Thay cho lời kết: Không đích đến

Thay cho lời kết: Không đích đến

Price:

Read more

Osho – Trực giác
Thay cho lời kết: Không đích đến

Quả thực là sự khác biệt đó hết sức mờ ảo, nhưng nó cũng không khác gì sự khác biệt giữa trí óc với con tim, giữa tư duy logic với tình yêu, hoặc gần gũi dễ hiểu hơn, là giữa văn xuôi với thi ca.
Một cái đích để hướng tới là điều đã rất rõ ràng; còn sự định hướng dựa vào trực giác. Một điểm đến nằm bên ngoài con người ta, gần gũi với hình hài một vật nào đó mà con người hằng nhìn thấy. Sự định hướng là cảm nhận nằm sâu trong mỗi con người, không phải là khách thể, nó chính xác là chủ thể trong ta. Chúng ta có thể cảm nhận được sự chỉ dẫn chứ không biết nó. Ngược lại, chúng ta hoàn toàn có thể biết đích đến của mình nhưng lại không cảm nhận được nó. Đích tới nằm ở tương lai. Chỉ sau một quyết định, con người ta sẽ lôi kéo và lèo lái cả cuộc đời về phía nó.
Làm sao có thể quyết định được tương lai? Chúng ta là gì mà có thể quyết định những điều còn chưa biết tới? Liệu có thể nào chọn sẵn một tương lai cho mình? Tương lai là những gì chưa biết tới. Tương lai lật mở những khả năng. Khi con người chọn cho mình một đích đến, tương lai sẽ chẳng còn là tương lai bởi lẽ nó không còn là những khả năng để ngỏ, chính chúng mới làm nên tương lai của chúng ta. Một khi đã bị khép lại, chỉ có một phương án được lựa chọn, mọi thứ đã chuyển thành quá khứ.
Cho nên khi ta ấn định một đích đến cho mình, cũng chính là khi quá khứ thực hiện vai trò định đoạt của nó; nói cách khác thì đó là khi những kinh nghiệm, những kiến thức đã có trong quá khứ đứng ra quyết định. Chúng ta giết chết tương lai để rồi tiếp tục lặp lại quá khứ, cũng có thể thêm thắt một vài biến đổi, một chút khác đi ở chỗ này hay chỗ khác cho thuận tiện. Dù cho có được sửa chữa tân trang thì nó cũng là sản phẩm của quá khứ. Đây chính là con đường khiến cho con người lạc mất chính tương lai của mình: chọn trước đích đến và rồi lạc mất đường đi. Con người ta sẽ chết dần đi, hoặc sẽ từ từ biến thành cỗ máy.
Trong khi đó sự định hướng mang nguyên hơi thở của cuộc sống, ngay chính tại giây phút mà cuộc sống của con người diễn ra. Nó không có khái niệm gì về tương lai, cũng không biết gì về quá khứ, nhưng nó đập rộn rã, nó dao động, ngân nga, vang vọng mãi. Để từ trong khoảnh khắc vang vọng thế này, những khoảnh khắc tiếp sau sẽ bật ra nối tiếp. Không phải là do một quyết định nào đó trong quá khứ, mà chỉ bởi vì ta đã sống và đã sống quá trọn vẹn  trong khoảnh khắc này; cũng bởi chúng ta yêu giây phút này nồng nhiệt quá, cho nên những giây phút tiếp sau cũng sẽ từ khối nồng nhiệt ấy mà sản sinh ra. Tất cả những điều ấy sẽ làm nên chỉ dẫn cho mỗi con người. Và sự chỉ dẫn này không phải do chúng ta đưa ra, không khiên cưỡng, mà rất đỗi tự nhiên.
Chúng ta không thể nào quyết định sự chỉ dẫn ấy cho mình, chỉ có thể tận hưởng từng phút giây ta được sống. Sống trọn vẹn với nó, và thế là sự chỉ dẫn sẽ tự nó bật ra. Nếu như chúng ta nhảy múa trong giây phút này, thì giây phút tiếp theo sẽ là một điệu nhảy quyến rũ hơn. Đừng quyết định, mà hãy khiêu vũ trong cuồng nhiệt. Chúng ta đã thiết lập nên một sự chỉ dẫn, chứ không lôi kéo và lèo lái. Giây phút tiếp theo và tiếp tiếp theo, điệu nhảy sẽ ngày càng nồng nàn và quyến rũ.
Đích đến trong tương lai là do chính trí óc con người ta quyết định, còn sự định hướng có được nhờ sự sống. Đích đến kia nằm trong tư duy logic: có người muốn trở thành bác sĩ, có người lại muốn trở thành kỹ sư, người khác muốn làm nhà khoa học, hoặc là một chính trị gia. Có người muốn giàu có và nổi tiếng; đó là đích đến của họ. Vậy thì đâu là định hướng? Đó là khi con người ta sống với đức tin sâu sắc mà cuộc sống là người định đoạt. Con người ta sống trọn vẹn tới mức sự trọn vẹn ấy giải phóng biết bao nhiêu tươi trẻ, quá khứ tan đi còn tương lai hối hả hình thành. Có điều là không phải chúng ta đúc ra hình khối ấy, chúng ta chỉ có thể thu nhặt nó mà thôi.
Rinzai, một thiền sư, đang nằm trên giường vào phút lâm chung. Có người hỏi ông, “Thưa thầy, mọi người muốn biết rằng sau khi thầy đi, thầy có muốn dạy lại điều gì? Thầy đã giảng dạy rất nhiều điều, đã nói rất nhiều điều mà chúng con khó có thể cô đọng lại. Trước lúc đi xa, xin thầy hãy tóm gọn lại trong đôi ba câu chữ để chúng con có thể lưu giữ lời ngọc ý vàng. Và để khi nào có người muốn học hỏi từ thầy, chúng con cũng có thể truyền cho họ những điều cốt lõi.
Khi chết, Rinzai mở to mắt, hét một tiếng “Thiền” thật lớn, như tiếng gầm sư tử! Tất cả mọi người đều sốc! Không ai ngờ được rằng con người sắp chết ấy lại có thể có nhiều năng lượng tới vậy. Ai nấy đều bất ngờ. Con người đó đúng là không thể nào đoán định, thực rõ ràng lúc nào cũng thế, nhưng ngay cả khi biết điều đó, mọi người chung quanh cũng không thể tưởng tượng được một cái chết nào tương tự. Mới lúc trước, ông còn gầm lên như sư tử, và trong khi mọi người còn đang sửng sốt, lẽ tất nhiên trí óc họ đều ngưng lại vì ngạc nhiên thì Rinzai quay trở lại nói, “Là đây,” nhắm mắt lại và ra đi mãi mãi.
Là đây…
Khoảnh khắc này, khoảnh khắc chìm trong im lặng, khoảnh khắc mà tư tưởng không thể quấy rầy, sự thinh lặng bao bọc nỗi ngạc nhiên, tiếng gầm của con sư tử vượt lên trên cái chết, là đây.
Vâng, sự chỉ dẫn đến từ nhịp sống của khoảnh khắc này. Nó không phải là thứ nằm trong kế hoạch hay dự định. Nó xảy đến, mơ hồ và huyền hoặc mà con người ta không bao giờ có thể chắc chắn được điều gì. Đó là lí do tôi nói rằng nó gần với thơ hơn, chứ không như tư duy logic, nó giống với nghệ thuật hơn là khoa học. Và đó chính là vẻ đẹp của nó, không xác định, nó không cụ thể như một giọt sương mai đọng trên lá cỏ, đang trượt đi không biết là tới đâu và tại vì sao. Trong một buổi sớm dưới ánh nắng mai, hãy thử trượt dài trên lá cỏ.
Sự chỉ dẫn thực sự rất đỗi tinh tế, thanh tú và mong manh.
Đích đến thuộc về bản ngã; còn sự định hướng thuộc về sự sống, sự tồn tại.
Để sống được trong thế giới của sự định hướng này, con người ta cần phải có niềm tin vô cùng lớn, vì họ sẽ vận động mà không có gì bảo vệ, chuyển động trong bóng đêm mù mịt. Song bóng tối cũng có những nỗi sợ hãi đang rung lên trong nó: không bản đồ, không chỉ dẫn từ bên ngoài, chúng ta đang mải miết chuyển động trong một vùng thăm thẳm những điều chưa hề biết. Mỗi bước chân đi là một khám phá, không chỉ là những khám phá của con người ta về thế giới bên ngoài. Ngược lại, thế giới bên ngoài cũng đang khám phá ngược trở lại chúng ta.
Rõ ràng là người khai phá ấy không chỉ đang đi tìm hiểu những thứ quanh mình, trên thực tế, anh ta đang không ngừng phát kiến những điều mới mẻ còn chưa được lật mở bao giờ, cũng là đang lật mở chính mình. Mỗi một cuộc thám hiểm điều là một cuộc thám hiểm phần nội tại của mỗi người. Càng biết nhiều, chúng ta càng hiểu thêm về những người làm chủ tri thức, càng yêu thương nhiều, chúng ta càng biết hơn về những người đang nắm giữ tình yêu.
Tôi không có ý hoạch định cho mọi người một đích đến, tôi chỉ mong muốn có thể mang đến một sự chỉ dẫn, đánh thức, và thúc giục rộn ràng cuộc sống cùng những điều mới mẻ chưa biết tới, luôn gây ngạc nhiên và dường như không thể nào đoán định nổi. Tôi không định vẽ ra một cái bản đồ, tôi chỉ muốn đưa ra một cách tiếp cận tuyệt vời để chúng ta cùng khám phá.
Vâng, đâu cần tới một cái bản đồ, chỉ cần đam mê, khát khao mãnh liệt. Và rồi tôi sẽ để cho mọi người tự mình đi tiếp. Chúng ta tự bước trên con đường của riêng mình, bước vào chốn bao la không bờ bến, và từ từ, chúng ta sẽ xây dựng được lòng tin. Hãy trao cả cuộc đời ta cho cuộc sống. Con người một khi đã có lòng tin, một khi vẫn biết rung động dù đứng bên bờ cái chết, sẽ có được tiếng gầm của con sư tử. Thậm chí khi đang chết dần, bởi lẽ ông biết rằng chẳng có cái gì là chết cả - thì trong cái thời điểm bước sang thế giới bên kia, vẫn có thể nói ‘là đây’.
Bởi mỗi khoảnh khắc, là đây - đó có thể là sự sống, có thể là cái chết, có thể thành công, cũng có thể là thất bại, có thể hạnh phúc lại cũng có thể là bất hạnh.
Mỗi khoảnh khắc… đều là đây.
Hết quyển “Trực giác” Quay về Mục lục

Ads Belove Post