Osho – Thuyền rỗng – Trích dẫn

Osho – Thuyền rỗng – Trích dẫn

Price:

Read more

Osho – Thuyền rỗng – Trích dẫn


…Nghĩ về mình như một con gà trống mà một hoàng tử điên đã nghĩ, như trong một câu chuyện cổ, là một điều quái dị; nhưng nghĩ về bản thân mình như là thân thể thì cũng là quái dị mà thôi, thậm chí còn quái dị hơn nữa, bởi vì bạn đâu có thuộc vào bất cứ hình dạng nào, bạn thuộc về cái vô hình, cái toàn thể. Thế nên, bất kỳ hình dạng nào mà bạn nghĩ bạn hiện nay đang mang, thì bạn cũng đều điên khùng hết. Bạn là vô hình dạng. Bạn không thuộc vào bất cứ thân thể nào, đẳng cấp nào, tôn giáo nào, tín ngưỡng nào; bạn không thuộc vào bất kỳ cái tên nào. Và chừng nào bạn còn chưa trở thành vô hình, vô danh thì bạn vẫn còn chưa bao giờ lành mạnh cả. Lành mạnh có nghĩa là đi tới chỗ mà vốn là tự nhiên, tối thượng, chỗ mà vẫn bị ẩn giấu đằng sau bạn. Và cần rất nhiều nỗ lực để cắt bỏ hình dạng, vì bạn đã quá gắn bó và đồng nhất với nó rồi. Mọi hình dạng đều hướng trọng tâm vào bản ngã. Cái vô hình có nghĩa là vô ngã, thế thì trung tâm của bạn là ở mọi nơi và cũng chẳng ở đâu cả. Điều này gần như là không thể được mà lại là có thể, bởi nó đã xảy ra cho tôi, tôi đã kinh qua. Nhưng tại sao lại cần có nỗ lực để trở thành không ai cả? Bởi vì chỉ khi nào bạn là không ai cả thì bạn mới có phúc lạc, phúc lành mới dành cho bạn, nếu không bạn cứ làm lỡ cuộc đời.

…Phật nói: Sống là khổ, sinh là khổ, chết là khổ- mọi thứ đều là khổ. Mọi thứ đều khổ vì bản ngã có đó. Con thuyền còn chưa trống rỗng. Bây giờ con thuyền đã rỗng, không còn khốn khổ, không còn buồn bã, buồn rầu. Sự tồn tại đã trở thành tôn vinh, một sự tôn vinh vĩnh hằng. Toàn bộ nỗ lực là làm sao giết chết bạn, phá hủy bạn. Một khi bạn đã bị phá hủy thì cái không thể hủy diệt được sẽ trỗi dậy- nó vẫn có đó, nhưng bị che kín. Một khi tất cả những cái không bản chất đã được bỏ đi, thì điều tinh túy sẽ giống như ngọn lửa- sống động, vinh quang, hoàn hảo.

…Người keo kiệt là người khốn khổ. Một mặt ông ta đã thành công trong việc tích lũy của cải, mặt khác, ông ta cũng thành công trong việc tích lũy khốn khổ. Về phương châm thì như nhau cho cả hai việc tích lũy đó. Đó là: bất kỳ cái gì cần làm trong ngày mai thì hãy làm ngay hôm nay, ngay bây giờ, đừng trì hoãn.; còn bất kỳ cái gì có thể tận hưởng ngay bây giờ, thì đừng có tận hưởng nó ngay bây giờ, hãy hoãn đến ngày mai. Đây là cánh cửa vào địa ngục đấy. Nó bao giờ cũng thành công, chua bao giờ thất bại cả. Bạn hãy thử đi: Trì hoãn tất cả những cái mà có thể đem lại vui sướng, chỉ nghĩ đến ngày mai.

…Ham muốn cai trị bắt nguồn từ bản ngã; ham muốn sở hữu, ham muốn mạnh mẽ, ham muốn chi phối đến từ bản ngã. Vương quốc bạn có thể chi phối càng lớn, sở hữu càng lớn, thì bạn càng đạt được bản ngã lớn hơn. Khi bạn trở nên quan tâm đến bệnh của một ai đó khác, thì bạn quên mất bệnh của mình, do đó mới có biết bao nhiêu nhà lãnh đạo, bao nhiêu bậc thầy. Nếu bạn quan tâm đến người khác, phục vụ người khác, nếu bạn là một công nhân xã hội, giúp đỡ người khác thì bạn sẽ quên mất cái rối loạn bên trong của mình, vì bạn đã quá bận bịu rồi. Nó có thể là việc trị liệu cho bạn, nó có thể là việc trốn chạy cho bạn, nhưng mà nó lại làm lan tỏa bệnh này.

…Nếu bạn không có đó, thì toàn bộ thế giới biến mất. Không phải sự tồn tại sẽ đi vào không tồn tại đâu, mà là, khi thế giới biến mất, thì sự tồn tại xuất hiện. Thế giới là sự bịa đặt của tâm trí; sự tồn tại thì lại là chân lý. Ngôi nhà này sẽ vẫn có đó, nhưng không phải là nhà của bạn. Hoa vẫn có đó, nhưng nó trở thành vô danh. Nó sẽ chẳng đẹp và chẳng xấu. Nó vẫn có đó, nhưng không có khái niệm nào nảy sinh trong tâm trí bạn. Sự tồn tại trơ trụi, hồn nhiên, còn lại đó trong cái thuần khiết của nó, sự tồn tại tựa tấm gương. Và tất cả những khái niệm, tưởng tượng, ước mơ đều biến mất trong hư không.

…Nếu người ta cứ đụng vào bạn, cứ giận dữ với bạn, thì họ không có lỗi đâu. Con thuyền của bạn không trống rỗng. Họ giận dữ vì bạn có đấy. Nếu con thuyền là rỗng không, thì họ sẽ có vẻ ngu xuẩn nếu họ còn giận dữ. Nếu con thuyền là rỗng thì thậm chí bạn có thể tận hưởng cái giận dữ của người khác, bởi vì chẳng có ai để mà giận cả, họ chẳng nhìn vào bạn. Hãy trở thành trống rỗng, hãy để họ đi qua.

…Trang tử nói: Nếu bạn đạt tới cá tính của mình và tỏa sáng người khác thì bạn sẽ không tránh khỏi tai họa đâu. Đừng có cố gắng trở thành đạo đức để chiếu sáng cho người khác chỉ với cái mục đích bản ngã này. Bạn có thể trở thành như thần thánh trong cá tính của mình, mà bản ngã vẫn còn bên trong, thì những cái thần thánh đó cũng chỉ để phục vụ cho quỉ mà thôi; nó chỉ là bộ mặt giả bên ngoài còn tội nhân thì ẩn đằng sau. Và tội nhân thì không được biến đổi; chỉ khi bạn không có đó thì nó mới biến mất.

…Người tôn giáo nói: Hãy bằng lòng với bản thân mình. Nhưng bản thân bạn thì vẫn còn đó để mà bằng lòng. Trang Tử nói: Đừng có đấy, thế thì không có vấn đề bằng lòng hay không bằng lòng. Đây mới là sự bằng lòng thật sự, khi bạn không có đấy. Nếu bạn cảm thấy bằng lòng thì đấy chỉ là sự thỏa mãn cho bản ngã mà thôi. Bạn cảm thấy đã đạt được rồi. Người cảm thấy mình đã đạt tới thì đã mất rồi, bởi vì thành công là mở đầu cho thất bại. Thành công và thất bại là hai phần của một vòng tròn, một bánh xe. Bất kỳ khi nào thành công đạt tới điểm tối đa của nó, thì thất bại đã bắt đầu, bánh xe đã quay xuống. Bản ngã là một phần của bánh xe. Nó thành công bởi vì nó có thể thất bại, nếu nó không thể thất bại, thì cũng chẳng có khả năng thành công. Thành công và thất bại là hai mặt của một đồng tiền.

…Một khi bạn đã trống rỗng thì bạn sẽ được tràn đầy. Tất cả sẽ ôm choàng xuống bạn khi bạn trống rỗng. Chỉ cái trống rỗng mới có thể đón nhận được tất cả, nhiều hơn thế thì bạn không nhận được gì. Tâm trí bạn nhỏ bé thế, chúng không thể nào đón nhận được điều thiêng liêng. Căn phòng của bạn nhỏ bé thế, bạn không thể mời được điều thiêng liêng vào. Hãy phá hủy toàn bộ ngôi nhà này đi, bởi vì chỉ có bầu trời, toàn bộ không gian mới có thể tiếp nhận được. Vậy từ sáng mai, bạn hãy cố gắng làm trống rỗng bản thân mình khỏi tất cả những gì bạn thấy bên trong. Khốn khổ, giận dữ, bản ngã, ghen tị, lo âu, nỗi đau của bạn, niềm vui của bạn- bất kỳ cái gì bạn thấy được, hãy vứt hết chúng đi. Không có bất kỳ sự phân biệt hay chọn lựa nào, hãy làm trống rỗng bản thân mình đi. Và khoảnh khắc bạn đã trống rỗng hoàn toàn thì bỗng nhiên bạn sẽ thấy rằng bạn là cái toàn thể, là tất cả. Qua cái hư không, cái toàn thể được đạt tới. Và cái không này chính là phúc lành, là ân huệ… mà bạn đã từng đi tìm kiếm mãi.

… “Con người của Đạo hành động không cản trở
Không làm hại người khác bằng hành động của mình.
Vậy mà người ấy không biết mình tốt bụng và tử tế.
Người ấy không tranh giành làm tiền
Và người ấy không tạo ra đức hạnh từ nghèo khó.
Người ấy đi con đường của mình không dựa vào kẻ khác,
Và không tự hào do mình đi một mình.
Con người của Đạo vẫn còn vô danh.
Đức hạnh hoàn hảo tạo ra cái không.
Vô ngã mới là cái ngã thật.
Và con người vĩ đại nhất là không ai cả“.

…Thời gian được tạo ra do sự chuyển động của tâm trí. Tâm trí chuyển động, bạn cảm thấy thời gian. Khi tâm trí không chuyển động, làm sao bạn cảm thấy thời gian được? Nếu bạn không chuyển động, tĩnh lặng, thì thời gian biến mất, cái vĩnh hằng đi vào trong sự tồn tại.

…Phúc lạc là gì? Phúc lạc là cảm giác đến với bạn khi mà người quan sát trở thành cái được quan sát. Phúc lạc là cảm giác đến với bạn khi bạn đang trong hài hòa, không phân đoạn, là cái một, không bị tách ra. Cảm giác đó không phải là cái gì đó xảy ra từ bên ngoài. Nó là giai điệu phát sinh từ sự hài hòa bên trong của bạn. Khi con thuyền trống rỗng thì phúc lạc bao giờ cũng xảy ra. Đấy không phải là một điều ngẫu nhiên, mà là bản chất của sự tồn tại. Nó không phụ thuộc vào bất kỳ cái gì. Nó là việc mưa rào, nó chính là hơi thở của cuộc sống. Điều thực sự kỳ lạ là cách thức bạn đã xoay xở để bị khốn khổ thế, để khát bỏng thế, trong khi trời lại mưa khắp mọi nơi. Bạn đã làm được điều không thể làm được! Ánh sáng có khắp mọi nơi còn bạn lại vẫn trong bóng tối, cái chết chẳng ở đâu cả còn bạn cứ thường xuyên chết đi; cuộc sống là một phúc lành còn bạn thì trong địa ngục. Bạn đã xoay xở nó theo cách nào vậy? Thông qua phân chia, thông qua suy nghĩ! Suy nghĩ phụ thuộc vào phân chia, phân tích. Thiền định là điều ngược lại, mọi thứ sẽ được tổng hợp lại, trở thành Một.

… “Con người của Đạo không làm hại người khác bằng hành động của mình”. Làm sao mà người ấy có thể làm hại được? Bạn có thể làm hại người khác chỉ khi bạn đã làm hại chính mình. Đây là điều bí mật. Nếu bạn đã làm hại chính bản thân mình, thì bạn sẽ làm hại người khác. Và bạn sẽ làm hại ngay cả khi bạn nghĩ bạn đang làm điều tốt cho người khác. Chẳng cái gì xảy ra qua bạn ngoài cái hại, bởi vì một người sống với những vết thương, người sống trong đau khổ và khốn khổ, thì bất kỳ cái gì người đó làm cũng sẽ tạo ra nhiều đau khổ và khốn khổ cho kẻ khác. Bạn chỉ có thể cho cái mà bạn có.

…Con người của Đạo, con người để đạt tới bản tính bên trong, không phải con người của nhiều hoạt động. Chỉ cái cần thiết mới xảy ra. Cái không cần thiết bị cắt bỏ hoàn toàn, bởi vì người ấy có thể thoải mái mà không hoạt động, người ấy có thể ở nhà mà không làm gì cả, người ấy có thể thảnh thơi, người ấy có thể đi cùng với bản thân mình, sống cùng với cái ta của mình. Nhưng bạn lại bận tâm với hoạt động chỉ để trốn thoát khỏi bản thân mình. Bạn không thể tha thứ cho mình, cho người đồng hành của mình. Bạn cứ tìm ai đó như một kẻ đào thoát, một bận tâm nào đó, trong đó bạn có thể quên lãng bản thân mình, trong đó bạn dính líu vào. Bạn chán bản thân mình đến thế! Bạn không thể sống với bản thân mình được, do đó mới thường xuyên có sự thôi thúc đi tìm bầu bạn. Tới câu lạc bộ, tới cuộc họp, tới đám tiệc, đi vào trong đám đông, nơi bạn không một mình. Bạn sợ bản thân mình đến mức nếu bạn bị bỏ lại hoàn toàn đơn độc không hoạt động gì thì bạn sẽ phát điên. Thế giới này, thế giới hoạt động này, kinh doanh và bận tâm, cứu bạn khỏi nhà thương điên. Nếu bạn bận bịu thì năng lượng đi ra; thế thì bạn không cần để ý tới bên trong, bạn có thể quên nó đi.

…Con người của Đạo là nhà quí tộc của thế giới bên trong. Người ấy hòa hợp với nó thế, không có sự trưng bày- không chỉ với bạn, bản thân người đó cũng không nhận biết về điều đó. Người ấy không biết rằng mình là minh triết, là hiền nhân. Làm sao bạn biết được bạn hồn nhiên hay không? Tri thức của bạn sẽ quấy rối sự hồn nhiên. Con người này không biết chính mình là tốt và hiền lành. Người ấy là sự hiền lành, là sự tốt bụng. Người ấy là tình yêu, nhưng người ấy không biết- bởi vì người yêu và người biết không phải là hai, chúng không thể bị phân chia thành cái được biết và người biết. Đây là tính quí tộc bên trong: Khi bạn đã trở thành giầu có đến mức bạn không nhận biết về nó. Khi bạn là cái giàu có đó, thì không cần phải trưng bày nó. Việc khoe khoang là một phần của bản ngã, con thuyền không rỗng. Con người của Đạo là một con thuyền rỗng. Người ấy hiền lành, hồn nhiên, minh triết, nhưng người ấy không biết; người ấy có thể đi như kẻ ngu, không lo nghĩ. Người ấy không bao giờ mất sự minh triết cho nên mới đảm đương được việc là ngu xuẩn. Bạn thì không thể thế được.

…Người của Đạo đi theo con đường của mình mà không dựa vào người khác. Nếu bạn dựa vào người khác bạn sẽ đau khổ và bao giờ cũng trong tù túng, bạn sẽ trở nên phụ thuộc và yếu đuối. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên tự hào về mình rằng bạn đi một mình. Bạn có thể đi vào trong thế giới mà không là một phần của nó. Thế thì bạn có thể là người chồng mà không có người chồng, có thể sở hữu mà không bị sở hữu bởi của cải của bạn. Thế thì thế giới có đó bên ngoài, nhưng không có bên trong. Thế thì bạn có đó, nhưng không bị nó làm biến chất.

…Trong thế giới này, bất kỳ ai là một ai đó thì không thể là vĩ đại nhất được, bởi vì đại dương không thể đo được bằng thìa. Người thực sự vĩ đại nhất sẽ là không ai cả trong bạn, bởi vì không thể đo lường nổi. Người ấy đơn giản vượt ra ngoài, thoát ra khỏi sự đo lường.

…Khi bạn so sánh thì bạn đã lỡ, thế thì bạn bao giờ cũng nhìn vào người khác. Và không có hai người như nhau; họ không thể thế được. Mọi cá nhân đều duy nhất và mọi cá nhân đều cao siêu, nhưng tính cao siêu này lại không so sánh được. Bạn cao siêu bởi vì bạn không là bất kỳ cái gì khác. Tính cao siêu là bản chất của bạn. Cái cây kia là cao siêu, tảng đá kia cũng cao siêu. Toàn bộ sự tồn tại là thiêng liêng, làm sao có cái gì kém cỏi được? Nó là Thượng đế, tuôn trào theo hàng triệu cách. Đâu đó Thượng đế đã trở thành cái cây, đâu đó Thượng đế đã trở thành tảng đá, thành con chim, thành bạn. Và chỉ Thượng đế tồn tại, cho nên không thể so sánh được. Thượng đế là cao siêu, nhưng không cao siêu hơn bất kỳ cái gì- bởi vì Thượng đế hiện hữu, và không có bất kỳ cái gì kém cỏi.

…Người tôn giáo đi tới kinh nghiệm tính duy nhất của mình, tính thiêng liêng của mình, và qua kinh nghiệm của mình về tính thiêng liêng, đi tới hiểu ra tính thiêng liêng của tất cả. Điều này là không chính trị bởi vì bây giờ không có tham vọng, bạn chẳng có gì phải chứng minh, bạn đã được chứng minh rồi. Bạn không có gì phải tuyên bố, bạn đã được tuyên bố rồi. Chính bản thể bạn là việc chứng minh. Bạn hiện hữu… thế là đủ. Không còn cái gì khác nữa.

…Trong chính trị, mọi người đều là kẻ thù. Tình bạn chỉ là mẽ ngoài. Trong tôn giáo thì không có ai là kẻ thù cả. Trong tôn giáo không thể nào có kẻ thù được; trong chính trị thì không thể nào có bạn bè được.

…Người mà đã thấy khuôn mặt của tham vọng, của ham muốn, của thèm khát, sẽ không bao giờ quay lại với chúng nữa. Điều đó là không thể được. Khuôn mặt đó xấu thế! Các hiền nhân đều nói: Hãy vứt bỏ ham muốn và phúc lạc sẽ là của bạn. Nhưng bạn lại không vứt bỏ nó, bạn không thể hiểu làm sao phúc lạc lại có thể xảy ra khi bạn loại bỏ ham muốn. Nó có thể là chất độc, nhưng nó đã từng là thức ăn duy nhất của bạn. Bạn đã uống từ những nguồn có chất độc, và ai đó nói, “Vứt nó đi”, thì bạn lại sợ rằng, bạn sẽ chết khát. Bạn không biết có dòng suối trong trẻo, thuần khiết, và bạn không biết có những cây với quả hiếm. Bạn chỉ nhìn qua ham muốn của mình, cho nên bạn không thấy những thứ đó.

… “Lễ phép vĩ đại nhất là thoát khỏi mọi nghi lễ,
Đạo đức hoàn hảo là thoát ra khỏi mọi lo lắng
Minh triết hoàn hảo là không lập kế hoạch
Tình yêu hoàn hảo là không có trưng bày.
Chân thành hoàn hảo là không đưa ra lời đảm bảo nào”.

…Tất cả những cái vĩ đại, đẹp đẽ, đúng đắn và chân thực bao giờ cũng tự phát. Bạn không thể lập kế hoạch cho nó. Khoảnh khắc bạn lập kế hoạch cho nó thì nó đã đi sai, mọi thứ sẽ trở thành không thực nữa. Cuộc sống không biết tới lập kế hoạch. Tự bản thân nó là đủ. Cây cối có lập kế hoạch cách nó lớn lên, chín muồi, đi tới ra hoa không? Chúng đơn giản lớn lên mà không ý thức tới việc lớn lên đó. Không có ý thức, không có tách biệt. Bất kỳ khi nào bạn bắt đầu lập kế hoạch thì bạn đã phân chia bản thân mình, bạn đã trở thành hai; một người đang kiểm soát và một người bị kiểm soát. Xung khắc sẽ nảy sinh, bây giờ bạn sẽ chẳng bao giờ an bình nữa. Bạn có thể thành công hoặc thất bại trong kiểm soát, nhưng sẽ không có an bình. Thất bại của bạn cũng là thất bại, và thành công của bạn cũng là thất bại. Bất kỳ cái gì bạn làm, thì cuộc sống của bạn sẽ khốn khổ. Sự phân chia này tạo ra cái xấu xí, bạn không phải là một, mà cái đẹp thuộc vào cái Một, cái đẹp thuộc vào cái toàn thể hài hòa.

…Đây là phần chủ chốt của thiền, nhớ rằng: tôi đang hiện hữu. Bước đi, ngồi, ăn, nói, hãy nhớ rằng: tôi đang hiện hữu. Điều này Phật gọi là chính tâm, Krishnamurti gọi là nhận biết. Đừng bao giờ quên điều này. Điều này rất khó khăn, rất gian nan. Ban đầu, bạn sẽ thường quên, sẽ chỉ có khoảnh khắc nào đó lóe sáng, thế rồi nó lại mất đi. Nhưng đừng lấy làm khốn khổ, thậm chí những khoảnh khắc đó cũng là nhiều rồi. Bạn hãy tiếp tục. Bất kỳ khi nào bạn có thể nhớ lại- hãy nhớ lại, và dần dần lỗ hổng sẽ nhỏ đi, sự liên tục sẽ phát sinh và bất kỳ khi nào tâm thức bạn trở thành liên tục, thì bạn không cần dùng tâm trí. Qua việc hồi tưởng này, qua việc để tâm này, thì tôn giáo đích thực tới. Một tâm trí tràn đầy tỉnh thức thì biết rằng tâm thức là Một, cuộc sống là Một, hiện hữu là Một, sự tồn tại là Một, nó không phân mảnh. Cái cây ra hoa kia là tôi dưới một dạng khác, hòn đá nằm trên đất là tôi dưới một dạng khác. Toàn thể sự tồn tại trở thành sự thống nhất hữu cơ, cuộc sống tuôn chảy qua nó, không máy móc. Khi bạn trở nên tỉnh táo với ngọn lửa của bản thể bên trong của bạn, thì bỗng nhiên bạn thấy rằng, bạn không phải là một hòn đảo, nó là một lục địa bao la, vô hạn. Không có biên giới nào tách bạn với nó. Mọi biên giới đều là giả tạo, vì nó đều trong tâm trí. Sự tồn tại là không có biên giới.

…Cuộc hành trình là cuộc sống và nó là cuộc hành trình vô hạn. Cái toàn thể là cuộc hành trình, là con đường, con đường vô tận, không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. Nó không có mục tiêu, mục tiêu chỉ do tâm trí tinh ranh tạo ra. Và toàn bộ sự tồn tại này chuyển đi đâu? Nó không đi đâu cả. Nó không có nặng gánh. Nó không kế hoạch, không mục tiêu; nó không là kinh doanh, nó là trò chơi, leela. Mọi khoảnh khắc đều là mục tiêu.

…Chung cuộc, tổng số là như nhau. Khi một người ăn mày và một ông vua chết đi thì tổng số của họ là như nhau. Người giàu tìm được thức ăn ngon hơn, nhưng cái đói lại bị mất; người ấy không thực sự cảm thấy sự mãnh liệt của cái đói. Người ấy đã tìm được cái giường đẹp, nhưng với chiếc giường đó, mất ngủ lại tới. Người ăn mày ngủ ngay trên hè phố, xe cộ ồn ào mà người đó vẫn ngủ. Người ấy không có giường, chỗ người ấy ngủ thì gồ ghề, thô cứng, không thoải mái, nhưng người ấy vẫn ngủ. Người ăn mày không thể kiếm được thức ăn ngon, điều ấy là không thể, bởi người ấy phải đi ăn xin. Nhưng người ấy lại ăn ngon. Người thành công không chỉ thành công, vì với sự thành công thì mọi tai họa cũng kéo tới. Người thất bại không chỉ thất bại, vì với thất bại thì nhiều loại ân huệ tới. Tổng số bao giờ cũng như nhau, nhưng tổng số này phải được thấu hiểu. Mắt là cần để nhìn vào tổng số, bởi vì tâm trí có thể chỉ nhìn vào phân mảnh. Chỉ tâm trí thiền định mới có thể nhìn vào cái toàn thể, từ việc sinh tới việc tử- và thế thì tổng số bao giờ cũng là bảy như chuyện của Trang Tử về bảy gói hạt dẻ cho khỉ trong một ngày, thay đổi số lượng 3 hoặc 4 gói trong hai buổi sáng- chiều. Đó là lý do người minh triết không bao giờ cố gắng thay đổi sự sắp xếp. Chẳng có gì để chọn lựa cả. Cuối cùng, đến tối, tổng số vẫn là như thế Thế thì bạn sẽ không bận tâm liệu buổi sáng là hoàng đế hay kẻ ăn mày. Bạn hạnh phúc bởi vì đến tối mọi thứ đều tới như nhau, mọi thứ đều được san bằng. Cái chết là bình đẳng. Trong cái chết không ai là hoàng đế, không ai là kẻ ăn mày. Cái chết làm lộ rõ tổng số; nó bao giờ cũng là bảy. Người minh triết nhìn vào cái toàn thể và không có chọn lựa. Dục cho bạn vui thú, nhưng người ấy cũng nhìn vào nỗi đau tới từ nó. Của cải cho bạn vui thú, nhưng người ấy nhìn vào ác mộng cũng tới cùng nó. Thành công làm cho bạn hạnh phúc, nhưng người ấy biết vực thẳm sẽ theo sau đỉnh cao, thất bại sẽ trở thành nỗi đau mãnh liệt, không chịu nổi.

…Thượng đế là ở bên trong bạn, bản thể bên trong nhất của bạn, chính cốt lõi của bạn. Nó là sự tồn tại của bạn: bạn thở trong Ngài, bạn sống trong Ngài, không thể khác được. Bạn đã trở nên say đến mức bạn không nhận ra khuôn mặt riêng của mình. Chính khoảnh khắc hiện diện của bạn thì thiên đường mở ra, thậm chí không cần gõ cửa, bạn không ở bên ngoài, mà luông luôn ở bên trong rồi. Chỉ cần tỉnh táo và nhìn quanh với con mắt không đầy ham muốn, và bạn sẽ có cái cười vỡ bụng. Sự vắng mặt của bạn là sự say sưa, ham muốn của bạn. Ham muốn là rượu cồn, là ma túy mạnh nhất!

Sự tồn tại được hoàn thanh đầy đủ, toàn bộ, chỉ trong một khoảnh khắc. Thời gian không phải là cái gì đó bên ngoài bạn. Sẽ không có thới gian, chỉ có những khoảnh khắc vô tận, nếu con người không có đó. Bạn tạo ra thời gian bởi ham muốn. Ham muốn càng lớn thì càng cần nhiều thời gian. Tại sao lại cần thời gian? Bạn không ở đây và bây giờ mà không có thời gian được hay sao? Khoảnh khắc này là không đủ sao, không quá khứ, không tương lai, chỉ ngồi đây bây giờ? Khi khoảnh khắc này có đó, chỉ một điều có thể được làm,- bạn có thể sống nó, có vậy thôi. Nó nhỏ đến mức bạn chỉ có thể sống trong nó, không thể bắt giữ nó. Không thể nghĩ về nó, vì nếu bắt giữ và nghĩ về nó thì nó sẽ trôi qua. Nó rất nhỏ, như nguyên tử, nhưng nó quan trọng tới mức nó đem cuộc sống cho bạn. Hãy ném đi mọi ham muốn, hãy thoải mái bên trong, không khao khát bất cứ điều gì. Bạn đừng khao khát, chỉ hiện hữu. Thậm chí đừng nhìn, chỉ hiện hữu! Đừng nghĩ ngợi! Hãy để khoảnh khắc này có đấy, và bạn trong nó, và bỗng nhiên bạn có mọi thứ- bởi vì cuộc sống đang có đấy. Bỗng nhiên mọi thứ bắt đầu mưa rào lên bạn., và thế thì khoảnh khắc này trở thành vĩnh hằng, và thế thì không có thời gian. Nó bao giờ cũng là bây giờ. Nó chưa bao giờ kết thúc, cũng chưa bao giờ bắt đầu. Nhưng thế thì bạn là trong nó, không phải là người ngoài. Bạn đã đi vào cái toàn thể, bạn đã nhận ra mình là ai.

…Nhu cầu chiếm đoạt là gì? Bạn phải chứng tỏ bản thân mình. Bạn cảm thấy kém cỏi bên trong thế, Bạn cảm thấy vắng lặng và trống rỗng thế. Vậy bạn phải chứng tỏ bạn là ai đó, nếu không bạn làm sao thoải mái được? Có hai cách thức duy nhất. Một cách là đi ra ngoài và chứng tỏ bạn là ai đó, cách kia là đi vào trong và hiểu rằng bạn là không ai cả. Nếu bạn đi ra ngoài thì bạn sẽ không bao giờ có thể chứng minh được bạn là ai đó cả. Nhu cầu sẽ vẫn còn đấy; thay vì thế, nó có thể tăng lên. Bạn càng chứng tỏ thì bạn lại càng cảm thấy nhiều tính ăn mày hơn. Việc chứng tỏ bạn là ai đó không làm cho bạn thành ai đó. Sâu bên dưới, cái không ai cả vẫn còn. Nó làm cho nhói tim bạn, và tại đó bạn biết rằng, bạn là không ai cả. Cách khác là đi vào trong- không cố gắng để gạt bỏ cái không ai cả này, mà để hiểu nó. Khoảnh khắc bạn hiểu bạn là không ai cả thì bạn bùng nổ trong chiều hướng mới- bạn hiểu mình là tất cả. Bạn không phải là ai đó, bởi vì bạn là tất cả. Làm sao tất cả lại có thể là ai đó được? Ai đó bao giờ cũng là một phần. Thượng đế không thể là ai đó được bởi vì ngài là tất cả, ngài không thể sở hữu cái gì, bởi vì ngài là cái toàn thể. Chỉ kẻ ăn mày mới sở hữu, bởi vì việc sở hữu là có giới hạn. Tính chất ai đó có biên giới. Tính không ai cả là vô hạn, giống như tính tất cả.

…Vui đùa là không hướng mục tiêu, bản thân nó là mục tiêu, không có gì tồn tại ngoài nó. Bạn thưởng thức nó, bạn chơi với nó, có thế thôi. Điều đó cũng hệt như trẻ nhỏ Bạn không thể hỏi đứa trẻ đang chơi đùa: “Cháu đang làm gì thế? Ý nghĩa của nó là gì?”. Nó đang tận hưởng bản thân mình, chỉ đuổi theo bươm bướm. Nó sẽ đạt được gì qua việc chỉ nhảy dưới mặt trời? Nỗ lực này dẫn nó tới đâu? Chẳng tới đâu cả! Nó không định đi đâu. Chúng ta gọi nó là ngây thơ và chúng ta coi mình là chín chắn, nhưng nếu như bạn thực sự chín chắn thì một điều nghịch lý xảy ra là bạn sẽ lại trở thành như trẻ thơ. Thế thì cuộc sống của bạn sẽ trở thành sự vui đùa. Bạn sẽ tận hưởng nó, mọi mảnh của nó, bạn sẽ không nghiêm chỉnh. Một tiếng cười sâu sắc sẽ lan ra tất cả cuộc sống của bạn. Nó sẽ giống với điệu vũ nhiều hơn là việc kinh doanh, nó sẽ giống như ca hát nhiều hơn, âm vang trong buồng tắm, không giống như tính toán trong văn phòng. Nó sẽ không là tính toán, nó sẽ chỉ là tận hưởng. Hãy đừng đi vào tương lai. Khi bạn cảm thấy tâm trí đi vào tương lai thì hãy nhảy về hiện tại ngay lập tức. Dần dần bạn sẽ trở thành luôn sống trong hiện tại. Thế thì cuộc sống thành vui đùa, nó là trò chơi. Và thế thì bạn tràn đầy năng lượng đến mức bạn tuôn trào, ngập lụt sức sống. Và sự ngập lụt đó là phúc lạc.

…Chỉ bạn bè mới có thể bàn luận về cuộc sống, việc bàn luận không phải là tranh luận, mà là đối thoại. Trong tranh luận bạn không sẵn sàng lắng nghe người khác, cho dù bạn có nghe thì bạn lại nghe sai. Bạn không thực sự lắng nghe, bạn đơn giản chuẩn bị cho luận cứ của mình. Trong khi người khác đang nói thì bạn sẵn sàng cãi lại. Bạn mang một lý thuyết nào đó và bạn cố gắng để chứng minh nó là đúng. Nhưng người tìm kiếm chân lý thì không mang lý thuyết nào theo mình cả. Anh ta bao giờ cũng cởi mở, mong manh. Anh ta có thể lắng nghe và nếu anh ta  phải nói, thì anh ta không phủ nhận người khác. Anh ta nói không với một kết luận có sẵn, mà với sự tìm tòi. Anh ta không cố gắng chứng minh điều gì đó; anh ta nói từ sự hồn nhiên, không từ triết lý. Đối thoại là có thể khi người khác được yêu, khi không có ý thức hệ đằng sau nó.

…Cuộc sống tới qua việc sinh, nhưng minh triết, kinh nghiệm, niềm cực lạc thì phải học. Đó là ý nghĩa của thiền định. Bạn phải giành lấy nó, phải trưởng thành hướng đến nó, phải đạt đến độ chín chắn nào đó, thế thì bạn có thể biết tới nó. Nhưng mọi người vẫn sống và chết một cách ngây thơ, họ chưa bao giờ thực sự trưởng thành cả, họ chưa bao giờ đạt tới chín chắn. Và một tâm lý chưa chín chắn thì bao giờ cũng đổ trách nhiệm cho người khác. Bạn cảm thấy bất hạnh và nghĩ rằng đấy là mọi người đang tạo địa ngục cho bạn. Sự chín chắn là sự toàn vẹn bên trong, khi bạn bắt đầu hiểu rằng, bạn là người sáng tạo ra đau khổ cho chính mình. “Tôi chịu trách nhiệm. Bất cứ cái gì xảy ra thì đấy cũng là việc làm của tôi”. Đây là điều mà lý thuyết về nghiệp tất cả là gì. Bạn chịu trách niệm. Chớ có nói xã hội chịu trách nhiệm, bố mẹ chịu trách nhiệm, điều kiện kinh tế chịu trách nhiệm. Đừng đổ trách nhiệm lên bất kỳ ai. Điều này giống như mang một gánh nặng, nhưng cần nhận lấy nó. Nếu ngoại vi của bạn gặp ngoại vi của người khác thì sự đụng chạm xảy ra. Nếu bạn cứ bận tâm rằng người khác là sai, thì bạn cứ vẫn còn ở phần ngoại vi. Một khi bạn hiểu ra: “Bất kỳ điều gì xảy ra, mình đều là nguyên nhân, mình đã làm điều đó, mình sẽ chịu trách nhiệm” thì bỗng nhiên tâm thức bạn dịch chuyển từ ngoại vi vào trung tâm. Bây giờ lần đầu tiên bạn trở thành trung tâm thế giới của mình. Bây giờ nhiều điều có thể được làm… bởi vì bất kỳ điều gì bạn không thích, thì bạn có thể bỏ, bất kỳ điều gì bạn thích, thì bạn có thể chấp nhận, bất kỳ điều gì  bạn cảm thấy là đúng, thì bạn có thể theo, còn bất kỳ điều gì bạn cảm thấy không đúng, thì bạn không cần phải theo, bởi vì bây giờ bạn định tâm và bắt rễ trong bản thân mình.

…Cái kết thúc không phải cái gì khác ngoài cái bắt đầu. Cái chết không phải là bất kỳ cái gì khác ngoài việc sinh. Cái cuối cùng phải là cái ngọn nguồn, cái nguyên thủy. Người ta được sinh ra từ cái không và thế rồi người ta chết và đi vào cái không. Chỉ chớp lóe một tia sét thôi. Trong vài khoảnh khắc bạn trong thân thể và thế rồi bạn biến mất. Chẳng ai biết bạn từ đâu tới và rồi bạn đi về đâu cả.

…Khi ai đó chết, bạn thương tiếc cho người đã chết hay thương tiếc cho chính bản thân mình? Mọi người đều thương tiếc cho chính bản thân mình, bởi vì cái chết nhắc nhở rằng bạn cũng sắp chết. Nhưng một người có thể cười vào cái khốn khổ của cuộc sống thì biết cái chết là gì, bởi vì chỉ có người có tri thức, thực sự minh triết mới có thể cười. Nếu bạn hiểu cuộc sống, nếu bạn có thể cười vào nó, thế thì cái chết là việc làm đầy đủ, thế thì nó không phải là kết thúc, nó là đỉnh cao nhất, từ đó mà con người trở về với ngọn nguồn nguyên thuỷ, là việc nở hoa cuối cùng, là hương thơm của cuộc sống. Cuộc sống và cái chết không  phải là hai, chúng là một. Nếu bạn sợ cái chết thì bạn cũng sợ cuộc sống. Nếu bạn yêu cuộc sống thì bạn cũng sẽ yêu cái chết. Dòng nước từ đại dương theo con sông lại trở về đại dương.

…Cuộc sống là biện chứng chứ không logic. Logic có nghĩa là cái đối lập thật sự là đối lập, còn cuộc sống thì bao giờ cũng bao hàm cái đối lập trong chính nó, cái đối lập là phần bù, không có nó thì chẳng có cái gì cả. Chẳng hạn, cuộc sống tồn tại bởi vì cái chết. Nếu không có cái chết thì không có cuộc sống được. Cái chết không phải đâu đó ở chỗ cuối, nó được bao hàm ở đây và bây giờ. Mỗi khoảnh khắc đều có cuộc sống và cái chết của nó, nếu không thì sự tồn tại là không thể có được. Cũng vậy đối với ánh sáng và bóng tối, im lặng và âm thanh. Cuộc sống bao la, nó mang cái đối lập trong bản thân mình. Nó không phủ nhận, nó ôm choàng. Chỉ những tâm trí nhỏ bé mới nhất quán, tâm trí càng hẹp hòi thì càng nhất quán. Khi tâm trí bao la thì mọi thứ đều được bao hàm: ánh sáng và bóng tối, Thượng đế và quỉ, trong sự vinh quang toàn bộ của Ngài.

…Nếu bạn phủ nhận cái vô dụng, thế thì sẽ không có cái hữu dụng nào trên thế giới cả. Nếu bạn phủ nhận cái vô dụng, cái khôi hài, cái vui đùa thì không thể có bất kỳ công việc nào, nghĩa vụ nào. Bạn thực sự là bản thân bạn khi bạn đang làm cái gì đó vô dụng- vì không bán, chỉ để hưởng thú; làm vườn, chỉ để thích thú; nằm dài trên bãi cỏ, không làm gì cả, chỉ để hưởng thú; ngồi bên cạnh một người bạn im lặng hoặc vui đùa… Nhiều điều có thể làm trong khoảnh khắc này. Bạn có thể đổi thời gian thành tiền bạc. Bạn có thể có được số dư tài khoản lớn hơn bởi vì những khoảnh khắc này sẽ không trở lại. Và người ngu thì nói rằng thời gian là tiền bạc. Họ chỉ biết cái hữu dụng của thời gian, cách chuyển nó thành nhiều tiền hơn và nhiều hơn nữa, để cuối cùng chết đi với số dư ngân hàng lớn, nhưng bên trong thì nghèo nàn toàn bộ, bởi vì cái giàu có bên trong chỉ nảy sinh khi bạn có thể tận hưởng cái vô dụng. Và điều vĩ đại nhất bao giờ cũng xảy ra khi bạn không làm gì cả. Chỉ cái tầm thường mới xảy ra khi bạn đang làm điều gì đó. Trang Tử nói: Tôn giáo bắt đầu chỉ khi bạn đã hiểu cái vô ích của tất cả việc làm, và bạn đã đi tới cực đối lập của vô làm, vô hoạt động, thụ động, trở thành vô dụng. Ngài nói rằng cái vô dụng có ích lợi cố hữu riêng của nó. Nếu bạn có thể hữu dụng cho người khác, thế thì bạn phải sống cho họ, thế giới sẽ dùng bạn, mọi người sẽ sẵn sàng dùng bạn, thao túng bạn, điều khiển bạn. Nếu bạn vô dụng thì chẳng có ai nhìn vào bạn, mọi người sẽ quên bạn, họ để bạn trong im lặng, họ sẽ không bận tâm tới bạn. Họ sẽ đơn giản trở nên không nhận biết rằng bạn hiện hữu. Bạn được bỏ lại một mình. Trong bãi chợ bạn sống dường như trên Himalaya. Trong cái đơn độc đó, bạn sẽ trưởng thành. Toàn bộ năng lượng của bạn được chuyển vào trong.

…Cái vô dụng là khía cạnh khác của cái hữu dụng. Nếu bạn loại bỏ nó hoàn toàn thì chẳng còn gì hữu dụng cả. Nhưng điều này lại xảy ra cho thế giới. Chúng ta đã cắt bỏ tất cả những hoạt động vui chơi khi nghĩ rằng thế thì toàn bộ năng lượng của chúng ta sẽ chuyển vào công việc. Cả ngày bạn thức, ban đêm bạn rơi vào giấc ngủ. Đấy là thời gian phí hoài. Cho nên bây giờ có nơi đã thực hiện khai thác cả giấc ngủ. Họ dạy trẻ con trong giấc ngủ. Bạn không thể được phép là bản thân mình ngay cả trong giấc ngủ. Thế thì bạn là cái gì? Bạn trở thành cái răng trong một chiếc bánh răng, bạn chỉ là một phần hiệu quả của một cơ cấu. Nếu bạn hiệu quả là tốt, nếu không thì bạn có thể bị vứt đi, tống vào đống đồng nát, và ai đó khác, người hiệu quả hơn, sẽ thay thế bạn.

…Thiền có thể đem lại cho bạn những thoáng nhìn lớn lao nhất, bởi vì nó là điều vô dụng nhất trên thế giới này. Bạn đơn giản chẳng làm gì cả, đi vào trong im lặng. Nó còn lớn lao hơn giấc ngủ, bởi vì trong giấc ngủ bạn vô ý thức, bạn có thể trong thiên đường, nhưng bạn không biết về điều đó. Trong thiền bạn di chuyển một cách có chủ ý. Thế thì bạn trở nên nhận biết về con đường: cách đi từ thế giới hữu dụng của bên ngoài sang thế giới vô dụng của bên trong. Và một khi bạn biết tới con đường, thì bất kỳ khoảnh khắc nào bạn cũng có thể đơn giản đi vào trong. Ngồi trên xe buýt, trong ô tô, trong tàu hỏa hay máy bay, bạn không làm gì cả, mọi thứ do người khác làm; bạn có thể nhắm mắt lại và đi vào trong cái vô dụng, cái bên trong. Và bỗng nhiên mọi thứ trở nên im lặng, trầm tĩnh, và bỗng nhiên bạn ở ngọn nguồn của mọi cuộc sống.

…Khắp trên thế giới, những người suy nghĩ đều có vấn đề: cuộc sống dường như vô nghĩa. Nhưng Trang Tử thì hạnh phúc, luôn luôn hạnh phúc, hạnh phúc nhất có thể được. Ngài chưa bao giờ nói cuộc sống là vô nghĩa. Điều gì đã xảy ra cho tâm trí hiện đại? Tại sao cuộc sống lại vô nghĩa thế? Nếu cả trái đất này bị lấy đi thì bạn còn lại chỉ trên khoảnh đất mà bạn đang ngồi. Bạn phát chóng mặt. Tất cả xung quanh bạn thấy toàn vực thẳm. Cái vô dụng phải có đó. Nó có nghĩa gì? Cuộc sống của bạn đã trở thành công việc mà không có chơi đùa. Chơi đùa là vô dụng, là bao la. Công việc là hữu dụng, là tầm thường, nhỏ bé. Thượng đế là chơi đùa, còn con người là công việc. Không có Thượng đế thì công việc trở thành vô nghĩa, thành gánh nặng. Thượng đế vui đùa, con người nghiêm chỉnh, không vui đùa thì cái nghiêm chỉnh sẽ quá nhiều, giống như bệnh tật. Cái đối lập phải được tính tới, và cái đối lập là lớn hơn.

…Cuộc sống dường như vô nghĩa, bởi vì cuộc sống bao gồm sự cân bằng giữa cái hữu dụng và cái vô dụng. Bạn phủ nhận cái vô dụng hoàn toàn, bây giờ chỉ cái hữu dụng có đấy và bạn bị nặng gánh vì nó. Dấu hiệu của sự thành công là đến độ tuổi bốn mươi bạn bị ung bướu. Nếu bạn đã qua tuổi bốn mươi và nay năm mươi mà ung bướu vẫn chưa xuất hiện, ấy là bạn thất bại. Bạn đã làm gì trong cả cuộc sống của mình? Bạn đã phí thời gian. Đến tuổi năm mươi bạn thực sự phải bị cơn đau tim đầu tiên. Đến sáu mươi tuổi thì bạn có thể sẽ qua đời- và bạn chưa hề sống. Không có thời gian để sống. Có quá nhiều việc quan trọng phải làm.

…Thành công là thất bại, và không cái gì thất bại giống như thành công. Người thành công thực sự đang mặc cả, đem cái thực để đổi lấy cái giả, đem kim cương bên trong đổi lấy đá màu trên bãi cát. Người giàu là người mất, người thành công là kẻ thất bại. Nhưng bạn nhìn với con mắt tham vọng nên bạn nhìn vào của cải. Bạn chưa hề nhìn vào bản thân chính khách. Bạn nhìn vào chức vụ, quyền lực. Bạn chưa hề nhìn vào con người đang ngồi ở đó, hoàn toàn bất lực, đánh mất mọi thứ, thậm chí không có một thoáng nhìn về phúc lạc là gì. Người ấy đã mua quyền lực, nhưng trong việc mua bán đó, người ấy đã đánh mất bản thân mình. Đến cùng, mọi người thành công đều sẽ cảm thấy mình bị lừa. Điều đó nhất định xảy ra, bởi vì cái ta bên trong bạn bị mất đi cho của cải vô ích. Bạn có thể lừa người khác, nhưng làm sao bạn có thể lừa dối bản thân mình được? Đến cùng, bạn sẽ nhìn vào cuộc sống của mình và bạn sẽ thấy rằng bạn đã làm lỡ nó bởi vì cái hữu dụng. Bởi vì bản thân cuộc sống thì chẳng có ích lợi gì. Không mục đích. Không kết quả. Chỉ là niềm cực lạc thường xuyên, khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia, bạn có thể tận hưởng nó. Không có mục đích. Mục đích là một phần của tâm trí, còn cuộc sống thì tồn tại vô trí, do đó mới nhấn mạnh cái vô dụng. Nếu bạn đang vất vả tìm kiếm cái hữu dụng quá mức, thì bạn không thể loại bỏ tâm trí được. Bạn có thể loại bỏ tâm trí chỉ khi bạn nhận ra rằng không có mục đích và tâm trí cũng chẳng cần thiết. Tất nhiên, khi bạn ra chợ, ngồi trong cửa hiệu, hãy đem theo nó và sử dụng, nó sẽ có ích như chiếc máy tính.

…Con người hoàn hảo không biết cái gì ở bên trong và cái gì ở bên ngoài- cả hai đều là của anh ta, không bận tâm về cái gì hữu dụng và cái gì là vô dụng- cả hai đều là cánh của anh ta. Anh ta bay trong bầu trời bằng cả hai cánh của tâm trí và thiền định, của vật chất và tâm thức, của thế giới này và thế giới kia, của Thượng đế và không Thượng đế. Anh ta là sự hài hòa cao hơn của các phía đối lập. Anh ta là người chủ.

41. Có những người không thể gạt bỏ được tâm trí mình và cũng có người không thể gạt bỏ được việc thiền của mình. Đấy cũng chỉ là cùng một bệnh: họ đang ở trong một nhà tù này hoặc ở trong một nhà tù khác. Thuốc có thể trở thành bệnh mới nếu bạn nghiện nó. Trước hết bạn phải gạt bỏ bệnh tật, và ngay lập tức sau đó, bạn phải gạt bỏ thuốc, nếu không thì thuốc sẽ thế vào chỗ bệnh của bạn và bạn lại phải dính vào nó.

…Trang Tử:
“Mục đích của nơm là để bắt được cá
Khi được cá rồi thì hãy quên nơm.
Mục đích của lời là để chuyển ý
Khi đã được ý rồi thì hãy quên lời”.
Bình chứa, phương tiện, thân thể trở thành quá quan trọng và thế thì bạn trở thành người mù. Phương tiện chỉ cho bạn một thông điệp- bạn hãy nhận lấy thông điệp và quên phương tiện đi.

…Đây là khốn khổ. Bạn được dạy lời, nó là một phần của cuộc sống, và thế rồi bạn phải học cách im lặng, và cách thành vô lời. Đại học, bố mẹ, thày giáo, họ đều dạy bạn lời, và thế rồi bạn phải tìm ra một người thày có thể dạy bạn cách giữ yên tĩnh. Khi bạn hùng hổ qua lời nói đi ra, thì chẳng cái gì có thể thấm vào bạn được, không tình yêu, không thiền định, không Thượng đế. Và tất cả những điều đẹp đẽ xảy ra như một tiến trình đi vào. Cho nên bất kỳ khi nào một người thực sự đi tới hiểu biết thì tri thức bị quên lãng. Đó là điều chúng ta gọi là minh triết. Người ấy đơn giản loại bỏ đi tất cả những cái vô nghĩa.

…Chúng ta nên dạy trẻ con nhìn vào mây trôi, mặt trời lên, trăng sáng trong đêm, dạy chúng cách yêu, dạy chúng không tạo ra rào chắn chống lại tình yêu, thiền định, lời cầu nguyện; chúng ta sẽ dạy chúng cởi mở và mong manh; chúng ta sẽ không đóng tâm trí của chúng. Và tất nhiên chúng ta sẽ dạy chúng về lời và cũng đồng thời cần phải dạy chúng yên lặng.

…Hiền nhân là gì? Một con thuyền rỗng- không lời bên trong, bầu trời trống rỗng không một gợn mây. Không âm thanh, không tiếng động, không hỗn loạn bên trong, một sự hài hòa liên tục, sự thăng bằng, sự cân bằng. Người ấy sống dường như không hiện hữu. Người ấy di chuyển nhưng không có gì di chuyển bên trong người ấy. Người ấy nói nhưng cái im lặng bên trong vẫn có đó, nó chưa bao giờ bị khuấy động. Người ấy dùng lời nhưng lời chỉ là phương tiện để chuyên chở điều gì đó vượt ra ngoài lời. Và nếu bạn bắt giữ, nắm giữ lấy lời thì bạn đã lỡ. Bạn phải hoàn toàn vô lời, chỉ là tâm thức và khi đó thì con thuyền là rỗng và thực tại được lộ ra cho bạn.

…Cái vô dụng, vô nghĩa, ngoại vi trông có vẻ có ý nghĩa thế bởi vì bạn chưa nhận biết về trung tâm. Thế giới này trông có vẻ có ý nghĩa thế bởi vì bạn chưa nhận biết về Thượng đế. Khi Thượng đế được biết tới thì thế giới bị quên đi và không bao giờ ngược lại.

…Làm sao bạn có thể vứt bỏ lời khi mà bạn còn chưa hiểu được ý nghĩa? Đừng cố gắng đánh nhau với ý nghĩ. Nếu chúng tới hãy để chúng tới. Nếu chúng đi hãy để chúng đi. Đừng làm gì cả, chỉ dửng dưng, chỉ là người quan sát, người theo dõi, không bận tâm. Chẳng chóng thì chầy bạn sẽ thấy rằng bây giờ chúng tới, nhưng không nhiều lắm, đôi khi giao thông dừng lại, con đường vắng lặng. Một ý nghĩ đã qua, ý nghĩ khác còn chưa tới, có một khoảng hở Trong khoảng hở đó bạn sẽ biết bầu trời bên trong của mình trong niềm vinh quang tuyệt đối của nó. Hãy không chú ý, dửng dưng, không quan tâm. Đừng yêu tâm trí. Nó cần được dùng và nó có đó bởi vì bạn còn chưa biết vô trí, bạn không biết cốt lõi bên trong nhất của bản thể mình. Ngoại vi có đó và bạn phải mang nó, nhưng hãy mang nó một cách dửng dưng. Đừng trở thành nạn nhân của nó.

…Trong khoảnh khắc khi bạn định chết, thì tâm trí dừng lại, bởi vì chẳng còn gì cho nó làm việc nữa. Tâm trí là một phần của cuộc sống chứ không phải một phần của cái chết. Khi không còn cuộc sống phía trước nữa, thì tâm trí dừng lại; không có công việc, nó thất nghiệp ngay lập tức. Và khi tâm trí dừng lại thì tiếng nói bên trong tới. Nó bao giờ cũng có đó, nhưng tâm trí tạo ra nhiều tiếng ồn đến nỗi một tiếng nói nhỏ bé tĩnh lặng không thể được nghe thấy. Tiếng nói ấy không tới từ phía bên kia, chẳng có ai ở phía kia cả, mọi thứ đều ở bên trong. Thượng đế không phải ở trên trời mà là ở trong bạn. Khi tâm trí thôi làm việc thì tiếng nói tới từ cốt lõi bên trong nhất, và tiếng nói ấy bao giờ cũng phải. Bất kỳ khi nào bạn cảm thấy hạnh phúc thì nó bao giờ cũng tới từ bên trong. Khi bạn đang trong tình yêu thì tình yêu trở thành giống như cái chết, bạn cảm thấy phúc lạc. Bất kỳ khi nào bạn thiền thì đều có những thoáng nhìn. Thế thì tâm trí đi vào và nói:”Hãy hạnh phúc! Nhìn đây, ta đã làm điều đó”. Và ngay lập tức mối tiếp xúc bị mất. Với tâm trí thì không thể có thắng lợi; với vô trí thì không có thất bại. Bạn phải dịch chuyển toàn bộ tâm thức  mình từ tâm trí sang vô trí. Với vô trí có đó thì mọi thứ đều thắng lợi, chẳng cái gì có thể đi sai được, mọi thứ đều tuyệt đối như nó phải như vậy. Người ta mãn nguyện, người ta hoàn toàn ở nhà. Sự dịch chuyển này là có thể chỉ nếu bạn trở thành dửng dưng, chỉ dửng dưng…

…Bạn hãy nhớ: bất kỳ khi nào khoảnh khắc phúc lạc xảy ra thì đừng tìm nó lần nữa. Đừng tìm kiếm sự lặp lại, bởi vì tất cả mọi sự lặp lại đều là của tâm trí. Khi nó xảy ra thì hãy cảm thấy hạnh phúc, biết ơn và quên đi. Cá đã bắt được rồi, hãy quên nơm đi. Và điều cuối cùng:bất kỳ khi nào thiền hoàn tất bạn sẽ quên thiền. Bây giờ bạn thiền trong 24 giờ một ngày. Chẳng phải làm điều gì cả; nó có đó, nó là bạn, là bản thể của bạn. Nếu bạn có thể làm được điều này, thế thì thiền trở thành một luồng liên tục, bạn không cần nỗ lực; nỗ lực là của tâm trí. Bất kỳ khi nào bạn sẵn sàng thì chân lý sẽ được trao cho bạn, ngay lập tức.

…Thông thường chúng ta sống qua tinh ranh, láu cá và mưu lược, không sống như trẻ nhỏ, hồn nhiên. Chúng ta lập kế hoạch, bảo vệ, làm tất cả cho sự an toàn của mình, nhưng kết quả là gì? Chung cuộc điều gì sẽ xảy ra? Tất cả sự an toàn đều tan vỡ, mọi sự tinh ranh đều tỏ ra ngu xuẩn- chung cuộc có cái chết đem chúng ta đi. Tinh ranh không có ích gì, bởi vì tranh đấu với cái toàn thể thì bạn được gì? Không có cách nào khác hơn để chấp nhận tự nhiên như nó hiện hữu và tuôn chảy với nó, bởi vì khi bạn tinh ranh, không tin cậy cái toàn thể, thì bạn mất đi sự tiếp xúc với cội nguồn. Tin cậy là chiếc cầu duy nhất, không có nó thì toàn bộ cuộc đời của bạn bị phí hoài, thất bại của bạn là tuyệt đối chắc chắn. Tốt hơn hết là hiểu ra nó bây giờ, bởi vì vào lúc chết thì mọi người đều hiểu ra sự thất bại của mình, nhưng muộn rồi. Thông minh thực sự thì không tinh ranh, là nhìn vào mọi vật một cách sâu sắc, và bạn biết rằng bạn chỉ là con sóng, cái toàn thể này là đại dương và không cần phải lo nghĩ. Cái toàn thể đã tạo ra bạn, chăm nom bạn. Bạn đi ra từ cái toàn thể. Bạn không cần phải lo nghĩ, không cần lập kế hoạch, chỉ thế thì cuộc sống mới xảy ra cho bạn. Khi bạn cho phép cái toàn bộ vận hành và bạn không là rào chắn, không kháng cự, thế thì bạn không bị thất bại. Bạn đang sống trong lều và bạn không chấp nhận điều đó, bản ngã của bạn muốn cung điện- thế thì bạn là người nghèo. Lều của bạn không làm cho bạn nghèo. Khoảnh khắc bạn muốn cung điện thì bạn là người nghèo bởi vì bạn ghen tị. Bất cứ khi nào có sự bất mãn thì đều có nghèo khó và bất cứ khi nào không có sự bất mãn, thì bạn giàu có. Sự giàu sang đó không thể nào bị lấy đi khỏi bạn theo bất kỳ cách nào.

…Một người say rượu có thể ngã, nhưng chẳng có gì xảy ra cho người ấy cả. Bí mật là gì? Khi người ta say thì không có ham muốn, không có bản ngã, không có nỗi sợ và do đó không có tinh ranh. Tinh ranh đến từ nỗi sợ. Một người bạo dạn thì không tinh ranh, nhưng một kẻ hèn nhát sẽ chỉ phụ thuộc vào tinh ranh. Người càng kém cỏi thì càng tinh ranh. Rượu thường đem lại sức mạnh khi người ta say, còn nói gì đến Đạo, sự say sưa tuyệt đối. Người say với điều thiêng liêng (đắc đạo) thì một dấu vết của bản ngã cũng biến mất. Bạn không thể làm tổn thương họ vì họ không có đó; bạn không thể tạo ra vết thương vì chẳng có ai ở đó mà chống cự; như qua khỏi nhà trống, qua con thuyền rỗng.

…Đừng tranh đấu với tự nhiên. Hãy trong tình yêu sâu sắc, hãy trở thành một với tự nhiên và bí mật sẽ được trao cho bạn Bí mật này là gì? Là bạn không phải là cá nhân, bạn là cái toàn thể. Và tại sao lại thỏa mãn chỉ là một bộ phận? Tại sao không là cái toàn thể? Tại sao không sở hữu toàn bộ vũ trụ? Tại sao lại sở hữu những vật nhỏ bé? Nếu bạn không có sự cản trở nào bên trong mình thì không có gì ngăn cản bạn được, cả thế giới mở ra với bạn. Thế giới này chỉ là phản xạ; nó là tấm gương lớn. Nếu bạn có sự kháng cự, thế thì toàn bộ thế giới có sự kháng cự.

…Khi bản ngã biến mất thì bạn vắng mặt, và thế thì bạn là cái toàn thể. Khi bản ngã có đó thì bạn có mặt, và bạn chỉ là một phần nhỏ nhoi, rất nhỏ nhoi và rất xấu nữa. Bạn hãy nghĩ: tay mình có thể bị chặt đứt mất- liệu cái tay đó có còn đẹp nữa không? Nó sẽ bị hủy hoại, sẽ bốc mùi. Việc phân tách đem đến cái chết, sự hợp nhất đem lại cuộc sống. Trong cái toàn thể, bạn sống động; đơn độc, tách biệt, bạn đang chết và sẽ chết. Mất gốc, bạn nổi như bản ngã. Tất cả mọi nỗ lực của bạn dù láu cá đến đâu cũng đều sẽ thất bại. Chỉ trong cái toàn thể bạn mới đẹp, mới đáng yêu, và ân huệ là có thể xảy ra cho bạn.

…Phẩm chất tôn giáo sâu sắc nhất là ngạc nhiên. Chỉ trẻ con mới có thể ngạc nhiên. Chính với trái tim ngạc nhiên mà mọi sự mới bí ẩn. Một con bướm là một điều bí ẩn. Một hạt mầm đâm chồi là một điều bí ẩn.

…Hãy tập trung vào ngón chân. Nhắm mắt lại và đi vào trong ngón chân và còn lại ở đó. Nó sẽ cho bạn sự cân bằng. Cái đầu đã làm cho bạn quá mất cân bằng. Hãy chuyển ra khỏi đầu vì đầu không phải là gốc rễ, và chúng ta lại ở đầu quá nhiều. Bản tính của bạn chìm vào gốc rễ, tới chính ngọn nguồn. Con sóng đi sâu hơn vào trong đại dương, vào trong cái Một. Cội nguồn là Một. Bạn càng đi sâu hơn thì bạn sẽ thấy càng ít cái vô số, càng nhiều thống nhất hơn. Tại chỗ sâu nhất là cái Một. Và nó là sức mạnh vĩ đại.

…Chỉ bản ngã mới có thể bị đụng chạm. Nó rất hay bị động chạm, giống như một vết thương luôn luôn mở miệng, chưa lành. Bạn chạm vào nó và cái đau phát sinh. Và bao giờ bạn cũng nghĩ người khác có trách nhiệm, rằng người đó đã làm tổn thương bạn. Không, bạn mang vết thương của mình. Với bản ngã thì toàn bộ con người bạn là vết thương. Và bạn mang nó hoài. Chẳng ai quan tâm tới việc làm tổn thương bạn cả, mọi người đều bận rộn với việc giữ an toàn cho vết thương của riêng mình. Bạn không thể đụng chạm vào con người của Đạo được. Tại sao? Chẳng có ai ở đó mà bị đụng chạm cả. Không có vết thương. Người ấy mạnh khỏe, lành lặn, toàn thể, linh thiêng. Bạn hãy nhận biết về vết thương của mình. Đừng làm cho nó lớn thêm. Hãy để cho nó lành lặn. Và nó sẽ lành lặn chỉ khi bạn đi về gốc rễ. Đầu càng ít thì vết thương càng mau lành.- Không có đầu thì không có vết thương nào cả. Bạn hãy sống vô đầu. Hãy di chuyển như một bản thể toàn bộ và chấp nhận mọi điều. Nếu ai đó xô đẩy bạn làm bạn ngã ra trên đất- thì ngã! Thế rồi đứng dậy về nhà. Đừng làm gì cả. Nếu ai đó đánh bạn, dúi đầu bạn xuống, thì hãy chấp nhận điều đó với lòng biết ơn. Hãy về nhà, đừng làm gì cả, chỉ trong 24 giờ thôi, và bạn sẽ biết tới việc dâng lên của một năng lượng mới, một sinh khí mới nảy sinh từ gốc rễ. Khi bạn biết nó thì cuộc sống của bạn sẽ thay đổi. Thế thì bạn sẽ cười to vào tất cả những điều ngu xuẩn mà bạn đã làm, vào tất cả những oán hận, phản ứng, báo thù, và với chúng, bạn đã phá hủy bản thân mình. Không ai khác có thể phá hủy được bạn, ngoại trừ bạn. Không ai khác có thể cứu bạn, trừ bạn. Bạn là Judas và bạn là Jesus.

…Nếu bạn sống vô chọn lựa và cho phép cuộc sống xảy ra, thế thì bạn đơn giản trở thành cánh đồng: cuộc sống xảy ra trong bạn, nhưng bạn không là người quản lý. Nếu bạn không là người quản lý, người kiểm soát thì mọi căng thẳng tan biến; chỉ thế thì mới có thảnh thơi. Việc thảnh thơi đó là điều tối thượng, cái bắt đầu và cái kết thúc. Dù cuộc sống hay cái chết, bạn không nên lấy bất kỳ quan điểm nào. Bất kỳ khi nào bạn có quan điểm, bạn chọn, thì đấy không chỉ là thế giới bị phân chia, bạn cũng bị phân chia qua sự chọn lựa của mình. Bạn không là toàn thể. Và khi bạn không là toàn thể, thì bạn không thể cho phép cuộc sống xảy ra. Nếu bạn là toàn thể bên trong, thì toàn thể bên ngoài xảy ra cho bạn ngay lập tức. Chính bạn trở thành toàn bộ vũ trụ, bạn trở thành được phóng chiếu, nó là bạn- và bất cứ khi nào bạn chọn lựa thì bạn  sẽ bị phân chia, xung khắc, vì cái này chống lại cái kia. Hãy vẫn còn là nhân chứng vô chọn lựa và thế thì chẳng cái gì thiếu cả. Sự tồn tại này là sự tồn tại hoàn hảo nhất. Chẳng cái gì có thể đẹp hơn, phúc lạc hơn cả. Nó có đó, xung quanh bạn, chờ đợi bạn. Nhưng nếu tâm trí bạn cứ làm việc bên trong, phân chia, chọn lựa, tạo ra xung khắc, thì nó sẽ chẳng bao giờ xảy ra cho bạn. Bạn đã lỡ nhiều kiếp rồi. Đừng bỏ lỡ nó thêm nữa.
Xem cả quyển “Thuyền rỗng”

Ads Belove Post