Osho – Đi tìm điều huyền bí – Trích dẫn

Osho – Đi tìm điều huyền bí – Trích dẫn

Price:

Read more

Osho – Đi tìm điều huyền bí – Trích dẫn


…Nếu mọi thứ trong tự nhiên là vô chủ định, thì sao một mình con người lại sống có chủ định? Chắc chắn, nếu bạn có thể vứt bỏ mọi thứ có chủ định, thì không có chủ định nào lớn hơn điều này. Nếu bạn có thể tự nhiên… đó là điều cao nhất. Bông hoa nở đầy đủ vì nó không có chủ định về bất cứ điều gì.

…Trong thế giới này vật chất và tâm thức không phải là hai điều tách biệt. Điều chúng ta gọi là vật chất lại là tâm thức đang ngủ, và điều chúng ta biết như tâm thức thì là vật chất đã thức tỉnh. Trong thực tế, vật chất và tinh thần không khác nhau; chúng là những sự biểu lộ khác nhau của cùng một thứ. Sự tồn tại là một và cái Một đó là Thượng đế, hay bất cứ cái tên nào bạn muốn gọi (như là Đạo, Chân như,…). Khi khoa học đào sâu thì thấy rằng chỉ năng lượng là hiện hữu, và khi tâm linh tìm tòi sâu, nó thấy rằng chỉ tâm linh hay linh hồn là hiện hữu. Và linh hồn là năng lượng. Nếu vật chất và tinh thần không phải là hai, thì làm sao tôn giáo và khoa học có thể là hai được? Trong khi người duy vật chấp nhận những thứ sơ đẳng và do vậy, họ bị tước đoạt đi điều tối thượng, thì người duy linh lại chấp nhận điều tối thượng bao hàm cả điều sơ đẳng trong nó. Tâm thức ngủ là vật chất, và tâm thức thức tỉnh là tâm thức. Tất cả đều là tâm thức.

…Khi linh hồn bị khuấy động và rối loạn, khi nó bất ổn, nó được gọi là tâm trí. Còn khi tâm trí yên lặng, nó lại là linh hồn. Tâm trí dừng hiện hữu khi nó ở trong thiền. Nó có nghĩa là những cơn sóng mãnh liệt trong biển cả của linh hồn đã trầm lắng xuống. Chỉ thế thì bạn mới biết bạn là linh hồn. Chừng nào bạn còn bị rối loạn và bất ổn, bạn chỉ biết mình là tâm trí mà thôi. Tinh thần bất ổn xuất hiện dưới nhiều dạng- đôi khi như bản ngã, đôi khi như trí tuệ, và đôi khi như chất liệu tâm trí. Tinh thần và thân thể nữa cũng không tách biệt. Điều bản chất là một, cách diễn đạt của nó là vô hạn. Chân lý là một, hình dạng của nó là nhiều. Sự tồn tại là một, các khuôn mặt và cử chỉ của nó thì nhiều vô số. Với việc biết, chỉ cái Một tồn tại. Và cái Một này mới bao la, mênh mông đến mức tất cả các lỗ hổng giữa người biết và cái được biết biến mất. Tại đó, người biết và cái được biết trở thành Một. Điều này có thể chỉ khi qua kinh nghiệm.

…Điều chúng ta biết như thời gian được gắn một cách không chuyển đổi được với nỗi buồn của chúng ta, với niềm bất hạnh của chúng ta, với khốn khổ của chúng ta. Và không có thời gian trong phúc lạc; phúc lạc là vô thời gian.

…Tri thức hay việc biết xảy ra khi ý nghĩ không có đó. Khi bạn thoát khỏi ý nghĩ thì bạn biết. Nhưng đã biết nó một lần, thì nó tồn tại trong mọi trạng thái, kể cả trong suy nghĩ. Thế thì không có cách nào để làm mất nó. Nhưng việc đạt tới nó chỉ có thể trong trạng thái không suy nghĩ.

…Chừng nào một cá nhân làm một điều gì đó thì điều đó không phải do Thượng đế làm. Cái ngày mà cá nhân này biết rằng mình không còn nữa, người đó không còn là người làm, đấy chỉ là việc xảy ra, thì hành động của người đó thành hành động của Thượng đế; nó thuộc vào Thượng đế. Nhưng con người nói: “Tôi đang làm đây”. Chính tại đây, con người đi ra khỏi Thượng đế. Chính tại đây bản ngã con người tiếp quản và con người bị bao vây trong bản ngã của mình. Và chính tại đây con người đứng tách khỏi Thượng đế như một thực thể tách biệt. Thượng đế tiếp quản vào chính ngày con người đi tới nhận ra rằng: cách gió thổi, sóng xô, cây lớn lên, hoa nở, sao dời, thế mình nữa cũng đang được khởi động; có ai đó bên trong mình cử động và nói, thì người đó không tách rời. Cái ngày đó, và chỉ ngày đó thôi, Thượng đế là người làm. Việc chúng ta là người làm chính là ảo tưởng. Và chính ảo tưởng này tạo ra bất hạnh và khốn khổ. Trong thực tế, mọi thứ đều đang xảy ra. Và nếu ảo tưởng này biến mất, thế thì các bạn gọi là biết hay chứng ngộ xảy ra. Ngày đó bạn sẽ đơn giản nói: “Một mình Thượng đế hiện hữu, còn mình không hiện hữu”. Bạn sẽ nói: “Trong thực tế, mình chưa bao giờ tồn tại cả; đấy chỉ là giấc mơ và đã đi tới hồi kết thúc”.

…Xúc động có chiều sâu lớn lao, trong khi trí năng thì nông cạn, hời hợt. Trí năng không là gì khác hơn là sự tiện dụng. Xúc động là chủ, còn trí năng chỉ là tớ. Chủ tới sau tớ. Tất cả những điều có ý nghĩa và đẹp đẽ trong cuộc sống đều tuôn chảy từ xúc động, từ cảm giác.
Khi bạn có khả năng bật hay tắt tâm trí mình theo ý muốn, khi bạn nói: “Thôi đủ rồi”, và tâm trí sẽ dừng lại đâu đó, chỉ thế thì bạn mới có thể cho rằng mình lành mạnh, mạnh khỏe. Cuộc sống là bí ẩn đến mức: tốt hơn cả là đừng nghĩ về người khác, (đừng có buôn chuyện- NTT). Nếu bạn có thể nghĩ và chăm nom cho chính mình là đủ rồi. Nhưng bao giờ chúng ta cũng làm điều ngược lại. Điều này rất là sai.

…Thượng đế là sự bùng nổ- bước nhảy, là điểm bùng nổ. Chừng nào mà bạn còn chưa đạt đến điểm đó, bạn vẫn còn là một con người, cho dù nỗ lực của bạn, giống như nước, đã đạt đến 99 độ C. Khi bạn đạt tới điểm sôi, bạn sẽ biến thành Thượng đế. Nơi bạn kết thúc, bản ngã kết thúc, thì Thượng đế bắt đầu.

…Ngay khi chúng ta đưa Thượng đế lên ngai vàng trên trời thì cuộc sống trần tục của chúng ta bị kết án; nó trở thành tội lỗi. Còn khi chúng ta đặt Thượng đế tại gốc rễ, thì cuộc sống trên trái đất này trở thành niềm phúc lạc, phúc lành. Và sự hiện hữu của ánh sáng của Ngài sẽ được cảm thấy ngay cả ở những chỗ tối nhất của mọi vật. Và thế rồi Thượng đế sẽ hiện diện trong bản thể bên trong nhất của ngay cả trong người tồi tệ nhất, ngay cả trong người độc ác nhất.

…Thực tại có nghiã là bạn không phải là cái giếng; bạn là bản thân đại dương. Bạn có thể chọn vẫn còn là cái giếng, nhưng sự kiện là ở chỗ: bạn không hiện hữu. Điều dối trá là bạn hiện hữu. Và điều dối trá này sẽ tiếp tục làm đau bạn, ám ảnh bạn. Nó sẽ tiếp tục làm cho cuộc sống của bạn bất hạnh và khốn khổ. Và nó sẽ giữ bạn trong xiềng xích, trong tù túng. Trong sự dối trá này không có bất kỳ khả năng nào cho bất kỳ niềm vui và phúc lạc nào. Đây là cách nỗi sợ chết nảy sinh. Cái giếng không muốn đi ra biển vì sợ bị tiêu diệt. Cho dù thế thì nỗi sợ chết vẫn cứ nắm bắt nó, vì ngay khi nó làm mình xa lánh với biển, thì cái chết kéo tới gần hơn và gần hơn nữa. Được nối với đại dương thì còn có hy vọng và cuộc sống cho cái giếng; cuộc sống của cái giếng không thoát được việc nó nối với đại dương. Xa lánh khỏi đại dương thì cái chết của nó là chắc chắn.

…Ý tưởng về người khác chỉ là do cái dốt nát của chúng ta; nếu không thì lấy đâu ra người khác? Chỉ có đơn độc bản thân mình dưới vô số dạng; chỉ có bản thân mình trên vô số cuộc hành trình; chỉ có bản thân mình trong vô hạn tấm gương. Dứt khoát chỉ có đơn độc bản thân mình đang trong gương, mặc dù điều người ta thấy là khác với bản thân mình.
Có nhiều tấm gương, và khi chúng ta thấy người khác thì đấy chỉ là sự phản chiếu của chính chúng ta trong các tấm gương khác nhau, do đó, người khác là một ảo tưởng. Ý niệm rằng ta đang giúp người khác cũng là một ảo tưởng, và ý niệm rằng chúng ta đang nhận sự giúp đỡ của người khác cũng là ảo tưởng nốt. Thực tại, người khác, hiểu theo cách thông thường, là một ảo tưởng.
Một khi bạn hiểu được điều này thì cuộc sống trở thành đơn giản. Thế thì cả việc bạn làm điều gì đó cho người khác, bạn cũng không coi người ấy là người khác, lẫn việc bạn để cho người khác làm điều gì đó cho bạn, bạn cũng không cảm thấy người ấy là người khác. Thế thì đấy chính là bản thân bạn được mở rộng ra cả hai đầu. Thế thì nếu bạn đưa tay giúp đỡ ai đó trên đường, tức là bạn đã giúp đỡ cho chính mình rồi. Nếu ai đó khác đưa tay giúp bạn, thế thì người ấy cũng chỉ có giúp chính mình mà thôi. Nhưng điều này đến trong hiểu biết của chúng ta chỉ sau khi chứng nghiệm tối thượng. Trước lúc đó, người khác dứt khoát là người khác.

…Thượng đế không phải là người mà là năng lượng; do đó, cầu nguyện và cúng bái chẳng mang ý nghĩa gì. Nếu bạn muốn năng lượng thiêng liêng này trở thành một điều sung sướng, một ân huệ cho bạn, thế thì bạn phải làm điều gì đó về chính bản thân mình; do đó thực hành tâm linh mới có ý nghĩa, cầu nguyện không ý nghĩa. Thiền định mới có ý nghĩa. Nỗ lực cho sự trưởng thành tâm linh là bạn đang làm biến đổi bản thân mình theo cách mà bạn không còn trong bất hòa với sự tồn tại, với tôn giáo.

…Nếu một người như Socrates được chuẩn bị để gặp gỡ cái chết và đón mừng nó với vòng tay rộng mở, thế thì với một người như vậy, cái chết trở thành samadhi. Người ấy chấp nhận cái chết với tình yêu và niềm vui đến mức mà người ấy sẽ thấy rằng: thực tại chẳng bao giờ chết.

…Người tìm kiếm là người không coi ai khác ngoài chính mình là có trách nhiệm cho mọi thứ. Nếu có nỗi buồn trong đời tôi thì tôi là người có trách nhiệm, và nếu có hạnh phúc trong đời tôi thì tôi cũng là người có trách nhiệm. Nếu tôi yên bình thì chính tôi là người có trách nhiệm cho điều đó; nếu tôi náo động thì đấy cũng là việc làm của riêng tôi thôi. Không có ai khác ngoài chính tôi là người có trách nhiệm cho bất kỳ trạng thái nào tôi đang mang. Nếu tôi ngã và làm gãy chân thì đấy là lỗi của tôi và tôi không thể trách lực hấp dẫn được.

…Không thể tin cậy vào người đang ngủ được. Thế giới của chúng ta hoàn toàn là thế giới của người ngủ; do đó, có biết bao nhiêu sự lẫn lộn, xung khắc, tranh cãi, hỗn loạn… Tất cả đều do những người đang ngủ gây ra. Người ngủ không biết mình là ai, cho nên người ấy bao giờ cũng cố gắng chứng tỏ cho người khác rằng mình là thế này hay là thế nọ. Đây là sự cố gắng cả đời của người ấy. Người ấy cố gắng theo cả nghìn cách để chứng tỏ bản thân mình. Đôi khi người ấy trèo lên bậc thang chính trị và thể hiện sức mạnh của mình. Và trong tất cả những nỗ lực đó, thực tế người ấy không cố gắng tìm ra xem mình là ai. Người ấy chẳng biết mình là ai cả.

…Sống và chết là hai chân của sự tồn tại. Nếu bạn chỉ chấp nhận một điều thì bạn nhất định là què quặt. Cả hai chân là quan trọng- hiện hữu và không hiện hữu. Người bao quát và chấp nhận cả hiện hữu và không hiện hữu như nhau thì có thể được gọi là hoàn toàn lành mạnh. Người đó nói: “Tôi đã biết hiện hữu là gì; bây giờ tôi muốn biết không hiện hữu là gì” thì không sợ cái không hiện hữu.
Cuộc sống tới từ bình diện thứ nhất và cái chết  tới  từ bình diện thứ bảy. Việc sinh bắt đầu với thể vật lý, thể vật lý đi vào hiện hữu trước nhất trong bụng mẹ và rồi các thể khác mới tới sau. Thể cuối cùng, thể niết bàn, là từ nơi cái chết tới. Vậy khi chúng ta ngày càng tách ra khỏi thể vật lý nhiều hơn, thì một thời điểm sẽ tới để chúng ta chấp nhận cả cái chết nữa. Chỉ thế thì chúng ta mới biết. Và người biết tới cái chết thì được giải thoát theo nghĩa thực sự của từ này. Vì thế, cuộc sống và cái chết trở thành hai phần của cùng một điều và người ta vượt ra ngoài cả hai.

…Trong thực tế, người ta chưa bao giờ nhận được ít hơn cái mà mình xứng đáng. Đây là qui luật của sự tồn tại, qui luật của vũ trụ. Bạn nhận được những cái mà bạn chẩn bị cho nó; mà nếu bạn không nhận được, thế thì hãy biết rằng đấy không phải là bất công đâu; thay vì thế, hãy hiểu rằng bạn còn thiếu chuẩn bị đấy. Nhưng tâm trí thì bao giờ cũng ru ngủ chúng ta vào trong niềm tin rằng: bất công đang dồn vào ta. Chúng ta bao giờ cũng rất chắc chắn về giá trị của riêng mình và phàn nàn chê bai sự tồn tại. Chúng ta trông đợi rất nhiều và cố gắng lại rất ít. Đó là điều thất sách và tai hại.

…Điều đầu tiên là phải nhận biết về thân thể. Với bất kỳ hành động nhỏ bé nào mà thân thể thực hiện thì việc ghi nhớ cũng là tuyệt đối cần thiết. Phải để ý tất cả những điều chúng ta làm. Như vậy việc đồng nhất với thân thể mới bị phá vỡ. Nếu bạn đưa một tay lên với tràn đầy chăm chú, thì bạn thấy mình tách ra khỏi cái tay- bởi vì người đưa tay lên thì khác với cái được đưa lên. Cái cảm giác tách ra khỏi thân thể vật lý là sự mở đầu cho sự nhận biết về thể ê- te.

…Khi bạn bắt đầu nhận biết về các tiến trình của thân thể vật lý thì bạn sẽ bắt đầu hiểu sự chuyển vận của tình yêu, giận dữ và căm ghét bên trong bạn. Tất cả các xúc động đều nảy sinh từ thể e- te. Nó có đà riêng, có sự chuyển vận riêng của nó cho giận dữ, yêu thương, căm ghét, bất ổn. Trong sợ hãi thì thể e-te co lại. Tự do được kinh nghiệm trong tình yêu là bởi vì sự mở rộng của thể ê- te. Trong thiền bao giờ cũng có kinh nghiệm về thể ê- te. Thiền nhân có thể cảm thấy rằng thân thể mình đang mở rộng- nhiều đến mức nó choán đầy cả căn phòng. Đây là biến cố của thể e-te, khả năng bành trướng của nó là vô giới hạn. Nó có thể mở rộng đến mức choán đầy cả trái đất; nó có thể thu nhỏ lại đến mức một nguyên tử. Nếu thiền nhân bắt đầu sống trong những tiến trình mà trong đó nó mở rộng, thì một sự hài hòa sẽ được tạo ra. Và ngược lại, nếu nó co lại, thì mất đi sự hài hòa. Việc mở rộng là bản tính bẩm sinh của nó. Khi nó mở rộng hết mức, khi nó nở hoa đầy đủ, thì nó được nối với thể thứ nhất qua một chiếc cầu. Khi nó trở nên sợ hãi và co lại, thì tất cả mọi tiếp xúc của nó với thể thứ nhất bị gián đoạn và nó nằm tách biệt trong một xó.

…Nếu bạn đánh thức thể ê- te và lần theo các xúc động về ngọn nguồn của chúng, thì bạn sẽ bất thình lình thấy bản thân mình đang trong thể vía. Tại đó, bạn sẽ thấy rằng giận dữ không phải là giận dữ, mà tha thứ cũng chẳng là tha thứ; cùng năng lượng đó rung động cho cả hai. Năng lượng trong rung động của yêu thương và căm ghét là một; sự khác biệt chỉ là bản chất của rung động. Sự khác biệt là trong cấu trúc của sóng. Người mà chúng ta yêu vào buổi sáng thì chúng ta lại ghét vào buổi tối. Chúng ta sẵn sàng giết cái người mà không có người đó chúng ta không thể sống được. Những rung động của yêu thương và căm ghét giống như những rung động của ánh sáng và bóng tối, nóng và lạnh, chúng có tỷ lệ riêng của mình. Cho nên khi bắt đầu nhận biết về bình diện thứ ba thì bạn sẽ ở vào một trạng thái kỳ lạ: sẽ không còn là vấn đề chọn lựa riêng của bạn để yêu hay để ghét nữa. Bây giờ bạn sẽ biết rằng đấy là hai tên của cùng một điều. Nếu bạn chọn một thứ thì bạn sẽ tự đông chọn luôn thứ kia. Không thể thoát được điều đó. Cho nên con người thức tỉnh tại bình diện thứ ba thì bắt đầu được giải thoát khỏi các cặp đối lập. Người ấy lần đầu tiên nhận ra rằng điều người ấy đã coi là hai điều đối lập thì chỉ là một và như nhau. Hai nhánh đối lập trở thành một phần của thân cây. Thế thì người đó sẽ cười phá lên vì cái ngu đần của mình khi cố gắng phá hủy cái này để giữ lấy cái kia. Nhưng chỉ sau khi thức tỉnh với bình diện thứ hai thì người ta mới có thể biết được bình diện thứ ba, bởi vì thể thứ ba có rung động rất tinh tế. Tại đó không có xúc động, chỉ có rung động.

…Khi tôi nói “tôi” thì đấy là để chi phối cái “bạn” nào đó. Do đó khi tôi thành công trong việc chi phối bạn thì bản ngã cảm thấy thắng lợi. Khi nó bị cái tôi của người khác chi phối thì nó khốn khổ. Cái tôi bao giờ cũng cố gắng để làm mạnh cho bạn. Cái tôi bao giờ cũng tồn tại trong sự tương phản với người khác.

…Ở mức độ tâm thức thứ năm, người khác không còn nữa và cũng không còn bất kỳ sự cạnh tranh nào với nó. Đây là trạng thái của tính chất tôi- tự tại. Bây giờ không còn tuyên bố về cái tôi, nhưng vẫn còn sự hiện hữu của tôi. Tôi không cần đứng ra để chống lại người khác, nhưng “tôi đây” vẫn có, mặc dầu không có bạn để mà so sánh. Trong “tôi đây” có hai khái niệm: cái tôi là bản ngã và cái đây, sự hiện hữu.

…Bản ngã tan biến trong thể thứ năm, và do vậy móc nối mạnh mẽ trong xiềng xích nô lệ sụp đổ. Những cảm giác về tính chất tôi vẫn còn lại- tự do, độc lập, vô giới hạn và không có gắn bó nào. Nhưng cái tôi có những giới hạn riêng. Tất cả các biên giới khác mờ đi, ngoại trừ biên giới của tính chất “tôi”. Tại thể thứ sáu, điều này nữa cũng bị loại bỏ và bị siêu việt lên. Thể thứ sáu là thể vũ trụ. Từ thể thứ năm sang thể thứ sáu có sự sinh thành (tự sinh thành từ chính mình), còn từ thể thứ sáu sang thể thứ bảy thì có cái chết, cái chết qua bản thân mình.

…Chúng ta được sinh ra qua người khác- qua thân thể người khác- và cái chết theo sau cũng là của người khác. Bởi vì hai đầu phải có mối liên hệ. Nếu người khác cho tôi sự sinh thành, thì cái chết không thể nào của tôi được. Với việc sinh thì đã có quyết định rằng bạn sẽ chết. Trong thực tế, cái chết nằm ẩn bên trong bụng mẹ cho sự ra đời, chỉ có khoảng 70 đến 100 năm thôi. Cho nên bạn không sinh cũng chẳng chết. Trong sinh có một trung gian và trong chết cũng có một trung gian ấy. Khi bạn đi vào thể thứ sáu (thể vũ trụ), từ thể thứ năm (thể tâm linh), thì bạn sẽ được tự suinh ra lần đầu tiên; việc sinh thành của bạn sẽ không qua bụng mẹ. Nhưng thế thì việc tự chết sẽ đồng thời chờ đợi bạn, cái chết không có bụng mẹ. Việc sinh đưa tới Brahman, còn việc chết thì đưa bạn tới Niết bàn. Việc sinh thành này có thể kéo dài rất lâu; có thể đến vô tận. Một người như vậy, nếu vẫn còn, sẽ trở thành Thượng đế.

…Thể thứ bảy không bao giờ được đạt tới trong thân thể này. Trong thân thể này chúng ta có thể nhiều nhất là đứng ở đường biên của thể thứ sáu, mà từ đó, chúng ta có thể thấy thể thứ bảy. Cái nhảy đó, cái hư không đó, cái vực thẳm đó, cái vĩnh hằng đó, là thấy được từ đó (từ bình diện thứ sáu), và tại đó, chúng ta có thể dừng- đó là Niết bàn, cái không tồn tại, cái chết tối hậu.
Nhưng trước cái chết này thì bạn cần phải được sinh ra đã. Ngay bây giờ bạn không tồn tại. Cái mà bạn vẫn coi là bản thân mình chỉ là đồ vay mượn, nó không phải là sự hiện hữu thực của bạn. Cho dù bạn có mất nó, thì bạn cũng chẳng bao giờ là người sở hữu cả. Chỉ dường như là tôi mới đánh cắp cái gì đó và rồi tôi đem nó đi làm điều từ thiện. Cho nên, người mà chúng ta vẫn gọi là người từ bỏ trong thế giới này thì không phải là từ bỏ chút nào, bởi vì người đó từ bỏ cái không phải của mình.
Việc từ bỏ xảy ra khi bạn đi vào thể thứ bảy từ thể thứ sáu. Tại đó, bạn gạt sang một bên cái là “bạn”- vì bạn chẳng còn cái gì khác. Bạn bỏ lại chính sự hiện hữu của mình. Trước đó, tất cả những chuyện nói về từ bỏ đều là trò trẻ con. Người nói “Cái này của tôi” là ngu đần. Người nói “Tôi bỏ tất cả cái đã là của tôi” cũng ngu đần nốt, bởi vì người ấy vẫn cứ đòi là kẻ sở hữu. Chúng ta mới là của chúng ta- nhưng chúng ta chẳng có hiểu biết gì về điều này cả.
Do đó, từ thể thứ năm sang thể thứ sáu bạn sẽ biết bạn là ai, và từ thể thứ sáu sang thể thứ bảy, bạn sẽ từ bỏ cái bạn đang là, khi đó, chẳng có gì còn lại nữa để mà đạt tới hay từ bỏ. Không có câu hỏi nào còn lại. Có cái tĩnh lặng vô hạn, cái im lặng vĩnh hằng. Sau đó người ta không thể nói rằng có phúc lạc hay yên bình, có chân lý hay giả dối, ánh sáng hay bóng tối. Chẳng cái gì có thể được nói nữa. Đây là trạng thái của thể thứ bảy.

…Cứ sau mỗi lần hợp nhất giữa hai thể thì năng lượng sống lại được tăng lên. Sau thể thứ tư nó đạt tới độ đầy đủ. Tại thể thứ năm thì chỉ có năng lượng. Tại thể thứ sáu năng lượng này sẽ xuất hiện không tách biệt mà là một với các ngôi sao và bầu trời. Tại bình diện thứ bảy, ngay cả điều này cũng biến mất. Ban đầu vật chất biến mất, rồi đến năng lượng biến mất.

…Cho tới thể thứ ba, không có khoảng cách nào giữa bạn với ý nghĩ của mình. Bạn là ý nghĩ. Trong thể thứ tư, sự nghiêng ngả bắt đầu. Bạn đã bắt đầu thoáng thấy: bạn là cái gì đó riêng và ý nghĩ của bạn là cái gì đó riêng. nhưng cho đến lúc này bạn còn chưa thể dừng ý nghĩ của mình, sâu bên trong gốc rễ mối liên kết vẫn còn tồn tại. Trong thể thứ năm bạn có thể đem ý nghĩ tới hay không đem chúng tới, tuỳ ý bạn. Lần đầu tiên ý nghĩ sẽ là phương tiện và không có sự đồng nhất nữa. Nếu bạn muốn đem giận dữ hay yêu thương tới thì bạn có thể mang chúng tới. Nếu bạn không muốn đem bất cứ cái gì thì bạn được tự do không làm như vậy. Sự đồng nhất của bạn bị phá vỡ ở thể thứ năm Thế thì lần đầu tiên bạn được an bình, bạn là sự trống rỗng, bởi ý chí tự do riêng của bạn. Nhưng khi có nhu cầu nảy sinh thì bạn cũng nghĩ. Trước thể thứ năm ý nghĩ sử dụng bạn; sau thể thứ năm bạn dùng ý nghĩ. Trong thể thứ năm bạn cũng đi tới nhận ra rằng: ý nghĩ của bạn thì không phải là của bạn, ý nghĩ của mọi người quanh bạn đi vào tâm trí bạn. Việc suy nghĩ là của chúng ta, nhưng ý nghĩ là xa lạ. Việc suy nghĩ này bắt đầu bên trong bạn sau thể thứ năm. Thế thì bạn sẽ có khả năng suy nghĩ; bạn sẽ không còn đơn thuần là việc tích tụ ý nghĩ của người khác. Do đó, việc suy nghĩ ở thể thứ năm không bao giờ là gánh nặng lên bạn, bởi vì nó là của riêng bạn- nó được gọi là minh triết. Bạn có thể nghĩ chỉ điều bạn muốn nghĩ; các ý nghĩ khác không thể choán ngợp bạn. Bây giờ bạn sẽ là người chủ. Tại đây vấn đề về sự đồng nhất không nảy sinh. Trong thể thứ sáu việc suy nghĩ cũng không cần nữa. Ý nghĩ chỉ cần tới thể thứ tư, minh triết và suy nghĩ cần trong thể thứ năm. trên bình diện thứ sáu điều này cũng chấm dứt. Bạn trở thành vũ trụ. Không có gì khác.

…Thực tại, ý nghĩ mà tồn tại đến thể thứ tư là ý nghĩ vô ý thức, chúng chứa một sự dốt nát sâu sắc. Tại thể thứ năm có việc biết về cái ta bên trong, nhưng chúng ta vẫn còn dốt nát về cái khác với ta. Tại thể thứ sáu thì không có bên trong hay bên ngoài nữa, không có tôi hay bạn, không có cái này hay cái kia. Bây giờ cái gì có đây thì có đây. Tại thể thứ sáu chỉ có việc biết, không có ý nghĩ. Tại bình diện thứ bảy việc biết cũng không tồn tại, nó vượt ra ngoài việc biết.

… “Hãy là ánh sáng lên bản thân mình. Đừng đi theo người khác, đừng theo đuôi kẻ khác. Hãy là ánh sáng lên bản thân mình. Đây là thông điệp cuối cùng của ta”. (Phật tổ)
Xem cả bộ “Đi tìm điều huyền bí”

Ads Belove Post