Read more
Osho – Trực
giác
Chương 12. Tìm
người dẫn đường tự bên trong
Chúng ta đều có một người dẫn đường ở bên
trong chính mình, có điều là chúng ta không dùng tới mà thôi. Và thực tế là đã
có quá nhiều người bỏ quên nó từ lâu, lâu tới nỗi chính chúng ta cũng không còn
nhận ra rằng đang có một người dẫn đường tồn tại trong mình.
Tôi đã đọc cuốn sách của Castaneda.
Thầy của ông ta, tức là Đông Gioăng đã gợi ý cho ông tiến hành một thí nghiệm.
Đó cũng là một trong thí nghiệm cổ xưa nhất. Vào một đêm tăm tối, trên một con
đường đồi hiểm trở không một ánh đèn, người thầy nói với Castaneda rằng, “Con
hãy chỉ đặt niềm tin từ tiếng nói bên trong mình và chạy đi nào.” Thật là nguy
hiểm. Con đường đồi ấy với Castaneda hoàn toàn xa lạ, đầy cây cối, bụi rặm và vực
thẳm. Castaneda có thể ngã nhào xuống ở bất cứ chỗ nào. Thậm chí đi qua đây vào
ban ngày, ông cũng phải dò từng bước một, trong khi đêm tối đang bủa vây mịt
mù. Ông không nhìn thấy bất cứ thứ gì, còn thầy ông thì giục giã, “Đừng có đi,
mà hãy chạy!”
Castaneda không tin vào tai
mình nữa! Như thế có khác nào tự tử. Ông lo sợ - nhưng thầy ông chạy trước. Thầy
của Castaneda biến mất trong bóng tôi như một con thú hoang, rồi chạy lại. Ông
không tài nào hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. Không chỉ lúc thầy ông chạy trong
bóng tối, mà cả lúc ông ấy chạy đối diện với Castaneda, như thể người thầy ấy
có thể nhìn thấu bóng đêm. Dần dần, Castaneda cũng có đủ dũng khí. Nếu như một
người lớn tuổi như thầy có thể làm được thì tại sao ông lại không? Ông đã thử cố
gắng, dần dần, ông cảm nhận được dường như đang có một tia sáng đang tới từ bên
trong mình. Và ông chạy.
Chúng ta chỉ có thể như thế, chừng
nào chúng ta ngừng suy nghĩ. Giây phút mà chúng ta ngừng mọi suy nghĩ, cái bên
trong sẽ lên tiếng. Không suy nghĩ, mọi thứ đều vẫn ổn, như thể đang có một người
dẫn đường nào đó bên trong đang cất tiếng. Lí trí đã khiến cho ta bị lạc đường.
Và sự chỉ dẫn sai lầm nghiêm trọng nhất không gì khác mà chính là chúng ta đã
không đặt niềm tin vào người dẫn đường đang tồn tại bên trong mình.
Trước hết, đó là do chúng ta cứ
phải thuyết phục lí trí của mình. Ngay cả khi người dẫn đường bên trong chúng
ta thúc giục, “Tiến lên đi!” thì chúng ta vẫn phải mất thời gian thuyết phục,
cho nên chúng ta bở lỡ mất cơ hội của mình. Cũng bởi vì những khoảnh khắc như
thế… ta có thể chớp lấy mà cũng có thể để vuột đi. Trí năng bao giờ cũng cần có
thời gian, và trong khi chúng ta còn mãi cân nhắc, suy tính, nghĩ ngợi thì khoảnh
khắc ấy vụt qua. Cuộc sống không chờ đợi bất cứ ai. Mỗi người đều phải biết chớp
lấy để sống trong từng khoảnh khắc. Mỗi người đều phải trở thành một chiến binh
thực thụ, giống như người ta nói trong Thiền; vì khi tuốt gươm ra chiến đấu, đầu
óc con người sẽ chẳng còn chỗ cho suy nghĩ, người ta cứ vung, cứ chém mà chẳng
có ý nghĩ gì mảy may xuất hiện.
Các thiền sư vẫn thường sử dụng
thanh kiếm giống như một thủ thuật trong thiền định. Theo họ thì ở Nhật Bản, nếu
như hai thiền sư đều là những bậc uyên thâm giao chiến với nhau bằng kiếm, thì
cuộc chiến ấy không bao giờ kết thúc. Không ai có thể thắng mà cũng chẳng có ai
bại, bởi lẽ cả hai đã tách mình khỏi suy nghĩ. Thanh kiếm không phải đang trong
tay họ, mà là trong tay của những người chỉ dẫn bên trong con người họ. Người dẫn
đường ấy không bị vướng bận bởi tư duy, cho nên ngay khi đối phương còn chưa kịp
tấn công, người ấy đã biết và đề phòng từ trước. Nếu cứ để cho trí óc con người
suy tính thì chẳng còn thời gian đâu để nghĩ ngợi và quyết định. Trong khi đó
thì đối phương đang nhằm ngực ta đâm tới. Chỉ một chớp, một khoảnh khắc vô cùng
ngắn ngủi, thanh kiếm của đối phương đã có thể xuyên thủng trái tim của chiến
binh. Không hề có thì giờ để mà nghĩ tới điều đó, hay là nghĩ tới chuyện sẽ phải
đáp trả thế nào. Khi ý nghĩ ‘đâm vào
tim’ đến với đối phương thì đồng thời ý nghĩ ‘phòng thủ’ cũng xuất hiện bên trong
ta, ngay lập tức và không chần chừ một giây khắc nào, và lúc đó chúng ta chỉ có
thể hành động phòng thủ mà thôi. Nếu không thì chúng ta chẳng còn sống mà bàn
tiếp.
Cho nên các thiền sư này, về
sau truyền dạy kiếm đạo như một phép thiền, và họ cho rằng, “Hãy giao phó hoàn
toàn bản thân mình cho người chỉ dẫn bên trong, đừng mảy may suy tính. Hãy để
cho phần bên trong ấy thực hiện tất cả những gì xảy ra với nó. Đừng lấy trí óc
chúng ta ra làm vật cản đường.” Đây mới là vấn đề phát sinh vì con người ta vốn
đã được huấn luyện kĩ lưỡng để làm việc với trí óc. Trường học, trường nghề, giảng
đường đại học, tổng thể nền văn hóa, toàn bộ những khuôn mẫu của xã hội văn
minh đang hợp sức nhau cùng lèo lái cái đầu của chúng ta. Mối liên lạc với người
dẫn đường từ bên trong đã bị cắt đứt. Khi sinh ra ai cũng có cho mình một người
để dẫn đường, nhưng người dẫn đường ấy đã bị chèn ép, bị tước đoạt mất quyền được
hoạt động, được thể hiện và thực hiện các chức năng diệu kì vốn có. Tiềm năng ấy
của con người dường như đã bị quặt què thui chột, nhưng nó vẫn có thể được phục
hồi và được tái sinh.
Đừng mải miết suy nghĩ bằng cái
đầu. Hãy thực sự gạt bỏ mọi suy nghĩ ra khỏi con người chúng ta. Và thực hiện
bước chuyển. Hãy thử làm thế trong một số tình huống cụ thể xem sao. Có lẽ sẽ rất
khó vì thói quen cũ lúc nào cũng hướng ta về một cơ chế tư duy nhất định, trước
mọi vấn đề gặp phải. Điều quan trọng là phải gạt bỏ thói quen ấy, hãy cảnh giác
cao độ và cảm nhận những gì đang tới bằng những gì đang có từ trong sâu thẳm
con người mình. Có thể ban đầu, chúng ta dễ bị nhầm lẫn và không phân biệt được
đâu là cảm giác tới từ người dẫn đường trong nội tại, đâu là thứ xuất phát từ bề
mặt của trí óc chúng ta; nhưng chẳng bao lâu, chúng ta sẽ biết cảm nhận ấy, sự
khác biệt thực sự là thế nào.
Khi phần nội tại đem tới cho
con người đôi lời chỉ dẫn nào đó, những lời chỉ dẫn ấy sẽ đến với ta theo con
đường từ rốn trở lên trên. Chúng ta có thể cảm nhận được dòng chảy, sự ấm áp ấy
rất đỗi rõ rệt dịch chuyển từ rốn đi lên. Nếu bị hoạt động trí óc, các hoạt động
thuộc về phần bề mặt – chen ngang, dòng chảy ấy sẽ phải cuộn xuống. Nếu trí óc
chúng ta quyết định vấn đề, đương nhiên chúng ta phải ghìm những mạch nguồn này
lại. Còn nếu người dẫn đường bên trong được quyền ra quyết định, những bong
bóng bên trong sẽ vỡ òa. Nó xuất phát từ phần cốt lõi sâu thẳm bên trong sự tồn
tại của mỗi người và tiến thẳng về trí óc. Nhưng dù trí óc có đón nhận thì dòng
chảy ấy vẫn không thuộc về trí óc của chúng ta. Nó tới từ một nơi nào đó bên
ngoài, và chính vì thế mà trí óc ta thấy sợ. Có những nguyên cớ để mà nghi ngại:
đó là vì nó xuất phát từ phía đằng sau, không căn nguyên, không bằng cứ để chứng
minh. Nó chỉ dâng lên và bùng nổ.
Hãy thử điều này trong một vài
tình huống nhất định xem sao. Chẳng hạn như khi lạc đường trong rừng rậm hoang
vắng. Đừng có suy nghĩ. Hãy nhắm mắt lại, ngồi xuống, thiền định và gạt bỏ mọi
tư duy. Nếu như mọi suy nghĩ đều vô ích thì chúng ta còn nghĩ ngợi để làm gì?
Tôi không biết nữa, nhưng dường như thói quen suy nghĩ đã ăn sâu bám rễ vào con
người ta tới mức ngay cả trong những lúc mà suy nghĩ không đưa ra được giải
pháp nào, thì con người vẫn cứ mải mê suy nghĩ. Quá trình tư duy chỉ có thể
nhào nặn những gì đã biết, đã quen thuộc để cho ra sản phẩm.
Những khi bơ vơ giữa rừng
hoang, không bản đồ, không có người để hỏi, thì ta có thể nghĩ tới cái gì? Thế
mà con người ta vẫn cứ suy nghĩ đấy. Mọi suy nghĩ lúc bấy giờ chỉ còn là nỗi lo
lắng, chứ không còn nguyên dạng nữa. Mà con người ta càng lo lắng, người dẫn đường
bên trong càng khó thực hiện nhiệm vụ của mình.
Đừng lo lắng. Hãy chọn một bóng
cây, ngồi xuống, và để cho trí não hoàn toàn ngơi nghỉ và lắng đọng. Chờ đợi mà
không suy nghĩ. Tôi muốn nhắc lại là đừng tạo ra thêm rắc rối, thay vào đó hãy
ngồi yên chờ đợi. Rồi khi ta cảm thấy có một khoảnh khắc nào đó suy nghĩ dường
như biến mất, thì hãy đứng dậy và bắt đầu di chuyển. Để cho cơ thể đi tới bất
kì nơi nao nó muốn. Chúng ta hãy xem như mình là người chứng kiến thay vì cắt
ngang những hành động ấy. Chính ta sẽ tìm lại đường đi một cách dễ dàng với điều
kiện duy nhất: đừng để cho suy nghĩ chen ngang.
Trên thực tế, chuyện này xảy ra
khá nhiều lần nhưng chúng ta không hề để ý. Các nhà khoa học cũng nói rằng, mọi
khám phá lớn lao trong khoa học đều có được nhờ vào người chỉ dẫn từ bên trong,
chứ không phải nhờ vào trí óc.
Một khi trí óc đã rơi vào tình
trạng cạn kiệt và bất lực, thì nó cần phải được nghỉ ngơi. Khi đó, người dẫn đường
bên trong sẽ đảm nhiệm trách nhiệm lần ra manh mối, dò tìm mạch ngầm và phát hiện
chìa khóa mở toang các vấn đề rắc rối. Nhà khoa học đoạt giải Nobel về việc tìm
ra cấu trúc gen của con người, đã có được phát kiến này trong một giấc mơ.
Trong giấc mơ ấy, ông ta đã nhìn thấy rõ mồn một cấu trúc gen của con người; và
sáng hôm sau khi thức dậy, ông chỉ còn phải làm một việc duy nhất là tái hiện lại
hình ảnh mình đã từng thấy đêm qua. Chính bản thân ông cũng không thể tin được
rằng những gì mình mơ thấy là sự thực, cho nên sau đó, ông đã dày công nghiên cứu
suốt nhiều năm trời, và cuối cùng, cũng đưa ra một kết luận rằng cái cấu trúc
kia là hoàn toàn đúng đắn.
Bà Curie cũng đã từng muốn tìm
hiểu quy trình dẫn tới những chỉ dẫn tinh thần từ bên trong ấy, cho nên, bà quyết
định tiến hành thử nghiệm. Lần ấy gặp phải một vấn đề phức tạp chưa có lời giải,
bà tự nhủ, “Tại sao phải lo lắng nhỉ? Tại sao mình không thử xem sao? Chỉ cần
ngủ một giấc.” Và đúng là bà đã ngủ rất ngon, nhưng chẳng có phát hiện nào đến
cả. Bà hơi nghi ngại. Sau đó, nhà bác học nữ này còn thử rất nhiều lần. Cứ mỗi
khi xảy ra vấn đề gì, bà lại đi ngủ một giấc, nhưng trong những giấc ngủ ấy, bà
không thể tìm lại được điều kì diệu đã từng xảy đến.”
Có một điều mà bà Curie chưa biết
tới; đó là muốn giải pháp có thể bùng nổ như bong bóng thì trước hết, trí năng phải
dốc hết sức của nó nhằm giải quyết vấn đề rắc rối. Một khi cái đầu còn chưa cạn
kiệt khả năng thì nó vẫn còn tiếp tục thực hiện chức năng của mình, ngay cả ở
trong mơ.
Cho nên ngày nay, khi các nhà
khoa học nhận định rằng các phát kiến vĩ đại đều là sản phẩm của trực giác chứ
không phải của trí tuệ, thì điều đó có nghĩa là các phát kiến này đều được người
dẫn đường bên trong chúng ta mách bảo.
Hãy rời khỏi cái đầu và bước
theo lời chỉ dẫn của người dẫn đường giấu mặt ấy. Tất cả vẫn đang chờ đợi con người
chúng ta khám phá. Những cuốn kinh thánh cổ có nói tới những bậc thầy, hoặc là
nói tới các guru (những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng đạo
Hindu), ở đây nói tới những guru ‘ở bên ngoài’, có thể trợ giúp hữu hiệu cho
con người trong công cuộc đi tìm kiếm và tìm thấy một guru ở bên trong chính
mình. Và một khi đã tìm thấy guru ở bên trong rồi, thì vai trò của guru bên
ngoài trở nên thừa thải.
Con người ta không thể nào vươn
tới chân lí nhờ sự giúp đỡ của một bậc thầy nào đó, mà chỉ có thể tìm thấy một
bậc thầy bên trong mình nhờ vào người thầy ấy mà thôi; đề rồi từ đó, người thầy
bên trong sẽ dẫn dắt ta vươn tới chân lí mà chúng ta đang kiếm tìm. Người thầy
bên ngoài cũng chỉ là người đại diện, người thay thế trong chừng mực. Họ cũng
có một người thầy bên trong riêng cho mình, và họ có thể cảm nhận được người thầy
bên trong của chúng ta, bởi lẽ hai người thầy ấy đều tồn tại với cùng một bước
sóng, tức là tồn tại với cùng tần số và cùng chiều với nhau.
Chẳng hạn như, nếu tôi đã tìm
thấy được người dẫn đường bên trong mình, thì tôi đồng thời cũng có thể nhìn
vào anh và cảm nhận rõ ràng sự có mặt của người dẫn đường bên trong con người
anh. Và khi đó, tôi thực sự đã trở thành một người hướng dẫn để chỉ cho anh
cách thức tìm ra người dẫn đường bên trong chính bản thân mình. Đến khi nào anh
đã bắt liên lạc được với người dẫn đường bên trong của mình rồi, thì sự chỉ dẫn
của tôi thực sự không còn cần thiết, và khi đó anh hoàn toàn có thể tiến bước
mà không cần tới sự giúp đỡ của bất kì ai.
Bởi vậy, tất cả những gì mà một
guru có thể làm chỉ là đưa con người ta dịch chuyển từ trên đầu xuống cuống rốn,
từ lí trí sang động lực trực giác, từ tư duy tranh luận sang tâm thế hướng tới
sự tin tưởng. Và trên thực tế thì điều này không chỉ đúng với mỗi loài người,
nó còn đúng với động vật, chim muông, cỏ cây và với tất cả mọi thứ. Sự tồn tại
của người dẫn đường bên trong mỗi con người là hoàn toàn có thật; đó là nguyên
nhân đem đến những phát kiến vĩ đại bấy lâu nay.
Có rất nhiều trường hợp, chẳng
hạn như, con cá mẹ chết ngay sau khi đẻ trứng, sau đó con cá đực thụ tinh cho
đám trứng, thụ tinh xong nó cũng sẽ chết. Đám trứng dật dờ trong nước trong
tình cảnh không có cả cha lẫn mẹ. Khi trứng tới thời kì nở, một con cá con mới
ra đời, nhưng nó không biết một chút gì về cha mẹ của nó, cũng không biết nó từ
đâu mà có trên đời. Nhưng dù có sống ở vùng biển nào đi nữa thì con cá cũng tìm
được đường quay về vùng biển nơi cha mẹ nó đã tới để đẻ trứng. Con cá sẽ tìm về
nguồn của nó. Hành trình này cứ lặp đi lặp lại, cho tới khi nó đẻ trứng, khi đó
nó sẽ lại quay về bờ biển cũ, đẻ trứng, và kết thúc cuộc đời ở đó.
Rõ ràng là không hề có cuộc
trao đổi nào giữa cha mẹ và con cái, nhưng những đứa con, bằng cách nào đó, vẫn
biết rằng chúng phải đi đâu, phải về đâu để tìm lại cội nguồn, và điều đáng ngạc
nhiên là chúng chẳng bao giờ bị lạc đường. Dù cho có cố thì chúng ta cũng sẽ
không thể đánh lạc hướng chúng. Việc này đã được thử nghiệm, nhưng không thành,
và lũ cá con vẫn cứ tìm về đúng cội nguồn của chúng. Thế lực bên trong nào đó
đang lên tiếng dẫn đường cho chúng.
Ở nước Nga Xô Viết, người ta tiến
hành thí nghiệm với mèo, thỏ, và nhiều loại động vật nhỏ khác. Một con mèo mẹ bị
tách rời khỏi đàn con của nó, lũ mèo con bị mang xuống nuôi dưới lòng biển sâu.
Mèo mẹ không thể biết được chuyện gì đang xảy ra với lũ con của nó. Người ta gắn
đủ các loại thiết bị khoa học lên người con mèo mẹ để đo xem tâm trí và trái
tim nó sẽ bị tác động như thế nào. Rồi người ta giết một đứa con của nó tận dưới
biển sâu. Lạ lùng thay, ngay lập tức con mèo mẹ cảm nhận được chuyện chẳng lành
đến với đàn con. Nhịp tim của nó thay đổi. Nó trở nên bồn chồn và lo lắng. Nhịp
tim mèo mẹ tăng lên rõ rệt ngay khi đứa con bị giết. Và các thiết bị khoa học
thì cho biết rằng con mèo mẹ đã cảm thấy rất đau. Một thời gian sau, khi mọi
chuyện trở về trạng thái bình thường, người ta giết tiếp đứa con thứ hai, những
biến đổi của con mèo mẹ lại lặp lại. Đến đứa con thứ ba, mọi chuyện cũng hoàn
toàn tương tự. Những biến đổi ấy diễn ra bất cứ khi nào mèo con bị giết, chính
xác là cùng một thời điểm, không hề có một chút chênh lệch nào về thời gian. Vậy
thì rốt cuộc, chuyện gì đang xảy ra đây?
Các nhà khoa học giải thích rằng
con mèo mẹ có một người chỉ dẫn ở bên trong, một trung tâm cảm nhận từ trong
sâu thẳm, và cái trung tâm ấy đã hòa nhập làm một cùng với những đứa con của nó
dù cho chúng có ở chỗ nào đi nữa. Cho nên, mèo mẹ ngay lập tức có thể cảm nhận
được sợi dây ngoại cảm. Trong khi đó, các bà mẹ của loài người dường như không
có khả năng cảm nhận được nhiều lắm. Có chăng chỉ là một chút bồn chồn, lẽ ra
thì phải khác chứ nhỉ: các bà mẹ ấy còn có mối liên hệ với những đứa con họ nhiều
hơn như thế chứ? Nhưng họ không thể, là bởi vì cái đầu của con người đã giành lấy
hết tất cả, chỉ còn lại phần trung tâm tinh thần đang nằm què quặt bên trong.
Bất cứ khi nào đứng trong một
tình thế làm cho ta khó khăn, bối rối mà không biết tìm cách nào để vượt qua
thì hãy dừng suy nghĩ lại; hãy bước sâu vào trạng thái không vướng bận bởi suy
nghĩ và để cho người dẫn đường bên trong chúng ta đứng ra dẫn lối. Ban đầu, có
thể mọi người sẽ thấy sợ hãi hoặc là thấy không an toàn. Nhưng chẳng bao lâu
sau, khi mà ta thấy rõ rằng mọi giải pháp mà người chỉ dẫn ấy đưa ra đều thật
tuyệt vời, và lần nào ta cũng mở toang được cánh cửa ta hằng muốn mở, thì chắc
chắn mọi người sẽ có đủ mạnh dạn và trở nên tin tưởng vào người chỉ dẫn ấy.
Sự thông thái do con tim mang lại, chứ không xuất phát từ
trí năng của con người. Sự thông thái ấy đến từ phần sâu thẳm nhất trong sự tồn
tại của chúng ta, nơi cái đầu chẳng thể nào với tới. Hãy cắt bỏ cái đầu đi, thử
sống không đầu, và đi theo chỉ dẫn của sự sống tới bất kì chỗ nào nó đưa ta tới.
Ngay cả khi nó dẫn ta vào nguy hiểm, hãy cứ bước theo, vì nó có thể là đường dẫn
tới những nấc thang tốt đẹp hơn cho chúng ta và cho sự phát triển của chúng ta.
Hãy đi theo nó, hãy tin tưởng nó, và chuyển động cùng với chuyển động của nó.