Chương 14. Gọi mời những áng thơ

Chương 14. Gọi mời những áng thơ

Price:

Read more

Osho – Trực giác
Chương 14. Gọi mời những áng thơ


Có rất nhiều điều mà người phương Tây không thể nào hiểu nổi; đó là vì cách tiếp cận với thực tại của người phương Đông xét một cách cơ bản, hoàn toàn khác biệt so với họ. Đôi khi có những sự việc, mà nếu nhìn nhận theo con mắt của cả người phương Đông lẫn người phương Tây, có vẻ như không có gì sai lệch, nhìn từ ngoài vào, mọi thứ đều tương tự, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Nếu đi sâu hơn một chút, đào sâu hơn một chút, chúng ta sẽ phát hiện ra những khác biệt vô cùng lớn lao. Xin nhấn mạnh rằng đó không phải là những sai khác thông thường mà là những khác biệt vô cùng lớn lao.
Đêm hôm đó tôi đang ngồi đọc một bài thơ ngắn (haiku) của nhà thần học và cũng là một thiền sư Basho. Đối với người phương Tây hoặc với những ai đã từng chịu ảnh hưởng bởi nền giáo dục phương Tây, có lẽ đó không phải là một tác phẩm thơ kiệt xuất cho lắm. Còn tính tới thời điểm này thì phong cách của nền giáo dục phương Tây đã tỏa rộng ảnh hưởng của nó khắp thế giới, không còn sự phân biệt phương Đông với phương Tây trong giáo dục nữa rồi.
Mong mọi người yên lặng để nghe bởi vì dù nó không phải một áng thơ tuyệt tác, nhưng nó thể hiện sự thông thái tuyệt vời, mà điều đó còn quan trọng hơn tất thảy. Tác phẩm đó mang đậm chất thơ, nhưng nếu như không tinh tế, cũng không dễ nhận ra. Xét về mặt kiến thức mà nói thì chúng ta không thể nào hiểu được bài thơ ấy, nó chỉ có thể hiểu được nếu chuẩn theo trực giác mà thôi.
Và đây là bài thơ ấy:
Khi tôi đưa mắt nhìn chăm chú,
Tôi thấy hoa nazunia đang nở
Bên hàng rào!
Đọc xong thì thấy có vẻ như chẳng có chút thơ nào ở đó. Nhưng hãy đi sâu vào những câu chữ ấy với tinh thần đồng điệu xem sao, vì Basho đã dịch bài thơ này sang tiếng Anh, còn trong ngôn ngữ gốc của ông, kết cấu và âm hưởng của nó hoàn toàn khác.
Nazunia là một loài hoa dân dã, mọc hoang bên đường, một loài hoa cỏ. Cho nên cũng chẳng có gì ngạc nhiên nếu như không có ai để mắt tới loài hoa ấy. Nó không phải là  một bông hồng kiều diễm, không phải là một bông sen thanh khiết. Người ta dễ dàng nhận ra nét đẹp của một bông sen xanh chẳng hạn, làm sao có thể không ngắm nhìn? Con người ta có thể ngẩn ngơ vì vẻ đẹp của nó. Hay là một nụ hồng tươi tắn đang nhảy múa trong gió thoảng qua, dưới ánh mặt trời lung linh soi rọi… Hình ảnh ấy chiếm lấy ta, khiến ta không khỏi sững sờ. Trong khi đó, Nazunia chỉ là một bông hoa bình thường, một loài hoa dân dã. Nó không cần vườn, không cần bàn tay  chăm sóc, nó tự mọc hoang ở bất cứ nơi đâu. Phải có tâm thế của một thiền sư, một cảm nhận tinh tế mới có thể ngắm nhìn loài hoa ấy cho kĩ lưỡng, nếu không, sẽ rất dễ rời mắt lướt qua. Vẻ đẹp của nó không phải là cái bề ngoài, đó là một vẻ đẹp ẩn giấu bên trong. Đó cũng không phải là một nét đẹp thông thường, mà chính cái vẻ bình dị ấy lại đang ẩn chứa một nét đẹp phi thường. Con người ta dễ dàng bỏ đi hoặc bước qua tất cả những điều này, nếu như không thực sự thâm nhập vào vẻ đẹp ấy với một trái tim đồng điệu.
Khi đọc bài thơ này lần đầu tiên, chắc hẳn mọi người sẽ thắc mắc ngay rằng “Có gì to tát lắm để nói về bông hoa nazunia nở bên hàng rào đâu nhỉ?”
Chữ cái cuối cùng trong bài thơ của Basho trong tiếng Nhật là kana đã được chuyển thành một dấu cảm thán trong tiếng Anh, vì chúng ta không tìm thấy cách nào khác để chuyển tải nó. Trên thực tế kana có nghĩa là “Tôi thấy thật kinh ngạc!” Vậy thì vẻ đẹp đó tới từ đâu? Liệu có phải nó tới từ bông hoa Nazunia kia? Bởi vì có hàng nghìn người đã từng đi ngang qua hàng rào ấy, nhưng chẳng có ai nhìn thấy bông hoa nhỏ bé kia. Còn Basho của chúng ta thì đã bị vẻ đẹp của bông hoa chiếm trọn, và đã lạc vào một thế giới khác. Chuyện gì đã xảy ra?
Đó thực sự không chỉ là một bông nazunia bé nhỏ, nếu không thì nó đã có thể thu hút được ánh mắt của ít nhất là một số người đi qua. Thực ra đó chính là sự thông tuệ của Basho, là trái tim rộng mở của ông, là cái nhìn đầy đồng cảm của ông, và cũng là thói quen hay suy ngẫm sâu xa của con người này. Sự suy ngẫm sâu xa là một thuật giả kim: nó có thể biến đổi kim loại cơ sở thành vàng, cũng có thể biến bông hoa nazunia bình thường thành một bông sen.
Khi tôi nhìn chăm chú…
Từ chăm chú ở đây mang nghĩa là tập trung, với một nhận thức và tâm trí được nâng lên cao độ, với trạng thái trầm ngâm, với tình yêu mến và sự nâng niu. Nếu con người ta chỉ nhìn mà không biết nâng niu thì cũng sẽ đánh mất những gì vừa nhìn thấy. Cho nên chữ chăm chú ở đây cần phải được hiểu một cách đầy đủ nhất có thể, song ý nghĩa quan trọng nhất chính là cái nhìn ấy gắn với sự trầm tư mặc tưởng, gắn với những suy nghĩ sâu xa. Và thế nào là nhìn một vật trong trầm tư mặc tưởng? Nó có nghĩa là gạt bỏ mọi vướng bận tâm trí sang một bên, cái nhìn ấy không chịu ảnh hưởng bởi vướng bận tâm trí, không lẩn quất những áng mây ý nghĩ trong cái bầu trời ý thức của người nhìn, không một chút kí ức gợn lên, không tham vọng hay ham muốn… Nói tóm lại là không gì cả, chỉ có sự trống rỗng hoàn toàn.
Với cái nhìn trong trạng thái không bị vướng bận bởi tâm trí ấy thì thậm chí chỉ một bông hoa nazunia bé nhỏ cũng có thể biến thành cả một thế giới khổng lồ đầy mới mẻ. Nó bỗng chốc vụt trở thành một đóa sen giữa thiên đàng, chứ không còn là một vật bé nhỏ trên trái đất. Cái phi thường hiện ra từ trong cái tầm thường nhất. Đó cũng là con đường thành Phật: tìm thấy cái phi thường từ những cái tầm thường, tìm thấy tất cả bên trong những gì đang có, tìm thấy  cả vũ trụ bên trong những thứ này mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni gọi là tathata.
Bài thơ ngắn của Basho chính là một bài thơ của tathata. Bông hoa nazunia, một khi được nhìn ngắm đầy trìu mến, đầy nâng niu bằng cả trái tim, và bằng một tâm thế sáng trong, trong một trạng thái không vướng bận vì tâm trí – sẽ khiến cho con người phải kinh ngạc và khiếp sợ. Lại có một vấn đề nảy sinh ở đây: Chuyện đó liệu có thể xảy ra chăng? Chuyện đó đã xảy ra với bông hoa nazunia hoang dại, mà nếu như có thể xảy ra với bông nazunia thì cũng có thể xảy đến với tất cả mọi thứ trên đời. Nếu bông nazunia có thể đẹp nhường ấy thì ắt hẳn Basho đã phải trở thành Phật từ lâu. Mà nếu như chỉ một bông azunia có thể chứa đựng nhiều đến vậy thì phải chăng mỗi hòn đá cũng có thể mang theo cả một bài thuyết giáo?
Khi tôi đưa mắt nhìn chăm chú, tôi thấy hoa nazunia đang nở bên hàng rào!
Kana, tôi thấy thật kinh ngạc! Tôi kinh ngạc không thốt thành lời vì vẻ đẹp ấy, sự thực thì tôi chỉ có thể diễn đạt được chừng ấy.
Thể thơ ngắn haiku chỉ đơn giản là những diễn đạt, những ngụ ý, nó được viết theo lối hàm súc và ẩn ý.
Chúng ta cũng có thể bắt gặp một trường hợp tương tự trong thơ của Tennyson; có lẽ việc đối chiếu và so sánh sẽ giúp cho chúng ta hiểu nhiều hơn. Nếu như Basho đại diện cho trực giác thì Tennyson lại đại diện cho tri thức. Basho đại diện cho phương Đông còn Tennyson đại diện cho tiếng nói của phương Tây. Basho thể hiện rõ đặc điểm của trường phái Thiền trong thơ, còn Tennyson viết thơ theo lí trí. Nhìn vào ta thấy hai con người ấy giống nhau, đôi khi, những bài thơ của Tennyson còn mang âm điệu của thơ ca hơn cả Basho, bởi lẽ nó đi vào trực diện, nó rõ ràng và rành mạch.
Đóa hoa nở trên bức tường nứt nẻ,
Tôi bứt hoa ra khỏi những vết nẻ này,
Nắm lấy hoa, cả rễ, thân, trên một bàn tay,
Hoa bé nhỏ - nhưng ước gì tôi biết được điều này
Hoa là gì, cả rễ và thân, và tất cả là chi,
Tôi sẽ nhận ra con người và Thiên Chúa là gì.
Cũng thật đẹp nhưng không có gì có thể so sánh với Basho. Chúng ta hãy cùng xem đâu là điểm làm cho Tennyson thành khác biệt hoàn toàn.
Trước hết:
Đóa hoa nở trên bức tường nứt nẻ,
Tôi bứt hoa ra khỏi những vết nẻ này,
Basho chỉ nhìn hoa chứ không bứt nó. Basho nhận thức một cách bị động chứ không chủ động và bạo liệt như Tennyson. Trên thực tế, một khi đã thực sự bị ấn tưỡng bởi một bông hoa, chúng ta không thể với tay bứt nó. Khi mà trái tim con người đã chạm tới bông hoa ấy rồi thì còn cần gì bàn tay phải nắm lấy nó thêm lần nữa? Bứt nó ra tức phá hủy nó, giết chết nó, đó là hành động của kẻ giết chóc. Chắc hẳn không ai lại nghĩ rằng trong thơ của Tennyson có hành động giết chóc nhưng đúng là như vậy. Làm sao con người ta lại có thể tàn phá những thứ đẹp đẽ tuyệt vời như vậy?
Đó cũng chính là cái cơ chế thực hiện chức năng của lí trí con người chúng ta, nó mang tính hủy diệt. Nó muốn chiếm hữu tất cả, và sự chiếm hữu chỉ có thể thực hiện được nhờ sự tàn phá.
Hãy nhớ rằng bất cứ khi nào muốn chiếm hữu người này hoặc vật kia , chắc chắn chúng ta sẽ phải tàn phá người kia hoặc vật này. Anh chiếm lấy một người phụ nữ có nghĩa là anh đang tàn phá cô ấy, tàn phá vẻ đẹp và tàn phá cả tâm hồn cô ấy. Còn chị đang chiếm giữ một người đàn ông? Anh ấy cũng không còn nguyên vẹn ý nghĩa của một con gnười, có lẽ là chị đã làm giảm giá trị và biến anh ấy thành một món hàng hay đồ vật.
Basho nhìn ‘chăm chú’ tức là chỉ nhìn thôi chứ không hề chằm chằm như chực nuốt gọn bông hoa. Đó là cái nhìn nhẹ nhàng, dịu dàng như thể sợ đóa hoa nazunia có thể bị đau.
Trong khi đó thì Tennyson giật bông hoa kia ra khỏi tường và thốt lên:
Nắm lấy hoa, cả rễ, thân, trên một bàn tay,
Hoa bé nhỏ - nhưng ước gì tôi biết được điều này…
Rõ ràng là hoa vẫn là hoa và người vẫn là người, cả đối tượng quan sát và đối tượng bị quan sát không hề có sự giao thoa, gặp gỡ và hòa quyện. Đó không phải là một tình yêu mến. Tennyson đã tấn công bông hoa bé nhỏ, nhổ tung cả rễ và thân, nắm nó trong tay mình.
Trí óc con người bao giờ cũng cảm thấy hài lòng khi có thể chiếm giữ, kiểm soát hay nắm chặt lấy thứ gì. Còn trạng thái thiền định của ý thức thì lại không ham thích quá trình chiếm hữu; là vì tất cả những điều đó đều là cách thức của một bộ óc đầy thô bạo.
Tennyson còn nói rằng ‘bông hoa bé nhỏ’, đúng là bông hoa vẫn cứ bé nhỏ mỏng manh, còn Tennyson thì vẫn cứ đứng trên bệ cao vời vợi. Tennyson là một con người, một trí thức nổi danh, một nhà thơ tiếng tăm. Có điều là Tennyson vẫn cứ chỉ dừng lại với cái bản ngã của mình: ‘một bông hoa bé nhỏ’.
Còn với Basho, không hề có sự so sánh ở đây. Ông chẳng nói gì về mình cứ như thể mình không là gì cả. Không thấy bóng sáng của người quan sát. Vẻ đẹp của bông hoa cứ thế toát  lên, như thể nó là siêu nghiệm vậy. Bông hoa nazunia vẫn ở đó, tung cánh bên hàng rào, kana – chỉ có Basho là kinh ngạc vì vẻ đẹp, kinh ngạc khi trải nghiệm cái gốc rễ, căn nguyên của sự tồn tại. Sức mạnh từ vẻ đẹp của đóa hoa đã bao trùm lên tất cả. Thay vì chiếm giữ bông hoa, chính Basho lại bị bông hoa chiếm lấy. Ông đã dâng hiến tất cả cho vẻ đẹp tuyệt vời của bông hoa, cho khoảnh khắc tuyệt vời này và cho những cảm xúc thăng hoa từ giây phút ấy.
Bông hoa bé nhỏ, Tennyson nói thế, nhưng giá mà tôi có thể biết được…
Trí tuệ đã trở thành nỗi ám ảnh! Thưởng thức thôi là chưa đủ, yêu mến cũng vẫn chưa đủ; Tennyson cần phải lôi kéo bằng được sự hiện diện của trí tuệ cũng như nhất định phải tạo ra tri thức ngay trong khoảnh khắc này. Không có tri thức thì Tennyson vẫn cảm thấy không yên. Thành ra  bông hoa xinh đẹp kia lại biến thành một dấu hỏi to tướng. Thực ra phải nói rằng đối với Tennyson nó mới là dấu hỏi, còn đối với Basho, nó là một dấu chấm cảm.
Bây giờ thì điểm khác biệt lớn nhất lại nằm trong dấu hỏi và dấu chấm cảm.
Đối với Basho, tình yêu là đủ lắm rồi. Tình yêu thể hiện sự thấu hiểu. Còn có gì có thể thấu hiểu tốt hơn nó nữa? Nhưng dường như Tennyson chẳng hiểu gì về tình yêu, chỉ có tâm trí đầy khát khao được biết.
Nhưng ước gì tôi biết được điều này
Hoa là gì, cả rễ và thân, và tất cả là chi…
Trí óc con người ta chính là thứ cầu toàn khiên cưỡng nhất. Không được phép để lại điều gì chưa biết, không chấp nhận được thứ gì còn nằm trong bức màn bí mật. Cả rễ và thân, và tất cả, đều phải được hiểu biết tường tận. Chừng nào còn chưa biết rõ ngọn nguồn, chừng ấy con người ta còn sợ hãi, vì tri thức đem đến sức mạnh cho con người. Nếu như vẫn còn bí ẩn, có nghĩa là con người ta còn phải sợ, bởi lẽ bí ẩn là thứ con người không thể nào khép vào vòng kiểm soát. Ai mà biết được rằng có gì  ẩn chứa bên trong những điều như thế? Đó có thể là kẻ thù, có thể là hiểm họa, mà cũng có thể là điều bất an? Và ai mà biết được rằng tất cả những thứ ấy đang chuẩn bị làm gì với con người ta? Cho nên trước khi nó có thể làm được gì, nó phải được đưa ra ánh sáng, nó phải được khám phá. Không có gì được phép chìm trong bức màn bí mật.
Nhưng khi mà tất cả những bài thơ, tình yêu, những thứ diệu kì và những điều bí ẩn đều biến mất; tâm hồn cũng biến mất, những bài hát cũng chẳng còn, và những ngợi ca cũng tan thành mây khói; tất cả mọi thứ đều được phơi bày; thì sẽ chẳng còn thứ gì đáng giá. Một khi đã biết hết mọi thứ rồi thì còn giá trị gì? Một khi đã biết hết tất cả thì cuộc sống còn có gì gọi là ý nghĩa, còn có gì quan trọng và đáng giá?
Hãy xem cái sự ngược đời này nhé: đầu tiên trí óc con người ta quả quyết ‘phải biết tất!’ và rồi khi con người đã biết tất cả thì trí óc lại kêu ca ‘cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì’.
Rõ ràng là con người đã tự mình hủy hoại mọi ý nghĩa để rồi sau đó lại khát khao tìm lại ý nghĩa cuộc sống của mình. Trí óc là đối tượng hủy diệt ý nghĩa. Và cũng bởi vì trí óc, chúng ta lúc nào cũng khăng khăng rằng con người có thể biết được mọi thứ trên đời, cho nên chính chúng ta không thể nào chấp nhận sự tồn tại của cái gọi là những điều không thể biết, là những điều con người sẽ vĩnh viễn không thể nào biết tới. Chính những điều ấy mới làm nên cái đáng giá của cuộc sống này.
Những giá trị tuyệt vời nhất, của cái đẹp, của tình yêu, của Thượng Đế, của con chiên, đều là những giá trị đáng giá nhất, đều khiến cho cuộc đời này đáng để sống, và điều thuộc về nhóm thứ ba - những điều không thể biết. Những điều không thể biết cũng chỉ là một cách gọi tên khác của Thượng Đế, của những điều huyền diệu và bí ẩn. Những thứ ấy nếu mất đi sẽ chẳng còn những xốn xang kinh ngạc trong trái tim mỗi con người; mà nếu như chẳng còn gì đáng ngạc nhiên như thế, thì trái tim cũng chẳng còn đúng là trái tim. Rõ ràng là nếu mọi kinh ngạc đều biến mất thì ta cũng đánh mất luôn những thứ đáng giá vô cùng. Và rồi trong mắt người ta chỉ còn ngập tràn bụi bậm, đôi mắt ấy sẽ đánh mất đi sự trong sáng thuần khiết của nó. Chú chim vẫn hót nhưng chúng ta chẳng mảy may rung động hay khuấy động nữa, con tim ta không rộn ràng theo tiếng hót, đơn giản là vì ta đã quá rõ ràng mọi giải đáp về sự việc ấy rồi.
Cây cối vẫn xanh tươi nhưng vẻ xanh tươi ấy không thúc giục con người ta cất cao tiếng hát hay đưa chân nhảy múa. Nó chẳng thể kích thích cho chất thơ tràn trong mạch sống của con người, cũng chỉ đơn giản là vì ta biết quá rõ màu xanh ấy do chất diệp lục mà thành. Cuộc sống không còn chỗ cho thơ ca. Thơ ca biến mất và thay vào đó là giải thích và lí luận. Và tất cả mớ lí thuyết để luận giải ấy đều đi theo thuyết vị lợi, chúng không phải là cái đích đến cuối cùng.
Nếu như không tin vào những điều không thể biết thì làm sao ta có thể nói rằng bông hoa hồng này thật đẹp? Đâu mới là cái đẹp? Tất nhiên vẻ đẹp không xuất phát từ các thành phần hóa học của đóa hoa. Người ta có thể chẻ nhỏ bông hoa đem đi phân tích, khi ấy, ta sẽ không còn nhận ra bông hoa xinh đẹp ban đầu nữa. Nếu như không tin vào những điều không thể biết, chúng ta có thể tiến hành mổ xẻ khám nghiệm tử thi, sẽ không tìm thấy thứ gì được gọi là tâm hồn trong đó cả. Và dù có cho đi kiếm tìm tới bất cứ nơi đâu, ta cũng không thể nào tìm ra Thượng Đế vì Thượng Đế hiện diện ở khắp mọi nơi. Trí óc sẽ bỏ lỡ cơ hội nhận ra Thượng Đế bởi lẽ trí óc lúc nào cũng muốn cụ thể hóa Thượng Đế thành một thực thể, trong khi Thượng Đế vốn không phải là thực thể.
Thượng Đế chính là một cây đàn đang rung, là cội nguồn rung cảm. Nếu ta hòa nhịp được với thứ âm thanh không cất lên thành lời của sự tồn tại, nếu ta hòa nhịp cùng với một bàn tay đang vỗ, hòa nhịp được với thứ mà các nhà thần học Ấn Độ vẫn gọi là anahat, thứ âm nhạc tột cùng của sự tồn tại, và hòa cùng với những điều bí ẩn diệu kì, thì chúng ta sẽ hiểu được ngay rằng cuộc đời này chỉ có Thượng Đế mà thôi. Cũng chính khi đó, Thượng Đế cũng chính là sự tồn tại và sự tồn tại cũng chính là Thượng Đế, một sự đồng điệu đến lạ kì.
Tuy nhiên, người ta không thể nào hiểu được điều ấy, nói cách khác là những điều ấy không thể nào giản lược và cắt giảm lại thành tri thức cho con người tiếp cận; đó cũng chính là chỗ Tennyson đã để mất, do đó mà mất đi toàn bộ. Tennyson nói:
Hoa bé nhỏ - nhưng ước gì tôi biết được điều này
Hoa là gì, cả rễ và thân, và tất cả là chi,
Tôi sẽ nhận ra con người và Thiên Chúa là gì.
Song tất cả chỉ dừng lại ở ‘nhưng’ và ‘ước gì’.
Trong khi đó với dấu chấm cảm, Basho biết Thượng Đế là gì và cũng biết về con người như vậy. “Tôi thấy thật kinh ngạc, tôi bị ngạc nhiên… hoa nazunia đang nở bên hàng rào!”
Có lẽ đó là một đêm trăng tròn, hoặc là vào buổi bình minh. Tôi thực sự có thể nhìn thấy ngay trước mắt hình ảnh của Basho khi ông đang đứng bên con đường nhỏ, không cử động, tĩnh lặng như thể ông cũng đang ngừng thở vậy. Một bông Nazunia… đẹp tuyệt vời! Quá khứ thoát chốc vụt qua đi, mọi tương lai cũng vừa xóa sạxh. Trí óc Basho không còn vương một chút băn khoăn, chỉ còn lại ở đó sự kinh ngạc tuyệt đối. Basho bỗng quay lại trở thành đứa trẻ. Thêm một lần cặp mắt thơ ngây trong sáng của đứa trẻ thơ ngước nhìn bông hoa nazunia chăm chú và đầy yêu mến. Trong tình yêu mến và sự nâng niu ấy, sự hiểu biết đã chuyển sang một hình thái hoàn toàn khác, không còn là tri thức, cũng không còn là những phân tích thông thường của con người. Tennyson đã tri thức hóa toàn bộ hiện tượng, để rồi phá hủy mất vẻ đẹp tuyệt vời của nó.

Tennyson đại diện cho phương Tây. Basho đại diện cho phương Đông. Tennyson đại diện cho trí tuệ của đàn ông, trong khi đó Basho thể hiện tư duy của người phụ nữ. Tennyson cất lên tiếng nói của trí óc, còn tiếng nói Basho cho thấy sự giải thoát hoàn toàn sự ràng buộc của con người vào trí óc.

Ads Belove Post