Làm và Nghỉ

Làm và Nghỉ

Price:

Read more

Thầy không bao giờ mệt vì nói sao? Sao thầy cứ nói đều đặn mọi sáng vậy? Đôi khi thầy không cảm thấy thích đi nghỉ sao?
Tôi không phải là Thượng đế của người Ki tô giáo. Thượng đế của Ki tô giáo đã tạo ra thế giới trong sáu ngày và ngày thứ bảy ông ấy nghỉ; do đó, chủ nhật là ngày nghỉ. ''Holiday' - ngày nghỉ, nghĩa là ngày linh thiêng, ngày nghỉ của Thượng đế.
Tại phương Đông chúng ta chưa bao giờ biết tới bất kì Thượng đế nào nghỉ cả. Chính cái ý tưởng này là ngu xuẩn: Thượng đế và việc nghỉ ngơi sao? Nghỉ ngơi là cần nếu điều bạn đang làm không phải là của trái tim bạn; thế thì bạn mệt mỏi. Khi nó là từ trái tim bạn và từ tình yêu của bạn, bạn không mệt; trong thực tế, bạn được nó nuôi dưỡng.
Nói với các bạn, tôi cảm thấy được nuôi dưỡng. Sau khi nói với bạn tôi cảm thấy nhiều năng lượng hơn bao giờ - bởi vì đấy là tình yêu của tôi. Tôi tận hưởng nó! Đấy không phải là làm việc. Bạn có thể bị mệt nếu bạn làm việc. Nếu bạn chơi, làm sao bạn bị mệt được? Người ta chưa từng nghe nói về người bị mệt bởi vì chơi cả.
Trong thực tế, khi mọi người bị mệt vì công việc, họ đi chơi xem như việc nghỉ - họ thư dãn. Sáu ngày họ đã làm việc trong văn phòng, trong xưởng máy, tại chợ; ngày thứ bẩy họ đi câu cá, hay họ đi chơi golf - họ chơi. Họ mời bạn bè đi picnic; họ đi xe bò trên núi. Đó là nghỉ ngơi. Với tôi, mọi ngày đều là ngày nghỉ. Nếu bạn yêu bất kì cái gì mình đang làm, bạn chẳng bao giờ mệt vì nó cả; nó là việc nuôi dưỡng, nó là việc cho năng lượng, nó là việc truyền sức sống.
Nhưng tôi có thể hiểu được câu hỏi này. Câu hỏi này là từ Yoga Chinmaya - toàn bộ khái niệm của anh ấy về làm việc là sai. Anh ấy làm việc rất miễn cưỡng. Anh ấy cố gắng vất vả để tránh công việc. Anh ấy tìm ra các cách thức và phương tiện để thoát khỏi công việc. Anh ấy cứ trì hoãn và anh ấy bao giờ cũng sẵn sàng ở đó với cái cớ tại sao công việc của mình lại bị trì hoãn. Anh ấy không yêu công việc. Do đó mới có câu hỏi này. Câu hỏi này không liên quan tới tôi - các bạn bao giờ cũng hãy nhớ - câu hỏi là của bạn, không phải của tôi. Nó chỉ ra điều gì đó về bạn.
Một hôm Mulla Nasruddin nói với tôi: "Osho ơi, thầy có biết sự khác biệt giữa phản ứng của phụ nữ Pháp, phụ nữ Anh và phụ nữ Do Thái khi cô ấy được chồng hôn trên giường không?"
Tôi nói, "Không, tôi không biết - bạn nói cho tôi đi."
Anh ta nói, "Phụ nữ Pháp sẽ nói: 'Ô là la, Pierre, cái hôn của anh là ô là la.'
"Phụ nữ Anh nói, 'Hôn cừ lắm - em nói, Winston ơi cái hôn của anh hôn cừ lắm!'
"Phụ nữ Do Thái nói, 'Anh biết đấy, Sam, trần nhà cần sơn lại.'"
Điều đó tuỳ thuộc vào cách bạn nhìn vào mọi sự... Bây giờ, Yoga Chinmaya giống như phụ nữ Do Thái. Cái nhìn của anh ấy về cuộc sống không phải là cái nhìn của tâm thức vui sướng. Anh ấy chỉ tránh né. Anh ấy chỉ cứ đi tìm thật nhiều cớ. Năng lượng mà anh ấy đặt vào việc đi tìm cớ sẽ đủ để làm việc. Và thế rồi anh ấy cảm thấy mặc cảm và xấu hổ.
Công việc là sự tôn thờ. Công việc là lời cầu nguyện. Trong khi tôi đang nói với các bạn, đấy là việc cầu nguyện với tôi, đấy là việc tôn thờ. Bạn là ngôi đền của tôi, thượng đế của tôi. Bất kì điều gì tôi nói, tôi không chỉ nói để thuyết giảng điều gì đó. Việc thuyết giảng là sản phẩm phụ, là hệ quả. Bất kì điều gì tôi nói cũng đều là lời cầu nguyện - nó là tình yêu, nó là sự quan tâm. Tôi quan tâm tới các bạn; tôi
quan tâm cũng như hoạ sĩ quan tâm tới bức vẽ của mình.
Bạn đã bao giờ nghe nói tới Van Gogh đi nghỉ không? Bạn đã bao giờ nghe nói tới Picasso đi nghỉ không? - vâng, bạn phải đã nghe nói rồi. Ông ấy hay đi nhiều kì nghỉ, nhưng bao giờ cũng cùng với vải vẽ và bút vẽ của mình; vào kì nghỉ ông ấy cũng sẽ vẽ. Đấy không phải là ngày nghỉ không vẽ. Khi bạn yêu cái gì đó, thì không có ngày nghỉ - và thế thì mọi ngày của bạn đều là ngày nghỉ. Từng ngày với tôi đều là chủ nhật, đầy ánh sáng - đó là lí do tại sao tôi gọi nó là chủ nhật. Từng ngày với tôi đều là chủ nhật bởi vì nó đầy tính thiêng liêng.
Thái độ của Chinmaya với cuộc sống là thái độ của người theo thuyết thực lợi. Điều đó không phải là vui đùa. Anh ấy lo nghĩ về công việc, căng thẳng về nó. Điều đó nữa cũng có lí do: anh ấy là người cầu toàn - và chủ nghĩa cầu toàn là căn nguyên gốc rễ của mọi chứng loạn thần kinh. Người cầu toàn là người thần kinh; chẳng chóng thì chầy người đó sẽ tạo ra ngày càng nhiều chứng thần kinh xung quanh mình.
Tôi không phải là người cầu toàn. Tôi không bận tâm chút nào về việc là người cầu toàn. Tôi là người mang tính toàn thể. Tôi thích mọi thứ trong tính toàn bộ của nó, nhưng tôi chưa bao giờ bận tâm về tính toàn thiện của chúng. Chẳng cái gì có thể hoàn hảo trong thế giới này - và trong thực tế không cái gì nên hoàn hảo trong thế giới này, bởi vì bất kì khi nào một thứ hoàn hảo thì nó đều chết.
Một nhà thơ quen sống với tôi trong vài năm. Ông ấy viết đi, viết lại, lại xoá bỏ nó đi, viết lại lần nữa - trong nhiều ngày cuối cùng ông ấy sẽ trau chuốt thơ của mình. Và vào lúc ông ấy cảm thấy nó đã hoàn hảo, thì tôi sẽ công bố nó đã chết. Thoáng nhìn đầu tiên là cái gì đó sống động - nó không hoàn hảo, có những khiếm khuyết trong nó. Thế rồi ông ấy cứ cải tiến nó, loại bỏ mọi khiếm khuyết, đem vào ngày một nhiều nhịp thơ, văn phạm, cách diễn đạt hay hơn, lời đẹp hơn, lời mang âm hưởng hơn, nhiều nhạc tính hơn.
Trong nhiều tháng ông ấy sẽ trau chuốt và sửa chữa, và vào lúc ông ấy cho là đã đến lúc đưa ra báo chí thì tôi tuyên bố, "Bây giờ, ông hãy đưa nó tới bác sĩ để làm giải phẫu tử thi đi - nó chết rồi! ông đã giết chết nó."
Bạn hãy quan sát: bố mẹ cầu toàn bao giờ cũng giết chết con cái mình. Các thánh nhân cầu toàn tự giết chết chính mình và giết chết các tín đồ của họ. Rất khó sống với thánh nhân cầu toàn - ông ấy chán thế, đơn điệu và luôn kết án. Bất kì khi nào bạn tới ông ấy thì ông ấy sẽ nhìn theo thái độ cầu toàn của mình, và bạn sẽ bị rút xuống dưới tính người của mình. Và ông ấy sẽ tận hưởng việc kết án bạn - bạn là tội nhân. Điều này là sai, điều kia là sai - mọi thứ đều sai. Tôi không phải là người cầu toàn. Tôi chấp nhận bạn với mọi nhược điểm con người của bạn, với mọi khiếm khuyết con người của bạn, với mọi giới hạn con người của bạn. Tôi yêu bạn như bạn đang thế.
Tôi không nói hãy cẩu thả - đó lại là một cực đoan khác. Điều đó nghĩa là bạn không quan tâm chút nào tới mọi điều bạn làm. Người cầu toàn quan tâm quá nhiều - người đó không lo nghĩ về công việc, người đó lo nghĩ về sự hoàn hảo. Người đó có ý tưởng phải hoàn thành. Còn người cầu thả lại chẳng quan tâm chút nào. Với người cầu thả, thơ ca sẽ chẳng bao giờ được viết ra, còn với người cầu toàn nó sẽ được viết ra cả nghìn lẻ một lần - và vào lúc người đó công bố rằng người đó thoả mãn, thơ sẽ chết.
Chỉ giữa hai điều này, ở đâu đó mới là cách tiếp cận toàn thể. Đừng là người cầu thả, đừng là người cầu toàn - hãy là con người! Chinmaya đã bị ung thư dạ dầy bởi vì thái độ cầu toàn của mình. Anh ấy trở nên lo lắng quá nhiều; anh ấy phải làm mọi thứ hoàn hảo nhất có thể được - đấy là ám ảnh. Khi nó là ám ảnh, thế thì tất nhiên bạn bị mệt mỏi, mệt đến chết vì nó. Bạn muốn tránh né nó, bởi vì một khi bạn đem bất kì việc nào vào tay mình thì bạn sẽ phát điên, bạn sẽ trở nên bị ám ảnh. Người ta cần sự cân bằng. Cân bằng là lành mạnh, cân bằng là mạnh khoẻ.
Tôi không mệt chút nào. Và nếu ngày nào đó tôi mệt, tôi sẽ không nói với các bạn - bởi vì tôi sẽ không bao giờ ép buộc cái gì lên mình cả. Tôi không ép buộc điều gì lên bạn, làm sao tôi có thể ép buộc cái gì lên tôi được? Nếu tôi mệt thì kết thúc thôi! Nếu tôi không cảm thấy thích nói, thế thì tôi có thể dừng ngay giữa bài nói của mình, hay thậm chí ngay giữa câu - tôi sẽ không hoàn thành nó, bạn hãy nhớ. Khoảnh khắc tôi cảm thấy rằng tôi mệt, đấy là chỉ dẫn, một chỉ dẫn chắc chắn, rằng bây giờ tôi phải dừng. Và tôi sẽ không đợi dù chỉ một khoảnh khắc để dừng. Đó là cách tôi sống. Tôi không ép buộc cái gì lên bản thân mình. Bất kì cái gì tự nhiên cũng đều tốt. Thoải mái là phải!


Ads Belove Post