Read more
Osho - Từ thuốc tới Thiền – Trích dẫn
…Khi nào thì tâm ý thức con người trở nên lành mạnh từ bên
trong? Thứ nhất, khi họ bắt đầu cảm nhận được cái tâm bên trong. Thường thì ta
không cảm thấy được cái bên trong. Mọi cảm nhận của ta là vì thể xác- vì tay, vì
chân, vì đầu, vì tim. Không có sự cảm nhận của cái “tôi đang là”. Toàn bộ sự nhận
biết của ta được tập trung lên căn nhà
mà không phải lên người chủ nhân trong căn nhà. Nếu ngày mai ngôi nhà sụp đổ
thì tôi tưởng rằng tôi đang sụp đổ. Nhưng nếu tôi hiểu rằng tôi khác với ngôi
nhà, tôi chỉ ngự trị trong đó- vạn nhất có một ngày ngôi nhà bị vụn vỡ thì tôi
sẽ vẫn còn lại. Thế thì điều này sẽ làm nên một khác biệt trọng đại: nỗi sợ chết
sẽ phai mờ. Không có thiền định thì nỗi sợ chết không bao giờ biến mất. Ý nghiã
đầu tiên của thiền định là sự nhận biết chính mình. Bao lâu nay ta ở trong nhận
biết về điều gì đó- nó không không bao giờ nhận biết chính nó. Đó là lý do tại
sao người ta ngồi một mình, không làm gì, thì ta bắt đầu buồn ngủ. Nếu anh ta
đang đọc báo, nghe đài, thì anh ta cảm thấy mình đang nhận thức. Nếu để anh ta
cô đơn trong phòng tối, thì anh ta sẽ cảm thấy buồn ngủ vì không có gì để làm.
Giấc ngủ có nghĩa là bạn yên lặng, nhưng trong cơn mơ màng. Thiền định có nghĩa
bạn tĩnh lặng nhưng tỉnh thức. Đó là sự khác biệt duy nhất. Nếu bạn có thể tỉnh
thức về chính bạn trong khi bạn tĩnh lặng thì… bạn sẽ bắt đầu trở nên tỉnh giác
về cơ thể của chúng ta và về chính chúng ta. Và nếu sự tỉnh giác này gia tăng
thì nỗi sợ chết sẽ bị xóa nhòa.
…Y khoa không bao giờ có thể giải phóng con người khỏi nỗi sợ
chết. Nó có thể làm tăng tuổi thọ nhưng như vậy cũng chỉ là kéo dài giai đoạn
chờ chết mà thôi. Có khi nó làm cho cái chết đáng thương hại hơn. Còn làm cho
con người lành mạnh, bạn có thể làm cuộc sống của họ hạnh phúc hơn mà không có
nỗi sợ hãi. Sự không sợ hãi chỉ xảy ra trong một tình huống, đó là khi họ chợt
hiểu từ trong tâm khảm rằng, một cái gì đó trong họ không bao giờ chết. Thiền định
là sự thực hiện cái bất tử này, cái mà ở sâu trong ta không bao giờ chết. Chỉ
có vỏ bên ngoài thì mới chết. Và đó là lý do tại sao bạn nên dinh dưỡng thể xác
một cách y học, sao cho nó sống hạnh phúc đến chừng nào nó còn tồn tại., và đồng
thời hãy cố nhận biết về cái bên trong bạn, sao cho thậm chí thần chết có ở ngưỡng cửa nhà bạn, thì bạn cũng không
run sợ.
…Thiền định là một phương pháp giải phẫu kỳ lạ, nó cắt khỏi
bạn những gì không thuộc về bạn và chỉ cứu chữa những gì thuộc về thực thể của
bạn. Nó đốt cháy mọi thứ khác và để bạn đứng trần trụi, đơn độc dưới nắng đẹp
giữa trời gió lộng.
…Cuộc sống phải là một cuộc tìm tòi, không phải là một tham
muốn, mà là mộ cuộc khám phá để phát hiện ra “Tôi là ai”. Thật kỳ cục cho những
người chẳng biết mình là ai, lại đang cố gắng trở thành một ai đó khác. Họ
không quen biết thực thể của mình- thế mà họ lại chiến thắng trong việc trờ
thành. Trở thành là một bệnh tật của linh hồn. Khám phá bản chất của thực thể
trong bạn là bắt đầu cuộc sống. Thế thì
mỗi khoảnh khắc là một phát hiện mới, nó đem lại niềm vui mới, một bí ẩn mới đang
hé lộ cánh cửa của nó ra, một tình thương mới bắt đầu nảy nở trong bạn, một
lòng từ bi lạ lùng mà bạn chưa từng cảm nhận trước đây, một sự nhạy cảm mới mẻ
về cái đẹp, về điều thiện. Bạn trở nên nhạy cảm đến nỗi một ngọn cỏ nhỏ nhất
cũng chứa đựng một điều quan trọng mênh mông đối với bạn như là vì tinh tú lớn
nhất; không có ngọn cỏ này, sự sinh tồn sẽ không còn như nó đang là. Và ngọn cỏ
này là độc nhất, là không thể thay thế được. Sự nhạy cảm này tạo ra một tình bạn
hữu kiểu mới cho bạn- đó là sự thân thương với cây cối, với chim muông, với
loài cầm thú, với những ngọn núi, con sông, với những đại dương, với những vì
sao. Vì bạn trở nên mẫn cảm hơn, cuộc sống cũng trở nên rộng lớn hơn. Nó không
còn là một vũng ao tù nước đọng, nó trở thành đại dương mênh mang. Toàn thể sự
sống này trở thành gia đình bạn, và trước đó thì bạn chưa biết cuộc sống là gì.
Những vì sao là thuộc chúng ta, và chúng ta không phải là khách lạ ở đây. Chúng
ta thuộc vào sự sống một cách mật thiết. Chúng ta là một phần của nó, là trung
tâm của nó.
…Hãy khiến mọi thứ mang tính sáng tạo. Hãy khiến cho họa
thành phước, rủi thành may; điều tốt nhất nảy sinh từ điều tệ nhất- đó là nghệ
thuật. Và nếu một người sống toàn bộ cuộc đời mình cứ khiến mọi lúc, mọi chặng
đường thành một vẻ đẹp, một tình thương, một niềm vui, thì tự nhiên cái chết
đang thành đỉnh điểm tối hậu của nỗ lực trong toàn bộ kiếp sống. Nếu cái chết
là đáng sợ, có nghĩa là toàn bộ kiếp sống của bạn đã bị uổng phí. Cái chết nên
là một sự chấp nhận bình thản, một sự hội nhập đằm thắm vào cái bất khả tri, một
lời tạm biệt vui vẻ với những người bạn cũ, tới thế giới cũ, không có bi kịch
nào.
…Chủ nghĩa duy vật là sự giả tưởng, là sự mê tín của giới
khoa học, cũng như đối với Thượng đế, thiên đường và địa ngục là những điều mê tín của giới tôn giáo.
…Sự khỏe mạnh thật sự cần diễn ra đâu đó bên trong bạn,
trong chủ thể bạn, trong tâm nhận thức của bạn, bởi nó biết rằng không có sinh,
không có diệt. Nó là vĩnh cửu. Và sự lành mạnh trong nhận thức có nghiã là sự tỉnh
thức. Đó là điều đầu tiên, sau đó là sự hài hòa, thứ ba là sự hỷ lạc và thứ tư
là lòng từ bi. Khi bốn điều này được thỏa mãn, con người sẽ thực sự trở nên khỏe
mạnh. Một người biết buông bỏ thì dễ có điều kiện thực hiện được bốn điều này,
Sự khỏe mạnh sẽ làm cho bạn tỉnh táo vì tất cả các kỹ thuật thiền là để làm cho
bạn tỉnh táo hơn, nó kéo bạn ra khỏi giấc ngủ u mê nặng nề. Còn những điệu múa,
bài hát, những cuộc vui chơi sẽ làm cho bạn được hài hòa. Khi cái tôi biến mất
và bạn ở trong dòng chảy thì nhận biết đó mang tính hài hòa. Sự tỉnh thức và
hài hòa sẽ tạo điều kiện cho niềm hỷ lạc xảy ra Hỷ lạc có nghiã là sự an vui
tuyệt đối. Và khi một người đã đạt tới niềm hỷ lạc, từ bi sẽ nảy sinh. Khi bạn
có niềm an vui này thì bạn muốn chia sẻ. Nó bắt đầu tuôn chảy. Bạn không phải
làm gì.
…Khi bạn thử vai một người giúp đỡ, thì người được giúp đỡ sẽ
không bao giờ tha thứ cho bạn. Bạn đã làm tổn thương lòng tự tôn của họ, bạn đã
làm đau bản ngã của họ. Điều đó không nằm trong dự định của bạn… dự định của bạn
chỉ là bơm phồng bản ngã của mình, thế mà điều này chỉ có thể xảy ra được nếu bạn
làm đau bản ngã kẻ khác. Bản ngã lớn hơn sẽ cần nhiều không gian hơn, và kẻ
khác phải thu hẹp không gian của họ để cá nhân họ tồn tại với bạn.
…Hãy thương mến những thành viên trong nhóm của bạn. Hãy
thương họ như hiện thế, chứ không phải như họ nên là. Họ vừa phải chịu đựng suốt
cuộc đời họ từ mọi kiểu nhà lãnh đạo tôn giáo, xã hội, thần học, triết học- những
người sẽ thương họ nếu họ theo đuôi, nếu họ trở nên đúng với hình ảnh phù hợp với
ý tưởng của họ. Họ chỉ thương bạn khi họ đã tiêu diệt bạn hoàn toàn, tàn phá bạn
và đẩy bạn phù hợp với ý đồ của họ.
…Bạn càng sâu lắng vào trong mình, bạn càng có thể chạm sâu
hơn vào cõi lòng người khác. Chúng hoàn toàn là cùng một thứ… bởi tâm bạn và tâm
người không phải là những thứ rất khác biệt. Nếu bạn hiểu thực thể của bạn, thì
bạn hiểu thực thể của mọi người. Bạn cũng đã từng bị điên đảo, vô minh, bạn
cũng đã từng trượt té nhiều lần, bạn cũng đã từng mắc phải tội lỗi chống lại
chính bạn và chống lại những người khác, và nếu những người khác vẫn đang còn
làm những điều đó thì chẳng cần phải lên án. Họ phải được thức tỉnh và để đó
cho họ, bạn không được đóng khuôn họ trong một cái khung nào đó. Thế thì thật
vui khi giúp đỡ người khác, bởi bạn đi đến biết được cái bên trong của con người,
chỗ được che đậy kín đáo nhất của cuộc đời. Và bằng cách biết người khác bạn sẽ
biết về chính mình hơn nữa.
…Nhìn từ bên ngoài thì cái bên trong đang trống rỗng. Nhìn từ
bên trong thì toàn bộ thế giới là trống rỗng, duy cái bên trong bạn là tràn trề,
nhưng những cái đang tràn trề thì lại không nhìn thấy được. Hương vị của thực
thể bạn, tình thương, niềm cực lạc, điều huyền bí, sự tĩnh lặng, lòng từ bi-
không thứ nào thấy được bằng mắt trần. Và thế là một sự thôi thúc quyết liệt lại
nảy sinh. Làm sao khỏa lấp nó đây? Bằng tiền bạc, bằng quyền lực, bằng sự giầu
sang, bằng cách trở thành tổng thống hay thủ tướng? Hãy làm điều gì đó để khỏa
lấp nó vậy. Người ta không thể sống bằng một nội tâm rỗng rang, trống vắng. Một
điều tuyệt diệu trong con người và cuộc sống là chủ quan chứ không phải khách
quan. Nhưng mà từ bên ngoài thì bạn chỉ có thể nhìn thấy những sự vật. Cho nên ở
khắp mọi nơi, những kẻ rỗng tuyếch đang
có nhu cầu bức xúc thống trị người khác. Điều đó cho họ cái cảm giác họ không
trống vắng. Một người tu hành thì bắt đầu tìm cầu trong nội tâm, từ bên trong
và họ trở nên nhận thức được những kho báu bao la. Chỉ như vậy mới khiến cho bạn
ngừng thống trị những người khác. Từ thời điểm đó, toàn bộ nỗ lực của bạn là làm
cho mọi người cũng nhận thức được tính cá nhân của họ, sự giải thoát tự do của
họ, sự vĩ đại của họ, nguồn phúc lạc vô biên của họ, sự mãn túc thanh thản của
họ.
…Thân thể là bí ẩn vĩ đại nhất trong toàn cõi sum la vạn tượng.
Điều bí ẩn này cần được thương yêu săn sóc. Sự vận hành của nó cần được khám
phá cặn kẽ. Bạn sẽ tìm được điều bí ẩn nhất bên trong chính mình; và bên trong
cái cái bí ẩn là bảo tàng thiên quốc của tâm thức bạn. Một khi bạn nhận thức được
tâm thức mình, thực thể mình, thì không còn thượng đế nào ngoài bạn nữa. Chỉ một
người như thế mới có thể thực sự tôn trọng những người khác, những sinh thể
khác, bởi họ cũng đều bí ẩn như người kia vậy… những sự thể hiện khác nhau, sự
đa dạng khiến cuộc đời phong phú hơn lên, đẹp hơn, dễ chịu hơn… Do đó, con người
cần một thân thể tốt đẹp hơn, khỏe mạnh hơn. Con người cần là một thực thể ý thức
hơn, sống động hơn. Con người cần mọi thứ tiện nghi và giàu sang phú quí mà cuộc
sống có thể sẵn sàng cung ứng. Cuộc sống luôn sẵn sàng hiến dâng bạn thiên đường
hiện tại, tiếc rằng bạn cứ trì hoãn nó- nó luôn phải dời đến khi bạn chết, lúc
đó sự khốn khổ của bạn mới chấm dứt.
…Căng thẳng có nghĩa là có khoảng cách giữa con người hiện
thực của bạn và con người bạn muốn trở
thành. Nếu khoảng cách này lớn thì căng thẳng sẽ lớn. Nếu khoảng cách nhỏ thì
căng thẳng nhỏ. Và nếu chẳng có khoảng cách nào thì bạn sẽ thỏa mãn với con người
thực của bạn. Khi bạn không muốn trở thành ai khác hơn là con người thực của bạn,
thì bạn sẽ được giải thoát ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Căng thẳng sẽ không
còn và bạn cảm thấy thoải mái. Khi không có khoảng cách, bạn mới thực sự giải
thoát. Sự chấp nhận hoàn toàn này là phép màu, phép màu duy nhất.
…Nếu bạn yêu thương một người nào đó, bạn không cần phải giả
vờ. Bạn có thể sống thật với chính mình. Bạn có thể lột bỏ mặt nạ của mình và sống
thư thái. Bạn căng thẳng khi cái khác xuất hiện; bạn phải giả vờ, bạn phải tự vệ.
Bạn phải tấn công hoặc phòng thủ. Đó là sự tranh đấu, chống đối- bạn không thể
an nhiên tự tại.
…Thuốc men có thể được sử dụng theo hai cách khác nhau, hầu
hết đều theo quan điểm đối kháng trị liệu. Con người muốn tiêu diệt bệnh tật.
Đó là thái độ tiêu cực. Một người thấu hiểu về chân tánh thì không có thái độ
đó, mà là: có lẽ chứng bệnh này là cần thết trong lúc này. Bạn đừng tìm cách loại
bỏ nó. Bạn sử dụng thuốc men chỉ để giúp cho có thể chấp nhận bệnh tật, cho có
thể có đủ sức mạnh đến mức bạn có thể sống với bệnh tật bằng chân tánh. Hãy
dùng thuốc men để giúp bạn có thêm sinh lực, có thêm sức khỏe, đủ sức mạnh đến
mức có thể chấp nhận bệnh tật như một người bạn, và đừng tạo thêm đối kháng. Rồi
bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy quan niệm về tánh Như này giúp ích cho bạn trong cơn
rối loạn của trái tim, cảm giác, cảm xúc, trong tâm trí xáo trộn và trong cơ thể
bệnh tật của bạn.
…Hãy bắt đầu thư giãn, bắt đầu từ phạm vi bên ngoài, nơi
chúng ta sống. Thư giãn phạm vi bên ngoài của bạn- thư giãn thể xác, thư giãn
thái độ, hành vi của bạn. Đi đứng thư thả, ăn thư thả, nói chuyện, lắng nghe
theo cung cách thư thả. Hãy làm chậm lại mỗi tiến trình. Đừng vội vã, đừng gấp
rút. Hãy hành động như toàn bộ sự sống vĩnh cửu. được dành cho bạn- thật ra, nó
được dành cho bạn. Chúng ta có mặt ở đây từ lúc bắt đầu và chúng ta sẽ có mặt
cho đến lúc chấm dứt, nếu có bắt đầu thì có chấm dứt. Nhưng không có bắt đầu và
chấm dứt. Chúng ta luôn luôn có mặt ở đây và chúng ta luôn luôn ở đây. Hình tướng
tiếp tục thay đổi, nhưng tính chất thì không; áo quần có thể thay đổi nhưng
linh hồn không thay đổi.
…Toàn bộ sự sống đang khiêu vũ, ngoại trừ con người. Toàn bộ
sự sống đang diễn ra theo sự vận hành thư thả. Cỏ cây phát triển, chim chóc hát
ca, những dòng sông trôi chảy, sao trời chuyển đi,… Mọi thứ hoạt động theo nhịp
điệu rất hài hòa, không vôi vàng, gấp rút, không lo âu và không mệt mỏi. Ngoại trừ
con người, con người bị hy sinh cho tâm trí của họ.
…Thế gian có hai loại người: ngựa giống và rùa biển. Nếu ngựa
giống không được phép chạy nhanh, không được phép phi tốc độ, tất phải có căng
thẳng. Và bạn là ngựa giống ư? Hãy quên đi chuyện thư giãn, nó không dành cho bạn.
Nó được dành cho những con rùa biển như tôi! Hãy là ngựa giống, đó là bản chất
tự nhiên của bạn, đừng nghĩ đến niềm vui của mấy con rùa. Bạn có cách vui khác.
Nếu rùa bắt đầu trở thành ngựa giống thì nó cũng ở vào cảnh phiền phức tương tự.
Vậy hãy chấp nhận tính cách của bạn. Bạn là người tranh đấu, một chiến sỹ, bạn
phải sống theo cách ấy., đó là niềm vui của bạn. Hãy đối phó với thị trường,
hãy cạnh tranh giữa chợ, hãy làm những điều bạn thật sự muốn làm. Đừng sợ hậu
quả, hãy chấp nhận căng thẳng. Khi bạn chấp nhận căng thẳng, nó sẽ biến mất. Bạn
sẽ cảm thấy hạnh phúc khi bạn đã bắt đầu sử dụng được một loại năng lực.
…Bạn đang bận chạy theo tiền bạc thì làm sao có thời gian mà
ngắm hoa hồng, dõi mắt theo đàn chim đang tung cánh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của
con người? Bạn trì hoãn mọi thứ này tới một ngày, khi bạn có mọi thứ, bạn sẽ
thư giãn và vui sướng. Nhưng đến khi bạn có mọi thứ, bạn đã trở thành một kiểu
người có kỷ luật nào đó, người đã mù trước các loài hoa, trước vẻ đẹp, người
không thể thưởng thức âm nhạc, không hiểu thơ ca, người chỉ còn có thể hiểu đô-
la. Nhưng những đống đô- la đó không mang lại một sự mãn nguyện nào. Họ đã sẵn
sàng tự treo ngược lên cành cây bởi chẳng có lý do gì để sống thêm. Trái tim họ
đã ngưng dồn đập từ lâu rồi. Họ chỉ còn là những thân xác- được trang sức đẹp đẽ,
được quí trọng, nhưng hoàn toàn trống rỗng và vô nghĩa. Nhưng từ sâu thẳm, khi
cái chết tới gần, họ tự biết mình đã lãng phí cuộc đời.
…Thiền nhân sau cùng sẽ trở thành tấm gương. Bất cứ tình huống
nào phản chiếu lên anh ta, anh ta đều hồi đáp trong khoảnh khắc hiện tại, từ hiện
tại. Do đó, mỗi sự hồi đáp của anh ta đều mới mẻ, tươi tắn, sáng suốt, tốt đẹp,
dễ thương. Đó không phải là một quan niệm cũ kỹ nào đó được anh ta lặp lại.
Không có một tình huống nào hoàn toàn giống với một tình huống khác mà bạn đã từng
gặp trước kia. Như vậy, nếu bạn phản ứng từ quá khứ, bạn không thể nào nắm vững
tình huống, bạn sẽ bị bỏ rơi thật xa ở phía sau. Đó là lý do thất bại của bạn.
Bạn bị đui mù trước tình huống. Thiền nhân là người cởi mở hoàn toàn, với cặp mắt
có khả năng nhận thức tình huống và để cho tình huống thức động sự ứng phó của
anh ta. Anh ta không mang theo một giải pháp sẵn có nào.
…Người hiểu biết thấy rằng không cần đặt bất cứ điều kiện nào.
Bạn có thể hạnh phúc vô điều kiện. Tại sao phải tiếp tục đi bằng đôi giày và
đau khổ, chỉ để sau cùng mới thấy thoải mái khi cởi giầy ra? Tại sao không thoải
mái ngay? Người hạnh phúc thật sự là người không biết gì về hạnh phúc, chưa bao
giờ nghe nói về hạnh phúc cả. Người thật hạnh phúc, hạnh phúc vô điều kiện, làm
sao anh ta có thể biết rằng anh ta hạnh phúc? Chỉ những kẻ bất hạnh mới nói:
“Tôi sung sướng quá, mọi thứ sẽ thật là tuyệt!”. Đây là những người không hạnh
phúc. Hạnh phúc hoàn toàn hiện hữu, luôn luôn hiện hữu. Giống như hơi thở, hạnh
phúc là ngay bây giờ. Đừng thiết lập điều kiện cho hạnh phúc của bạn. Hãy hạnh
phúc không vì bất cứ lý do nào. Chỉ sống hạnh phúc thôi. Hãy học cách sống vui
tươi trong mọi khoảnh khắc. Đời sống không phải là phương tiện cho bất cứ mục
tiêu nào. Đời sống là tức khắc ngay bây giờ. Hãy sống, sống thật trọn vẹn, thật
vui tươi, thật tỉnh thức, rồi bạn sẽ hài lòng. Sự hài lòng không nên trì hoãn,
nếu không, bạn sẽ không bao giờ…
…Mọi kiểu qui định đều là thuốc độc. Nghĩ mình là người Hồi
giáo, Công giáo, là người Hoa, người Anh, chính là nghĩ mình đối lập với cả
nhân loại. Bạn hãy chỉ nghĩ rằng mình là một con người, một con người bình dị,
nếu bạn có chút ít trí khôn. Và nếu trí khôn của bạn nới rộng ra thêm chút nữa thì
bạn sẽ thậm chí xả bỏ cả cái quan niệm về “người”. Bạn sẽ chỉ coi mình như một
chúng sinh. Và chúng sinh thì bao gồm tất cả: cây cối, núi non, sông suối, tinh
tú, chim chóc, muông thú,… Hãy trở nên to lớn hơn, vĩ đại hơn. Tại sao lại phải
sống trong đường hầm? Tại sao bạn lại phải bò vào những hang hốc bé nhỏ, chật
chội, tối tăm? Thế mà bạn cứ tưởng mình đang sống trong những hệ tư tưởng tuyệt
vời. Không tư tưởng nào đủ vĩ đại để dung chức một con người đâu. Không một
quan niệm nào có thể chứa đựng sự sống, Đại Đạo. Mọi quan niệm đều làm què quặt
và tê liệt. Sự tự do thật sự là sự giải thoát khỏi bất cứ ý thức hệ nào. Liệu bạn
có thể đơn thuần sống mà không có bất cứ ý thức hệ nào? Tại sao một ý thức hệ lại
cần nhiều đến vậy? Nó được cần đến bởi nó còn giúp bạn vẫn còn ngu đần phi trí
tuệ; nó cung cấp cho bạn những đáp án làm sẵn và bạn không cần tự mình tìm
chúng.
…Thượng đế đang tìm hạnh phúc thông qua bạn dưới hàng triệu
hình thức. Hãy cho phép Ngài thể hiện mọi hạnh phúc có thể và hãy giúp Ngài đạt
tới những đỉnh cao hơn, những tầm với cao hơn của hạnh phúc. Cốt tủy của tôn
giáo vốn chẳng có gì khác hơn là sự an lạc. Cho nên bất cứ điều gì đem lại cho
bạn niềm an lạc thì đều thuộc về Đạo Đức, bất cứ điều gì khiến bạn buồn khổ, bất
hạnh thì đều là tội lỗi. Hãy lấy điều đó làm tiêu chí. Điều duy nhất tôi muốn
đưa cho bạn là hương vị của nhận biết. Điều đó sẽ thay đổi toàn bộ cuộc đời bạn.
Vấn đề là không phải khép bạn vào kỷ luật; vấn đề là làm cho bạn sáng từ bên
trong.
…Cái “tôi” là quan niệm giả dối của bạn về chính con người bạn;
đó chỉ là sự ngụy tạo của tâm trí, không có một chút sự thật nào. Đó là món
hàng hoàn hảo vì thế giới quan tâm đến nó, bởi vì từ đó bạn liên hệ với những cái tôi khác. Khi bạn vượt qua tâm
trí bạn, bạn cũng vượt qua cái tôi, và bất ngờ bạn thấy rằng, bạn không phải là
những gì bạn luôn luôn nghĩ, rằng con người thật của bạn hoàn toàn khác hẳn, rằng
điều đó không bao gồm thể xác hay tâm trí bạn, rằng thật ra bạn không có lời
nào để diễn tả về nó. Nhưng đó vẫn không phải là thực tại tối thượng, nó chỉ là
ở giữa thực tại tối thượng và sự giả dối tận cùng.
…Bạn cần loại bỏ cái tôi trước nhất. Rồi đến bản ngã cũng biến
mất, đến không còn gì để chấm dứt. Tính chất “Không” này tạo ra khoảng không
gian cho cái tối thượng nở hoa. Bạn sẽ không còn phiền muộn lo âu như trước nữa,
bạn không còn liên hệ nào với quá khứ nữa. Rồi bất ngờ bạn nhận ra rằng, bạn
chưa bao giờ rời khỏi nhà. Bạn luôn luôn hiện hữu. Trước đó, đôi mắt bạn chỉ tập
trung vào mục tiêu, giờ đây tất cả những mục tiêu này đã biến mất, chỉ sự chứng
kiến thuần khiết là còn lại.
…Hãy bắt đầu sống. Hãy bắt đầu huấn luyện đời sống cho một
lúc nào đó trong tương lai. Tất cả những đau khổ trên thế gian được tạo ra là
do bạn hoàn toàn quên sống; bạn mãi bận rộn với những sinh hoạt vốn không liên
hệ gì với đời sống.
…Đau khổ xuất hiện, một lúc sau nó có thể biến mất, nhưng bạn
vẫn còn đó. Hạnh phúc đến, rồi đi; nó có, rồi lại không, nhưng bạn vẫn còn đó.
Cơ thể trẻ rồi trở nên già. Tất cả mọi thứ đều đi- khách đến rồi đi, nhưng chủ
nhà vẫn thế. Đừng lạc mất trong đám khách. Hãy nhớ đến chủ nhân ông của bạn. Chủ
nhân ông ấy là ý thức, là tâm thức chứng kiến. Đâu là yếu tố cơ bản không bao
giờ thay đổi ở bạn? Duy chỉ điều đó. Nhưng chúng ta đã đồng hóa hoàn toàn với
khách. Chủ nhân thật sự quá bận với khách, anh ta quên mất chính mình.
…Đau khổ và lạc thú là hai năng lực bẩm sinh của đời sống.
Con người quá sợ đau khổ đến mức đè nén đau khổ. Và sau cùng, họ bắt gặp sự thật
là, nếu bạn muốn tránh đau khổ, bạn phải tránh lạc thú. Bây giờ bạn bước đi
trên mặt đất bằng phẳng- bạn không bao giờ bước đi trên đỉnh núi và cũng chua
bao giờ rơi xuống thung lũng. Tuy vậy, bạn đang sống một cách tẻ nhạt, buồn
chán, không chút sinh khí, vì đời sống là tồn tại giữa hai đối cực.
…Con người ý thức được hai điều mà không loài thú nào ý thức
được: thứ nhất là cười, thứ hai là chết. Thế là một tổng hợp mới xuất hiện: Chỉ
có con người mới có thể chết cười, anh ta có thể kết hợp cái chết có ý thức và
khả năng cười. Và nếu bạn có thể chết cười, chính lúc ấy bạn mới có thể đưa ra
một bằng chứng giá trị là bạn đã sống cười. Chết là phát biểu tối hậu về toàn
thể cuộc đời của bạn. Bạn có chết cười được không? Bây giờ bạn là một người tiến
bộ. Nếu bạn chết rên la, khóc lóc, bám víu, bạn chỉ là một đứa bé chưa phát triển,
chưa trưởng thành, chứng tỏ bạn luôn lẩn tránh cái chết, lẩn tránh tất cả các
đau khổ.
…Bạn đã mơ hàng triệu giấc mơ. Mỗi sáng ra bạn lại cười và
cho rằng điều đó không thật, nhưng bạn không rút kinh nghiệm nhiều lắm. Dường
như khó có thể tin rằng, tất cả những gì làm bạn đau khổ chỉ là một giấc mơ do
chính bạn tạo ra– nhưng quả đúng như thế. Không một người tỉnh thức nào nói ngược
lại điều đó. Và trong những giây phút tỉnh thức sáng suốt bạn cũng sẽ cảm nhận
được như vậy.
…Bước vào giấc ngủ và nhập định là giống nhau; khác nhau duy
nhất là qua giấc ngủ, người ta nhập định trong trạng thái vô thức, còn qua thiền
thì người ta nhập định trong trạng thái tỉnh thức. Nhưng đấy là một khác biệt
vô cùng lớn. Bạn có thể nhập định qua giấc ngủ trong hàng nghìn kiếp sống, tuy
vậy, bạn không bao giờ biết được sự sống (Đạo, Thượng đế,…). Nhưng nếu thậm chí
chỉ trong một khoảnh khắc, bạn nhập định khi thiền, bạn sẽ đạt tới cùng một nơi
mà bạn đã tới trong giấc ngủ sâu từ trong hàng nghìn kiếp sống, và điều đó sẽ
chuyển biến cuộc sống của bạn hoàn toàn. Và điều thú vị là, một khi một người
đã nhập vào thiền định, nhập vào cõi uyên nguyên rỗng lặng, nơi mà giấc ngủ sâu
đã cuốn anh ta đi, thì anh ta không bao giờ còn là phi tỉnh thức, ngay cả khi
anh ta đang ngủ. Nếu các mộng mị biến mất thì giấc ngủ sẽ toàn vẹn; nếu các vọng
tưởng biến mất thì sự tỉnh thức sẽ toàn vẹn. Nếu sự tỉnh thức là toàn vẹn và giấc
ngủ là toàn vẹn, thì không có khác biệt gì nhiều giữa hai điều đó. Khác biệt
duy nhất: dù mắt mở hay nhắm, và trong thân thể đang hoạt động hay nghỉ ngơi mà
thôi. Tâm thức thì là một, bất biến; chỉ có cơ thể là thay đổi: lúc thức thì cơ
thể đang hoạt động; lúc ngủ thì cơ thể đang nghỉ ngơi.
Xem cả quyển
"Từ Thuốc tới Thiền"