Read more
NGHE OSHO LÀ
THIỀN - Tôn giáo: Sự xa hoa cuối cùng
Chỉ khi một xã hội trở nên giàu
có thì tôn giáo mới trở nên ý nghĩa. Và hiện nay, lần đầu tiên phần lớn nhân loại
không còn nghèo nữa. Đặc biệt nước Mỹ là xã hội đầu tiên trong lịch sử loài người
đạt tới sự giàu có đó. Trở nên tôn giáo hoặc trở nên quan tâm đến câu hỏi tối
thượng của cuộc đời, con người cần được thực sự thỏa mãn tất cả những mong muốn
và nhu cầu tầm thường.
Với tôi, một xã hội nghèo không
thể là tôn giáo. Ấn Độ là tôn giáo chỉ khi nó đạt tới đỉnh cao của sự thịnh vượng.
Ví dụ, trong thời kỳ của Phật, Ấn Độ giống như nước Mỹ ngày nay. Trong thời kỳ
đó, Ấn Độ là vùng đất giàu có nhất. Tôn giáo mà chúng ta có ở Ấn Độ ngày nay chỉ
là phần còn lại của những ngày đó.
Có sự khác biệt cơ bản giữa tôn
giáo của người giàu và tôn giáo của người nghèo. Nếu người nghèo trở nên quan
tâm đến tôn giáo thì đó sẽ chỉ là sự thay thế. Thậm chí nếu người nghèo cầu
nguyện Thượng Đế thì họ cũng sẽ cầu xin những lợi ích kinh tế; rắc rối cơ bản của
con người sẽ hãy còn chưa xuất hiện vì ngài. Cho nên Marx đã đúng khi ông nói rằng
tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Điều ông ấy nói toàn hoàn chính xác với
người nghèo: họ không thể có những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống của họ, cho nên
họ thay thế bằng cầu nguyện, thiền, yoga và tôn giáo của họ. Nhưng đối với người
giàu thì có sự thay đổi cơ bản về tầm mức. Bấy giờ họ không yêu cầu những lợi
ích kinh tế, họ yêu cầu ý nghĩa của cuộc đời.
Krishna, Mahavira, Phật, hai
mươi bốn vị tirthankara của Jain, hai mươi bốn vị hóa thân của Hindu đều là những
người giàu có: sinh ra trong gia đình hoàng gia, con trai của các vị vua. Đó là
một trong những khác biệt giữa tôn giáo Ấn Độ với nhiều tôn giáo trên thế giới.
Những gì tôi đang nói là người nghèo có thể trở thành tôn giáo, nhưng xã hội
nghèo không thể trở nên tôn giáo. Một người giàu không cần thiết phải là tôn
giáo, nhưng một xã hội thịnh vượng sẽ trở nên thèm khát tôn giáo. Thời điểm mà
xã hội trở nên giàu có thì những rắc rối mới nảy sinh. Những rắc rối đó không
liên quan đến những thể chất và những nhu cầu vật chất; chúng mang tính tâm lý
nhiều hơn.
Nếu người nghèo đổ bệnh thì bệnh
tật ít nhiều cũng liên quan đến cơ thể. Nếu người giàu đổ bệnh thì bệnh tật ít
nhiều cũng liên quan tới tâm trí. Những nhu cầu của tâm trí bạn nảy sinh lần đầu
khi nhu cầu của cơ thể bạn được thỏa mãn. Tôn giáo là nhu cầu của tâm trí mà
không phải của cơ thể. Chính vì vậy mà thú vật có thể sống không cần tôn giáo,
nhưng con người thì không thể - tâm trí đã lên nắm quyền.
Khi bạn giàu có, chín mươi chín
phần trăm mối quan tâm của bạn là bởi tâm trí. Một cá nhân giàu có thể không là
tôn giáo, và một cá nhân nghèo khó có thể là tôn giáo, nhưng toàn bộ một xã hội
nghèo thì có thể có tôn giáo chỉ như là sự thay thế cho sự sung túc về kinh tế.
Sự cầu nguyện của nó là không đích thực bởi vì sự cầu nguyện đó cố đòi hỏi để
có được một cái gì đó.
Ở nước Mỹ tôn giáo sẽ trở nên rất
quan trọng và ý nghĩa - Nước Mỹ và tất cả các nước khác đang trở nên ngày càng
thịnh vượng hơn hàng ngày. Trong thời gian tới chủ nghĩa cộng sản sẽ trở nên ý
nghĩa ở những quốc gia nghèo, tất cả những quốc gia nghèo sẽ trở thành cộng sản.
Và tôn giáo sẻ trở nên ý nghĩa ở những quốc gia giàu.
Đúng vậy - bởi vì chỉ một người
giàu mới có thể đến với tôi. Nhưng khi tôi nói một người “giàu,” tôi ngụ ý hai
loại người giàu. Loại thứ nhất, là người chỉ “giàu” vật chất, nhưng rất nghèo
bên trong - anh ta có mọi thứ mà thế giới có thể ban cho, và đã thấy rằng nó vô
dụng. Loại thứ hai, là người “giàu” trí tuệ, dù nghèo về vật chất.
Vâng, chỉ một người “giàu” (vật
chất, hoặc trí tuệ) mới có thể trở nên tôn giáo. Tôi không đang nói rằng, một
người nghèo vật chất không thể trở nên tôn giáo, nhưng điều đó thì hiếm hoi,
ngoại lệ – anh ta phải “giàu” trí tuệ. Một người nghèo tiếp tục hy vọng. Một
người nghèo chưa biết của cải là cái gì, anh ta chưa bị phẫn chí vì nó. Làm thế
nào anh ta có thể vượt lên của cải nếu anh ta không bị nó làm cho phẫn chí ? Một
người nghèo đôi khi cũng đến với tôi, nhưng lúc đó anh ta đến để tìm một cái gì
đó mà tôi không thể cung ứng. Anh ta hỏi xin sự thành công. Con trai anh ta
đang thất nghiệp; anh ta yêu cầu, “ Xin hãy chúc phúc cho nó.” Vợ anh ta lâm bệnh,
hoặc anh ta đang sa sút trong việc làm ăn. Đây là những triệu chứng của một người
nghèo, một người đang cầu xin những điều của thế gian này.
Khi một người giàu đến với tôi,
anh ta có tiền bạc, anh ta có việc làm, anh ta có nhà cửa, có sức khỏe – anh ta
có mọi thứ mà một người có thể có. Và bỗng nhiên anh ta nhận thức rằng, không
có cái gì thành tựu. Rồi thì cuộc tìm kiếm bắt đầu.
Vâng, đôi khi một người nghèo
cũng có thể là tôn giáo, nhưng để có điều đó, cần đến một trí tuệ lớn. Một người
giàu, nếu anh ta không tôn giáo, là kẻ ngu xuẩn. Một người nghèo, nếu anh ta
tôn giáo, thì phải vô cùng thông minh. Nếu một người nghèo không tôn giáo, thì
anh ta có thể được tha thứ. Nhưng nếu một người giàu mà không tôn giáo, thì tội
lỗi của anh ta là không thể tha thứ được.
Nếu không nhờ có tiền bạc, thì
bạn đã không có mặt ở đây. Bạn ở đây, bởi vì bạn phẫn chí với tiền bạc của bạn.
Bạn ở đây bởi vì bạn phẫn chí với sự thành công của bạn. Bạn ở đây bởi vì bạn
phẫn chí với đời bạn. Một kẻ ăn xin không thể đến, bởi vì anh ta chưa bị phẫn
chí vì những thứ đó.
Tôn giáo là một sự “xa hoa”
(luxury) – tôi gọi nó là sự xa hoa tối hậu, bởi vì nó là giá trị cao nhất. Khi
một người bị đói, anh ta không thể bận tâm về âm nhạc – anh ta không thể. Và nếu
bạn bắt đầu chơi đàn sitar trước mặt anh ta, thì anh ta sẽ giết bạn. Anh ta sẽ
nói, “ Bạn đang sỉ nhục tôi! Tôi đang đói, thế mà bạn lại đang chơi đàn sitar –
phải chăng đây là lúc chơi đàn sitar? Trước hết, hãy cho tôi ăn! Và tôi quá
đói, tôi chẳng thể nào hiểu được âm nhạc. Tôi đang chết đói!” Khi một người
đang chết đói, thì có ích gì một bức họa của Van Gogh, hay một bài pháp của Phật,
hay những Upanisha đẹp đẽ, hay âm nhạc? Vô nghĩa. Anh ta cần bánh mì.
Khi một người đang hạnh phúc với
thân thể mình, có đủ ăn, có nhà tốt để ở, thì anh ta bắt đầu trở nên quan tâm đến
âm nhạc, thi ca, văn học, hội họa, nghệ thuật. Bây giờ một cơn đói khác nẩy
sinh. Những nhu cầu thể xác được thoả mãn, bây giờ, những nhu cầu tâm lý nẩy
sinh. Có một đẳng trật trong những nhu cầu: nhu cầu thứ nhất là cơ thể; nó là
cơ sở, nó là tầng móng của bản thể bạn. Không có tầng móng, thì tầng một không
thể hiện hữu.
Khi những nhu cầu thể xác của bạn
được thỏa mãn, thì những nhu cầu tâm lý khởi lên. Khi những nhu cầu tâm lý của
bạn được thỏa mãn, thì những nhu cầu tâm linh của bạn khởi lên. Khi một người
đã lắng nghe mọi âm nhạc mà có thể nghe được trên thế giới, và đã thấy tất cả
cái đẹp, và đã thấy rằng tất cả đó đều chỉ là một giấc mơ – đã lắng nghe tất cả
những nhà thơ lớn, và đã thấy rằng thi ca chỉ là một cách để tự quên mình, để tự
“gây say” (intoxicate) mình, nhưng nó không dẫn bạn tới đâu cả – đã thấy tất cả
những bức họa và nghệ thuật vĩ đại, thú vị, dễ chịu … rồi, sao nữa? Hai bàn tay
vẫn trống rỗng, càng trống rỗng hơn trước đây. Rồi âm nhạc và thi ca là không đủ.
Rồi cái ước muốn thiền định, cái ước muốn cầu nguyện, sự khao khát Thượng đế,
khao khát chân lý nẩy sinh. Một nỗi đam mê lớn xâm chiếm lấy bạn, và bạn bắt đầu
cuộc tìm kiếm chân lý bởi vì bạn biết: Trừ khi bạn biết đâu là cái chân lý huyền
bí nhất của vũ trụ, thì không có gì có thể thỏa mãn. Tất cả mọi thứ khác bạn đều
đã thử, và nó đã thất bại.
Tôn giáo là sự xa hoa tối hậu. Hoặc là bạn phải rất giàu để đến với sự xa hoa này, hoặc là bạn phải hết sức thông minh. Nhưng trong cả hai trường hợp, bạn đều giàu có – giàu tiền bạc hoặc giàu trí tuệ. Tôi chưa bao giờ thấy một người thực sự nghèo – nghèo trí tuệ, nghèo của cải – mà đã từng trở nên tôn giáo.
0 Đánh giá