Read more
Osho - Nhận biết
Lời nói đầu
Một trong những điều quan trọng nhất cần được hiểu về con người là con người đang ngủ. Ngay cả khi con người nghĩ mình thức, người đó cũng không thức. Việc thức của người đó là rất yếu ớt; việc thức của người đó tí hon thế, nó chẳng thành vấn đề chút nào cả. Việc thức của người đó chỉ là cái tên hay nhưng hoàn toàn trống rỗng.
Bạn ngủ ban đêm, bạn ngủ ban ngày - từ sinh tới tử bạn cứ thay đổi hình mẫu ngủ của mình, nhưng bạn chưa bao giờ thực sự thức tỉnh cả. Chỉ bởi việc mở mắt bạn không tự lừa mình được rằng bạn thức. Chừng nào con mắt bên trong còn chưa mở ra - chừng nào bên trong bạn còn chưa trở thành đầy ánh sáng, chừng nào bạn còn chưa thấy bản thân mình, bạn là ai - đừng nghĩ rằng bạn thức. Đó là ảo tưởng lớn nhất mà con người đang sống trong. Và một khi bạn chấp nhận rằng bạn đã thức, thế thì không có vấn đề làm nỗ lực nào để thức tỉnh.
Điều đầu tiên chìm sâu trong trái tim bạn là ở chỗ bạn ngủ, hoàn toàn ngủ. Bạn đang mơ, ngày nọ ngày kia. Bạn đang mơ đôi khi với mắt mở và đôi khi với mắt nhắm, nhưng bạn đang mơ - bạn là giấc mơ. Bạn còn chưa là thực tại.
Tất nhiên trong giấc mơ bất kì cái gì bạn làm cũng đều vô nghĩa. Bất kì cái gì bạn nghĩ cũng đều vu vơ, bất kì cái gì bạn phóng chiếu cũng vẫn còn là một phần của giấc mơ của bạn và chưa bao giờ cho phép bạn thấy cái đang đó. Do đó tất cả chư phật đã nhấn mạnh vào một một điều: Thức tỉnh! Liên tục, trong hàng thế kỉ, toàn thế giáo huấn của họ đều có thể được bao hàm trong một câu thôi: Thức tỉnh. Và họ đã phát minh ra các phương pháp, phương lược; họ đã sáng tạo ra các hoàn cảnh và không gian và trường năng lượng trong đó bạn có thể bị choáng để nhận biết.
Vâng, chừng nào mà bạn còn chưa bị choáng, bị rung chuyển tới chính nền tảng của mình, bạn sẽ không thức tỉnh đâu. Giấc ngủ đã kéo dài tới mức nó đã đạt tới chính cốt lõi của bản thể bạn; bạn bị thấm đẫm trong nó. Từng tế bào của thân thể bạn và từng sợi thớ tâm trí bạn đã trở nên đầy giấc ngủ. Đó không phải là hiện tượng nhỏ đâu. Do đó nỗ lực lớn là cần để tỉnh táo, để mang tính chú ý, để mang tính quan sát, để trở thành nhân chứng.
Nếu tất cả chư phật của thế giới đều đồng ý trên một chủ đề nào, thì đó là - con người như người đó hiện thế, là đang ngủ, và con người như người đó phải thế, nên thức tỉnh. Thức tỉnh là mục đích và thức tỉnh là hương vị của tất cả các giáo huấn của họ. Zarathustra, Lão Tử, Jesus, Phật, Bahauddin, Kabir, Nanak - tất cả những người đã thức tỉnh đều đã từng dạy chỉ một chủ đề... trong các ngôn ngữ khác nhau, trong các biểu dụ khác nhau, nhưng bài ca của họ là hệt nhau. Cũng như biển có vị mặn - dù bạn nếm biển từ phía bắc hay từ phía đông hay từ phía tây, biển bao giờ cũng có vị mặn - vị của Phật tính là thức tỉnh.
Nhưng bạn sẽ không làm nỗ lực nào nếu bạn cứ tin rằng bạn đã thức rồi. Thế thì chẳng có vấn đề làm nỗ lực nào cả - sao bận tâm?
Và bạn đã tạo ra các tôn giáo, thượng đế, lời cầu nguyện, nghi lễ, từ giấc mơ của mình - thượng đế của bạn là một phần của giấc mơ của bạn cũng như bất kì cái gì khác. Chính trị của bạn là một phần của giấc mơ của bạn, tôn giáo của bạn là một phần của giấc mơ của bạn, thơ ca của bạn, tranh vẽ của bạn, nghệ thuật của bạn - bất kì cái gì bạn làm, bởi vì bạn ngủ, bạn làm theo trạng thái riêng của tâm trí mình.
Thượng đế của bạn không thể khác bạn được. Ai sẽ tạo ra họ? Ai sẽ cho họ hình thể và màu sắc và dáng vẻ? Bạn tạo ra họ, bạn khắc hoạ nên họ; họ có mắt như bạn, mũi như bạn - và tâm trí giống bạn! Thượng đế trong Kinh Cựu ước nói, "Ta là Thượng đế rất ghen tị!" Bây giờ ai đã tạo ra Thượng đế này, người có tính ghen tị này? Thượng đế không thể ghen tị được, và nếu Thượng đế mà ghen tị, thế thì cái gì sai trong việc ghen tị? Nếu ngay cả Thượng đế mà cũng ghen tị, thì sao bạn lại bị coi là sai khi bạn ghen tị? Ghen tị là thiêng liêng!
Thượng đế trong Kinh Cựu ước nói, "Ta là Thượng đế rất giận dữ! Nếu ngươi không tuân theo mệnh lệnh của ta, ta sẽ diệt ngươi. Ngươi sẽ bị ném vào ngọn lửa địa ngục vĩnh viễn. Và bởi vì ta rất ghen tị, nên chớ tôn thờ ai khác. Ta không tha cho điều đó đâu." Ai đã tạo ra Thượng đế như vậy? Điều đó phải là từ ghen tị của riêng bạn, từ giận dữ của riêng bạn, mà bạn đã tạo ra hình ảnh này. Nó là phóng chiếu của bạn, nó là cái bóng của bạn. Nó vọng lại bạn chứ không ai khác. Và cùng điều đó cũng là trường hợp cho mọi thượng đế của mọi tôn giáo.
Chính bởi vì điều này mà Phật chưa bao giờ nói về Thượng đế cả. Ông ấy nói, "Phỏng có ích gì mà nói về Thượng đế cho những người đang ngủ? Họ sẽ nghe trong giấc ngủ của mình. Họ sẽ mơ về bất kì cái gì được nói cho họ, và họ sẽ tạo ra thượng đế riêng của họ - điều sẽ hoàn toàn giả tạo, hoàn toàn bất lực, hoàn toàn vô nghĩa. Tốt hơn cả là không có những thượng đế như thế."
Đó là lí do tại sao Phật lại không quan tâm tới việc nói về thượng đế. Toàn thể mối quan tâm của ông ấy là ở việc đánh thức bạn.
Tương truyền có một bậc thầy chứng ngộ Phật giáo đang ngồi bên cạnh dòng sông một buổi chiều tối, tận hưởng tiếng nước chảy, tiếng gió rì rào qua rặng cây... Một người tới và hỏi ông ấy, "Thầy có thể nói cho tôi trong một lời thôi về điều bản chất của tôn giáo của thầy không?"
Thầy im lặng, hoàn toàn im lặng, cứ dường như ông ấy chưa nghe thấy câu hỏi. Người hỏi nói, "Thầy có điếc hay cái gì không đấy?"
Thầy nói, "Ta đã nghe câu hỏi của ông rồi, và ta đã trả lời nó rồi! Im lặng là câu trả lời đấy. Ta vẫn còn im lặng - cái dừng lại đó, khoảng hở đó, là câu trả lời của ta."
Người này nói, "Tôi không thể nào hiểu được câu trả lời huyền bí thế. Thầy không thể rõ ràng hơn một chút được sao?"
Thế là thầy dùng ngón tay viết lên cát chữ "thiền" thường. Người này nói, "Bây giờ tôi có thể đọc được. Tốt hơn ban đầu chút ít. Ít nhất thì tôi cũng được một từ để mà ngẫm nghĩ. Nhưng thầy không thể làm cho nó rõ thêm chút nữa được sao?"
Thầy viết lại, "THIỀN". Tất nhiên lần này thầy viết bằng chữ hoa. Người này cảm thấy chút ít lúng túng, phân vân, khó chịu, bực mình. Anh ta nói, "Thầy lại viết chữthiền chứ gì? Thầy không thể làm rõ ràng hơn một chút cho tôi được sao?"
Và thầy viết chữ thật to, chữ hoa, "T H I Ề N".
Người này nói, "Thầy dường như điên rồi!"
Thầy nói, "Ta đã hạ thấp xuống hết mức rồi đấy. Câu trả lời thứ nhất là câu trả lời đúng, câu thứ hai đã không đúng thế rồi, câu thứ ba thậm chí còn sai hơn, câu thứ tư rất sai" - bởi vì khi bạn viết THIỀN bằng chữ hoa bạn đã làm ra thượng đế từ nó rồi.
Đó là lí do tại sao từ Thượng đế lại được viết bằng chữ T hoa. Bất kì khi nào bạn muốn làm cái gì đó thành tối cao, tối thượng, bạn viết nó bằng chữ hoa. Thầy nói, "Ta đã phạm phải lỗi lầm." Thầy xoá tất cả những từ mình đã viết và thầy nói, "Nghe câu trả lời thứ nhất của ta - chỉ thế thì ta mới đúng."
Im lặng là không gian mà trong đó người ta thức tỉnh, và tâm trí ồn ào là không gian mà trong đó người ta vẫn còn ngủ. Nếu tâm trí bạn tiếp tục buôn chuyện, bạn còn ngủ đấy. Ngồi im lặng, nếu tâm trí biến mất và bạn có thể nghe thấy tiếng chim ríu rít và không tâm trí bên trong, im lặng... tiếng ríu rít này của chim, tiếng chíp chíp, và không tâm trí nào trong bạn. Nó không tới từ bên ngoài, nó nảy sinh trong bạn, nó lớn lên trong bạn. Bằng không, nhớ lấy: bạn đang ngủ đấy.
Xem tiếp Chương 1 - Quay về Mục lục