Gan bo va tach roi

Gan bo va tach roi

Price:

Read more


Vairagya thông thường, nghĩa là không gắn bó, được những người là viraga, nghĩa là tách rời, hiểu rõ. Raga và viraga - gắn bó và chán ghét - là đối lập nhau. Gắn bó nghĩa là nảy sinh ham muốn quyến luyến khi thấy một vật. Nếu bạn thấy cái đẹp, nếu bạn thấy thức ăn ngon, nếu bạn thấy một tình huống thoải mái, ham muốn, nảy sinh ra để thưởng thức nó, để được chìm vào nó, được mất đi trong nó, đó là gắn bó.
Gắn bó nghĩa là ham muốn trở thành bị trói buộc, ham muốn được chìm ngập trong cái gì đó bởi việc mất đi bản thân người ta. Nếu thích thú mà thấy được bên ngoài người ta thì ham muốn đắm chìm người ta vào trong sự thích thú đó chính là gắn bó. Chán ghét có nghĩa là kinh tởm nảy sinh khi thấy cái gì đó tận hưởng được; ham muốn nảy sinh để thoát khỏi nó, để quay lưng lại nó. Theo ngôn ngữ thông thường, raga là gắn bó, viraga là chán ghét. Khi có ham muốn hướng về một vật thì đó là gắn bó, khi có ham muốn rời xa một vật thì đó là chán ghét. Viraga nghĩa là raga đảo ngược. Với người này chúng ta bị kéo lại gần, với người khác chúng ta chạy xa. Viraga, chán ghét, không phải là tự do khỏi gắn bó, nó chỉ là gắn bó đảo ngược.
Ai đó ham muốn tiền bạc; nếu người đó có được tiền người đó nghĩ người đó đạt được mọi thứ. Người khác lại nghĩ rằng nếu người đó có thể từ bỏ được tiền bạc thì người đó có thể đạt được mọi thứ. Nhưng họ cả hai đều tập trung vào tiền bạc. Ai đó nghĩ có thích thú trong người đàn ông nọ hay người đàn bà kia, còn người khác thì lại nghĩ có sự thích thú trong việc từ bỏ người đàn ông hay đàn bà đó. Nhưng điểm trung tâm cho cả hai người này vẫn là người đàn ông hay đàn bà đó. Ai đó nghĩ cuộc sống thế gian này là cõi trời, người khác lại nghĩ thế gian này là địa ngục, nhưng sự chú ý của cả hai người này đều là vào thế gian.
Theo quan điểm ngôn ngữ thông thường, vairagya, tách rời, là cái đối lập của raga, gắn bó, nhưng với người tìm kiếm tâm linh, vairagya không đối lập với raga, nó chỉ là thiếu vắng raga. Xin hiểu khác biệt này cho đúng. Nếu bạn nhìn vào từ điển thì tách rời là cái đối lập của gắn bó, nhưng nếu bạn chuyển vào trong kinh nghiệm thì tách rời không phải là đối lập của gắn bó mà chỉ là thiếu vắng. Khác biệt rất tinh tế. Có hấp dẫn đến đàn bà; đây là gắn bó. Nếu hấp dẫn trở thành chán ghét đối với đàn bà thì rất khó mà chịu đựng được người đồng hành đó, thế thì một khuynh hướng nảy sinh trong tâm trí để tránh xa người đàn bà đó. Đây là chán ghét, theo ngôn ngữ và từ điển; nhưng theo chứng ngộ, tỉnh thức, thì nó vẫn là hấp dẫn.
Theo quan điểm chứng ngộ, tách rời là khi không có cả hấp dẫn lẫn chán ghét với đàn bà; không kéo đến cũng không đẩy đi. Đấy là khi sự có mặt hay không có mặt của người đàn bà là như nhau; đấy là khi sự có mặt hay không có mặt của người đàn ông là như nhau; khi nghèo khó và giầu có là như nhau. Khi không có việc thu được cái gì đó làm cho bạn hạnh phúc lẫn việc mất đi cái gì đó làm cho bạn hạnh phúc, khi hạnh phúc không liên quan gì tới việc được mất, khi hạnh phúc trở thành của riêng người đó, không cần tới kích thích từ bên ngoài - không có gặp gỡ lẫn không gặp gỡ, chúng cả hai đều thành vô nghĩa - thế thì đó là vairagya, nghĩa là tách rời.
Chỉ có thể có hai kiểu tù túng với người khác: khi chúng ta gặp người bạn, có hạnh phúc, khi chúng ta gặp kẻ thù, có bất hạnh; hay khi kẻ thù rời xa, có hạnh phúc, khi người bạn rời xa, có bất hạnh. Phật đã nói với sự mỉa mai sâu sắc, “Kẻ thù đem đến bất hạnh, bạn bè cũng đem đến bất hạnh; khi người bạn rời bỏ chúng ta thì có bất hạnh, khi kẻ thù gặp chúng ta thì có bất hạnh. Khác biệt ở đâu?”
Có gắn bó nào đó với kẻ thù cũng như với người bạn. Nếu kẻ thù của bạn chết, thế nữa cũng có cái gì đổ vỡ bên trong, một nơi chốn rơi vào trống rỗng bên trong. Nhiều lần cái chết của kẻ thù tạo ra trống rỗng trong bạn còn lớn hơn cái chết của người bạn bởi vì có gắn bó với kẻ thù đó nữa. Đấy chính là gắn bó đảo ngược; bạn cũng có liên quan cả tới sự hiện diện của nó. Người ta có liên quan tới bạn bè cũng như tới kẻ thù. Cho nên bạn có quan hệ cả với những vật và người mà bạn chống đối nữa.
Tách rời nghĩa là không có quan hệ với bất kì cái gì; bạn đã trở thành vô quan hệ, đơn độc. Cho nên trong lời kinh này có nêu định nghĩa của trạng thái tối hậu trong tách rời: Khi không còn ham muốn về mọi vật đáng được tận hưởng. Trong ngôn ngữ thông thường, từ viraga, chán ghét, có nghĩa là từ bỏ và lánh xa khỏi sự vật đáng tận hưởng. Bất kì ở đâu có vairagya, tách rời, đều nghĩa là không có ham muốn nảy sinh để tận hưởng một vật cho dù nó đang hiện diện; điều đó nghĩa là cho dù bạn đang tận hưởng nó cũng vẫn không có ham muốn về nó.
Vua Janaka, một người chứng ngộ được nhắc tới trong Ramayana, sống trong lâu đài nơi mọi thứ đều có sẵn để mà tận hưởng, nhưng không có ham muốn tận hưởng. Bạn có thể chọn rời bỏ và chạy trốn vào rừng sâu nơi không có gì để tận hưởng cả, nhưng ham muốn tận hưởng của bạn, bản thân nó sẽ chuyển vào trong mơ, sẽ vẫn kích động đam mê của bạn; tâm trí bạn sẽ vơ vẩn khắp nơi về lại những nơi có những điều được tận hưởng.
Cho nên vấn đề không phải là hiện diện hay thiếu vắng của những điều thích thú, vấn đề là ở sự tồn tại của những ham muốn đó. Và điều rất thú vị cần chú ý là nơi không còn vật nào để hưởng thú, người ta lại cảm thấy ham muốn mạnh mẽ hơn; người ta không cảm thấy mạnh mẽ đến như thế khi có những vật mình muốn bên cạnh. Trong thiếu thốn, ham muốn càng sắc bén hơn.
Lời kinh này nói rằng cho dù ai đó đã từ bỏ mọi thứ, đấy vẫn chưa phải là trạng thái tối cao trong tách rời. Điều này nữa cũng vẫn chưa phải là dạng tối cao của tách rời, bởi vì có thể là gắn bó vẫn còn đâu đó bên trong. Cũng có thể là việc chạy trốn xa chỉ là một dạng của gắn bó. Vậy thế thì định nghĩa tối hậu là gì? Khi mọi thứ thích thú có đấy nhưng không có ham muốn theo đuổi. Ai sẽ quyết định về điều này? Mọi người đều phải tự quyết định điều đó cho chính mình. Đấy không phải là vấn đề để cho người khác quyết định thay; bạn chính là người phán xử riêng của mình.
Khi không còn ham muốn nảy sinh bên trong, khi các sự vật bạn ham thích có thể hiện diện nhưng không ham muốn nào nảy sinh, mà cũng không có ý định chống lại, khi tâm trí đơn thuần không chạy theo cách này cách khác và bạn không dao động theo bất kì hướng nào; bạn vẫn còn lại nơi bạn hiện tại, dường như là không có gì bên ngoài cả - sự vật có thể có đó bên ngoài nhưng suy nghĩ về nó bên trong không tạo ra bất kì hấp dẫn hay chán ghét nào - thế thì đây là trạng thái tối hậu trong tách rời.
Điều này có vẻ là rất khó với chúng ta bởi vì chúng ta đã hiểu chán ghét là đối lập với gắn bó. Nếu một người từ bỏ vợ con, gia đình và nhà cửa để trốn chạy xa, chúng ta gọi người đó là viraga, nghĩa là người từ bỏ. Nhưng chính trong sự bỏ trốn của mình, người đó lại chỉ ra rằng theo một cách nào đó người đó vẫn còn gắn bó. Khi ai đó bỏ trốn, người đó không thoát được cái sợ về ngôi nhà mình, người đó thực tế đang trốn chạy khỏi nỗi sợ của ham muốn bên trong của riêng người đó. Làm sao ngôi nhà có thể làm cho người ta phải chạy xa được? Và nếu một ngôi nhà có thể làm cho người ta chạy xa thì trạng thái bên trong đó của sự tách rời vẫn còn chưa có đó.
Người này đang tìm mua một ngôi nhà; bây giờ ngôi nhà làm cho người đó phải chạy theo một hướng. Người khác thì trốn lên rừng sâu vì sợ ngôi nhà mình; ở đây nữa cũng chính ngôi nhà làm cho người đó phải chạy, nhưng theo hướng khác. Người đó quay lưng về ngôi nhà nhưng người đó vẫn còn gắn nối với ngôi nhà. Và rồi còn có người khác... mọi thứ không làm cho người đó phải chạy; một người như thế không bị lôi cuốn bởi mọi thứ nữa. Nhưng tách rời này sẽ có nghĩa là con người đang trong chính mình, con người đã lắng vào bên trong bản thân mình. Không ai trong chúng ta đã lắng vào bên trong chính mình.
Có một ông vua mà cuộc sống của ông ta được giữ bên trong một con vẹt. Nhưng câu chuyện cổ này được dựng lên cho trẻ con thường vẫn hay xảy ra. Bất kì ai định hại vua, vua cũng đều không chết chừng nào con vẹt kia chưa bị giết chết. Linh hồn của vua ẩn trong con vẹt. Chừng nào mà con vẹt chưa chết, vua cũng chưa chết. Đây không chỉ là câu chuyện - nó còn chỉ ra rằng linh hồn chúng ta cũng bị cầm tù ở đâu đó, bị nhốt ở đâu đó. Có thể là linh hồn bạn không bị cầm tù trong con vẹt nhưng trong két bạc của bạn.
Trong năm 1930-31, khi bỗng nhiên có sự suy thoái và đồng đô la Mĩ bị mất giá thì nhiều triệu phú Phố Wall ở Mĩ đã tự tử. Cơn suy thoái đến mau lẹ và sắc bén đến độ qua đêm những kẻ đầu cơ và triệu phú trở thành người nghèo. Số dư ngân hàng của họ bỗng nhiên biến mất. Nhiều người trong số họ tự tử ngay bằng cách nhảy xuống từ tầng thứ năm mươi hay sáu mươi của toà nhà.
Điều gì đã xảy ra cho những người này? Điều gì đã xảy ra mà bỗng nhiên không còn con đường nào cho họ ngoài cái chết? Linh hồn của họ đã bị cầm tù trong các két bạc. Khi két bạc chết thì họ cũng chết. Cú nhảy này... Không có gì khác xảy ra cả, toàn bộ thế giới vẫn không đổi thay; chỉ có mỗi vài con số trong sổ cái nhà băng là biến mất. Con số! Dưới tên ai đó đã có mười con số, bây giờ chỉ còn lại hai con số. Nơi đã từng có hàng chữ số dài trong tài khoản có thì bây giờ không còn lại gì.
Mọi thứ đều xảy ra trong ngân hàng, trên giấy tờ, nhưng linh hồn của họ thì bị cầm tù trong những sổ cái nhà băng đó. Những sổ cái đó là mạng sống của họ. Mọi nỗ lực trực tiếp để giết họ đều sẽ không thành công, nhưng két bạc thành rỗng không thì họ chỉ có chết. Ai đó đang yêu người nào đó. Thế rồi một trong hai người đó chết và cuộc sống của người kia cũng chấm dứt. Nếu tất cả chúng ta đều tìm kiếm bên trong bản thân mình, chúng ta sẽ thấy rằng linh hồn của chúng ta cũng bị cầm tù ở đâu đó hay ở ai đó, trong con vẹt này hay con vẹt khác. Chừng nào mà linh hồn bạn còn bị cầm tù ở đâu đó, bạn vẫn chưa lắng vào được trong bản thân mình. Thế thì cuộc sống của bạn không trong hiện tại nơi nó đáng phải hiện diện. Nó phải ở bên trong bản thân bạn - nhưng nó không có đó, nó ở đâu đó khác.
Bây giờ có thể có nhiều kiểu con người này ở đâu đó khác. Người thì nghĩ rằng thân thể mình là linh hồn mình; thế thì người này nữa cũng lại đang ở đâu đó rồi. Ngày mai người ấy sẽ bắt đầu già yếu; thế rồi người ấy đau đớn, người ấy sẽ cảm thấy khổ bởi vì thân thể đang mất đi, da dẻ nhăn nheo, xấu xí, ốm yếu và già lão. Một người như thế sẽ cảm thấy mình chết trước cái chết thực sự của mình bởi vì thân thể trẻ trung mà người ấy đang giữ linh hồn trong đó thì nay tàn phai dần.
Có thể có khác biệt về nơi bạn đã cầm tù linh hồn mình, nhưng nếu linh hồn bạn ở ngoài bạn thì bạn đang sống trong gắn bó. Gắn bó có nghĩa là linh hồn bạn không ở đúng chỗ của nó, nó ở đâu đó khác. Bạn có thể chạy theo chiều ngược lại, nhưng linh hồn vẫn cứ ở đâu đó khác. Định nghĩa của tách rời là ở chỗ linh hồn bạn nằm bên trong bạn, lắng vào trong bản thân bạn; không gì lôi kéo được bạn và cũng không có gì tạo ra bất kì loại gợn sóng hay cơn sóng nào trong bạn. Do đó tách rời là cánh cửa đi tới phúc lạc, bởi vì với người đã lắng vào trong bản thân mình... không có cách nào làm cho người ấy thành bất hạnh nữa.
Nhớ lấy, những câu chuyện cho trẻ con đó đang nói điều đúng. Người đã lắng vào bên trong mình, người có linh hồn đã trở về bên trong mình - không có cách nào giết được người đó. Linh hồn không bao giờ chết, chỉ có con vẹt là chết thôi. Dù bạn đặt linh hồn mình ở bất kì đâu khác, khi những thứ đó tuột đi, bạn sẽ chết. Do đó người ta bắt đầu cảm thấy gần như chết. Linh hồn là bất tử, nhưng chúng ta gắn nó với những thứ hữu tử. Những thứ hữu tử này nhất định sẽ tan rã - nếu không hôm nay thì ngày mai. Đấy là chính bản chất của chúng. Khi những thứ đó tan rã bạn sẽ có ấn tượng rằng bạn chết. Cái chết của cái ta này là ảo vọng được tạo ra từ sự gắn bó bản thân bạn với cái hữu tử. Tách rời là trong sự tan vỡ của mọi quan hệ thì người ta nhận ra cái còn liên quan - cái ta riêng của chính họ.
Khi không còn ham muốn về mọi vật đáng được tận hưởng... Và thế thì ham muốn đối lập nảy sinh là tốt chứ? Không, khi ham muốn như thế không nảy sinh - ham muốn thuộc bất kì loại nào - thế thì ... hãy biết điều này như điều tối cao trong tách rời.
Lời kinh này đang được trao cho bạn - đừng đi ra phán xét người khác với nó. Chúng ta rất tinh ranh: nếu chúng ta được trao cho một định nghĩa thì chúng ta dùng chúng để phán xét người khác: “Được, chúng ta hãy xem liệu như thế như thế có thực sự là tách rời hay không.” Đấy không phải là việc của bạn. Bạn không có liên quan gì đến người khác. Nếu người khác đang trong gắn bó, người ấy phải chịu bất hạnh; nếu người ấy tách rời, người ấy sẽ được hưởng phúc lạc. Đấy không có gì nằm trong quan tâm của bạn cả. Nhưng chúng ta tinh ranh đến thế trong việc tự lừa dối mình rằng nếu chúng ta có một định nghĩa, một tiêu chuẩn, lập tức chúng ta bắt đầu đánh giá người khác mà không bận tâm tới việc đánh giá chính bản thân mình.
Bạn thử kiểm tra mình đi; lời kinh này dành cho bạn. Lời kinh này không định để làm cho bạn nghĩ về người khác - dù Mahavira có là con người tách rời hay không, dù Krishna có là con người tách rời hay không. Họ có thể có mà họ cũng có thể không, bạn không liên quan gì với điều ấy cả. Đấy là việc của riêng họ. Nếu họ tách rời, họ sẽ tận hưởng được phúc lạc, nếu họ không thế, họ sẽ phải chịu đựng đau khổ, nhưng bạn đừng tính toán bất kì đâu trong đó.
Nhiều người đến tôi và hỏi, “Làm sao biết được rằng người thế nọ thế kia thực sự là đã chứng ngộ?” Đâu là sự cần thiết cho bạn để biết liệu một người có thực sự chứng ngộ hay không? Nếu bạn có thể duy trì nhận biết liệu bạn có chứng ngộ hay không thì thế là đủ. Cho dù người khác có trở nên chứng ngộ, điều này bản thân nó không làm cho bạn được chứng ngộ. Nếu người khác còn chưa trở nên chứng ngộ, điều này không đem lại cản trở gì cho chứng ngộ của bạn cả. Nhưng tại sao chúng ta hay nghĩ ngợi theo kiểu này? Có môt số lí do cho nó. Chúng ta muốn chắc chắn rằng không ai đạt tới được tách rời. Điều đó tạo cho chúng ta một loại niềm tin. Thế thì không có hại gì... nếu mình còn chưa đạt tới tách rời thì cũng không hại gì, chưa ai khác đạt tới tách rời! Điều này củng cố cho tâm trí, hỗ trợ cho tâm trí, rằng tôi ổn cả như tôi hiện tại vì chưa ai đạt tới được, tôi thì cũng vậy thôi chưa đạt tới được.
Đây là lí do tại sao tâm trí lại không bao giờ sẵn lòng chấp nhận rằng ai đó đã đạt tới tách rời. Chúng ta cố gắng tìm ra mọi kẽ hở để chỉ ra rằng người đó còn chưa đạt tới được. Nếu ai đó đã đạt tới tách rời, điều đó tạo ra không thoải mái bên trong ta. Cái không thoải mái đó là ở chỗ nếu ai đó khác đã đạt tới được thì điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta cũng có thể đạt tới nhưng chúng ta không thể làm được như thế - và điều này tạo ra lo âu và mặc cảm. Do đó không ai trong thế giới này chấp nhận người khác là đúng cả. Không có gì cần giải quyết với người khác nhưng trong việc không chấp nhận bất kì ai là đúng thì lại rất dễ dàng trở nên chấp nhận riêng cái độc ác của chính mình.
Nếu toàn thế giới đều là kẻ cắp, bạn không cảm thấy phạm tội khi bản thân bạn cũng ăn cắp. Nếu toàn thế giới là xấu, thì con người bạn xấu cũng là điều tự nhiên. Nhưng nếu toàn thế giới tốt, con người xấu của bạn bắt đầu đâm vào bạn tựa chiếc gai. Thế thì dẫn tới việc tự kết án mình, nỗi buồn, cảm giác phạm tội, và người ta bắt đầu cảm thấy rằng điều đáng phải xảy ra thì không xảy ra. Và điều đó tạo ra không thoải mái lớn trong cuộc sống bạn.
Để cho cái không thoải mái đó đừng sinh ra và chúng ta vẫn tiếp tục ngủ kĩ được thì chúng ta phải không bao giờ nhìn thấy bất kì cái tốt nào ở người khác. Nếu ai đó tới và bảo bạn rằng người nọ người kia đã đạt tới trạng thái tách rời, bạn sẽ nói, “Không, người đó chưa đạt được đâu.” Bạn sẽ cố tìm ra hàng mớ lí do để chứng minh rằng người đó chưa đạt tới được. Đây là một phần của âm mưu nằm sâu trong tâm trí chúng ta. Cần phải nhận biết về điều này. Mối quan tâm không phải nằm ở chỗ người khác chút nào.
Một người bạn vừa đến chỗ tôi ba ngày trước đây. Người đó cần rất nhiều thời gian với tôi. Người đó đã nói, “Vâng, tôi muốn làm sannyasin, nhưng trước đó tôi có vài câu hỏi quan trọng cần hỏi.” Tôi cứ tưởng có thể người đó có những câu hỏi rất quan trọng, nhưng thật thì không có câu hỏi nào quan trọng và cần thiết cả. Câu hỏi toàn về người khác, không phải về chính bản thân người đó. Người đó tới đây để trở thành sannyas, và rồi câu hỏi lại là về người khác: “Liệu Krishna có thật sự chứng ngộ không? Nếu có thì tại sao người Jaina tống ông ấy vào ngục?” Người Jaina đã tống ông ấy vào ngục trong kinh sách của họ bởi vì họ có định nghĩa riêng của họ về tách rời còn Krishna thì không khớp với định nghĩa đó. Định nghĩa của họ là việc người ta phải từ bỏ mọi thứ và trốn chạy khỏi thế giới, còn Krishna thì không từ bỏ điều gì để đi bất kì đâu. Đấy là vấn đề.
Nhưng định nghĩa riêng của Krishna là ở chỗ nếu bạn từ bỏ và chạy trốn, bạn vẫn chưa là người tách rời được. Đấy là lí do tại sao người Hindu đã không nhắc đến tên Mahavira ở bất kì đâu trong kinh sách của họ. Người ta coi ông ấy là không đáng nhắc tới. Nhưng ít nhất thì người Jaina đã bày tỏ tình yêu với Krishna, tống ông ấy vào ngục!! Người Hindu thậm chí còn không nhắc tới tên Mahavira. Họ thậm chí còn coi ông ấy là không đáng nhắc tới nữa. Ngay cả việc tống ai đó vào ngục tức là người ta đang chú trọng thế nào đó tới người ấy. Người Jaina không thể bỏ qua Krishna hoàn toàn; đã có vài phát biểu về ông ấy, đã có một chỗ nào đó dành cho ông ấy - cho dù đấy là nhà ngục, cũng không thành vấn đề.
Người Hindu không để ý ngay cả việc cho Mahavira vào ngục, họ chỉ đơn thuần loại bỏ vấn đề. Nhưng nếu ai đó bám và định nghĩa của Krishna về tách rời thì khó khăn nảy sinh. Nhớ lấy, mọi định nghĩa đều dành cho bạn, người tìm kiếm, để cho bạn tiếp tục đi tìm vào bên trong bạn, để cho có một tiêu chuẩn, một chuẩn mực trong tay mà bạn có thể kiểm tra chính mình. Nhưng tất cả chúng ta đều rất tinh ranh, chúng ta đi kiển tra người khác bằng những chuẩn mực ấy. Bạn không có liên quan gì với người khác cả; nếu Krishna trong ngục, đấy là việc của ông ấy. Người khác dính líu đến để làm gì? Bạn có thể sẵn sàng thay thế vị trí của Krishna trong ngục và để cho ông ấy được trả tự do. Nếu Krishna được giải phóng thì điều ấy cũng không tạo ra giải phóng cho bạn. Tất cả những suy nghĩ của bạn về người khác đều vô nghĩa.
Một người bạn khác tới và hỏi tôi rằng nếu người ta định thu xếp cho tôi gặp Krishnamurti thì tôi có sẵn sàng gặp ông ấy không? Đây là vấn đề giữa tôi và Krishnamurti. Người này dính líu đến việc ấy để làm gì? Thế rồi người đó lại hỏi, “Nếu cuộc gặp của hai thầy xảy ra thì ai sẽ khởi đầu chào đón?” Bây giờ cả việc này nữa cũng là vấn đề giữa tôi và Krishnamurti.
Tâm trí chúng ta bận bịu suy nghĩ về người khác và không nghĩ gì về chính mình cả. Người tìm kiếm phải quyết định rằng tất cả mọi việc suy nghĩ về người khác đều vô ích, và “Không có gì ngoại trừ tôi và sự trưởng thành bên trong của tôi là có liên quan tới tôi; tất cả những thứ khác đều vô nghĩa.” Bạn đừng vướng vào những câu hỏi nảy sinh từ tò mò của bạn với người khác. Nó không có ích cho bạn chút nào trong việc thay đổi cuộc sống của bạn cả.

Nhớ lấy, những định nghĩa này có nghĩa cho bạn. Upanishad đã cho bạn những tiêu chí này để cho bạn có thể đo lường bản thân mình bên trong, cho nên bạn có thể không khó khăn gì trên cuộc hành trình vào trong. Giữ quán xét bên trong chính mình. Chừng nào có bất kì ham muốn gì nảy sinh bên trong khi thấy mọi vật, hiểu rằng tách rời như vậy còn chưa đạt tới được. Hướng tất cả nghị lực của bạn vào tách rời. Chúng ta dần đi tới thảo luận về những nỗ lực này.

0 Đánh giá

Ads Belove Post