khắc bạn định giải thích, nó trở thành khó nắm bắt. Bạn chưa bao giờ thấy nó, chưa bao giờ thấy nó trong tay. Bạn không thể hiểu thấu nó. Nó là cái gì vậy?
Augustine là phải - rằng vấn đề nảy sinh khi bạn thử giải thích nó. Ánh sáng đơn giản thế, nó khắp xung quanh, nhảy nhót trên cây; toàn bộ bầu trời đầy ánh sáng. Bạn cứ thử giải thích nó cho người mù xem, người đó sẽ chán và người đó sẽ nói, "Chấm dứt cái trò vô nghĩa ấy đi." Trước hết bạn sẽ thấy rất khó để đưa điều đó thành lời. Nhưng chúng ta gạt sang một bên cái thí dụ về ánh sáng này. Đó là vấn đề khoa học; bạn có thể không thích nó.
Bạn đã yêu, bạn biết yêu là gì. Bạn phải đã yêu - ít nhất bạn phải đã yêu mẹ bạn, bố bạn, chị bạn, người đàn bà nào đó, vợ bạn, chồng bạn, con bạn. Bạn có thể giải thích yêu là gì không? Thế thì bỗng nhiên bạn thành câm. Thế thì bỗng nhiên bạn mất hết mọi thông minh - dường như ai đó đã đánh chết bạn. Bạn trở nên tê liệt. Yêu là gì? Bạn có thể định nghĩa được nó không?
Yêu là kinh nghiệm của mọi người, dù nhiều dù ít, nhưng chẳng ai có thể định nghĩa được nó. Niết bàn không phải là kinh nghiệm của mọi người - hãn hữu lắm niết bàn mới xảy ra - và Phật đang cố gắng giải thích cho bạn niết bàn là gì.
Chân lí là đơn giản, nhưng khoảnh khắc bạn định giải thích, nó liền trở nên khó khăn. Nhưng nhớ lấy, bạn ở đây không phải chỉ để vui chơi. Và tôi không chống lại việc vui chơi, nếu chúng đến đúng lúc. Nhưng cần có thêm điều gì đó ngoài vui chơi; và chỉ riêng cái đó sẽ trở thành chứng ngộ của bạn. Những trò giải trí là nhu cầu ở mức độ rất thấp. Chứng ngộ là nhu cầu cao nhất. Nếu bạn chỉ chuyển từ trò giải trí này sang trò giải trí khác, bạn sẽ vẫn còn nông cạn; bạn sẽ chẳng bao giờ trưởng thành, bạn sẽ vẫn còn chưa chín chắn. Bạn nên thỉnh thoảng đi vào chiều sâu của cuộc sống, của tình yêu, của ánh sáng, của Thượng đế. Đôi khi bạn phải bay bổng vào cõi vĩnh hằng để có hương vị của nó. Chỉ điều đó mới làm cho bạn trở nên chín chắn.
Tôi hiểu những khó khăn của bạn. Bạn nói: "Tôi không thích những câu kinh này của Phật." Thế thì học cách thưởng thức đi. Thế thì học cách thưởng thức những điều cao hơn. Có nhiều điều cao hơn. Nếu bạn muốn thưởng thức âm nhạc cổ điển Ấn Độ, bạn sẽ phải học. Bạn không thể chỉ tới và thưởng thức nó, cần có chuẩn bị nhất định trong bạn, cần có nhạy cảm nhất định trong bạn. Nó không phải là âm nhạc tầm thường. Nó cần hiểu biết nhất định trong bạn... hiểu biết sâu sắc về âm thanh và im lặng - vì âm nhạc bao gồm âm thanh và im lặng. Nó không chỉ có âm thanh; nó chứa cả im lặng trong nó.
Càng nhiều im lặng, âm nhạc càng cao siêu, sâu lắng. Khi nó gợi lên cái im lặng trong bạn, khi nó thấm sâu vào lòng bạn và khơi ra cái im lặng bên trong của bạn, khi lắng nghe nó tâm trí bạn biến mất, suy nghĩ bạn dừng lại... Nhưng thế thì bạn sẽ phải học, bạn sẽ phải trải qua kỉ luật nào đó, bạn sẽ phải trở nên mang tính thiền nhiều hơn. Một ngày nào đó bạn sẽ có khả năng thưởng thức nó. Nhưng nếu bạn muốn thưởng thức nó ngay bây giờ và bạn không sẵn sàng về nó, đừng trách móc nó.
Đừng nói rằng kinh Phật đáng chán, mà nói rằng bạn chưa có khả năng để hiểu được sự viên mãn đó, rằng bạn không có khả năng nhìn tới đỉnh cao đó, rằng bạn chưa đủ khả năng leo lên đỉnh Everest của tâm thức. Phật đang nói từ đỉnh cao nhất. Bạn sẽ phải đi ra khỏi cái hốc tối tăm của mình một chút. Bạn sẽ phải trèo lên núi; chỉ thế thì bạn mới hiểu được những câu kinh sáng chói ánh mặt trời này.
Việc này khó khăn bởi vì chúng ta hoàn toàn chưa được chuẩn bị cho hiểu biết này, và do đó đôi khi bạn có thể cảm thấy chán. Nhưng hãy đấu tranh với cái chán ấy, phá huỷ cái chán của bạn, tự kéo mình ra khỏi nó. Bạn phải đi cùng Phật, bạn phải thấy những gì ông ấy đã thấy. Thấy điều ấy, bạn sẽ được mãn nguyện.
Câu hỏi thứ tư:
Osho kính yêu,
Điều duy nhất ngăn trở chúng tôi trở về nhà có phải là mối nghi ngờ rằng chúng tôi chưa từng ở nhà, mối nghi ngờ này được tăng cường thêm bởi mọi người xung quanh?
Vâng, Shobha. Nghi ngờ là điều duy nhất ngăn cản - nghi ngờ rằng chúng ta không phải như chúng ta đáng thế, nghi ngờ rằng điều thiêng liêng không thể ở bên trong chúng ta. Làm sao Thượng đế lại ở bên trong chúng ta được? - vì bạn đã từng được dạy rằng Thượng đế ngụ ở kia trên tận bẩy tầng trời, ngồi trên ngai vàng, bao quanh là các thiên thần đang chơi thụ cầm và hát những bài ngợi ca Thiên Chúa.
Ngài không ở đây, ngài ở xa xăm. Ngài to lớn, ngài khổng lồ, ngài vĩnh hằng, ngài là thế này và ngài là thế nọ. Làm sao ngài có thể ở trong tim bạn được? Trái tim bạn nhỏ bé thế. Và làm sao ngài có thể trong tim bạn được? - bạn xấu xí thế và bạn đáng ghét thế, bạn liên tục tự kết án mình theo cả nghìn lẻ một cách. Làm sao ngài có thể ở đấy được? Nếu Thượng đế có đó trong bạn, thế thì quỉ sống ở đâu? Nghi ngờ...
Khi người ta bảo bạn rằng Thượng đế ở trong bạn, bạn không thể chấp nhận điều ấy được. Bạn đã nhiều lần nghe những lời Jesus nói với mọi người, "Vương quốc của Thượng đế ở trong ông." Nhưng ngay cả những người Ki tô giáo cũng không nghe, ngay cả các tín đồ. Thậm chí cả những tín đồ gần gũi nhất của Jesus cũng luôn hỏi ông ấy về Thượng đế ở trên trời, và mỗi lần như vậy Jesus đều nói, "Ngài ở trong ông." Nhưng họ vẫn cứ nói Thượng đế ở trên trời và họ cứ nói, "Khi chúng tôi chết cả, chúng tôi sẽ ra sao ở trên cõi trời? Ai sẽ ngồi bên phải Thượng đế? Chỗ của chúng tôi ở đó là thế nào? Ai sẽ là ai? Trật tự cấp bậc đó ra sao?" Và Jesus vẫn cứ nói, "Ngài ở trong ông." Nhưng chẳng ai tin cả, bạn đã không được dạy phải tin cậy vào chính bản thân mình.
Ngay từ lúc mới sinh ra, bạn đã bị phân tán khỏi bản thể mình. Tất cả mọi người đều lên án bạn - bố mẹ bạn, thầy giáo bạn, các tu sĩ, các chính khách. Mọi người đều kết án bạn. Mọi người đều nói, "Con! Con như thế là chưa được. Con phải phấn đấu trở thành con người toàn diện hơn, con phải trở nên đúng."
Mục tiêu đã được trao cho bạn, và bởi vì những mục tiêu đó và những lí tưởng hoàn hảo đó mà bạn vẫn còn bị kết án và đè bẹp. Làm sao bạn có thể nhận được thông điệp rằng điều thiêng liêng ở bên trong bạn, rằng bạn đã về nhà, rằng bạn chưa bao giờ rời nhà mình ngay chỗ đầu tiên, rằng mọi sự đều hoàn hảo như nó vẫn thế? Chỉ cần thảnh thơi và nó là của bạn. Không phải là bạn cứ phải tìm và kiếm, mà chỉ cần thảnh thơi trong nó và nó là của bạn.
Nghi ngờ nảy sinh: "Thượng đế mà trong tôi sao? Thế mà bố tôi thì bảo, 'Mày là đứa con hư nhất thị trấn này.' Còn mẹ tôi thì rủa, 'Sao mày không chết quách đi cho rồi? Mày là sự kết án cho cả gia đình, mày là nỗi nhục của gia đình. Chúng tao tiếc là đã sinh ra mày.'" Thầy giáo thì gọi bạn là đồ ngu, đồ đần độn, đồ điên khùng. Còn cha xứ bảo rằng tôi là tội nhân, tôi nhất định sẽ xuống địa ngục.
Tối hôm trước, tôi vừa đọc câu chuyện về nhà huyền môn Ấn Độ được mời dự lễ ở nhà thờ Ki tô giáo. Sau bài giảng đạo, cha xứ nói to với giáo đoàn, "Tất cả các con là kẻ có tội! Bây giờ quì xuống và cầu nguyện đi! Quì xuống trong lời cầu nguyện!"
Mọi người đều quì xuống, trừ nhà huyền môn, nhà huyền môn Hindu. Cha xứ nhìn ông này và bảo, "Thế ông không tham gia cùng chúng tôi cầu nguyện à?"
Ông này nói, "Tôi cũng muốn tham  gia, nhưng tôi không phải là kẻ có tội. Và tôi thấy ở đây chẳng ai có tội cả.
Tôi muốn tham gia vào việc cầu nguyện nhưng bây giờ ông làm cho việc đó thành không thể được đối với tôi. Tôi không thể quì gối. Tôi không phải là kẻ có tội. Thượng đế ở trong tôi; tôi không thể bất kính với ngài. Tôi có thể cầu nguyện chỉ vì Thượng đế ở trong tôi. Và tôi không cầu nguyện để được cái gì - lời cầu nguyện của tôi là lời cảm ơn, là tri ân về tất cả những gì Thượng đế đã ban cho tôi. Lời cảm ơn của tôi là ở chỗ ngài đã chọn tôi làm nơi trú ngụ của ngài, rằng ngài đã làm cho tôi vinh dự, rằng tôi là một phần của ngài, rằng ngài thuộc về tôi. Tôi sẵn sàng cầu nguyện, tôi sẵn sàng quì gối, nhưng không phải như một kẻ có tội, vì điều đó không đúng."
Bạn đã được dạy rằng bạn là kẻ có tội, rằng chừng nào Jesus chưa cứu vớt bạn, thì nhất định bạn sẽ xuống địa ngục. Bạn đã bị  kết án nhiều đến  mức khi thông  điệp này  từ phương Đông bừng lên trong con người bạn, bạn đâm ra nghi ngờ, "Không thể được! Tôi sao?... và tôi chưa bao giờ rời khỏi nhà sao? Có thể điều đó đúng với Phật, có thể điều đó đúng với Jesus, nhưng với tôi sao? - Tôi là kẻ có tội mà."
Chẳng ai là kẻ có tội cả. Thậm chí trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời, bạn vẫn cứ là điều thiêng liêng. Bạn không thể đánh mất đi cái thiêng liêng của mình được, không có cách nào để đánh mất nó. Nó chính là bản thể của bạn. Nó là chất liệu làm nên bạn.
Shobha đã hỏi: "Điều duy nhất ngăn trở chúng tôi về nhà có phải là mối nghi ngờ rằng chúng tôi chưa từng ở nhà, mối nghi ngờ này được tăng cường thêm bởi mọi người xung quanh?"
Vâng, nó được tăng cường bởi mọi người xung quanh bạn. Đó là lí do tại sao tôi nói rằng chỉ có tình yêu khi nào ai đó chấp nhận bạn như điều thiêng liêng. Người đó củng cố chân lí rằng bạn là điều thiêng liêng. Nếu ai đó củng cố điều dối trá rằng bạn không thiêng liêng, thì đó không phải là tình yêu. Người đó có thể là mẹ bạn, người đó có thể là bố bạn, cũng chẳng thành vấn đề. Nếu ai đó cho bạn một ý niệm tự kết án mình, đó là người đó đang đầu độc bạn. Nếu ai đó nói rằng bạn không được chấp nhận như bạn hiện thế, rằng Thượng đế sẽ yêu bạn chỉ nếu bạn đáp ứng những điều kiện nào đó, thì người đó đang phá huỷ bạn đấy, người đó là kẻ thù của bạn - coi chừng người đó.
Câu hỏi thứ năm:
Hôm trước, tôi vào cổng cùng với một sannyasin Ấn Độ, và người bảo vệ đã đuổi anh ta ra mà không nói lí do. Khi tôi nói việc đó với Laxmi, cô ấy bảo tôi đại khái là tự lo lấy việc của mình. Bất kì khi nào tôi thấy người ta bị đối xử bất công, phản ứng tức thì của tôi là giúp đỡ người đó. Vậy có thật đấy không phải là việc của tôi đối với điều xảy ra cho người khác không?
Câu hỏi này là của Ma Deva Tulika.
Điều này có ý nghĩa đối với mọi người đang có mặt ở đây và mọi người, bằng cách này hay cách khác, sẽ có quan hệ với tôi. Bất kì cái gì xảy ra trong cộng đồng này đều xảy ra theo sự đồng ý của tôi. Tôi biết ai đã bị mời ra khỏi cổng. Và người đã được mời ra đó cũng biết tại sao anh ta bị mời ra khỏi cổng. Và đấy không phải là việc của bạn chen vào.
Điều này bạn tuyệt đối cần phải hiểu: rằng bất kì cái gì xảy ra ở đây... Tôi có thể không ra khỏi phòng, tôi chưa bao giờ ra ngoài ngoại trừ vào buổi sáng và buổi tối, và tôi cũng chưa bao giờ đi dạo quanh đạo tràng - nhưng bất kì cái gì xảy ra ở đây tôi đều biết rất rõ, nó xảy ra với sự đồng ý của tôi. Tôi xin bạn, chớ có can thiệp vào.
Có một vài người khác cũng giống Tulika, thường xuyên can thiệp vào công việc ở đây. Bạn không là ai cả để phán xét cái gì đúng và cái gì sai. Nếu bạn đã biết điều đó thì bạn chẳng cần ở đây, bạn đã trở nên chứng ngộ - bạn về nhà.
Đây không phải là việc của bạn để quyết định cái gì công bằng và cái gì bất công. Đây không phải là một nơi bình thường, do vậy những điều thông thường sẽ không áp dụng ở đây. Một số thực nghiệm phi thường đang tiến hành. Tôi biết nhu cầu của mỗi người là gì. Nếu tôi cảm thấy rằng ai đó không được vào cổng, người đó không thể vào được. Nếu tôi cảm thấy rằng không cần đưa ra lí do nào, không một lí do nào được đưa ra. Cái đó là phương cách của tôi cho cuộc đời người đó và cho công việc của người đó.
Vì vậy bạn không nên chen vào trong đó. Nếu bạn bắt đầu chen vào trong đó, bạn sẽ chỉ làm mất cơ hội cho trưởng thành của mình. Những người gác cổng có trách nhiệm của họ; họ biết phải làm gì. Và tôi vẫn tiếp xúc với họ, với những gì họ làm. Bạn đơn giản bỏ qua.
Đây không phải là một nơi bình thường. Tất cả đều được để mắt tới, và nếu ai đó cần được một cú đánh vào đầu thì người đó sẽ nhận được. Bạn không nên ngăn cản điều đó; bằng không, bạn sẽ chen vào tiến hoá của người đó nữa, bạn sẽ cản trở người đó và bạn sẽ cản trở chính mình nữa. Và bạn có thể lại bốc đồng một cách không cần thiết về điều đó.
Có vài người - Padma Sambhava là một. Họ cứ viết thư cho tôi rằng điều này đã xảy ra và ai đó đã làm thế này và việc này là không nên. Tại đây bạn không là ai cả để quyết định cái gì nên hay cái gì không nên. Khoảnh khắc bạn trở thành một phần công xã của tôi thì để mọi việc cho tôi; bằng không công việc sẽ là không thể được.
Bây giờ tôi biết người đã bị mời ra và tôi biết tại sao anh ta lại bị mời ra - và anh ta cũng biết tại sao anh ta lại bị mời ra. Không có lí do nào để đưa ra bất kì lí do nào. Nếu phải nêu ra lí do cho từng người và từng việc, thì có lẽ toàn bộ công việc của tôi chỉ là đưa ra lí do. Có hàng nghìn người tới, và mọi người đều phải được nêu lí do và lời giải thích về mọi việc sao? Laxmi phải đấy.
Và luôn nhớ rằng Laxmi chưa bao giờ làm bất kì điều gì theo ý riêng của mình. Cô ấy là một phương tiện hoàn hảo; đó là lí do tại sao cô ấy đã được chọn cho việc đó. Bây giờ tôi không thể chọn Tulika cho việc này, vì cô ấy có ý kiến riêng của mình về cái gì đúng và cái gì sai. Laxmi không có ý kiến nào. Cô ấy đơn giản nghe và làm. Bất kì cái gì được bảo làm, là cô ấy làm.
Và bạn phải học những cách này, vì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ trở thành công xã lớn hơn và hàng nghìn người sẽ tới đây và những việc này phải được giải quyết. Bạn không nên đem chúng lại nữa. Nhiều lần bạn cứ viết các câu hỏi: "Ai đó đã làm điều này..." Điều đó là để cho tôi nhìn vào, và nếu tôi nghĩ rằng điều đó không phải, thì nó sẽ được ngăn chặn. Bạn không cần đem điều đó tới chú ý của tôi. Bạn chỉ làm phí thời gian của tôi.
Và bạn còn bốc đồng thế... Có một vài kẻ ngốc nghếch nào đó đã từ bỏ trạng thái sannyas vì họ đã thấy một điều gì đó bất công được thực hiện! Họ chỉ mất cơ hội dành cho họ mà thôi. Đấy không phải là việc của họ. Bạn đến đây vì trưởng thành của riêng bạn. Chấp nhận này phải là toàn bộ, chỉ thế thì công việc mới có thể chạy, chỉ thế thì tôi mới có thể giúp bạn được. Tôi xin bạn, chớ có nêu cho tôi gợi ý gì. Khoảnh khắc bạn nêu cho tôi gợi ý, bạn bị ngắt ra khỏi tôi.
Nơi đây không dự định là một nền dân chủ. Bạn không được hỏi cái gì nên làm hay cái gì không nên làm. Điều này cần phải được ghi nhớ ngay từ đầu - rằng nơi đây không dự định là một nền dân chủ. Phiếu bầu của bạn sẽ không bao giờ được tính tới cả. Bạn trở thành một phần của nó với hiểu biết đó: rằng bất kì cái gì tôi quyết định cũng đều là tuyệt đối. Nếu bạn không chọn cách đó, bạn hoàn toàn được thoải mái ra đi.
Mọi người bị ngăn cản không cho vào nhưng không ai bị ngăn cản ra đi cả. Bạn có thể ra đi. Bạn đã từng thấy bất kì ai bị ngăn không cho đi không? Bỏ đi là hoàn toàn tự do - bạn tự do, đấy là quyết định của bạn. Nếu bạn muốn ở đây thì bạn phải ở đây toàn bộ. Nếu bạn cảm thấy rằng đây không phải là chỗ cho bạn, rằng ý tưởng của bạn không được mãn nguyện, rằng nó không thích hợp với bạn, thì bạn được tự do ra đi.
Nơi này sẽ chẳng bao giờ thích nghi theo bạn. Nơi này là nơi dự định làm thay đổi bạn; nó không định thích nghi theo với bạn. Nơi này dự định tạo biến đổi cho bạn. Và đây là những việc bắt đầu. Bạn là ai mà biết cái gì đúng và cái gì sai? Và bạn là ai mà đòi hỏi lí do? Bạn chen vào như thế nào?
Còn anh chàng Ấn Độ không được vào cổng đó, nếu anh ta thích hỏi, anh ta sẽ tới để hỏi. Anh ta đã không hỏi vì anh ta biết, anh ta đã được nói cho tại sao bị ngăn lại. Anh ta gây phiền phức ở đây. Nhưng những việc này mọi người chẳng hỏi tới. Và điều này là không tốt, rằng mọi người lại phải nghe về phiền phức này. Điều này là thiếu tôn trọng người đó. Anh ta được báo cho biết và anh ta hiểu, bởi vì anh ta biết việc anh ta đã làm.
Thế mà bỗng nhiên bạn lại nhảy vào. Bạn tưởng bạn đang làm một việc vĩ đại, một phục vụ lớn lao. Bạn nghĩ rằng bạn đang cứu cho ai đó khỏi bị đối xử bất công. Bạn không biết toàn bộ câu chuyện. Mà bạn cũng chẳng cần biết toàn bộ câu chuyện làm gì, bởi lẽ ai ngồi đấy mà kể cho bạn tất cả các câu chuyện về mọi người? Quyết định chỉ cho chính bạn thôi. Đây là nơi nhiều điều sẽ chẳng bao giờ theo ý bạn. Bạn phải hài hoà với mọi thứ. Nếu bạn nghĩ rằng điều đó là không thể đối với bạn, thì bạn được tự do ra đi.
Và để đây là câu hỏi cuối cùng. Nhiều câu hỏi đã gửi đến tôi. Một ai đó tham gia vào một nhóm và viết, "Tại sao có quá nhiều bạo lực trong nhóm đương đầu?" Và điều đó đến từ một trưởng nhóm, một phụ nữ đã từng là trưởng nhóm. Cô ấy đã tham gia nhóm đương đầu một hai ngày và đã rời bỏ nhóm. Và cô ấy đã yêu cầu được tham gia. Tôi không tính đưa cô ấy vào nhóm đương đầu, tôi khuyên cô ấy vào một nhóm khác, nhưng cô ấy yêu cầu, "Tôi muốn làm với nhóm đương đầu." Cho nên tôi nói "Thôi được." Nhưng khi tôi nói "Thôi được," bạn nên hiểu điều tôi ngụ ý. Tôi ngụ ý rằng thế thì đấy là bạn tự quyết định.
Cô ấy tưởng rằng cô ấy đã biết vì cô ấy là trưởng nhóm. Cô ấy đã từng lãnh đạo các nhóm cho nên cô ấy nghĩ cô ấy biết. Còn tôi thì tôi biết rằng chính lúc đó, rằng cô ấy không thể đi vào nhóm nói trên được, vì nhóm đương đầu đang diễn ra ở đây là nhóm tốt nhất trên thế giới vào lúc đó. Không có nơi nào người ta cho phép có được tự do tuyệt đối như vậy.
Ở phương Tây, nhóm đương đầu có những hạn chế, vì người nhóm trưởng đương đầu có những hạn chế. Người đó có thể đi chừng ấy thôi. Nếu người đó thấy rằng mọi việc trở nên khó khăn, rằng bây giờ người đó có thể không kiểm soát nổi, rằng mọi thứ có thể đi quá xa, rằng anh ấy có thể không đem họ quay lại được, thế thì người đó ngăn lại.
Tại đây chúng tôi không tin vào bất kì biên giới nào.
Tôi xếp người vào nhóm đương đầu chỉ khi tôi thấy rằng bây giờ họ hiểu rằng họ cần phải vượt ra ngoài qua mọi biên giới - biên giới về dục, biên giới về bạo lực, về giận dữ, về điên cuồng. Họ phải đập tan mọi biên giới. Đó là việc đột phá - khi tất cả các biên giới đã bị đập vỡ.
Bây giờ người phụ nữ ấy trở nên rất sợ hãi, bây giờ cô ấy chống đối lại nhóm. Bây giờ cô ấy đang hỏi tôi, "Tại sao thầy lại cho phép bạo lực đến mức ấy?" Đó không phải là việc của bạn. Nếu bạn không có khả năng đi vào trong đó, bạn không bị yêu cầu phải vào trong đó. Hừ? Bạn có thể chọn một nhóm không bạo lực - ngồi thiền Zazen hay luyện thở Vipasana. Chúng ta có tất cả các loại trò chơi quanh đây. Hừ? bạn có thể chọn.
Nhưng đừng cứ viết thư cho tôi nữa. Bất kì những gì xảy ra ở đây đều xảy ra với hiểu biết của tôi. Không một việc nào xảy ra ở đây mà tôi lại không biết, cho nên bạn không cần phải thông báo cho tôi về mọi việc, tôi đã biết chúng. Đó là việc cực kì phí thì giờ.
Và khoảnh khắc bạn buông xuôi và trở thành người được điểm đạo, sannyasin, thì buông xuôi đó phải toàn bộ. Sống vài tháng trong buông xuôi toàn bộ đó và bạn sẽ thấy - nó như việc luyện kim đan, nó làm biến đổi bạn.
Những người mới đến và họ nghĩ, "Có chuyện gì vậy? Các sannyasin cũ chẳng can thiệp sao? Có người bị gác cổng ngăn lại, thế mà các sannyasin cũ cứ đi qua. Điều gì đã xảy ra cho những người này vậy? Họ có hiểu hay không rằng đây là điều không phải? Họ có thành những con người vô cảm, dửng dưng không?"
Không. Họ đã học và họ đã học hệt như bạn. Dần dần họ đã học được rằng bất kì việc gì xảy ra thì đều xảy ra theo một kế hoạch, một phương sách. Có một số hình mẫu giấu kín trong nó. Và ngoài tôi ra, chẳng ai biết hình mẫu giấu kín đó là gì. Cho nên bạn không thể đến gặp Laxmi; cô ấy không biết. Cô ấy đơn giản hỏi tôi cần phải làm gì và cô ấy làm. Bạn cũng không thể hỏi Sant ở cổng, "Anh đang làm gì vậy?" Anh ta đơn giản làm cái mà anh ta được bảo làm.
Nếu bạn muốn là một phần của công xã này, bạn cần phải hiểu điều này. Bạn phải thảnh thơi, bạn phải chấm dứt phán xét. Chẳng bao lâu, sau vài tháng thảnh thơi và chấp nhận, bạn sẽ có khả năng hiểu. Đó là điều đã xảy ra với những sannyasin cũ - bây giờ họ hiểu.
Câu hỏi thứ sáu:
Tôi luôn luôn cảm thấy nhu cầu về những phần thưởng nho nhỏ vào cuối ngày, như là: bia, thuốc lá, thuốc. Giờ đây tất cả những thứ đó không thoả mãn tôi được nữa, nhưng lòng ham muốn về vật nào đó, một dạng một phần thưởng nào đó, vẫn còn tiếp diễn. Vậy ham muốn đó là gì, và cái gì sẽ thoả mãn nó?
Không cái gì sẽ thoả mãn nó. Có một cơ chế tinh vi về ham muốn cần được hiểu. Ham muốn vận hành theo cách này: ham muốn đặt ra điều kiện cho hạnh phúc của bạn, "Mình sẽ hạnh phúc nếu có được chiếc xe kia, người đàn bà ấy, ngôi nhà nọ." Việc thoả mãn ham muốn vứt bỏ cái điều kiện đặt ra cho hạnh phúc của bạn. Trong cái nhẹ nhõm của mình, bạn cảm thấy thoải mái. Thực tế mọi điều bạn đã làm là vứt bỏ cái trở ngại hoàn toàn vô ích đối với hạnh phúc của bạn, nhưng chẳng bao lâu bạn lại thấy ý nghĩ của mình, "Nếu mình lại tạo ra được cái chướng ngại ấy lần nữa và lại vứt bỏ được nó, thì có lẽ mình sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và dễ chịu hơn lần đầu." Và do vậy cũng chính là ham muốn, thậm chí khi chúng ta đã thoả mãn chúng, lại dẫn đến việc tạo ra những ham muốn mới.
Bạn hiểu ý tôi không? Trước hết bạn làm ra điều kiện. Bạn nói, "Chừng nào mình chưa lấy được người đàn bà này, mình sẽ không hạnh phúc. Mình chỉ có thể hạnh phúc nếu sống với cô ấy." Bây giờ bạn bắt đầu tìm cách có được cô ấy. Công việc càng khó khăn bạn càng say sưa, hăng hái. Sự việc càng khó, bạn càng được thách thức. Sự việc càng khó, bạn càng dấn thân toàn diện; bạn sẵn sàng mạo hiểm. Và tất nhiên, càng nhiều hi vọng nảy sinh càng nhiều ham muốn chiếm hữu người đàn bà ấy. Sự việc gian nan thế, sự việc khó khăn thế. Nó phải là cái gì đó lớn lao; đó là lí do tại sao nó gian nan thế, đó là lí do tại sao nó khó khăn thế. Bạn săn đuổi cô ấy bằng mọi cách, cuộc săn đuổi tiếp tục không ngừng cho tới ngày bạn chiếm được người đàn bà ấy.
Cái ngày bạn chiếm được người đàn bà ấy thì điều kiện ban đầu bị vứt bỏ: "Nếu tôi lấy được người đàn bà ấy thì tôi sẽ hạnh phúc." Bạn đã đặt điều kiện đó lên hàng đầu. Bây giờ đây, bạn đã có cô ấy, bạn được nhẹ nhõm. Bây giờ không còn săn đuổi nữa, bạn đã tới đích, kết quả đã trong tay bạn, bạn cảm thấy thoải mái - thoải mái bởi vì nhẹ nhõm.
Một hôm, tôi gặp Mulla Nasruddin bước đi ngoài đường. Rõ ràng anh ta đang bị đau lắm, anh ta vừa đi vừa lẩm bẩm chửi rủa. Tôi hỏi anh ta, "Có việc gì thế? Anh đau dạ đầy hay đau đầu hay đau đâu đó? Có vấn đề gì? Có vẻ như anh đang đau đớn lắm."
Anh ta nói, "Chẳng có gì đâu. Đấy là vì giầy của tôi quá chật!"
"Thế thì đi chúng làm gì?"
Anh ta nói, "Lí do là việc duy nhất làm tôi dễ chịu vào cuối ngày là khi tôi được cởi giầy ra. Lạy trời, sướng thế... Nhưng đây là niềm vui duy nhất của tôi, nên tôi không thể vứt đôi giầy này được. Mũi giầy rất chật, đúng là địa ngục, nhưng chiều tối, bỏ giầy ra là tôi sướng như tiên. Khi về nhà, tôi cởi giầy rồi nằm vật xuống giường, tôi thấy mình đã tới đích rồi. Thật là tuyệt vời!"
Đó cũng là điều bạn đang làm đấy. Bạn tạo ra đau đớn, bạn tạo ra phiền não, săn đuổi, bồn chồn, và thế rồi một ngày nào đó, bạn trở về nhà cởi giầy ra và kêu lên, "Tuyệt vời quá. Thật vĩ đại. Ta đã tới đích!" Nhưng cái đó kéo dài được bao lâu? Nhẹ nhõm chỉ được một lúc. Thế rồi bạn lại khát khao.
Giờ đây bạn đã có người phụ nữ ấy rồi, cô ta trở thành vô dụng. Bạn không thể đặt lại điều kiện nữa. Bạn chẳng bao giờ nói lại, "Nếu tôi được người phụ nữ này, tôi sẽ hạnh phúc", bởi vì cô ấy đã ở cùng bạn. Bây giờ là bạn bắt đầu hướng cặp mắt sang vợ người khác, "Giá mà tôi được người phụ nữ kia..." Từ nay, bạn đã biết cái mánh - là đầu tiên đưa ra một điều kiện để được hạnh phúc, rồi ra sức hoàn thành điều kiện ấy, và một hôm nhẹ nhõm tới. Tất cả những cái đó là trò vô bổ. Người hiểu biết sẽ thấy rằng chẳng cần đặt điều kiện nào hết, bạn có thể hạnh phúc vô điều kiện. Tại sao cứ mang đôi giầy chật bó và chịu đau đớn để rồi cuối cùng được dễ chịu? Tại sao không tạo ra dễ chịu vào mọi lúc? Nhưng thế thì bạn sẽ không cảm nhận được dễ chịu, đấy là vấn đề. Để cảm nhận được nó, bạn cần có cái tương phản. Bạn sẽ hạnh phúc nhưng bạn sẽ không cảm thấy nó.
Và đó là định nghĩa về người thực sự hạnh phúc: người thực sự hạnh phúc là người không biết gì về hạnh phúc, người đó chẳng bao giờ nghe nói về nó; người đó hạnh phúc, hạnh phúc vô điều kiện, đến nỗi làm sao người đó có thể biết rằng mình đang hạnh phúc? Chỉ có những kẻ bất hạnh mới nói, "Tôi hạnh phúc, mọi việc đều thật tuyệt." Đấy là những người bất hạnh. Người hạnh phúc không biết gì về hạnh phúc. Nó đơn giản có đó, nó bao giờ cũng có đó. Nó tựa như việc thở.
Bạn không cảm thấy rất hạnh phúc về việc thở sao? - thế thì làm một việc, bịt mũi lại. Thực hiện vài bài tập yoga và nín thở bên trong và cứ nín thở như thế. Bí bức phát sinh. Và bạn cứ nín hơi. Là một đệ tử yoga thực thụ - cứ nín nữa. Và rồi, nó bùng mạnh ra, thật là khoái trá. Điều này ngu xuẩn - nhưng đây là điều ai cũng làm. Đó là lí do tại sao bạn cứ đợi kết quả vào buổi tối.
Hạnh phúc là ở đây bây giờ; nó chẳng cần điều kiện gì. Hạnh phúc là tự nhiên. Bạn chỉ nhìn đúng điểm của nó. Đừng làm ra điều kiện cho hạnh phúc của mình. Cứ hạnh phúc mà không có lí do nào cả. Không cần tìm một lí do nào để có hạnh phúc. Cứ hạnh phúc.
Cây cỏ hạnh phúc và chúng chẳng cần uống bia buổi tối và hút thuốc, mà chúng hoàn toàn hạnh phúc. Xem đấy!... Và gió thổi hạnh phúc, mặt trời hạnh phúc, cát hạnh phúc và biển hạnh phúc, và mọi thứ đều hạnh phúc chỉ trừ con người - vì không ai đặt điều kiện cho hạnh phúc. Chỉ hạnh phúc thôi.
Nếu bạn không thể hạnh phúc thì bạn đừng làm hoàn cảnh thành không thể được - làm cho nó thành khó khăn. Thế thì Mulla là phải - một chi tiết nhỏ như thế. Tôi hiểu. Anh ta còn thông minh hơn bạn tưởng nhiều. Một phương sách đơn giản đến thế - đi đôi giầy nhỏ hơn một số - một phương sách nhỏ bé thế, chẳng ai ngăn cấm bạn dùng một phương sách đơn giản như vậy để đến chiều tối, cảm thấy hạnh phúc! Tìm ra những phương sách nhỏ và hạnh phúc như bạn mong muốn đi.
Nhưng bạn lại bảo, "Tôi chỉ hạnh phúc khi cái nhà đồ sộ kia thuộc về tôi." Bạn yêu cầu một điều hơi nặng kí đấy! Điều này có thể phải mất hàng năm, bạn sẽ mệt mỏi, cạn kiệt sức lực, và khi bạn bước chân vào ngưỡng cửa lâu đài mơ ước, có thể bạn sẽ đến ngưỡng của cái chết. Đó là điều vẫn xảy ra. Và bạn lãng phí cả đời người và ngôi nhà to lớn sẽ trở thành nấm mồ của bạn. Bạn nói, "Chừng nào tôi chưa có một triệu đô la thì tôi không thể hạnh phúc được." Và thế thì bạn phải làm việc và lãng phí cả đời người. Mulla Nasruddin thông minh hơn nhiều: Đặt những điều kiện nhỏ bé thôi và có thật nhiều hạnh phúc như bạn mong muốn.
Nếu bạn hiểu, thế thì chẳng cần đặt ra điều kiện nào. Chỉ cần thấy được vấn đề về nó - rằng điều kiện không tạo ra hạnh phúc, chúng chỉ đem lại nhẹ nhõm. Nhưng nhẹ nhõm không thể kéo dài mãi; chẳng nhẹ nhõm nào có thể kéo dài mãi được. Nó chỉ kéo dài trong chốc lát. Bạn chẳng đã từng quan sát nhiều lần điều đó rồi sao? Bạn muốn mua một chiếc xe hơi; xe mua về để ở trước cửa và bạn đang đứng đó, rất rất hạnh phúc. Nhưng được bao lâu? Ngày mai, chiếc xe cũ đi một ngày, ngày mốt chiếc xe cũ đi hai ngày. Tất cả hàng xóm đều đã ngắm nó và trầm trồ khen xe đẹp, thế là hết! Bây giờ chẳng ai còn nhắc đến nó nữa. Đó là lí do tại sao các nhà sản xuất xe phải cho xuất xưởng mỗi năm bao nhiêu kiểu xe mới để bạn có thể có các điều kiện mới.
Thiên hạ không ngừng ham muốn cả đống đồ vật, chỉ để có cảm giác nhẹ nhõm, và nhẹ nhõm là có sẵn. Bạn đã nghe câu chuyện này chưa?
Một người ăn xin đang ngồi dưới gốc cây, khi chiếc xe hơi của một người giầu bị hỏng dừng lại. Người lái xe lo sửa xe, trong khi ông nhà giầu bước ra còn người ăn xin đang nghỉ ngon lành dưới gốc cây. Thời tiết đẹp tuyệt, có mặt trời, có gió mát. Người giầu ngồi xuống bên cạnh và hỏi người ăn xin, "Sao anh không làm việc?"
Người ăn xin hỏi, "Để làm gì?"
Người giầu nói, "Nếu anh làm việc, anh có thể kiếm được tiền."
Người ăn xin hỏi, "Để làm gì?"
Hơi bực mình, người giầu nói, "Nếu anh có tiền, anh có thể mở một tài khoản lớn ở ngân hàng."
Nhưng người ăn xin lại hỏi, "Để làm gì?"
Càng lúc càng bực, người giầu đáp, "Để làm gì sao? Để nghỉ hưu, khi về già anh có thể an dưỡng."
"Nhưng," người ăn xin nói, "hiện giờ tôi đang an dưỡng đây! Tại sao phải đợi đến lúc già và làm tất cả những việc vô nghĩa này? - kiếm tiền và mở tài khoản ngân hàng và rồi cuối cùng mới nghỉ ngơi? Thế ông không thấy tôi đang nghỉ ngơi sao? Tại sao phải chờ đợi?"
Tại sao phải đợi đến chiều tối? Và tại sao phải chờ có bia? Tại sao không uống nước lã và tận hưởng nó khi bạn đang uống?
Bạn có biết chuyện Jesus biến nước lã thành rượu vang không? Người Ki tô giáo bỏ lỡ câu chuyện này. Họ tưởng Jesus đã thực sự biến nước lã thành rượu vang. Điều đó không đúng. Chắc chắn ông ấy đã dạy cho các đệ tử điều bí mật mà tôi đang dạy cho bạn. Ông ấy phải đã bảo họ, "Uống nước lã với niềm vui tuyệt vời, đến nỗi nước biến thành rượu!"
Bạn có thể uống nước với niềm vui làm bạn gần như say sưa. Thử mà xem! Nước có thể làm bạn say sưa. Điều đó tuỳ thuộc vào bạn. Nó không tuỳ thuộc vào bia hay rượu. Và nếu bạn không hiểu điều đó, thử hỏi người thôi miên xem, hỏi Santosh của chúng ta. Anh ta biết đấy. Nếu đưa nước cho một người bị thôi miên uống và bảo người đó đó là rượu, người đó sẽ say - chỉ với nước lã!
Ngày nay, các bác sĩ biết dùng thứ ‘thuốc’ giả, và đôi khi kết quả rất thách đố. Người ta đã thử một vài thực nghiệm trong bệnh viện. Người ta cho hai mươi bệnh nhân cùng mắc một bệnh nào đó uống một thứ thuốc, đồng thời cho hai mươi bệnh nhân khác bị cùng thứ bệnh ấy uống nước lã, để xem nước có hiệu quả không. Thông tin này được giữ bí mật, cả bệnh nhân lẫn bác sĩ điều trị đều không biết ai là người được uống thuốc và ai chỉ là người uống nước lã, vì nếu bác sĩ biết, thế thì ngay cả hành vi của ông ta sẽ thay đổi. Cho nước, ông ta sẽ không cho một cách nghiêm chỉnh và điều đó sẽ tạo ra nghi ngờ nảy sinh trong bệnh nhân. Cho nên cả bác sĩ lẫn bệnh nhân - không ai được biết. Tri thức này được giữ trong hầm, khoá kín.
Và điều kì lạ là các bệnh nhân uống nước lã cũng được giảm bệnh như các bệnh nhân uống thuốc. Trong mỗi nhóm, có mười bẩy bệnh nhân trên hai mươi đã khỏi bệnh sau hai tuần. Điều kì lạ hơn là những người được chữa bệnh bằng nước lã lại khoẻ mạnh lâu hơn nhóm người uống thuốc. Những người uống thuốc còn phải trở lại điều trị thêm vào tuần sau.
Điều gì đã xảy ra? Tại sao nước lã lại có công hiệu như vậy? Điều phát huy tác dụng ở đây, không phải thuốc, mà chính là ý nghĩ cho rằng đó là thuốc. Và vì là nước tinh khiết nên nó không thể có hại, trong khi thuốc thực tế là có hại. Đó là lí do tại sao những người được uống thuốc đã phải trở lại. Họ bắt đầu tự tạo cho mình ham muốn mới, bệnh mới, những vấn đề mới... bởi vì, không có loại thuốc nào mà không tác động cách này hay cách khác tới cơ thể. Nó sẽ có phản tác dụng của nó. Còn nước lã không thể gây phản ứng gì. Chỉ đơn thuần là thôi miên mà thôi.
Bạn có thể uống nước lã với niềm vui thích, hăng say đến mức nó biến thành rượu vang. Xem các thiền sư uống trà với mức độ trang trọng, lễ nghi, với nhận biết như thế, thế thì thậm chí trà cũng trở thành một hiện tượng nào đó. Trà thông thường đã được biến đổi. Những hành động thông thường có thể cũng được biến đổi - cuộc đi dạo buổi sáng có thể làm ta say sưa. Và nếu cuộc đi dạo buổi sáng không thể làm say sưa, thế thì ở bạn có điều gì đó không ổn rồi. Đơn giản ngắm một bông hồng cũng có thể làm bạn say mê. Và nếu điều này không thể làm bạn say sưa, thế thì chẳng cái gì có thể làm bạn say sưa được. Chỉ nhìn vào mắt trẻ thơ cũng có thể làm bạn say sưa.
Học sống khoảnh khắc hiện tại trong niềm vui đi. Đừng tìm kiếm kết quả; sẽ không có đâu. Cuộc sống không định đi đâu cả, nó không có mục đích. Cuộc sống không phải là phương tiện cho bất kì mục đích nào. Cuộc sống chỉ là ở đây bây giờ. Sống nó đi. Sống trọn vẹn cuộc sống, sống nó có ý thức, sống nó một cách vui vẻ - và bạn sẽ được mãn nguyện.
Mãn nguyện không nên bị trì hoãn, bằng không bạn sẽ chẳng bao giờ mãn nguyện được. Mãn nguyện phải có đó ngay bây giờ - bây giờ hoặc là không bao giờ.
Câu hỏi cuối cùng:
Osho kính yêu,
Mọi người xem tôi là kẻ bần tiện, còn tôi chỉ thấy mình keo kiệt. Thầy nghĩ sao, Osho?
Tôi kể bạn nghe một giai thoại.
Một hôm, có một chàng trai rất vui mừng khi biết mình đã trúng thưởng năm mươi triệu đồng bảng về cá độ bóng đá. Anh ta sống chung với bố mẹ, cả hai đều già yếu và không dư dả gì, nên khi anh ta báo tin ấy, họ đều quá hài lòng.
"Dĩ nhiên," chàng trai nói, "con muốn bố mẹ chia sẻ may mắn của con, và con sẽ biếu bố mẹ mỗi người mười đồng."
Im lặng một lúc lâu, rồi ông già nói, "Này con trai bé bỏng của ta, mẹ và bố đã chăm lo cho con nhiều, và từ bé đến giờ không để cho con thiếu thốn điều gì. Nhưng bây giờ con đã tự lo cho con được rồi, nên ta thấy đã đến lúc phải cho con biết rằng bố mẹ con chưa bao giờ kết hôn một cách hợp pháp."
"Thế nào!" Đứa con trai la lên. "Bố muốn nói rằng con là một đứa...?"
"Đúng, con là một đứa như vậy đấy," ông già nói, "và ngoài ra còn cực kì bần tiện nữa!"

Ads Belove Post