Osho - Dhammapada: Con đường của Phật - Trích dẫn

Osho - Dhammapada: Con đường của Phật - Trích dẫn

Price:

Read more

Osho - Dhammapada: Con đường của Phật - Trích dẫn


...Dhammapala - Pháp lộ. Dhamma - Pháp, có nghĩa là luật tối thượng, cái gắn toàn thể vũ trụ vào với nhau; nó là vô hình, nhưng nếu không có nó thì vũ trụ này sẽ bị sụp đổ. Một vũ trụ bao la, vô hạn, mà lại được vận hành một cách nhịp nhàng, hài hòa thế, cũng đủ chứng tỏ phải có một dòng ngầm nối mọi thứ, bắc cầu qua mọi vật- rằng chúng ta không phải là các hòn đảo, rằng một nhành cỏ nhỏ nhất cũng được nối với ngôi sao lớn nhất. Phá hủy một nhành cỏ nhỏ là bạn đã phá hủy cái gì đó có giá trị mênh mông đối với bản thân sự tồn tại. Ý nghĩa của Pháp là công bằng, bình đẳng, là ngay thẳng, đức hạnh. Bất kỳ cái gì xảy ra thì cũng đều đúng đắn. Khi bạn nhìn mà không có định kiến gì thì chẳng có gì sai, mọi sự đều phải cả. Việc sinh là phải, cái chết là phải, cái đẹp là phải và cái xấu cũng là phải. Ý nghĩa thứ ba là Thương đế, cái đang đó. Ý nghĩa thứ tư là kỷ luật- sự sẵn sàng để học, gạt các định kiến cũ sang bên, không có bất kỳ quan niệm nào. Ý nghĩa thứ năm là chân lý tối thượng. Khi tâm trí biến mất, bản ngã biến mất, cái gì còn lại? Là cái “Không”, “Không gì”. Luật tối thượng không phải là một vật, không phải là đối tượng mà bạn có thể quan sát, nó là tính chất nội bộ chủ quan của bạn.

...Pala, có nghĩa là con đường, bước đi, bàn chân, nền tảng. Bạn phải đi từ nơi bạn đang ở. Mọi người đang ở trong những vũng tù đọng, họ phải trở thành dòng sông, bởi vì chỉ có dòng sông mới đạt tới đại dương. Và điều đó cũng có nghĩa là nền tảng, bởi vì nó là chân lý, nền tảng của cuộc sống. Nếu không có pháp- dhamma, không có quan hệ với chân lý tối thượng. thì cuộc sống của bạn không có nền tảng, không có ý nghĩa, không có niềm vinh quang nào. Bạn sẽ còn lại là một mẩu gỗ trôi dạt- dưới quyền của gió, không biết đi đâu và cũng không biết bạn là ai. Dhammapala cần phải được hiểu không phải qua trí tuệ mà qua sự tồn tại. Bạn hãy trở thành giống như miếng bọt biển; hãy để cho nó ngấm nước, hãy để cho nó thấm vào trong bạn. Đừng có đánh giá đúng sai. Chân lý là một bài ca chứ không phải là sự suy luận, tranh tranh biện.

...Các nhà huyền môn không chỉ tin mà còn biết rằng: thế giới là không thực, ảo tưởng, là giấc mơ. Nhưng đó không phải là thế giới khách quan mà khoa học đang nghiên cứu. Họ không nói tới thế giới của cây cối, núi non, dòng sông… Họ nói tới thế giới mà bạn bịa ra, thêu dệt ra bên trong tâm trí bạn. Thế giới thứ nhất là thế giới khách quan mà khoa học đang nghiên cứu. Thế giới thứ hai là thế giới của tâm trí mà các nhà tâm lý nghiên cứu. Còn thế giới thứ ba là chủ quan của bạn, vùng bên trong, cái ta bên trong của bạn. Chúng ta là điều ta nghĩ. Nếu tất cả các ý nghĩ dừng lại… thì bạn là ai? Một sự trống rỗng hoàn toàn, cái không, không gì, vô ngã, bạn là vũ trụ, là không gian thuần khiết, là tấm gương phản ánh cái không. Chúng ta là điều ta nghĩ. Tất cả những cái chúng ta đang là đều phát sinh từ ý nghĩ của mình. Với ý nghĩ của mình, chúng ta tạo ra thế giới”.

...Nếu bạn thực sự muốn biết bạn là ai, thì trong thực tế bạn phải học cách dừng lại tâm trí. Đó chính là Thiền là gì. Thiền là đi ra ngoài tâm trí, loại bỏ tâm trí và đi vào không gian được gọi là vô trí. Và trong vô trí bạn biết chân lý tối thượng, dhamma- Pháp. Và chuyển từ tâm trí sang vô trí là một bước, pala. Và đây là toàn bộ bí mật của Dhammapala.

...Khốn khổ là một sản phẩm phụ, cái bóng của tâm trí ảo tưởng. Khốn khổ là một cơn ác mộng. Bạn phiền não chỉ vì bạn đang ngủ. Tâm trí nghĩa là không nhận biết, nó chắc chắn sẽ đem lại khốn khổ như bánh xe quay theo trục xe kéo chiếc xe.
Khốn khổ là sản phẩm phụ của việc đang ngủ. Phúc lạc là sản phẩm phụ của việc tỉnh thức. Do bạn không thể nào tìm và kiếm phúc lạc trực tiếp được, nên bạn phải tìm kiếm qua nhận biết. Khi nhận biết tới thì phúc lạc tới như cái bóng của bạn, không lay chuyển được.

...Căm ghét tồn tại trong quá khứ và tương lai. Bạn không thể căm ghét trong hiện tại được; bạn chỉ có thể căm ghét khi tham khảo quá khứ và tương lai. Nhưng bạn có thể yệu trong hiện tại. Tình yêu không cần tham khảo; đó là cái đẹp và cái tự do của tình yêu. Căm ghét là cảnh nô lệ, là tù đầy do bạn áp đặt lên chính mình. Và căm ghét tạo ra căm ghét, căm ghét khơi ra căm ghét. Nếu bạn đang ghét ai đó thì bạn đang tạo ra căm ghét trong trái tim người đó với bản thân bạn. Và toàn bộ thế giới này tồn tại trong căm ghét., trong hủy diệt, trong bạo hành, trong ghen tỵ, trong cạnh tranh. Mọi người đang chẹt cổ lẫn nhau, hoặc trong thực tế, trong hành động, hoặc ít nhất thì cũng trong tâm trí họ, trong ý nghĩ của họ, mọi người đều là kẻ giết người. Đó là lý do tại sao chúng ta tạo ra địa ngục từ trái đất tươi đẹp này- nơi đáng ra có thể trở thành thiên đường. Tình yêu đem đến cho trái đất này trở thành thiên đường. Tình yêu tới từ bạn không có lý do gì hết cả; nó là niềm phúc lạc trào ra của bạn; nó là sự chia sẻ trái tim bạn không vì động cơ nào cả. Cần phân biệt với tình yêu trong quá khứ của bạn; nó là phía bên kia của căm ghét, nó cần tham khảo tới quá khứ và tương lai: ai đó hôm qua là đẹp với bạn, ai đó ngày mai sẽ xinh với bạn, anh ta mời bạn đến nhà vào ngày mai, anh ta sắp đáng yêu với bạn. Và tình yêu lớn nảy sinh. Đây chỉ là căm ghét trá hình làm tình yêu, và tình yêu đó sẽ biến thành căm ghét bất cứ lúc nào, chỉ làm xây xước một chút xíu và căm ghét phát sinh.

...Tiếng chim hót buổi sáng, tiếng cúc cu gọi từ khoảng cách xa… không bởi lý do nào cả. Trái tim chỉ tràn ngập niềm vui và bài ca buột ra. Và nếu bạn có thể đi vào trong chiều hướng của tình yêu này, thì bạn sẽ trong thiên đường- ngay lập tức. Và bạn sẽ bắt đầu tạo ra thiên đường trên trái đất này. Tình yêu tạo ra tình yêu cũng hệt như căm ghét tạo ra căm ghét. Căm ghét chưa bao giờ xua tan căm ghét- bóng tối không thể nào xua tan bóng tối- chỉ tình yêu mới xua tan căm ghét. Và đây là luật vĩnh hằng: Đừng đấu tranh với bóng tối. Căm ghét, dục vọng, ghen tị, tham lam, giận dữ… là bóng tối. Bạn hãy đem ánh sáng vào… Làm sao đem ánh sáng vào? Bạn hãy trở thành im lặng, vô suy nghĩ, có ý thức, tỉnh táo, nhận biết. Và khoảnh khắc bạn nhận biết thì căm ghét không thể được tìm ra, cũng như ánh sáng và bóng tối không thể tồn tại cùng nhau.

...Các bậc thầy dạy bạn đạt tới chân lý; họ chưa bao giờ nói phải từ bỏ thế giới này. Đạt tới chân lý chứ không phải đấu tranh với điều dối trá. Dối trá thì có hàng triệu. Nếu bạn cứ đấu tranh thì tới hàng triệu kiếp mà vẫn chẳng đạt được cái gì cả. Còn chân lý là một, do đó có thể đạt tới ngay, chính khoảnh khắc này điều đó là có thể. Bạn nữa cũng sẽ qua đi, cuộc sống ngắn ngủi thế, tạm thời thế, mà bạn lại cứ phí hoài nó trong tranh cãi ư? Bạn hãy dùng toàn bộ năng lượng cho việc thiền- nó cũng là năng lượng ấy. Bạn có thể tranh đấu với nó hay bạn có thể trở thành ánh sáng qua nó.

...Đừng lệ thuộc vào giác quan, hãy lệ thuộc vào nhận biết, cái ẩn đằng sau giác quan. Thiền sẽ làm cho bạn thức tỉnh, mạnh mẽ và khiêm tốn. Thiền sẽ làm cho bạn thức tỉnh, bởi vì nó sẽ cho bạn kinh nghiệm đầu tiên về bản thân mình. Bạn không phải là thân thể, không phải là tâm trí- bạn là tâm thức chứng kiến thuần khiết. Bỗng nhiên một sự thức tỉnh lớn bên trong: lần đầu tiên bạn cảm thấy bạn có đấy. Và chắc chắn điều đó làm cho bạn mạnh mẽ, bởi vì bây giờ bạn có nền tảng, bạn bắt rễ. Sức mạnh này không đem tới bất kỳ bản ngã nào; bạn trở nên khiêm tốn và bạn nhận biết rằng cùng một linh hồn chứng kiến đang tồn tại trong mọi người, thậm chí trong con vật, cây cối, đất đá,… Toàn bộ sự tồn tại được tạo nên từ từ cùng một chất liệu gọi là tâm thức. Và nếu bạn nhận biết, mạnh mẽ và khiêm tốn, thì bạn sẽ làm chủ được bản thân mình.

...Cuộc sống không cần được nghĩ, nó có thể được sống. Tất cả những điều bạn cần là tỉnh táo và cuộc sống thì ở mọi nơi… trong bông hoa, trong chim chóc, trong mọi người trong bạn, trong trẻ em đang cười… và trong bạn!… và ngay bây giờ! Bạn không cần suy nghĩ về điều đó. Bạn chỉ cần nhắm mắt lại và cảm thấy nó- bạn có thể cảm thấy cái cù, cái đập của nó.

...Tâm trí là ham muốn, và bạn cứ rót đầy bản thân mình với ngày càng nhiều ham muốn, tham vọng, khao khát quyền lực, danh vọng, của cải. Và bạn hoàn toàn quên mất rằng có một trái tim đang đập bên trong bạn mà đã sống trong Thượng đế, mà đã là một phần của luật tối thượng, không cạn, vĩnh hằng. Bạn được nối từ trái tim tới Thượng đế. Trái tim bạn là rễ bắt trong mảnh đất của Thượng đế.

...Hãy đi theo bản thân mình. Bạn là kinh sách… và ẩn sâu bên trong bạn là tiếng nói nhỏ bé, tĩnh lặng. Nếu bạn trở nên im lặng thì bạn sẽ được hướng dẫn từ đó. Cũng hệt như bản tính của nước là chảy xuống và bản tính của lửa là bốc lên- có một bản tính nào đó bên trong bạn. Nếu tất cả các ước định đều được xã hội trút xung quanh bạn được loại bỏ đi, thì bỗng nhiên bạn sẽ phát hiện ra bản tính của mình. Bản tính của bạn đã trở thành Thượng đế. Con người là một Thượng đế tiềm năng- một vị bồ tát. Con người được ngụ ý trở thành một Thượng đế. Kém hơn thế sẽ không thỏa mãn cho bạn, kém hơn thế thì chẳng ích gì. Bạn có thể có tất cả tiền bạc trong thế giới này, tất cả quyền lực, tất cả danh vọng có thể có, vậy mà bạn vẫn trống rỗng- chừng nào bản tính thiêng liêng của bạn còn chưa nở hoa thì bạn vẫn chưa bao giờ có thể mãn nguyện. Nhưng nếu bạn đi vào, nếu bạn lắng nghe trái tim mình, thì bạn sẽ đạt tới quyền lực mà không quyền lực nào trên trái đất này có thể làm bạn nô lệ lần nữa. Tâm thức là bản tính của bạn. Con người của tâm thức thì có một tính cách nào đó, nhưng tính cách đó đi theo tâm thức anh ta. Nó không bị ai áp đặt, nó là của riêng của anh ta. Anh ta cũng không bị giam hãm trong đó; manh ta hoàn toàn tự do thay đổi nó bất kỳ khoảnh khắc nào. Khi hoàn cảnh thay đổi thì tâm thức anh ta trao cho anh ta những chỉ thị khác và anh ta thay đổi tính cách của mình. Người có tâm thức thì đáp ứng một cách tự phát. Anh ta như tấm gương phản xạ bất cứ cái gì ở trước mình. Và từ tính tự phát này, từ tâm thức này, một loại hành động mới được sinh ra. Hành động đó chưa bao giờ tạo ra bất cứ sự tù túng nào, bất kỳ nghiệp nào. Hành động đó giải phóng bạn. Bạn vẫn còn tự do nếu bạn lắng nghe bản tính mình. Những lời khuyên này dường như là rất khó đối với mọi người. Nó phải là điều đơn giản nhất trên thế giới này.

...Suy nghĩ là đi ra. Không suy nghĩ là đi vào. Suy nghĩ và bạn bắt đầu đi ra khỏi bản thân mình. Nghĩ ngợi là dự án. Không nghĩ… và bỗng nhiên bạn ở trong. Ngồi im lặng, không làm gì… thậm chí không nghĩ, không ham muốn… và bạn sẽ ở đâu? Đi vào không thực sự là đi vào. Nó đơn giản chấm dứt đi ra… và bỗng nhiên bạn thấy bản thân mình ở trong.

...Một tâm trí mà quên mất cách soi gương chân lý thì bao giờ cũng là nạn nhân của ham muốn- nạn nhân của cái đầu, của tương lai, của sự khao khát thường xuyên về điều này điều nọ. Và không có ham muốn nào có thể được thỏa mãn cả. Vào lúc một ham muốn được thỏa mãn thì nó tạo ra thêm mười ham muốn nữa. Và điều này cứ tiếp diễn mãi… Còn cuộc sống thì ngắn, và cái chết có thể gõ cửa bạn vào bất kỳ lúc nào. Bạn đã tạo ra địa ngục cho chính mình. Rồi đến một lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy: “Mình ngu quá. Chẳng ai làm mình phiền não cả. Đấy chỉ bởi suy nghĩ của mình thôi. Đấy bởi vì mình ngày càng trở nên hướng ngoại, quan tâm đến những thứ bên ngoài, nên mình mới phiền não. Mình là người duy nhất phải chịu trách nhiệm”. Nếu bạn tuân theo Đạo, theo cốt lõi bên trong nhất của mình, bản tính mình, thì bạn sẽ vui sướng. Bạn sẽ vui sướng trong khoảnh khắc này và khoảnh khắc tiếp theo bạn sẽ vui sướng hơn, bởi vì khoảnh khắc tiếp được sinh ra từ khoảnh khắc này. Và khi bạn có niềm phúc lạc thì bạn có thêm nhiều phúc lạc hơn nữa. Và không ai trao nó cho bạn, bạn không phải là kẻ ăn mày, nó không phải là món quà của ai đó khác, thì không ai có thể lấy nó đi được. “Việc thu hoạch trong thế giới này mà lớn, thì việc thu hoạch trong thế giới tiếp còn lớn hơn” (Đức Phật). Nếu bạn biết những điều đó, nếu tiếng chuông bắt đầu ngân trong tim bạn, thế thì hãy đi theo, đi sâu hơn. Đây là cách duy nhất để được biến đổi, để được biết cái vĩnh hằng, cái hài hòa của sự tồn tại. Và biết tới sự hài hòa vĩnh hằng cũng là biết tới sự phúc lạc, là biết tới Thượng đế, là vượt ra ngoài thời gian, là vượt ra ngoài cái chết, là vượt ra ngoài khốn khổ.

...Trong thế giới bên ngài, bất bình đẳng là qui luật. Ai đó mạnh hơn bạn, ai đó thông minh hơn bạn, ai đó đẹp hơn bạn, ai đó tài hơn bạn, ai đó giỏi hơn bạn… Mọi người đều khác nhau, và họ không thể bị bắt buộc phải bình đẳng nhau được, điều đó sẽ phá hủy nhân loại. Nhưng trong thế giới bên trong, khi bạn di chuyển vào bên trong, thì bất bình đẳng biến mất. Tại cốt lõi bên trong nhất thì có bình đẳng tuyệt đối. Chủ nghĩa cộng sản chỉ có được ở bên trong, là một hiện tượng bên trong.

...Thảnh thơi cũng không phải là vấn đề đơn giản; nó là một trong những hiện tượng phức tạp nhất có thể có, bởi vì tất cả những điều chúng ta được dạy đều là căng thẳng, lo âu, thống khổ. Nghiêm chỉnh là chính cốt lõi mà xã hội dựng lên. Vui đùa là cho trẻ nhỏ, không cho người lớn. Nhưng bạn nên trở lại thành trẻ con, lại vui đùa. Nó là một bước nhảy lượng tử… nhưng nó cần thời gian để hiểu.

...Bất kỳ khi nào bạn trong tình yêu thì bạn đều có vẻ điên- bạn đang điên. Tình yêu là điên dại… nhưng cao hơn rất nhiều cái gọi là lành mạnh tầm thường, xoàng xĩnh. Và tình yêu là phúc lạc, nhưng phúc lạc mà nó có khả năng thấy được cái vô hình.

...Mỗi cá nhân nên có tôn giáo của riêng mình, bởi vì mỗi cá nhân đều duy nhất, đều khác biệt thế với người khác. Làm sao hai người lại có một tôn giáo? Điều đó là không thể được. Nhưng chúng ta đang yêu cầu điều không thể có được. Mỗi cá nhân đạt tới Thượng đế theo con đường riêng của mình, và con đường đó thì không bao giờ được bất kỳ ai khác đi qua lần nữa.

...Người tôn giáo thì khiêm tốn. Anh là người tìm kiếm, người thám hiểm; anh ta học từ mọi nguồn có thể, nhưng anh ta vẫn còn là bản thân mình. Anh ta sẽ không trở thành kẻ bắt chước, một bản sao chép. Anh ta sẽ là người khiêm tốn, chân thực; anh ta không phải là kẻ theo đuôi mà là người yêu. Anh ta sẽ yêu Phật nhưng cũng không theo ông ta, không theo đến từng chi tiết. Và đó là cái đẹp của chân lý, rằng nó bao giờ cũng tới dưới dạng duy nhất. Nếu bạn có tôn giáo của riêng mình, thì chẳng cần tu sỹ nào cả- bạn là tu sỹ, bạn là tín đồ, và bạn là mọi thứ. Hãy đi theo bản tính riêng của bạn, không cần bất kỳ ai xin giùm nhân danh bạn cả.

...Nếu bạn nghĩ bạn đặc biệt thế thì bạn nhất định tạo ra khốn khổ cho riêng mình. Nếu bạn nghĩ rằng bạn cao hơn, khôn ngoan hơn người khác, thế thì bạn se đạt tới bản ngã rất mạnh. Và bản ngã là chất độc, chất độc thuần khiết. Và bạn càng trở nên bản ngã hơn, thì càng gây tổn thương hơn, bởi vì nó là một vết thương. Bạn càng trở nên bản ngã hơn thì bạn lại càng bị đứt quãng hơn với cuộc sống. Bạn xa rời cuộc sống, bạn không còn trong luồng chảy của sự tồn tại, bạn đã trở thành một tảng đá trong dòng sông. Bạn đã trở thành lạnh như băng, bạn đã mất tất cả mọi hơi ấm, mọi tình yêu. Một người đặc biệt thì không thể yêu được, bởi vì bạn định đi đâu để tìm ra người đặc biệt khác?

...Không ai là đặc biệt cả, hay, mọi người đều đặc biệt. Không ai là bình thường, hay, mọi người đều bình thường. Bạn nghĩ về mình như thế nào, xin hãy nghĩ về người khác như vậy. Nếu bạn nghĩ mình là đặc biệt, thế thì mọi người, thậm chí cả cây cối, chim chóc, con vật, tảng đá- toàn bộ sự tồn tại đều đặc biệt., bởi vì bạn bắt nguồn từ sự tồn tại này, và bạn sẽ tan biến trong sự tồn tại này. Nhưng nếu bạn yêu từ “bình thường”- vốn là một từ đẹp hơn, thảnh thơi hơn- thế thì hãy biết rằng mọi người đều bình thường; toàn bộ sự tồn tại là bình thường. Trong cả hai cách nghĩ đó, bản ngã sẽ biến mất. Bản ngã là cái ảo tưởng được tạo ra bởi việc suy nghĩ về bản thân mình theo cách này và nghĩ về người khác theo cách khác. Nó là suy nghĩ kép. Nếu bạn loại bỏ suy nghĩ kép, thì bản ngã chết theo cách riêng của nó.

...Con người đang ngủ. Chỉ bằng việc mở mắt ra thì bạn đừng tự phỉnh mình rằng bạn tỉnh. Chừng nào mà con mắt bên trong còn chưa mở ra, bên trong bạn còn chưa tràn đầy ánh sáng, bạn còn chưa thể thấy bản thân mình, bạn là ai, thì chớ nghĩ rằng bạn đang tỉnh thức. Đó là một ảo tưởng lớn nhất của con người. Và tất nhiên, trong giấc ngủ, trong mơ thì bất cứ điều gì bạn làm cũng đều vô nghĩa.

...Im lặng là không gian trong đó người ta thức tỉnh. Và tâm trí ồn ào là không gian trong đó người ta vẫn còn ngủ. Ngồi im lặng, nếu tâm trí biến mất và bạn có thể nghe thấy tiếng chim huyên thuyên và không có tâm trí bên trong… thế thì nhận biết tràn lên trong bạn. Một người càng nhiều tri thức thì càng ngủ nhiều.

...Bạn sống chỉ theo tỉ lệ với điều bạn nhận biết. Nhận biết là sự khác biệt giữa chết và sống. Bạn không sống chỉ bởi bạn đang thở hay trái tim đang đập. Bạn sống nếu bạn thức tỉnh. Cho nên ngoại trừ những người đã thức tỉnh thì không ai thực sự sống cả. Các bạn là những cái xác- bước đi, nói năng, làm mọi thứ- nhưng bạn là người máy. Tỉnh thức là cách sống. Bạn hãy trở nên tỉnh thức nhiều hơn, và bạn sẽ trở nên sống nhiều hơn. Và cuộc sống là Thượng đế, không có Thượng đế nào khác. Cuộc sống là mục đích, và nhận biết là phương pháp, là kỹ thuật để đạt tới nó.

...Nếu bạn có mắt thì bạn sẽ thấy Thượng đế ở mọi nơi. Nếu bạn có thể nghe được thì bạn sẽ nghe thấy âm nhạc thiên đường, bạn sẽ nghe thấy sự hài hòa của sự tồn tại.

...Trên cái gọi là tâm trí có ý thức là tâm trí có ý thức thực chỉ đạt được qua thiền định. Bên ngoài tâm trí có ý thức thực là tâm trí siêu ý thức. Tâm thức siêu ý thức có nghĩa là samadhi- bạn đã đạt tới cảm nhận trong như pha lê, bạn đã đạt tới một nhận thức tích hợp. Bây giờ bạn không thể rơi xuống thấp hơn nó, nó là của bạn. Ngay cả trong giấc ngủ nó vẫn còn với bạn. Bên ngoài siêu ý thức là siêu ý thức tập thể, là cái được biết tới như “thần” trong các tôn giáo. Và bên ngoài siêu ý thức tập thể là siêu ý thức vũ trụ mà còn vượt xa ngoài các thần. Phật gọi nó là niết bàn; bạn có thể gọi nó là chân lý.

...Nhận biết là vĩnh hằng, nó không biết đến cái chết. Chỉ vô nhận biết mới chết. Cho nên nếu bạn vẫn còn vô ý thức, còn ngu, thì bạn sẽ phải chết lần nữa. Nếu bạn muốn gạt bỏ toàn bộ  cái khốn khổ của việc sinh ra và chết đi lặp lại mãi, gạt bỏ bánh xe sinh tử, thì bạn phải trở thành tuyệt đối tỉnh táo.

...Chân lý bao giờ cũng đơn giản và cũng đẹp đẽ. Bạn hãy quan sát, quan sát từng hành động của bạn làm, từng ý nghĩ thoáng qua, mọi ham muốn đang chiếm giữ bạn. Hãy quan sát cả những cử chỉ nhỏ nhặt nhất- bước đi, nói năng, ăn uống, tắm giặt. Hãy để mọi điều thành cơ hội cho việc quan sát. Nhưng bạn cũng nên nhớ một điều là: Khi bạn quên quan sát cũng đừng hối hận, nếu không lần nữa bạn lại phí thời gian. Đừng cảm thấy khổ sở: “Mình lại bỏ lỡ rồi”. Đừng lên án mình, vì điều này cực kỳ phí thời gian. Đừng bao giờ ăn năn về quá khứ! Hãy sống trong khoảnh khắc này. Nếu bạn có quên thì đã sao? Đây là thói quen đã bắt rễ từ lâu rồi, có thể trong hàng triệu kiếp. Cho nên nếu bạn vẫn còn có thể quan sát cho dù vài khoảnh khắc thôi, thì hãy cảm thấy biết ơn Thượng đế. Vài khoảnh khắc đó cũng còn nhiều hơn sự trông đợi.

...Và khi bạn quan sát, thì sáng tỏ nảy sinh, bởi vì khi bạn càng trở nên quan sát hơn, thì tất cả những sự hấp tấp của bạn càng chậm lại hơn. Bạn trở thành duyên dáng hơn, tâm trí bạn bớt huyên thuyên đi, bởi vì năng lượng được dùng cho huyên thuyên nay được dùng cho quan sát, tâm trí sẽ không được nuôi dưỡng nữa; và các ý nghĩ bắt đầu thưa dần ra, chúng bắt đầu mất dần sức nặng. Dần dần chúng sẽ bắt đầu chết. Và khi ý nghĩ bắt đầu chết đi thì sự sáng tỏ nảy sinh. Bây giờ tâm trí bạn trở thành một tấm gương. Và khi người ta sáng tỏ thì người ta phúc lạc. Và bây giờ người ấy không biết có cái chết, bởi vì tỉnh thức không bao giờ có thể bị phá hủy. Khi cái chết tới bạn sẽ quan sát nó nữa. Bạn sẽ chết trong khi quan sát, việc quan sát sẽ không chết. Thân thể bạn sẽ biến mất, cát bụi sẽ trở về cát bụi, nhưng việc quan sát của bạn vẫn còn; nó sẽ trở thành một phần của toàn thể vũ trụ.
Nhưng chừng nào mà bạn còn chưa đem toàn bộ nỗ lực ra để đánh thức bản thân mình thì điều đó còn chưa xảy ra đâu. Nước ấm không thể bay hơi được, và nỗ lực hờ hững để tỉnh táo thì nhất định thất bại. Việc biến đổi xảy ra chỉ khi bạn đặt toàn bộ năng lượng vào trong nó. Khi bạn đang sôi ở 100 độ C, thế thì bạn bay hơi, bạn bắt đầu bốc lên.

...Tham lam là một trạng thái say, và mọi người đều tham lam- tham lam thêm nữa. Tâm trí liên tục đòi thêm nữa, và yêu cầu chẳng bao giờ kết thúc. Nếu bạn theo đuổi tiền bạc thì phải thêm tiền nữa. Nếu bạn theo đuổi quyền lực chính trị, thì thêm quyền lực nữa. Nếu bạn theo đuổi danh vọng thì thêm danh vọng nữa Nếu bạn quan tâm đến việc trở thành khiêm tốn thì khiêm tốn thêm nữa, bởi vì bạn phải là người khiêm tốn nhất thế giới. Nếu bạn theo đuổi từ bỏ, thế thì cứ ngày càng thêm từ bỏ.

...Tham lam là say và giận dữ cũng vậy, chúng là giấc ngủ. Khi bạn giận dữ thì bạn có thể làm được những điều mà bạn không thể làm được trong lúc bình thường. Bạn nói điều gì đó rồi bạn lại hối tiếc về sau… Bạn hãy trở nên chú ý và giận dữ sẽ bớt đi, tham lam sẽ bớt đi và ghen tỵ sẽ bớt đi.

...Chỉ với tâm thức vô ngã mới đạt tới tính cá nhân. Cá nhân nghĩa là không phân chia được, là tích hợp, là một người và không phải là đám đông, là người đã đạt đến sự thống nhất, người đã trở thành một sự hiện hữu kết tinh. Nhưng yêu cầu cơ bản cho việc kết tinh hóa là loại bỏ bản ngã, bởi vì bản ngã là giả tạm, là lừa dối, là ảo tưởng, nó sẽ không cho phép bạn là thực, được chân thực. Bạn không tách biệt khỏi sự tồn tại, nhưng bản ngã cứ giả vờ  việc tách biệt.

...Cá nhân bao giờ cũng là một hiện tượng có kỷ luật. Người mà không tuân theo kỷ luật thì không là cá nhân, mà chỉ là sự hỗn độn, có nhiều mảnh và những mảnh này vận hành tách biệt, thậm chí còn đối lập nhau. Một cá nhân vận hành như một thể thống nhất hữu cơ. Điều đó chỉ có thể qua kỷ luật có ý thức. Và nguyên lý đầu tiên của kỷ luật là buông xuôi. Chỉ cá nhân mới có thể buông xuôi. Buông xuôi là một hiện tượng lớn lao đến mức chỉ con người với ý chí lớn mới có thể buông xuôi được. Nó là điều tối thượng trong ý chí. Việc loại bỏ ý chí của bạn là điều tối thượng trong ý chí. Việc gạt bản thân mình sang bên, hoàn toàn sang bên và nói đồng ý toàn bộ- điều tâm trí bạn, thói quen cũ của bạn chống lại… Là một cá nhân là một kinh nghiệm. Chủ nghĩa cá nhân rất rẻ mạt, nhưng là cá nhân thì lại cần kỷ luật hết mình. Nó cần sự kiên nhẫn lớn lao, làm việc, quan sát. Nó chỉ tới từ nhiều năm gắng sức trong nhận biết, trong thiền. Chỉ chân lý của bạn mới có thể đúng cho bạn. Chân lý chắc chắn là giải thoát, nhưng nó phải là của bạn. Không chân lý của bất kỳ ai khác có thể giải thoát cho bạn. Chân lý của bất kỳ ai khác chỉ có thể trở thành sự giam cầm.

...Chúng ta là một phần của Thượng đế và Thượng đế là một phần của chúng ta. Không có cách nào, không có cách nào có thể bỏ lỡ nó. Làm sao bạn có thể thoát khỏi bản thân mình được? Tại đâu? Dù bạn có đi bất kỳ đâu thì bạn vẫn còn là bản thân mình. Cho dù trong địa ngục thì bạn vẫn còn là bản thân mình, bởi vì bạn không thể nào thoát khỏi bản thân mình được, bạn không thể nào thoát khỏi Thượng đế được. Chỉ Thượng đế tồn tại. Nhưng cần sự tỉnh thức.

...Chừng nào một người còn chưa trở thành một nhân chứng cho chân lý tối thượng, thì anh ta sẽ cứ nghĩ mâu thuẫn; rằng Phật nói điều này còn Jesu nói điều khác mâu thuẫn lại, rằng tôn giáo nọ chống lại tôn giáo kia, cãi cọ, xung khắc, đối kháng liên tục xảy ra. Cái ngày mà bạn thấy chân lý của bản thể riêng của mình, thì tất cả các tôn giáo biến mất, bay hơi mất.

...Con người vẫn còn chưa là con người theo đúng nghĩa. Anh ta chỉ mới đang trở thành, anh ta đang trên đường. Anh ta đang tìm kiếm, đang dò dẫm, anh ta chưa kết tinh. Đó là lý do anh ta chưa biết mình là ai, bởi vì anh ta vẫn chưa hiện hữu. Trước khi biết, việc hiện hữu phải xảy ra. Và việc hiện hữu là có thể, chỉ nếu bạn có ý thức, nhận biết. Điều bản chất phải được tạo ra; nó không sẵn có đây. Bạn phải tạo ra bản thân mình, phải tìm cách thức tỉnh mình, phải hiện hữu. Bạn phải trở thành bụng mẹ cho bản thể riêng của mình; bạn phải cho sinh thành ra chính bản thân mình. Việc sinh thành vật lý không phải việc sinh thành thực; bạn phải được sinh ra lần nữa. Món quà thứ nhất của cuộc sống là qua bố mẹ; món quà thứ hai bạn phải trao cho chính mình.

...Khoa học và tôn giáo là hai cực đối lập; khoa học hướng ngoại, tôn giáo hướng nội. Và giữa hai cực này là thế giới của thẩm mỹ, của nghệ sỹ, của nhà thơ. Trước khi nhà thơ có thể hát lên bài ca của mình thì anh ta hát nó trong chỗ thâm kín bên trong nhất của bản thể mình. Con người thực sự nên sẽ là tất cả ba chiều đồng thời; anh ta sẽ là nhà khoa học, nghệ sỹ và tôn giáo. Và ta gọi người thứ tư này là người tâm linh.

...Bạn sở hữu nhiều thứ, nhưng bạn không sở hữu bản thân mình. Bạn có tất cả những cái làm bạn hạnh phúc, nhưng bạn lại không hạnh phúc; hạnh phúc không được đưa tới từ sở hữu của bạn. Hạnh phúc là sự giàu có bên trong, là sự thức tỉnh năng lượng riêng của bạn. Nó là sự thức tỉnh của linh hồn bạn. Muốn vậy, bạn phải loại bỏ tất cả tri thức của bạn, giống như trẻ thơ với đôi mắt ngạc nhiên, tỉnh táo. Khi bạn biết bản thể của riêng mình thì bạn biết tất cả bản thể tồn tại trong thế giới, trong cây cối, chim chóc, con vật, tảng đá, các vì sao,… Nếu bạn biết tới bản thân mình thì bạn biết tất cả những cái đang hiện hữu- Đó là cách gọi khác của Thượng đế.

...Bạn hãy quan sát mọi người - họ đang làm gì? Săn đuổi cái bóng, săn đuổi mọi thứ mà họ không cần, cố gắng đạt tới cái gì đó và khi đạt tới rồi thì họ sẽ không biết phải làm gì. Đấy là cách mọi người đang đeo đuổi tiền bạc, quyền lực chính trị, danh vọng. Ví dụ như ai đó rất muốn nổi tiếng, và anh ta phí hoài toàn bộ cuộc đời mình cho việc trở thành nổi tiếng và thế rồi anh ta không biết phải làm gì với nó. Trong thực tế, nhiều khi bạn trở thành rất nổi tiếng thì bạn muốn trở thành không nổi tiếng một lần nữa, bởi vì nó trở thành nặng nề thế. Bạn không thể thảnh thơi được. Bạn không thể đi bất kỳ đâu mà không bị đám đông theo dõi. Bạn không còn tính riêng tư được nữa…

...Con người tình cờ là ngu xuẩn. Người minh triết di chuyển một cách có chủ ý, đi từng bước có ý thức Cuộc sống người đó là việc tìm hỏi thường xuyên về chân lý, tỉnh táo trong mỗi hành động của mình; người ấy sẽ được kết tinh. Người ấy đánh giá cao cuộc sống của mình, rằng nó là cơ hội Thượng đế trao cho để trưởng thành, rằng nó phải không bị mất đi trong một loại say sưa nào đó. Người ngu xuẩn không để ý. Nhưng người minh triết gìn giữ sự quan sát của mình. Đấy là kho báu quí giá nhất của người ấy. Người ngu xuẩn vẫn còn là nô lệ của bản năng, của ham muốn vô ý thức, nô lệ của xã hội, của thời thượng- nô lệ của mọi thứ xảy ra xung quanh anh ta.

...Ham muốn là toàn bộ tâm trí của bạn. Ham muốn có nghĩa là đi đâu đó trong tương lai, là cả nghìn lẻ một cách thoát ly khỏi hiện tại. Và ham muốn cũng là thời gian nữa, không phải là thời gian đồng hồ, mà là thời gian tâm lý. Bạn ham muốn làm điều gì đó trong ngày mai nên bạn tạo ra ngày mai tâm lý. Ham muốn đưa bạn đi xa khỏi bây giờ- ở đây, mà bây giờ- ở đây mới là thực tại duy nhất. Người sống trong tương lai thì sống một cuộc đời giả tạo. Anh ta không thực sự sống mà chỉ giả vờ sống. Anh ta hy vọng sống, ham muốn sống, nhưng anh ta chưa bao giờ sống cả. Và ngày mai thì chẳng bao giờ tới, bao giờ cũng chỉ là hôm nay thôi. Và bất kỳ cái gì tới thì bao giờ cũng là bây giờ- ở đây, còn anh ta lại không biết cách sống bây giờ- ở đây, anh ta chỉ biết thoát khỏi bây giờ- ở đây. Cách để trốn thoát gọi là ham muốn, trốn khỏi hiện tại, khỏi cái thực mà vào cái không thực. THIỀN không phải là trốn chạy cuộc sống, nó đang trốn vào cuộc sống. Tâm trí, ham muốn mới đang trốn thoát khỏi cuộc sống.

...Phúc lạc là hạnh phúc đúng đắn. Điều bạn gọi là hạnh phúc thì chỉ là khốn khổ trá hình, nó chỉ là tiêu khiển, giải trí. Nó tạm thời, nó không thể đúng dược. Chân lý phải có một phẩm chất, đó là tính vĩnh hằng. Nếu cái gì đó đúng thì nó vĩnh hằng, nếu nó không đúng thì là nhất thời. Mà hạnh phúc đúng đắn chỉ được tìm thấy khi tâm trí ngừng vận hành hoàn toàn. Nó không tới từ bên ngoài. Nó phun lên từ trong bản thể riêng của bạn, tràn ngập bạn. Bạn trở nên chói sáng, thành đài phun phúc lạc.

...Khi ai đó trở thành một vị phật- vượt qua ham muốn, vượt qua tâm trí, vượt qua thời gian, siêu việt lên trên bản ngã- thì người ấy không còn là một phần của trái đất này nữa. Người ấy vẫn sống trên trái đất, nhưng linh hồn của người ấy bay vút lên cao đến mức từ trên đỉnh ánh sáng mặt trời đó của bản thân mình, người ấy có thể thấy đám đông buồn bã trong thung lũng tăm tối của cuộc sống, loạng choạng, say sưa, đánh lộn, tham vọng, tham lam, giận dữ, bạo hành,… một sự lãng phí cực kỳ các cơ hội lớn. Lòng từ bi lớn lao nảy sinh trong bản thể người ấy. Toàn bộ niềm đam mê của người ấy chuyển qua không đam mê và trở thành từ bi.

...Thiền là ngọn lửa đốt cháy ý nghĩ, ham muốn của bạn, ký ức của bạn, quá khứ và tương lai của bạn, tâm trí và bản ngã bạn. Nó lấy đi tất cả những cái mà bạn nghĩ rằng bạn là chúng. Nó là cái chết và sự tái sinh. Bạn mất đi toàn bộ danh tính riêng của mình, và bạn đạt tới một tầm nhìn mới về cuộc sống. Khi tâm trí chết đi, bạn được sinh ra như vô trí. Việc sinh thành đó là chứng ngộ. Nó đem bạn tới mảnh đất của an bình, thiên đường hoa sen, thế giới của phúc lạc, phúc lành. Nếu không thì bạn vẫn còn trong địa ngục. Ngay bây giờ bạn đang trong địa ngục. Nhưng nếu bạn kiên quyết, nếu bạn quyết định, nếu bạn chọn tâm thức thì ngay bây giờ bạn có thể lấy bước nhảy, bước nhảy từ địa ngục vào thiên đường.

...Thư thái toàn bộ là điều tối thượng. Đó là khoảnh khắc khi người ta trở thành một vị phật, khoảnh khắc của hiểu ra, chứng ngộ. Bạn không thể thảnh thơi ngay bây giờ được. Tại cốt lõi bên trong nhất, sự căng thẳng vẫn còn dai dẳng. Nhưng bạn hãy bắt đầu thảnh thơi đi, ở phần chu vi, nơi chúng ta đang hiện hữu, hãy thư thái thân thể, thư thái hành vi, thư thái hành động của bạn. Hãy bước đi, ăn, nói, nghe theo cách thảnh thơi. Hãy làm chậm lại mọi tiến trình, đừng vội vàng hấp tấp, dường như tất cả sự vĩnh hằng đều có sẵn cho bạn; trong thực tế nó đang có sẵn cho bạn. Chúng ta bao giờ cũng ở đây và cũng sẽ luôn luôn ở đây. Hình dạng thay đổi, lớp vỏ thay đổi, nhưng bản chất không đổi, linh hồn không đổi. Không có bắt đầu và không có kết thúc. Nếu bạn có khả năng thư giãn thân thể một cách tự nguyện, thế thì bạn có khả năng giúp cho tâm trí mình thảnh thơi một cách tự nguyện. Tâm trí là hiện tượng phức tạp hơn. Khi tâm trí được thảnh thơi, hãy bắt đầu thảnh thơi trái tim bạn, thế giới tình cảm, xúc động của bạn, chúng thực tế còn phức tạp hơn, tinh tế hơn nữa. Khi bạn đã đi qua ba bước này, bạn mới có thể lấy bước thứ tư. Bây giờ bạn có thể đi vào cốt lõi bên trong nhất của bản thể mình, trung tâm sự tồn tại của bạn. Và việc thảnh thơi đó chắc chắn sẽ đem lại niềm vui lớn lao nhất có thể có, điều tối thượng trong cực lạc, chấp nhận, hớn hở  Cũng như toàn bộ sự tồn tại đang nhảy múa. Toàn bộ sự tồn tại đang rất thảnh thơi. Cây cối đang lớn lên, chim chóc đang líu lo và dòng sông đang tuôn chảy, sao đang chuyển động, mọi vật đang diễn ra một cách rất thanh thản, không vội vàng hấp tấp, không lo nghĩ và không phí phạm. Ngoại trừ con người. Con người đã sa ngã thành nạn nhân cuả tâm trí mình. Hãy buông bỏ, tin cậy, yêu thương, chấp nhận, đi theo luồng chảy, hợp nhất với sự tồn tại, vô ngã, cực lạc. Tất cả những cái đang tồn tại là khoảnh khắc này. Bạn có thể làm cho khoảnh khắc này thanh địa ngục hay thiên đường, và nó chỉ ở đây, không ở đâu đó khác. Địa ngục là khi bạn căng thẳng, còn thiên đường là khi tất cả đang thảnh thơi. Thảnh thơi toàn bộ là nơi lý tưởng.

...Con người có thể cứ sống một cách đần độn chỉ tới một chừng mực nào đó, rồi anh ta cũng phải nhận biết về điều mình đang làm cho chính mình. Còn có nhiều điều quan trọng hơn nhiều trong cuộc sống so với dục. Nếu bạn càng đi vào trong nó có ý thức thì bạn sẽ đi ra khỏi nó sớm hơn. Và cái ngày đi ra khỏi dục một cách toàn bộ mà không kìm nén là bạn được tự do khỏi nó. Tự do khỏi nó làm cho năng lượng của bạn có sẵn cho thiền, cho samadhi, và khi đó là ngày của phúc lành lớn lao.

...Tự do là mục đích của cuộc sống. “Tự do” này không có nghĩa gì về tự do chính trị, xã hội hay kinh tế. “Tự do” này có nghĩa là tự do khỏi thời gian, khỏi tâm trí, khỏi ham muốn. Khoảnh khắc tâm trí không còn nữa thì bạn là một với vũ trụ, bạn bao la như bản thân vũ trụ.

...Ham muốn là nguyên nhân gốc rễ cho mọi khốn khổ của chúng ta, bởi vì ham muốn tạo ra tâm trí, tạo ra tương lai, đem ngày mai vào. Thế thì hôm nay biến mất; mắt bạn bị vẩn đục bởi ngày mai. Đem ngày mai vào và bạn phải mang tất cả tải trọng của tất cả ngày hôm qua của bạn, bởi vì ngày mai cần ngày hôm qua nuôi dưỡng. Mỗi ham muốn đều được sinh ra từ quá khứ và được phóng chiếu vào tương lai. Quá khứ và tương lai tạo ra tâm trí bạn. Hiện tại chỉ có thể tìm thấy khi tâm trí đã dừng hoàn toàn. Trong khoảnh khắc đó bạn là ai? Không là ai cả. Và không ai có thể làm tổn thương bạn khi bạn là không ai cả. Lo âu, phiền não là không thể có được. Khi bạn là không ai cả thì có sự im lặng lớn. Và sự im lặng mà nghe được thì chính là thiên đàng., là thiêng liêng. Vô trí làm nên sự tồn tại. Ngoại trừ con người, toàn thể sự tồn tại là phúc lạc, chỉ vì con người có tâm trí. Nếu bạn chỉ cần gạt tâm trí sang một bên thôi thì bạn sẽ trở nên nhận biết tới vở kịch vũ trụ. Khả năng khác là: bạn có khả năng tự ý thức về mình, thế thì bạn sẽ sa ngã, bạn sẽ tách biệt với thế giới như một hòn đảo, và bạn sẽ trong phòng giam tối tăm, bạn sẽ bị què quặt, tê liệt. Tự ý thức mình trở thành cảnh nô lệ. Và chỉ tâm thức mới trở thành tự do. Khi bạn không hiện hữu thì bạn lại hiện hữu, Thượng đế hiện hữu, niết bàn hiện hữu, chứng ngộ hiện hữu. Khi bạn không hiện hữu thì tất cả được tìm thấy- và khi bạn hiện hữu thì tất cả mất.

...Chúng ta chưa bao giờ biết cách đồng điệu với sự tồn tại. Không có sự đồng điệu làm sao bạn có thể hạnh phúc được? Bạn vẫn còn trong phiền não, trong khốn khổ, trong đau khổ. Chỉ trong sự đồng điệu, tan chảy trong sự tồn tại, con người mới có tự do- tự do tâm linh. Nếu bạn không có tự do tâm linh thì bạn không được tự do gì hết cả. Thế thì tất cả tự do của bạn, tự do chính trị, tự do kinh tế, tự do xã hội đều là hư huyễn, giả tạo. Thế thì bạn đã bị lừa bịp. Thế thì bạn đã được trao cho đồ chơi để chơi thôi.

...Bạn hãy tự nhiên, hãy là một phần của tự nhiên. Đừng khoác lác, đừng thổi phồng bản ngã của bạn lên. Nhưng bạn được dạy phải đánh nhau, phải tranh đấu, phải vật lộn để sống còn. Nếu không đánh nhau bạn sẽ thất bại. Và bạn phải chiến thắng, và bạn phải nổi tiếng. Bạn đã được trao cho rất nhiều tham vọng; và tất cả những tham vọng này đã trở thành dây xích trói buộc bạn lại. Tất cả những tham vọng này tạo ra và nuôi dưỡng cho tâm trí bạn, đầu độc chính bạn. Và tâm trí sẽ ngày càng lớn lên như căn bệnh ung thư, còn bạn ngày càng bé đi, càng teo lại. Và một khi bạn nhận biết rằng bạn là nguyên nhân cho khốn khổ của riêng mình, bạn không phải là tâm trí mình mà là nhân chứng cho nó, thì bạn bắt đầu vươn lên khỏi tâm trí, bạn bắt đầu giang cánh bay vút lên cao.

...Toàn bộ lịch sử nhân loại chứng tỏ rằng đây là một nhân loại mất trí. Trong ba ngàn năm, con người đã đánh nhau trong năm nghìn cuộc chiến tranh.  Mọi người đều tham lam, ghen tỵ, sở hữu. Mọi người đều chẹt cổ người khác. Bạn gọi nhân loại này là lành mạnh sao? Đâu là con người lành mạnh bình thường? Đó là người tràn đầy tình yêu, phúc lạc. Người ấy phải bạo dạn, vui vẻ. Người ấy có thể tận hưởng những điều nhỏ bé của cuộc sống. Người ấy phải là toàn bộ trong bất kỳ điều gì người ấy làm. Ý nghĩ người ấy phải thẳng thắn, không giả tạo, không thủ đoạn, không đạo đức giả… như người mất trí. Bây giờ người mất trí có quá nhiều quyền năng hủy diệt đến mức một cuộc chiến nữa và nhân loại sẽ kết thúc và hành tinh này cũng kết thúc luôn. Chúng ta đã thất bại cho tới nay… và chúng ta phải làm điều gì rất quyết liệt bây giờ, nếu không thì nhân loại sẽ diệt vong.

...Cái gì đó để mà ham muốn trong cuộc sống? Những người đã biết, đã hiểu cuộc sống đều nói: Chẳng có gì đáng ham muốn trong cuộc sống này cả, mà chỉ cần sống nó, sống toàn bộ, sống từng khoảnh khắc tới mức tối đa của nó. Khoảnh khắc hiện tại là cánh cửa của Thượng đế. Thượng đế chỉ có một thời: thời hiện tại. Ngài không biết quá khứ và tương lai. Nếu bạn muốn là một phần của Thượng đế, cách duy nhất để lành mạnh, thì bạn phải học thanh thản trong khoảnh khắc hiện tại. Đừng cho phép mình đi khỏi hiện tại, dù chỉ một ly ra đi đây đó; nếu không thì bao giờ bạn cũng lỡ chuyến tàu. Hạnh phúc không cần điều kiện gì. Chỉ việc sống là cần, chỉ ý thức là cần- và bạn đã là điều đó rồi. Phúc lạc chính là bản tính của chúng ta. Nhưng tâm trí là kẻ chạy đua và nó cứ lôi bạn đi. Mà tâm trí là những mảnh vay mượn- bạn không có tâm trí nào của riêng mình cả. Nhưng một điều không được vay mượn là cốt lõi bên trong của bạn, là tâm thức, nhận biết của bạn. Hãy trở thành độc lập với tâm trí và tuyệt đối tùy thuộc vào tâm thức, và bạn đang tiến những bước lớn trong cuộc sống của mình. Và khi tâm trí không còn nữa thì bạn đi vào trong trái tim. Tâm trí là sản phẩm phụ của xã hội; trái tim là sự mở rộng của Thượng đế. Cái đầu là nô lệ, trái tim là tự do. Cái đầu là khốn khó, trái tim là phúc lạc tối thượng.

...Mặt trăng được phản xạ trong hồ thì vẫn là sự phản xạ của mặt trăng; bạn sẽ không thấy nó trong hồ. Thượng đế được phản xạ khi bạn hưởng thức ăn, tận hưởng dục,… cả nghìn lẻ một hồ của cuộc sống. Bạn hãy lấy chìa khóa từ sự phản xạ; bạn hãy lấy chỉ dẫn, manh mối và bắt đầu đi tới nguyên bản. Do đó tôi không chống lại cuộc sống, không chống lại những gì cuộc sống bao hàm: dục, thức ăn, những thú vui thân thể. Tôi không chống lại sự thoải mái, thậm chí xa hoa. Tôn giáo là dạng cao nhất của xa hoa. Nếu tôi không thể làm cho mọi người sống xa hoa được, thì ít nhất tôi cũng xoay xở được để đươc sống xa hoa. Tôi muốn tất cả mọi người đều được sống xa hoa. Nhưng điều đó còn chưa là thực tế. Cả trái đất này thậm chí vẫn còn chưa có được những thứ cần thiết tối thiểu cho cuộc sống. Nhưng tôi không tự hành hạ mình về điều đó, bởi vì điều đó cũng chẳng giúp ích gì cho họ cả. Nếu có một nghìn người trong khốn khổ, thì sẽ có một nghìn lẻ một người trong khốn khổ, có thế thôi. Tôi ghét nghèo nàn, không kính trọng, không đánh giá cao nghèo nàn. Chính từ đần độn, từ tâm trí mê tín mà mọi người mới nghèo.

...Tôi là người của thế giới này và tôi cũng biết thế giới khác hiện hữu; nhưng không cần lo nghĩ về nó. Lo nhĩ chẳng ích gì. Thế giới khác sắp được sinh ra từ thế giới này. Bạn hãy làm cho cuộc sống này đẹp đẽ. Bạn hãy sống nhạy cảm hết mức, và thế giới khác đẹp hơn sẽ sinh ra từ thế giới này nếu bạn có thể làm cho thế giới này đẹp. Bạn không còn nghĩ về ngày mai, hôm nay là đủ cho chính nó. Bạn hãy sống ngày này với niềm vui và cực lạc thế… từ đâu mà ngày mai sẽ tới? Nó được sinh ra từ niềm cực lạc này, nó sẽ cực lạc hơn. Và thế thì bạn có chìa khóa- chìa khóa mở ra tất cả các cánh cửa của cuộc sống. Giống như cái bóng theo bạn, tương lai theo bạn. Nếu thực tại của bạn là xấu, thì tương lai sẽ là địa ngục; nếu hiện tại của bạn là đẹp, thì tương lai sẽ là thiên đường.

...Những người theo các tôn giáo này nọ đã tạo ra hận thù trong mọi người. Nhiều máu đã đổ nhân danh tôn giáo hơn là nhân danh bất kỳ cái gì khác. Thậm chí chính trị cũng không tội lỗi như cái gọi là tôn giáo. Chỉ cần hiện hữu là đủ, không cần theo bất kỳ tôn giáo nào. Không cần phải đi tới bất kỳ đền đài, chùa chiền hay bất kỳ nhà thờ nào. Toàn bộ sự tồn tại là ngôi đền của bạn, và cây cối liên tục trong sự tôn thờ, mây là trong lời cầu nguyện, và núi non là trong thiền… bạn hãy bắt đầu nhìn xung quanh. Chân lý phải trở thành kinh nghiệm của riêng bạn- bạn phải là một nhân chứng cho nó. Tôi là người bình thường như các bạn. Tôi không hơn bất kỳ ai và cũng không kém bất kỳ ai. Không ai giỏi hơn và cũng không ai kém hơn. Chúng ta thuộc vào một thực tại, làm sao chúng ta có thể kém cỏi hay giỏi hơn được?
Xem cả bộ "Dhammapada: Con đường của Phật" (12 Tập)

Ads Belove Post