Read more
Maneesha, đó là một trong những vấn để cổ đại nhất - làm sao nhận ra thầy? Bởi vì không có thầy thì gần như không có đường nào cả. Tôi nói gần như, bởi vì có lẽ một người trong cả triệu người có thể đạt tới chân lí mà không cần thầy. Nhưng điều đó chỉ ngẫu nhiên, nó không thể được làm thành qui tắc, nó chỉ là ngoại lệ đơn giản chứng minh cho qui tắc này. Và mối bận tâm lớn về thầy là để giải thích cho mọi người cách thức nhận ra thầy, bởi vì thầy là Đạo. Chừng nào bạn còn chưa thấy ai đó tự hiểu được mình, thì bạn sẽ không tin vào mình rằng bạn có thể cũng hiểu được. Một khi bạn đã thấy vị phật, người chứng ngộ, ngọn lửa khác thường bỗng nhiên bắt đầu cháy bùng trong bạn, "Nếu cái đẹp này, sự duyên dáng này, trí huệ này, phúc lạc này có thể xảy ra cho bất kì người nào, thế thì sao nó không xảy ra cho mình?"
Khi có liên quan tới con người, chúng ta có cùng hạt mầm và cùng tiềm năng. Nhưng hạt mầm có thể vẫn còn là hạt mầm và có thể chẳng bao giờ trở thành hoa, mặc dầu mọi khả năng đều có sẵn. Nhưng thay vì biến mất vào trong đất, hạt mầm có thể vẫn còn an toàn, ẩn trong hang đá, cứ nghĩ rằng bên ngoài mưa quá nhiều, cứ lo lắng rằng bên ngoài quá nắng, sợ cái không biết. Nó cảm thấy ấm cúng ở chỗ im lặng gần gũi trong hang, nhưng tại đó nó không thể nào trưởng thành được, tại đó nó đơn giản bị mục ruỗng đi. Tại đó nó đơn giản sẽ vẫn còn là cái gì đó... nó có thể là sự hiển lộ đẹp, nó đơn giản vẫn còn chưa được hiển lộ, bài ca chưa được hát lên, bài thơ chưa được viết ra, cuộc sống chưa được sống qua.
Điều rất bản chất là tìm ra một người có thể khêu gợi trong bạn sự thách thức để đạt tới những chiều cao của mình. Thầy không là gì ngoài sự thách thức - nếu điều đó đã xảy ra cho tôi, nó có thể xảy ra cho bạn. Và thầy đích thực - có biết bao nhiêu thầy giáo đề xuất ra các học thuyết, đức tin, triết học - thầy đích thực không bận tâm tới lời; không bận tâm tới các đức tin, vô thần hay hữu thần; không bận tâm ngay cả tới Thượng đế, hay thiên đường và địa ngục. Thầy đích thực bận tâm tới mỗi một điều - khêu gợi bạn để thấy tiềm năng của mình, để nhìn vào bên trong. Sự hiện diện của thầy làm cho bạn im lặng, lời của thầy làm sâu sắc thêm cho im lặng của bạn, chính bản thể thầy dần bắt đầu làm tan chảy cái giả tạo của bạn, mặt nạ của bạn, cá tính của bạn.
Cái gì là vấn đề của hạt mầm? Nó cũng là vấn đề của bạn nữa đấy. Vấn đề của hạt mầm là ở chỗ lớp vỏ mang tính bảo vệ. Nếu mất lớp vỏ nó trở nên mong manh. Hạt mầm hoàn toàn hạnh phúc khi được che chở, nhưng nó không biết rằng còn có nhiều bầu trời bên ngoài các bầu trời đã biết để được khám phá, rằng chừng nào nó còn chưa sang cõi bên kia thì nó vẫn chưa sống; bởi vì nó không biết thế giới các vì sao, và nó đã không sống như bông hoa nhảy múa trong mưa và trong nắng và trong gió, nó đã không nghe thấy âm nhạc của sự tồn tại. Nó vẫn còn đóng trong sự an toàn và an ninh của nó. Và đích xác cũng cùng vấn đề đó với con người. Mọi người đều là bồ tát. Từ 'bồ tát' - 'bodhisattva' nghĩa là mang tinh tuý của phật. Khoảng cách giữa bồ tát và phật là khoảng cách giữa hạt mầm và hoa. Nó không nhiều mấy, chỉ cần lấy chút ít dũng cảm để bắc cầu qua khoảng cách này.
Nhưng ẩn trong bóng tối của hang, ai sẽ cho bạn lòng dũng cảm? Ai sẽ kéo bạn ra khỏi chỗ an ninh? Chức năng của thầy là để cho bạn mùi vị của bất an, để cho bạn mùi vị của sự cởi mở. Và một khi bạn biết sự cởi mở đó, cái bất an đó... Chúng là chất liệu cơ sở của tự do, không có chúng bạn không thể giang đôi cánh và bay vào bầu trời vô hạn.
Điều tuyệt đối bản chất là hãy tránh xa các thầy giáo, họ là các thầy giả. Điều đó là rất khó, bởi vì họ nói cùng ngôn ngữ. Cho nên bạn phải không nghe các lời, bạn phải nghe trái tim; bạn phải không nghe các học thuyết của họ, logic và biện luận của họ, bạn phải nghe sự duyên dáng của họ, cái đẹp của họ, đôi mắt của họ; bạn phải nghe và cảm thấy hào quang bao quanh thầy. Cũng giống như làn gió mát, nó chạm vào bạn. Một khi bạn đã tìm thấy thầy mình, bạn đã tìm thấy chìa khoá để mở kho báu các tiềm năng của mình.
Đạo Nguyên đang nói về vấn đề cổ đại và vĩnh hằng này. Đạo Nguyên nói: Trong công phu trí huệ tối thượng, điều khó nhất là gặp các bậc thầy lỗi lạc. Điều đó khó, và nếu nó khó vào thời của Đạo Nguyên thì nó lại còn trở nên khó hơn vào thời nay. Thế giới đã trở nên trần tục hơn, giáo dục đã trở thành phi tôn giáo, khoa học vượt trội - và khoa học không tin vào sự sáng suốt của bản thể bạn. Toàn bộ nền văn hoá của chúng ta lần đầu tiên trong lịch sử tuyệt đối duy vật. Chẳng thành vấn đề liệu bạn ở phương Đông hay phương Tây, cùng hình mẫu giáo dục đó đã lan tràn khắp nơi trên hoàn cầu.
Mặc dầu bạn có thể theo truyền thống, một cách chính thức - như việc tuân thủ xã hội - đi tới đền chùa, tới nhà thờ Mô ha mét giáo, từ sâu bên dưới bạn vẫn chẳng có sự tin cậy nào, từ sâu bên dưới chỉ có hoài nghi. Sâu bên dưới bạn đang đi vào đền chùa không phải bởi vì bất kì hiểu biết nào, không phải bởi vì bạn phải bày tỏ lòng biết ơn của mình với Thượng đế. Bạn đi tới đó vì sợ hãi của xã hội mà bạn đang sống trong - bạn không muốn là người bị xã hội ruồng bỏ. Điều đó đơn giản là sự tuân thủ xã hội mà thôi.
Điều đó đã trở nên rất rõ ràng vào năm 1917 khi Liên Xô trải qua cuộc cách mạng. Trước cách mạng nước Nga là một trong những nước chính thống nhất trên thế giới. Đủ mọi loại mê tín được người ta tin, có nhiều thánh nhân, một hệ thống phân cấp lớn trong nhà thờ. Nó tuyệt đối độc lập với Vatican, nó có nhà thờ riêng của mình. Nhưng sau cách mạng, chỉ trong vòng năm năm, tất cả mọi niềm tin đó, được vun đắp hàng thế kỉ, đã biến mất. Chẳng ai bận tâm thêm về Thượng đế. Điều đó không có nghĩa là mọi người đã hiểu rằng không có Thượng đế. Điều đó đơn giản nghĩa là xã hội đã thay đổi và bạn phải thay đổi cùng xã hội - tuân thủ xã hội khác. Tôi không tin vào những người vô thần Nga, cũng như tôi không tin vào bất kì người hữu thần nào, Hindu, Ki tô giáo hay Mô ha mét giáo; bởi lí do đơn giản là tôn giáo của họ không phải là kinh nghiệm riêng của họ, không phải là chuyện tình riêng của họ, nó chỉ là sự tuân thủ để vẫn còn được kính trọng trong đám đông.
Tôn giáo của bạn là gì ngoại trừ sự tuân thủ? Bằng việc tuân thủ không ai đã tạo ra tôn giáo. Ngày nay điều đó đã trở thành gần như sự tuân thủ phổ dụng, bởi vì khoa học thống trị tâm trí, logic thịnh hành trong suy nghĩ của chúng ta, logic phủ nhận mọi thứ gì phi lí, khoa học phủ nhận mọi cái vĩnh hằng. Hiển nhiên việc tìm ra thầy đích thực đã trở thành ngày một khó. Ngay cả việc tìm ra thầy giáo cũng đã khó bởi vì điều đó nữa đã trở thành lạc hậu. Thầy giáo sẽ nói về Upanishads, sẽ nói về Kinh Thánh, sẽ nói về Torah, sẽ nói về Koran - tất cả toàn những thứ lạc hậu.
Bạn có cho rằng báo chí hai mươi thế kỉ sau sẽ có ý nghĩa gì không? Chỉ trong một ngày ý nghĩa của nó đã chấm hết rồi. Buổi sáng bạn còn chờ đợi báo chí tò mò thế, đến tối nó đã bị vứt đi rồi. Nó đã phục vụ cho chủ định của nó: sự tò mò biết điều gì đang xảy ra xung quanh, chỉ là cách nói chuyện tầm phào mới và nhiều kĩ thuật hơn. Bây giờ không thể nào tiếp tục kiểu nói chuyện tầm phào nữa bởi vì mọi người đều sống xa nhau. Báo chí, đài và ti vi là các dạng nói chuyện tầm phào mới. Chúng loan đi đủ mọi thứ vô nghĩa và ngu xuẩn cho mọi người. Đây thường là công việc của các tu sĩ, của thầy giáo.
Ngay cả trong quá khứ, như Đạo Nguyên nói, rất khó gặp các bậc thầy lỗi lạc. Nhưng họ chưa bao giờ dừng hiện hữu cả. Ngay cả ngày nay điều đó vẫn là có thể, mặc dầu việc tìm ra thầy đã trở thành khó khăn hơn. Bởi vì toàn thế giới và bầu khí hậu của nó, tâm trí của nó, đã ngoảnh mặt đi với việc tìm kiếm bên trong. Người đi vào việc tìm kiếm bên trong ngày nay thường đi một mình, không có sự hỗ trợ gì từ xã hội.
Trong thực tế xã hội tạo ra đủ mọi loại vấn đề cho người đi vào việc tìm kiếm bản thân mình. Mọi người đơn giản cười, "Đừng ngu xuẩn, hãy đi kiếm tiền đi, hãy đi kiếm đàn bà đẹp, hãy đi kiếm việc trở thành người giầu nhất trên thế giới, hãy đi kiếm việc là thủ tướng của đất nước. Anh định đi đâu và anh sẽ làm gì cho dù anh có tìm thấy bản thân mình? Anh đơn giản sẽ bị mắc kẹt. Một khi anh đã tìm thấy bản thân mình rồi thì anh định làm gì? Anh không thể ăn nó được. Nó chỉ là đồ vô dụng." Toàn thể nỗ lực của hàng thế kỉ bỗng nhiên đã trở thành hoàn toàn vô dụng, bởi vì ít người thế dám bước qua lằn ranh, cái biên giới mà xã hội tạo ra quanh bạn. Vài người này đã tìm thấy chính cội nguồn của cuộc sống, họ đã tìm thấy rằng chúng ta không được sinh ra bằng việc sinh của mình, và chúng ta sẽ không chết đi với cái chết của mình. Không sinh không chết... điều bản chất của chúng ta là vĩnh hằng, vô thuỷ, vô chung. Sinh và chết đã xảy ra cả nghìn lẻ một lần, chúng chỉ là chương hồi, những điều rất nhỏ bé nếu so với cái vĩnh hằng của chúng ta.
Bất kì khi nào bất kì ai tìm thấy cái vĩnh hằng này, thì nó bắt đầu biến đổi người đó. Người đó trở thành một người mới theo nghĩa là tầm nhìn của người đó rõ ràng. Người đó không thuộc vào đám đông nào nữa, người đó không thể là người Ki tô giáo hay người Hindu giáo hay người Mô ha mét giáo; bởi vì người đó biết từ cốt lõi bên trong nhất của mình rằng tất cả chúng ta đều là một phần của sự tồn tại. Tất cả mọi phân chia đều ngu xuẩn. Làm sao một người đã nhận ra bản thân mình lại có thể thuộc vào đám đông được, lại có thể là thành viên của đám đông được? Người đó trở thành đỉnh của tâm thức, đứng một mình như đỉnh Everest. Người đó là đủ với chính mình, và tìm ra người đó chắc chắn là khó, nhưng không phải là không thể được. Bạn có thể làm điều đó thành không thể được nếu bạn đi vào cuộc tìm kiếm của mình với định kiến nào đó, với tiêu chuẩn nào đó đã được tâm trí bạn quyết định. Chẳng hạn, một người Jaina, cho dù người đó có bắt gặp vị phật, sẽ không có khả năng thấy phật. Mắt người đó bị che phủ bằng cái gọi là Jaina giáo. Người đó có thể tôn kính chỉ người như Mahavira, đó là tiêu chuẩn của người đó. Và rắc rối là, mọi linh hồn đã chứng ngộ đều duy nhất đến mức bạn không thể làm ra tiêu chuẩn nào được cả. Bạn sẽ phải tinh tế hơn, thông minh hơn. Người Jaina không thể chấp nhận được Phật là người đã chứng ngộ bởi vì ngài vẫn còn mặc quần áo. Ý tưởng của người đó về chứng ngộ là ở chỗ người ta từ bỏ mọi thứ, ngay cả quần áo; người ta đứng trần trụi.
Nhưng xin hãy nhớ, ngay cả nghệ sĩ cũng có thể đứng trần trụi, đừng làm điều đó thành tiêu chuẩn. Mahavira là duy nhất - ông ấy thích trần trụi, trong không khí, dưới bầu trời và các vì sao. Điều đó là đẹp nhưng điều đó không phải là tiêu chuẩn. Phật Gautam ăn một lần mỗi ngày. Bây giờ điều đó không phải là tiêu chuẩn, rằng nếu ai đó ăn hai lần một ngày thì người này không thể được hiểu là vị phật. Nhưng ngay cả những cái gọi là người thông minh và cái cọi là người tôn giáo của chúng ta như Mahatma Gandhi cũng làm ra những tiêu chuẩn ngu xuẩn như vậy.
Theo ông ấy con người của nhận biết không thể uống trà. Tất cả các bậc thầy Phật giáo đều đã uống trà, nó đã là phát minh của họ. Chính Bồ đề đạt ma đã phát hiện ra trà. Cái tên 'trà' bắt nguồn từ dãy núi Tha ở Trung Quốc, nơi Bồ đề đạt ma thiền. Và cái tên này đã còn lại như vậy trong các ngôn ngữ khác... chỉ hơi chút thay đổi. Trong tiếng Hindi nó là chai, trong tiếng Marathi nó là cha, trong tiếng Trung Quốc nó là tha, trong tiếng Anh nó trở thành tea. Nhưng cả nghìn bậc thầy chưa bao giờ phủ nhận trà là cái gì đó không tâm linh.
Ngược lại, Thiền có trong các thiền viện của mình một nhà trà đặc biệt, và khi họ đi uống trà điều đó được gọi là lễ trà. Họ đã biến đổi hành động uống trà đơn giản thành việc thiền đẹp. Bạn phải cởi giầy để ở bên ngoài khi bạn bước vào trong nhà trà. Và có thầy đứng ra làm chủ buổi lễ. Rồi mọi người ngồi xuống trong im lặng của thiền viện, trà được pha trên ấm và mọi người lắng nghe tiếng reo của nước sôi trong ấm trà.
Điều đó trở thành thiền. Quan sát là thiền, cái bạn quan sát không thành vấn đề. Thế rồi thầy với vẻ nho nhã thanh cao đem trà tới cho mọi người; rót trà ra với nhận biết mênh mông, với ý thức, cẩn thận, kính trọng, và mọi người đón nhận chén trà cứ dường như đang đón nhận điều gì đó thiêng liêng. Trong việc nhấm nháp im lặng chén trà đó... và cái việc rất bình thường này đã trở thành kinh nghiệm tâm linh. Không ai có thể nói trong nhà trà, im lặng là qui tắc. Khi bạn đặt chén trà vào đĩa trà bạn cũng cúi mình với lòng biết ơn sự tồn tại. Trà chỉ là biểu tượng.
Nhưng trong trang trại của Mahatma Gandhi bạn không thể uống trà được, bạn không thể đi vào tình yêu với một người đàn bà. Mọi ngày bạn phải ăn cùng với bữa ăn của mình lá cây neem, là loại lá đắng nhất trên thế giới, chỉ để diệt đi vị giác của bạn; bởi vì các kinh sách nói rằng vô vị là tiêu chuẩn cho tính tâm linh. Nó có thể là tiêu chuẩn cho sự ngu xuẩn, nó không thể là tiêu chuẩn cho tính tâm linh được; bằng không thì mọi con trâu đều mang tính tâm linh tuốt.
Bạn đã quan sát trâu chưa? Chúng bao giờ cũng nhai cùng loại cỏ, chẳng biểu lộ theo bất kì cách nào liệu chúng đang hạnh phúc hay bất hạnh, cứ bằng lòng và tách rời thế. Và cả ngày nó liên tục, nhai và nhai. Món đó không thể rất ngon được. Bạn có thể thử, thỉnh thoảng cũng hay mà thử cái các loài khác trên khắp thế giới đang ăn. Nhưng tôi sẽ không nói rằng vô vị giác có liên quan gì tới tôn giáo. Ngược lại, bạn càng trở nên mang tính thiền, vị giác của bạn càng trở nên sâu sắc hơn. Mọi giác quan đều trở nên cảm nhận hơn, bạn nghe rõ hơn, bạn thấy rõ hơn, cái chạm của bạn bắt đầu trở nên nồng ấm hơn.
Cứ chạm vào tay vài người và bạn sẽ thấy sự khác biệt. Tay một số người ấm. Tay ấm chỉ ra rằng họ sẵn sàng cho, chia sẻ; hơi ấm là năng lượng của họ đi tới bạn, nó thực sự là biểu tượng tình yêu. Nhưng cầm tay một số người lại giống như cần cành cây khô, chẳng cái gì chuyển động trong tay họ cả. Nhưng những người này trong quá khứ đã được gọi là tâm linh. Bạn càng chết thì bạn càng tâm linh. Đừng ăn chỉ vì vị giác!
Bạn không thể tin được rằng kinh sách Phật giáo có ba mươi ba nghìn qui tắc cho một người là tâm linh. Ít nhất tôi cũng không thể trở thành tâm linh được, chỉ bởi vì tôi không thể đếm được những qui tắc đó. Tôi không thể nhớ được chúng mấy - ba mươi ba nghìn qui tắc! Bất kì khi nào tôi đếm, tôi đếm trên đầu ngón tay và sau ngón tay thứ ba tôi bao giờ cũng bị lẫn. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không thể mang tính tâm linh, số học chẳng liên quan gì tới tâm linh cả. Và những qui tắc đó là gì?
Một ví dụ tôi sẽ nêu cho bạn. Một sư trẻ sắp đi quảng bá lời Phật cho quần chúng. Trước khi ra đi anh ta tới chạm chân Phật và hỏi ông ấy liệu ông ấy có điều gì cần nói với anh ta không, bởi vì anh ta sẽ không thể gặp lại ông ấy chừng nào mùa mưa thứ hai chưa tới.
Phật nói, "Có, ta có vài hướng dẫn cho ông. Một điều là, đừng bao giờ nhìn quá một mét phía trước ông." Người này nói, "Nhưng sao vậy?" Phật nói, "Thế là để tránh đàn bà. Và nhiều nhất ông có thể nhìn thấy bàn chân họ. Thế rồi đi tiếp, đừng nhìn vào mặt họ. Hãy cứ dán mắt vào đất ấy."
Bây giờ một người như thế thì chẳng thể nào thấy được sao, một người như thế chẳng thể nào thấy được mặt trời lặn hay mặt trời mọc, một người như thế hoàn toàn bị cắt rời khỏi sự tồn tại, cảm giác của người đó đã bị giết chết. Người đó có mắt nhưng người đó gần như mù - mắt chỉ có thể thấy được một mét phía trước. Khả năng vô biên của người đó bị thu lại chỉ có một mét thôi. Sư trẻ hỏi, "Nếu thỉnh thoảng tôi quên mất, hay nếu có tình huống đặc biệt mà tôi phải nhìn đàn bà, thì tôi phải làm gì?" Phật nói, "Hãy nhắm mắt lại. Ta đặc biệt quan ngại, bởi vì một khi ông đã thấy người đàn bà đẹp thì ông có thể nhắm mắt nhưng ông không thể quên được khuôn mặt đó." Trong thực tế với mắt nhắm cô ấy trở thành đẹp hơn.
Nếu như tôi mà ở vào chỗ của Phật Gautam tôi sẽ cho mọi người kính lúp! Hãy mang nó đi! Bất kì khi nào bạn bắt gặp người đàn bà đẹp, hãy nhìn và rồi mắt cô ấy sẽ trông giống như quỉ; mũi cô ấy sẽ to đến mức không người Do Thái nào đọ nổi. Nhưng đây không phải là tâm linh, mang chiếc kính lúp...
Hạn chế của ông ấy chẳng là gì ngoài sự kìm nén, và người kìm nén không bao giờ có thể đi vào trong bản thể riêng của mình được. Những cảm giác và ý nghĩ bị kìm nén trở thành cái vỏ cứng phân chia người đó với bản thân mình, với cội nguồn riêng của mình. Chỉ người không kìm nén, vô suy nghĩ, im lặng mới có thể phá bỏ mọi rào chắn và đạt tới cội nguồn sống của mình. Và khoảnh khắc bạn đạt tới cội nguồn sống của mình... bạn không phải làm gì cả, điều đó làm ra phép màu. Nó bắt đầu thay đổi thái độ của bạn, cách tiếp cận của bạn, nó bắt đầu thay đổi mọi thứ mà bạn đã biết về bản thân mình. Nó đem tới cho bạn tính tồn tại mới.
Tìm ra thầy là dễ nếu bạn sẵn có không chỉ cho lời, mà cho im lặng nữa; không chỉ cho lời bởi vì chân lí chưa bao giờ tới qua lời cả, nhưng lại tới ở giữa các lời, giữa các dòng, trong chỗ im lặng. Nếu bạn tìm kiếm thầy thì đừng mang tiêu chuẩn nào, đừng mang định kiến nào. Hãy tuyệt đối sẵn có, để cho khi bạn bắt gặp thầy, bạn có thể cảm thấy năng lượng của thầy. Thầy mang toàn thể thế giới năng lượng quanh mình. Kinh nghiệm riêng của thầy toả ra khắp xung quanh thầy. Nếu bạn cởi mở và không sợ sệt việc kinh nghiệm điều mới, việc nếm trải cái gì đó nguyên bản, thì tìm ra thầy không phải là rất khó. Cái khó có đó, là ở phần bạn.
Nhưng phát biểu của Đạo Nguyên là phải: ... Điều khó nhất là gặp các bậc thầy lỗi lạc. Dù là đàn ông hay đàn bà họ phải là những người đã hiểu ra điều gì đó không thể mô tả nổi. Đó là điều làm cho họ thành thầy: nếu họ biết cái gì đó mà không thể mô tả được, nếu họ có kinh nghiệm nào đó mà không thể giải thích được. Thầy là điều bí ẩn. Thầy biết nó nhưng thầy không thể nói nó được. Thầy có thể chia sẻ nó nếu bạn sẵn sàng. Thầy có thể mời bạn vào chính bản thể riêng của mình. Nếu bạn không sợ hãi và bạo dạn, đủ dũng cảm để thám hiểm phần không biết nhất của sự tồn tại, thì bạn có thể trở thành khách trong nhà thầy. Nhưng hãy nhớ, khoảnh khắc bạn đi vào trong nhà thầy thì thầy đi vào trong bạn. Hai tâm thức không thể còn tách biệt. Một khi hai tâm thức lại gần chúng trở thành một.
Và đây là điều duy nhất phải được ghi nhớ: nếu với ai đó bạn cảm thấy sự lôi cuốn sâu sắc, sự đồng bộ sâu sắc, cứ dường như một linh hồn trong hai thân thể, thế thì đừng bỏ lỡ người này. Người đó sẽ đưa bạn tới kinh nghiệm không thể tin được, không thể mô tả được, không thể diễn đạt được. Đây là việc hiểu ra điều tinh tuý của Đạo. Tìm thầy là tìm Đạo. Do đó, họ dẫn dắt và làm lợi cho người khác, không gạt sang bên nhân quả hay không tạo phân biệt giữa cái ta và người khác.
Một nhà huyền môn rất nổi tiếng hay tới chỗ tôi đã sống trong mười hai năm, và đệ tử của ông ấy bao giờ cũng muốn tôi gặp thầy họ. Tôi nói, "Cách duy nhất là: lần sau thầy của các bạn có thể ở lại với tôi." Thế là lần sau vị thầy Sufi đó tới, ông ấy ở lại với tôi, và tôi hỏi ông ấy điều đầu tiên, "Ông vẫn là người Mô ha mét giáo chứ?" Ông ấy có vẻ ngạc nhiên và bị sốc. Ông ấy nói, "Tất nhiên rồi." Tôi nói, "Thế thì ông không biết điều không thể mô tả được. Những sự phân chia này giữa người Mô ha mét giáo và người Hindu giáo và người Jaina giáo và Phật tử là những phân chia của người xoàng xĩnh và chậm phát triển." Nhưng ông ấy nói, "Tôi đã nhận ra Thượng đế. Tôi thấy ngài." Tôi nói, "Điều đó toàn là điều vô nghĩa cả." Anando vừa mới đem đến cho tôi... Ở Mĩ có một loài linh mục mới, linh mục ti vi, điều chưa bao giờ có trước đây. Một linh mục ti vi rất nổi tiếng đã trở nên nổi tiếng hơn vì ông ấy đã tuyên bố rằng đêm nào ông ấy cũng thấy Thượng đế. Thượng đế dài chín trăm bộ! Tôi bảo Anando, "Hãy viết một bức thư của tôi gửi cho ông ấy, 'Xin ông hãy cho tôi biết, ông có mang thước tỉ lệ và cái gì đó để đo không? hay đấy chỉ là việc đoán mò?'" Chín trăm bộ, đích xác!
Chúng ta nghĩ chúng ta đang ở thế kỉ hai mươi. Ngay cả ở Mĩ người ta cũng không sống trong thế kỉ hai mươi, còn nói gì tới những nước như Ấn Độ. Hàng triệu người tôn thờ con người đó mà không ai thậm chí bận tâm rằng điều này ngu xuẩn thế. Thấy điều này, một nhà truyền giáo khác bắt đầu tuyên bố rằng ông ấy cũng thấy Thượng đế và ngài có bộ râu trắng dài. Thế là tôi đã gửi cho ông ấy bức ảnh của mình, "Ông đừng bị lừa nhé, chính tôi đã tới thăm ông trong giấc mơ của ông đấy! Ngay chỗ đầu tiên, nếu Thượng đế là vĩnh hằng thì ngài không thể có tóc trắng được. Ngài bao giờ cũng trẻ trung. Chỉ con người mới trở nên già đi."
Ông ấy thậm chí đã xuất bản bức tranh của mình, bức tranh đó cũng tương tự như bức tranh của tôi, cho nên tôi đã bảo ông ấy, "Hãy nhìn vào bức tranh của tôi đây. Chỉ đừng bị mọi người khác nhận ra tôi đang đeo kính thôi. Nhưng chính tôi là người ông đã thấy trong giấc mơ của ông. Đừng khai thác người khác bằng việc nói rằng ông thấy Thượng đế." Thượng đế không phải là vật. Bạn không thể thấy được Thượng đế. Thượng đế là chính tâm thức bạn. Nó là người thấy, không phải là vật thấy. Nó là bạn, không phải vật nào đó ở đâu đó. Nó là trung tâm bên trong nhất của bạn, chính là điểm vĩnh hằng duy nhất, không đổi, bất tử, thiêng liêng trong cái đẹp của nó, trong phúc lành của nó.
Khi bạn tới gần thầy hãy nhớ một điều: hãy rút bỏ mọi việc phòng thủ. Hãy trống rỗng nhất có thể được, để cho năng lượng của thầy có thể thấm nhuần vào bạn, có thể thấm nhuần vào bản thể bạn, có thể chạm tới trái tim bạn. Và đó là việc nhận ra ngay tức khắc. Cũng như khi bạn đi vào tình yêu, bạn không nghĩ về tình yêu, bạn không tư vấn các thủ thư về tình yêu, bạn không hỏi người lớn hơn bạn làm sao vào tình yêu. Không có trường nào dạy cách vào tình yêu. Nhưng mọi người vẫn cứ đi vào tình yêu, nó bất thần xảy ra.
Cũng như tình yêu bất thần xảy ra ở mức độ thấp hơn, ở mức độ vật lí và sinh học... việc tìm thấy thầy là một dạng của tình yêu cao nhất. Khoảnh khắc bạn đi tới vùng ảnh hưởng của thầy - cái vẫn được gọi là phật trường, trường của thầy - bạn bỗng nhiên bắt đầu rung động với năng lượng mới, bạn bỗng nhiên cảm thấy sự tươi tắn mới, làn gió mới thoảng qua bạn, bài ca mới không tạo ra âm thanh. Tất cả mọi điều còn lại cho bạn là thảnh thơi trong sự biết ơn sâu lắng. Thậm chí bạn đừng thốt ra lời 'cám ơn', bởi vì điều đó làm phân tách ra. Đây không phải là lúc để thốt ra lời... chỉ cần cử chỉ biết ơn.
Khi chúng ta đã gặp thầy, chúng ta phải công phu Đạo. Nếu bản thân thầy là Đạo, thì bạn công phu thế nào? Bạn đơn giản quan sát cách thầy đi, thầy làm cử chỉ gì, thầy đáp ứng ra sao với các tình huống. Bởi vì thầy là mọi khoảnh khắc và sự nhận biết tuyệt đối. Chính hành động của thầy là chỉ dẫn về bản thể bên trong nhất của thầy. Hãy quan sát thầy! Quan sát thầy khi thầy ngủ, quan sát thầy khi thầy thức, quan sát thầy khi thầy nói, quan sát thầy khi thầy ngồi im lặng, không làm gì. Quan sát thầy với lòng biết ơn sâu sắc và tình yêu, hấp thu năng lượng của thầy một cách im lặng... Điều đó gần giống như uống nước khi bạn khát, một cảm giác mãn nguyện sâu lắng tới với bạn.
0 Đánh giá