Read more
Phương
thức sống: Hành động – Bất hành
Có hai phương
thức sống: một là phương thức hành động, bạn làm cái gì đó; phương thức kia là
phương thức tiếp nhận - bạn đơn giản tiếp nhận.
Phương thức
hành động là đi ra. Nếu bạn muốn nhiều tiền hơn thì bạn không thể chỉ ngồi đấy.
Nó sẽ không tới theo cách đó đâu. Bạn sẽ phải tranh đấu vì nó, cạnh tranh, và bạn
sẽ phải dùng đủ mọi cách thức và biện pháp - hợp pháp, bất hợp pháp, đúng, sai.
Tiền sẽ không tới chỉ bởi việc ngồi. Nếu bạn muốn trở nên quyền lực, nếu bạn muốn
trở thành chính khách, bạn sẽ phải làm cái gì đó về nó. Nó sẽ không tới theo
cách riêng của nó.
Có phương thức
hành động. Phương thức hành động là phương thức đi ra ngoài. Và có phương thức
bất hành nữa: bạn không làm gì cả, bạn đơn giản cho phép nó xảy ra. Chúng ta đã
quên mất ngôn ngữ đó. Ngôn ngữ bị lãng quên đó phải được học lại. Hoà nhập
không cần phải được mang vào - nó đã có đó rồi. Chúng ta đã quên mất cách nhìn
vào nó, chúng ta đã quên mất cách hiểu nó. Hãy chuyển từ phương thức hành động
ngày một nhiều sang phương thức tiếp nhận, thụ động.
Tôi không nói
hãy rời bỏ thế giới hành động - bởi vì điều đó sẽ lại làm cho bạn bị thiên lệch.
Bạn đã bị thiên lệch ngay bây giờ. Bạn chỉ có một phương thức cho cuộc sống của
mình, và đó là hành động, làm cái gì đó. Có những người không thể nghĩ được tới
việc ngồi im lặng; điều đó là không thể được. Họ không thể cho phép bản thân
mình có lấy thảnh thơi trong một khoảnh khắc. Họ chỉ quan tâm tới hành động.
Tôi đã nghe...
Vợ của Mulla
Nasruddin đang đứng gần cửa sổ, và lúc đó là lúc mặt trời lặn đẹp, và chim chóc
đang bay về tổ. Đó thực sự là buổi tối kì diệu. Và cô ấy nói với Nasruddin,
"Anh nhìn kìa! Lại đây đi. Nhìn xem mặt trời lặn đẹp làm sao!''
Nasruddin, chẳng
hề ngước mắt khỏi tờ báo của mình, nói "Bây giờ nó đang làm gì thế, mặt trời
ấy?'' Nếu cái gì đó đang được làm; thế thì anh ta quan tâm. Nếu đấy chỉ là mặt
trời lặn, thế thì phỏng có ích gì mà nhìn vào nó? Bạn quan tâm chỉ vào hành động,
nếu cái gì đó đang xảy ra. Điều này đã trở nên quá cố định. Điều này phải được
làm thảnh thơi một chút: bạn phải đi vài khoảnh khắc, trong vài giờ, đôi khi
vài ngày, toàn bộ sang phương thức kia của cuộc sống, chỉ ngồi và cho phép mọi
sự xảy ra. Khi bạn nhìn vào mặt trời lặn bạn không được trông đợi làm điều gì.
Bạn đơn giản nhìn. Khi bạn nhìn vào hoa, bạn được giả thiết làm gì? Bạn đơn giản
nhìn.
Thực tế không
có nỗ lực, ngay cả việc nhìn vào hoa. Nó là vô nỗ lực. Mắt bạn mở, hoa có đó...
một khoảnh khắc của giao cảm sâu sắc tới khi cái được nhìn và người nhìn cả hai
biến mất. Thế thì có cái đẹp, thế thì có phúc lành. Thế thì đột nhiên bạn không
là người quan sát, và hoa không là vật được quan sát - bởi vì để quan sát vẫn
phải có hành động nào đó. Bây giờ bạn có đó và hoa có đó, và bằng cách nào đó
các bạn chờm lấp lên biên giới của nhau. Hoa đi vào bạn, bạn đi vào hoa, và có
sự khải lộ bất thần. Gọi nó là cái đẹp, gọi nó là chân lí, gọi nó là Thượng đế.
Những khoảnh khắc
hiếm hoi này phải được phép có ngày một nhiều hơn. Tôi không thể nói chúng phải
được nuôi dưỡng, tôi không thể nói bạn phải huấn luyện về những khoảnh khắc đó,
tôi không thể nói rằng bạn phải làm điều gì đó - bởi vì điều đó lại sẽ là dùng
ngôn ngữ của phương thức hành động, và sẽ bị diễn giải sai rất sâu. Không, tôi
chỉ có thể đơn giản nói hãy cho phép những khoảnh khắc này ngày một nhiều hơn.
Đôi khi, đơn giản không làm gì. Hãy thảnh thơi trên thảm cỏ và nhìn lên trời.
Đôi khi hãy nhắm mắt lại và chỉ nhìn vào thế giới bên trong của bạn - các ý
nghĩ chuyển động, trôi nổi; ham muốn nảy sinh, đi qua. Hãy nhìn vào thế giới mơ
đầy mầu sắc cứ diễn ra bên trong bạn.
Chỉ nhìn thôi.
Đừng nói, "Mình muốn dừng các ý nghĩ này lại" - lần nữa bạn đã chuyển
vào phương thức hành động đấy. Đừng nói, "Ta đang thiền - hãy đi đi! Tất cả
các ý nghĩ, hãy đi xa khỏi ta" - bởi vì nếu bạn bắt đầu nói điều đó, bạn
đã bắt đầu làm điều gì đó rồi. Cứ dường như bạn không có...
Có một trong những
cách thiền cổ đại nhất vẫn còn được dùng trong vài tu viện ở Tây Tạng. Phương
pháp thiền này dựa trên chân lí mà tôi đang nói với bạn. Họ dạy rằng đôi khi bạn
đơn giản có thể biến mất. Ngồi trong vườn, bạn chỉ bắt đầu cảm thấy rằng bạn
đang biến mất. Hãy xem cách thế giới trông thế nào khi bạn đã đi khỏi thế giới
này, khi bạn không còn ở đây nữa, khi bạn đã trở nên tuyệt đối trong suốt. Hãy
thử một giây không hiện hữu.
Trong nhà riêng
của bạn, hãy hiện hữu cứ dường như bạn không có. Hãy nghĩ, một ngày nào đó bạn
sẽ không có. Một ngày nào đó bạn sẽ mất đi, bạn sẽ chết; radio vẫn tiếp tục, vợ
vẫn chuẩn bị bữa sáng, con vẫn sẵn sàng đi tới trường. Hãy nghĩ: hôm nay bạn
qua đời, bạn không còn nữa. Trở thành ma. Vẫn ngồi trên chiếc ghế, bạn đơn giản
biến mất, bạn đơn giản nghĩ, "Mình không còn thực nữa; mình không
có." Và hãy xem cách thức nhà vẫn tiếp tục. Sẽ có sự an bình và im lặng vô
cùng.
Mọi thứ sẽ tiếp
tục như nó thế. Không có bạn, mọi thứ vẫn tiếp tục như nó thế. Chẳng cái gì sẽ
bị thiếu cả. Thế thì phỏng có ích gì mà bao giờ cũng vẫn còn bận bịu, làm cái
gì đó, làm cái gì đó, bị ám ảnh với hành động? Vấn đề là gì? Bạn sẽ qua đời, và
bất kì cái gì bạn đã làm cũng đều sẽ biến mất - cứ dường như bạn đã kí tên mình
trên cát, và gió tới, và chữ kí biến mất... và mọi thứ đều được kết thúc. Hãy
hiện hữu cứ dường như bạn chưa bao giờ tồn tại.
Đó thực sự là
cách thiền hay. Bạn có thể thử nó nhiều lần trong hai mươi bốn giờ. Chỉ cần nửa
giây thôi cũng có tác dụng; trong nửa giây, đơn giản dừng lại... bạn không
có... và thế giới vẫn tiếp tục. Khi bạn trở nên ngày một tỉnh táo hơn với sự kiện
là không có bạn thế giới vẫn tiếp tục tốt hoàn hảo, thế thì bạn sẽ có khả năng
học phần khác của bản thể mình mà đã từng bị quên lãng lâu dài, trong nhiều kiếp
- và đó là phương thức tiếp nhận. Bạn đơn giản cho phép, bạn trở thành cánh cửa.
Mọi sự cứ xảy ra mà không có bạn.
Đây là điều Phật
ngụ ý khi ông ấy nói: Hãy trở thành mẩu gỗ trôi dạt. Hãy nổi trong dòng chảy
như thanh gỗ, và bất kì chỗ nào dòng nước đi thì cứ để nó đem bạn đi; bạn không
làm nỗ lực nào. Toàn thể cách tiếp cận Phật giáo đều thuộc vào phương thức tiếp
nhận. Đó là lí do tại sao bạn thấy Phật ngồi dưới gốc cây. Mọi hình cảnh của
ông ấy đều là về ngồi, ngồi và không làm gì. Ông ấy đơn giản ngồi đó, ông ấy
không làm gì cả.
Bạn không có kiểu
hình ảnh đó của Jesus. Ông ấy vẫn cứ đi theo phương thức hành động. Đó là chỗ
Ki tô giáo đã bỏ lỡ khả năng sâu nhất: Ki tô giáo trở thành tích cực. Việc truyền
giáo Ki tô giáo cứ phục vụ cho người nghèo, đi tới bệnh viện, làm điều này điều
nọ, và toàn thể nỗ lực của ông ấy là để làm điều gì đó tốt lành. Vâng, rất tốt
- nhưng ông ấy vẫn còn trong phương thức hành động, và Thượng đế chỉ có thể được
biết trong phương thức tiếp nhận. Cho nên nhà truyền giáo Ki tô giáo sẽ là người
tốt, người rất tốt, nhưng theo nghĩa phương đông, thì không phải là thánh nhân.
Bây giờ thậm
chí ở phương Đông người cứ làm những điều này được tôn thờ như một mahatma - bởi
vì phương Đông nghèo, ốm. Có cả nghìn người hủi, người mù, người vô giáo dục; họ
cần giáo dục, họ cần thuốc, họ cần phục vụ, họ cần cả nghìn lẻ một thứ. Bỗng
nhiên người hoạt động đã trở thành quan trọng - cho nên Gandhi là một mahatma,
Vinoba là thánh nhân, và Mẹ Theresa ở Calcutta đã trở thành rất quan trọng.
Nhưng không ai nhìn vào xem liệu họ đã đạt tới phương thức tiếp nhận hay không.
Bây giờ nếu Phật
tới, chẳng ai định biểu lộ sự kính trọng với ông ấy, bởi vì ông ấy sẽ không tới
trường học hay bệnh viện. Ông ấy sẽ lại ngồi dưới gốc cây bồ đề, chỉ ngồi im lặng.
Không phải là ông ấy không làm cái gì cả - sự hiện hữu của ông ấy đã tạo ra
rung động vô cùng, nhưng chúng rất tinh tế. Ông ấy biến đổi toàn thể thế giới bằng
việc ngồi dưới gốc cây bồ đề, nhưng để nhìn vào những rung động đó bạn sẽ phải
được hoà hợp, bạn sẽ phải trưởng thành. Nhận ra vị phật là đã trên con đường rồi.
Nhận ra Mẹ
Theresa là rất dễ dàng. Chẳng có gì nhiều trong điều đó. Bất kì ai cũng có thể
thấy rằng bà ấy đang làm việc tốt. Làm việc tốt là một điều, và là tốt là điều
khác hoàn toàn. Tôi không nói đừng làm việc tốt. Tôi đang nói: hãy để việc tốt
bắt nguồn từ bản thể tốt của bạn.
Trước hết hãy đạt
tới phương thức tiếp nhận, trước hết hãy đạt tới tính thụ động, trước hết hãy đạt
tới bất hoạt. Và khi bản thể bên trong của bạn nở hoa và bạn đã đi tới biết việc
hoà nhập bên trong - cái bao giờ cũng có đó, trung tâm bao giờ cũng có đó - khi
bạn đã nhận ra trung tâm đó, bỗng nhiên cái chết biến mất với bạn. Bỗng nhiên tất
cả mọi lo nghĩ biến mất bởi vì bạn không còn là thân thể bây giờ, không còn là
tâm trí.
Thế rồi từ bi nảy
sinh, tình yêu nảy sinh, cầu nguyện nảy sinh. Bạn trở thành việc mưa rào, thành
phúc lành cho thế giới. Bây giờ, không ai có thể nói điều gì sẽ xảy ra cho con
người như vậy - liệu người đó có đi và trở thành nhà cách mạng như Jesus và đuổi
những kẻ cho vay lãi khỏi đền hay không; hay liệu người đó có đi và phục vụ người
nghèo hay không; hay liệu người đó có tiếp tục ngồi dưới gốc cây bồ đề và lan
toả hương thơm của mình hay không; hay liệu người đó có trở thành một Meera và
nhảy múa và ca hát niềm vinh quang của Thượng đế hay không. Chẳng ai biết cả;
điều đó là không thể dự đoán nổi.