Osho - Bát nhã Tâm kinh – Trích dẫn

Osho - Bát nhã Tâm kinh – Trích dẫn

Price:

Read more

Osho - Bát nhã Tâm kinh – Trích dẫn


…Câu hỏi rền vang trong chính nội tại của anh: “TA LÀ AI?” và Im lặng; không có câu trả lời dấy động. Anh đang hiện hữu triệt để, chỉ có sự Im lặng tột cùng. Và rồi phép lạ xuất hiện; anh không thể đề ra một câu hỏi nào nữa. Những câu trả lời đã trở nên vô nghĩa, rỗng tuyếch. Và khi câu trả lời và câu hỏi biến mất, anh mới chợt thẩm thấu trực nhận rằng: Đó là sự chuyển hóa tâm thức. Và với sự chuyển hóa đó, anh là một vị phật. Và rồi anh đột nhiên cười phá lên khi anh nhận ra rằng anh đã là phật từ vô thỉ, không phải bây giờ anh mới thành phật, nhưng anh có bao giờ quán chiếu sâu xa như vậy đâu; anh chạy lẩn quẩn, loanh quanh tìm kiếm ngoài con người anh, và anh không hề quay trở về nhà xưa bến cũ.

…Thân cây kia chỉ là sự kết hợp giữa năm yếu tố (đất, nước, lửa, gió, không). Nếu cây bắt đầu nghĩ “Tôi” thì nụ mầm đau khổ đã nhen nhúm ở trong cây và thân cây sẽ tạo ra địa ngục cho nó. Song, những cây cao kia đâu có khờ khạo dữ vậy, chúng đâu có chuyên chở một tri thức nào. Hôm nay chúng có mặt ở đây, nhưng nếu ngày mai chúng không còn nữa thì cũng đơn giản vậy thôi. Chúng không bám víu, nắm giữ vào cái gì, vào một ai, mà cũng không có ai, không có gì để mà bám víu. Cũng thế, trời xanh kia, mây trắng kia, núi hồng, suối bạc hay đàn chim bay lượn, trăng sao lấp lánh kia… không bao giờ bị vướng mắc vào ý niệm tự ngã ngờ ngệch. Chỉ có con người mới chuyển đổi cái cơ hội Ý thức thành Ngã thức. Con người có ý thức. Một khi ý thức phát triển rộng lớn ra, nó sẽ đưa anh đến khả tánh vô biên của Giải thoát, An lạc. Nhưng nếu có sự trục trặc lạc hướng nào, ý thức sẽ chuyển biến thành ngã thức, anh sẽ bị vùi chôn trong chua cay não nề, trong đau thương thống khổ, trong địa ngục đời đời. Hai sự chuyển hóa đó luôn luôn rộng mở, tùy anh sáng suốt lựa chọn…
Cho nên, bạn phải hiểu cho trọn vẹn là bản ngã không hiện hữu. Không ai có thể hiện hữu trong phân cách cả. Anh là một với Đại thể, cũng như tôi, như Phật, như Chúa, tất cả là Một.

…Cái bản ngã không sống trong phút giây hiện tại được vì hiện tại là thực và bản ngã là giả. Thực và Giả không bao giờ gặp nhau. Quá khứ là giả, là vọng, không thực thể. Tương lai cũng vậy, chỉ là ảo mộng, là tưởng tượng, là vọng niệm. Nếu anh thông minh, anh chỉ cần đơn giản “nhìn” vào tận trong cùng mỗi sự vật ngay giây phút hiện tại này. Cái bản ngã đâu rồi? Chỉ có Im lặng, không có quá khứ, tương lai, chỉ có hiện tại và tiếng chó sủa. Ngay giây phút này đây anh không là gì cả. Hãy để yên phút giây này, anh không là gì cả. Và chỉ có sự Im lặng mênh mông, sâu xa, trong và ngoài, có và không. Mọi ý niệm vắng bặt, chủ thể khách thể không phân chia- hố sâu ngăn cách đã được san bằng. Và anh đã nhận ra rằng anh không là gì hết! Là số hông. Chân không.

…Anh hãy thực sự sống trong phút giây này, ở đây. Bây giờ và ở đây là hiện hữu duy nhất. Tự do nội tại tuyệt đối vẫn luôn ở trong anh. Tự do có nghĩa là tự do khỏi bản ngã, chứ không phải tự do của bản ngã. Ngay lúc nhà giam biến mất, tên tù nhân cũng biến mất, vì tù nhân cũng chính là nhà giam. Cái lúc anh ra khỏi được nhà giam, anh không còn bị vướng mắc gì cả; chỉ có trời xanh, không gian trong lành, đó chính là Niết bàn, là Giải thoát…
Anh hãy an nhiên ngồi xuống, không làm gì cả, thư dãn, buông xả, chỉ cần có mặt đầy tỉnh thức- và mùa xuân đến, cây cỏ nảy mầm… Hãy để gió nhẹ thoảng qua mặt anh, mặt trời chiếu sáng trên đầu anh, hãy để dòng sống nhảy múa, hãy để thần chết vui vẻ đến và anh cũng nhảy múa ca hát đi, thật tự nhên, thật an lạc, thật hạnh phúc…
Anh đã tự do ngay giây phút này! Anh đã giác ngộ ở ngay phút giây này.

…Anh có phải chăng chỉ là ngọn sóng bồng bềnh đùa trên mặt biển kia? Ngày hôm nay sóng có mặt trong biển khơi, ngày nào đó sóng biến mất; nhưng vẫn là biển, biển vẫn tiếp tục gầm thét lồng lộng thái hư. Ngày nay anh hiện hữu, ngày nào đó anh biến mất, dòng đời vẫn nhịp nhàng tuôn chảy, dù có anh hay không có anh, dù có tôi hay không có tôi. Vậy tại sao anh lo âu dữ vậy? Tại sao anh buồn thế? Anh đến, anh đi. Tôi có mặt, tôi tan biến. Vạn sự vạn vật là thế! Qui luật vô thường vô ngã đó chi phối rõ ràng trong vũ trụ nhân sinh, anh cần phải nắm bắt, thấu triệt. Thế mà trong khoảng cách thời gian nhỏ hẹp của kiếp người đó, anh lại chất lên vai gánh nặng cuộc đời, và anh ôm ấp, mang vác những hòn đá tảng nặng nề đó trong lòng anh- và chẳng vì một nguyên nhân nào hết.

…Tôi không nói anh đừng hoạt động gì cả, chỉ im lìm như xác chết. Tôi không nói anh đừng đi làm kiếm tiền nữa. Tôi không nói anh từ bỏ cuộc đời; tôi không nói anh sống ỉ lại vào người khác. Tôi cũng không nói anh phải hùng hổ hay phản kháng gì cả.
Không, tôi chỉ nói anh đừng là tác nhân. Khi đói, anh cần phải ăn, và khi anh ăn, anh cần làm việc để sinh sống- nhưng anh nhớ chỉ có hành động mà không có người hành động, không có bản ngã nào trong con người mang tên AB nào đó đang làm cái hành động này, hành động kia. Chỉ có cái đói đang làm công việc này nọ để kiếm tiền. Chính cái khát mang anh đến giếng mát để uống. Chỉ có cái khát chuyển động, chứ không có người khát. Hãy buông bỏ các danh từ và đại từ xuống hết, chỉ có động từ di chuyển mà thôi.

…Giác ngộ thật đơn giản, bình thường như cuộc đời anh đang sống, như vạn vật xung quanh anh. Khi anh không còn tranh đấu giành giật, rong ruổi tầm cầu nữa. Cuộc sống bình thường là tuyệt vời, là diễm lệ. Cây xanh thêm xanh, tiếng chim hót thêm ríu rít, ngọt ngào, những viên đá cuội nhỏ cũng biến thành viên kim cương lấp lánh. Anh hãy đón nhận cuộc sống bình thường này đi! Hãy buông bỏ cái ý niệm “tôi là người làm”. Hãy nhìn sự vật trong vạn vật. Hãy nhìn, và kìa, tất cả đều vắng bóng, mất dạng!

…Anh là ai ngay cái giây phút hiện tại này? Không là ai hết, không là cái gì hết. Cái “Không” đó chính là trung tâm điểm, là cốt lõi, là trái tim của chính cái hợp thể con người anh. “Chết” không là lưỡi búa chém đoạn thân cây dòng sống. Chết chính là hoa trái kết quả của dòng sống. Chết chính là bản chất mà anh được sản sinh ra. “Không” chính là anh, là con người anh. Anh hãy đạt tới “Chân Không” dù qua tình yêu hay qua thiền định, và cứ tiếp tục nhìn nó, nhìn nó. “Tánh Không” không bao giờ chết. Nếu anh nhận diện anh là cái gì đó thì anh sẽ đau khổ vì cái chết, nhưng nếu anh biết rõ anh là cái chết thì làm sao anh đau khổ được? Và rồi, sẽ không có cái gì có thể hủy diệt được anh. Chân không không thể bị hủy diệt.

…Chết có thể gây ra sợ hãi; nhưng nếu nhìn toàn diện, tổng thể thì chết giải thoát cho anh khỏi sợ hãi, khỏi tất cả đau buồn, phiền não, chất khai phóng anh khỏi luân hồi… Anh là cái chết, anh được sản sinh ra từ cái chết. Sẽ không có cái gì mất. Sẽ không có cái gì còn. Chỉ có Chân không. Cái chết chính là tuyệt đỉnh cuộc sống. Ẩn nấp trong cái chết là hỷ lạc tuyệt vời, vì trong chết ta được tự do triệt để. Chết là toàn thể vũ trụ.

… “Khi trí năng biến mất, vọng tưởng biến theo, và không còn nhị nguyên đối đãi nữa. Duy nhất chỉ có Một. Một là tất cả. Tất cả trong Một”. Nếu ta nắm được chân lý đó, ta sẽ không còn lo âu nữa về con người không hoàn hảo của ta. Anh chỉ nhìn vạn hữu với sự ngây thơ trinh nguyên của tâm hồn anh, với sự rỗng rang tâm trí, không khởi niệm, không quan tâm đến tại sao, thế nào.

…Trong cái thế giới điên loạn này, nếu bạn tỉnh táo, nhạy cảm, thông minh, thì, một là bạn phải điên loạn, hai là bạn phải tự tử hoặc bạn phải trở thành một ẩn sỹ.
Những vị tu sỹ chính là những người thực tiễn, khôn ngoan, sâu sắc, thông minh nhất khi đánh đổi những giả tạm thế gian cho một đời sống tâm linh cao thượng, thanh khiết, an lạc và giải thoát vĩnh cửu.

…Vì tính chất cố định và bất định của cái chết, chúng ta hãy an nhiên thán ngợi cái chết. Chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì thế đừng cho rằng thật là chán nản, ai oán, bi quan hay bệnh hoạn nếu suy nghiệm về cái chết. Không phải vậy đâu, bởi vì chết là sự kết thúc cuộc đời, là đoạn cuối của vở tuồng sân khấu, là chấm dứt một vai trò, là đỉnh cao của dòng sinh mệnh. Bạn nên ghi chú về cái chết. Chết đang đến, đang tác động lên hình hài, cơ thể bạn từng satna. Nó ắt nhiên phải xảy ra, bạn phải sửa soạn cho nó. Và cách duy nhất sửa soạn cho cái chết, cách đúng nhất, là tập chết từng giây quá khứ. Không mang vác quá khứ trên vai, dù chỉ một satna, một nháy mắt thời gian. Từng phút giây, bạn hãy chết đi trong quá khứ và sinh ra trong hiện tại. Phút giây hiện tại đó mới giúp cho bạn tươi mát, trẻ trung, sống động, sung mãn, nó giúp cho bạn dồi dào sinh lực và đầy cảm hứng xuất thần. Và người nào biết diệt từng phút giây quá khứ sẽ biết cách chết như thế nào; đó là nghệ thuật chết cao nhất. Như thế, khi cái chết vật lý tới, người đó nhảy múa với cái chết, ôm choàng lấy cái chết! Chết là tri kỷ, là bạn thân, không phải là kẻ thù. Đó là sự an nghỉ thư thái hoàn toàn trong hiện hữu. Đó là sự đang trở thành trong tổng thể, sự hợp nhất với tổng thể.

…Sợ hãi là gì? Là hình thức trá hình ngụy trang của tham dục. Tham lam sinh ra mong cầu chiếm giữ và rồi lo sợ sẽ mất đi.
Anh sợ chết hả? Phật nói: “Ngươi không chết đâu vì thực ra ngươi không có chết. Hãy nhìn sâu vào nội tâm ngươi. Nào, ai là người lãnh thọ cái chết? Nhìn sâu vào thực thể con người của ngươi, ngươi sẽ không thấy cái gì gọi là bản ngã, gọi là X hay Y cả. Và một khi đã không có cái ta thực thể thì ai là người chết? Đã không có ai chết thì sợ hãi từ đâu phát sinh?”

…Thoát khỏi bản ngã có nghĩa là thoát khỏi cơn mê ngủ. Thoát khỏi bản ngã là thoát khỏi bóng đêm. Thoát khỏi bản ngã là tự do. Và trong sự tự do ấy, không có con đường nào cả. Nó giống như giấc mộng. Trong mộng, anh đau khổ, và khi anh đau khổ trong mộng, cái đau khổ đó dường như có thật vậy.

…Đứa trẻ vốn ở vườn địa đàng, vẫn còn ở thiên đường. Nó sẽ mất thiên đường- bởi vì khi được một cái gì thì đồng thời ta lại mất đi một cái gì đó khác, bù lại. Phật đã về nhà… sau khi đi một vòng thật tròn đầy. Phật đã lạc bước, đã rớt xuống tận cùng hố thẳm của tội lỗi, của đói khát, khổ đau, của địa ngục. Những “kinh nghiệm sống sót” sau những lần rơi xuống đó là một phần của sự trưởng thành và khôn lớn. Không có những kinh nghiệm thăng trầm biến đổi như của Phật đó, sự ngây thơ của anh rất mong manh, nó không thể chịu đựng nổi sóng gió, bão tố của cuộc đời. Sự ngây thơ trong trắng của anh phải chịu đi xuyên qua ngọn lửa cuộc sống- anh sẽ mắc phải một ngàn lẻ một lỗi lầm, một ngàn lẻ một lần anh bị rơi tòm xuống hố, nhưng rồi anh sẽ ngóc cổ đứng dậy trở lại được. Tất cả kinh nghiệm đó, từ từ, từ từ sẽ làm anh chín muồi, sẽ làm anh khôn lớn chững chạc, và anh sẽ trưởng thành. Sự ngây thơ của Phật là sự ngây thơ của người đã trưởng thành, hoàn toàn trưởng thành.

…Đây là nghịch lý: Rằng chỉ có một tự ngã hoàn toàn tiến hóa mới có thể xả ly. Thực tế thì chỉ có người chấp ngã trọn vẹn mới có thể triệt để xả ly được. Bởi vì chính hắn, chỉ có hắn thấm sâu, hiểu rõ được cái đau khổ của tự ngã, chỉ có hắn mới có sức mạnh để xả ly. Hắn đã biết tất cả khả năng của tự ngã và cũng đã lọt vào tận những tình huống bất mãn, bực mình, không như ý. Hắn đã đau khổ quá nhiều, và hắn hiểu thôi thế là đủ rồi, hắn muốn tìm cách để xả ly bản ngã. Gánh nặng đó đã quá nặng và hắn đã mang trên vai khá lâu rồi.

…Hãy sống phút giây hiện tại thật trọn vẹn, càng nhiều càng tốt. Anh đừng tỉnh táo quá, bởi vì tỉnh táo quá sẽ dẫn anh đến mất trí đấy! Anh hãy để một chút gàn dở, một chút khùng điên hiện hữu trong anh. Cái chất gàn dở, điên điên đó sẽ làm đời anh thành mật ngọt, sẽ làm anh hưng phấn tột đỉnh. Cái chất gàn dở, điên điên đó sẽ giúp anh dám vui đùa, dám đùa cợt cuộc sống, và anh thực sự thỏa thích vui thú trong cuộc sống, nó sẽ giúp anh thư dãn tâm trí.

…Bất kỳ một ngày nào đó, anh nhắm mắt lại, nhìn sâu vào trong anh và anh sẽ phá lên cười. Anh đã nhọc nhằn đi tìm kiếm nó suốt bao năm bao kiếp, anh đã đi tìm sự cứu độ giải thoát cho linh hồn anh, cho tâm thức anh và anh đã tìm sai chỗ. Anh muốn tìm thấy sự an lạc từ Chân không nhưng anh lại mầy mò tìm kiếm sự thanh bình, an ổn đó trong tiền bạc, hoặc bằng cách này, cách khác. Không, không bao giờ an lạc đến với anh như vậy cả. Không cái gì bên ngoài có thể làm cho anh an tâm, an lạc được. Bản chất cái bên ngoài không bao giờ chắc chắn cả thì làm sao nó có thể giúp cho cuộc đời anh an ổn được?
Sự an ổn là con đường nội tâm, bởi vì ở đó anh sẽ cảm nhận là không có ai chết cả, không có người đau khổ, cũng không có chuyện bất trắc nào xảy ra, ở đó thuần một bầu trời thanh tịnh, trong sáng. Những đám mây bay tới, bay đi, nhưng bầu trời vẫn miên viễn trong sáng. Chân không đó đã từng hiện hữu tự ngàn xưa, chưa hề biến đổi.

…Chỉ có một sự nương tựa duy nhất là nương tựa vào chính mình, vào nguồn tâm thường hằng của mình. Tất cả những cái khác đều cần và phải buông bỏ. Không mong mỏi, không tầm cầu, không chống đối cũng không ủng hộ, chấm dứt sự gá nương hay rong ruổi tìm kiếm bất cứ một nơi trú ẩn hay che chở ủng hộ nào. Tự do có nghĩa là tất cả mọi chống đỡ, nương tựa đều bị tước bỏ, tất cả mọi ủng hộ hay che chở đều biến mất. Tự do có nghĩa cơ bản là Chân không. Anh chỉ tự do khi anh không là cái gì hết, không là gì hết. Không và Không. Chân không cho anh tự do. Tự do khỏi tự ngã là tự do tuyệt đối. Chân không là tự do.

…Thiền định giúp anh điều đó. Càng tập trung vào thiền định, mỗi ngày anh càng thấy thoát xa được chính anh càng lúc càng nhiều. Anh càng xả ly được tự ngã bao nhiêu thì anh càng được an lạc bấy nhiêu. Từ từ, từ từ, từng bước, từng bước, tự ngã anh nhỏ bé dần. Và cái ngày anh không là gì cả, là con số không, ngày đó là ngày Đại lạc Niết bàn, anh đã về nhà, về tổ ấm. Anh đã đi trọn vẹn một vòng tròn cuộc đời, anh đã trở thành một em bé ngây thơ trở lại. Tự ngã biến mất. Tự ngã không còn. Anh đã tự do khỏi bản ngã.

…Đừngbao giờ quyết định điều gì với tâm trạng mâu thuẫn, bối rối cả. Không chọn lựa là tự do. Anh không chọn lựa, anh chỉ đơn giản sống thật trọn vẹn, thật nhiệt thành, thật mãnh liệt. Anh thực sự tỉnh thức, chú tâm, linh hoạt, tuyệt đối, hoàn toàn.

…Thiền nhân cần và nên đóng góp cho đời một cái gì đó. Cứ giữ nguyên không sáng tạo được gì, trơ trơ như vậy là tội lỗi, bởi vì anh có mặt, anh góp mặt trong dòng sống mà anh không cống hiến đóng góp được gì cả. Anh ăn, anh chiếm lấy một khoảng không gian, thế mà anh không cống hiến cái gì cả. Thượng đế, Chúa là Đấng sáng tạo, và nếu anh không là người sáng tạo, anh sẽ xa Chúa, xa Thượng đế.

…Thiền nhân phải là người vui tươi, khoáng đạt, bởi vì chính nụ cười của anh là sự thư thái, là sự tịnh diệt, là sự phóng khoáng, và nụ cười của anh có thể khiến cho người khác thư xả, khoan khoái hơn.

…Anh có thể vui sống một mình, anh không còn lệ thuộc vào những người khác nữa. Anh có thể ngồi một mình trong phòng và anh hoàn toàn sung sướng, hạnh phúc. Anh không cần phải đi câu lạc bộ, đi xem chiếu bóng.. Anh có thể nhắm mắt lại và anh để mình rơi vào hạnh phúc nội tại, thiêng liêng: Đó là thiền định, đó là chân nghĩa thiền định.

…Thiền nhân cũng là tình yêu, là sự liên hệ, là mối tương giao. Anh chỉ có thể liên quan đến mọi người khi anh đã học sống cô đơn. Chỉ có hai cá nhân mới có thể tương giao với nhau. Chỉ có hai sự tự do mới có thể gần nhau và ôm choàng lấy nhau. Chỉ có hai chân không mới có thể thâm nhập vào nhau, hòa tan trộn lẫn vào nhau. Nếu anh không có khả năng sống một mình cô đơn tuyệt đối, anh không thể nào tương giao với ai được, mối tương giao của anh chỉ là giả dối. Đó là cái mẹo vặt để anh tránh né sự cô dơn mà thôi, không có gì khác cả.

…Thiền nhân là người tổng hợp cả hai, hướng nội và hướng ngoại. Cả hai đều cần thiết và bổ túc cho nhau, không có cái nào cao hay thấp hơn cái nào cả.

…Phẩm hạnh của thiền nhân cũng là sự chuyển hóa, là Đạo của Lão tử, là vô nhã, vô tâm, vô nhân, chân không, tất cả hòa hợp với nhau, trộn lẫn vào nhau, một là tất cả, tất cả là một, tiểu ngã trong đại ngã, cá thể trong đại thể. Tất cả là Một trong khối đại đồng vũ trụ hàm linh. Vượt qua, vượt qua, hãy vượt qua bến bờ sinh tử. Ôi, tuyệt vời thay! Hạnh phúc thay!
Xem cả quyển “Tâm kinh”

Ads Belove Post