Osho - Cái chán là một hiện tượng có ý nghĩa

Osho - Cái chán là một hiện tượng có ý nghĩa

Price:

Read more



Cái chán là một hiện tượng rất, rất có ý nghĩa. Chỉ con người mới thấy chán bởi vì con người mới có ý thức. Bạn càng nhạy cảm, càng tỉnh táo, càng ý thức, bạn càng cảm thấy chán. Một tâm trí tầm thường thì không cảm thấy chán thế. Anh ta cứ thế, anh ta chấp nhận, bất kỳ cái gì có đấy, đều được cả. Bạn càng trở nên tỉnh táo, bạn càng cảm thấy nếu tình huống nào đó là một sự lặp lại, nó trở nên rất nhạt nhẽo. Bạn càng nhạy cảm thì bạn lại càng trở nên chán hơn.
Chán là một chỉ dẫn về tính nhạy cảm. Cây cối không chán, con vật không chán, tảng đá không chán bởi vì chúng không đủ nhạy cảm. Điều này phải là một trong những hiểu biết cơ bản về cái chán của bạn: rằng bạn là nhạy cảm.
Cho nên bạn sẽ thấy rằng những người sống một cuộc sống rất súc vật thì ít bị chán. Họ sống ở mức tối thiểu. Họ sống chỉ với mức tâm thức cần cho cuộc sống thường lệ hằng ngày. Bạn sẽ thấy rằng các nhà trí thức, những người nghĩ quá nhiều, thì hay chán, bởi vì họ nghĩ. Và bởi vì việc nghĩ của họ mà họ có thể thấy rằng cái gì đó chỉ là việc lặp lại nhạt nhẽo.
Cuộc sống của bạn là sự lặp lại. Mọi sáng bạn tỉnh dậy gần như theo cùng cách bạn đã dậy trong cả đời mình. Bạn ăn sáng gần như theo cùng cách. Thế rồi bạn tới văn phòng, cùng văn phòng ấy, cùng con người ấy, công việc ấy. Thế rồi bạn về nhà, cùng bà vợ ấy. Nếu bạn có chán thì cũng là điều tự nhiên. Rất khó cho bạn để thấy cái gì mới ở đây. Mọi thứ dường như là cũ kỹ, phủ đầy bụi bặm.
Cứ quan sát mọi người đi trên phố và bạn sẽ thấy họ hoàn toàn chán chường. Mọi người đều như chán, chán đến chết. Bạn hãy nhìn vào khuôn mặt họ – không ánh hào quang vui thích nào: bạn hãy nhìn vào mắt họ – phủ đầy bụi bặm, không một ánh sáng hạnh phúc bên trong. Họ đi từ văn phòng về nhà, từ nhà tới văn phòng, và dần dần toàn bộ cuộc đời trở thành một thường lệ cơ giới, một sự lặp lại thường xuyên. Và một ngày nào đó bạn chết… gần như bao giờ mọi người cũng chết mà đã không từng sống.
Bạn có thể nhớ bao nhiêu khoảnh khắc trong đời bạn mà bạn thực sự bốc lửa? Điều đó hiếm khi xảy ra. Người ta mơ về những khoảnh khắc đó, người ta tưởng tượng về những khoảnh khắc đó, nhưng chúng chẳng bao giờ xảy ra cả. Cho dù chúng có xảy ra, chẳng chóng thì chầy chúng cũng trở thành lặp lại. Khi bạn yêu một người đàn bà hay đàn ông, bạn cảm thấy điều kỳ diệu, nhưng dần dần điều kỳ diệu biến mất và mọi thứ lắng đọng vào thường lệ.
Chán là tâm thức của việc lặp lại. Bởi vì con vật không thể nào nhớ quá khứ, nên chúng không thể cảm thấy chán. Con trâu cứ ăn cùng một đám cỏ hàng ngày với cùng một niềm vui sướng. Bạn thì không thể: làm sao bạn có thể ăn cùng mớ cỏ với cùng niềm vui sướng được? Do đó mọi người cố gắng thay đổi. Họ chuyển đến nhà mới, họ đem xe mới về nhà, họ ly dị chồng cũ, họ tìm chuyện tình mới, nhưng lần nữa chẳng chóng thì chầy mọi sự trở thành lặp lại. Đổi chỗ, đổi người, đổi bạn tình, đổi nhà, đều chẳng làm gì cả. Và bất kỳ khi nào xã hội trở nên rất chán, thì mọi người bắt đầu chuyển từ thành phố nọ sang thành phố kia, từ việc nọ sang việc kia, từ vợ nọ sang vợ kia. Nhưng chẳng chóng thì chày họ cũng nhận ra rằng tất cả những điều này là vô nghĩa bởi vì cùng việc cứ xảy đi xảy lại với mọi người đàn bà, với mọi người đàn ông, với mọi nhà, mọi xe.
Thay đổi những thứ bên ngoài chẳng ích gì cả. Cũng giống như việc xếp đi xếp lại đồ đạc trong phòng bạn. Dù bạn có làm bất kỳ cái gì – bạn có thể đặt nó theo cách này hay cách khác – nó vẫn cứ là các đồ đạc ấy. Bạn lừa dối theo cách này được bao lâu?
Hai người gặp nhau, những người lạ, mọi thứ đều tuyệt diệu, đẹp đẽ, nhưng họ nhanh chóng trở nên quen thuộc nhau. Đó chính là hôn nhân. Nó có nghĩa là mọi thứ đã lắng đọng, bây giờ họ thích làm cho nó thành sự lặp lại. Thế thì cùng một việc hôn và ôm đó không còn đẹp nữa, nó trở thành gần như một nghĩa vụ.
Vậy phải làm gì? – hãy trở nên ý thức hơn. Vấn đề không phải là thay đổi tình huống; bạn hãy biến đổi con người mình, hãy trở ý thức hơn. Nếu bạn trở nên ý thức hơn thì bạn sẽ thấy rằng mỗi khoảnh khắc đều mới cả. Nhưng với điều đó, rất nhiều năng lượng tâm thức cần tới. Hoặc là không có ý thức gì! – thế thì bạn không thể cảm thấy lặp lại – hoặc có nhiều ý thức đến độ trong mỗi sự lặp lại, bạn đều có thể thấy cái gì đó mới. Đây là hai cách thoát khỏi cái chán.
Nhưng thế thì người ta phải sống ở đỉnh của tâm thức. Hoặc là sống hoàn toàn tỉnh thức, hoặc là sống như con trâu, thế thì bạn không chán. Bây giờ sự lựa chọn là của bạn.
Có hai cách để đáp lại nỗi buồn chán. Thông thường người ta hay làm theo cách thứ nhất: lảng tránh nó, không muốn đối mặt với nó, bỏ nó lại sau lưng rồi trốn chạy bằng cách làm một cái gì đó để quên nó đi. Cách thứ hai là đối diện với nỗi buồn, thiền về nó, chung sống với nó, trở thành nó.
Thiền định là gì? Đối mặt với nỗi buồn chán chính là thiền định.
Toàn bộ quá trình thiền tập chính là nuôi dưỡng nỗi buồn chán. Trong thiền viện, mỗi ngày bạn phải dậy vào đúng giờ ấy – ngày nào cũng vậy, ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác.
Dù hạ hay đông, bạn đều phải dậy vào lúc ba giờ sáng, gội sạch thân thể. Bạn phải uống cùng một thứ trà ấy, rồi ngồi thiền… Vẫn là từng đó hoạt động lặp đi lặp lại. Và mọi việc trong ngày diễn ra theo một quy trình cực kỳ cố định: Bạn ăn sáng vào một giờ nhất định, sau đó lại thiền định, sẽ lại ăn cùng một món ăn ấy vào cùng một giờ ấy! Mọi việc chỉ hỗ trợ thêm cho nỗi buồn chán. Đó là lý do vì sao các thiền sư cứ phải lần tràng hạt nữa – chẳng có cách nào khác thoát khỏi nỗi buồn chán, ngoài một cách duy nhất là chìm vào giấc ngủ.
Và đến một lúc nào đó, nỗi buồn chán trở nên rộng lớn miên man, vô bờ bến. Cùng một buổi chiều, cùng một công việc, cùng một âm hưởng của câu mật chú. Bạn phải đi ngủ vào đúng giờ ấy… và mọi chuyện cứ tiếp diễn, vẫn cái chu trình mòn mỏi ấy. Trong vài ngày, bạn cảm thấy chán nản kinh khủng và không thể thoát khỏi nó. Chẳng có cách nào để thoát ra. Bạn không thể đến rạp chiếu bóng, không thể xem ti-vi, không một thứ gì có thể giúp bạn trốn tránh nỗi buồn. Bạn cứ chìm vào nỗi buồn chán từng chút một.
Nếu bạn tiếp tục quán sát, quán sát, quán sát, nỗi buồn chán sẽ ngày một trào dâng, trào dâng, mỗi lúc một mênh mông rồi lên đến đỉnh điểm. Không gì có thể tiếp diễn vĩnh viễn – đến một điểm nào đó, chu kỳ buộc phải chuyển hướng. Nếu bạn đi đến cực điểm, cực đại thì sự thay đổi, sự chuyển biến – sự đốn ngộ, tỏ ngộ, satori, hay bất cứ cái tên nào tùy bạn thích gọi – sẽ xảy ra. Bất thần một ngày nọ, nỗi buồn chán trở nên vô biên vô lượng. Cả một đại dương mênh mông của nỗi buồn nhấn chìm bạn. Nó làm bạn mất phương hướng, làm bạn tuyệt đường. Tại vô biên vô lượng nỗi buồn, chu kỳ đổi hướng. Điều gì đó ắt sẽ bùng nổ, bạn dấn sâu vào cõi trống không.
Khi đó, bạn chẳng còn một mảy may buồn chán nào nữa. Bạn đã nhận ra cái trống không của cuộc đời. Bạn đã biến mất – Ai còn có thể buồn chán? Vì điều gì? Bạn chẳng hề còn tồn tại nữa. Bạn đã tuyệt diệt. Nỗi buồn chán bất ngờ biến mất, ấy là satori (đốn ngộ), là samadhi (đại ngộ).

Ads Belove Post