Đi tìm ý nghĩa của Thực tại bằng Vật lý Lượng tử

Đi tìm ý nghĩa của Thực tại bằng Vật lý Lượng tử

Price:

Read more

Đi tìm ý nghĩa của Thực tại bằng Vật lý Lượng tử


Giáo sư vật lý tại Đại học Oregon và là thành viên của Viện Khoa Học Lý Thuyết, Tiến sĩ Amit Goswami là thành phần quan trọng trong một nhóm các nhà khoa học táo bạo, những năm gần đây đã mạo hiểm tiến vào lĩnh vực tâm linh với nỗ lực vừa để giải thích những phát hiện dường như không thể giải thích những kết quả thí nghiệm của họ và để chứng minh trực giác của họ về sự tồn tại của một chiều tâm linh của sự sống. Đỉnh cao trong những công trình riêng của Goswami là cuốn sách của ông, The Self-Aware Universe: How Consciousness Creates the Material World (Vũ Trụ Tự Thức: Làm Thế Nào Ý Thức Tạo Ra Thế Giới Vật Chất). Bắt nguồn từ những diễn giải về các dữ liệu thực nghiệm trong vật lý lượng tử (vật lý của các hạt cơ bản), cuốn sách thêu dệt lại với nhau vô số các phát hiện và giả thuyết trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo đến thiên văn học đến truyền thống đạo Hindu huyền bí, trong một nỗ lực để chứng minh rằng những khám phá của khoa học hiện đại phù hợp hoàn hảo với các chân lý huyền nhiệm sâu xa nhất.
Goswami cùng với một số người khác có cùng quan điểm tương tự chắn chắn rằng vũ trụ, để có thể tồn tại, đòi hỏi phải có một sinh linh có ý thức để nhận thức được nó. Nếu không có người quan sát, ông tuyên bố, nó chỉ tồn tại như một khả năng. Và theo cách nói trong cộng đồng khoa học, Goswami đã giải được bài toán của ông. Sắp xếp các chứng cứ từ những nghiên cứu gần đây trong tâm lý học nhận thức, sinh học, tâm lý học siêu hình, và vật lý lượng tử, và nương tựa nhiều vào các truyền thống huyền học của thế giới cổ đại, Goswami đang xây dựng một mô hình mới mà ông gọi là “chủ nghĩa duy ý nhất nguyên” (monistic idealism) với quan niệm rằng ý thức, không phải vật chất, là nền tảng của mọi sự.
Vật lý lượng tử, cũng như một số ngành khoa học học hiện đại khác, ông cảm thấy, đang tỏ bày rằng sự thống nhất cần thiết về một tổng thể thực tại là một sự kiện có thể được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Bởi vì những ngụ ý lớn lao ông nhìn thấy được trong các xác nhận khoa học về tâm linh, Goswami đã hăng hái tận tình giải thích lý thuyết của ông đến càng nhiều người càng tốt để giúp mang lại những gì ông cảm thấy như một sự thay đổi khuôn mẫu bức thiết. Ông cảm thấy rằng bởi vì khoa học đã có khả năng xác nhận những điều huyền bí và một bước nhảy đức tin đã có thể được chứng minh, và do đó, mô hình duy vật đã thống trị tư tưởng khoa học và triết học trong hơn 200 năm cuối cùng đã có thể được đưa ra để chất vấn.
Vào thời điểm khi mà sự tan rã của các giá trị con người và sự xói mòn của những ý nghĩa đạo đức luân lý đã lan truyền đến mức đại dịch, thật khó để hình dung điều gì có thể quan trọng hơn điều này.

WIE: Trong cuốn sách Vũ Trụ Tự Thức, ông nói về sự khẩn thiết trong việc thay đổi mô hình nhận thức hiện tại. Ông có thể nói rõ hơn cách ông quan niệm về sự thay đổi đó? Từ những gì đến những gì?
Amit Goswami: Thế giới quan của khoa học ngày nay cho rằng tất cả mọi thứ được tạo ra từ vật chất, và tất cả mọi thứ có thể được tối giảm thành các hạt cơ bản của vật chất, thành phần cơ bản, khối tạo dựng, của vật chất. Và nguyên nhân phát sinh từ sự tương tác của các khối tạo dựng cơ bản đó, hạt cơ bản tạo ra nguyên tử, nguyên tử tạo ra phân tử, phân tử tạo ra tế bào, và tế bào tạo ra não bộ. Tuy nhiên, tận cùng thì nguyên nhân cơ bản luôn luôn là sự tương tác giữa các hạt cơ bản. Đây là niềm tin cho rằng tất cả các nguyên nhân bắt nguồn từ các hạt cơ bản. Đây là những gì chúng ta gọi là “nhân quả hướng lên”. Vì vậy, trong quan điểm này, những gì mà chúng ta nghĩ là ý chí tự do không thực sự tồn tại. Nó chỉ là một hiện tượng phụ, thứ cấp, đứng sau sức mạnh nhân quả vật chất. Và bất cứ ý định nào liên quan đến kiểm soát vật chất bằng ý thức chỉ là một ảo tưởng. Đây là mô hình nhận thức hiện tại.
Bây giờ, quan điểm ngược lại là tất cả mọi thứ bắt đầu bằng ý thức. Nó nói, ý thức là nền tảng của thực tại. Theo quan điểm này, ý thức đặt ra một loại “nhân quả hướng xuống.” Nói cách khác, ý chí tự do của chúng ta là có thật. Khi chúng ta tác động lên thế giới, chúng ta thực sự đang hành động với sức mạnh quan hệ nhân quả. Quan điểm này không phủ nhận rằng vật chất cũng có tiềm năng nhân quả của nó, không phủ nhận rằng có một chuỗi nhân quả từ các hạt cơ bản trở lên, là dạng “nhân quả hướng lên” như đã nói, nhưng ngoài ra nó khẳng định rằng còn có “nhân quả hướng xuống”. Nó biểu hiện trong sự sáng tạo của chúng ta và hành vi của ý chí tự do, hoặc khi chúng ta đưa ra các quyết định đạo đức. Trong những trường hợp đó chúng ta đang thực sự chứng kiến “nhân quả hướng xuống” bởi ý thức.

WIE: Trong cuốn sách của ông, ông đề cập đến một mô hình mới gọi là “chủ nghĩa duy ý nhất nguyên.” Và ông cũng cho rằng khoa học ngày nay đã xác nhận được điều mà nhiều nhà huyền môn đã nói trong suốt lịch sử, rằng những phát hiện của khoa học hiện nay dường như là song song với bản chất của những giáo lý tâm linh bất diệt.
AMIT GOSWAMI: Nó “là” giáo lý tâm linh. Không phải chỉ song song. Quan điểm cho rằng ý thức là nền tảng của thực tại là cơ sở của tất cả các truyền thống tâm linh, cũng như triết lý của chủ nghĩa duy ý nhất nguyên. Ở phương Tây, có một triết lý được là là “chủ nghĩa duy tâm” trái ngược với triết lý của “chủ nghĩa thực dụng duy vật”, cho rằng chỉ có vật chất là có thật. Chủ nghĩa duy tâm nói không, ý thức mới là sự thật duy nhất. Nhưng ở phương Tây loại chủ nghĩa duy tâm thường có nghĩa là nó thuộc về nhị nguyên – có nghĩa là, ý thức và vật chất là tách biệt. Vì thế, khi nói “chủ nghĩa duy ý nhất nguyên”, tôi muốn nói rõ ràng rằng, không, tôi không có ý muốn nói đến loại nhị nguyên của chủ nghĩa duy tâm phương Tây, nhưng đúng hơn là một chủ nghĩa duy ý nhất nguyên, đã tồn tại ở phương Tây, nhưng chỉ trong các truyền thống tâm linh bí truyền. Trong khi đó, ở phía Đông, đây là triết lý chính quy đại trà. Trong Phật giáo, hoặc Hindu giáo, nơi nó được gọi là Vedanta (hay Upanishads – Áo Nghĩa Thư) hoặc trong Đạo giáo, đây là triết lý của tất cả mọi người. Nhưng ở phương Tây là một truyền thống bí truyền, chỉ được biết đến và tán đồng bởi các triết gia anh minh, những người đã thực sự đào sâu vào bản chất của thực tại.

WIE: Những gì ông đang nói có nghĩa là khoa học hiện đại, từ một góc nhìn hoàn toàn khác, không giả định bất kì điều gì về sự tồn tại của một chiều tâm linh sự sống, bằng cách nào đó đã quay trở lại, và tìm thấy chính nó đồng nhất với quan điểm đó từ kết quả của những khám phá trong khoa học.
AMIT GOSWAMI: Đúng vậy. Và điều này không phải là hoàn toàn bất ngờ. Bắt đầu từ những ngày đầu của vật lý lượng tử, từ những năm 1900 và sau đó nó trở nên sung mãn vào năm 1925 khi các phương trình của cơ học lượng tử đã được khám phá, vật lý lượng tử đã cho chúng ta thấy những dấu hiệu rằng thế giới quan người ta đang giữ có bị thể thay đổi. Các nhà vật lý duy vật trung thành đã rất thích so sánh thế giới quan cổ điển và thế giới quan lượng tử. Tất nhiên, họ sẽ không đi quá xa để từ bỏ ý tưởng rằng chỉ có “nhân quả hướng lên” và rằng vật chất là tối thượng, nhưng sự thật vẫn là họ đã thấy trong vật lý lượng tử một số tiềm năng rất lớn để thay đổi cái khuôn mẫu hiện tại. Và sau đó những gì xảy ra là, bắt đầu từ năm 1982, những kết quả bắt đầu đến từ những phòng thí nghiệm vật lý. Đó là năm, ở Pháp, Alain Aspect và các cộng sự của ông thực hiện thành công một thí nghiệm tuyệt vời và từ đó những kết luận đã được thiết lập về tính xác thực của các khái niệm tâm linh và đặc biệt là khái niệm siêu việt. Tôi có nên đi vào một chút chi tiết về thí nghiệm của Aspect?

WIE: Vâng, xin tiếp tục.
AMIT GOSWAMI: Để nhắc lại một số điều căn bản, những gì đã xảy ra trong thế vật lý lượng tử trong nhiều năm trời là đã có những nhận định được đưa ra về những mật độ thực tại khác ngoài mật độ vật chất. Bắt đầu từ những vật thể lượng tử, được nhìn nhận như là những làn sóng khả năng. Mới đầu thì người ta nghĩ “Ồ, chúng chỉ giống như những làn sóng bình thường.” Nhưng sớm sau đó người ta đã phát hiện rằng, không, chúng không phải chỉ như những làn sóng trong không thời. Chúng tuyệt đối không thể được gọi là “sóng” trong không thời. Vì chúng có những đặc điểm không hề giống với những làn sóng bình thường. Thế nên sau đó chúng đã bắt đầu được nhìn nhận như là những làn sóng khả năng, và khả năng tiềm tàng được nhìn nhận như là một hiện tượng siêu việt, vượt ngoài vật chất bằng cách nào đó.
Nhưng dữ kiện rằng có một khả năng siêu việt lúc đó chưa được hiểu rõ ràng trong một thời gian dài. Sau đó thí nghiệm của Aspect đã xác minh được rằng đây không phải chỉ là một lý thuyết, khả năng siêu việt là một sự thật, vật thể thật sự có những mối liên kết nằm ngoài không gian và thời gian! Điều đã xảy ra trong thí nghiệm này là một nguyên tử phóng ra hai hạt ánh sáng, gọi là photon, ngược chiều nhau, và bằng cách nào đó những photon này ảnh hưởng đến hành vi của nhau từ một khoảng cách, mà không hề có tín hiệu nào được trao đổi qua lại. Chú ý rằng: không hề có tín hiệu nào được trao đổi qua lại, mà là một ảnh hưởng xảy ra tức khắc, đồng thời.
Einstein đã cho thấy rằng hai vật thể không bao giờ có thể ảnh hưởng lên nhau một cách tức khắc trong không thời bởi vì mọi thứ phải di duyển với vận tốc tối đa, và giới hạn đó chính là vận tốc ánh sáng. Thế nên mọi tương tác phải di chuyển, và nếu nó di chuyển trong không gian, nó tốn thời gian. Ý tưởng này được gọi là “địa tính” (“locality”) trong vật lý. Mọi tín hiệu đáng ra nên mang thuộc tính địa phương và nó phải mất một thời gian nhất định để tín hiệu này di chuyển trong không gian. Vậy mà, những hạt photon của Aspect, ảnh hưởng lẫn nhau, từ một khoảng cách, không trao đổi tín hiệu qua lại bởi vì nó xảy ra tức thì, hiện tượng này xảy ra nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Và vì thế suy ra được rằng tương tác đã không thể nào di chuyển qua không gian. Thay vào đó tương tác phải thuộc về một miền thực tại mà chúng ta phải nhìn nhận rằng nó chính là miền thực tại siêu việt.

WIE: Thật tuyệt vời. Liệu đa số các nhà vật lý sẽ đồng ý với kiến giải đó từ thí nghiệm này?
AMIT GOSWAMI: Vâng, các nhà vật lý phải đồng ý với kiến giải này. Nhưng tất nhiên là nhiều lần họ sẽ nói như thế này, “À, chắc chắn rồi, thí nghiệm mà. Nhưng mối quan hệ giữa các hạt cơ bản này thật sự không quan trọng. Chúng ta đừng nhìn vào những hệ quả của cái miền siêu việt này, nếu nó có thể được lý giải theo cách đó.” Nói cách khác, họ cố gắng giảm thiểu tối đa tầm quan trọng của sự kiện này và vẫn cố gắng níu bám vào cái ý tưởng rằng vật chất mới là tối thượng. Nhưng trong thâm tâm họ biết, vì bằng chứng quá rõ ràng. Vào năm 1984 hay 85, tại Hội Nghị Vật Lý Hoa Kỳ trong đó tôi có tham gia, có một nhà vật lý đã nói với một nhà vật lý khác rằng, sau thí nghiệm của Aspect, bất kì ai không tin rằng có điều gì đó thật kì lạ về thế giới quanh ta chắc chắn phải chứa đá trong đầu hắn.

WIE: Vậy là ông đang nói rằng từ góc nhìn của ông, và của nhiều người khác, một cách nào đó hiển nhiên rằng một người phải đem vào cái ý tưởng về một chiều siêu việt để thật sự thấu hiểu chuyện này.
AMIT GOSWAMI: Đúng thế. Henry Stapp, một nhà vật lý tại Đại Học Berkeley, California, có nói rõ ràng về vấn đề này trong một trong những bài viết của ông vào năm 1977, rằng vật nằm ngoài không thời ảnh hưởng lên vật nằm trong không thời. Không có thắc mắc gì về những gì xảy ra trong thế giới vật lý lượng tử khi bạn đang làm việc với những vật thể lượng tử. Tất nhiên, điểm quan trọng nhất là, điểm ngạc nhiên nhất là, chúng ta luôn luôn làm việc với những vật thể lượng tử bởi vì vật lý lượng tử là vật lý (chính xác) duy nhất mà chúng ta có. Thế nên tuy rằng nó hiển nhiên hơn với photon, với electron, với các vật thể hạ vi tế, chúng tôi tin rằng mọi thực tại, mọi thực tại được thể hiện, mọi vật chất, đều được kiểm soát bởi những quy luật giống nhau. Và nếu nó đúng như vậy, thí nghiệm này đang nói với chúng ta rằng chúng ta nên thay đổi quan điểm của mình bởi vì chúng ta, không khác, cũng là những vật thể lượng tử.

WIE: Đây là những khám phá tuyệt vời đã gây cảm hứng đến nhiều người. Đã từng có một số đầu sách cũng cố gắng tạo ra một mối liên kết giữa vật lý và huyền học. Đương cử như cuốn “Cái Đạo của Vật Lý” (The Tao of Physics) của Fritjof Capra và “The Zukav’s The Dancing Wu Li Masters” của Gary Zukav, những cuốn sách này đã đến tay rất nhiều độc giả. Trong cuốn sách của ông, ông có nhắc đến rằng có vài điều vẫn chưa được nói đến mà ông cảm thấy rằng những đóng góp của ông là mới mẻ. Ông có thể cho biết thêm về những gì ông đã viết khác với những gì đã được viết trước đó?
AMIT GOSWAMI: Tôi mừng là anh đã hỏi câu này. Chuyện này nên được làm sáng tỏ và tôi sẽ cố gắng giải thích thật rõ ràng trong khả năng của tôi. Những công trình trước, như Cái Đạo của Vật Lý, đã từng là rất quan trọng trong lịch sử của khoa học. Tuy nhiên, những công trình trước đây, mặc dù là có hỗ trợ khía cạnh tâm linh của loài người, về mặt căn bản tất cả vẫn còn níu giữ những quan điểm vật chất về thế giới. Nói cách khác, họ không thật sự thử thách quan điểm của các nhà duy vật thực dụng rằng mọi thứ đều được tạo ra từ vật chất. Quan điểm đó chưa bao giờ được thử thách bởi bất kì những cuốn sách nào trước đây. Thật sự, cuốn sách của tôi là cuốn đầu tiên thẳng thừng thách thức điều đó và mọi bằng chứng đều được dựa trên những cuộc thí nghiệm khoa học gắt gao. Nói cách khác nữa, quan điểm cho rằng ý thức là nền tảng của thực tại, tất nhiên, đã từng tồn tại trong tâm lý học, chẳng hạn như tâm lý học siêu thể (transpersonal psychology), nhưng ngoài tâm lý học siêu thể không có một truyền thống khoa học nào và không có một nhà khoa học nào đã thấy được nó rõ ràng.
Nó là một điều may mắn cho tôi khi nhận ra được điều này thông qua vật lý lượng tử, nhận ra rằng mọi nghịch lý trong vật lý lượng tử có thể được giải đáp nếu chúng ta chấp nhận rằng ý thức chính là nền tảng của thực tại. Nên đó chính là đóng góp riêng của tôi và, tất nhiên, điều này mang một tiềm năng biến đổi tầm nhìn, bởi vì bây giờ chúng ta đã có thể hợp nhất một trọn vẹn khoa học và tâm linh. Nói cách khác, với Capra và Zukav – mặc dù là sách của họ rất hay – nhưng họ vẫn bám víu vào cái khuôn khổ vật chất nền tảng, tầm nhìn vẫn không xê dịch, và cũng chẳng có một hòa giải đích thực nào giữa tâm linh và khoa học. Bởi vì nếu mọi thứ tối cùng vẫn là vật chất, mọi tương tác nhân quả phải đến từ vật chất. Và một ý thức thứ cấp cũng chẳng có gì đáng nói. Ý tôi là, nó không thể làm được gì hết. Nên, mặc dù những cuốn sách này công nhận tâm linh, nhưng thực chất tận cùng của nó vẫn đến từ những tương tác vật chất.
Nhưng đó không phải là thứ tâm linh mà Jesus đã nói về. Đó không phải là thứ tâm linh đem đến các nhà huyền môn phương Đông hỷ lạc. Đó không phải là thứ tâm linh một nhà huyền học nhận ra và nói, “Bây giờ tôi đã biết thực tại đích thực là gì, nó xua tan mọi bất hạnh một người đã từng có. Nó vô tận, nó là phúc lạc, nó là ý thức.” Những nhận xét hoa mỹ này không thể được đưa ra dựa trên một nền tảng ý thức thứ cấp. Nó chỉ có thể được đưa ra khi một người giác ngộ được bản chất đích thực về nền tảng của thực tại, khi một người giác ngộ trực tiếp được rằng Một là Tất Cả.
Một con người thứ cấp sẽ không bao giờ có được những nhận thức như thế. Nó sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi nói rằng bạn là Tất Cả. Đó là ý tôi muốn nói. Chừng nào mà khoa học còn giữ cái quan điểm về thế giới vật chất, dù cho bạn có cố gắng dàn xếp những trải nghiệm tâm linh theo lối song song hay theo lối những phản ứng hóa học trong não bộ hay gì đi nữa, bạn vẫn chưa buông bỏ cái khuôn mẫu cũ. Chỉ khi nào bạn thiết lập một nền khoa học dựa trên nền tảng và ý niệm rằng bản chất của thực tại là ý thức, khi đó bạn mới thật sự buông bỏ cái khuôn mẫu cũ và trọn vẹn hòa nhập được với tâm linh. Đó là những gì tôi đã làm trong cuốn sách, và đó là sự khởi đầu. Nhưng hiện nay cũng đã có những cuốn sách khác cũng nhận ra được điều này.

WIE: Vậy là có những người khác đang chứng thực những ý tưởng của ông?
AMIT GOSWAMI: Có những người cũng đang bước ra khai sáng và nhìn nhận ý niệm này, rằng tư tưởng này là con đường đúng đắn để giải thích vật lý lượng tử và cũng để phát triển nền khoa học tương lai. Nói cách khác, khoa học hiện tại không những cho ta thấy những nghịch lý, mâu thuẫn, mà còn cho thấy sự thiếu sót của nó trong việc giải thích các hiện tượng nghịch lý và phi thường, ví dụ như tâm lý học siêu hình, siêu linh, ngay cả tính sáng tạo. Và ngay cả những đề tài truyền thống, như khả năng nhận thức hay tiến hóa sinh học, v.v… nó giải thích được những câu hỏi mà các giả thuyết duy vật không thể giải thích. Cho một ví dụ, trong sinh học có một cái gọi là giả thuyết về các điểm nhấn cân bằng (punctuated equilibrium). Giả thuyết này có nghĩa là tiến hóa không xảy ra một cách đều đặn, như Darwin nhìn nhận, mà có những kỉ nguyên tiến hóa xảy ra đột ngột, chúng được gọi là những “điểm nhấn”. Nhưng sinh học truyền thống không có giải thích gì về điều này.
Tuy nhiên, nếu chúng ta làm khoa học dựa trên nền tảng của ý thức, chúng ta có thể thấy được trong hiện tượng về tính sáng tạo, tính sáng tạo đích thực của ý thức. Nói cách khác, chúng ta có thể thật sự thấy được rằng ý thức đang hoạt động một cách sáng tạo ngay cả trong sinh học, ngay cả trong sự tiến hóa của các loài. Và chúng ta có thể trám vào những chỗ trống nền sinh học chính quy không thể giải thích bằng những ý tưởng tâm linh, chẳng hạn như ý thức chính là cái tạo ra thế giới.

WIE: Điều này nhắc cho tôi nhớ đến cái phụ đề của cuốn sách, “Làm Thế Nào Ý Thức Tạo Ra Thế Giới Vật Chất”. Đây hiển nhiên là một ý tưởng táo bạo. Ông có thể giải thích rõ hơn điều này thật sự xảy ra như thế nào theo ý kiến của ông không?
AMIT GOSWAMI: Thật ra, đây là điều dễ giải thích nhất, bởi vì trong vật lý lượng tử, như tôi đã nói khi nãy, vật thể không được xem như những sự kiện cố định, như chúng ta thường nghĩ vậy. Newton dạy chúng ta rằng vật chất là cố định, chúng có thể được nhìn thấy mọi lúc, di chuyển theo những chiều hướng cố định. Vật lý lượng tử hoàn toàn không hình dung vật thể là như vậy. Trong vật lý lượng tử, vật thể được xem như là những khả năng, những làn sóng khả năng. Đúng chứ? Nên khi câu hỏi được đặt ra, điều gì đã biến đổi khả năng thành hiện thực? Bởi vì, khi chúng ta nhìn thấy, chúng ta chỉ thấy những sự kiện thực tế. Khi bạn nhìn thấy một cái ghế, bạn thấy một cái ghế thực sự, bạn không thấy khả năng của một cái ghế.

WIE: Đúng. Tôi hy vọng thế.
AMIT GOSWAMI: Tất cả chúng ta đều hy vọng thế. Cái này gọi là “nghịch lý đo đạc lượng tử” (quantum measurement paradox). Nó là một nghịch lý là vì chúng ta là ai mà thực hiện sự biến đổi này? Bởi vì sau cùng thì, trong khuôn mẫu vật chất chúng ta không hề có bất cứ quyền lực nhân quả nào. Chúng ta không là gì ngoài não bộ, cái được tạo ra từ các nguyên tử và các hạt cơ bản. Nên làm sao mà một bộ não được cấu tạo từ các nguyên tử và các hạt cơ bản có thể biến đổi những khả năng thành hiện thực được? Đây gọi là một nghịch lý. Nhưng với góc nhìn mới, ý thức là nền tảng của thực tại, cái gì biến đổi khả năng thành thực tại? Ý thức thực hiện chuyện đó, bởi vì ý thức không tuân theo vật lý lượng tử. Ý thức không phải là vật chất. Ý thức là siêu việt. Bạn có thấy được góc nhìn biến đổi khuôn khổ ngay đây không – làm sao mà ý thức có thể được cho là tạo ra thế giới vật chất được? Thế giới vật chất trong vật lý lượng tử chỉ là những khả năng. Chính nhờ có ý thức, thông qua sự chuyển đổi từ khả năng thành hiện thực, nó tạo ra những gì chúng ta thấy được biểu lộ. Nói cách khác, ý thức tạo ra thế giới được biểu lộ.

WIE: Thành thật mà nói, khi lần đầu tiên đọc được dòng phụ đề của cuốn sách của ông, tôi nghĩ là ông chỉ đang ám chỉ theo nghĩa bóng. Nhưng sau khi đọc cuốn sách, và thời gian ngồi nói chuyện với ông ở đây, tôi cảm thấy chắc chắn rằng ý của ông thiên về nghĩa đen nhiều hơn là tôi tưởng. Có một điểm trong cuốn sách thật sự đã làm tôi đứng sững lại về phát biểu theo lý giải của ông, tổng thể vũ trụ hữu hình chỉ tồn tại trong một miền khả năng tiến hóa vô tận cho tới một điểm, khả năng về một ý thức, một thực thể có tri giác xuất hiện, và ngay lập tức tại thời điểm đó, toàn bộ vũ trụ trở thành hiện thực, bao gồm luôn cả 15 tỉ năm lịch sử dẫn tới cột mốc đó. Ông thật sự có ý như vậy hay sao?
AMIT GOSWAMI: Tôi có ý đó theo nghĩa đen. Đây là điều khoa học lượng tử đòi hỏi. Thật sự, trong vật lý lượng tử điều này được gọi là “chọn lựa trì hoãn” (delayed choice). Và tôi đã thêm vào một khái niệm mới, là khái niệm về sự “tự liên quan” (self-reference). Một câu hỏi luôn luôn phát sinh, “Vũ trụ nếu đã tồn tại được 15 tỉ năm, và nếu cần có một ý thức để biến chuyển khả năng thành hiện thực, vậy thì làm thế nào mà vũ trụ đã tồn tại lâu đến thế?” Bởi vì không có ý thức, không có thực thể hữu tri, thực thể sinh học, thực thể từ carbon, trong khối cầu lửa nguyên thủy, cái mà chúng ta cho rằng đã tạo ra vũ trụ, thuyết big bang. Nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác thì cả vũ trụ vẫn tồn tại dưới dạng những khả năng cho tới khi có một có một sự đo đạc lượng tử có mối liên hệ với chính nó – đây là một khái niệm mới. Một người quan sát là cần thiết để biến khả năng thành hiện thực, và chỉ khi một người quan sát nhìn thấy, chỉ khi đó cái toàn thể mới biểu hiện – bao gồm luôn thời gian.
Hóa ra thì ý tưởng này, một cách rất tế nhị, tinh tế, thật ra đã được tìm thấy trong thiên văn học và chiêm tinh học dưới sự hướng dẫn của một nguyên tắc được gọi là “nguyên tắc nhân quan” (anthropic principle). Và ý tưởng này đã nảy nở trong giới chiêm tinh gia và thiên văn học – rằng vũ trụ có một mục đích. Nó được tinh chỉnh tỉ mỉ, có quá nhiều trùng hợp, dường như rất có thể rằng vũ trụ này đang thực hiện một mục đích gì đó, như thể vũ trụ đang phát triển theo một đường lối mà sẽ có một thực thể có tri giác sẽ xuất hiện tại một điểm.

WIE: Vậy là ông cảm thấy rằng có một ý nghĩa, mục đích trong cách mà vũ trụ đang tiến hóa; rằng đại khái là nó đã sinh hoa kết trái qua chúng ta, qua loài người?
AMIT GOSWAMI: À, loài người có thể sẽ không phải là kết quả cuối cùng, nhưng chắc chắn chúng ta chính là những hoa quả đầu tiên, bởi vì từ đây mà khả năng về sự sáng tạo bắt đầu. Thú vật rõ ràng cũng có tri giác, nhưng chúng không sáng tạo như chúng ta. Loài người hiện nay dường như chính là một khuôn mẫu toát yếu, nhưng nó sẽ không là khuôn mẫu cuối cùng. Tôi nghĩ chúng ta có một chặng đường dài tiến hóa chưa xảy ra phía trước.

WIE: Trong sách ông còn đưa ra một gợi ý xa hơn rằng vũ trụ này đã được tạo ra vì chúng ta.
AMIT GOSWAMI: Tuyệt nhiên là vậy. Nhưg nó có ý là những thực thể hữu tri, vì những thực thể hữu tri. Và vũ trụ này là chúng ta. Điều đó là rõ ràng. Vũ trụ có ý thức tự thân, nhưng ý thức tự thân thông qua chúng ta. Chúng ta là ý nghĩa của vũ trụ. Chúng ta không phải là trung tâm của vũ trụ một cách địa lý – Copernicus đã đúng về chuyện đó – nhưng chúng ta là trung tâm ý nghĩa của vũ trụ.

WIE: Thông qua chúng ta vũ trụ tìm được ý nghĩa của nó?
AMIT GOSWAMI: Thông qua các cá thể hữu tri. Đó không có nghĩa chỉ là loài người trên trái đất. Mà còn có nghĩa là những cá thể hữu tri trên những hành tinh khác – về điều này tôi chắc chắn là có – và điều đó hoàn toàn tương thích với lý thuyết này.

WIE: Ngoài là một khoa học gia, ông còn là một người tu hành tâm linh. Ông có thể cho biết điều gì đã mang ông đến với tâm linh?
AMIT GOSWAMI: Vâng, tôi nghĩ là trường hợp của tôi cũng khá thông thường, hầu như là một trường hợp cổ điển. Là trường hợp của Phật, người đã nhận ra, ở độ tuổi 29, rằng mọi thú vui của một hoàng tử thật sự chỉ là phí phạm thời gian bởi vì vẫn còn đau khổ trên đời. Đối với tôi thì nó không đến mức như vậy, nhưng vào khoảng 37 tuổi thế giới của tôi bắt đầu rơi rớt thành từng mảnh. Tôi không còn được cung cấp chi phí nghiên cứu; tôi có một cuộc ly hôn và tôi rất cô đơn. Và niềm vui nghề nghiệp tôi thường có khi viết về những nghiên cứu vật lý không còn vui thích gì nữa.
Tôi nhớ có lần khi tham dự một cuộc hội thảo, suốt ngày hôm đó tôi đã loanh quanh tranh cãi với nhiều người. Và tối hôm đó khi tôi một mình, tôi cảm thấy thật cô đơn. Đột nhiên lúc đó tôi bị chứng ợ nóng (heartburn) hành hạ, tôi tọng vào cả một chai thuốc Tums (hiệu thuốc đặc trị) nhưng nó vẫn không hết. Tôi đã nếm được mùi vị của đau khổ; tôi đã khám phá ra đau khổ, theo nghĩa đen. Và khám phá đó đã dẫn tôi đến với tâm linh, bởi vì tôi không còn có thể nghĩ được về điều gì khác nữa. Tôi không còn có thể nghĩ ra được cách nào nữa – mặc dù tôi đã hoàn toàn bác bỏ cái ý tưởng về Trời vì đã là một nhà vật lý duy vật khá lâu rồi. Nhiều khi những đứa con tôi hỏi, “Bố có phải là một người vô thần không?” Tôi trả lời đại khái rằng, “Phải.” Và, “Trời có thật không?” Và tôi nói, “Không, bố không tin vào Trời.” Những câu đó tôi hay nói thường xuyên. Nhưng vào khoảng thời gian sau này, khi tôi khoảng 37 tuổi, trong không gian đó, nơi mà Trời không tồn tại và ý nghĩa của cuộc đời đối với tôi chỉ là sự theo đuổi lý trí thành công trong nghề nghiệp, đã không còn có thể thỏa mãn tôi và mang lại được hạnh phúc. Thật sự thì lúc đó đời tôi chứa đầy khổ đau. Và tôi đã biết đến thiền. Tôi muốn biết xem có cách nào để ít nhất tìm được sự khuây khỏa không, chứ chưa nói đến hạnh phúc. Nhưng cuối cùng thì thiền định cũng mang lại được hỷ lạc, nhưng phải qua luyện tập. Thêm vào đó, tôi phải nhắc đến việc tôi tái hôn lần nữa, và thử thách của tình yêu cũng đã rất quan trọng. Nói cách khác, tôi sớm khám phá ra rằng sau khi tôi lập gia đình lần thứ hai thì tình yêu lúc đó rất khác biệt so với những gì tôi nghĩ. Tôi khám phá ra được rằng vợ tôi chính là ý nghĩa của tình yêu, và đó cũng là một đóng góp lớn lao cho cuộc sống tâm linh của tôi.

WIE: Thật thú vị khi biết rằng khi ông hướng đến tâm linh bởi vì khoa học đã không thật sự thỏa mãn được khát khao tìm kiếm chân lý của ông, nhưng mặc dù vậy ông vẫn tiếp tục sự nghiệp khoa học của mình.
AMIT GOSWAMI: Đúng vậy. Chỉ là cách làm khoa học của tôi đã thay đổi. Lý do khiến tôi đánh mất sự hào hứng trong khoa học là vì tôi đã biến nó trở thành một cuộc chơi nghề nghiệp. Tôi đã đánh mất tinh thần về cách làm khoa học lý tưởng, là tinh thần khám phá, là óc tò mò, là tinh thần nhận biết sự thật. Nên tôi đã không còn tìm kiếm sự thật thông qua khoa học, và vì thế tôi đã phải tìm đến thiền, nơi tôi tìm được chân lý một lần nữa, chân lý về thực tại. Nhưng sau cùng bản chất của thực tại là gì? Bạn thấy xu hướng đầu tiên là chủ nghĩa hư vô, không gì tồn tại; Tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng thiền định sớm bảo tôi rằng không, không tuyệt vọng như vậy đâu. Tôi đã có một trải nghiệm. Tôi đã hé nhìn được rằng thực tại thật sự tồn tại. Nó là gì thì tôi không biết, nhưng nó tồn tại. Điều đó đang mang lại động lực cho tôi để trở lại với khoa học để xem tôi có thể làm được gì với nguồn năng lượng mới và phương hướng mới này không, và thật sự tìm kiếm chân lý thay vì tìm kiếm chỉ vì những danh nghĩa nghề nghiệp.

WIE: Niềm hứng thú mới mẻ về tâm linh này ảnh hưởng đến các hoạt động khoa học của ông như thế nào?
AMIT GOSWAMI: Những gì đã xảy ra là tôi không còn làm khoa học chỉ vì mục đích công bố các bài viết và thực hiện các thí nghiệm cho phép bạn nhận được tài trợ. Thay vào đó, tôi bắt đầu giải quyết những vấn đề thật sự quan trọng. Những vấn đề này ngày nay rất nghịch lý và và rất bất thường. Vâng, tôi không nói rằng các nhà khoa học truyền thống không có một vài vấn đề quan trọng. Cũng có chứ không phải không. Anh thấy đó, khoa học lượng tử là một vấn đề luôn làm trật hướng người ta khỏi những thành tựu nghề nghiệp vì nó là một vấn đề rất khó. Người ta đã cố gắng nhiều thập kỉ nhưng vẫn chưa thể giải đáp được nó. Nhưng tôi nghĩ, “Mình không có gì để mất và mình chỉ đang điều tra về sự thật, tại sao lại không?” Vật lý lượng tử là chuyên ngành tôi biết rõ. Tôi đã nghiên cứu về vật lý lượng tử suốt đời tôi, vậy thì tại sao lại không làm? Đó là lý do dẫn đến câu hỏi, Nhân tố nào chuyển đổi khả năng thành hiện thực? và nó đã chiếm hết thời gian của tôi từ 1975 đến 1985, cho tới khi có một bức phá huyền bí xảy ra.

WIE: Ông có thể mô tả sự bức phá này không?
AMIT GOSWAMI: Vâng, tôi rất sẵn lòng. Nó đang hiển hiện rõ ràng trong đầu tôi. Có một lần – khi sực bức phá này xảy ra – vợ tôi và tôi đang ở Ventura, California và một người bạn tâm linh, Joel Morwood, xuống chơi từ Los Angeles, và tất cả chúng tôi đều đi tới nghe buổi thuyết giảng của Krishnamurti. Krishnamurti, tất nhiên rồi, là một nhà huyền môn vĩ đại và cực kì độc đáo. Sau buổi thuyết giảng chúng tôi về nhà và ngồi ăn tối với nhau. Tôi trao đổi với Joel về những ý tưởng mới nhất của tôi về vật lý lượng tử liên quan đến ý thức và Joel đã thách thức tôi rằng, “Ý thức có thể được giải thích chăng?” Tôi đã cố gắng luồn lách đưa ra câu trả lời nhưng Joel đã không nghe gì hết. Anh ta nói, Anh đang tự bịt mắt mình bằng khoa học. Anh không nhận ra được rằng ý thức là nền tảng của vạn vật.” Anh ta nói một câu đại khái là, “Không có gì khác ngoài Trời.” Và đã có một cái gì đó lật úp lại trong đầu tôi mà tôi không thể giải thích được. Đây là một nhận thức tối hậu mà tôi có được ngay giây phút đó. Tôi nhớ rằng tôi đã thức suốt đêm đó, nhìn lên bầu trời và có được một cảm giác thiêng liêng lạ lùng về thế giới, và một sự quả quyết hoàn toàn rằng đây đúng là bản chất của thế giới, bản chất của thực tại, và một người có thể làm khoa học dựa trên nền tảng này. Anh thấy đó, cái ý niệm đang thịnh hành bây giờ – ngay cả với những người như David Bohm – là “Làm sao bạn có thể làm khoa học mà không cho rằng có một thực tại vật chất? Làm sao bạn có thể làm khoa học nếu bạn để cho ý thức quyết định những điều tùy nghi?” Nhưng tôi đã hoàn toàn chắc chắn – không một mảy may nghi ngờ nào kể từ đó – rằng một người hoàn toàn có thể làm khoa học trên nền tảng này. Không những thế, họ còn có thể giải quyết những vấn đề của khoa học ngày nay. Và đó là những gì đang diễn ra. Trong vòng vài tháng mọi vấn đề về đo đạc lý thuyết, đo đạc nghịch lý đã tan biến mất. Kể từ khi đó ý tưởng tiếp nối ý tưởng cứ tuôn trào, và rất nhiều vấn đề đã được giải quyết – vấn đề về hiểu biết, nhận thức, tiến hóa sinh học, chữa bệnh bằng tâm linh. Cuốn sách mới nhất của tôi, “Vật Lý của Linh Hồn” (Physics of the Soul) là một học thuyết về luân hồi, tất cả đã được giải thích cặn kẽ. Thật là một cuộc hành trình sáng tạo tuyệt vời.

WIE: Nhìn từ góc độ ngược lại, ông nói như thế nào về việc bản thân là một nhà khoa học đã có ảnh hưởng thế nào đến sự tiến hóa tâm linh của ông?
AMIT GOSWAMI: À, tôi đã không xem chúng là tách biệt. Sự bao trùm, thống nhất này rất quan trọng đối với tôi. Các giác giả thường cảnh báo người ta rằng, “Đừng phân tách cuộc đời thành cái này hay cái kia.” Đối với tôi nó đến một cách tự nhiên vì tôi đã khám phá ra những cách thức mới mẻ để làm khoa học khi tôi khám phá ra tâm linh. Tâm linh là bản chất tự nhiên của tôi, kể từ đó bất cứ tôi làm gì, tôi không tách biệt chúng. Trước khi có những công trình của tôi, tôi nghĩ rằng nó vẫn còn rất mơ hồ làm thế nào để kết hợp khoa học và tâm linh. Mặc dù là những người như Teilhard de Chardin (nhà triết học, thần học người Pháp), Aurobindo, hay Blavatsky, đã nhận ra được rằng một nền khoa học như thế sẽ đến, và rất ít người sẽ có thể nhìn thấy nó. Những gì tôi làm là nắn thêm thịt vào tất cả những tầm nhìn ở những thế kỉ trước. Và khi bạn làm thế, khi bạn nhận ra rằng khoa học có thể được dựa trên nền tảng của ý thức, mọi thiếu hụt sẽ không còn nữa. Nói cách khác, thành kiến cho rằng khoa học chỉ mang đến tách biệt sẽ không còn nữa. Khoa học duy vật là một khoa học tách biệt. Một nền khoa học mới nói rằng thế giới vật chất vẫn tồn tại, nhưng nó chỉ là một phần của tổng thể, không phải toàn bộ. Có tách biệt thì cũng phải có thống nhất. Trong cuốn sách Vũ Trụ Tự Thức của tôi, tôi nói về cuộc hành trình của những vị anh hùng trong thế giới khoa học. Tôi nói rằng, 400 năm trước, với Galileo, Copernicus, Newton và những người khác, chúng ta giương cánh buồm tách biệt và du hành vào hải phận của sự tách biệt, nhưng đó chỉ là phần đầu của chuyến hành trình. Sau đó, người anh hùng đã khám phá ra được chân lý và quay trở lại. Đây chính là sự trở lại của người anh hùng và chúng ta đang tận mắt chứng kiến qua tầm nhìn mới này.
Nguồn: WordPresss Huyền Học

Ads Belove Post