Read more
Osho - Hyakujo – Đỉnh Everest của Thiền - Trích dẫn
…Chứng ngộ chỉ có thể là bất thần. Việc chuẩn bị có thể dần
dần, nhưng việc sáng tỏ ra thì sẽ là bất thần. Bạn có thể chuẩn bị đất cho hạt
mầm, nhưng việc nảy mầm sẽ tới bất thần một hôm nào đó. Sự tồn tại tin vào tính
bất thần. Chẳng có gì tiệm tiến, mặc dù mọi thứ đều có vẻ tiệm tiến; đó là ảo
tưởng của chúng ta. Mọi thứ đều cần thời gian. Nếu bạn muốn chuẩn bị nhà, vườn,
bức tranh, bài thơ, thì sẽ phải mất thời gian. Chỉ một thứ không cần thời gian,
bởi vì nó nằm ngoài thời gian, đó là phật tính của bạn. Bạn đơn giản nhảy ra khỏi
thời gian, và bạn thấy mình bao giờ cũng là vậy - bản tính cố hữu của bạn. Bạn
có thể là Phật mà chẳng khó khăn gì, nó không phụ thuộc vào phép màu. Nó là nỗ
lực rất đơn giản và khiêm tốn để tìm kiếm bên trong bạn điểm sâu nhất nơi bạn
được nối với vũ trụ. Điểm nối đó là phật. Chỉ nhìn vào bên trong với sự khẩn
thiết tuyệt đối và trong một khoảnh khắc mọi thứ đều được biến đổi.
…Khi bạn đói, hãy ăn; khi bạn mệt, hãy ngủ. Nhưng không làm
cái gì khác. Bao giờ cũng vẫn còn được hàm chứa trong hiện tại, hàm chứa trong
hành động. Giơ tay lên, hãy chỉ giơ tay, đừng nghĩ tới bất kỳ cái gì khác. Ngồi,
hãy chỉ ngồi; bước, hãy chỉ bước. Mọi hành động nên được tập trung tới mức nó
không cho phép các ý nghĩ khác bước vào.
…Chỉ chứng kiến, cứ dường như bạn chẳng liên quan gì đến
chúng cả. Việc chứng kiến là phương thức vĩ đại nhất đã được tất cả những người
chứng ngộ trong quá khứ tìm ra. Nó cắt xuyên qua mọi rác rưởi như lưỡi kiếm sắc.
Đừng bị đồng nhất. Hãy vẫn còn tách rời và quan sát. Giận dữ có đó, hãy chú ý tới
nó và chỉ quan sát cách nó phát sinh, cách nó lan rộng như nấm, cách nó bao phủ
bạn như một lực mù quáng; cách nó bắt đầu tạo ra quyết định cho bạn, cách bạn bắt
đầu hành động theo nó. Chỉ quan sát và bạn sẽ ngạc nhiên rằng nó chẳng thể làm
được gì cả. Khi nó nảy sinh nó thậm chí không đi tới điểm trở thành nấm bởi vì
nó không được nuôi dưỡng. Bằng việc quan sát nó đã cắt đi chính việc nuôi dưỡng.
Và chẳng mấy chốc nó sẽ tan tác như sương mờ. Nó không có thực tại ngoại trừ sự
đồng nhất của bạn.
…Niết bàn, theo nghĩa đen là thổi tắt ngọn lửa. Sau khi ngọn
lửa bị tắt, có khả năng tìm lại ngọn lửa đó lần nữa trong vũ trụ bao la này được
không? Nó đã đi vào trong sự tồn tại đại dương, hãy trở thành một với nó. Không
có cách nào tìm ra nó. Phật đã dùng “niết bàn” làm trạng thái tối thượng, khi
tâm thức cá nhân của bạn tan biến vào trong tâm thức vũ trụ. Cũng như ngọn lửa
đã bị thổi tắt, bạn sẽ không còn ai nhắc tới nữa; bạn sẽ không còn nữa; chỉ sự
tồn tại có đó. Bạn sẽ bước đi và đó là sự tồn tại bước đi trong bạn. Bạn sẽ
nói, và đó là sự tồn tại sẽ nói qua bạn. Bạn sẽ trở thành chỉ là cây tre hổng,
và sự tồn tại có thể làm ra chiếc sáo từ bạn. Lời hay im lặng tất cả tới từ cội
nguồn vũ trụ. Bạn không làm gì về phần riêng của mình. Niết bàn là biến mất vào
trong điều tối thượng. Ngay cả trong khi còn sống bạn cũng đang sống trong điều
tối thượng. Nó là tự do, độc lập của chúng ta - độc lập với chính mình. Đó mới
là độc lập tối thượng - bạn không còn nữa. Chừng nào bạn còn đó thì vẫn có sự
nô lệ nào đó vào hoàn cảnh, vào thân thể, vào tâm trí, vào xã hội. Niết bàn là
tự do tuyệt đối. Bây giờ không còn ai có thể bị làm nô lệ. Giọt sương đã biến mất
vào đại dương.
…Điều bạn có thể thấy bằng mắt mình chỉ là sự phản xạ, đều
là phù du. Chúng được làm nên từ một chất liệu như trong giấc mơ. Đừng quá bị bận
tâm, gắn bó, đồng nhất với chúng. Điều đó tạo ra tù túng. Toàn thể sự tồn tại
xung quanh đều đang trong vận động. Vận động là thực tại, đó là lý do nó được gọi
là phù du. Nhưng trong cốt lõi sâu nhất của bản thể bạn có một trung tâm bất động
trong toàn thể sự tồn tại. Và trung tâm bất động đó lại không chỉ của bạn. Tại
trung tâm đó tất cả chúng ta đều gặp nhau. Chúng ta là nhiều ở chu vi. Tại
trung tâm chúng ta là một. Tại chính trung tâm chỉ tính hiện hữu là còn lại. Cả
tôi lẫn bạn đều không có, mà chỉ có sự tồn tại thuần khiết. Tấm gương còn lại;
mọi sự tới và đi. Tâm thức còn lại, nhận biết còn lại, việc chứng kiến còn lại;
mọi thứ tới và đi. Cuộc sống tới, cái chết tới, việc chứng kiến tựa như tấm
gương của bạn còn lại vĩnh hằng. Nó là điều duy nhất trong toàn thể sự tồn tại
không bao giờ thay đổi.
…Chúng ta cho rằng mọi người là hiển nhiên. Chúng ta làm mọi
nỗ lực để quên rằng mọi người đều là người lạ. Thiền là nỗ lực để cho bạn nhận
biết đầy đủ về tính xa lạ của mình. Điều này cho bạn tự do với đám đông, cho bạn
ý thức về việc là bản thân mình. Mọi trông đợi của bạn sẽ bị dẹp bỏ. Bạn là ai
mà trông đợi? Chúng ta không biết tới bản thân mình, làm sao biết tới người
khác được?
…Bất kỳ hoạt động trần tục nào cũng đều có thể mang tính thiền,
nếu bạn làm với tình yêu và lòng từ bi mênh mông, bạn làm với đôi tay của Phật.
Khi bạn có thể mang tâm thức của mình, nhận biết của mình, thông minh của mình
vào hành động, nếu bạn có thể tự phát, thế thì không có nhu cầu gì về bất kỳ
tôn giáo nào khác, bản thân cuộc sống là tôn giáo.
…Thiền nhân cũng đọc kinh sách và anh ta mang những lời đó
trở lại cuộc sống qua tính thiền của mình, qua trí tuệ riêng của mình. Ai đó đã
nói ra những lời đó từ trí huệ, từ chứng ngộ - vị Phật. Chỉ vị phật khác mới có
thể đem chúng trở lại cuộc sống. Chỉ vị phật khác mới có thể đem lại nghĩa cho
chúng lần nữa. Với thiền nhân, kinh sách là nguồn tham khảo. Việc đọc của thiền
nhân sẽ làm cho kinh sách thành sống và sẽ làm cho người ta tin tưởng đi theo
con đường thiền.
…Bài cú là bức tranh bằng lời. Một cách im lặng, thiền nhân
đang trong thiền và khi mở mắt ra ông ta thấy các cảnh vật, âm thanh… Bài cú là
bức điện tín - thậm chí không có đến một lời không cần thiết. Bạn không thể
thêm vào hoặc bớt đi một lời. Đây đơn giản là những ghi chép của thiền nhân về
cái đẹp của sự tồn tại mà những người không thiền tuyệt đối không nhận biết được.
…Để biến mất bạn không phải làm gì cả. Nếu bạn phải làm điều
gì đó để biến mất, thì bạn sẽ còn là người làm. Bạn sẽ vướng vào cái vòng luẩn
quẩn. Bạn sẽ không bao giờ thành công. Việc biến mất không nằm trong tay bạn. Bạn
đơn giản chỉ kiếm cội nguồn của bản thể mình, và bạn sẽ thấy bạn biến mất. Bạn
phải chấm dứt mọi nỗ lực. Bạn chỉ là nhân chứng thôi. Là nhân chứng thì không
phải là nỗ lực, bởi vì đó là bản tính của bạn. Trái tim trống rỗng này là tấm
gương của bạn. Hãy tìm ra nó và mọi thứ khác của bạn - giận dữ của bạn, bản ngã
của bạn, ý tưởng về cá tính của bạn - cũng biến mất cùng bạn. Bạn sẽ đi vào chiều
hướng hoàn toàn mới nơi bạn là đại dương, không là giọt sương.
…Người biết còn kỳ diệu hơn cái được biết, bởi vì cái được
biết chỉ là khách thể. Người đó sống, không chỉ sống mà sống một cách có ý thức.
Chỉ bởi bản tính vô cùng của tâm thức chứng kiến, nó còn cao hơn cái được chứng
kiến.
…“Cái biết tới việc sinh là cái không sinh.” Người biết tới
cái chết thì không chết. Làm sao có thể chết và biết cái chết cùng lúc được ?
Cái biết tới sinh là ở ngoài sinh. Nó chỉ là nhân chứng. Nó quan sát - rằng
thân thể già mất đi và bụng mẹ mới đang có sẵn, rằng thân thể mới đã bắt đầu
phát triển. Đứa trẻ có thể trở nên có ý thức chỉ nếu trong kiếp sống quá khứ của
mình nó đã thiền đủ, đã tạo ra đủ năng lượng thiền để tranh đấu với bóng tối mà
cái chết đem tới. Người ta đơn giản mất đi trong quên lãng và thế rồi bỗng
nhiên tìm ra bụng mẹ mới và quên hoàn toàn về thân thể cũ. Có sự gián đoạn.
Bóng tối này, vô ý thức này tạo ra sự gián đoạn đó. Chính sự kiện mang tính tồn
tại là bạn đã từng hiện hữu trước đây và bạn sẽ hiện hữu sau cái chết của mình.
Cái đã có trước việc sinh và và sẽ có sau việc chết là cùng một người. Nó không
bao giờ chết và không bao giờ sinh. Nếu bạn còn chưa chết với ý thức tuyệt đối,
thì bạn không thể biết về cái không sinh và cái không chết. Bạn không thể nghĩ
về sinh và chết được. Nếu bạn thực sự muốn biết, hãy vứt bỏ mọi suy nghĩ và đi
vào trái tim trống rỗng - chỉ nó mới biết cái vĩnh hằng của bản thân bạn. Tâm
trí là thế giới của bạn. Nếu lấy tâm trí ra, toàn bộ thế giới của bạn biến mất.
Thiền là nỗ lực làm cho thế giới bạn đã biết tới qua tâm trí biến mất, và cảm
nhận mới về vô trí nảy sinh trong bạn. Điều bạn không thể thấy được bằng tâm
trí, bạn có thể thấy được bằng vô trí. Sinh và chết không ảnh hưởng gì lên vô
trí cả. Nó đơn giản nổi trên sinh và chết. Nó đã thấy nhiều việc sinh và chết,
nó đơn giản phản chiếu bất cứ cái gì đang xảy ra. Việc chứng kiến này là phật.
…Có hai thực tại: Một thực tại được cảm nhận bằng tâm trí và
một thực tại được cảm nhận bằng vô trí. Với vô trí, thực của tâm trí trở thành
hiện tượng, tựa giấc mơ. Nhưng giấc mơ cũng có sự tồn tại riêng của nó - phật
cũng trở nên đói, bạn không thể ăn thiền được. Bạn đang đứng ở đường biên của
hai thế giới: khách thể và chủ thể. Các bạn tất cả đều sinh ra là người bình
thường, thích những thứ bình thường của thế giới và mang vị phật của mình bên
trong, bỏ quên nó. Nhưng cho dù bạn nhận ra vị phật thì cũng không thể phủ nhận
thế giới bên ngoài. Có hai thực tại.
…Ngày, tháng, năm là những lữ khách vĩnh hằng. Họ đi qua trước
chúng ta, nhưng chúng ta bao giờ cũng ở đây và bây giờ, bao giờ cũng vậy. Chẳng
thành vấn đề thân thể bạn ở đâu. Trung tâm này mà chưa bao giờ di chuyển là
trung tâm không chỉ của bạn, mà của toàn thể sự tồn tại. Biết điều này, bạn lắng
đọng. Bạn đã tìm ra cái toàn thể của mình, bạn thảnh thơi. Mọi ham muốn biến mất,
mọi tham vọng biến mất. Chẳng có đâu mà đi và không có gì mà đạt. Mọi thứ đều
như nó phải vậy. Trong khoảnh khắc khi bạn kinh nghiệm điều này, bạn trở thành
vị phật. Đây là điều gọi là chứng ngộ.