Trí tuệ của tế bào – Phần 2

Trí tuệ của tế bào – Phần 2

Price:

Read more

Trí tuệ của tế bào – Phần 2
Bruce Lipton


Niềm tin điều khiển sinh hoạt cơ thể như thế nào?
(Tâm lý điều khiển sinh lý như thế nào?)
Vật lý học truyền thống xem cơ thể con người như một bộ máy gồm nguyên tử và phân tử hình thành, nhưng vật lý lượng tử lại thấy rằng ở bên dưới cấu trúc vật chất này chỉ có khí lực mà thôi. Nói cách khác, chúng ta là những khí thể đang tương giao với nhau trong trường lực. Cho nên, khi nói về sức khoẻ sự hiện diện của một thế giới vô hình cần được xét đến. Trong thế giới lượng tử, người ta chú tâm vào khí lực thay vì vật chất, bởi vì ta đang giao hoà và gắn bó với hằng hà sa số các chấn động lực. Khi tìm hiểu về sức khoẻ nếu chỉ chú ý đến phần xác thì ta sẽ bỏ sót phần khí lực, nếu chỉ chú ý đến cá nhân ta sẽ bỏ quên ảnh hưởng của môi trường. Chúng ta đang dần dần tiến đến tìm hiểu sự kiện vạn vật đồng nhất thể một cách nhất quán hơn.
Ngành vật lý lượng tử cũng chạm trán với một thế giới bất định. Ông Newton cho rằng chúng ta có thể xác định hết thảy mọi thứ, làm chủ mọi thứ, và khắc phục thiên nhiên. Nhưng chúng ta phải buông bỏ niềm tin vào thuyết tất định này mà trở về với khoa thần học tự nhiên. Thần học tự nhiên khuyên hãy cố gắng nhận ra nhịp vận hành của thiên nhiên để hoà điệu sống. Làm được như vậy chúng ta sẽ cải thiện được thế giới hôm nay cho khá hơn thế giới đã được tạo ra bởi thuyết tất định, thuyết đã đưa nhân loại và môi trường vào nơi tử lộ. Đây là hậu quả phải nhận lãnh, nhờ vậy ta hiểu được bản chất của trường lực, nó bao gồm mọi thứ từ thâm tâm cho đến tận biên cương vũ trụ. Ta là một thành phần của trường lực.
Từ vật vô tri, cho đến những sinh vật, đến tư tưởng đều là thành phần của trường lực. Mọi thứ đều đang phát ra khí lực. Khi một tư tưởng hoặc niềm tin hình thành là chúng ta đang dùng thần lực ở trong đầu phóng ra những làn sóng vào vùng trường lực, giống như một âm thoa đang phát sóng. Khoa học gia nhận thấy rằng nếu dùng từ lực đó của chúng ta phóng ngược trở lại vào đầu thì nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Muốn biết tại sao điều này lại có liên hệ đến đời sống và cơ học lượng tử thì ta phải quay trở lại câu nói của A. Einstein: ‘Trường lực là cơ chế duy nhất thống lãnh hạt tử.’ Nếu áp dụng điều hiểu biết này vào vùng trường lực do tư tưởng tạo ra, thì sẽ thấy được rằng tư tưởng có khả năng gây dựng nên dáng dấp cho các hạt tử để hình thành thế giới mà ta đang sống. Bỗng nhiên ta thấy rằng mình không phải là những vật thể rời rạc nhỏ nhoi đang di động chung quanh địa cầu mà là các đài phát sóng nho nhỏ đang xây dựng tướng mạo cho trường lực, và các hình bóng này góp phần tạo nên kinh nghiệm sống cho chúng ta.
Từ lâu người ta đã biết về hiện tượng ‘hiệu ứng đám đông’, khi một số rất đông người hội họp nhau mà có tư tưởng tương đồng, thì sẽ xuất hiện những biến cố lớn xảy ra trên thế giới. Chúng ta tham gia rất nhiều vào việc hình thành thế giới mình đang sống. Trong khi những biến cố lớn xảy ra do số đông người tạo nên, thì mỗi cá nhân cũng góp tư tưởng của mình vào việc hình thành hoàn cảnh nơi họ đang sống. Điều này rất quan trọng, bởi vì theo khoa vật lý nếu tư tưởng góp phần sáng tạo nên cuộc sống, thì ta nên khởi sự để ý đến nội dung những ý mình đang suy tư. Hiện nay các nhà vật lý học đã công nhận rằng những kiến giải của chúng ta hợp tác hình thành thế giới: thế giới mà ta nhận thức cũng chính là thế giới mà ta tạo ra. Hầu hết mọi người khó chấp nhận điều này.
Thật vậy, khi vật lý lượng tử bắt đầu được chấp nhận như là đường lối vận hành của vũ trụ, chính các khoa học gia cũng cảm thấy khó khăn. Hẳn họ nghĩ rằng, mặc dù mình thấy nó đúng trong thế giới vi mô, nhưng không thể nào đem chuyện kỳ cục này vào trong đời sống. Cho nên vào năm 1920, họ đã cố chấp đi đến quyết định giới hạn chuyện áp dụng khoa học lượng tử trong phạm vi hạt tử mà thôi, và dùng thuyết Newton để lý giải phần còn lại của thế giới. Đây là nguyên do tại sao môn sinh học vui vẻ chấp nhận thuyết Newton. Hiện nay chúng ta đã thấy công trình của các khoa học gia nổi tiếng cho rằng: kiến giải con người hình thành vũ trụ; con người phát ra từ trường, rồi từ trường mới tạo hình dáng cho các hạt tử. Như người Á châu thường nói: khi bạn nghĩ gì hay đòi cái gì thì nhất thiết sẽ nhận được cái đó. Đây không phải là sự trùng hợp, chúng ta đang tham gia trực tiếp và tích cực vào việc tạo hình dáng cho thế giới ta đang sống.

Sinh lý con người vận hành như thế nào?
Hãy nói về sinh lý để hiểu nó vận hành như thế nào. Xin bắt đầu với sự kiện là cơ thể được cấu tạo với nhiều tế bào, tế bào là những cơ quan do protein dựng nên. Có hơn 100,000 loại protein khác nhau, proteins là các phân tử có nhiều hình dạng phức tạp gần giống như các bánh xe răng ăn khớp với nhau trong guồng máy. Một số làm việc hít thở, một số làm việc tiêu hóa, số khác làm cho bắp thịt co bóp, v.v… Mọi chức năng của tế bào là do các protein tạo ra. Mẫu mã thiết kế của từng dạng protein là di thể, khi tôi cần đến dạng nào thì cứ lấy bản mẫu từ DNA, in ra phó bản gọi là RNA, rồi dùng phó bản RNA để tạo ra protein.
Trong sinh học, một tổ hợp cấu trúc protein được gọi là chu trình, như chu trình tiêu hóa, chu trình hô hấp… Khi quan sát sinh lý của cơ thể, tôi thấy chúng vận hành ăn khớp với nhau như một guồng máy và sự tương giao đó làm phát sinh ra đời sống. Đến đây tôi xin thông báo trước là tôi sẽ tiết lộ cho bạn biết về một bí mật của cuộc sống: sự vận động chính là điều bí mật của đời sống. Không có vận động thì không có sự sống, sự linh động là một nét khác biệt giữa sinh vật và vật vô tri. Cho nên vấn đề được đặt ra: sự vận động là gì và nó phát sinh ra như thế nào?
Các protein trông giống như một xâu chuỗi hạt châu kết dính liền nhau, mỗi hạt châu là một loại acid amin. Có tất cả 20 loại acid amin, mỗi loại có hình thù khác nhau. Vì vậy khi ta thay đổi thứ tự của acid amin trong xâu chuỗi thì hình dáng của protein cũng thay đổi. Đây là điều bí mật: trật tự kết nối của chuỗi acid amin cũng tương tợ như khi đan kiểu áo khác nhau người ta phải theo trật tự những mũi đan khác nhau. Giống như một cuộn chỉ đan tự động. Khi các acid amin kết nối lại thành xâu chuỗi thì nó hình thành một sợi chỉ protein, và sợi chỉ này tự động đan lại với nhau thành những hình thù khác biệt tùy theo trật tự kết nối của acid amin. Có tất cả 100,000 loại protein, mỗi loại protein có kích thước và thứ tự acid amin khác nhau, đặc tính này giúp protein hình thành các cơ tạng khác nhau.
Cơ thể một người vừa qua đời cũng có mọi đặc tính như cơ thể một người còn sống, nhưng lại thiếu cử động. Cho nên bí mật của sự sống không phải chỉ ở protein mà thôi. Protein xây dựng nên cấu trúc, nhưng cái gì làm cho cấu trúc này hoạt động? Dọc theo xâu chuỗi protein, có nhiều phân tử acid amin mang điện tích âm dương nhờ vậy mà các tín hiệu hoá học khác có thể gắn kết vào đó. Cấu trúc của protein tạo ra một vùng dành riêng để kết nối với các tín hiệu bổ sung của môi trường (như kích thích tố, thuốc men hay các chất sinh hoá khác). Khi một tín hiệu bổ sung kết hợp với một protein, nó làm điện tích dọc theo chuỗi protein thay đổi. Sự kết hợp nầy khiến cho dây protein biến dạng. Khi biến dạng như vậy thì nó chuyển động. Nhờ chuyển động như vậy mà tế bào làm nên công việc. Các chức năng như tiêu hóa, hô hấp… vận hành được chính là nhờ protein chuyển động.
Sự sống phát sinh là nhờ proteins vận hành theo tín hiệu giống như ‘ổ khóa vận hành theo chìa khóa’. Theo thuyết Newton, ngành sinh học truyền thống cho rằng những tín hiệu điều khiển sự sống chính là chất hóa học. Cho nên ngành dược được xây dựng để bào chế các loại thuốc có khả năng phát ra tín hiệu điều khiển sự sống. Ngành y khoa truyền thống tin rằng nếu cơ thể không vận hành điều hoà là bởi vì guồng máy vận chuyển không ăn khớp với nhau. Do đó, nếu thay đổi tín hiệu thì ta có thể làm cho sự vận hành của các protein trong guồng máy thay đổi, chữa lành bệnh nhờ tín hiệu hóa học. Nhưng ngành cơ học lượng tử đặt vấn đề rằng, liệu các tín hiệu có bắt buộc phải là các chất hóa học hay không? Thực ra, các tín hiệu của khí lực vô hình gửi thông tin đến protein còn hiệu quả hơn hàng trăm lần các tín hiệu hoá học.
Tóm lại protein xây dựng nên guồng máy; sự chuyển động của protein theo các tín hiệu tạo ra sự sống; các tín hiệu đó có hai loại: loại hoá học và loại khí lực có hiệu quả cao hơn. Tín hiệu khí lực là sợi dây xuyên suốt kết nối các ngành y khoa bổ sung (complimentary medicine modalities). Ví dụ đông y nói đến kinh mạch, huyệt đạo là dựa trên cơ sở khí lực. Tây y nhắm điều chỉnh phần vật chất của cơ thể trong khi đông y lại thiên về khí lực. Vật lý lượng tử, ngành chuyên giải thích về sự vận hành của vũ trụ, nhấn mạnh rằng tín hiệu của khí lực có tác dụng hiệu quả hơn thuốc men gấp cả trăm lần.

Điều gì có thể gây rối loạn?
Nếu có bệnh tật thì bạn nghĩ nguyên nhân do đâu? Có thể vì cấu trúc của protein lệch lạc hoặc là vì cơ thể nhận tín hiệu sai lầm.
Tại sao cấu trúc protein trở nên lệch lạc? Có thể các di thể bị khuyết tật làm cho trật tự acid amin của protein thay đổi, protein bị kết nối lộn xộn, hậu quả chức năng của nó vận hành sai lệch gây ra bệnh tật. Nhưng điều quan trọng là chỉ có rất ít người có di thể khuyết tật, dưới 5% dân số mà thôi. Nghĩa là 95% con người sinh ra với những gien khoẻ mạnh. Trong 95% này, nếu chúng ta bị bệnh thì không phải là do các gien gây ra, mà là bởi tín hiệu của cơ thể. Rối loạn tín hiệu là nguyên nhân gây ra hầu hết bệnh tật.
Vậy thì cái gì làm cho các tín hiệu bị rối loạn? Nguyên nhân đầu tiên có thể là do tai nạn gây chấn thương khiến ảnh hưởng đến tín hiệu xuất phát từ não. Thứ đến là những độc tố hay chất hóa học mà cơ thể không thể chấp nhận, chất lạ xâm nhập gây rối loạn cho sự vận hành tín hiệu trong cơ thể. Nguyên nhân thứ ba do tâm trí, cũng là nguyên nhân quan trọng bậc nhất. Nếu tâm trí gởi tín hiệu sai lạc, cơ thể sẽ mất quân bình và bệnh tật phát sinh. Cho nên thay vì như ngành y khoa truyền thống đang chú tâm vào các gien và cấu tạo hoá học của cơ thể một cách thiển cận, thì các môn tân vật lý và sinh học cho rằng ta nên chú trọng đến cả hai, tín hiệu vật chất và khí lực, trong đó có tư tưởng.
Trên bề mặt của tế bào có thể có cả trăm ngàn bộ thụ cảm đang chờ đợi tiếp nhận các tín hiệu bổ sung. Các bộ này có thể đọc cả tín hiệu vật chất và phi vật chất. Thông thường tế bào phải hồi đáp lại các tín hiệu để sinh tồn. Thức ăn đây này, hãy tiếp nhận, độc tố đây, hãy tránh xa. Màng tế bào có cùng chức năng như bộ da của cơ thể, chúng đọc tín hiệu và gởi đi những hồi âm.

Vai trò của nhận thức
Lúc nào trên mặt tế bào cũng có cả trăm ngàn phím đang sẵn sàng tiếp nhận một số thật lớn các tín hiệu đến từ môi trường. Trong khi ta có thể mô tả về sự tiếp nhận của từng tín hiệu, thì với cả ngàn tín hiệu được tiếp nhận cùng lúc ta lại cần phải có một cái nhìn tổng thể phức tạp hơn. Nếu muốn biết thực sự tế bào đang làm gì thì ta không thể chỉ nhìn vào một con phím mà thôi, ta phải nhận định được những gì cả trăm ngàn phím đang cùng làm. Số lần tương giao của chúng vượt quá khả năng nhận định của trí óc, mà ngay cả kỹ thuật tin học cũng thấy khó cáng đáng nổi.

Nhờ biết nhạy cảm với môi trường mà các con phím này giúp vận hành đời sống. Đây là một định nghĩa chính xác của từ nhận thức: khả năng nhận biết các thành tố của môi trường bằng cảm giác. Các phím trên màng tế bào là đơn vị căn bản của nhận thức. Chúng đọc các nhận định về môi trường và điều chỉnh cơ thể cho thích ứng với nhu cầu đòi hỏi. Chuyện này trở thành vấn đề của từng cá nhân, bởi vì cách ta nhận thức cuộc đời sẽ qui định hành vi của mình. Nhận thức giữ vai trò làm chủ hành vi.
Nếu nhận thức của chúng ta đúng đắn thì cơ hội sinh tồn rất lớn, còn nếu chúng ta bị tà kiến sai sử hoặc nhận định về môi trường không chính xác thì phản ứng của ta lệch lạc. Ví dụ một người bị bệnh chán ăn khi nhìn vào gương thì thấy họ mập quá, trong khi kẻ khác nhìn lại thấy ốm quá. Nhận thức sai lầm này gởi tín hiệu cho cơ thể khiến nó phải thải ra chất mỡ, và sự phiên dịch sai lầm tín hiệu của môi trường có thể dẫn đến tử vong. Ý nghĩa điều này rất rõ rệt: khi nhận thức sai lầm thì hành vi của chúng ta không còn phục vụ cho cuộc sống.
Nhận thức cũng điều khiển phản ứng của gien. Các cách nhìn đời khác biệt của từng người sẽ quyết định tuyển chọn những gien nào cần hiện hành để xây dựng cuộc sống. Điều này lại nhấn mạnh tầm quan trọng của tà kiến, nếu ta kích động các gien lộn xộn như gửi đi các tín hiệu lệch lạc, thì ta có thể làm lệch lạc chức năng cơ thể mà gây nên bệnh tật. Chúng ta không phải là tên nô lệ của bộ máy di truyền mà là kẻ sáng tạo nên cuộc sống của chính mình. Qua khả năng nhận thức về thực tại ta có quyền tuyển lựa các gien mình muốn để điều hành cuộc sống.
Các gien điều hành sự tăng trưởng của bào thai từ lúc thọ thai qua các giai đoạn phát triển, trong giai đoạn này các gien điều phối thông tin giữa bào thai và môi trường. Đây là thời kỳ các gien nắm giữ quyền lực. Sau giai đoạn phát triển này thì đến lượt những nhận thức của chúng ta về môi trường quyết định sự phát triển của cơ thể.

Kỹ thuật di truyền
Hiện nay chúng ta đang dùng kỹ thuật di truyền để quậy phá. Chúng ta tạo ra một số hạt giống thay đổi gien. Hậu quả của việc đưa các loại giống đó vào đời sống chưa được xem xét kỹ càng. Những gien di truyền này đang thâm nhập vào hệ sinh thái và được các loài khác tiếp nhận. Ví dụ, trong cố gắng làm cho cây cối có khả năng đề kháng lại chất độc diệt cỏ, khoa học gia cấy gien biến đổi vào trong cây. Thời gian sau, người ta thấy các cây này đã chuyển các gien biến đổi sang cho những cây khác xung quanh, kết quả nảy sinh một loại cỏ có khả năng chống thuốc diệt cỏ.

Tất cả các chủng loại đều là thành phần của một cộng đồng, chúng chia sẻ di thể với nhau. Người ta biết rằng khi ăn thực phẩm biến đổi gien, các vi khuẩn trong ta có thể tiếp nhận các di thể biến đổi này. Việc bóp méo thiên nhiên của chúng ta có thể làm thay đổi cấu trúc di truyền các vi khuẩn trong bộ máy tiêu hóa! Có lẽ chúng ta chỉ biết được cái giá thực sự phải trả khi nào những gì ta làm quay ngược lại cắn xé ta.

Đối phó với sự căng thẳng
Sự sống và chức năng phát triển ràng buộc thật chặt chẽ với nhau, chức năng này chịu trách nhiệm thay thế các tế bào mất mát hàng ngày do già cỗi. Nhưng mặt khác sự sinh tồn cũng đòi hỏi một cơ chế khác hẳn nhập cuộc: bản năng tự vệ. Tự vệ làm ngưng tiến trình phát triển, đồng thời dành nội lực để chống trả lại mối đe dọa. Bất cứ lúc nào trong cuộc sống, chúng ta cũng hoặc dùng nội lực để cho phát triển hoặc để tự vệ. Muốn phát triển cần có nội lực mà muốn tự vệ cũng cần nội lực. Khi tự vệ ta phải bế môn và ngưng hẳn sức phát triển để giữ gìn nội lực.
Thiên nhiên ban cho con người cách tự vệ khẩn cấp như chạy trốn trước nanh vuốt hùm beo. Nhưng nếu ta cứ giữ thế tự vệ lâu quá thì sẽ làm tổn thương bản năng sinh tồn. Điều quan trọng là như vầy: Ta muốn sống bao lâu trong cảnh phát triển và bao lâu trong thế tự vệ? Sợ hãi càng kéo dài thì càng cần nhiều nội lực để tự vệ. Càng sợ nhiều thì sức phát triển càng ngưng trệ khiến có thể gây ra tử vong. Trong thế giới hiện nay, thái độ tự vệ ngày càng chiếm nhiều phần trong cuộc sống; hầu hết chúng ta đang sống trong một trạng thái căng thẳng cao độ khiến cho sức phát triển bị suy yếu. Tế bào không thể nào phát triển theo hai hướng cùng một lúc. Chúng chỉ có thể hoặc phát triển hoà nhập vào môi trường chung quanh, hoặc duy trì ở vị thế tự vệ, bế quan chờ đợi cho đến khi nào tình hình bên ngoài sáng sủa để trở lại sinh hoạt bình thường. Chúng ta là một cộng đồng các tế bào chuyên tiếp nhận những kiến giải phát ra từ hệ thần kinh trung ương.
Ngày nay hầu như chúng ta không thể tránh được những nỗi sợ hãi. Al-Qaeda là ai và họ ở đâu? Bệnh cúm gà ở đâu? Sự sợ hãi cứ xuất hiện đe dọa cuộc sống lẫn nhận thức khiến ta không biết mình có thể tồn tại nổi hay không. Những nhận định này sẽ dồn chúng ta vào thế thủ và làm ngưng trệ sức phát triển của đời sống.
Chúng ta có hai cơ chế khác nhau để bảo vệ cơ thể: hệ miễn nhiễm để đối phó với mối đe dọạ từ bên trong như vi trùng, ký sinh trùng hoặc bệnh ung thư; và tuyến thượng thận tiết ra kích thích tố để đối phó với sự đe dọa từ bên ngoài như rắn độc hoặc khi bị hành hung. Kích thích tố căng thẳng (Stress hormones từ tuyến thượng thận) làm cho các mạch máu teo lại và hệ miễn nhiễm ngưng hoạt động. Nguyên do rất là hiển nhiên: khi bị sư tử rượt thì ta không dùng nội lực để chống lại vi trùng mà để chạy cho nhanh. Từ lâu, y khoa đã biết stress hormones làm cho hệ miễn nhiễm ngưng hoạt động. Cho nên họ tiêm stress hormones cho người chịu giải phẫu thay thế cơ phận để hệ miễn nhiễm người này không đào thải các tế bào xa lạ. Điều này có ý nghĩa gì trong cuộc sống hàng ngày? Stress làm cho hệ miễn nhiễm suy nhược.
Khi chúng ta đè nén hệ miễn nhiễm thì những chuyện vặt vãnh hàng ngày sẽ bắt đầu ngự trị và khiến phát sinh bệnh tật. Điều này rất quen thuộc với nhiều người, bởi vì khi đời sống có nhiều stress hơn thì chúng ta dễ bị suy yếu và bệnh hoạn sẽ trở nên trầm kha. Ví dụ, khi gần đến mùa thi cử thì các em học sinh dễ bị bệnh hơn. Thật là khùng điên khi cứ cho rằng ta đang bị nhiễm trùng, bởi vì hầu hết mọi mầm bệnh của con người đang có sẵn trong ta. Stress kiềm chế hệ miễn nhiễm thì nó cũng làm ngưng quy trình phát triển, quy trình này chịu trách nhiệm thay thế những tế bào chết hàng ngày. Khi stress bành trướng đến một mức độ nào đó thì sự thiếu hụt tế bào tân tạo sẽ làm tổn hại các chức năng của cơ thể khiến cho bệnh tật phát sinh.
Có một điều về stress mà tôi thấy nó có tác dụng như chọc sâu thêm vào vết thương chưa lành. Những kích thích tố do stress tiết ra làm các mạch máu ở vùng tiền đình não co lại, khiến máu dồn ra phía sau não để cung cấp cho hệ thần kinh phản xạ nhanh của stress. Tóm lại, thiếu máu ở vùng tiền đình não làm con người kém sáng suốt và thiếu ý thức. Hậu quả không mong đợi của stress là khả năng thông minh suy giảm. Vì vậy, dân chúng một nước sống trong không khí sợ hãi thì kém sáng suốt hơn dân của một nước phát triển điều hoà; người sống trong sợ hãi sẽ dễ có những quyết định không thích hợp xuất phát từ vùng phía sau não. Điều này giải thích nhiều tình cảnh đang xảy ra trong thế giới đầy sợ hãi hiện nay. Cần biết rằng thể chất của chúng ta không nhận ra được sự khác biệt giữa sợ hãi thực sự và giả tạo. Một sự thật đơn giản: dẫu cho là tà hay chánh, lúc nào nhận thức cộng với niềm tin cũng có quyền năng điều khiển đời sống chúng ta.
Thể chất của chúng ta không phải được tạo ra để sinh hoạt trong một tình huống đầy căng thẳng 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày một năm. Cơ thể chỉ có khả năng đối phó với một tình thế căng thẳng trong ngắn hạn mà thôi; thời giờ còn lại nó phải dùng để duy trì sự phát triển. Nhưng người thế gian (báo chí, chính quyền, v.v.) lại cứ thúc đẩy chúng ta sống trong sự sợ hãi triền miên, tình trạng này sẽ làm suy nhược thể chất, thần kinh và khả năng đề kháng bệnh tật. Điều quan trọng mọi người cần phải hiểu là nếu biết thay đổi nhận thức thì nhiên hậu cuộc sống cũng như thế giới sẽ thay đổi. Lối sống trong sợ hãi cần phải được chặn đứng, bởi vì nó sẽ giết chết chúng ta và đe doạ sự sinh tồn của nhân loại.
Xem tiếp Phần 3 - Quay lại Phần 1 

Ads Belove Post