Osho – Kinh Kim cương – Trích dẫn

Osho – Kinh Kim cương – Trích dẫn

Price:

Read more

Osho – Kinh Kim cương – Trích dẫn
                          

…Phật đã tạo ra một tâm linh không bị kìm nén, không lý tưởng hóa. Đó là một hiện tượng rất hiếm hoi. Loại tâm linh thông thường thì đầy rẫy và rất kìm nén. Nó không làm biến đổi con người, không giải phóng con người, mà biến con người thành nô lệ. Mọi ý thức hệ đều xuất phát từ tâm trí, và vì vậy, nó không thể đưa bạn vượt ra ngoài tâm trí được. Mọi ý thức hệ phải bị loại bỏ, có thế thì tâm trí mới bị loại bỏ. Tất cả mọi ý thức hệ đều nguy hiểm. Thực tế, những lý tưởng cao cả còn nguy hiểm hơn. Nó là bệnh tật, là không thoải mái., bởi vì bạn bị chia chẻ: lý tưởng và bạn! Bạn sẽ phải gặp rắc rối, suy nhược thần kinh, rồi mắc bệnh tâm thần.

…Chúng ta đã hoàn toàn quên cho. Chúng ta chỉ biết lấy, lấy bằng cấp, lấy vợ, lấy giấc ngủ trưa,… Cứ thế mà lấy! Bạn còn lấy giấc ngủ trưa nữa, một điều đâu có thể lấy được mà bạn phải tuân theo nó,… Chúng ta không biết cho, không biết nhường nhịn, không biết buông bỏ, không để cho mọi việc xảy ra.

…Phật lấy đi mọi lý tưởng, toàn bộ tương lai, và chung cuộc, Ngài lại lấy nốt cái cuối cùng mà chúng ta rất khó từ bỏ- Ngài lấy đi chính cái “tôi” của bạn, chỉ để lại sự trống rỗng thuần khiết, hồn nhiên, trong sáng. Cái trống rỗng, trong sáng đó Ngài gọi là Niết bàn. Nó không phải là một mục tiêu, nó chỉ là cái trống rỗng của bạn. Bạn đã loại bỏ hết những gì bạn đã tích cóp, khi bạn thoat khỏi tính ki cóp bủn xỉn và bám víu, thì đột nhiên trạng thái trống rỗng ấy xuất hiện. Nó vẫn có đó tự bao giờ. Phật dạy bạn cách sống, không hướng theo một mục tiêu nào, không phải đạt tới cái gì, mà được niềm phúc lạc ở đây và bây giờ, cách sống trong nhận biết. Nó không phải là phương tiện đạt tới bất kỳ cái gì, nó vừa là phương tiện, vừa là mục đích.

…Bạn chỉ hiện hữu theo cùng tỉ lệ với việc bạn có ý thức. Nếu bạn muốn hiện hữu nhiều hơn, thì hãy có ý thức nhiều hơn. Ý thức truyền đạt lại sự hiện hữu. Vô ý thức lấy đi trạng thái hiện hữu. Khi say rượu hay ngủ say, bạn mất đi sự hiện hữu.

…Cô đơn chứ không cô độc. Bạn là một với tất cả, làm sao bạn có thể bị cô lập được khi bạn tham thiền? Bạn không thiếu vắng những người khác. Không phải vì bạn đã quên họ, không phải vì bạn không cần họ. Không! Bạn không nhớ đến người khác vì bạn là một với họ. Một đã trở thành tất cả và tất cả trở thành một. Chân thiền là bạn tuyệt đối cô đơn đến mức bạn là một với tất cả. Nếu bạn trống rỗng thì ranh giới của bạn sẽ biến mất, cái trống rỗng thì không có biên giới. Nó chỉ có thể là vô hạn. Nó không thể có trọng lượng nào, không thể có màu sắc nào, tên tuổi nào, hình tướng nào. Khi bạn trống rỗng bạn hòa tan với sự tồn tại, sự tồn tại đã hội nhập với bạn. Bạn không còn là một hòn đảo nữa, mà là lục địa mênh mông của bản thể. Nếu thiền nhân mất đi trong thiền thì đấy là chân thiền. Chân thiền đem bạn tới cái trống rỗng và cô đơn.

…Thiền định là việc tiếp diễn 24 giờ. Nó phải trở thành hương vị của bạn, khí hậu của bạn, bao quanh bạn dù bạn ở bất kỳ đâu, làm bất cứ điều gì, không có việc gì nhỏ và cũng không có việc gì lớn, chỉ có một việc: THIỀN.

…Tâm trí chỉ có khả năng lặp lại cái đã biết; với cái chưa biết thì nó bất lực. Bạn chẳng biết gì về cái vĩnh hằng cả, tất cả những gì bạn biết đều là thời gian. Ngay cả khi bạn nghĩ tới cái vĩnh hằng thì đấy cũng chẳng là gì khác hơn là thời gian được kéo dài, thời gian được nối tiếp mãi- nhưng nó là thời gian. Bạn cũng chẳng biết gì về niết bàn, về Thượng đế cả, tất cả đều do tâm trí tạo ra. Và bạn nghĩ gì về cái chết? Làm sao bạn có thể nghĩ về cái chết? Bạn đã nhìn thấy vài người chết, nhưng bạn chưa bao giờ thấy cái chết cả. Cách duy nhất để biết về cái chưa biết là chứng nghiệm nó. Tâm trí chẳng có ích gì hết. Thế thì chẳng phải làm gì cả. Bỗng nhiên mọi suy nghĩ đều bị tê liệt; nó thành vô dụng… hệt như một cửa sổ nhỏ đã mở ra. Trong việc dừng lại của tâm trí, bạn sẽ có một nếm trải về vô trí. Thế thì mọi thứ lại bắt đầu chuyển động. Thế thì sẽ dễ dàng cho bạn hơn để chìm ngập vào cõi vô biên.

…Người nguyên thủy không mấy cạnh tranh nhau. Ai bận tâm có một ngôi nhà lớn hơn? Một số dư ngân hàng lớn hơn? Để làm gì? Bạn đang hạnh phúc với gia đình bạn và bạn đang có vũ hội của cuộc sống. Ai muốn ngồi ở phố thị hết giờ nọ đến giờ kia, ngày nọ đến ngày kia, năm nọ đến năm kia, để hy vọng rằng cuối cùng thì bạn có một số dư ngân hàng lớn và rồi bạn sẽ nghỉ hưu và hưởng thụ. Ngày ấy chẳng bao giờ tới đâu. Nó không thể tới được, vì toàn bộ cuộc sống của bạn vẫn còn như một kẻ khổ hạnh. Các nhà kinh doanh đều là những kẻ khổ hạnh. Họ đã cống hiến mọi thứ cho tiền bạc. Một người biết đến tình yêu và niềm cực lạc của nó thì không muốn ganh đua. Anh ta sẽ hạnh phúc nếu như anh ta có miếng ăn hàng ngày. Niềm vui sướng là quá viên mãn. Chỉ có những người còn chưa thỏa mãn mới cạnh tranh, vì họ nghĩ cuộc sống không phải ở đây, nó ở kia cơ. Họ bao giờ cũng cứ đi, nhưng họ chẳng bao giờ đạt tới. Còn người biết tới niềm vui thì ở đây. Anh ta hoàn toàn hạnh phúc ở đây và bây giờ. Anh ta có nhu cầu, nhưng không có ham muốn. Nhu cầu thì có thể được đáp ứng, ham muốn thì chẳng bao giờ. Nhu cầu là tự nhiên, ham muốn là trái tự nhiên.

…Cái chết là đẹp, đẹp như cuộc sống- chỉ cần bạn biết giao tiếp với cái chết. Nó tuyệt vời bởi nó là sự thư thái. Nó đẹp vì người ta trở về nguồn của sự tồn tại- để thư giãn, nghỉ ngơi và sẵn sàng quay lại lần nữa. Một đợt sóng cất lên từ đại dương, rồi trở về đại dương, rồi lại cất lên nữa. Sẽ có một ngày khác nó sẽ được sinh ra lần nữa dưới một dạng khác. Và rồi lại rơi xuống nữa và nó sẽ tan biến đi. Cái chết là đi vào chốn không biểu lộ. Bạn sẽ nở hoa lần nữa. Bạn lại sẽ thấy mặt trời và mặt trăng và cứ thế mãi cho đến khi trở thành một vị Phật, khi bạn có khả năng chết có ý thức, thư thái một cách có ý thức, đầy nhận biết. Thế thì sẽ không có sự trở lại nữa. Nhưng ngay cả cái chết tạm thời cũng đẹp. Một thiền sư đã từng nói: “Khi sống, hãy là một người chết, hãy hoàn toàn là một người chết, và hãy làm cái gì bạn thích và tất cả mọi việc đều tốt”.

…Không có người cho, không có bố thí, không có người nhận, tất cả là cái một. Kẻ được bạn giúp cũng chính là bạn thôi. Người bạn đang cho chỉ là một dạng khác của bạn… giống như bạn đang cho từ tay trái sang tay phải vậy. Không cần phải cảm thấy vĩ đại về điều đó. Công đức của bạn chỉ lớn nếu bạn không nghĩ đến nó. Nếu bạn nghĩ đến nó, nó sẽ biến mất. Nếu bạn ham muốn nó, bạn sẽ không bao giờ có được nó. Nếu bạn không ham muốn nó thì nó cứ trút mãi lên bạn.

…Bạn chỉ có một khả năng, khả năng nhìn vào quá khứ. Bạn chỉ có thể nhìn lại phía sau. Bạn là người thiên quá khứ. Tất cả những gì bạn nghĩ về tương lai đều không phải là hình ảnh của tương lai, nó chỉ là sự phóng chiếu của quá khứ được biến đổi. Nó không phải là tương lai tẹo nào. Đây là cái hôm qua của bạn cố gắng được lặp lại cho ngày mai. Bạn không thể biết tương lai là gì vì bạn thậm chí không biết hiện tại là gì. Hiện tại thì đang có sẵn đấy mà bạn lại mù quáng đến nỗi không thấy được cái thậm chí đã có đấy rồi. Cách nhìn thấy tương lai là trước hết phải thấy được hiện tại. Một người hoàn toàn trong hiện tại trở thành có khả năng nhìn vào tương lai.

…Điều mới lạ không bắt nguồn từ bạn; nó đến từ cõi bên kia. Làm sao ta trở thành cái mới? Dũng cảm, dũng cảm phi thường là cần thiết. Bạn có thể đã quên cõi bên kia, nhưng cõi bên kia không quên bạn. Đứa con có thể quên bà mẹ, nhưng bà mẹ không bao giờ quên đứa con. Bộ phận có thể bắt đầu nghĩ: Ta là tách rời?! nhưng toàn thể biết rằng bạn không thể tách rời. Toàn thể đi vào trong bạn. Nó vẫn tiếp xúc với bạn, vào buổi sáng, rồi buổi tối. Nếu bạn có mắt để nhìn thì bạn sẽ thấy nó liên tục tới với bạn. Bạn chỉ cần thư thái hơn một chút nữa để chấp nhận cái mới, cần cởi mở hơn một chút nữa để cái mới đi vào. Bạn hãy nhường đường cho Thượng đế đi vào trong bạn với niềm hân hoan đón nhận. Ngay đôi khi cái mới lôi bạn xuống hố, thì nó cứ xứng đáng được đón nhận, vì chỉ thông qua sai lầm mà người ta mới học được, chỉ có qua khó khăn người ta mới trưởng thành. Chỉ với việc đi vào của cái mới mới có thể làm biến đổi bạn; không có cách biến đổi nào khác. Bạn hãy nhìn cuộc sống một cách vô ham muốn. Hãy nhìn cuộc sống như nó vẫn thế. Và bạn sẽ luôn luôn đổi mới, luôn luôn tươi trẻ.

…Ký ức là một vật chết. Nó không bao giờ có thể là chân lý, bởi vì chân lý bao giờ cũng sống động, chân lý là cuộc sống. Ký ức là sự dai dẳng của cái không còn nữa. Nó đang sống trong một thế giới ma quái, nhưng nó hàm chứa chúng ta, nó là nhà tù của chúng ta. Ký ức của bạn không phải là bạn. Bạn là tâm thức, ký ức là nội dung. Nhưng ký ức là toàn bộ năng lượng sống của bản ngã. Để là cái mới, người ta cần trở nên không đồng nhất mình với bản ngã. Bản ngã không nảy sinh từ bản thể, vì bản thể là cuộc sống. Làm sao cuộc sống có thể sợ chết? Cuộc sống chẳng biết gì về cái chết cả.

…Cuộc sống là hoàn hảo. Hãy loại bỏ việc so sánh, loại bỏ phán xét. Nếu không bạn sẽ vẫn còn khốn khổ chỉ vì so sánh và phán xét của mình. Bạn là ai mà phê phán? Bạn biết gì về cuộc sống nào? Bạn biết gì về chính mình nào? Phán xét đến từ ý niệm rằng bạn biết; phán xét là một sự thông thạo.

…Đừng sống trong sự hờ hững, bởi vì hờ hững là tầm thường. Nếu bạn muốn vượt qua sự tầm thường đó, bạn hãy sống với những niềm đam mê lớn lao. Bất kỳ cái gì bạn làm, bạn làm nó một cách đam mê. Trong trạng thái đó, bạn có tiếp xúc. Bởi khi niềm đam mê thật lớn, thì bản ngã chết. Bản ngã chỉ tồn tại trong tâm trí người tầm thường; chỉ người tầm thường mới ích kỷ. Những người vĩ đại không bao giờ ích kỷ được. Bạn hãy làm bất kỳ cái gì và mất hút trong đó, hãy buông bỏ bản thân mình vào trong nó, hãy tan biến bản thân bạn vào trong nó. Và sự tan biến trở thành giải thoát.

…Bất kỳ cái gì mà bạn chọn lựa cũng là sai, bởi vì sự chọn lựa xuất phát từ sự rối loạn, lo lắng. Hãy thiền định, hãy trở nên thanh thản, tĩnh lặng. Rồi một hôm trong tâm trí bạn không còn ý nghĩ nào, rồi đột nhiên bạn cảm thấy cái gì đó được quyết định mà bạn không phải là người quyết định nó, đấy là quyết định của Thượng đế. Thế thì dù nó là bất kỳ cái gì cũng đều tốt.

…Phật cũng như ngọn gió, đến như thế, đi như thế. Không níu bám. Việc đến và đi của Ngài là huyền bí, không dự kiến trước, không giải thích được, bởi vì người ta chỉ giải thích được những gì có động cơ, có nguyên nhân. Mọi sự đơn giản xảy ra. Mọi thứ đều là tuyệt vời và tốt lành. Đến là phúc lành, đi là phúc lành. Trong thân thể là tốt lành, rời bỏ thân thể là phúc lành. Mang hình hài người là phúc lành, biến mất vào vô hình hài là phúc lành. Tất cả đều là phúc lành.

…Mọi thứ có sinh thì có diệt, có bắt đầu thì có kết thúc. Nếu cuộc sống tiến triển tự phát và tự nhiên thì đúng 14 năm trước cái chết của bạn, ham muốn dục biến mất. Bỗng nhiên bạn phát hiện rằng giấc mơ không còn đấy nữa, niềm đam mê đã nguội lạnh, cơn bão đã yên, và có im lặng, im lặng hoàn toàn. Nhưng năng lượng của bạn được gắn vào ham muốn, ham muốn biến mất- năng lượng sẽ đi về đâu? Nó sẽ tràn ra từ con người bạn dưới hình thức từ bi.. Đó là trạng thái bồ tát. Cho nên bạn đừng chống lại ham muốn. Khi hoàn cảnh đến hãy đi vào trong nó, đi vào một cách toàn bộ, và chỉ thế thì khi thời điểm tới bạn mới đi ra một cách toàn bộ được. Một người đi vào một cách hờ hững, sẽ chẳng bao giờ thoát ra khỏi sự khống chế của nó, sẽ chẳng bao giờ có thể thấy được cái ngu đần của nó, cái hão huyền của nó. Vậy hãy thấy bất cứ cái gì có thể thấy, điều này làm bạn tự do khỏi nó và một ngày nào đó trái chín sẽ rụng xuống, cây sẽ trút được gánh nặng. Năng lượng của bạn trước đây vướng vào bao nhiêu thứ, bây giờ chẳng vướng vào cái gì. Hãy thư thái, bạn sẽ trở thành một kho chứa năng lượng. Năng lượng này sẽ bắt đầu tràn ngập bạn, chẳng với lý do nào.

…Có thể được phép uống rượu trong thiền viện, nhưng không được ăn thịt, vì rượu là sản phẩm từ thực vật. Và đôi khi hơi chút say sưa cũng làm phát sinh ra một thi sĩ lớn. Nhưng thịt thì không được phép. Chỉ riêng ý nghĩ bạn giết một con vật để ăn thịt đã là không đẹp rồi. Chỉ vì vấn đề mỹ học, nhân văn. Con vật bị giết, nhưng cái tinh túy của nó không bị giết được, nó sẽ sống mãi. Còn cái gì không phải tinh túy thì sẽ chết, dù bạn có giết nó hay không. Bạn chỉ giết con vật để ăn thịt thôi ư? Trong khi vẫn có những món ăn chay tuyệt hảo. Và loài vật là các anh em, chị em, vì con người tiến hóa từ chúng. Chúng là gia đình ta. Giết một người chỉ là giết một con vật đã tiến hóa, hay giết một con vật cũng chỉ là giết một ai đó chưa tiến hóa, nhưng đang trên đường tiến hóa. Việc ăn thịt chẳng liên quan đến thiền. Bạn có thể ăn thịt và bạn có thể thiền, có thể yêu. Nhưng bạn sẽ bộc lộ một khía cạnh thô thiển, không văn minh, bạn chẳng có cảm giác gì về cuộc sống cả. Người ăn thịt vẫn có thể trở nên chứng ngộ (như Jesu chẳng hạn), cũng như những người không phải nhà thơ có thể trở nên chứng ngộ. Nhưng đây là cách tiếp cận tích hợp. Thiền định là cần thiết, thơ ca cũng vậy, ngệ thuật cũng vậy, thẩm mỹ cũng vậy, âm nhạc cũng vậy, tôn giáo cũng vậy. Con người phải tiến hóa tổng hợp trên nhiều chiều. Rồi sẽ đến lúc nở hoa và kết quả tối hậu khi nào toàn bộ những cánh hoa nở ra. Và bạn sẽ có niềm hân hoan lớn hơn, phúc lạc lớn hơn trong cuộc sống.

…Bạn thực sự không có bản ngã, cái tôi, cái ta. Nhưng bạn đang sống trong một thứ ảo tưởng rằng bạn tách biệt với sự tồn tại. Sự tách biệt đó không hề có. Bạn không thể nào sống tách biệt với sự tồn tại, dù trong một khoảnh khắc. Bạn là một phần của cái toàn thể. Cái toàn thể cứ tham gia vào con người bạn, cứ rót năng lượng cho bạn. Khi bạn buông bỏ bản ngã mình, bạn chẳng mất gì cả, mà bạn lại được, được cái thực tại. Cũng giống như bạn ngủ mơ, rồi có người đánh thức bạn dậy. Giấc mơ của bạn bị mất, nhưng bạn có mất gì không? Trước hết, giấc mơ không có thật, không phải là thực tại. Bây giờ bạn mở mắt ra, trời đã sáng, mặt trời đang lên, chim chóc đang hót và cây cỏ hân hoan chào đón một ngày mới.

…Có ba hình thái tâm trí có thể có. Một, tâm trí độc địa, thích tạo ra đau khổ cho mọi người, thì đau khổ theo nó như hình với bóng. Nếu bạn muốn gây đau khổ cho người khác thì cuối cùng bạn sẽ gây đau khổ cho chính bạn. Nếu bạn thù nghịch với sự tồn tại thì sự tồn tại sẽ thù nghịch với bạn- vì sự tồn tại là tấm gương, nó phản chiếu lại bạn. Nếu bạn xúc phạm, sự xúc phạm sẽ quay lại đổ vào bạn. Nếu bạn hát những khúc hát hay, bài ca sẽ quay lại rải lên bạn. Bất cứ cái gì bạn cho đi, bạn sẽ nhận lại gấp ngàn lần. Bất cứ giống gì bạn gieo xuống, bạn sẽ gặt hái gấp nghìn lần. Hai, tâm trí thánh thiện, ngược lại với tâm trí độc địa, thích thấy mọi người hạnh phúc, giúp đỡ, phục vụ, thì hạnh phúc theo sau như hình với bóng. Nhưng có một việc nữa mà bạn còn chưa nhận biết được. Nếu hạnh phúc có đó, thế thì đâu đó sau nó sẽ thấp thoáng cái bất hạnh. Nếu cái bất hạnh có đó, thế thì đâu đó ở biên giới, hạnh phúc lại lấp ló. Chúng đi đôi với nhau. Làm sao bạn có thể hạnh phúc nếu bạn không thể nào bất hạnh? Nếu bạn quên mất bất hạnh là gì, thì bạn sẽ quên luôn cả hạnh phúc nữa. Hạnh phúc của bạn tan như phấn trắng, nó cần cái nền đen để nhận biết được. Cho nên xét cho cùng tâm trí thánh thiện và tâm trí độc địa chỉ là hai mặt của cùng một đồng tiền. Ông thánh và kẻ tội lỗi cũng tồn tại với nhau. Tâm trí thứ ba là vô trí- chẳng thánh nhân cũng chẳng kẻ tội lỗi, không hạnh phúc cũng không bất hạnh. Nhị nguyên đã bị loại bỏ. Thế thì còn lại im lặng, thanh thản. Thế thì có an bình. Mọi khuấy động đã qua. Cho nên đừng cố gắng trở thành người thánh thiện, vì nó chỉ là sai lầm của bản ngã. Thánh nhân hay kẻ tội lỗi, bóng tối và ánh sáng, thiên đường và địa ngục, hãy tạm biệt cả hai.

Cái trường cửu tự đến với bạn, nó tự xảy ra, nó không được làm ra bằng Yoga hay thiền định, mặc dù Yoga thì tốt cho thân thể và thiền định thì tốt cho tẩy rửa. Chỉ khi bạn đi tới hiểu rằng: chỉ cần hiện hữu là đủ, không cần có sự thu xếp nào, rằng tất cả chúng sinh đã là những vị phật ngay từ ban đầu, rằng bạn không cần phải trưởng thành, bạn đã ở đấy rồi, thế thì bạn thư thái. Bạn thư thái, nỗ lực biến mất. Bạn sống cuộc sống thường ngày: bổ củi, gánh nước, nấu bếp, ăn uống, bạn ngủ, bạn yêu, bạn sống bình thường, không khát khao và ham muốn về bất kỳ cái gì phi phàm- Nhưng hãy nhớ, trong khoảnh khắc thực tại có đó thì bạn không có đó. Niềm phúc lạc có đó nhưng bạn thì hoàn toàn vắng mặt. Khi bạn ngồi và chẳng làm gì, không một mảy may ước muốn được trở thành một ai đó khác, được trở nên chứng ngộ,… thì bỗng nhiên nó xảy ra. Nó bao giờ cũng bất ngờ. Nó hạ xuống bạn. Nhưng thế thì bạn không còn nữa. Sự chứng ngộ có đó, còn bạn thì không.

…Thiên đường và địa ngục có khác biệt, khác biệt duy nhất, nhưng sự khác biệt này là ở bên trong: từ bi đã xuất hiện. Chùng nào mà bạn còn chưa là vị bồ tát, thì dù bạn có ở đâu đi chăng nữa, bạn cũng sẽ trong địa ngục. Khi sự đam mê được chuyển thành lòng từ bi… Thế thì bạn ở bất kỳ đâu, bạn cũng trong thiên đường. Đó là thiên đường duy nhất có đó.

…Chú ý là một nhu cầu tâm lý. Tại sao người ta lại cần người khác chú ý đến họ? Một cái gì đó bị thiếu bên trong. Bạn không biết mình là ai. Bạn biết chính mình bởi sự thừa nhận của người khác. Bạn không có bất kỳ cách tiếp cận nào tới con người mình. Nếu ai đó nói bạn là tốt, thì bạn cảm thấy bạn là tốt. Nếu ai đó nói bạn không tốt, thì bạn cảm thấy rất chán nản- vậy là bạn không tốt. Nếu ai đó nói bạn đẹp, bạn hạnh phúc. Nếu ai đó nói bạn xấu, bạn thất vọng. Bạn đơn giản sống với ý kiến của người khác, bạn cứ thu thập các ý kiến, bạn tụ hội một con người vay mượn. Do đó mới cần đến sự chú ý. Ai quan tâm đến nhà chính trị đã lỗi thời? Khi ông ta còn quyền lực, người ta chú ý. Người ta chú ý đến quyền lực, nhưng nhà chính trị cứ tưởng sự chú ý được dành cho mình. Và nhà chính trị (cơ hội) là người tìm kiếm sự ái mộ, chẳng yêu mến ai, nên cũng chẳng được ai yêu mến. Và nhu cầu của nhà chính trị cùng kẻ tội phạm là như nhau. Nổi tiếng và khét tiếng, cả hai đều tìm kiếm một thứ: sự chú ý.

…Phật là tình yêu tuyệt đối. Ngài yêu sự tồn tại và sự tồn tại yêu ngài. Đó là điều samadhi là gì: Khi bạn trong mối quan hệ phúc lạc với cái toàn thể. Ngài đã biết trạng thái phúc lạc với cái toàn thể, không phải của thân thể cũng không phải của tâm trí, mà là toàn bộ. Bây giờ chẳng cần yêu cầu bất kỳ sự chú ý nào từ bất kỳ ai. Bạn không thể nhận ra một vị phật đang đi trên đường vì phật sẽ đi qua một cách im lặng, không một tiếng thì tào. Cái phi thường của Phật là cái hoàn toàn bình thường của Ngài. Cái bình thường của Ngài là cái phi thường của Ngài. Sống bình thường là điều phi thường nhất trên thế giới. Sự vắng mặt là sự hiện diện của Ngài. Không ai cả là có ai đó của Ngài. Cái chết là cuộc sống của Ngài. Và có thể Ngài chết trong khi hát. Không thể có cái chết nào đẹp hơn. Nếu bạn có thể chết trong khi hát, điều đó chứng tỏ bạn sống trong khi hát., rằng cuộc sống bạn là một niềm hân hoan và cái chết trở thành đỉnh cao, là tối thượng.

…Mọi người cố gắng làm cho cuộc sống tuân theo những ham muốn và kế hoạch, các giấc mơ của riêng mình, cố gắng lội ngược dòng, cố gắng tranh đấu với tự nhiên, với cuộc sống. Đời người thông thường là một cuộc xung đột. Nhưng trên thực tế, bạn đấu tranh chống ai? Bạn chiến đấu chống lại cội nguồn của riêng mình, chống lại chính bạn. Và cuộc đấu tranh ấy dẫn bạn đến thất vọng ngày càng sâu sắc hơn, vì bạn không thể chiến thắng được. Bạn sẽ thua, vì bạn chỉ là một phần nhỏ nhoi mà sự tồn tại thì lại rộng lớn, mênh mông. Bạn không thể thắng khi chống lại nó. Bạn chỉ có thể thắng khi dựa vào nó. Người hiểu biết biết rằng trước khi thất bại đến, bạn buông bỏ thì sẽ có niềm vui. Người thất bại có vẻ như là đã buông bỏ, và người buông bỏ cũng dường như là người thất bại. Nhưng không phải vậy, đó là hai thế giới tách biệt. Người thất bại thì cảm thấy tức giận, cuồng nộ, thất vọng, người ấy trong địa ngục. Người buông bỏ, người đã đầu hàng, không có sự khổ sở, mà lại vui vẻ, cực lạc. Anh ta hiểu ra rằng, sự tranh đấu ấy là vô nghĩa và sẽ dứt khoát thất bại, mang định mệnh thất bại. Cũng giống như tay trái đánh nhau với tay phải, như các ngón tay đánh nhau với thân thể. Làm sao chiến thắng được? Sự thất bại đã thấy trước rồi. Người hiểu biết thì buông bỏ, người ấy nói: “Đó là ý trời. Phải thuận theo ý trời. Hãy để Thiên quốc tới”. Bản ngã là hạt mầm tạo nên thế gian này. Bạn cứ nghĩ: “Tôi đây”, thế là cả thế gian này theo sau ngay lập tức. Buông bỏ không phải là cái gì đó pải làm hay cái gì đó có thể được làm. Buông bỏ là sự hiểu biết. Tôn giáo là một cách sống hoàn toàn khác- cuộc sống của nhận biết, của tình yêu, của lòng từ bi. Có bao nhiêu người đi nhà thờ, đi chùa chiền, đi đền Hồi giáo, đi Thiền viện để cầu nguyện, làm đủ thứ chuyện, và tất cả đều là lễ nghi, còn tôn giáo thì không tồn tại.

…Con người nên trở thành một. Con người phải trở nên quân bình, linh động, không hướng ngoại mà cũng chẳng hướng nội. Con người nên có khả năng là cả hai, bên trong và bên ngoài được quân bình, sẽ cho kinh nghiệm cực lạc nhất. Phương Đông khổ, khổ, khổ vì nghèo đói. Phưng Tây cũng khổ, khổ vì căng thẳng, lo âu. Phương Đông nghèo về ngại diện. Phương Tây nghèo về nội tâm. Nghèo nàn là dở, không nên được kéo dài mãi. Con người phải được giàu có theo mọi chiều. Đó là lý do cho tình yêu và thiền định. Tình yêu là bước chuyển đi ra. Thiền định là bước chuyển đi vào. Một người đang trong tình yêu và thiền định sẽ vượt ra ngoài trạng thái tâm thần phân liệt. Người ấy trở thành một, toàn vẹn. Thực tế người ấy có linh hồn.

…Loài vật không buồn chán. Cây cỏ không buồn chán. Năm nào cây hồng cũng nở hoa hồng như thế. Con chim gáy đâu có biết nhiều nốt, chỉ biết một nốt nhạc. Thế mà nó cứ hót lặp đi lặp lại, thật là đơn điệu. Thiên nhiên không biết buồn chán. Tại sao vậy? Bởi vì thiên nhiên không có bản ngã (cái tôi). Và một vị phật thì không chán, một Jesu không chán, vì họ đã vứt bỏ bản ngã. Thiên nhiên không có bản ngả, nhưng không nhận biết. Phật không có bản ngã, nhưng nhận biết. Một khi bạn biết mình không có đó, thì lấy ai mà chán? Lấy ai mà ngán ngẩm.

…Jesu nói: “Chúa ở trong ngươi”. Chẳng ai là kẻ có tội cả. Thậm chí những lúc đen tối nhất cuộc đời, bạn vẫn cứ là điều thiêng liêng. Bạn không có cách nào đánh mất điều thiêng liêng trong bạn được. Nó chính là bản thể bạn. Nó là chất liệu làm nên bạn. Nếu ai đó chấp nhận bạn như là điều thiêng liêng thì người đó trong tình yêu với bạn. Ngược lại, họ nói rằng bạn không được chấp nhận như bạn hiện thế, rằng Thượng đế yêu bạn nếu bạn đáp ứng những điều kiện nào đó, thì người ấy đang hủy diệt bạn đấy, người ấy là kẻ thù của bạn.

…Một người thực sự hạnh phúc thì không biết tí gì về hạnh phúc cả. Nó đơn giản có đó, bao giờ cũng có đó. Nó tựa như việc thở. Hạnh phúc là ở đây và bây giờ, nó chẳng cần một điều kiện nào. Hãy cứ hạnh phúc mà không có lý do nào cả. Cây cỏ hạnh phúc, ngọn gió hạnh phúc, mặt trời hạnh phúc, mọi thứ đều vui sướng, chỉ trừ con người- vì ngoài con người ra, không ai đặt điều kiện cho hạnh phúc. Chỉ hạnh phúc thôi. Bạn hãy học cách sống từng khoảnh khắc hiện tại trong niềm vui. Cuộc sống không định đi đâu cả. Cuộc sống không có mục tiêu nào. Cuộc sống là ở đây và bây giờ. Bạn hãy sống trọn vẹn cuộc sống, hãy sống có ý thức, hãy sống một cách vui vẻ- và bạn sẽ được mãn nguyện. Sự mãn nguyện không nên trì hoãn, nếu không sẽ chẳng bao giờ mãn nguyện được. Sự mãn nguyện phải có đó ngay bây giờ. Bây giờ hoặc không bao giờ.

…Bạn đừng bao giờ sợ khóc. Nước mắt vượt xa tất cả những gì tốt đẹp nhất mà bạn có được, bởi vì chúng đến từ sự tràn ngập của bản thể bạn. Hãy vui vẻ chấp nhận chúng, thưởng thức, chào đón chúng, và qua nước mắt, bạn sẽ biết cách cầu nguyện, biết cách nhìn. Những đôi mắt tràn trề nước mắt có khả năng thấy được chân lý, thấy được vẻ đẹp cuộc đời và những phúc lành của nó.

…Bản ngã là nguồn gốc của giận dữ. Giận dữ là cái bóng của bản ngã. Bản ngã đem đến sự bùng nổ, bạo lực. Một khi bản ngã đã biến mất, thì bạo lực cũng biến mất. Một người trở thành tình yêu khi bản ngã đã hoàn toàn biến mất.

…Bạn phải biết lắng nghe cái im lặng trong im lặng.

…Cái “tôi” chỉ tồn tại trên bề mặt vì nó cần cái “người” để tồn tại. Khi bạn đi sâu vào bản thể mình, không còn có gió nữa, không còn cái “người” nữa, làm sao có cái “tôi” ở đây được? “Tôi” và “người” tồn tại theo một cặp, chúng không bao giờ tách rời nhau. Trên bề mặt, bạn là tách biệt với tất cả. Đi vào chiều sâu, khi bạn đã biến mất, không còn sự phân biệt giữa bạn và tất cả. Tất cả là một, bạn không còn nữa, còn lại sự cô đơn. Nếu cái “tôi” còn đó thì chẳng cái gì xảy ra cả, ham muốn về người khác lại xuất hiện. Khi bạn không có đó, thế thì có hư vô, có hư vô thuần khiết. Trong cái thuần khiết đó có niết bàn, có sự chứng ngộ. Đó là nơi quí báu nhất để hiện hữu, nơi thênh thang nhất để hiện hữu.

…Khi bạn thấy mệt mỏi về kẻ khác, hãy đi vào thiền định. Khi nào bạn thấy mệt mỏi về cô đơn, hãy nghiêng sang tình yêu. Cả hai đều tốt. Cả hai là mâu thuẫn nhau, nhưng qua mâu thuẫn đó nảy sinh một niềm vui lớn.

…Thật là lạ là bạn cứ liên tục quên mất rằng bạn đã chứng ngộ. Bạn đã chứng ngộ rồi. Chứng ngộ không phải là một phẩm chất sắp xảy ra cho bạn trong tương lai. Bạn đã mang nó ngay từ đầu. Nó ở trong hơi thở bạn, nó ở trong nhịp đập trái tim bạn. Nó là chất liệu tạo nên bạn. Cái ngày, cái khoảnh khắc bạn biết bạn bao giờ cũng chứng ngộ, thế thì bạn chứng ngộ. Một khi bạn đã cảm nhận sự chứng ngộ, thì nó bao giờ cũng ở quanh bạn như một hương thơm. Một khi bạn chơi trò chơi mà vẫn biết rằng đấy là trò chơi, thế thì bạn có thể sống trong thế gian, thế thì bạn có thể là bất kỳ cái gì bạn thích là, nhưng sâu bên trong, bạn biết rằng bạn không phải là cái đó. Sâu bên trong bạn vẫn còn cách xa. Bạn trở thành một bông hoa sen. Bạn ở trong nước, ấy thế mà nước không dính vào bạn. Nếu bạn còn nắm giữ chút gì của trí thức, thì bạn vẫn còn chưa chứng ngộ. Điều lạ lùng là ở chỗ bạn đã chứng ngộ mà bạn cứ còn không chứng ngộ.

…Phật là một tấm gương. Bất kỳ cái gì tới trước tấm gương đều phản xạ. Tính phản xạ này là phản ánh như thế. Đúng như thế nghĩa là không có chọn lựa. Bạn đơn giản là một công cụ của thực tại. Một tấm gương nghĩa là vắng bóng tâm trí. Tâm trí chỉ tồn tại trong vô ý thức. Khi mặt trời của ý thức lên thì nó biến mất- gống hệt các ngôi sao. Bạn đừng đánh nhau với ngôi sao. Hãy chỉ trở nên nhận biết hơn và chúng sẽ tự biến mất. Tâm trí cũng như ngọn đèn. Ngọn đèn cháy chỉ khi còn dầu. Một khi dầu hết thì ngọn lửa biến mất. Dầu là ham muốn. Đừng đánh nhau với ngọn lửa, chỉ đừng đổ thêm dầu vào nó thôi. Ham muốn nghĩa là: cái mà bạn không thỏa mãn với nó, bạn muốn một cái gì đó khác. Bạn không bằng lòng với thực tại như thế, bạn muốn thay đổi nó theo ham muốn của bạn. Thế thì tâm trí sẽ còn lại. Chừng nào bạn còn chưa hiểu ham muốn và vứt bỏ ham muốn, thì bạn không thể nào vứt bỏ ý nghĩ- vì ý nghĩ là sản phẩm phụ. Thực tại chẳng bao giờ thất vọng; thực tại bao giờ cũng mãn nguyện. Thất vọng tới bởi vì chúng ta áp đặt ảo vọng của chúng ta lên thực tại. Thế giới những cây cối, chim chóc, muông thú và núi non này là thực. Nhưng thế giới tâm trí bạn tạo ra thì không thực. Một khi tâm trí bị vứt bỏ thì mọi sự đều thực. Thế thì bạn sống trong thực tại, bạn là phản ánh như thế. Vô trí mới biết thực tại là gì.

…Vị Phật, người đã biết bầu trời bên trong của mình, bây giờ biết rằng mọi người đều là bầu trời đó, nhưng mọi người bị mây bao phủ. Và những đám mây này là tưởng tượng. Và nếu những đám mây này là sai, là tưởng tượng thì chẳng có sinh linh nào. Khoảnh khắc bạn biến mất thì tất cả mọi sinh linh cũng biến mất. Thế thì không có sinh linh tách biệt, tất cả là một. Không có ai là thầy và không có ai là đệ tử cả. Chẳng có gì để dậy; chẳng có gì để học. Đây chỉ là một vở kịch. Nó chỉ là bầu trời thuần khiết, hư không, không người, không thực thể. Phật đã trở nên tự do với chính mình.
Xem cả quyển “Kinh Kim cương”

Ads Belove Post