Read more
Osho - Từ Bi: Việc Nở Hoa Tối Thượng Của Tình Yêu
Chương 9. Từ bi trong hành động
Không ai có thể không ích kỉ được - ngoại trừ kẻ đạo đức giả.
Từ "ích kỉ" đã mang liên tưởng rất kết án, bởi vì tất cả các tôn giáo đều kết án nó. Họ muốn bạn không ích kỉ. Nhưng tại sao? Để giúp người khác...
Tôi nhớ: Một đứa trẻ nhỏ nói với mẹ nó, và bà mẹ nói, "Con bao giờ cũng phải nhớ giúp đỡ người khác." Và đứa trẻ hỏi, "Thế những người khác sẽ làm gì?" Một cách tự nhiên bà mẹ nói, "Họ sẽ giúp người khác." Đứa trẻ nói, "Đây cứ như là một kế hoạch lạ kì. Sao không tự giúp mình, thay vì chuyển nó sang người khác và làm mọi thứ phức tạp không cần thiết?"
Ích kỉ là tự nhiên. Vâng, sẽ tới một khoảnh khắc mà bạn chia sẻ bởi việc là ích kỉ. Khi bạn ở trong trạng thái tuôn tràn niềm vui, thế thì bạn có thể chia sẻ. Ngay bây giờ người khổ đang giúp người khổ khác, người mù đang dẫn đường cho người khác cũng mù. Bạn có thể giúp được gì? Đó là ý tưởng rất nguy hiểm, đã lan tràn qua nhiều thế kỉ.
Trong một trường nhỏ cô giáo bảo lũ trẻ, "Ít nhất một lần một tuần các con phải làm một điều tốt." Một đứa trẻ hỏi, "Thưa cô, cô cho chúng con ví dụ về làm điều tốt. Chúng con không biết tốt là gì." Thế là cô nói, "Chẳng hạn, một bà mù muốn qua đường; hãy giúp bà ấy đi qua đường. Đây là việc tốt; đây là đức hạnh."
Tuần sau cô giáo hỏi, "Ai trong các con nhớ làm điều cô đã nói với các con?" Ba đứa trẻ giơ tay lên. Cô nói, "Điều này không tốt - cả lớp đã không theo lời cô. Nhưng dẫu sao, điều tốt là ít nhất ba em trai đã làm điều gì đó tốt." Cô hỏi đứa thứ nhất, "Con đã làm gì?" Nó nói, "Đích xác điều cô đã nói đấy: Một bà già bị mù, con đã giúp bà ấy qua đường."
Cô nói, "Điều đó rất tốt.
Thượng đế ban phúc lành cho con." Cô hỏi đứa thứ hai, "Con đã làm gì nào?" Nó nói, "Cũng điều đó - một bà già mù, con đã giúp bà ấy qua đường." Cô giáo đâm ra phân vân chút ít. Chúng kiếm đâu ra lắm bà già mù thế này? Nhưng đó là thành phố lớn; có lẽ chúng có thể đã tìm ra hai bà. Cô giáo hỏi đứa thứ ba, và nó nói, "Con đã làm đúng điều các bạn đã làm: giúp bà già mù qua đường."
Cô giáo hỏi, "Nhưng con tìm đâu ra những ba bà mù?" Chúng nói, "Cô không hiểu - không có ba bà mù đâu, chỉ có một bà mù thôi. Và khó giúp bà ấy đi qua đường thế! Bà ấy đánh chúng con và la hét ầm ĩ vì bà ấy không muốn đi qua đường, nhưng chúng con đã định làm hành động đức hạnh nào đó. Một đám đông xúm lại, mọi người đều mắng chúng con, nhưng chúng con nói, 'Đừng lo. Chúng cháu đang đưa bà ấy sang phía bên kia đường.' Nhưng bà ấy chẳng bao giờ muốn qua bên kia cả!"
Mọi người được bảo hãy giúp người khác, và họ trống rỗng bên trong bản thân mình. Họ được bảo hãy yêu người khác - hãy yêu hàng xóm của mình, yêu kẻ thù của mình - và họ chưa bao giờ được bảo hãy yêu lấy bản thân mình. Tất cả các tôn giáo, trực tiếp hay gián tiếp, đều bảo mọi người hãy ghét bản thân mình. Người ghét bản thân mình không thể yêu được bất kì ai; người đó chỉ có thể giả vờ.
Điều căn bản là yêu bản thân bạn toàn bộ tới mức tình yêu tràn ngập bạn và đạt tới người khác. Tôi không chống lại việc chia sẻ, nhưng tôi tuyệt đối chống lại chủ nghĩa vị tha. Tôi ủng hộ chia sẻ, nhưng đầu tiên bạn phải có cái gì đó để chia sẻ. Và thế rồi bạn không làm gì như ban ơn cho bất kì ai - ngược lại, người nhận cái gì đó từ bạn đang ban ơn cho bạn. Bạn phải cám ơn bởi vì người khác có thể đã bác bỏ sự giúp đỡ của bạn; người khác đã hào phóng.
Toàn thể nhấn mạnh của tôi là ở chỗ cá nhân nên hạnh phúc, phúc lạc, im lặng, mãn nguyện tới mức từ trạng thái thoả mãn của mình người đó bắt đầu chia sẻ. Người đó có nhiều thế, người đó giống như đám mây mưa - người đó phải mưa rào.
Nếu cơn khát của người khác được dịu đi, nếu cơn khát của đất được dịu đi, đó là điều phụ. Nếu từng cá nhân đều tràn đầy niềm vui, đầy ánh sáng, đầy im lặng, người đó sẽ chia sẻ nó mà không ai bảo người đó, bởi vì việc chia sẻ là niềm vui thế. Trao nó cho ai đó còn vui sướng hơn là có nó.
Nhưng toàn bộ cấu trúc phải được thay đổi. Mọi người không nên được bảo vị tha. Họ đều khổ - họ có thể làm gì được? Họ mù - họ có thể làm gì được? Họ đã bỏ lỡ cuộc sống của mình - họ có thể làm gì được? Họ có thể cho chỉ cái họ có. Cho nên mọi người đang cho khổ sở, buồn tủi, phiền não, lo lắng cho mọi người khác, những người tới tiếp xúc với họ. Đây là vị tha đấy! Không, tôi muốn mọi người hoàn toàn ích kỉ.
Từng cây đều ích kỉ: Nó lấy nước về rễ nó, nó đem nhựa cây vào cành của nó, vào lá, vào quả, vào hoa. Và khi nó nở hoa, nó toả ra hương thơm cho mọi người - biết, không biết, quen thuộc, xa lạ. Khi nó nặng trĩu với quả, nó chia sẻ, nó cho những quả đó. Nhưng nếu bạn dạy những cây này phải vị tha, tất cả những cây này sẽ chết, cũng như toàn thể nhân loại đã chết - chỉ các cái xác bước đi. Và bước đi đâu? Bước đi tới nghĩa địa của họ, chung cuộc nghỉ ngơi trong nấm mồ của họ.
Cuộc sống nên là điệu vũ. Và cuộc sống của mọi người có thể là điệu vũ. Nó nên là âm nhạc - và thế thì bạn có thể chia sẻ; bạn sẽ phải chia sẻ. Tôi không phải nói điều đó, bởi vì đây là một trong những luật nền tảng của sự tồn tại: Bạn càng chia sẻ phúc lạc của mình, nó càng phát triển nhiều hơn.
Nhưng tôi dạy tính ích kỉ.