Read more
Không nước Không trăng - Osho
Bài nói về các chuyện thiền
Chương 10. Nụ cười Ninakawa
Ngay trước khi Ninakawa qua đời thiền sư Nhất Hưu đến
thăm ông ấy. "Tôi đưa ông đi được chứ?" Nhất Hưu hỏi.
Ninakawa đáp, "Tôi đến đây một mình, và tôi đi một
mình. Ông có thể có ích gì cho tôi?"
Nhất Hưu trả lời, "Nếu ông nghĩ ông thực sự tới và
đi, đó là ảo tưởng của ông. Để tôi chỉ cho ông con đường theo đó không có đến
và đi."
Với lời của mình, Nhất Hưu đã để lộ ra con đường rõ ràng
tới mức Ninakawa mỉm cười và qua đời.
Chết là cao trào, là đỉnh cao nhất mà cuộc sống có thể đạt tới. Trong khoảnh khắc chết nhiều điều là có thể. Nếu bạn đã chuẩn bị và chuẩn bị, thiền và chờ đợi, thế thì vào khoảnh khắc chết chứng ngộ là khả năng rất dễ dàng - bởi vì cái chết và chứng ngộ là tương tự. Thầy, người đã chứng ngộ, có thể dễ dàng làm cho bạn chứng ngộ vào khoảnh khắc chết. Ngay trước khi chết, bất kì khi nào nó xảy ra, bạn phải sẵn sàng để chết.
Điều gì xảy ra trong cái chết? Bỗng nhiên bạn mất đi thân thể mình, bỗng nhiên bạn mất đi tâm trí mình. Bỗng nhiên bạn cảm thấy mình đang đi xa khỏi bản thân mình - khỏi tất cả những cái bạn tin là bản thân mình. Điều đó là đau đớn, bởi vì bạn cảm thấy mình đang bị chìm ngập vào trong cái trống rỗng. Bạn sẽ không ở đâu cả bây giờ, bởi vì bạn bao giờ cũng bị đồng nhất với thân thể và tâm trí, và bạn chưa bao giờ biết tới cõi bên kia; bạn chưa bao giờ biết tới bản thân mình bên ngoài thân thể và tâm trí. Bạn bị cố định và ám ảnh với ngoại vi đến mức trung tâm hoàn toàn bị lãng quên.
Trong cái chết bạn phải đương đầu với sự kiện này: rằng thân thể đang ra đi, bây giờ nó không thể nào được giữ lại thêm nữa. Tâm trí đang rời bỏ bạn - bây giờ bạn không còn kiểm soát được tâm trí nữa. Bản ngã đang tan biến - bạn thậm chí không thể nói 'tôi' được. Bạn run rẩy với nỗi sợ, trên bờ vực của cái không. Bạn sẽ không còn nữa.
Nhưng nếu bạn đã chuẩn bị, nếu bạn đã thiền - và chuẩn bị nghĩa là nếu bạn đã làm mọi nỗ lực để dùng cái chết, để dùng vực thẳm này của cái không - thay vì bị kéo vào trong nó bạn đã sẵn sàng nhảy vào trong nó, điều đó tạo ra nhiều khác biệt. Nếu bạn bị kéo vào trong nó - bạn không muốn đi vào trong nó và bạn đã bị chà nát - thế thì nó là đau đớn. Nhiều đau khổ! Và đau khổ mạnh đến mức bạn sẽ trở thành vô ý thức trong khoảnh khắc của cái chết. Thế thì bạn lỡ.
Nhưng nếu bạn sẵn sàng để nhảy không có đau khổ. Nếu bạn chấp nhận và đón chào nó, và không có phàn nàn - thay vì thế, bạn hạnh phúc và mở hội cho khoảnh khắc đã đến, và bây giờ tôi có thể nhảy ra khỏi thân thể này vốn là giới hạn, có thể nhảy ra khỏi bản ngã này mà bao giờ cũng là đau khổ - nếu bạn có thể đón chào, không có nhu cầu trở nên vô ý thức. Nếu bạn có thể trở nên chấp nhận, đón chào - điều Phật gọi là tathata, để chấp nhận nó, và không chỉ chấp nhận, bởi vì từ chấp nhận là không hay lắm, sâu bên dưới sự không chấp nhận nào đó đang được ẩn giấu trong nó - không, nếu bạn đón chào, nếu nó là lễ hội thế, niềm cực lạc, nếu nó là phúc lành, thế thì bạn không cần trở nên vô ý thức.
Nếu nó là phúc lành, bạn sẽ trở nên hoàn toàn có ý thức trong khoảnh khắc đó. Nhớ hai điều này: nếu bạn bác bỏ, nếu bạn nói không, bạn sẽ trở thành hoàn toàn vô ý thức; nếu bạn chấp nhận, đón chào, và nói có với trái tim tràn đầy của mình, bạn sẽ trở nên có ý thức hoàn hảo. Nói có với cái chết làm cho bạn có ý thức hoàn hảo; nói không với cái chết làm cho bạn vô ý thức hoàn toàn - và đây là hai cách chết.
Vị Phật chết khi chấp nhận toàn bộ. Không có kháng cự, không tranh đấu giữa ông ấy và cái chết. Cái chết là thiêng liêng; bạn chết trong khi tranh đấu.
Nếu một người đã từng chuẩn bị, sẵn sàng, vào khoảnh khắc chết thầy có thể có ích một cách kì diệu. Chỉ một lời vào đúng khoảnh khắc và ngọn lửa bên trong bỗng nhiên bùng lên, bạn trở nên chứng ngộ - bởi vì khoảnh khắc đó là mãnh liệt thế, bạn tập trung thế vào một điểm.
Điều này đang xảy ra trong câu chuyện này. Nhất Hưu là một trong những bậc thầy lớn nhất, rất hiếm hoi, cách mạng, lập dị. Có lần ông ấy ở lại một ngôi chùa. Đêm rất lạnh và có ba bức tượng Phật bằng gỗ trong chùa, thế là ông ấy đốt một Phật để sưởi ấm mình. Sư trụ trì trở nên nhận biết - ông ấy đã ngủ say, lúc đó là giữa đêm và đêm rất lạnh - ông ấy trở nên nhận biết rằng cái gì đó đang diễn ra, cho nên ông ấy nhìn ra.
Phật đang bị đốt! - và người này Nhất Hưu đang ngồi đấy, hạnh phúc, hơ tay mình. Sư trụ trì phát khùng; ông ta nói, "Ông làm cái gì thế này? Ông có là người điên không? - mà tôi cứ ngỡ ông là sư Phật giáo, đó là lí do tại sao tôi đã cho phép ông tá túc lại trong chùa. Và ông đã làm hành động báng bổ nhất."
Nhất Hưu nhìn vào sư trụ trì và nói, "Nhưng phật bên trong tôi đang cảm thấy rất lạnh. Cho nên vấn đề là liệu hi sinh Phật sống này cho Phật gỗ, hay hi sinh Phật gỗ cho Phật sống. Và tôi đã quyết định cho cuộc sống."
Nhưng sư trụ trì đã điên lên vì giận dữ, ông ta không thể nào nghe được điều Nhất Hưu nói. Ông ta nói, "Ông là thằng điên. Ông cút ra khỏi đây đi! Ông đã đốt Phật."
Thế là Nhất Hưu bắt đầu cời Phật cháy ra - tro có đó, bức tượng gần như đã cháy hết. Ông ta bắt đầu cời bằng chiếc gậy. Sư trụ trì hỏi, "Ông làm gì vậy?"
Ông ấy nói, "Tôi đang cố tìm xương của Phật."
Thế là sư trụ trì cười ngất, ông ta nói, "Ông hoặc là thằng ngốc hoặc thằng điên. Và ông đã hoàn toàn điên rồi! Ông không thể tìm được xương ở đó, bởi vì nó chỉ là Phật bằng gỗ."
Nhất Hưu cười, ông ấy nói, "Thế đem nốt hai Phật kia lại đây. Đêm vẫn còn rất lạnh và sáng vẫn còn xa xôi lắm."
Nhất Hưu này là con người rất hiếm hoi. Ông ấy bị tống ra ngay lập tức, ra ngoài chùa. Đến sáng ông ấy vẫn ngồi bên lề đường bên ngoài ngôi chùa - tôn thờ một cột mốc, để hoa và làm lời cầu nguyện. Thế là sư trụ trì nói, "Ông là thằng ngu! Trong đêm ông đã cư xử bậy bạ với Phật. Ông đã làm gì vậy? Ông đã phạm tội lỗi, và bây giờ ông đang làm gì với cột mốc này? Đây không phải là tượng."
Nhất Hưu nói, "Khi ông muốn cầu nguyện, mọi thứ đều là tượng. Vào lúc đó vị phật bên trong đang cảm thấy rất lạnh. Vào lúc này vị phật bên trong cảm thấy rất cầu nguyện."
Nhất Hưu này có hàng nghìn đệ tử trên khắp nước, và ông ấy hay đi lang thang từ chỗ này sang chỗ nọ để giúp các đệ tử. Câu chuyện này là về một trong các đệ tử của ông ấy, Ninakawa. Ông này đã cận kề, gần chứng ngộ. Nhưng 'gần chứng ngộ' không có nghĩa gì cả; bạn có thể lùi lại, từ điểm cuối cùng đó bạn cũng có thể sa ngã. Chừng nào điều đó chưa xảy ra, nó chưa xảy ra. Từ chính khoảnh khắc cuối đó, khi chỉ một bước còn lại và bạn sẽ trở thành người chứng ngộ, bạn có thể lùi lại. Ninakawa này đã gần chứng ngộ những vẫn níu bám vào kinh sách, bởi vì chừng nào bạn còn chưa đạt tới chân lí, rất khó thoát ra khỏi níu bám vào kinh sách.
Rất khó để thoát ra khỏi nhà tù của lời. Điều đó xảy ra khi bạn đã chứng ngộ. Thế thì bạn có thể thấy rằng lời chỉ là lời: chẳng cái gì có đấy cả, chúng không phải là bản chất, chúng được làm từ chất liệu mà các giấc mơ đã được làm ra. Chúng chỉ là gợn sóng trong tâm trí, không gì khác; âm thanh trong tâm trí. Còn ý nghĩa? Ý nghĩa được chúng ta cho; nó không có đó, không lời nào có nghĩa cả. Và bất kì lời nào cũng đều có thể trở thành có ý nghĩa bởi thoả thuận chung.
Cho nên nó chỉ là hiện tượng xã hội, không liên quan tới chân lí chút nào. Nhưng mọi người sống bằng lời: nếu ai đó nói điều gì đó chống lại Jesus và bạn là người Ki tô giáo bạn sẽ sẵn sàng giết chết người đó, hay sẵn sàng bị giết chết - đấy là vấn đề sống và chết. Ai đó nói điều gì đó chống lại Mohammed, người Mô ha mét giáo phát điên. Chỉ một lời - 'Mohammed' chỉ là một lời, 'Jesus' chỉ là một lời - nhưng mọi người sống bằng lời.
Tôi đã nghe: Có lần Mulla Nasruddin dừng một người trên phố lại và nói, "Tôi đang trong tình thế rất khó khăn: vợ đói, con ốm. Ông giúp tôi chút xíu được chứ?"
Người này nhìn Masruddin; anh ta thực sự đang trong cảnh ngộ cùng quẫn buồn nản. Ông ta hỏi, "Sao tôi phải giúp anh? Nhưng một điều tôi muốn hỏi: cái gì đã đưa anh tới sự cùng quẫn này? Làm sao anh đã trở nên khốn nạn thế? Điều gì đã xảy ra cho anh?"
Nasruddin nói, "Đấy là câu chuyện dài. Nhưng nói cho ngắn gọn lại: chỉ mấy năm trước đây tôi cũng là một doanh nhân như ông, và kẻ ăn xin hay chặn giữ tôi trên phố. Mọi thứ diễn ra đều tuyệt vời. Thế rồi một thảm hoạ..."
Người này bắt đầu quan tâm. Ông ta nói, "Thế điều gì xảy ra?"
Mulla Nasruddin nói, "Việc kinh doanh của tôi rất tốt, tiền rót vào liên tục. Tôi là người lao động siêng năng, bị thu hút toàn bộ vào việc kinh doanh của mình. Và tôi có phương châm, khẩu hiệu ở trên bàn: 'Suy nghĩ xây dựng! Hành động quả quyết!' và tiền cứ liên tục rót vào. Và thế rồi... " Trạng thái của Mulla Nasruddin bắt đầu chấn động và anh ta nói, "thế rồi vợ tôi đốt khẩu hiệu đó đi. Khẩu hiệu đó, 'Suy nghĩ xây dựng! Hành động quả quyết!' - toàn bộ mọi thứ phụ thuộc vào khẩu hiệu đó. Và vợ tôi đã đốt nó đi! Đó là thảm hoạ lớn lao nhất, và điều đó đã đưa tôi tới cảnh cùng quẫn đáng buồn này."
Bạn đã bao giờ nghĩ chưa, nếu kinh sách của bạn bị đốt đi, điều gì sẽ xảy ra cho bạn? Nếu khẩu hiệu của bạn bị đốt đi, điều gì sẽ xảy ra cho bạn? Nếu lời của bạn bị đốt, điều gì sẽ xảy ra cho bạn? Bạn sẽ trong trạng thái cùng quẫn rất buồn. Đó là lí do tại sao, nếu ai đó nói điều gì đó chống lại Kinh Thánh, bạn phát điên. Không phải bởi vì người đó đang nói điều gì đó chống lại Kinh Thánh đâu - người đó đang đốt khẩu hiệu của bạn đấy. Bạn phụ thuộc vào lời. Và bạn phụ thuộc vào lời bởi vì bạn không biết chân lí là gì. Nếu bạn đi tới biết chân lí là gì bạn sẽ vứt tất cả mọi lời đi, bạn sẽ đốt mọi khẩu hiệu.
Mulla Nasruddin dường như là ngu xuẩn - anh ta không phải vậy. Anh ta chỉ là một người đại diện, đại diện nhất, người bình thường. Anh ta là bạn, trong mọi điều ngớ ngẩn của bạn - nhưng được khuếch đại lên, tất nhiên.
Ninakawa này đã vật lộn cả đời mình, thiền ngồi, dùng nhiều kĩ thuật, cố gắng theo mọi cách để trở nên bình thản và yên tĩnh và tĩnh lặng; nhưng ông ta vẫn còn trong níu bám vào kinh sách. Cái ngày ông ta sắp chết Nhất Hưu tới thăm ông ấy. Bây giờ đó là khoảnh khắc để đẩy con người này vào vực thẳm vô hạn. Ông ta có thể lỡ, bởi vì vào thời điểm chết, nếu kinh sách có đó, bạn sẽ lỡ.
Bạn cần bỏ trống toàn bộ, bạn cần trống rỗng toàn bộ; chỉ thế thì bạn mới có thể gặp được cái chết, bởi vì cái chết là cái trống rỗng. Và chỉ cái giống nhau mới có thể biết cái giống nhau, cái y hệt mới có thể hiểu cái y hệt. Nếu bạn tràn đầy, cho dù với một lời, bạn sẽ lỡ, bởi vì thế thì tâm trí có đó - và cái chết không có tâm trí, cái chết không có ý nghĩ; cái chết đơn giản rơi vào trong sự trống rỗng.
Cho nên Nhất Hưu tới đẩy đệ tử này vào khoảnh khắc cuối. Ông ấy đã bỏ lỡ cả đời mình rồi - ông ấy không nên bỏ lỡ khoảnh khắc cuối cùng. Và tôi cũng bảo bạn: nếu bạn bỏ lỡ toàn bộ cuộc sống của mình, thế thì chỉ có một khả năng và chỉ một hi vọng thôi - vào khoảnh khắc chết. Nhưng không cần phải chờ đợi nó, nó có thể xảy ra ngay bây giờ. Nếu nó không xảy ra ngay bây giờ, thế thì cứ cố gắng đi. Nhưng sẵn sàng cho cái chết. Nếu bạn sẵn sàng, tôi sẽ có đó để đẩy bạn. Nếu bạn sẵn sàng, thế thì rất dễ: chỉ một cú đẩy nhẹ bất ngờ, và tâm trí cuốn đi.
Ngay trước khi Ninakawa qua đời thiền sư Nhất Hưu đến thăm ông ấy.
Thầy bao giờ cũng đến thăm. Điều đó có thể không thực tế xảy ra, nhớ điều đó; điều đó có thể thực tế không xảy ra đâu. Có thể, đấy là khả năng, là không ai khác hơn Ninakawa đã thấy thầy tới thăm mình. Có thể điều đó thực tế xảy ra, nhưng điều đó cũng không liên quan. Một điều là chắc chắn: rằng trong khi Ninakawa sắp chết, ngay khoảnh khắc cuối thầy có đó. Đối thoại này xảy ra với Ninakawa và Nhất Hưu. Có thể đã có những người khác ở đó, họ có thể đã không nghe điều đó chút nào; họ có thể đã không thấy Nhất Hưu tới chút nào. Điều đó đã là hay không là cuộc viếng thăm vật lí. Nhưng điều đó đã xảy ra, và nó đã... bất kì điều gì được cần tới đều đã được làm.
"Tôi sẽ đưa ông đi được chứ?" Nhất Hưu hỏi. Ninakawa đáp...
Con người của kinh sách, đặc biệt là Phật tử, bởi vì trong Phật giáo guru không được chấp nhận. Phật là guru vĩ đại nhất, nhưng trong Phật giáo guru không được chấp nhận. Họ có lí do cho điều đó. Bởi vì tâm trí con người phức tạp thế, nó tạo ra rắc rối ở mọi nơi: guru là để giải thoát cho bạn, nhưng bạn có thể tạo ra tù túng từ ông ấy. Người Hindu đã dạy rằng không có guru, không có thầy, không có giải thoát. Và điều này là đúng, tuyệt đối đúng, nhưng vào thời của Phật nó trở thành tù túng.
Không có guru, không có thầy, không có giải thoát. Cho nên mọi người bắt đầu trở thành nô lệ của thầy, bởi vì không có thầy, không có giải thoát. Nhìn vào tâm trí con người và cái ngu ngốc này: thầy là để giải thoát, nhưng bạn có thể trở thành nô lệ cho thầy bởi vì chỉ thầy mới có thể giải thoát; thế thì bạn có thể trở thành chỉ là kẻ dễ sai khiến. Nhiều cảnh nô lệ đã được tạo ra; không ai khác trên trái đất này đã tạo ra cảnh nô lệ sâu sắc như người Hindu. Bạn không thể bắt gặp một cuộc cách mạng trong toàn bộ lịch sử Hindu giáo chống lại tu sĩ. Không - toàn bộ mọi sự đều đã được giải quyết và ấn định và hệ thống hoá rồi, và mọi người đều nhận biết rằng nếu bạn nổi loạn chống lại tu sĩ không có giải thoát - ông ấy là guru, ông ấy là thầy.
Tầng lớp tiện dân - sudras - đã tồn tại trong hoàn cảnh khốn khổ nhất. Họ là những kẻ nô lệ lớn lao nhất và họ có lịch sử nô lệ dài nhất, nhưng họ chưa bao giờ nổi dậy chống lại nó, bởi vì điều đó là không thể được. Guru, thầy, brahmin - ông ấy là cánh cửa tới điều thiêng liêng. Bạn đã làm lỡ cuộc sống này, và nếu bạn nổi loạn bạn làm lỡ cuộc sống kia nữa - cho nên cứ còn là một nô lệ đi.
Thế rồi Phật tới, và ông ấy nói, "Không cần guru" - không phải bởi vì không có nhu cầu về guru: ông ấy nói không cần guru, và ông ấy ngụ ý không cần trở thành nô lệ - nhưng điều đó chỉ là cách để nói nó. Cho nên Phật nói, "Là ánh sáng lên chính mình. Không cần ai dẫn đường ông cả. Không cần ai hướng dẫn. Ông là đủ cho chính mình."
Đây là khả năng lớn nhất của việc được tự do, của tự do. Nhưng bạn có thể dùng nhầm điều này nữa, đây là vấn đề. Thế thì bạn nghĩ rằng nếu không có nhu cầu về thầy, sao lại nghe Phật? Nếu không có nhu cầu về thầy, sao lại đi tới Phật? Nếu tôi hoàn toàn độc lập, thế thì tôi là bản thân Phật. Điều đó xảy ra qua Phật giáo: cảnh nô lệ đã không xảy ra, nhưng bản ngã sâu đã xảy ra. Nhưng cả hai đều là hai cực đoan: hoặc bạn trở thành kẻ bản ngã - bởi vì không guru, không thầy, không ai mà theo - hoặc bạn trở thành nô lệ, bởi vì không có guru không có giải thoát.
Bạn không thể ở giữa được sao? Bạn không thể chỉ đứng ở giữa mà không đi tới các cực đoan được sao? Nếu bạn có thể ở giữa, tâm trí biến mất.
Nhất Hưu tới, và ông ấy nói, "Tôi sẽ đưa ông đi được chứ?"
Nhất Hưu đã hỏi câu hỏi Phật giáo cơ bản, và Nhất Hưu biết rằng nếu ông ấy vẫn còn bị nặng gánh với kinh sách ông ấy sẽ nói, "Không, ai có thể dẫn được người nào? Không ai là guru. Mọi linh hồn đều hoàn toàn độc lập. Ta là ánh sáng lên chính mình." Nếu ông ấy không bị nặng gánh với kinh sách, thế thì việc đáp ứng có thể là bất kì cái gì - vô hạn khả năng mở ra.
Ninakawa đáp, "Tôi đến đây một mình..."
Đây là điều Phật nói
"... tôi đi một mình. Ông có thể có ích gì cho tôi?"
Mọi người đều được sinh ra một mình, đi một mình; và ở giữa hai điều này, tới và đi, bạn có thể tự lừa dối mình rằng bạn là ai đó, nhưng bạn vẫn còn một mình. Bởi vì nếu bạn ngay từ đầu đã một mình và đến cuối cùng lại một mình, làm sao ở giữa bạn có thể cùng với ai đó được? Vợ, chồng, bạn, xã hội, tất cả đều là ảo tưởng. Bạn vẫn còn lại một mình, một mình là bản tính của bạn. Bạn có thể bị lừa dối, có vậy thôi. Bạn có thể có giấc mơ, có vậy thôi, nhưng người khác bao giờ cũng vẫn còn là người khác và không có điểm gặp gỡ. Đây là giáo huấn Phật giáo cơ bản để làm cho con người tự do.
Đó là lí do tại sao Phật thậm chí đã phủ nhận Thượng đế, bởi vì nếu có Thượng đế, làm sao bạn có thể một mình được? Ngài bao giờ cũng có đó. Cho dù khi bạn trong buồng tắm ngài cũng có đó - bởi vì ngài là toàn năng, toàn diện. Bạn không thể thoát khỏi ngài; dù bạn đi đâu ngài cũng sẽ ở đó. Ngài là con mắt vũ trụ, gián điệp vũ trụ, theo dõi bạn. Bất kì cái gì bạn làm, ngài đều sẽ nhìn! Rất khó thoát khỏi Thượng đế; nếu ngài hiện hữu, thế thì ngài ở mọi nơi. Bạn không thể che giấu - điều này là hay nếu bạn có thể hiểu - và người tôn giáo đã dùng điều đó để giúp đỡ.
Người Hindu, người Mô ha mét giáo, người Ki tô giáo, họ tất cả đều dùng sự hiện diện khắp nơi của Thượng đế. Điều đó là sự giúp đỡ lớn lao, bởi vì nếu bạn có thể thực sự cảm thấy Thượng đế theo bạn như cái bóng ở mọi nơi, bạn sẽ trở thành rất, rất tỉnh táo và nhận biết - bởi vì ngài có đó. Bạn không một mình, bạn không thể thảnh thơi trong tội lỗi, bạn không thể thảnh thơi trong dốt nát, giấc ngủ - ngài có đó. Sự hiện diện này sẽ làm cho bạn tỉnh táo.
Đây là việc dùng đúng. Nhưng ngược lại sự hiện diện này cũng có thể trở thành tù túng, một gánh rất nặng, lo âu.
Tôi đã nghe nói về một xơ Ki tô giáo người thậm chí còn không tắm truồng. Không, cô ấy cứ tắm khi mặc quần áo ngay cả dưới hoa sen, ai đó hỏi, "Cô làm gì vậy?"
Cô ấy nói, "Làm sao tôi tắm truồng được? - bởi vì Thượng đế ở mọi nơi." Nhưng nếu Thượng đế ở mọi nơi - trong buồng tắm - ngài ở ngay bên trong quần áo nữa, bạn không thể thoát được ngài. Ngài ở bên trong bạn. Ngài ở mọi nơi.
Điều này có thể trở thành nỗi lo âu, cũng giống như khi bạn tắm, và bạn trở nên nhận biết rằng ai đó đang nhòm qua lỗ khoá - bạn trở nên lo âu. Và Thượng đế là Tom Peeping (kẻ nhìn trộm) vũ trụ - ngài đang ngồi ở mọi lỗ khoá; bạn không thể làm gì mà ngài không biết; bạn làm tình và ngài có đó. Bất kì điều gì bạn làm ngài cũng biết, và mọi thứ đều được ghi lại.
Điều này có thể trở thành nỗi lo âu sâu sắc, chứng thần kinh; điều này có thể tạo ra mặc cảm, và thế thì bạn đã lỡ. Và nhớ: mọi chìa khoá có thể mở cánh cửa cũng có thể phá huỷ ổ khoá nếu bạn dùng sai nó. Có một cách, cách đúng để dùng chìa; chỉ thế thì nó mới mở ổ khoá. Nếu bạn dùng nó sai, ổ khoá có thể bị phá huỷ. Và như tâm trí vẫn vậy, nó bao giờ cũng dùng chìa theo cách sai. Thế thì ai đó là cần có, người phải nói với bạn, "Vứt chìa này đi, bởi vì chìa này bây giờ vô dụng. Nó chỉ phá hỏng ổ khoá, không giúp cho bạn theo bất kì cách nào."
Phật nói không guru nào là cần cả - bởi vì trong thời của ông ấy guru nghĩa là brahmin. Krishnamurti hay nói cùng điều đó: không guru nào là cần cả. Nhưng có khả năng khác - nó có thể cho bạn tự do. Nếu nó cho bạn tự do nó hoàn toàn tốt. Nhưng nó có thể cho bạn bản ngã và đó là vấn đề, có cọ sát. Nếu nó cho bạn bản ngã, bạn có thể không trở thành nô lệ cho ai đó khác, nhưng bạn đã trở thành nô lệ cho bản ngã riêng của mình. Và nhớ, không ai có thể làm cho bạn mù như bản ngã của bạn có thể làm cho bạn. Không ai có thể dẫn bạn tới địa ngục như bản ngã của bạn có thể dẫn bạn tới.
Nhất Hưu chỉ muốn biết liệu con người này vẫn còn níu bám vào kinh sách, hay ông ta đã trở nên hiểu Phật. Hiểu là khác, níu bám là khác. Níu bám là vào chữ chết. Nếu ông ta đã hiểu, thế thì Phật là thầy vĩ đại nhất. Nếu ông ta không hiểu, thế thì ông ta sẽ không cho phép; thậm chí vào điểm chết, ông ta sẽ níu bám lấy kinh sách.
Nhất Hưu đang đứng đó, và hỏi, "Tôi có thể đưa ông đi được không? Tôi sẽ đưa ông đi tiếp chứ?... Bởi vì con đường là không biết. Ông chưa bao giờ đi qua nó, tôi đã đi qua nó rồi. Tôi biết cách chết, tôi biết cách mở hội cái chết. Tôi biết cách đánh mất bản thân mình trong cái chết, và thế thì ông không bao giờ lỡ cả; thế thì cái ta thực được sinh ra lần đầu tiên. Tôi biết bí mật của việc chết và tái sinh. Tôi có thể dẫn ông đi tiếp chứ?"
Ninakawa đáp - ông ta từ chối - ông ta nói: "Tôi đến đây một mình, và tôi đi một mình. Ông có thể có ích gì cho tôi?"
Và ông ấy đang cần sự giúp đỡ. Nếu ông ấy không cần sự giúp đỡ ông ấy đã đơn giản cười, mỉm cười; ông ấy đã nói, "Cám ơn." Không có nhu cầu dùng những lời này từ kinh sách. Sao bạn lại dùng kinh sách? Chúng là việc hợp lí hoá. Bất kì khi nào bạn không chắc chắn bạn dùng kinh sách, bởi vì kinh sách là rất chắc chắn. Bất kì khi nào bạn đang trong hoài nghi, bạn dùng Phật, Krishna, Christ, bởi vì họ có thể che giấu ngắc ngứ của bạn, họ có thể che giấu thực tại của bạn, họ có thể cho bạn niềm tin giả tạo.
Bất kì khi nào bạn dùng lời của người khác bạn đều đang che giấu cái dốt nát của mình. Người này đã không nói, "Tôi đến đây một mình" - đây không phải là kinh nghiệm của ông ấy. Ông ấy đã không nói "... và tôi đi một mình." Ông ấy đã lặp lại những lời này, và bạn không thể lừa được thầy bằng lời.
Nhất Hưu trả lời, "Nếu ông nghĩ ông thực sự tới và đi..."
Đây là những lời hay nhất đã từng được thốt ra - điền tinh tuý của mọi Upanishad, điều tinh tuý của mọi Phật và Mahavira, chỉ trong một câu.
"Nếu ông nghĩ ông thực sự tới và đi,
thì đó là ảo tưởng của ông. Để tôi chỉ cho ông con đường theo đó không có đến và đi."
Điều này thực sự rất khó và tinh tế.
Nhất Hưu nói, "Nếu ông nghĩ ông thực sự tới và đi, thế thì bản ngã có đó. Ai tới? Ai đi? Nếu ông nghĩ ông tới và đi, ông không biết rồi; thế thì ông đơn giản lặp lại lời của Phật" - có sự nắm bắt.
Nếu bạn đã đi tới biết rằng, "Tôi tới một mình, và tôi đi một mình," thế thì không có việc tới và việc đi, bởi vì linh hồn không bao giờ sinh, không bao giờ chết. Cuộc sống là liên tục vĩnh hằng. Nó liên tục. Nó không bao giờ tới, không bao giờ đi. Thân thể này có thể được sinh ra, thân thể này có thể chết đi - nhưng cuộc sống đó, năng lượng, cái ta, linh hồn, hay bất kì cái gì bạn gọi là tâm thức đang tồn tại trong thân thể này, chưa bao giờ được sinh ra và sẽ không chết đi. Tâm thức đó là liên tục. Chưa bao giờ có bất kì gián đoạn nào trong nó.
Nếu bạn thực sự biết, thế thì bạn biết rằng không có việc tới, không có việc đi. Ai tới? Ai đi? Nếu bạn không hiểu, nếu bạn đã không nhận ra điều này, thế thì bạn sẽ nói, "Tôi tới một mình." Nhưng thế thì cái 'tôi' này là bản ngã; thế thì cái 'tôi' này không phải là cái ta. Khi bạn nói, "Tôi đi một mình," nhấn mạnh là vào 'tôi' - và cái 'tôi' là tù túng. Nếu không có 'tôi', bỗng nhiên bạn sẽ thấy rằng bạn chưa bao giờ được sinh ra, và chưa bao giờ chết đi cả; thế thì không có bắt đầu và không có kết thúc.
Jesus nói... ai đó đã hỏi Jesus, "Ông có phải là chúa cứu thế mà chúng tôi đã từng chờ đợi không? Ông là ai? Nói cho chúng tôi về ông?"
Jesus nói, "Trước khi Abraham đã hiện hữu, ta hiện hữu."
Abraham phải đã tới hàng nghìn năm trước đây, và Jesus nói, "Trước khi Abraham đã hiện hữu, ta hiện hữu." Câu này thực sự rất ngớ ngẩn, ngớ ngẩn về mặt logic, sai về văn phạm: "Trước khi Abraham đã hiện hữu, ta hiện hữu." Abraham là trong quá khứ; Jesus nói, "Trước khi ông ấy đã hiện hữu..." và Abraham là nhà tiên tri thứ nhất. Có mọi khả năng là Abraham chỉ là cái tên bị đổi của Ram, bởi vì trong tiếng Do Thái cổ nó không phải là Abraham, nó là Abram. Và Ab đơn giản có nghĩa là tôn kính, chỉ như Shree Ram; nó chỉ là bầy tỏ sự kính trọng. Có mọi khả năng là Abraham không phải là ai khác hơn Ram.
Jesus nói, "Trước khi Abraham đã hiện hữu, ta hiện hữu." Với Abraham ông ấy dùng thời quá khứ: ông ấy đã hiện hữu và không còn nữa; cái biểu hiện là ở đó và bây giờ không còn nữa. Nhưng "ta hiện hữu," bởi vì "ta bao giờ cũng hiện hữu: ta đã hiện hữu, ta đang hiện hữu ở đây, ta sẽ hiện hữu."
Tâm thức bên trong nhất không biết tới sinh, tử; không biết quá khứ, hiện tại, tương lai; không biết thời gian. Nó là vĩnh hằng, và vĩnh hằng không phải là một phần của thời gian.
Nhất Hưu nói, "Nếu ông nghĩ ông thực sự tới và đi
- nếu ông nghĩ rằng có việc tới và việc đi -
thì ông đang trong ảo tưởng. Để tôi chỉ cho ông con đường theo đó không có đến và đi."
Chư phật đã làm gì? Họ đơn giản chỉ cho bạn rằng bạn hoàn hảo - như bạn hiện hữu. Không thay đổi nào là cần thiết cả. Bạn không phải đi đâu cả, bạn không phải chuyển động lấy một li. Như bạn hiện hữu, bạn hiện hữu trong vinh quanh hoàn hảo của mình, ở đây và bây giờ. Không có việc tới và không có việc đi. Chỉ trở nên nhận biết về hiện tượng rằng bạn hiện hữu. Chỉ trở nên nhận biết bạn là ai! Chỉ tỉnh táo! Và thế thì chẳng cái gì để đạt tới cả, không nỗ lực nào cần được thực hiện, bởi vì từ ngay ban đầu, trước khi Abraham đã hiện hữu, bạn hiện hữu. Bạn đã thấy sự sáng tạo của thế giới, bạn sẽ thấy sự kết thúc của thế giới, nhưng không có bắt đầu cho bạn và không có kết thúc cho bạn.
Bạn là nhân chứng, và nhân chứng không thể có bất kì bắt đầu nào và không có bất kì kết thúc nào. Nếu bạn đã tỉnh táo, bạn đã thấy việc sinh riêng của mình. Nếu bạn có thể chết một cách có ý thức, bạn sẽ thấy rằng cái chết đang xảy ra trong thân thể và bạn chỉ là người nhìn. Cho nên thân thể chết, còn bạn chỉ là nhân chứng. Và nếu bạn có thể là nhân chứng trong cái chết, thế thì trong kiếp sau, trong việc sinh, bạn sẽ là nhân chứng. Bạn sẽ thấy rằng tâm trí đang chọn một bụng mẹ: lởn vởn khắp quanh trái đất, tìm một người đàn bà, một đôi, đang làm tình - bạn sẽ thấy điều đó.
Cũng hệt như bạn đói: bạn đi ra chợ, và bạn có thể là nhân chứng rằng mắt bạn, tâm trí bạn đang nhìn vào các khách sạn, nhà hàng, để tìm ra đúng chỗ bạn có thể có thức ăn. Bạn đang đói, nhưng nếu bạn bị quá đồng nhất với cơn đói thế thì bạn không thể là nhân chứng được. Bằng không, cơn đói có đó, nhưng bạn lại không đói. Làm sao bạn có thể là cơn đói được? - bằng không ai sẽ biết rằng bạn đang đói?
Cơn đói, để được biết, cần ai đó khác bên ngoài cơn đói, người có thể nhìn và thấy, người có thể trở nên tỉnh táo. Nếu bạn có thể trở nên tỉnh táo trong cơn đói, thế thì bạn có thể thấy cách tâm trí đang đi tìm đúng chỗ để có thức ăn. Cũng điều đó xảy ra sau cái chết: tâm trí bạn đang trong việc tìm kiếm bụng mẹ đúng. Bạn chọn, bạn thấy điều đang xảy ra.
Nếu bạn đang tìm kiếm một bụng mẹ đặc biệt, nếu bạn là một linh hồn rất tốt hay một linh hồn rất xấu, thế thì bạn có thể mất nhiều năm mới tìm ra đúng bụng mẹ - rất khó. Nếu bạn chỉ là người thường, chỉ bình thường, không có gì đặc biệt tốt hay xấu, không là một Hitler không là một Gandhi, thế thì bạn có thể được sinh ra ngay lập tức; không có nhu cầu, bởi vì ở mọi nơi bụng mẹ thông thường, bình thường, chuẩn đều có sẵn. Thế thì, khoảnh khắc này bạn chết đi và khoảnh khắc tiếp bạn được sinh ra - thậm chí không một khoảnh khắc mất đi.
Nhưng với Hitler phải mất nhiều, nhiều năm - và điều đó là tốt, chúng ta may mắn, bởi vì ông ta là một linh hồn rất hư hỏng, rất đồi bại. Bạn không thể nào hình dung được sự đồi bại của ông ta, ông ta đã làm đồi bại mọi thứ. Và bất kì khi nào một người trở thành đồi bại, điều đầu tiên là bị đồi bại trong tình yêu của người đó, bởi vì dục vẫn còn là gốc rễ của con người bạn. Điều đầu tiên bị làm đồi bại là dục. Khi dục đi sai, mọi thứ đi sai; khi dục là tự nhiên, mọi thứ vẫn còn tự nhiên.
Nghiên cứu về cuộc sống dục của Hitler và bạn sẽ đơn giản ngạc nhiên; bạn không thể tin được điều ông ta đã làm. Ông ta sẽ tìm những đàn bà đẹp, nhưng sẽ không bao giờ làm tình với họ. Ông ấy sẽ làm gì? Bạn không thể hình dung được! Ông ấy ép buộc những đàn bà đẹp đó... ông ấy sẽ ngồi xuống và ông ấy buộc họ rằng họ phải đái lên đầu ông ấy. Cái kiểu người gì...? Ông ấy làm gì? Và ông ấy tận hưởng điều đó lắm: mà không chỉ đái, họ phải ỉa vào ông ấy nữa. Và những đàn bà này cảm thấy rất mặc cảm - ông ấy làm gì thế này? - nhưng ông ấy là người có quyền hành thế: nếu bạn không theo ông ấy... ông ấy đã giết nhiều người. Tất cả những người yêu của ông ấy đều hoặc bị ông ấy giết hoặc họ tự tử - bởi vì đây là đồi bại thế! Nhưng ông ấy cảm thấy rất tốt. Vấn đề là gì?
Ông ấy mặc cảm thế, ông ấy muốn tự trừng phạt mình; ngay cả qua tình yêu ông ấy cũng trừng phạt. Ông ấy mặc cảm thế, và mặc cảm mạnh thế... nếu bạn mặc cảm thế bạn không thể yêu được, bởi vì yêu chỉ có thể tới từ trái tim của người không mặc cảm, người không cảm thấy bất kì mặc cảm nào, người chỉ là đứa trẻ, hồn nhiên. Thế thì tình yêu tuôn chảy, thế thì nó trở thành lễ hội. Nhưng nếu bạn mặc cảm, thế thì qua yêu bạn bắt đầu trừng phạt bản thân mình, hay bạn bắt đầu trừng phạt người khác. Bạn không thể tận hưởng tình yêu được, bởi vì bạn cảm thấy bạn mặc cảm thế, tồi tệ thế - làm sao bạn có thể tận hưởng tình yêu được? Bạn tạo ra địa ngục từ tình yêu. Điều này dường như không thể được, bởi vì bên ngoài phòng mình Hitler gần như là một thượng đế, mọi người tôn thờ ông ta. Và bên trong phòng mình ông ta cảm thấy bản thân mình kém cỏi thế, phạm tội, bị kết án, đến mức ông ta muốn tự trừng phạt mình, ngay cả qua yêu.
Kiểu người này sẽ không dễ dàng tìm ra bụng mẹ - gần như không thể được. Trong hàng thế kỉ ông ta sẽ phải chờ đợi, chỉ thế thì ông ta mới có thể tìm ra bụng mẹ như vậy, một người đàn ông như vậy người đàn bà như vậy làm tình, người cũng đầy tội lỗi, tự kết án trong họ, chỉ thế thì ông ta mới chọn được bụng mẹ. Nhưng điều này xảy ra một cách vô ý thức, cho nên bạn không cần phải lo nghĩ về nó nhiều. Bạn chết đi một cách vô ý thức, bạn được sinh ra một cách vô ý thức - nó tự động xảy ra. Tâm trí đi, chỉ dò dẫm trong bóng tối và đi vào bụng mẹ. Nhưng nếu bạn chết một cách có ý thức, thế thì lần sinh tiếp sẽ là có ý thức.
Nếu bạn chết một cách có ý thức và được sinh ra một cách có ý thức bạn sẽ biết rằng không có sinh và không có tử, chỉ thân thể là đã được chọn. Bạn vẫn còn như cũ, chỉ ngôi nhà thay đổi. Nếu bạn thay đổi quần áo cũ, bạn có nói đây là lần sinh mới, tôi được sinh ra không? Không, bởi vì bạn chỉ thay quần áo; bạn vẫn còn như cũ.
Đây là cách người trở nên tỉnh táo đi tới biết rằng tất cả những thay đổi chỉ là thay trang phục và nhà cửa và nơi chốn, tình huống, hoàn cảnh, nhưng bạn vẫn còn như cũ; trung tâm không bao giờ thay đổi, nó là vĩnh hằng.
Nhất Hưu nói, "Nếu ông nghĩ ông thực sự tới và đi
thì ông đang trong ảo tưởng. Để tôi chỉ cho ông con đường theo đó không có đến và đi."
Con đường đó là gì? Có thực có con đường không? Bởi vì chúng ta phải dùng ngôn ngữ, đó là lí do tại sao ông ấy lại nói 'con đường'. Bằng không, không có đường, bởi vì đường bao giờ cũng dẫn đến đâu đó. Không đường nào có thể dẫn tới bạn được bởi vì bạn đã có đó rồi. Nếu bạn muốn tới tôi, có con đường, phải có. Nếu bạn tới ai đó bạn phải theo một con đường, đi qua bước chuyển, cây cầu, cái gì đó này khác - bởi vì bạn đang đi ra ngoài. Nhưng nếu bạn muốn đi vào trong, không có đường. Bạn đã có đó rồi.
Cũng giống như khi bạn mơ trong đêm: bạn rơi vào giấc ngủ ở Poona, và trong mơ bạn về lại nhà ở London của mình, hay ở New York, hay ở Calcutta, hay ở Tokyo, và trong mơ bạn hoàn toàn quên mất rằng bạn đang ở Poona. Thế thì cái gì được cần tới? Chỉ một cái giật mình. Ai đó tới và lay bạn dậy. Bạn sẽ dậy ở London, Tokyo, New York hay ở Poona? Điều đó sẽ rất khó, nó sẽ tạo ra một thế giới rất ngớ ngẩn, nếu bạn đang mơ ở New York và bỗng nhiên ai đó lay bạn dậy và bạn tỉnh dậy ở New York! Thế thì thế giới này chắc sẽ là ác mộng. Nhưng bạn tỉnh dậy ở Poona; giấc mơ biến mất.
Chư phật đã từng dạy về điều này: rằng không có nhu cầu đi đâu cả, bởi vì bạn đã ở đó nơi bạn muốn tới rồi; nhưng bạn đang trong giấc mơ. Chỉ trong giấc mơ bạn mới đi khỏi trung tâm - bạn không thể đi từ đó được. Bạn hiện hữu ở đó. Trong hàng triệu kiếp bạn có thể đã từng mơ, nhưng bạn đã không đi khỏi trung tâm nơi bạn hiện hữu. Không ai có thể đi được. Chỉ cái giật mình, chỉ ai đó va chạm vào bạn... bạn trở nên tỉnh táo và bỗng nhiên giấc mơ biến mất. Xứ mơ và New York và London, chúng biến mất, còn bạn ở đây và bây giờ.
Cái giật mình này, cái va chạm này có thể được cho rất dễ dàng vào khoảnh khắc chết - bởi vì toàn thể thân thể-tâm trí đang sắp trải qua thay đổi lớn. Mọi thứ trong hỗn độn. Trong hỗn độn bạn có thể được làm cho tỉnh táo dễ dàng hơn bởi vì mọi thứ đều không thoải mái. Khi mọi thứ là thoải mái khó đem một người ra khỏi giấc mơ - không ai thực sự muốn bước ra khỏi giấc mơ thoải mái. Chỉ khi giấc mơ trở thành ác mộng, thế thì bạn mới kêu thất thanh.
Tôi đã nghe: Một đêm Mulla Nasruddin la hét to đến mức ngay cả hàng xóm cũng tới hỏi điều gì đã xảy ra. Mulla Nasruddin ngồi trên giường khóc, nước mắt chảy ròng ròng, còn vợ anh ta đang an ủi anh ta, nói, "Đấy chỉ là giấc mơ thôi anh Nasruddin. Sao anh lại tạo ra nhiều phiền toái thế? - hàng xóm tới đây này, có cả đám đông."
Nasruddin nói, "Nhưng giấc mơ đến mức ấy... trước hết để anh kể cho em giấc mơ. Trong giấc mơ này anh đã tới một cuộc bán đấu giá phụ nữ - toàn những phụ nữ đẹp. Một phụ nữ bán được mười nghìn ru pi, phụ nữ khác năm nghìn, và nhiều người hàng nghìn.
"Anh không có tiền. Anh đã cố gắng và thử mãi mà không có tiền. Anh nhìn vào trong mọi túi rồi" - và anh ta có một cái túi, anh ta chưa bao giờ nhìn vào trong nó - anh ta nói, "Ngay cả cái túi đó anh cũng đã nhìn vào."
Có một cái túi đặc biệt anh ta sẽ không bao giờ nhìn vào. Và nếu cái gì đó bị mất mọi người sẽ hỏi, "Anh đã nhìn vào mọi túi chưa? Sao không nhìn vào túi này?"
Anh ta sẽ nói, "Bởi vì điều đó vẫn cho tôi niềm hi vọng. Nếu tôi nhìn vào trong cái túi đó nữa, hi vọng đi đời, bởi vì tôi nghĩ có thể vẫn còn khả năng... nhưng tôi chưa bao giờ nhìn vào trong nó bởi vì tôi biết rõ nó không có đó."
Anh ta nói, "Anh đã nhìn vào ngay cả cái túi đặc biệt đó - và không có tiền. Anh đã la khóc.
Nhưng cô vợ anh ta chẳng quan tâm tới điều này. Cô ấy hỏi, "Nasruddin, thế thì có phụ nữ nào như em không?" Cô ấy hỏi một cách ngu xuẩn, như bất kì đàn bà nào sẽ hỏi, bởi vì không đàn bà nào quan tâm tới phụ nữ đẹp khác; thay vì thế cô ấy cảm thấy ghen tuông. Cô ấy hỏi, "Những phụ nữ giống em sao? Họ bán được bao nhiêu?"
Nasruddin nói, "Đó là lí do tại sao anh lại la to thế. Phụ nữ như em người ta để thành bầy. Một tá, hai tá - họ bán phụ nữ như em với giá một ru pi một bầy. Đó là lí do tại sao anh lại hét to: không có tiền để mua, và đó là điều đã xảy ra cho vợ anh!"
Nhưng anh ta còn kêu khóc tận sau giấc mơ.
Mơ có hiệu quả, chúng đi sâu, bởi vì trong tâm trí vô thức, phân biệt thực sự rất mơ hồ; cái gì là mơ và cái gì là thực là rất mơ hồ. Chúng được trộn lẫn, các biên giới không rõ rệt, các biên giới bị nhoà đi.
Bạn đã thấy đứa trẻ bước đi, và khóc bởi vì nó làm mất đồ chơi nó thấy trong mơ không? "Con đang tìm đồ chơi - đồ chơi mất đâu rồi?"
Nhưng đứa trẻ này chưa bao giờ chết trong bạn. Nó chỉ chết khi bạn làm nhiều nỗ lực để trở nên tỉnh táo; chỉ thế thì giấc mơ và hiện thực mới trở nên phân biệt rõ ràng. Và một khi mơ hồ bị mất đi, một khi các biên giới không còn bị mờ nhạt nữa, một khi bạn trở nên nhận biết giấc mơ là gì, thực tại là gì, mơ chấm dứt - bởi vì thế thì việc mơ không thể tiếp tục được. Nếu bạn đã trở nên nhận biết, giấc mơ không thể tiếp tục được. Ngay cả trong giấc mơ, nếu bạn trở nên nhận biết rằng đây là giấc mơ, giấc mơ sẽ dừng lại ngay lập tức.
Cho nên bạn chưa bao giờ trở nên nhận biết trong giấc mơ rằng đây là giấc mơ, bạn bao giờ cũng cảm thấy đây là thực. Để cho bất kì cái gì tiếp tục, bạn cần tới cảm giác rằng đây là thực. Bạn cho thực tại qua cảm giác. Nếu bạn rút cảm giác đi, giấc mơ biến mất và chỉ thực tại còn lại.
Chính mơ là bạn đang trong thế giới này, và chính thực tại là bạn tồn tại trong điều thiêng liêng. Chính mơ là bạn đang trong chợ; chính thực tại là bạn chưa bao giờ đi khỏi trung tâm của sự tồn tại, khỏi Thượng đế. Chính mơ là bạn đã đi vào chợ - và giấc mơ có thể tiếp tục, không có giới hạn về thời gian. Nếu bạn nghĩ bạn là thân thể, đây là giấc mơ - bạn chưa bao giờ là thân thể cả. Nếu bạn nghĩ bạn được sinh ra và bạn chết, đây là giấc mơ - bạn chưa bao giờ được sinh ra và bạn không bao giờ có thể chết; điều đó là không thể được.
Nhất Hưu nói, "Đây là ảo tưởng nếu ông nói, 'tôi đến và tôi đi.' Không ai đến và không ai đi cả. Và không có chỗ nào để đến và không chỗ nào để đi. Để tôi chỉ cho ông con đường vô lộ. Bởi vì thế thì có thể không có đường - bởi vì nếu không ai tới và không ai đi, không nơi tới và không nơi đi, làm sao đường có thể tồn tại được? Cho nên để tôi chỉ cho ông con đường vô lộ mà trên đó không có việc tới và không có việc đi."
Với lời của mình, Nhất Hưu đã để lộ ra con đường rõ ràng tới mức Ninakawa mỉm cười và qua đời.
Điều đó đã xảy ra! Bạn đã nghe thấy lời - nhưng bạn không phả là Ninakawa, bạn không sẵn sàng mức đó, bạn không trên giường chết của mình - đó mới là vấn đề. Bạn vẫn còn hi vọng về cái gì đó trong cuộc sống, giấc mơ của bạn vẫn có nhiều ý nghĩa cho bạn, bạn có các khoản đầu tư vào giấc mơ của mình. Bạn có thể có ham muốn thoát ra khỏi giấc mơ, nhưng ham muốn này chỉ nửa vời. Phần khác cứ nói, "Mơ thêm chút nữa, nó đẹp thế."
Một đêm Mulla Nasruddin gọi vợ lại và nói, "Đem kính lại cho anh, bởi vì anh đã thấy một giấc mơ đẹp và nhiều điều hứa hẹn với anh. Đem kính lại đây, bởi vì chỗ này không sáng lắm, và anh không thể thấy được rõ ràng."
Bạn có thể có ác mộng; trong những khoảnh khắc đó bạn cảm thấy, "Làm sao vứt bỏ giấc mơ này đi?" - nhưng bạn có giấc mơ đẹp nữa; không chỉ giấc mơ địa ngục, bạn có giấc mơ cõi trời. Và đó mới là vấn đề: chừng nào bạn còn chưa trở nên nhận biết rằng thậm chí giấc mơ cõi trời cũng là giấc mơ và vô dụng, bạn vẫn chưa trên giường chết. Ham muốn của bạn vẫn tiếp tục, bạn cứ tưới nước cho thế giới mơ, nuôi dưỡng nó, giúp cho nó phát triển.
Ninakawa đã trên giường chết của mình, ông ấy sắp chết, không còn tương lai nào còn lại. Ông ấy trong hỗn độn. Toàn bộ hệ thống, toàn bộ sự điều chỉnh của thân thể, tâm trí và linh hồn cứ ngày một lỏng hơn. Mọi thứ đang rời ra, ông ấy không còn gắn lại nữa. Ác mộng lại mạnh mẽ, bởi vì nó là mạnh mẽ nhất trong cái chết. Ông ấy đơn giản là kẻ khốn khổ trong khoảnh khắc đó: cái chết và không tương lai.
Nếu không có tương lai bạn không thể mơ được, bởi vì mơ cần không gian, thời gian để chuyển động. Đó là lí do tại sao cái chết lại có vẻ nguy hiểm thế, bởi vì nó không cho phép có thời gian nghĩ. Bạn không thể hi vọng, bởi vì không có ngày mai. Cái chết không giết bạn, nó đơn giản làm tiêu tan ngày mai, và ngày mai đã là chính sự tồn tại của bạn. Bạn chưa bao giờ sống hôm nay cả, bạn bao giờ cũng trì hoãn sang ngày mai. Và cái chết làm tiêu tan ngày mai, nó đơn giản đốt cháy lịch của bạn - bỗng nhiên đồng hồ dừng lại, thời gian không chuyển động.
Không thời gian bạn có thể làm gì? Làm sao tâm trí có thể nghĩ, ham muốn, mơ mộng? Cái chết đóng cánh cửa lại - đó là nỗi sợ.
Tại sao cái chết làm cho bạn sợ hãi và run rẩy và kinh hoàng thế? Bởi vì dường như không có cõi bên kia, không có khả năng trốn thoát khỏi nó. Bạn không thể làm gì được bởi vì bạn không thể nghĩ được, và bạn chỉ biết một điều: suy nghĩ, không cái gì khác. Toàn bộ cuộc sống của bạn đã là việc suy nghĩ. Bây giờ, cái chết cho phép vô suy nghĩ. Chỉ người đã thiền và đã hiểu vô suy nghĩ trước khi chết mới không sợ - bởi vì người đó biết rằng suy nghĩ không phải là cuộc sống.
Và người đó biết một khoảng khác của sự tồn tại. Người đó biết chiều sâu, không phải là chiều dài của sự tồn tại. Người đó không đi từ khoảnh khắc này tới đó, người đó không đi từ hôm nay sang ngày mai. Người đó chuyển động trong khoảnh khắc này, ngày càng sâu hơn và sâu hơn và sâu hơn; trong hôm nay, ngày càng sâu hơn và sâu hơn và sâu hơn. Người đó chuyển động ở đây và bây giờ, trong chiều sâu.
Bạn chạm tới khoảnh khắc này và bạn chuyển sang khoảnh khắc khác; bạn có chuyển động chiều ngang: từ A tới B, từ B tới C, từ C tới D. Và người hành thiền thì đi từ A1 tới A2 tới A3 - theo chiều sâu - không tới B. Người đó không có ngày mai. Việc ở đây và bây giờ này là sự tồn tại duy nhất, thế thì làm sao có thể có cái chết cho người đó được? Khoảnh khắc này bạn sống; chỉ khoảnh khắc tiếp bạn mới có thể chết. Khoảnh khắc này không ai đã bao giờ chết cả. Khoảnh khắc này bạn sống, và người này, người đang thiền, lại chuyển vào khoảnh khắc này - làm sao người đó có thể chết được?
Cái chết sẽ xảy ra trên ngoại vi; người đó sẽ đi tới biết về nó. Điều đó sẽ chỉ như bạn đi tới biết về người hàng xóm chết: người đó sẽ đi tới biết về nó, rằng thân thể chết - điều này sẽ là tin tức. Người đó thậm chí cảm thấy thương tiếc cho thân thể, nhưng người đó không chết.
Ninakawa đã là một thiền nhân chỉ ngay trên bờ chứng ngộ, vẫn còn níu bám. Bạn có thể lấy bước nhảy vào trong vực thẳm, nhưng bạn có thể vẫn bám lấy cây leo - và bạn có thể cứ bám đấy, sợ hãi. Bạn gần như trong vực thẳm, chẳng chóng chầy bạn sẽ rơi, nhưng thêm một khoảnh khắc nữa tâm trí vẫn nói, "Bám lấy!" Ông ấy đã bám vào kinh sách, vào chư phật, vào lời, học thuyết. Ông ấy vẫn lặp lại tri thức. Chỉ là cây leo - chẳng chóng chầy ông ấy sẽ phải rời bỏ cây leo này, bởi vì khi cuộc sống rời bỏ bạn, làm sao lời có thể giữ lại được? Chúng sẽ bỏ bạn.
Với điều này, khải lộ của Nhất Hưu, ông ấy đã hiểu ra, ông ấy bỏ việc níu bám. Ông ấy mỉm cười và qua đời.
Bạn chưa bao giờ mỉm cười. Hoặc bạn khóc, hoặc bạn cười to, nhưng bạn chưa bao giờ mỉm cười. Mỉm cười là ở giữa, nó là khó cho bạn. Hoặc bạn khóc hoặc bạn cười to - chúng là những khả năng, hai cực đoan. Cố tìm ra hiện tượng mỉm cười này là gì đi.
Chỉ vị phật mới mỉm cười, bởi vì nó là ở ngay giữa. Mỉm cười có cả nỗi buồn trong nó, nỗi buồn của nước mắt, và niềm vui của tiếng cười. Mỉm cười có cả hai. Mỉm cười chưa bao giờ là tiếng cười đơn giản: nó có sự mở rộng của tiếng cười và chiều sâu của nỗi buồn - nó là cả hai. Nhìn vào Phật, thiền về ông ấy, và bạn sẽ thấy trong khuôn mặt ông ấy cả nỗi buồn và niềm vui; tuôn chảy phúc lạc của sự hiện hữu của ông ấy và vậy mà vẫn có nỗi buồn sâu sắc.
Với hai hoá chất này, cứ tạm nói vậy, nụ cười được tạo ra. Khi bạn cảm thấy buồn cho mọi người, khi bạn cảm thấy buồn cho toàn thể sự tồn tại bởi vì họ đang đau khổ không cần thiết... Bạn không thể hình dung ra được nỗi buồn của vị phật, điều đó là khó cho bạn. Bạn chỉ nghĩ rằng vị phật là sung sướng. Ông ấy là sung sướng khi có liên quan tới bản thân ông ấy, nhưng với bạn sao? Bạn không thể quan niệm được khó khăn của ông ấy - bởi vì ông ấy thấy bạn, và bạn đau khổ không cần thiết, và chẳng cái gì có thể làm được, bạn không thể được giúp đỡ. Bệnh không có đó - và không thể chữa được! Và ông ấy biết rằng chỉ ngay góc này thôi, chỉ quay về bản thể bạn, và mọi sự sẽ được giải quyết. Nhưng bạn sẽ không làm việc quay lại đó. Bạn sẽ nhảy và bạn sẽ làm nhiều điều, nhưng bạn bao giờ cũng sẽ bỏ lỡ việc quay đó. Bạn sẽ dò dẫm trong bóng tối, nhưng bằng cách nào đó, điều huyền bí nào đó, bạn bao giờ cũng bỏ lỡ cánh cửa. Bạn biết cách bỏ lỡ cánh cửa, bạn hoàn hảo trong điều đó: cách bỏ lỡ cánh cửa và bao giờ cũng dò dẫm.
Vị phật gặp khó khăn bởi vì ông ấy đã nhận ra điều gì đó có đó với bạn rồi. Cũng sự tồn tại phúc lạc đó, cùng cái đẹp đó, cùng niềm cực lạc mà ông ấy có, bạn cũng có. Và bạn cứ kêu khóc, và bạn cứ đấm ngực, và bạn đang trong đau khổ thế - và chẳng cái gì có thể làm được cả. Nỗi buồn...
Người ta nói về Phật là khi ông ấy đạt tới cánh cửa - cánh cửa cuối cùng, bên ngoài nó không có cửa nữa, và bạn không thể quay lại được; đó là điều tối thượng - khi ông ấy đạt tới cánh cửa của niết bàn, cánh cửa đã mở ra cho ông ấy, và đã có việc đón mừng. Bởi vì một lần trong hàng triệu năm mới có ai đó đạt tới điều tối thượng. Nhưng ông ấy đã quay lưng lại cánh cửa và nhìn vào thế giới - và họ nói ông ấy vẫn đứng đó, ông ấy vẫn chưa vào.
Người gác cổng hỏi, "Ông làm gì vậy? Ông đã nỗ lực cho điều này nhiều, nhiều kiếp rồi. Bây giờ cửa mở rồi, vào đi."
Và Phật nói, "Chừng nào mọi người còn đang đau khổ bên ngoài kia chưa vào, ta không thể vào được. Ta sẽ là người cuối cùng bước vào." Đây là nỗi buồn.
Câu chuyện này thực là hay. Không ai có thể đứng tại cánh cửa tối thượng đó, điều đó là đúng; không có cánh cửa nào giống như thế và không có người gác cổng. Bạn ngã, và không có cách nào tự dừng mình lại.
Câu chuyện này hay; điều đó chỉ ra theo một cách biểu tượng tâm thức của vị phật - điều rắc rối, nỗi thống khổ của ông ấy, niềm đau khổ của ông ấy. Nó không phải là đau khổ của ông ấy bây giờ, nó là đau khổ của người khác đã làm cho ông ấy buồn.
Cứ dường như là bạn đã thức tỉnh nhưng mọi người khác đang ngủ say, và họ đang mơ và mơ ác mộng - la hét, nhảy lên, kêu la, khóc lóc, còn bạn biết rằng những điều này chỉ là ác mộng, nhưng những người này lại say sưa quá và ngủ say quá, bạn không thể giúp được. Nếu bạn cố gắng đánh thức họ dậy họ trở nên giận dữ. Họ nói, "Sao ông lại quấy rối giấc ngủ của chúng tôi? Ông là ai?" Bạn không thể đánh thức họ được, và bạn phải nhìn đau khổ của họ, và chịu đựng điều đó.
Phật buồn - cho bạn. Phật cười sâu sắc, toàn thể bản thể ông ấy tràn đầy với tiếng cười - cũng giống như cái cây đã tới độ ra hoa, mọi thứ đã trở thành điệu vũ. Và cả hai điều này gặp gỡ trong ông ấy: tiếng cười bật ra và cứ đi ra - và vậy mà ông ấy không thể cười được bởi vì bạn - và nỗi buồn mà bạn tạo ra. Chúng cả hai gặp gỡ và việc gặp gỡ này tạo ra nụ cười. Nụ cười là cả tiếng cười và nước mắt.
Bạn không thể mỉm cười được - bạn có thể cười, bạn có thể khóc. Khi bạn khóc, làm sao bạn có thể cười được? Bởi vì trong khóc nó bao giờ cũng là vì bản thân bạn; nó chỉ là một yếu tố. Khi bạn cười, bạn cười; làm sao bạn có thể khóc được? - bởi vì việc cười là cho bản thân bạn. Trong Phật, bản ngã đã biến mất, bây giờ ông ấy không còn nữa, gặp gỡ đã xảy ra với tất cả. Hai yếu tố gặp nhau: tâm thức ông ấy, đã trở nên hoàn hảo, và tất cả hàng triệu tâm thức xung quanh, cũng hoàn hảo, đang đau khổ - đau khổ không cần thiết, đau khổ mà không có lí do gì - hai điều này gặp gỡ, và nụ cười buồn vậy mà sung sướng tới trên khuôn mặt ông ấy.
Ông ấy không thể khóc bởi vì điều bạn đang làm là ngu ngốc thế. Ông ấy không thể cười bởi vì điều đó sẽ quá gay gắt với bạn. Nhiều nhất ông ấy có thể mỉm cười. Điều này xảy ra, cho nên nụ cười đã trở thành biểu tượng của người đã trở nên chứng ngộ.
Với lời của mình, Nhất Hưu đã để lộ ra con đường rõ ràng tới mức Ninakawa mỉm cười và qua đời.
Thế thì đấy không phải là cái chết, mà chỉ là bước chuyển - chuyển sang thế giới khác, chuyển sang việc sinh khác; thế thì không ai chết cả. Và nếu bạn có thể chết với nụ cười bạn biết nghệ thuật chết, và toàn bộ tôn giáo chỉ bao gồm trong nghệ thuật chết, không gì khác hơn thế.
Bây giờ tôi sẽ nhắc lại câu chuyện thứ nhất chúng ta đã bắt đầu, để cho bạn không quên nó: tính hay quên là một thủ đoạn.
Mười ngày trước đây chúng ta đã nói về Không Nước, Không Trăng. Nó vẫn còn lại chỉ là bài nói - lời và lời và lời - nếu bạn không sẵn sàng chết đi. Hãy ở trên giường chết của bạn đi! Hãy là Ninakawa! thế thì những lời này là rõ ràng thế, như những lời của Nhất Hưu chưa bao giờ là vậy. Tôi bảo bạn: những lời này rõ ràng như những lời của Nhất Hưu chưa bao giờ là vậy. Bạn cũng có thể mỉm cười và qua đời - nhớ lấy: Ni cô Chiyono đã học nhiều năm, nhưng vẫn không thể nào tìm thấy chứng ngộ.
Một đêm, cô ấy đi mang chiếc thùng cũ đầy nước.
Khi đang bước đi, cô ấy ngắm trăng tròn được phản chiếu trong thùng nước.
Bỗng nhiên, dây tre buộc thùng bục ra, và thùng rơi xuống. Nước tung toé đổ hết; bóng trăng biến mất -
và Chiyono trở nên chứng ngộ.
Sau đó, cô ấy viết vần thơ này:
Cách này cách nọ
tôi đã cố giữ chiếc thùng gắn lại,
hi vọng tre yếu không bao giờ bị bục.
Bỗng nhiên đáy thùng bục ra.
Không còn nước nữa;
không còn phản xạ của trăng
trong nước -
trống rỗng trong tay tôi.
Đi với trống rỗng trong tay mình, bởi vì đó là tất cả... đó là tất cả mà tôi có thể đem tới cho bạn, và không gì lớn hơn điều đó. Đây là món quà của tôi: đi với trống rỗng trong tay bạn. Nếu bạn có thể mang cái trống rỗng trong tay mình, thế thì mọi thứ trở thành có thể. Đừng mang tài sản, đừng mang tri thức, đừng mang bất kì cái gì làm đầy bình và trở thành nước, bởi vì thế thì bạn sẽ chỉ thấy phản xạ. Trong của cải, trong tài sản, trong nhà cửa, trong xe cộ, trong danh giá, bạn sẽ chỉ thấy phản xạ của trăng tròn. Và trăng tròn có đó đang đợi bạn.
Để cho đáy thùng tụt ra! Đừng cố gắng cách này cách nọ để bảo vệ cái thùng cũ. Không đáng đâu. Đừng tự bảo vệ mình, điều đó không đáng đâu. Để cho chiếc thùng bục ra, để cho nước chảy đi, để cho trăng trong nước biến mất, bởi vì chỉ thế thì bạn mới có khả năng nâng mắt mình hướng lên mặt trăng thực. Nó bao giờ cũng có đó trên trời - nhưng cái trống rỗng trong tay là cần. Ngày một trống rỗng hơn, nghĩ về mình ngày một trống rỗng hơn, cư xử ngày một dường như bạn trống rỗng. Dần dần, dần dần bạn sẽ có hương vị của nó. Và một khi hương vị tới, nó đẹp thế.
Một khi bạn biết hương vị của cái trống rỗng, bạn đã biết chính ý nghĩa của cuộc sống. Mang trống rỗng, vứt thùng nước vốn là bản ngã của bạn, tâm trí bạn và những ý nghĩ của bạn, và nhớ: không nước, không trăng - trống rỗng trong tay.
Đủ cho hôm nay.
Kết thúc quyển 'Không Nước Không Trăng' - Quay về Mục lục