Read more

Vâng, chúng ta
là một phần của nhau. Không chỉ nhân loại là một, sự tồn tại là một. Nhưng tính
một này có thể được cảm thấy ở hai mức: một mức là trong vô thức sâu và mức kia
là trong siêu thức. Hoặc bạn phải trở thành cái cây - thế thì bạn là một với
cái toàn thể; hoặc bạn phải trở thành vị phật - thế thì bạn là một với cái toàn
thể. Giữa hai điều này bạn không thể là một với cái toàn thể được.
Ý thức mang
tính cá nhân, vô thức mang tính toàn thể; siêu thức mang tính toàn thể, ý thức
mang tính cá nhân. Cho nên nếu chỗ nào đó ở Arica hay chỗ nào đó khác họ dạy bạn
là một phần của nhóm, bạn sẽ trở nên vô thức. Khả năng lớn hơn là ở chỗ bạn sẽ
tụt về ý thức của mình. Chừng nào bạn còn chưa trở thành vị phật, bạn không thể
trở thành cái một được, bạn không thể biết tới cái một thực của cái toàn thể.
Cái một thực của
cái toàn thể chỉ có thể được biết tới theo hai cách: hoặc là trở thành vô thức,
đánh mất đi ý thức của bạn - tính cá nhân bị mất; hoặc vượt ra ngoài ý thức -
thế thì tính cá nhân của bạn bị mất. Đó là lí do tại sao đám đông lại hấp dẫn mọi
người nhiều thế. Bạn đã bao giờ thấy mọi người trong đám đông chưa, họ trông
sung sướng thế nào? Người Mô ha mét giáo sẽ phá huỷ đền thờ, hay người Hindus sẽ
giết người Mô ha mét giáo - hãy nhìn sự sung sướng làm sao, sôi sung sục, phát
toả năng lượng. Những người đờ đẫn... bạn đã thấy họ trước đây, bước đi trên phố
- đờ đẫn, chết. Bây giờ bỗng nhiên họ đã trở thành sống động - hò hét, trêu đùa
lẫn nhau, xô lên phía trước, cứ dường như cái gì đó đẹp đẽ đang sắp xảy ra.
Sao mọi người lại
cảm thấy sung sướng thế trong đám đông? Sao sung sướng trong đám đông lại trở
nên lây nhiễm thế? Bởi vì trong đám đông họ
rơi xuống, họ trở thành vô ý thức. Họ làm mất tính cá nhân của
mình, họ hội nhập tính cá nhân của mình. Bằng việc vứt bỏ ý thức của mình họ vứt
bỏ tính cá nhân của mình. Thế thì họ sung sướng, thế thì không có lo nghĩ, thế
thì không có trách nhiệm.
Bạn đã bao giờ
quan sát sự kiện là các cá nhân thì không phạm tội ác lớn trong thế giới không?
Tất cả những tội ác lớn đều do đám đông phạm phải, không bao giờ bởi các cá
nhân. Quân đội có thể phạm phải hàng triệu tội ác. Hỏi từng cá nhân của quân đội
đó và họ sẽ bắt đầu cảm thấy có trách nhiệm. Hãy hỏi họ, 'Một mình anh có thể
làm điều đó được không?' Họ sẽ nói, 'Không. Làm sao tôi có thể làm điều đó một
mình được? Đấy là đám đông, tôi trở nên bị mất hút trong đó. Tôi quên mất bản
thân mình. Tâm trạng đám đông, trong đám người quá lớn. Tôi bị mất hút. Đám
đông đang làm điều gì đó, tôi đơn giản trở thành một phần của nó. Tôi đã không
làm điều đó.' Hãy hỏi một người Mô ha mét giáo, 'Anh có thể đốt đền hay giết
người Hindus được không?' Hãy hỏi người Hindus, 'Anh có thể sát hại người Mô ha
mét giáo được không - riêng cá nhân anh thôi?'
Đây là phép
màu, nhưng chúng ta không quan sát điều đó. Không cá nhân người Mô ha mét giáo
nào xấu cả, không cá nhân người Hindu giáo nào xấu cả... cá nhân là những người
đẹp đẽ, vì mọi người bao giờ cũng đẹp. Trong đám đông bỗng nhiên họ đổi khuôn mặt
mình... sự biến hình xảy ra. Họ không còn là cá nhân nữa, họ không còn là con
người có ý thức nữa; họ bị mất đi. Thế rồi đám đông có cách riêng của nó, không
ai có thể điều khiển được nó.
Thế thì tất
nhiên, Arica là đúng - Qui tắc là thế này: nhóm chỉ lên cao tới mức của cá nhân
thấp nhất của nó. Đó là lí do tại sao tôi lại nói đừng trở thành thành viên của
nhóm. Bằng không bạn sẽ ở thấp như thành viên thấp nhất. Hãy trở thành cá nhân.
Trong nhóm bạn bao giờ cũng sẽ tụt xuống mẫu số thấp nhất.
Điều đó là tự
nhiên, điều đó rất khoa học. Nếu bạn bước đi cùng một nhóm một trăm người, thì
người đi chậm nhất sẽ quyết định tốc độ. Bởi vì người chậm nhất không thể đi
nhanh hơn được, người đó có giới hạn của mình. Và nếu nhóm phải vẫn giữ là một
nhóm thì nhóm phải đi cùng với người chậm nhất. Người đi nhanh hơn có thể đi chậm
lại, nhưng người đi chậm hơn thì không thể trở nên nhanh được; người đó có giới
hạn của mình.
Nhóm
bao giờ cũng bị cai quản bởi người ngu. Người ngu không thể trở nên
thông minh được, nhưng người thông minh thì có thể dễ dàng rơi lại và trở thành
ngu. Bạn đã từng thấy người ngu nào làm điều gì thông minh bao giờ chưa? Nhưng
bạn đã thấy nhiều người thông minh làm những hành động ngu xuẩn, hành động ngốc
nghếch. Bất kì lúc nào bạn cũng có thể trở thành ngu, nhưng lại không dễ thế để
trở nên khôn ngoan mọi khoảnh khắc. Người ngu rất nhất quán - người đó vẫn còn
ngu.
Người đó không
thể thỉnh thoảng thông minh được, điều đó là không thể được. Nhưng người khôn
ngoan thì lại không nhất quán thế; đôi khi người đó trở lại, trở thành ngu. Có
những khoảnh khắc ngu xuẩn trong cuộc sống của người đó. Có những ngày nghỉ
trong cuộc sống người đó khi người đó xả hơi chút ít và không bận tâm tới khôn
ngoan của mình.
Nếu bạn bị buộc
với một người thấp hơn bạn trong tiến hoá, thế thì bạn sẽ phải đi cùng người
đó. Tất nhiên người đó không thể bước đi cùng bạn được. Do đó, tôi nói tôi cũng
tin vào qui tắc này, nhưng tôi diễn giải nó theo cách khác. Qui tắc này hoàn
toàn đúng - Nhóm chỉ lên cao tới mức của người thấp nhất của nhóm thôi. Cho nên
nếu bạn muốn đi lên cao, xin hãy nhớ - đừng bao giờ trở
thành thành viên của bất kì nhóm nào. Hãy nhớ vẫn còn là cá
nhân. Thế thì bạn tự do đi theo nhịp riêng của mình. Thế thì bạn hoàn toàn tự
do đi một mình. Trong nhóm bạn bị buộc lại.
Và tất nhiên,
người ngu có khuynh hướng tạo thành nhóm bởi vì một mình họ không thể dựa vào bản
thân mình được. Họ sợ, họ không có thông minh nào. Họ biết rằng một mình họ sẽ
bị lạc. Họ có khuynh hướng tạo thành nhóm, đám đông. Cho nên bất kì khi nào nhà
thờ tồn tại, bất kì khi nào giáo phái tồn tại, chín mươi chín phần trăm nó bao
gồm người ngu. Nó phải như vậy. Họ quyết định chính sách của tôn giáo, chính trị
và mọi thứ.
Hãy nhận biết về
sự thống trị của quần chúng này và hãy tỉnh táo. Bởi vì trong bạn cũng có những
khoảnh khắc, những khoảnh khắc ngu xuẩn, khi bạn muốn thảnh thơi. Thế thì bạn
không chịu trách nhiệm, thế thì không có lo nghĩ. Thế thì bạn bao giờ cũng có
thể đổ trách nhiệm lên nhóm. Bạn bao giờ cũng có thể nói, 'Tôi có thể làm được
gì nào? Tôi bước đi cùng nhóm, và nhóm đi chậm, cho nên tôi đi chậm. Thành viên
chậm nhất đang quyết định mọi thứ.'
Nếu bạn thực sự
muốn trưởng thành, hãy một mình. Nếu bạn thực sự muốn tự do, hãy có trách nhiệm.
Do đó tôi nhấn mạnh vào tính cá nhân. Điều đó không có nghĩa là tôi không biết
rằng vũ trụ là một. Nhưng có hai cách để biết nó: hoặc tụt xuống dưới ý thức,
thế thì vũ trụ là một - nhưng thế thì bạn không biết nó bởi vì bạn đã tụt xuống
dưới ý thức; hay, vươn lên trên ý thức, trở thành siêu thức, trở nên chứng ngộ,
trở thành vị phật. Thế thì bạn cũng biết rằng cái toàn thể là một, nhưng thế
thì cái toàn thể không thể lôi bạn xuống được. Thực tế vị phật bắt đầu lôi cái
toàn thể lên.
Trong trạng
thái vô thức, cái thấp nhất xác định tỉ lệ trưởng thành. Trong trạng thái siêu
thức cái cao nhất, cái lớn nhất quyết định. Vị Phật kéo bạn lên. Chính sự hiện
diện của ông ấy kéo bạn lên tới những đỉnh cao còn chưa được biết tới với bạn,
chưa từng được mơ tới. Thế thì cái cao nhất trở thành nhân tố quyết định.
Đó là lí do tại
sao ở phương Đông chúng ta bao giờ cũng nhấn mạnh vào tính cá nhân, và chúng ta
bao giờ cũng nhấn mạnh vào việc tìm ra thầy riêng hơn là trở thành một phần của
bất kì nhóm nào. Hãy có liên hệ cá nhân với một thầy. Thế thì cái cao nhất xác
định cuộc sống của bạn; thế thì bạn có thể được thầy kéo lên. Trong một nhóm,
cái thấp nhất sẽ xác định cuộc sống của bạn.
Đừng là người
Hindu. Nếu bạn có thể tìm thấy Krishna, nhất định hãy đi theo - nhưng đừng là
người Hindu giáo. Đừng là người Ki tô giáo. Nếu bạn có thể tìm thấy Jesus ở đâu
đó, hãy chạy xô về ông ấy, hãy quên hết tất cả... Nhưng nếu bạn không thể tìm
ra một Jesus, hãy đừng là người Ki tô giáo, bởi vì Ki tô giáo là đám đông.
Jesus là siêu cá nhân. Hãy tìm ra một thầy và sống trong satsang với thầy, sống
trong sự hiện diện của thầy - và hãy để nó là mối liên hệ cá nhân.
Tôi cho bạn
tính chất sannyas. Bạn không trở thành một phần của bất kì nhà thờ nào, bạn
không trở thành một phần của bất kì đám đông nào. Mối quan hệ của bạn mang tính
cá nhân với tôi. Có hàng nghìn sannyasin, nhưng từng sannyasin đều có liên hệ
cá nhân với tôi. Bạn không có liên hệ với sannyasin khác chút nào, hãy nhớ. Mối
quan hệ của bạn là với tôi... một cách cá nhân, một cách riêng tư.
Bạn không có
quan hệ với các sannyasins như một nhóm. Không có nhu cầu. Bạn tất cả chỉ có
quan hệ với tôi một cách cá nhân, và tất nhiên bạn có quan hệ theo cách nào đó
với nhau, nhưng điều đó là bởi vì tôi. Mối quan hệ đó là không trực tiếp, nó là
thông qua tôi. Và tôi muốn bạn trở nên ngày một cá nhân hơn. Một ngày nào đó bạn
sẽ trở thành vũ trụ, nhưng đó là niềm hi vọng, nó chưa phải là thực tại - chưa
phải dành cho bạn. Và nếu bạn muốn làm cho nó thành thực tại, bạn sẽ phải trở
nên ngày một ý thức hơn - ý thức cao tới mức một ngày nào đó ý thức không được
cần tới nữa. Bạn đã trở thành ý thức tới mức ý thức không còn được cần tới nữa,
bạn có thể gạt nó sang bên.
Hãy đi và xem
người say bước đi trên phố. Người đó đã làm gì? Người đó đã làm cùng điều như vị
phật. Hãy quan sát vị phật và quan sát người say - họ cả hai đều làm cùng một
điều. Người say đã rơi vào vô thức và trở thành một phần của vũ trụ. Người đó
đã uống rượu để làm chìm ngập ý thức và lo nghĩ, tính cá nhân của mình. Người
đó đã trở thành một phần của vô thức tập thể.
Và thế rồi có
Phật, bước đi với vẻ duyên dáng, với vẻ đẹp, với sự vĩ đại của ông ấy. Ông ấy
cũng đã biến mất - nhưng không giống người say. Ông ấy đã không tụt xuống dưới
nhân loại, ông ấy đã vượt ra ngoài nhân loại. Cả hai theo một cách nào đó là
tương tự, bởi vì cả hai đều không là cá nhân. Cho nên người say có cái gì đó
tương tự như vị phật - cả hai đều không là cá nhân. Vậy mà bạn không thể tìm thấy
được hai người ở xa nhau thế, ở các cực đoan thế - thế mà họ lại có cái gì đó
tương tự.
Hay, lấy một ví
dụ khác. Patanjali nói rằng ngủ và samadhi (định), ngủ say và samadhi, là giống
nhau. Bởi vì trong samadhi cá nhân biến mất và trong giấc ngủ say cá nhân cũng
biến mất. Trong giấc ngủ say bạn trở thành một phần của vô thức, vô thức tập thể.
Trong samadhi bạn trở thành một phần của siêu thức tập thể.
Chúng là tương
tự và vậy mà chúng là các cực điểm, các cực đối lập. Sự tương tự chỉ là một - rằng
trong cả hai bản ngã biến mất. Nhưng nó biến mất theo những cách khác nhau.
Trong giấc ngủ bạn lại trở thành giống như cây cỏ. Bạn sống vô vị, bạn giống
như tảng đá; bạn không có tính cá nhân nào.
Trong samadhi bản
ngã bị vứt bỏ. Bây giờ bạn không có giới hạn nào, không định nghĩa, bạn được hội
nhập với cái toàn thể - nhưng được hội nhập với cái toàn thể trong nhận biết vô
cùng. Bạn không ngủ. Lo nghĩ đã biến mất, bởi vì lo nghĩ chỉ tồn tại với bản
ngã. Cho nên có hai cách để vứt bỏ lo nghĩ - hoặc trở thành một phần của một
nhóm, hoặc trở thành một phần của bình diện siêu thức. Người Aricans nói điều
gì đó đúng, nhưng điều họ làm lại tuyệt đối sai. Thầy nói các sannyassin hãy chỉ
lo lắng về bản thân họ thôi - và họ làm điều đó!
Vâng, tôi nói với
họ hãy chỉ lo nghĩ về phần họ thôi, bởi vì ngay bây giờ điều đó nên là mối quan
tâm duy nhất của họ. Nếu họ bắt đầu lo nghĩ về toàn thế giới thì họ sẽ không có
khả năng làm gì cả. Thậm chí lo nghĩ về bản thân mình cũng là quá nhiều rồi. Gạt
bỏ những lo nghĩ đó cũng là quá nhiều rồi, điều đó là khó, và nếu bạn lo nghĩ về
toàn thể thế giới thế thì không có cách nào thoát ra khỏi nó cả. Thế thì bạn có
thể chắc chắn bạn bao giờ cũng sẽ vẫn còn lo nghĩ. Và đừng nghĩ cho dù là một
khoảnh khắc rằng bạn đang giúp cho thế giới bằng việc lo nghĩ về nó. Bạn chẳng
giúp gì thế giới bằng việc lo nghĩ về nó, bởi vì người lo không thể giúp được
ai cả. Người đó là lực huỷ hoại.
Cho nên trước hết
hãy giảm nỗi lo xuống mức tối thiểu đi. Tức là, hãy hạn chế nỗi lo của bạn vào
bản thân mình thôi, thế là đủ rồi. Hãy tuyệt đối ích kỉ. Vâng, đó là điều tôi
nói đấy - hãy tuyệt đối ích kỉ nếu bạn muốn giúp đỡ người khác. Nếu một ngày
nào đó bạn muốn thực sự vị tha, thì hãy ích kỉ đã. Trước hết hãy thay đổi con
người bạn. Trước hết hãy tạo ra ánh sáng bên trong trái tim bạn, hãy trở nên toả
sáng. Thế thì bạn có thể giúp được người khác. Và bạn sẽ có khả năng giúp đỡ mà
không lo lắng. Bởi vì lo lắng chẳng bao giờ giúp được ai cả. Ai đó sắp chết và
bạn ngồi bên cạnh người đó và bạn lo lắng. Điều đó sẽ giúp đỡ thế nào được? Nếu
bệnh nhân sắp chết và bác sĩ lo lắng, điều đó sẽ chẳng giúp ích gì. Bác sĩ lo lắng
bao nhiêu cũng là vô ích. Ông ấy phải làm điều gì đó.
Và khi bệnh nhân
sắp chết, cần có bác sĩ biết cách không lo lắng. Chỉ thế thì ông ấy mới có thể
có ích, bởi vì chỉ thế thì chẩn đoán của ông ấy mới rõ ràng hơn, đúng đắn hơn.
Đó là lí do tại sao nếu bạn ốm và chồng bạn là bác sĩ, anh ấy sẽ không có ích
gì nhiều, bởi vì anh ấy sẽ lo lắng quá nhiều về bạn. Cần có ai đó là người
khách quan. Đứa trẻ cần mổ. Bố nó có thể là nhà giải phẫu lớn, nhưng ông ấy
không được phép mổ cho đứa con bởi vì ông ấy sẽ lo lắng quá nhiều. Tay ông ấy sẽ
run - con của ông ấy mà; ông ấy không thể chỉ là người quan sát.
Ông ấy không thể
khách quan được, ông ấy bị dính líu quá nhiều. Ông ấy sẽ giết chết đứa trẻ. Cần
nhà giải phẫu nào đó khác, người có thể vẫn còn vô tư, người có thể vẫn còn ở
xa xăm, xa rời, cách xa, không lo lắng. Cho nên nếu bạn thực sự muốn giúp cho
nhân loại, trước hết bạn phải trở thành không lo lắng. Và để trở nên không lo lắng
trước hết bạn phải vứt bỏ những lo nghĩ không cần thiết. Đừng nghĩ tới thế giới
vội. Thế giới vẫn tiếp tục điều đó và nó sẽ tiếp tục điều đó. Đừng ngu xuẩn. Tất
cả những người không tưởng đều có chút ít ngu xuẩn - họ mong đợi cái gì đó sẽ
chẳng bao giờ xảy ra, chưa bao giờ xảy ra cả.
Tất cả mọi điều
đều là có thể - hãy hiện thực, hãy khoa học - tất cả mọi điều có thể là ở chỗ bạn
có thể siêu việt lên trên lo lắng. Cho nên hãy lo về bản thân mình đi và tìm ra
cách vượt lên trên chúng, vượt ra ngoài chúng. Khi bạn đã vượt ra ngoài rồi, bạn
có thể cực kì có ích cho thế giới.