Chương 9. Tabula Rasa

Chương 9. Tabula Rasa

Price:

Read more

Osho – Nguồn cội: Tình yêu – Tự do được là chính mình
Phần III. Sự tự do

Đàn ông đã làm đàn bà thành nô lệ và đàn bà đã làm đàn ông thành nô lệ. Và tất nhiên cả hai đều ghét cảnh nô lệ, cả hai đều kháng cự lại điều đó. Họ thường xuyên tranh đấu; bất kì cái cớ nào và cuộc chiến bắt đầu.

Nhưng tranh đấu thực lại nằm ở đâu đó sâu bên dưới; tranh đấu thực là ở chỗ họ đang đòi hỏi tự do. Họ không thể nói được điều đó rõ ràng như vậy, họ có thể đã quên mất hoàn toàn. Trong hàng nghìn năm đây là cách mọi người đã sống. Họ đã thấy rằng cha họ và mẹ họ đã sống theo cùng cách, họ đã thấy rằng ông bà họ đã sống theo cùng cách. Đây là cách mọi người sống - họ đã chấp nhận điều đó. Tự do của họ bị phá huỷ. Cứ dường như chúng ta đang cố bay trong bầu trời bằng một cánh. Vài người có cánh của tình yêu và vài người có cánh của tự do - cả hai đều không có khả năng bay. Hai cánh là cần có.

Chương 9. Tabula Rasa


Các triết gia bao giờ cũng tin rằng điều tinh tuý đi trước sự tồn tại, rằng con người được sinh ra với điều người đó sẽ trở thành đã được xác định. Cũng giống như hạt mầm, con người chứa toàn thể chương trình; bây giờ vấn đề chỉ là việc hiển lộ ra. Không có tự do - đó đã từng là thái độ của tất cả các triết gia trong quá khứ, rằng con người có định mệnh nào đó, số phận. Người ta sẽ trở thành một thực thể nào đó, cái được cố định, kịch đoạn đã được viết rồi. Bạn không nhận biết về điều đó, đấy là vấn đề khác, nhưng bất kì cái gì bạn làm, bạn đều không làm nó. Nó được làm thông qua bạn bởi tự nhiên, lực vô ý thức, hay bởi Thượng đế.
Đây là thái độ của những người theo quyết định luận, người theo thuyết định mệnh. Toàn thể nhân loại đã đau khổ về điều đó vô cùng, bởi vì cách tiếp cận này nghĩa là không có khả năng của bất kì thay đổi triệt để nào. Chẳng cái gì có thể được làm về sự biến đổi của con người; mọi thứ đều sẽ xảy ra theo cách nó sẽ xảy ra. Phương Đông đã đau khổ nhiều nhất bởi vì thái độ này, Khi không gì có thể được làm, thế thì người ta bắt đầu chấp nhận mọi thứ - nô lệ, nghèo nàn, xấu xí; người ta phải chấp nhận nó. Đây không phải là hiểu biết, nó không phải là nhận biết; nó không phải là điều Phật Gautama gọi là như thế, tathata. Nó chỉ là thất vọng, vô vọng tự che giấu bản thân nó trong những lời mĩ miều.
Nhưng hậu quả sẽ là thảm hoạ. Bạn có thể thấy điều đó trong hầu hết hình thái đã phát triển ở Ấn Độ: người nghèo, người ăn xin, người ốm yếu, người què quặt, người đui mù. Và không ai để ý gì tới điều đó bởi vì đây là cách cuộc sống đang vậy, đây là cách cuộc sống bao giờ cũng là vậy và đây là cách cuộc sống bao giờ cũng sẽ là vậy. Một loại lờ phờ thấm vào chính linh hồn. Nhưng toàn thể cách tiếp cận về cơ bản là sai. Nó là an ủi, không phải là khám phá tới từ việc tìm trong thực tại. Nó là cách nào đó che giấu vết thương của người ta - nó là cách hợp lí hoá. Và bất kì khi nào việc hợp lí hoá bắt đầu che giấu thực tại của bạn, bạn nhất định rơi vào những thực tại ngày một đen tối hơn.
Điều tinh tuý không đi trước sự tồn tại; ngược lại, sự tồn tại đi trước điều tinh tuý. Con người là sinh linh duy nhất trên trái đất có tự do. Con chó được sinh ra là con chó, sẽ sống như con chó, sẽ chết như con chó; không có tự do. Bông hồng sẽ vẫn còn là bông hồng, không có khả năng của bất kì biến đổi nào; nó không thể trở thành hoa sen được. Không có vấn đề chọn lựa, không có tự do nào cả. Đây là chỗ con người khác toàn bộ. Đây là chân giá trị của con người, cái đặc thù của con người trong sự tồn tại, tính duy nhất của con người.
Đó là lí do tại sao tôi nói Charles Darwin không đúng, bởi vì ông ấy bắt đầu phân loại con người cùng các con vật khác; sự khác biệt cơ bản này ông ấy thậm chí đã không để ý tới. Sự khác biệt cơ bản là ở chỗ tất cả mọi con vật đều được sinh ra với một chương trình, chỉ con người mới được sinh ra mà không có chương trình. Con người được sinh ra như một tabula rasa, tấm đá sạch; chưa có gì viết lên nó. Bạn phải viết mọi điều bạn muốn viết lên nó; nó sẽ là sáng tạo của bạn. Con người không chỉ tự do, con người là tự do. Đó là cốt lõi tinh tuý của con người, đó là chính linh hồn con người. Khoảnh khắc bạn phủ nhận tự do của con người là bạn đã phủ nhận ở con người kho báu quí giá nhất, chính vương quốc của con người. Thế thì con người là kẻ ăn xin, và còn ở tình trạng xấu hơn nhiều so với con vật khác bởi vì ít nhất chúng cũng còn có chương trình. Thế thì con người đơn giản bị lạc.
Một khi điều này được hiểu, rằng con người được sinh ra như tự do, thế thì tất cả các chiều này mở ra để trưởng thành. Thế thì đó là tuỳ ở bạn sẽ trở thành cái gì và không trở thành cái gì; nó sẽ là sáng tạo riêng của bạn. Thế thì cuộc sống trở thành cuộc phiêu lưu - không phải là sự hiển lộ mà là cuộc phiêu lưu, cuộc thám hiểm, cuộc khám phá. Chân lí đã không được trao cho bạn; bạn phải sáng tạo ra nó. Theo một cách nào đó, từng khoảnh khắc bạn đều đang sáng tạo ra bản thân mình.
Cho dù bạn chấp nhận lí thuyết về số mệnh, điều đó nữa cũng là một hành động quyết định về cuộc sống của bạn. Bằng việc chấp nhận thuyết định mệnh bạn đã chọn cuộc sống của kẻ nô lệ - đó là chọn lựa của bạn! Bạn đã chọn đi vào trong nhà tù, bạn đã chọn bị xiềng xích, nhưng đấy vẫn là chọn lựa của bạn. Bạn có thể bước ra khỏi nhà tù.
Tất nhiên mọi người sợ tự do, bởi vì tự do là mạo hiểm. Người ta chẳng bao giờ biết mình đang làm cái gì, mình đang đi đâu, kết quả tối thượng của nó tất cả sẽ là gì. Nếu bạn không được làm sẵn, thế thì toàn thể trách nhiệm là của bạn. Bạn không thể đổ trách nhiệm lên vai ai đó khác. Chung cuộc, bạn sẽ đứng trước sự tồn tại chịu trách nhiệm toàn bộ cho bản thân mình. Dù bạn làm bất kì cái gì, dù bạn là bất kì ai, bạn không thể lẩn tránh được điều đó; bạn không thể trốn thoát khỏi điều đó - đây là nỗi sợ. Từ nỗi sợ này mọi người đã chọn đủ mọi loại thái độ tiền định.
Và đó là điều kì lạ; những người tôn giáo và người phi tôn giáo đều đồng ý chỉ ở một điểm - rằng không có tự do. Trên mọi điểm khác họ đều bất đồng, nhưng trên một điểm sự đồng ý của họ là điều lạ. Người cộng sản nói họ là người vô thần, phi tôn giáo, nhưng họ nói rằng con người bị quyết định bởi những tình huống xã hội, kinh tế, chính trị. Con người không tự do; tâm thức con người bị quyết định bởi các lực bên ngoài. Đó là cùng logic đấy chứ! Bạn có thể gọi lực bên ngoài là cấu trúc kinh tế. Hegel gọi nó là "Lịch sử" - với chữ L hoa, nhớ - còn người tôn giáo gọi nó là "Thượng đế"; lại là từ với chữ T hoa. Thượng đế, Lịch sử, Kinh tế, Chính trị, Xã hội - tất cả các lực bên ngoài, nhưng họ tất cả đồng ý vào một điều, đó là bạn không tự do.
Tôi nói với bạn, bạn là tự do tuyệt đối, tự do vô điều kiện. Đừng né tránh trách nhiệm; né tránh sẽ chẳng ích gì đâu. Bạn chấp nhận nó càng sớm càng tốt, bởi vì ngay lập tức bạn có thể bắt đầu tạo ra bản thân mình. Và khoảnh khắc bạn tạo ra bản thân mình thì niềm vui lớn lao nảy sinh, và khi bạn đã hoàn thành bản thân mình, cách bạn muốn, có mãn nguyện mênh mông, cũng như khi hoạ sĩ hoàn thành bức vẽ của mình, chi tiết cuối cùng, và mãn nguyện lớn lao nảy sinh trong trái tim ông ta. Một việc được làm tốt đem tới an bình lớn lao. Người ta cảm thấy rằng người ta đã tham gia với cái toàn thể.
Lời nguyện duy nhất là mang tính sáng tạo, bởi chỉ thông qua tính sáng tạo mà bạn mới tham gia vào trong cái toàn thể; không có cách khác để tham gia. Bạn không phải nghĩ về Thượng đế, bạn phải tham gia theo cách nào đó. Bạn không thể là người quan sát được, bạn chỉ có thể là người tham gia; chỉ thế thì bạn mới nếm trải bí ẩn của nó. Sáng tạo ra bức tranh chưa là gì cả. Sáng tạo ra bài thơ chưa là gì cả, sáng tạo ra âm nhạc chưa là gì cả nếu so với sáng tạo ra bản thân bạn, sáng tạo ra tâm thức bạn, sáng tạo ra chính bản thể bạn.
Nhưng mọi người đã sợ sệt, và có lí do để mà sợ. Điều đầu tiên là ở chỗ nó mạo hiểm, bởi vì chỉ bạn là người chịu trách nhiệm. Điều thứ hai, tự do có thể bị dùng sai - bởi vì bạn có thể chọn cái sai mà hiện hữu. Tự do ngụ ý bạn có thể chọn cái đúng hoặc cái sai; nếu bạn chỉ tự do chọn cái đúng, đấy không phải là tự do. Thế thì nó sẽ giống như khi Forrd làm những xe ô tô đầu tiên của ông ấy - chúng tất cả đều mầu đen. Và ông ấy sẽđưa khách hàng vào phòng trưng bầy của mình và bảo họ, "Các ông có thể chọn bất kì mầu nào, miễn là nó đen!"
Nhưng đây là loại tự do gì vậy? miễn là nó đúng. Miễn là nó tuân theo Mười lời răn, miễn là nó tương ứng với Bhagavad-Gita hay Koran, miễn là nó tương ứng với Phật, Mahavira, Zarathustra. Thế thì nó không phải là tự do chút nào! Tự do về cơ bản nghĩa là, về bản chất nghĩa là bạn có khả năng của cả hai: hoặc chọn cái đúng hoặc cái sai.
Và nguy hiểm - do đó mới có sợ hãi - là ở chỗ cái sai bao giờ cũng dễ làm hơn. Cái sai là nhiệm vụ đi xuống dốc còn cái đúng là nhiệm vụ đi lên dốc. Đi lên dốc thì khó khăn, gian nan; và bạn càng đi lên cao nó lại càng trở nên gian nan hơn. Nhưng đi xuống dốc lại rất dễ dàng. Bạn không cần làm gì cả, lực hấp dẫn làm mọi thứ cho bạn. Bạn có thể chỉ lăn như hòn đá từ đỉnh đồi và đá sẽ lăn tới đáy; chẳng phải làm gì cả. Nhưng nếu bạn muốn vươn lên trong tâm thức, nếu bạn muốn vươn lên trong thế giới của cái đẹp, chân lí, phúc lạc, thế thì bạn đang khao khát những đỉnh cao hơn có thể có và điều đó chắc chắn là khó khăn.
Thứ hai, bạn càng lên cao, càng có nhiều nguy hiểm của việc bị ngã, bởi vì con đường trở nên hẹp và bạn bị bao quanh tứ bề bởi thung lũng đen tối. Một bước sai và bạn sẽ đơn giản rơi vào vực thẳm, bạn sẽ biến mất. Thuận tiện hơn, thoải mái hơn là bước đi trên đất bằng, chẳng bận tâm về những chiều cao. T ự do cho bạn cả hai cơ hội rơi xuống dưới con vật hay vươn lên trên thiên thần. Tự do là chiếc thang. Một đầu của thang đạt tới địa ngục, đầu kia chạm thiên đường. Nó là cùng một chiếc thang; chọn lựa là của bạn, chiều hướng phải do bạn chọn lựa.
Và với tôi, nếu bạn không tự do thì bạn không thể dùng sai cái không tự do của bạn được. Không tự do không thể bị dùng sai được. Tù nhân không thể dùng sai tình huống của mình được - người đó bị xiềng xích, người đó không tự do làm cái gì cả. Và đó là tình huống của mọi con vật ngoại trừ con người - chúng không tự do; chúng được sinh ra để là một loại con vật nào đó và chúng sẽ hoàn thành điều đó. Thực tế, bản thân tự nhiên hoàn thành điều đó; chúng không bị yêu cầu phải làm gì cả. Không có thách thức trong cuộc sống của chúng. Chỉ con người mới phải đối mặt với thách thức, thách thức lớn lao. Và rất ít người đã chọn mạo hiểm, đi tới các đỉnh cao, để khám phá ra những đỉnh cao tối thượng của họ. Chỉ vài người - Phật, Christ - chỉ rất ít người, họ có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Tại sao toàn thể nhân loại lại không chọn việc đạt tới cùng trạng thái phúc lạc như Phật, cùng trạng thái tình yêu như Christ, cùng trạng thái lễ hội như Krishna? Tại sao? - bởi lí do đơn giản điều đó là nguy hiểm ngay cả việc ước ao tới những đỉnh cao đó. Tốt hơn cả là không nghĩ về nó, và cách tốt nhất để không nghĩ về nó là chấp nhận rằng không có tự do - bạn đã được an bài sẵn từ trước rồi. Đã có kịch bản trao tay cho bạn trước việc sinh của bạn và bạn chỉ phải hoàn thành nó.
Chỉ tự do mới có thể bị dùng sai, sự nô lệ không thể bị dùng sai được. Đó là lí do tại sao bạn thấy nhiều hỗn loạn thế trong thế giới ngày nay. Nó chưa bao giờ như thế trước đây, bởi một lẽ đơn giản là con người không tự do thế. Bạn thấy nhiều hỗn loạn ở Mĩ bởi một lí do đơn giản là họ đang tận hưởng tự do lớn nhất mà chưa nơi nào trên thế giới đã từng được tận hưởng, vào mọi lúc trong lịch sử. Bất kì khi nào có tự do, hỗn loạn bùng phát. Nhưng hỗn loạn đó cũng đáng giá cho nó, bởi vì chỉ từ hỗn loạn đó mà các ngôi sao mới được sinh ra.
Tôi không cho bạn bất kì kỉ luật nào, bởi vì mọi kỉ luật đều là một loại nô lệ tinh vi. Tôi không cho bạn bất kì lời răn nào, bởi vì mọi lời răn được bất kì ai khác tới từ bên ngoài trao cho đều sẽ cầm tù bạn, bắt bạn làm nô lệ. Tôi chỉ dạy bạn cách tự do và thế rồi để cho bạn là bản thân mình, làm điều bạn muốn làm với tự do của mình. Nếu bạn muốn rơi xuống dưới con vật đó là quyết định của bạn, và bạn hoàn toàn được phép làm điều đó bởi vì đó là cuộc sống của bạn. Nếu bạn quyết định nó theo cách đó, thế thì đó là đặc quyền của bạn. Nhưng nếu bạn hiểu tự do và giá trị của nó thì bạn sẽ không bắt đầu rơi xuống; bạn sẽ không đi xuống dưới con vật, bạn sẽ bắt đầu vươn lên trên thiên thần.
Con người không là một thực thể, con người là chiếc cầu, chiếc cầu giữa hai thực thể - con vật và thượng đế, giữa vô ý thức và ý thức. Trưởng thành trong tâm thức, trưởng thành trong tự do đi. Lấy bước đi ra từ chọn lựa riêng của bạn. Tạo ra bản thân mình và nhận toàn bộ trách nhiệm về nó.

Ads Belove Post