Osho – Những cuốn sách tôi yêu - Chương 2

Osho – Những cuốn sách tôi yêu - Chương 2

Price:

Read more

Osho – Những cuốn sách tôi yêu - Chương 2
1984, tại nhà Lão Tử, Rajneeshpuram, Oregan, USA


Tôi xin lỗi vì sáng nay tôi đã không nói đến một số cuốn sách mà tôi nên nói đến. Tôi bị   ngập trong Zarathustra, Mirda, Trang Tử, Lão Tử, Jesus và Krishna đến mức tôi đã quên một số cuốn thậm chí còn ý nghĩa hơn. Tôi không thể tin mình lại có thể quên cuốn sách của Kahlil Gibran, NHÀ TIÊN TRI. Điều đó vẫn đang hành hạ tôi. Tôi muốn dỡ bỏ gánh nặng đó – chính vì vậy mà tôi nói lời xin lỗi, nhưng không cụ thể với ai.
Làm sao tôi có thể quên cuốn sách tối thượng: cuốn KINH của các vị Sufi! Có lẽ tôi quên vì nó không chứa gì, chỉ là những trang giấy trống rỗng. Trong một nghìn hai trăm năm, các vị Sufi đã mang cuốn KINH với lòng tôn kính lớn lao, họ dở từng trang và nghiên cứu nó. Người ta tự hỏi họ nghiên cứu gì. Khi bạn đối diện với  một trang sách trắng trong một khoảng thời gian dài, bạn buộc phải bị ảnh hưởng. Đó là sự nghiên cứu thực sự – một tác phẩm.
Làm sao tôi lại có thể quên cuốn KINH? Bây giờ ai sẽ tha thứ cho tôi? Cuốn KINH nên là cuốn đầu tiên được nói đến chứ không phải cuối cùng. Nó không thể bị bỏ qua. Làm sao bạn có thể sáng tạo ra cuốn sách hay hơn mà nó không chứa gì, và chỉ là thông điệp về cái không?
Devageet, cái ‘không’ nên được viết trong sổ ghi chép của bạn là không-cái gì; ngược lại, cái ‘không’ lại có nghĩa tiêu cực – nghĩa của sự trống rỗng, và nó không phải như vậy. Nghĩa là ‘tràn đầy’. Trống rỗng ở phương Đông có nội dung hoàn toàn khác… SHUNYATA.
Tôi đã gọi một trong những sannyasin của tôi là Shunyo, nhưng kẻ ngốc đó lại liên tục gọi mình là Tiến sĩ Eichling. Bây giờ, liệu còn có gì ngu ngốc hơn không? ‘Tiến sĩ Eichling’ – cái tên mới xấu làm sao! Và anh ta đã cạo râu chỉ để là Tiến sĩ Eichling… bởi vì để râu thì anh ta nhìn cũng hơi đẹp.
Ở phương Đông, shunyata – trống rỗng – không có nghĩa trống rỗng như tiếng Anh. Nó là tràn đầy, ngập tràn, quá tràn đầy đến mức không cần gì thêm nữa. Đó là thông điệp của cuốn KINH. Xin hãy thêm nó vào danh sách.
Đầu tiên, cuốn KINH của các vị Sufi.
Thứ hai, NHÀ TIÊN TRI của Kahlil Gibran. Tôi có thể dễ dàng bỏ rơi cuốn NHÀ TIÊN TRI vì lý do đơn giản rằng đó chỉ là tiếng vọng của cuốn ZARATHUSTRA ĐÃ NÓI NHƯ THẾ của Friedrich Nietzsche. Trong thế giới của chúng ta không có ai nói sự thật. Chúng ta là những người quá dối trá, quá hình thức, quá xã giao… NHÀ TIÊN TRI chỉ đẹp bởi nó là tiếng vọng của Zarathustra.
Thứ ba, cuốn KINH CỦA LIỆT TỬ. Ý tôi nói Lão Tử, Trang Tử; Liệt Tử tôi đã quên, và ông ấy chính là cực đỉnh của cả hai, Lão Tử và Trang Tử. Liệt Tử là thế hệ thứ ba. Lão Tử là Bậc Thầy, Trang Tử là môn đệ, có lẽ vì vậy mà tôi quên ông. Nhưng sách của ông lại vô cùng tuyệt và phải được thêm vào danh sách.
Thứ tư – điều này thực sự kỳ lạ – tôi đã không nói đến NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI CỦA SOCRATES của Plato. Có lẽ tôi quên vì Plato. Plato không đáng để nói đến, ông ấy chỉ là nhà triết học, nhưng cuốn sách của ông, NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI CỦA SOCRATES VÀ CÁI CHẾT CỦA ÔNG, lại không thể không được ca ngợi và nên được tính đến.
Thứ năm… Tôi cũng quên cuốn NHỮNG GHI CHÉP CỦA CÁC MÔN ĐỆ VỀ BỒ ĐỀ ĐẠT MA. Khi tôi nói về Phật Gautam, tôi hay quên Bồ Đề Đạt Ma, có lẽ tôi cảm thấy dường như ông đã bao gồm mình trong Bậc Thầy của mình, Đức Phật. Nhưng không, điều đó không đúng; Bồ Đề Đạt Ma đứng bởi chính mình. Ông ấy là môn đệ vĩ đại, quá vĩ đại đến mức Bậc Thầy có thể ghen tị với ông. Chính ông ấy đã không viết một từ nào, nhưng một vài môn đệ vô danh của ông, bởi vì họ đã không nhắc đến tên mình, đã ghi chép về những câu nói của Bồ Đề Đạt Ma. Những ghi chép đó, mặc dù rất ít, lại rất quý giá như viên kim cương Kohinoor. Bạn biết đấy, từ Kohinoor có nghĩa là ánh sáng của thế gian. Noor có nghĩa là ánh sáng, kohi có nghĩa là thế gian. Nếu tôi phải mô tả bất kỳ điều gì như là Kohinoor, đúng, tôi muốn nói tới một số ghi chép của các môn đệ ẩn danh của Bồ Đề Đạt Ma.
Thứ sáu: Tôi cũng quên RUBAIYAT. Những giọt lệ lăn từ khóe mắt tôi. Tôi có thể xin lỗi vì quên mọi thứ khác chứ không phải quên RUBAIYAT. Omar Khayyam… Tôi chỉ có thể khóc, rơi lệ. Tôi chỉ có thể xin lỗi bằng những giọt lệ của mình, lời nói sẽ không ích gì. RUBAIYAT là một trong những sự hiểu lầm nhất và cũng là một trong những cuốn sách được đọc rộng rãi nhất trên thế giới. Nó được hiểu bởi bản dịch, nó bị hiểu sai về tinh thần của nó. Người dịch không thể mang tinh thần đến cho nó. RUBAIYAT là biểu tượng, và người dịch lại là người Anh thẳng tuột, và điều đó ở Mỹ họ gọi là sự lỗi thời, không bao giờ là tân thời cả. Để hiểu RUBAIYAT, bạn cần một chút tân thời trong bạn.
RUBAIYAT nói về rượu và đàn bà và không còn gì nữa; nó ca bài ca về rượu và đàn bà. Các dịch giả – và có nhiều – tất cả đều sai. Họ buộc phải sai bởi vì Omar Khayyam là vị Sufi, là người đàn ông của tasawuf, người đàn ông biết. Khi ông ấy nói về đàn bà, ông nói về Thượng đế. Đó là cách mà các vị Sufi nói về Thượng đế: “Người yêu dấu, người yêu dấu của tôi.” Và họ luôn sử dụng giống cái cho Thượng đế, điều này nên chú ý. Không có ai khác trên thế giới, trong toàn bộ lịch sử con người và ý thức, lại đã gọi Thượng đế như là một người đàn bà. Chỉ có các vị Sufi mới gọi Thượng đế như là người yêu dấu. Và ‘rượu’, cái thứ xuất hiện giữa người yêu và người được yêu, điều đó không có gì liên quan tới những chùm nho cả. Thuật giả kim, thứ xuất hiện giữa người yêu và người được yêu, giữa môn đệ và bậc thầy, giữa người tìm kiếm và đối tượng tìm kiếm, giữa người tôn thờ và Thượng đế của người đó... thuật giả kim. Sự chuyển hóa – đó là rượu. RUBAIYAT bị hiểu sai quá nhiều, có lẽ chính vì vậy mà tôi đã quên nó.
Thứ bảy, cuốn MASNAVI của Jalaluddin Rumi. Đó là cuốn sách gồm những câu truyện ngụ ngôn ngắn. Cái vĩ đại có thể được biểu cảm bởi những câu chuyện ngụ ngôn. Jesus nói bằng những câu chuyện ngụ ngôn: MASNAVI cũng vậy. Tại sao tôi lại quên nó? Tôi yêu những câu chuyện ngụ ngôn; tôi không nên quên nó. Tôi đã sử dụng hàng trăm câu chuyện ngụ ngôn từ nó. Có lẽ nó đã trở thành gần như của tôi đến mức tôi đã quên nói về nó một cách riêng biệt. Nhưng đó không phải là nguyên cớ, vẫn phải yêu cầu sự xin lỗi.
Thứ tám: Cuốn thứ tám là ISA UPANISHAD. Thật dễ hiểu tại sao tôi quên nó. Tôi đã uống nó, nó đã trở thành một phần của máu và xương tôi; nó là tôi. Tôi đã nói về nó hàng trăm lần. Nó là cuốn Upanishad rất ngắn. Có một trăm lẻ tám Upanishad và ISA là cuốn ngắn nhất. Nó có thể được in trên bưu thiếp, trên một mặt, nhưng nó chứa đựng tất cả một trăm linh bảy cuốn còn lại, cho nên chúng không cần được nhắc đến. Hạt mầm ở trong ISA.
Từ isa có nghĩa là linh thiêng. Có thể bạn ngạc nhiên rằng ở Ấn Độ chúng tôi không gọi Christ là ‘Christ’, chúng tôi gọi ông ấy là ‘Isa’ – Isa còn gần với tên gốc Arab Yeshua, tên tiếng Anh Joshua. Chắc cha mẹ ông ấy đã gọi ông là Yeshu. Yeshu quá dài. Cái tên đã du hành tới Ấn Độ, và từ Yeshu trở thành Isu. Ngay lập tức Ấn Độ nhận ra Isu rất gần với Isa, có nghĩa là Thượng đế, tốt hơn là gọi ông ấy là Isa.
ISA UPANISHAD là một trong những sự sáng tạo vĩ đại nhất của những người đã thiền.
Thứ chín… Tôi quên không nói một cái gì đó về Gurdjieff và cuốn sách của ông, TẤT CẢ VÀ MỌI THỨ – có lẽ vì nó là cuốn sách rất kỳ lạ, thậm chí không dễ đọc. Tôi không nghĩ lại có bất kỳ cá nhân đang còn sống ngoài tôi lại đã đọc cuốn sách từ trang đầu tới trang cuối. Tôi đã tình cờ gặp nhiều người theo Gurdjieff, nhưng không ai trong họ có khả năng đọc  TẤT CẢ VÀ MỌI THỨ một cách trọn vẹn.
Đó là cuốn sách dày – ngược lại với cuốn ISA UPANISHAD – một nghìn trang. Và Gurdjieff là vị thánh quá tinh quái – xin hãy cho phép tôi biểu đạt như vậy, vị thánh tinh quái – ông ấy viết theo cách mà nó trở thành không thể đọc. Một câu có thể dài đến mấy trang. Lúc bạn đọc đến cuối câu, bạn đã quên mất đầu câu. Và ông ấy đã sử dụng những từ tự hình thành, giống như tôi. Những từ kỳ lạ…ví dụ khi ông ấy viết về kundalini, ông ấy gọi là kundabuffer; đó là từ của ông ấy đối với kundalini. Cuốn sách này vô cùng giá trị, những viên kim cương ẩn giấu giữa những viên đá. Con người phải tìm kiếm và truy tìm.
Tôi đọc cuốn sách này không chỉ một lần mà nhiều lần. Tôi càng vào nó tôi càng yêu thích nó, bởi vì tôi càng có thể nhìn thấy sự tinh quái; tôi càng có thể nhìn thấy nó là gì, điều mà ông ấy giấu những người không nên biết.  Kiến thức không dành cho những người không có khả năng hấp thụ nó. Kiến thức phải bị giấu khỏi những người cẩu thả, và chỉ dành cho những người có thể phân loại, sắp xếp nó. Nó phải được trao cho chỉ những người sẵn sàng. Đó là toàn bộ mục đích của lối viết kỳ lạ. Không có sách nào kỳ lạ hơn cuốn TẤT CẢ VÀ MỌI THỨ của Gurdjieff, và chắc chắn đó là tất cả và mọi thứ.
Thứ mười: Tôi đã nhớ ra cuốn sách này nhưng tôi đã không nhắc đến nó bởi vì nó được viết bởi P.D. Ouspensky, môn đệ của Gurdjieff, là người đã phản bội ông. Tôi không muốn tính đến nó bởi sự phản bội này, nhưng cuốn sách được viết trước khi ông ấy phản bội bậc thầy của mình, cho nên cuối cùng tôi quyết định bổ sung nó vào. Tên của cuốn sách là TÌM KIẾM ĐIỀU HUYỀN BÍ. Nó tuyệt hay, bởi vì nó được viết bởi con người chỉ là môn đệ, chính người đó không biết. Người đó không chỉ là môn đệ mà sau đó còn là Judas, là người đã phản bội Gurdjieff. Điều đó thật kỳ lạ, nhưng thế gian tràn ngập những điều kỳ lạ.
Sách của Ouspensky thể hiện Gurdjieff còn rõ ràng hơn chính sách của Gurdjieff. Có thể trong trạng thái nào đó bản thể Gurdjieff đã chiếm lĩnh Ouspensky và đã sử dụng ông ấy như là phương tiện, giống như tôi đang sử dụng Devageet như là phương tiện của mình. Ngay bây giờ anh ấy đang ghi chép, và khi tôi nhắm hờ, tôi đang quan sát mọi thứ. Thậm chí tôi có thể quan sát bằng mắt nhắm. Tôi chỉ là một người quan sát, một người quan sát trên đỉnh đồi. Tôi không có công việc nào khác ngoài quan sát.
Thứ mười một: Đây là cuốn sách được viết bởi một người chưa chứng ngộ, không là bậc thầy hoặc không là môn đệ: NHỮNG NGỌN CỎ bởi Walt Whitman. Nhưng một cái gì đó đã thấm vào ông ấy thông qua thơ ca. Thơ ca đã hoạt động như cây sáo trúc, và những ghi chép không phải cho cây sáo trúc; chúng không thuộc về cây sáo trúc. Walt Whitman chỉ là cây trúc Mỹ. Nhưng NHỮNG NGỌN CỎ lại đẹp tuyệt vời. Một cái gì đó tuôn chảy từ Thượng đế đã được nắm bắt bởi những vần thơ này. Như tôi biết, không người Mỹ nào ngoài Walt Whitman đã chạm vào nó – họ quá hời hợt; ngược lại, không người Mỹ nào lại quá trí huệ.
Đừng ngắt lời! – ít nhất bạn chỉ tình cờ ghi chép. Sau đó bạn sẽ hối tiếc rằng bạn đã lỡ điều này, điều kia. Chỉ cần viết ra những ghi chép của bạn. Khi thời gian chín muồi tôi sẽ nói dừng.
Thời gian của tôi hết rồi phải không? Thời gian của tôi kéo dài từ rất lâu rồi; không phải hôm nay, mà từ hai mươi năm trước. Tôi đang sống cuộc đời sau khi chết, giống như P.S (tái bút) của bức thư. Nhưng đôi khi P.S lại còn quan trọng hơn toàn bộ bức thư.
Thế giới mới kỳ diệu làm sao. Thậm chí từ những đỉnh cao này con người có thể nghe được tiếng rúc rích dưới thung lũng. Điều đó là tốt, chúng tham gia cùng nhau. Than ôi, điều đó sẽ nhanh chóng trôi qua.
Chúng ta không thể làm cho nó kéo dài mãi sao?
Con người chỉ là kẻ hèn nhát.
Các môn đệ không thể tránh trở thành những Juda sao?
Khi điều đó qua đi, bạn có thể dừng.
Rất tốt… Alleluia (bài hát ca ngợi Chúa)!
Xem tiếp Chương 3 - Quay về Mục lục

0 Đánh giá

Ads Belove Post