Read more
Osho - Con đường bên ngoài mọi con đường - Trích dẫn
…Con người có thể vẫn còn như cũ, bản thể bên trong không cần
trải qua bất kỳ sự biến đổi nào và chỉ tích lũy kiến thức. Không cần gì tới cuộc
cách mạng bên trong để thành nhà sử học, nhà toán học hay nhà hóa học. Nhưng
trong tôn giáo thì sự biến đổi là cần thiết trước khi có thể thu được việc biết.
Upanishad nói rằng trạng thái tỉnh thức của chúng ta cũng chỉ là một giấc mơ.
Trong trạng thái mơ đó chúng ta đang che dấu dốt nát của mình bằng việc tích
lũy tri thức giả, bằng việc học và ghi nhớ nó. Khi một người tỉnh dậy từ giấc
ngủ thì bây giờ anh ta không chọn lựa hoạt động trong thế giới này như kẻ mộng
du nữa, anh ta sống một cách có ý thức.
…Khi bạn cho sinh thành cái ta riêng của mình thì bạn không
cho sinh thành ra cái gì đó tách rời mình, như mẹ bạn sinh ra bạn, mà bạn lại
đang làm công việc kép. Bạn đang xóa bỏ bản thân mình và đồng thời một cuộc sống
mới lại bắt đầu biểu lộ.
…Con người cho rằng nếu tất cả mọi đau đớn và khốn khổ của
cuộc sống được xóa bỏ đi thì sẽ có nhiều hạnh phúc. Nhưng điều kỳ lạ là khi mọi
đau khổ qua đi thì chúng ta lại thấy không có hạnh phúc nào còn lại cả, bởi vì
chúng được gắn với nhau. Đó là lý do người giàu lại trở nên bất hạnh hơn người
nghèo, xã hội sung túc trở thành ngày một đau khổ hơn xã hội nghèo.
…Bất kỳ ai nghĩ: “Mình kiếm bánh mỳ, xây nhà, mua quần áo,
mình duy trì thân thể này, và nếu mình không duy trì tất cả những điều này thì
mọi thứ sẽ tan rã” đều sống trong ngu ngốc, và người như vậy có thể làm rất giỏi
trong thế giới này, nhưng người đó không thể đi tới chân lý được. Không chỉ
nghĩ rằng chúng ta chăm nom cho mình, chúng ta thậm chí còn giả định rằng chúng
ta còn chăm nom cho người khác. Vứt bỏ cảm giác là người làm là điều quí giá.
Trong thực tế, bất kỳ ai bị gắn bó với cảm giác là người làm thì đều để con
thuyền của mình bị buộc chặt vào bờ bên này và người đó không thể nào tiến sang
bờ bên kia được.
…Cạnh tranh là tiền đề cho mọi thành đạt trong thế giới này,
và việc cạnh tranh của bạn càng hiểm độc bao nhiêu, thì bạn càng thành công bấy
nhiêu. Sự ghen tỵ của bạn càng sâu thì bạn càng trở nên mạnh hơn. Nhưng việc
này không áp dụng cho việc tìm kiếm điều thiêng liêng. Người mà thấy người khác
là “người khác” thì không thể nhận ra được điều thiêng liêng. Và người không
vui sướng khi thấy minh triết của người khác thì cũng chưa có khao khát về minh
triết.
…Người không tin mà đứng trong bóng tối thì cũng giả tạo như
người tin mà đứng trong bóng tối. Không biết về điều thiêng liêng, những phát
biểu của họ về sự tồn tại hay không tồn tại của điều thiêng liêng là vô nghĩa.
Mọi học thuyết đều được sinh ra trong bóng tối, vì nơi có ánh sáng thì chẳng cần
đến ai cả. Nơi chân lý được hiển lộ thì lời tan biến. Niềm tin chỉ là cái thay
thế, bù đắp; Khi chân lý còn chưa được biết tới thì chúng ta tạo ra niềm tin và
thế chúng vào chỗ của chân lý. Việc truy tìm đúng đắn bắt đầu từ lời cầu nguyện.
Nếu có niềm khao khát để biết mặt trời, người đó ít nhất cũng nên mở cửa ra để
cho nếu mặt trời muốn trả lời, thì nó có thể trả lời được. Mặt trời sẽ không gõ
cửa nhà bạn. Chừng nào bạn còn chưa sẵn sàng, thì chân lý sẽ đứng đợi mà không
gõ cửa nhà bạn. Sự sẵn sàng của bạn, chỉ lời mời toàn tâm của bạn mới có thể trở
thành việc tới của chân lý.
…Phật đã nói về bốn chân lý cao quí, tứ diệu đế, bốn chân lý
nền tảng. Ngài nói: Vì người biết bốn điều này là biết tất cả. Chân lý đầu tiên
là con người đang trong khốn khổ. Chân lý thứ hai là có nguyên nhân cho khốn khổ
đó. Và chân lý thứ ba là, cho dù có nguyên nhân, khốn khổ có đó, thì phải có đường
ra, bằng không thì sẽ không có khả năng nào vượt lên trên khốn khổ. Còn chân lý
thứ tư là sự tồn tại của trạng thái thoát khỏi khốn khổ.
…Chúng ta đã nghe nói về linh hồn và việc tìm kiếm của nó,
nhưng chừng nào chúng ta chưa biết thể vật lý là gì, thì chúng ta không tìm được
linh hồn. Thể là gì? Chúng ta có năm thể bên trong mình. Phần thấy được bên
ngoài là thể vật lý. Ẩn đằng sau nó là thể năng lượng sinh học. Đằng sau nó nữa
là thể tâm trí. Đằng sau thể tâm trí là thể ý thức, khả năng của việc biết. Sau
nữa, thể thứ năm là thể phúc lạc. Những thoáng nhìn về hạnh phúc mà ngẫu nhiên
chúng ta cảm thấy trong cuộc sống đều là việc xảy ra trong thể phúc lạc của
chúng ta. Đằng sau năm thể này là sự hiện hữu bên trong của chúng ta. Đây là
năm bức tường của nhà tù của chúng ta. Điều thiêng liêng ở bên trong và bên
ngoài năm bức tường này. Việc sụp đổ của năm bức tường này, bên trong và bên
ngoài trở thành một.
…Linh hồn vũ trụ ở trong ranh giới của thân thể được gọi là
linh hồn cá nhân. Nhưng nếu linh hồn cá nhân này có ảo tưởng rằng nó là bản
thân thân thể, thế thì nó được gọi là bản ngã. Khi tia nắng đang trong ảo tưởng
rằng chúng bị cầm tù bên trong sân nhà, thì trong thực tế chúng không thể vậy,
không bị trói buộc; đó chính là bản chất của tia nắng. Với sự tan biến của ảo
tưởng đó, thì linh hồn cá nhân trở thành linh hồn vũ trụ, cái toàn thể.
…Tất cả chúng ta đều sống trong ảo tưởng, bởi vì chúng ta
không làm gì ngoại trừ việc tạo ra bản ngã. Nếu chúng ta kiếm tiền, thì chúng
ta cũng chỉ để hỗ trợ cho bản ngã; nếu chúng ta tích lũy tri thức, thì cũng chỉ
để đáp ứng cho bản ngã. Và nếu chúng ta cứ tiếp tục cuộc hành trình hướng tới
danh vọng và địa vị, trèo từng bước lên để đạt tới thủ đô và đạt tới ngai vàng,
thế thì chúng ta sẽ làm gì ở đó? Không phải là bạn trở nên nổi tiêng trên ngai
vàng, đấy chỉ là bản ngã trở nên nổi tiếng. Chính tiến trình của toàn bộ cuộc sống
của chúng ta là cách trở thành cái gì đó. Cách đẩy lùi bản ngã của người khác
và tiến lên trước. Một cuộc đua vô nghĩa! Nhưng nó cứ diễn ra trong cuộc sống của
bạn; từ chiếc nôi cho đến nấm mồ cùng một cuộc đua đó tiếp diễn, cùng cuộc đua
của ghen tỵ, kình địch và cạnh tranh. Động cơ cơ bản là không bị bỏ lại đằng
sau, không vẫn còn là kẻ kém cỏi, mà được đeo vương miện, được đeo vòng nguyệt quế,
vì bản ngã này được nạm bằng đá quí, chói sáng. Mọi người đều trong cuộc đua
này; đó là trò chơi duy nhất. Đây là việc biết giả và cả đời bạn đều biết giả.
Còn cuộc biết thật là tiến trình, phương pháp làm tan chảy bản ngã… và một khoảnh
khắc sẽ tới khi bản ngã không còn nữa và chỉ linh hồn còn lại, chỉ sự hiện hữu
còn lại. Và việc làm tan bản ngã này không có nghĩa là rơi vào giấc ngủ hay
quên mất bản thân mình, nó nghĩa là bạn nên được bỏ lại hoàn toàn tỉnh thức,
tràn đầy ý thức, với việc tự nhớ, vì vậy mà cái tôi không tồn tại. Và bất kỳ
cái gì có thể làm được với nhận biết thì là tôn giáo, là đức dộ. Cái không thể
làm được với nhận biết, cái mà cần phải có giấc ngủ, cái chỉ có thể xảy ra
trong vô nhận biết mới là tội lỗi. Khi làm mọi thứ mà không nhận biết thì cũng
là trong một loại giấc ngủ. Không thể nào khẳng định được bản ngã với nhận biết.
…Cảm giác biết ơn là phẩm chất cơ bản của tâm trí tôn giáo.
Chính qua cảm giác này mà người ta nhận được ân huệ thiêng liêng. Cho nên người
nào đó, tràn đầy sự kính cẩn, cúi mình chắp tay trước mặt trời, thì còn có nhiều
điều hơn khi cho nó chỉ là những quả bóng lửa khổng lồ. Những người này đã bắt
đầu hiểu ra và biết rõ chân lý… rằng việc cúi mình đó chẳng mang lại điều gì
cho mặt trời cả, nhưng người đó đang nhận được nhiều. Khi sự nhạy cảm về lòng
biết ơn được sinh ra thì nó tạo ra sự giản dị, và tâm trí trở thành hồn nhiên.
Và điều này không chỉ áp dụng cho mặt trời, nó còn là một hiện tượng lớn lao
hơn nhiều. Những người cúi mình trước mặt trời thì cũng cúi mình trước dòng
sông và cây cối.
…Hãy trở nên tỉnh táo. Dần dần, dần dần, khi tỉnh táo hoàn
toàn đã xảy ra trong trạng thái thức, thế thì bạn có thể đi xa hơn. Người đã trở
nên tỉnh táo trong trạng thái thức thì bỗng nhiên trở nên nhận biết về các giấc
mơ của mình trong khi người đó đang mơ. Và ngay khi nhận biết về điều này thì
giấc mơ của anh ta biến mất, bởi vì mơ không thể xảy ra khi bạn có nhận biết.
Và khi giấc mơ của bạn biến mất thì người ta cũng nhận biết khi người ta đang
ngủ. Điều đó có nghĩa là người ta biết rằng thân thể đang thảnh thơi.
…Nếu linh hồn không tồn tại, thì sợ chết là điên khùng. Làm
sao cái gì có thể chết mà lại không tồn tại? Thế thì bạn chỉ là sự lắp ráp lại
và bạn sẽ tan rã ra. Ai sẽ cảm thấy đau đớn về sự tan rã đó? Chẳng có ai cả.
Còn nếu linh hồn tồn tại, thì không cần nỗi sợ, bởi vì thế thì sự tồn tại của
linh hồn có nghĩa là cái chết không tồn tại.
…Ngay khi thể nhận biết đã thực sự trưởng thành, thì các ý
nghĩ chờ đợi như nô lệ- chúng làm việc khi được mời làm, bằng không thì bị bỏ
qua. Chúng được bảo quản trong bộ nhớ, và không đưa bạn tới phát khùng hai mươi
bốn giờ mỗi ngày để đến nỗi bạn phải cầu xin chúng: “Tha cho tôi đi. Cho phép
tôi ngủ một chút”. Nhưng chúng không nghe lời bạn. Ngay bây giờ bạn không hiện
diện, vậy thì chúng phải nghe lời ai? Thiền làm tăng thêm tâm thức, tăng hiểu
biết, nhận biết. Thiền cũng là năng lượng, có thể là năng lượng tinh tế nhất.
…Khốn khổ có thể được chuyển thành sung sướng- nếu bạn chấp
nhận khốn khổ của mình. Nếu bạn được lắng đọng vào sự sung sướng của mình, thì
nó bắt đầu biến thành khốn khổ. Người nào đã xoay chuyển khốn khổ của mình
thành sung sướng, thì sung sướng của người đó sẽ không chuyển ngược lại thành
khốn khổ nữa. Trong thực tế, ai đó có thể đổi khốn khổ của mình thành sung sướng
thì đã vứt bỏ ham muốn về sung sướng rồi. Và khi không có ham muốn về sung sướng,
thì sung sướng mất khả năng đổi thành khốn khổ. Khi một người cứ sống trong
sung sướng thì người ta thậm chí có thể phát chán với sung sướng. Nếu bạn cứ
dung thứ cho khốn khổ thì bạn sẽ quen với nó, sự nhạy cảm giảm đi. Có đồ chơi
cho trẻ con, cho thanh niên và cho người già, và chừng nào chưa tới ngày bạn
phát ngán với tất cả những trò đó, chừng nào bạn còn chưa trở nên tự do với các
đồ chơi của mình, thì rắc rối của bạn vẫn còn dai dẳng. Ham muốn sung sướng là
nguyên nhân cho sự gắn bó với thân thể, bởi vì các giác quan của thân thể là
cánh cửa cho sung sướng. Chừng nào mà người ta còn chưa siêu viết lên trên cả
sung sướng và khốn khổ bằng việc hiểu bản chất của mình, thì người ta không thể
vượt ra ngoài thân thể được.
…Chính mong đợi về sung sướng và sợ hãi khốn khổ mới làm cho
người ta thành hướng ngoại. Và chính không mong đợi sung sướng và không sợ khốn
khổ mới quay người ta vào trong. Nếu bạn đòi hỏi sung sướng thì bạn sẽ phải
tranh đấu cho nó, gìn giữ nó và tránh bất kỳ khốn khổ nào. Cuộc vật lộn ác liệt
là không tránh khỏi. Do đó tâm thức lúc nào cũng phải tham dự với bên ngoài,
trong mọi sự với bên ngoài như của cải, quyền lực, tiền bạc, người khác và v,v…
Người làm điều gì đó để tạo ra sung sướng hay để tránh khốn khổ, thì được gọi
là người làm. Những người không thấy khác biệt giữa sung sướng và khốn khổ, người
chấp nhận mọi tình huống, thì gọi là người vô làm. Trạng thái này cho sinh
thành ra khái niện kỳ diệu về định mệnh, sự tồn tại trở thành người làm. Đây là
trạng thái vô ngã. Ham muốn về bất kỳ cái gì khác không tồn tại.
…Điều đáng ngạc nhiên là bất kỳ khi nào chúng ta kinh nghiệm
sung sướng thì chúng ta đều cho rằng nó tới từ thân thể mình, nhưng khi có liên
quan đến khốn khổ, thì bao giờ chúng ta cũng cảm thấy ai đó phải chịu trách nhiệm.
Chưa ai đặt vấn đề: Tại sao con người lại sống? Họ chỉ hỏi: Tại sao con người lại
chết? Cuộc sống được coi là hiển nhiên. Cuộc sống dường như ở bên trong chúng ta,
nhưng cái chết lại tới từ đâu đó bên ngoài, dưới dạng bệnh tật, vi rus, vi
trùng, dưới dạng kẻ thù. Cho nên câu hỏi là: Làm sao để tránh nó? Và bạn cứ
nghĩ bạn là bản thân cuộc sống. Sự tù túng của chúng ta trong thân thể là bởi
vì chúng ta cho rằng thân thể là nguồn gốc của mọi sung sướng, còn bất kỳ sự khốn
khổ nào đều do người khác gây ra. Và như vậy bạn tránh người khác hay thay đổi
người khác. khi họ bắt đầu gây cho bạn đau đớn. Hôn nhân và ly dị không chỉ tồn
tại giữa chồng và vợ, nó còn tồn tại trong mọi mối quan hệ.
…Sự tù túng của con người không tới từ bên ngoài, nhà tù của
con người là ở bên trong- nó do người đó tự tạo ra. Với chúng ta, dường như
chúng ta chỉ sống ở bên ngoài: dường như sung sướng tồn tại ở bên ngoài, khốn
khổ tồn tại ở bên ngoài, thành đạt là ở bên ngoài, tất cả mọi thứ thắng lợi và
thua thiệt đều ở bên ngoài, mọi thành công và thất bại đều ở bên ngoài. Trong
thực tế, mọi thứ đều ở bên trong cả. Vàng là ở bên ngoài, nhưng sự tham lam về
vàng lại ở bên trong. Nếu không có tham lam thì có sự khác biệt gì giữa vàng với
bụi? Việc mở rộng các đối tượng là ra ngoài, nhưng hạt mầm là ở bên trong.
…Thế giới này chỉ là cái nút về tên tuổi và hình dạng- chỉ
là cái nút, ảo tưởng. Con người cũng vậy, chỉ là một cái nút của tên và dạng. Nếu
cái nút này được tháo ra thì cái còn lại được gọi là cái ta của vũ trụ. Cái tôi
biến mất- cái tôi chỉ là tổng cộng của tất cả các nút. Tâm trí là cái nút thứ
nhất bởi vì tâm trí không có sự tồn tại, chỉ dường như tồn tại thôi, nó chỉ là
một hình dạng. Nhưng hình dạng lại tạo nên ảo tưởng- ảo tưởng về sự tồn tại. Và
trong một khoảnh khắc, khi chúng ta bị tràn ngập bởi hình dạng và quên mất cái
ta, thế thì hình dạng lại trở thành rất thực. Tâm trí là hình dạng, nhưng người
quan sát bên trong đã quên mất sự tồn tại của riêng mình. Chỉ sự quên lãng này
mà phim trở thành mọi thứ. Và trong nhiều kiếp chúng ta đã ngồi trong rạp chiếu
bóng này có tên là tâm trí. Với việc nhận biết về cái ta, tâm trí biến mất.
…Người yêu tiền không thể yêu ai khác. Người đó không còn
tình yêu khác. Tình yêu của người đó với tiền lớn đến mức vợ con, văn học, tôn
giáo- tất cả đều trở thành phụ. Tâm trí trở thành cái nút, người quan sát đã bị
quên lãng trong sự phóng chiếu của tâm trí. Khi người này nhìn vào đồng rupi,
người đó trở thành đồng rupi. Người đó không phải là nhân chứng, quan sát đồng
rupi như tách biệt với mình.
…Hàng triệu người trên thế giới đã bị làm nô lệ như súc vật.
Trách nhiệm này không chỉ của những người tinh ranh độc ác bắt họ làm nô lệ, một
lý do sâu hơn là sự thèm khát sống của họ, họ muốn tồn tại dưới bất cứ điều kiện
nào. Nhưng nếu một người có nỗ lực quá lớn để tồn tại thì cuộc hành trình bên
trong trở thành không thể được. Người đó sẽ bị gắn bó với thân thể, với tâm
trí, với mạng sống của mình, và sự gắn bó sẽ mạnh đến mức họ không có khả năng
buông bỏ, và họ có thể trở nên bị lạc vì sự sợ hãi của mình.
…Những người chỉ có bình bát ăn xin bên trong sống với ảo tưởng
họ là người chủ. Còn những người không ham muốn gì lại bước đi trên phố ăn xin
(như Đức Phật). Đây là một vở kịch tâm lý, sự châm biếm cay đắng. Ham muốn và
tham lam- cứ đòi hỏi và đòi hỏi. Và người cứ đòi hỏi sẽ đi lang thang trên cuộc
hành trình bên ngoài, trong thế giới bên ngoài. Chỉ người dừng đòi hỏi mới đi
vào chiều sâu bên trong. Ham muốn là cái nút thứ ba.
…Con người như con người hiện thế, không là gì nhiều hơn một
bọc những bệnh tật. Nhưng thái độ này không tiêu cực. Con người có những khả
năng vô hạn. Nếu chúng ta tin rằng chúng ta là tất cả đang đó, thế thì không có
khả năng nào để trưởng thành cả. Con người có thể đạt tới bản thể bên trong của
mình chỉ nếu con người thay đổi. Nếu con người biến đổi, chỉ thế thì con người
mới có thể đạt tới trạng thái nơi con người có thể an bình, bằng lòng và phúc lạc.
…Việc tích lũy điều thiện và hành vi thiện và việc gắn nó với
bản ngã là bệnh tật. Cái cảm giác “Mình là người thiện” là bệnh tật. Làm việc
thiện không phải là bệnh tật. Người thiện thực sự là người thiện đến mức người
đó bao giờ cũng tha thứ ngay cả cho điều ác. Bất kỳ cái gì tạo ra bản ngã cũng
đều trở thành tội lỗi.
…Dốt nát là tù túng. Tự do xảy ra với hiểu biết. Giận dữ chiếm
hữu chúng ta trong khi chúng ta không biết nó. Cái ngày chúng ta biết sự giận dữ của mình, đi vào trong các tầng của
nó, thấy cái trần trụi của nó, thì chúng ta được tự do khỏi giận dữ. Đau ốm có
thể yêu cầu cả chẩn đoán và chữa chạy. Nhưng với các bệnh tật của tâm thức thì
bản thân việc chẩn đoán là việc chữa chạy… ngọn đèn được thắp sáng và bóng tối
ra đi. Thiền là khoa học của việc đặt bản thân người ta ra một khoảng cách. Việc
nhìn vào bệnh tật tâm trí của riêng mình từ một khoảng cách, và đi hoàn toàn
vào trong những cái nút này, trở thành sự giải thoát.
…Nếu bạn đi vào trong bản thân mình, thì bất cứ cái gì bạn
đi tới biết, bạn cũng không thể là cái đó. Bạn bao giờ cũng là người biết.
Nguyên lý cơ bản, nền tảng, mật chú hạt mầm của yoga, công phu thiền, là: bạn
không thể là cái bạn biết. Người biết tối thượng, cái ta chứng kiến tối thượng
đằng sau mọi việc biết là điều bí ẩn. Và “người biết” bí ẩn này gọi là “cái ta
chứng kiến”. Cái ta là một nhân chứng, bởi vì người biết, cái biết và việc biết,
tất cả ba đều được sinh ra từ nó và tan biến vào trong nó, nhưng nhân chứng bao
giờ cũng còn lại đứng ngoài. Bộ ba của việc biết biến mất, nhưng cái còn lại là
tất cả.
…Sự đáp ứng cho bản ngã phụ thuộc vào người khác. Bản ngã có
thể tuyên bố bản thân nó là tự do, không nhận biết bản thân nó là phụ thuộc.
Khi ai đó tuyên bố: “Ta là chủ” thì người đó không biết rằng người đó không thể
nào là người chủ mà không có nô lệ. Mọi tuyên bố của cái tôi, của bản ngã chỉ tồn
tại để làm cho người ta nhỏ đi. Cho nên hãy sẵn sàng xóa bỏ cái tôi để đạt tới
chân lý. Nếu bạn có thể nhớ trong từng hơi thở rằng tôi không tồn tại, rằng chỉ
người, điều thiêng liêng, thực tại tối thượng tồn tại, thì bạn sẽ thấy tất cả
căng thẳng, lo âu, phiền não đều rơi rụng đi, bởi vì chúng cần có cái móc của
cái tôi để treo lên, bằng không chúng không thể treo lên được. Nếu cảm giác này
sâu sắc thêm, rằng: “Tôi không hiện hữu, chỉ người hiện hữu” thì bỗng nhiên đến
một lúc nào đó bạn sẽ thấy rằng những lo lắng của bạn biến mất, cho dù bạn có
muốn lo nghĩ bạn cũng không thể nào làm được, bởi vì lo nghĩ là cái bóng của
cái tôi. Sự thanh bình là cái bóng của người- với việc làm sâu sắc người, sự
thanh bình và tự do nở hoa.
…Thỉnh thoảng bạn hãy làm một thực nghiệm nhỏ: Hãy loại bỏ
cái tôi ra khỏi trung tâm trong 24 giờ và đặt người vào trung tâm, nhớ tới người
một cách liên tục. Cho dù đá có đâm vào chân bạn, hay bị xúc phạm, ai đó ném than hồng vào bạn, cho dù bạn được
ca ngợi, ai đó cúi mình dưới chân bạn- chỉ trong 24 giờ, hãy nhớ rằng người làm
ở trung tâm không phải tôi. Thậm chí chỉ trong 24 phút- bạn không còn như cũ nữa.
Khi bạn biết tới những khoảnh khắc thanh bình của người thì bạn sẽ không bao giờ
muốn sống với cái tôi nữa.
…Minh triết phương Đông tạo ra ba phân chia: giấc mơ là cái
phụ thuộc vào sự tưởng tượng của một cá nhân; sự kiện là cái thuộc vào kinh
nghiệm tập thể; chân lý là cái vĩnh hằng. Khi chúng ta nói thế giới này là ảo
tưởng thì không có nghĩa là thế giới này không tồn tại mà có nghĩa là bản chất
của thế giới này không còn lại y nguyên vĩnh viễn. Bạn có tồn tại, nhưng bản
tính của bạn là ở chỗ bạn tồn tại bây giờ và sẽ dừng tồn tại vào ngày mai. Cho
nên bạn không là thực, bạn là ảo tưởng. Chân lý là yếu tố bên trong bạn đang tồn
tại bây giờ, sẽ tồn tại khi bạn biến mất và đã tồn tại trước việc sinh ra của bạn.
Cho nên giấc mơ tập thể được gọi là thế giới còn thế giới cá nhân được gọi là
giấc mơ. Mọi thứ đều sẽ bị hủy diệt, mọi thứ đều tạm thời, đều tàn lụi theo thời
gian. Chúng ta không thấy một vật gì mà không bị diệt vong trong thế giới bên
ngoài bởi vì bản thân vật trung gian không phải là bất diệt. Cái bất diệt không
thể được thấy qua cái có thể bị diệt vong. Mắt có thể bị diệt vong; tai, tay có
thể bị diệt vong, do đó người ta chỉ thấy, nghe, chạm vào cái có thể bị diệt
vong. Một trung gian sẽ bị diệt vong như giác quan không thể tìm được cái bất
diệt. Do vậy cuộc hành trình tới cái bất diệt là cuộc hành trình vào trong. Khả
năng để thấy không có mắt, có ánh sáng, để nghe không có tai, để sờ không có
tay, là ở tồn tại bên trong. Kinh nghiệm bên trong cũng không nhất thiết là bất
diệt. Nhưng một phẩm chất bao giờ cũng có đó: Người biết, người quan sát; cái
đó là vĩnh hằng, là bất diệt bên trong chúng ta. Nếu chúng ta nhận ra cái đó,
thì chúng ta có thể nhận ra yếu tố bất diệt trong thế giới này. Khác cái đó, mọi
cái đều diệt vong. Nếu bạn có một thoáng nhìn nhỏ về cái ta chứng kiến này, thì
bạn có thể biết rằng: nhân chứng này đã chứng kiến việc sinh và cũng sẽ chứng
kiến cái chết; theo cách này, bạn sẽ tìm thấy sợi dây vĩnh hằng. Với việc đạt tới
sợi dây này thì sự tồn tại lập tức trở thành vĩnh hằng. Như vậy tất cả các hình
dạng đều là tạm thời và cái vô hạn ẩn sau chúng là vĩnh hằng. Sự kiện là một
hình dạng, chân lý là vô dạng. Nó là vô hạn và là chỗ của việc biết.
… “Tâm thức vĩnh hằng vốn ở bên kia sáng tạo và hủy diệt, được
gọi là việc biết. Tâm thức tràn ngập vũ trụ giống như đất sét trong những thứ
làm từ đất sét, giống như vàng trong những thứ được làm từ vàng, và giống như sợi
chỉ trong mọi thứ làm từ sợi chỉ- được gọi là cái vô hạn. Tâm thức vui sướng,
phúc lạc không giới hạn, cái vốn là bản chất tinh túy của mọi niềm vui, là phúc
lạc.” Upanishads”
…Sự biết, thực tại tối thượng, là tâm thức vĩnh hằng, bên
kia sinh và diệt. Chỉ có một ngọn đèn thắp sáng, không có gì chói sáng, chỉ có
ánh sáng. Tâm thức này không bị hạn chế bởi biên giới của một người. Chúng ta,
sự khác biệt của chúng ta là do thân thể của mỗi người, không do tâm thức của
chúng ta. Mặc dầu nó nằm bên trong giới hạn, nó vẫn không bị giới hạn. Nó bên
trong bạn nhưng không chấm dứt trong bạn, nó cứ mở rộng và mở rộng mãi, tràn ngập
vũ trụ. Nó giống như tảng băng nổi trên biển. Nó dường như hoàn toàn tách biệt.
Nó vươn cao đầu, hoàn toàn cứng rắn, dường như nó hoàn toàn khác với nước-
nhưng nó vẫn là biển, ngay khi nó tan ra, nó sẽ biến mất vào trong biển. Tiến
trình tan này là việc loại bỏ bản ngã; khi chúng ta tan ra, bản ngã biến mất và
chúng ta trở thành một với đại dương bao la. Bất kỳ khác biệt nào được cảm thấy
cũng là do dốt nát của mình. Minh triết của chúng ta tuyên bố về cái Một của
mình.
…Những người bị gắn với cái tôi, bản ngã, thấy rất khó vươn
tới cái người, điều thiêng liêng. Sự tồn tại có ý thức, thuần khiết có bản chất
của người. Đó là bước nhảy vĩ đại từ tôi tới người. Bỏ cái tôi của bạn khó khăn
thế, giống như bóc đi lớp da của bạn, bởi vì trong chính nỗ lực này cái tôi cứ
ngẩng đầu nó lên mãi. Chỉ có một cách để tự do khỏi cái tôi là đi tới biết cái
tôi sâu sắc tới mức nó dường như là một cái bóng. Người thực hành khiêm tốn lại
chẳng bao giờ đạt tới người.
…Thời gian và không gian là cơ sở cho thay đổi, nhưng chúng
không tạo ra thay đổi gì cho thực tại tối thượng. Lý do là ở chỗ chúng ta sống
trong thới gian và không gian, nhưng chính thời gian và không gian lại sống
trong thực tại tối thượng, chứa trong thực tại tối thượng.. Còn thực tại tối
thượng lại không di chuyển. Với chúng ta, thời gian có quá khứ, hiện tại, tương
lai, đây và kia tồn tại, nhưng với điều thiêng liêng thì mọi thứ đều ở đây và
bây giờ.
…Chỉ tồn tại là bản tính của nó, vượt ra ngoài thực tại tối
thượng, cái một mình này hiện hữu. Một bước nhảy từ cái tôi tới cái người, thế
rồi từ cái người lên cái đó; bây giờ nó phải được thực hiện từ cái đó lên thực
tại tối thượng- nơi không còn cả không gian cho cái đó. Phật gọi nó là hư
không, bởi vì không cái gì còn lại, không tôi, không người, không cái đó.
Upanishads gọi nó là sự tồn tại, bởi vì chỉ cái chân lý là còn lại, cái không
là chân lý biến mất. Mọi giấc mơ đã tan biến, chỉ cái đang đó mới còn lại. Chỉ
cái bây giờ còn lại mới tồn tại. Không thể có bất kỳ sự nghỉ ngơi nào nếu không
phát hiện ra nó, bởi vì chừng nào chưa phát hiện ra nó thì chúng ta cứ tiếp tục
chết, đau khổ sẽ tiếp tục. Chừng nào chúng ta còn chưa nhận ra không gian, nơi
mà bất kỳ cái gì có thể diệt vong đều diệt vong., thì cái chết sẽ là điều không
tránh được. Sau khi đạt tới chỗ bên kia, bên kia thực tại tối thượng, thế thì…
kinh nghiệm về cái bất tử.
…Sống và chết xảy ra cho cái đang hiện hữu, chúng xảy ra cho
cái chúng ta tạo ra. Bản ngã là việc tạo ra của chúng ta. Tâm thức không phải
việc tạo ra của chúng ta; nó tồn tại trước khi chúng ta sinh ra và sẽ tồn tại
sau khi chúng ta chết đi. Nó không bao giờ chết, nó không bao giờ lấy việc sinh
ra.
…Với điều tinh túy thuần khiết, sự hiện hữu thuần khiết, sự
tồn tại thuần khiết, thì sống và chết không gì nhiều hơn một làn gió thoảng
qua. Nhưng sống và chết trở thành quan trọng với bạn tới mức bạn không biết
chúng. Cái mà bạn biết là bản ngã, là việc tạo ra của bạn và nó run rẩy ngay cả
trong làn gió nhẹ nhất; chỉ một làn gió nhẹ và ngọn lửa của bản ngã bắt đầu lay
lắt: “Bây giờ mình qua đời…”. Cơn gió nhẹ thổi tắt ngọn đèn nhưng làm cho đám
cháy ngày một lớn hơn. Bản ngã là rất nhỏ, nó là sự sáng tạo của chúng ta-
nhưng chúng ta lại bao la bởi vì chúng ta không được tạo ra do riêng mình,
chúng ta do cái vô hạn tạo ra. Cho nên bao giờ bạn cũng lớn hơn là bạn tự thấy
mình- bạn còn bao la hơn bản thân mình, bạn bao giờ cũng ở bên ngoài bản thân
mình. Tất cả mọi cái nhỏ nhen của bạn đều là kết quả của nỗ lực riêng của bạn;
tất cả mọi sự thảm hại của bạn đều là kết quả của nỗ lực anh hùng riêng của bạn.
Chính vì sự dũng cảm riêng của bạn là ở chỗ bạn vẫn còn là ngọn lửa nhỏ của chiếc
đèn, sợ chết mọi khoảnh khắc, lo nghĩ và đau khổ, rắc rối và buồn phiền. Bạn
hãy lấy cái nhảy ra khỏi cái điên khùng của mình. Cái nhảy đó bắt đầu từ bản
ngã.
…Chúng ta gọi một giấc mơ là giấc mơ bởi vì nó tan biến vào
buổi sáng. Nhưng điều chúng ta gọi là thức cũng tan biến vào buổi tối. Khi thức
dậy vào buổi sáng, chúng ta thấy giấc mơ là giả. Giấc mơ ban ngày lại tan biến
trong đêm. Thế thì khác biệt là gì? Giấc mơ này tan biến vào buổi sáng còn giấc
mơ kia tan biến vào buổi tối. Chúng ta quên mất ngày trong giấc mơ đêm và quên
mất đêm trong giấc mơ ngày. Thậm chí ngay trong trạng thái thức cũng kém quyền
năng hơn trong giấc mơ bởi vì chúng ta có thể hoài nghi nó. Chúng ta có thể nói
rằng: không biết cái được thấy có tồn tại hay không. Nhưng trong giấc mơ chúng
ta hoàn toàn bị mất hút và chìm ngập, chúng ta chấp nhận tình huống hoàn toàn
phi logic.
…Khi chúng ta yêu ai đó, chúng ta đang yêu những quan niệm
riêng của mình, sự tưởng tượng riêng của mình về cái đẹp. Chúng ta bị bao quanh
bởi chính mình. Mọi người trong chúng ta đều là người tự yêu mình. Nhưng những
phóng chiếu này tất cả đều dường như thật.
…Si mê không có nghĩa là ngu, nó có nghĩa là ở trong trạng
thái ảo tưởng. Bất kỳ ai cũng có thể si mê, và khi đó thì thông minh không được
tính tới. Minh triết chỉ bừng lên sau khi xóa bỏ ảo tưởng, và tri thức thông
thường, học thức tới sau khi xóa bỏ đi cái dốt nát. Dễ dàng xóa bỏ dốt nát bởi
việc tích lũy kiến thức. Người dốt nát biết ít, học giả biết nhiều hơn. Sự khác
biệt là về lượng, không về chất, bởi cả hai đều có thể si mê. Cái đối lập của ảo
tưởng được gọi là minh triết, còn cái đối lập của dốt nát được gọi là tri thức.
tri thức có thể được học, còn minh triết thì không. Tri thức có thể được vay mượn,
nhưng minh triết thì không. Tri thức chỉ là sự tích lũy, nhưng minh triết là cuộc
cách mạng bên trong.
…Cái đang có thì bao giờ cũng có. Cái tới rồi đi, hay xuất
hiện rồi biến mất chỉ khi có thể là ảo tưởng, lừa dối, thôi miên. Với người si
mê thì nó là thực trong cả ba trạng thái của thời gian.
…Trong ảo tưởng, trách nhiệm bao giờ cũng đổ lên người khác,
trong khi minh triết, người ta cảm thấy trách nhiệm dồn lên mình. Do đó, nếu bạn
lăng mạ ai đó như Phật, thì Ngài biết rằng bạn đang kiếm một cái móc, và cũng
như vậy khi bạn cúi mình dưới chân Ngài. Trong cả hai tình huống, Ngài không
coi bản thân mình là quan trọng. Ngài chỉ ngẫu nhiên ở đó và được coi là cái
móc mà thôi.
…Chúng ta ham muốn cưỡi lên người khác, làm họ thành phương
tiện cho mình, dùng đôi vai của người khác, nhưng người như Phật lại cứ ném đi
ném lại chúng ta trở lại đôi vai của mình. Do đó, một người như Phật chỉ là
nguyên nhân thất vọng, chừng nào ảo tưởng của chúng ta còn có đó. Ngài có nói
hay làm gì cũng chẳng thành vấn đề, bất kỳ cái gì chúng ta cảm nhận qua ảo tưởng
của mình thì đều là nguyên nhân cho đau khổ của chúng ta. Chừng nào chúng ta
còn chưa sẵn sàng làm tan tành các ảo tưởng của mình thì chúng ta vẫn không thể
nào thấy được khuôn mặt thật của Phật- bởi vì điều chúng ta thấy là sự phóng
chiếu của riêng mình.
… “Ta chưa hề sinh. Ta không là thân thể. Ta không là mười
giác quan. Ta không là trí năng. Ta không là tâm trí. Ta thậm chí không là bản
ngã vĩnh hằng. Ta hiện hữu không có prana, hơi thở sống của cuộc sống. Ta hiện
hữu không có tâm trí. ta là tự tính thuần khiết. Ta là nhân chứng bên ngoài trí
năng. Ta là bản thân tâm thức vĩnh hằng. Về điều này không có hoài nghi.”
(Upanishads)
…Để trở thành người lãnh đạo, người đó phải thỏa mãn cho những
người theo mình, và trong khi cố gắng thỏa mãn họ thì người đó phải đi theo người
theo mình. Nếu bạn không đi theo những người đi theo mà bạn lãnh đạo, thì họ sẽ
không chấp nhận bạn là người lãnh đạo của họ. Đây là điều hết sức thú vị: người
lãnh đạo phải theo bởi vì người đó phải lãnh đạo. Người lãnh đạo bị mất hút
trong chính tiến trình trở thành người lãnh đạo, bởi vì người đó phải nhân nhượng
với những người mình điều khiển và dần dần người đó lại trở thành nô lệ.
…Cái tôi là việc làm của chúng ta. Cái ta này là hiện hữu của
chúng ta. Bạn hãy hiểu sự khác biệt giữa việc làm và sự hiện hữu. Có những cái
chúng ta làm, nếu không làm thì chúng sẽ không xảy ra. Chẳng hạn, nếu bạn không
được giáo dục thì bạn vẫn còn thất học; nếu bạn không học một ngôn ngữ thì bạn
sẽ không biết nó. Nhưng có những điều tồn tại bên trong bạn, nó là sự hiện hữu
của bạn. Sự hiện hữu không phải là việc làm của bạn. Bạn tồn tại trước mọi hành
động của mình; bằng không thì ai sẽ làm nó? Đứa trẻ trong bụng mẹ chưa thở,
nhưng nó vẫn hiện hữu, linh hồn của nó đang đấy. Và khi việc thở dừng lại, cái
đã hiện diện trước hơi thở đầu tiên sẽ vẫn hiện diện về sau. Nó không liên quan
tới việc thở, nó đã tồn tại hoàn hảo trước việc thở, cho nên nó sẽ có thể tồn tại
sau khi việc thở dừng lại.
…Bạn chỉ có thể là nhân chứng khi tâm trí dừng làm bất kỳ
cái gì. Bạn thấy, nhưng bạn không nghĩ. Bạn hiện hữu nhưng bạn không tạo ra ý
kiến, tâm thức có đó trong tính toàn bộ của nó, nhưng không có ý nghĩ nào trùm
lên nó. “Ta là bản thân tâm thức vĩnh hằng”. Không phải là đôi khi bạn có ý thức,
và đôi khi bạn vô ý thức, bạn bao giờ cũng là tâm thức. “Khi không có nỗ lực và
việc thức tỉnh là tự nhiên- đó là bản chất thực của ta, đó là điều ta đang là.
Và điều này không có hoài nghi, bởi vì ta đang nói từ kinh nghiệm riêng của
mình”.
… “Ta không là người làm, không là người kinh nghiệm. Ta hiện
hữu nhưng là nhân chứng cho mọi biểu hiện. Chính bởi sự gần gũi của ta với
chúng, mà thân thể, vân vân, dường như là ý thức, và bắt đầu vận hành tương ứng.
Ta là cái không thay đổi, cái vĩnh hằng. Ta bao giờ cũng là nhà của phúc lạc, của
thuần khiết và việc biết. Ta là toàn năng. Ta là linh hồn rõ ràng, là hiện diện
trong mọi sinh linh hữu hình như một nhân chứng. Và điều này không có hoài
nghi.” (Upanishads)
…Tâm thức chiếu sáng bất kỳ cái gì trong sự gần gũi với nó,
giống như chiếc đèn vậy. Nếu không có tâm thức thì sẽ không có năm thể, không
có tâm trí, không có trí năng, không có giác quan- không có gì. Nếu tâm thức trở
thành vô ý thức, nếu nó biến mất trong giấc ngủ sâu, thì ngay cả thân thể cũng
không được cảm thấy. Việc thở cũng vậy, chỉ xảy ra, còn bạn chỉ là nhân chứng.
Chắc chắn nhận biết về việc thở xảy ra chỉ khi bạn hiện hữu, nhưng tiến trình
thở lại là tách biệt; nó có thể diễn ra ngay khi bạn vô ý thức. Máu tuần hoàn
trong cơ thể bạn, bạn hoàn toàn không làm gì với nó cả. Trái tim đập- bạn không
là người làm, bạn chỉ là nhân chứng. Một người ham muốn dục; nếu người đó nghĩ
mình đang làm thì người đó lầm. Nó chỉ là việc xảy ra- sự hoạt động của tuyến nội
tiết, chất dịch nào đó được tiết ra. Bạn có thể tự do với dục ngay vào khoảnh
khắc này, nếu cảm giác người làm tan biến. Nếu bạn vẫn còn là một nhân chứng
thì bạn được tự do với ham muốn. Mặt trời mọc lên vào buổi sáng không làm nỗ lực
nào để nở từng nụ hoa, làm cho chim hót. Nó không là người tạo ra tất cả những
điều này, vậy mà những điều này không xảy ra nếu không có mặt trời. Nó chỉ là
tác nhân xúc tác- nghĩa là hiện tượng không xảy ra nếu không có sự hiện diện của
nó, vậy mà nó chẳng làm gì cả. Cho nên việc thở là không thể có được nếu không
có hiện diện của tâm thức, cũng tương tự, nếu không có tâm thức thì cũng không
có sự đập của trái tim, trí năng sẽ không làm việc. Vậy mà tâm thức lại không
là người làm. Nếu cảm thấy việc làm là ở ngoài, thì đồng thời việc cảm thấy người
kinh nghiệm xảy ra bên trong. Và cảm giác về việc làm ngày càng lớn, thì ham muốn
về người kinh nghiệm càng lớn, do đó, càng có nhiều phiền não trong cuộc sống,
vì đam mê càng lớn, thì sự không hài lòng càng lớn. Đó là lý do tại sao những
người cố gắng nhiều thì thường thấy rất khốn khổ. Họ đã làm nhiều thế nhưng họ
đạt được cái gì? Trong thực tế bạn cứ làm và hy vọng một ngày nào đó bạn sẽ ngồi
lại và tận hưởng. Nhưng điều này chẳng bao giờ xảy ra cả.
… “Ta chỉ là việc chứng kiến, và mọi thứ đang xảy ra bên
ngoài ta, trong thế giới biểu hiện”. Nhưng chúng ta lại đánh mất sự chứng kiến
này khi chúng ta hoặc trở thành người làm hoặc trở thành người kinh nghiệm. Và
đau khổ bắt đầu khi chúng ta trở thành người làm hay người kinh nghiệm. Hãy đừng
là người làm trong khi làm, hãy đừng là người kinh nghiệm trong khi kinh nghiệm,
và nhân chứng bắt đầu nổi lên. Hãy cố giữ để sinh ra nhân chứng, hãy thường
xuyên tỉnh táo, và người làm và người kinh nghiệm sẽ bắt đầu biến mất. Đấy là hai đầu của một hiện tượng.
…Có hai cách: một là thiền, hai là khổ hạnh. Khổ hạnh là
phương pháp loại bỏ đi người kinh nghiệm và người làm. Thiền là phương pháp để
trở thành nhân chứng, người quan sát. Hãy bắt đầu từ bất kỳ đâu, kết quả sẽ như
nhau.
…Khi mọi người đón chào bạn với vòng hoa tôn vinh thì không
có ham muốn là nhân chứng. Trong khoảnh khắc đó, niềm khao khát của bạn là thu
lấy những lời ca ngợi nhiều nhất có thể được. Nhưng nếu có ai xỉ nhục bạn, bác
bỏ bạn, thì một khoảng cách lập tức sẽ được tạo ra. Bạn sẽ nghĩ rằng điều đó là
không thể được ngụ ý cho mình mà phải là cho người khác. Bạn không nghĩ điều đó
là phải, bạn ném ngược lại cho người khác. Nhưng nếu một vòng hoa được đem tới
cho bạn thì bạn xác nhận nó, bạn nghĩ mình xứng đáng với nó- bạn không coi nó
đơn giản là hành động lịch thiệp về phần người khác. Bạn bị đồng nhất với những
vòng hoa, với niềm vui thích. Bạn chưa bao giờ muốn khổ sở, trong thực tế cho
dù nó tới bạn cũng cố gắng tránh xa nó.
Cho nên khi thực hành khổ hạnh, đứng ở chỗ khổ sở, để cho từ từ sự việc trở
thành rõ ràng rằng bạn không là người làm, không là người kinh nghiệm.
…Cho nên cả hai kỷ thuật này đều có thể giúp cho hiện tượng
này xảy ra, rằng chỉ nhân chứng còn lại. Thế thì cho dù nhân chứng này có thể ở
bên trong chúng ta, nó cũng không phải
là của chúng ta; nó là sự tràn ngập khắp. Với việc kinh nghiệm về nhân
chứng thì bản ngã biến mất, bởi vì bản ngã chỉ là tổng hợp của người làm và người
kinh nghiệm. Nhân chứng không phải của tôi. Nhân chứng như đại dương vô hạn bên
trong chúng ta. Nó là bên trong tôi, bên trong bạn, bên trong mọi người; ở đâu
đó nó ngủ; ở đâu đó nó thức, ở đâu đó nó lắc lư, xoay tròn, oo73 đâu đó nó mơ mộng;m
ở đâu đó nó hoàn toàn tỉnh thức và ở đâu đó nó ngủ nhưng nhân chứng là một. Nó
là cùng trong cái cây, trong tảng đá- trong giấc ngủ, trong giấc ngủ say. Nó
trong con vật- nó bắt đầu cựa quậy. Nó là cùng trong chúng ta- thỉnh thoảng thức
dậy một chốc. Nó là cùng trong Phật và trong Christ- hoàn toàn thức tỉnh. Những
khác biệt này chỉ là về lượng. Nhưng ai đó biết tới nó trong trạng thái thức tỉnh
hoàn toàn thì thấy ngay lập tức rằng nó là đại dương bao la, thấm nhuần tất cả
chúng ta. Chúng ta tất cả đều trong nó và nó trong tất cả chúng ta. Nhưng nó là
một và nó có mặt khắp nơi. Hiền nhân này nói: “Về điều này không có hoài nghi”.
“Tôi nói điều đó sau khi biết nó, hiểu nó tôi đã thấy nó là vậy.”
… “Ta là brahman (thực tại tối thượng), được biết tới bởi mọi
trạng thái bên ngoài tri thức. Ta không thể được nhận biết ngay như bầu trời và
không khí, vân vân. Ta không hình dạng, không tên tuổi, không hành động. Ta là
thực tại tối thượng này, chỗ cư ngụ của chân lý, tâm thức, phúc lạc. Ta không
là thân thể– làm sao có thể có sinh và có tử như ta? Ta không là hơi thở sống–
làm sao có thể có đói hay khát cho ta? Ta không là tâm trí– làm sao có thể có
buồn rầu hay vui thích cho ta? Ta không là người làm– làm sao có thể có tù túng
hay giải thoát cho ta? Như thế là bí ẩn này… Tại đây kết thúc Upanishads”.
(Upanishads)
…Nếu ý nghĩ dừng lại thì thiền xảy ra. Và một điều còn sâu sắc
hơn: Khi việc biết dừng lại thì brahman xảy ra.
…Tôn giáo là nghệ thuật chết, nghệ thuật triệt tiêu; nó là
khoa học của việc làm tiêu tan cái ta của của bạn theo thỏa thuận riêng của bạn.
Giống như khi thổi tắt ngọn đèn và ngọn lửa biến mất, bản ngã, cái tôi của
chúng ta phải biến mất theo cách mà nó sẽ không bao giờ được tìm thấy lại, sao
cho chỉ cái trống rỗng là còn lại đằng sau- hư không. Chỉ duy nhất trong cái trống
rỗng đó chúng ta mới nhận ra sự hiện hữu thật của mình. Đây là điều bí ẩn. Những
người không hiểu mang một khái niệm sai lầm là họ đã hiểu, còn những người hiểu
thì biết rằng điều đó ở bên ngoài nhận thức. Đó là ý nghiã của bí ẩn. Nếu cái gì đó được hiểu qua việc hiểu biết của
bạn thì nó không phải là bí ẩn. Nếu cái gì đó không được hiểu bởi vì bạn đã
không hiểu, thì thế nữa, nó vẫn không được gọi là bí ẩn. “Bí ẩn” hàm ý rằng: Những
người không biết, cảm thấy rằng họ biết; còn những người biết lại cảm thấy rằng
họ không thực sự biết.
Xem cả quyển
“Con đường bên ngoài mọi con đường”