Osho - Và hoa đã mưa xuống - Trích dẫn

Osho - Và hoa đã mưa xuống - Trích dẫn

Price:

Read more

Osho - Và hoa đã mưa xuống
Trích dẫn


Nếu bạn đang tự đánh cái trống của mình quá nhiều, thì chẳng cần Thượng đế mưa hoa lên bạn làm gì - bạn đang ném hoa vào mình rồi. Bạn không biết cái quyền năng của sự trống rỗng. Bạn chỉ biết cái nghèo nàn của bản ngã.

Và khi cái ta biến mất, bạn không hiện hữu, thì toàn bộ sự tồn tại cảm thấy cực lạc và mở hội; hoa mưa rào lên bạn. Khi bạn tan biến, trống rỗng thì chúng bắt đầu mưa rào xuống. Nếu bạn có đó thì làm sao cái Một có đó được? Khi không cái gì xảy ra, thì tất cả xảy ra. Bạn là cái không… tất cả bắt đầu mưa rào lên bạn.

…Chúng ta là một phần của cái toàn thể và cái toàn thể lại không dửng dưng với bạn. Không thể được. Làm sao người mẹ lại có thể dửng dưng với đứa con được- đứa con của chính mình? Khi đứa trẻ lớn lên thì người mẹ cũng lớn lên cùng nó. Khi đứa trẻ hạnh phúc thì người mẹ cũng hạnh phúc cùng nó. Khi đứa trẻ nhảy múa, một cái gì đó trong người mẹ cũng nhảy múa. Khi đứa trẻ ốm đau thì người mẹ cũng ốm đau. Khi đứa trẻ khốn khổ thì người mẹ cũng khốn khổ… bởi vì họ không phải là hai mà là một. Trái tim họ đập cùng một nhịp. Cái toàn thể là mẹ bạn. Cái toàn thể không dửng dưng với bạn. Hãy để chân lý này thấm sâu hết sức vào trong con tim mình. Ngay cả nhận biết rằng cái toàn thể cảm thấy hạnh phúc với bạn sẽ làm thay đổi bạn. Thế thì bạn không phải là người xa lạ, không phải kẻ lang thang vô gia cư, thế thì đây là Nhà. Và cái toàn thể là mẹ bạn, chăm nom cho bạn, yêu thương bạn. Cho nên khi một ai đó thành Phật thì toàn thể sự tồn tại nhảy múa, ca hát, mở hội.

…Sự tồn tại chăm nom, cầu nguyện điều tối thượng sẽ xảy ra cho bạn. Thực tế, bạn không là cái gì khác ngoài bàn tay của cái toàn thể vươn ra đạt tới điều tối thượng, là con sóng tới từ cái toàn thể để chạm tới mặt trăng, là một bông hoa đang nở để cho sự tồn tại được tràn ngập với hương thơm thông qua bạn. Nếu bạn có thể vứt bỏ bản thân mình, thì những hoa đó có thể mưa xuống ngay trong khoảnh khắc này. nhưng chúng ta lại coi cái toàn thể là kẻ thù, không phải là bạn và chưa bao giờ như người mẹ cả. Chúng ta nghĩ về cái toàn thể như nó đang phá hủy chúng ta. Chúng ta nhìn cái toàn thể qua cánh cửa của cái chết, không qua cánh cửa của cái sinh. Do đó, bạn cứ thường xuyên gây chiến với nó và việc đánh nhau của riêng bạn được phản ánh qua cái toàn thể. Và cho dù bạn có đánh nhau với cái toàn thể, thì cái toàn thể cứ vẫn hỗ trợ cho bạn. Cho dù bạn đi sai, cái toàn thể vẫn chăm nom cho bạn, vẫn đi cùng bạn. Nếu đứa trẻ trở thành trộm cắp và ốm yếu thì người mẹ vẫn cứ chăm sóc cho nó. “Thượng đế có thể quên Thánh nhân, nhưng không thể quên tội nhân”. (Jesus)

…Không cái gì dửng dưng với bạn cả. Và khi bạn đạt tới, thì mọi thứ đều mở hội. Thế thì mặt trời cũng chiếu sáng theo cách khác. Khi người ta đã hoàn toàn trống rỗng thì hơi ấm của mặt trời không chỉ là hơi ấm, nó đã trở thành hơi ấm tình yêu. Không khí cũng khác, nó lơ lửng và chạm vào bạn với nhiều tình cảm hơn. Cây sẽ nở hoa, nhưng bây giờ dường như nó nhảy ra.

…Bạn chỉ là không ai cả thì hoa sẽ mưa xuống bạn. Bởi vì nếu bạn là ai đó trong thế giới này thì bạn là không ai cả trong thế giới kia. Giá trị khác nhau. Tại đây, những thứ thô thiển có giá trị, tại kia, những thứ tinh tế lại có giá trị. Và cái tinh tế nhất, vi tế nhất là không hiện hữu. Còn bạn cố gắng hiện hữu, bạn càng thành công là ai đó, bạn càng bị lỡ nhiều. Bạn cầu khẩn giàu có, giàu có cho bạn trở thành ai đó. Bạn cầu khẩn danh vọng và quyền lực, nó sẽ cho bạn trở thành người khác thường. Bạn cầu khẩn học vấn, uyên thâm, trí thức, nó sẽ cho bạn cái gì đó để mà tự hào. Nếu bạn đang tự đánh cái trống của mình quá nhiều, thì chẳng cần Thượng đế mưa hoa lên bạn làm gì- bạn đang ném hoa vào mình rồi. Bạn không biết cái quyền năng của sự trống rỗng. Bạn chỉ biết cái nghèo nàn của bản ngã. Và bạn chỉ thu được cái bất lực được che giấu bởi ảo tưởng, mơ mộng. Nhưng thực tại tới mọi lúc mọi nơi và làm tan nát mọi giấc mơ của bạn.

…Phật nói: Mọi thứ đều tồn tại trong mối quan hệ, nó là tương đối, nó không phải là điều tuyệt đối, bản chất. Chẳng hạn: Bạn nghèo, tôi giầu. Đấy là điều bản chất hay chỉ là mối quan hệ. Tôi có thể nghèo trong mối quan hệ với ai đó khác, còn bạn có thể giàu trong mối quan hệ nào khác nữa. Nếu không có mối quan hệ, thì bạn sẽ là người giàu hay người nghèo? Cho nên chúng không phải là điều mang tính tồn tại, chúng chỉ là khái niệm. Và chúng ta lại bận tâm thế về những điều này mà vốn dĩ là không có. Nó chỉ là mối quan hệ, dường như bạn đã vẽ một bức tranh trên trời. Bạn là ai nếu bạn một mình? Không ai cả. Tính chất ai đó tới từ mối quan hệ với ai đó. Điều đó có nghĩa là, chỉ là không ai cả mới là tự nhiên, mới là trong sự tồn tại. Và bạn là một mình; xã hội tồn tại chỉ bên ngoài bạn, bạn hãy nhắm mắt lại và suy ngẫm xem bạn là ai. Đẹp hay xấu? Được kính trọng hay không được kính trọng? Đạo đức, vô đạo đức? Trẻ, già? Da đen, da trắng? Chủ hay tớ? Bạn là ai? Hãy nhắm mắt lại và trong cái đơn độc của mình thì mọi khái niệm đều bị loại bỏ. Bạn không thể là cái gì cả. Thế thì cái trống rỗng nảy sinh. Tất cả các khái niệm bị triệt tiêu. Chỉ sự tồn tại là còn lại. Và chân lý là tuyệt đối, nó không phải là tương đối. Nó không phụ thuộc vào điều gì. Nó đơn giản có đó. Cho nên bạn hãy tìm chân lý bên trong mình và đừng bận tâm về các mối quan hệ.

…Cái trống rỗng không thể nào được kinh nghiệm. Ai sẽ kinh nghiệm nó? Người kinh nghiệm lại là rào chắn. Người kinh nghiệm và kinh nghiệm đã trở thành một. Nó là việc kinh nghiệm. Và cái trống rỗng cũng không bao giờ trở thành ký ức được, vì nó sẽ không để lại dấu vết gì. Nó bao giờ cũng là bây giờ, là việc kinh nghiệm. Nó không quá khứ cũng chẳng tương la, nó bao giờ cũng là một tiến trình tiếp diễn. Mọi phân biệt giữa người kinh nghiệm và vũ trụ đều không có. Không phân biệt, mọi thứ đều tan biến. Vũ trụ bắt đầu tan chảy trong bạn và bạn tan chảy vào trong vũ trụ. Nhưng vũ trụ vẫn mở hội cho điều đó.- Hoa vẫn cứ mưa rào xuống.

…Trong thế giới này chúng ta có thể có mọi thứ- mọi thứ đều có thể trở thành một phần sở hữu của chúng ta. Chân lý không bao giờ có thể bị sở hữu. Có hai thứ hàng hóa có thể bị sở hữu: ý nghĩ và vật. Nhưng chân lý là sự hiện hữu. Bạn có thể trở thành nó, nhưng bạn không thể sở hữu nó. Bạn không thể có nó cho sự an toàn của mình, trong tay mình. Nó không phải là một khái niệm, nó là bản thân sự hiện hữu. Khuynh hướng của con người là muốn phô bày cái mà bạn không có. Cho nên, bất kỳ cái gì bạn muốn phô bày cho mọi người, thì đấy là cái bạn không có.

…Nếu bạn cảm thấy mình là nhà đạo đức, người khắt khe về đạo đức, thì bạn đã tạo ra bản ngã tinh vi. Thực tế, không có tội lỗi nào ngoại trừ bản ngã, cho nên đừng tích lũy nó; và nó bao giờ cũng được tích lũy qua những cái giả, bởi vì cái thật bao giờ cũng làm tan nát nó. Nếu bạn thật sự biết, nếu bạn thật sự là người thuần khiết thì bản ngã biến mất. Nếu bạn không biết, nếu bạn là người khắt khe về đạo đức, thế thì bản ngã được làm mạnh thêm. Tiêu chuẩn để đánh giá điều gì đúng hay điều gì sai: đánh giá bằng bản ngã. Nếu bản ngã mạnh lên, thế thì nó sai, hãy vứt bỏ nó ngay lập tức. Nếu bản ngã không được làm mạnh thêm, thì đó là tốt.

… “Có thể phải mất bảy mươi năm cho hình dạng của các ông biến mất, nhưng nó biến mất thật- và cái mà một ngày nào đó không có, rồi một ngày nào đó lại không có, thì nó không hiện hữu ở lưng chừng được. Làm sao giữa hai cái không tồn tại, sự tồn tại lại có thể tồn tại được? Làm sao giữa hai cái trống rỗng, lại có thể có cái gì đó bản chất? Nó phải chỉ là một giấc mơ giả” (Phật). Phật gọi bất kỳ cái tương đối nào cũng đều là giả, bất kỳ cái tuyệt đối nào cũng đều là thật. Tính tuyệt đối là tiêu chuẩn cho chân lý, tính tương đối là tiêu chuẩn cho mơ.

…Thánh nhân là giả, tội nhân cũng là giả- Bạn là ai trong bản thân mình? Nếu bạn một mình thì bạn là tội nhân hay thánh nhân? Bạn chẳng là cả hai. Bạn hãy nhìn vào trong thực tại mình đang hiện hữu, không có quan hệ với bất kỳ cái gì khác, thế thì bạn sẽ đi tới chân lý tuyệt đối; bằng không thì mọi thứ chỉ là tương đối, là giấc mơ. Thực tại không phải là tương đối, nó là tuyệt đối. Bạn là ai? Nếu bạn đi vào bên trong và nói: “Mình là ánh sáng”, thì bạn lại đang mơ rồi, bởi vì ánh sáng là gì nếu không có bóng tối. Ánh sáng cần bóng tối để mà có đấy. Nếu bạn nói: “Bên trong tôi là phúc lạc” thì bạn lại đang mơ rồi, bởi vì phúc lạc cần khốn khổ để có đấy. Bạn không thể nói được điều gì vì trong chân lý tuyệt đối, không từ ngữ nào có thể áp dụng được.

…Bản tính thật là bản tính vĩnh hằng của bạn, bạn không thể có nó và không thể không có nó, nó không phải là cái gì đó tới rồi đi- nó là bạn. Nó là bản thể bạn, nó không thể đôi khi hiện hữu và đôi khi không hiện hữu; nó bao giờ cũng có đó, kể cả trước khi bạn sinh và sau khi bạn chết đi. Nó là trung tâm; chu vi thay đổi, còn trung tâm vẫn tuyệt đối vĩnh hằng; nó ở ngoài thời gian. Chẳng cái gì có thể ảnh hưởng tới nó được, chẳng cái gì có thể sửa đổi được nó, đụng chạm tới nó; nó vẫn ở ngoài tầm với của thế giới bên ngoài. Nó giống như biển. Hàng triệu con sóng  có đó, nhưng sâu bên dưới là bình lặng và yên tĩnh. Rối loạn chỉ trên bề mặt nơi biển gặp gỡ với thế giới bên ngoài, với gió. Rối loạn, lo âu, giận dữ, gắn bó, tham lam, thèm khát chỉ xuất hiện trên bề mặt, nơi có quan hệ với người khác. Nhiều người cố gắng thay đổi nó ở trên chu vi, đánh nhau với gió, không cho sóng phát sinh. Và qua việc đánh nhau đó thì sóng còn dậy hơn. Tất cả các nhà đạo đức cố gắng thay đổi con người ở phần ngoại vi. Tính cách của bạn là ngoại vi do người khác viết lên tờ giấy trắng là bạn. Chừng nào bạn còn chưa trở thành tờ giấy trắng lần nữa thì bạn không biết bản tính là gì, đạo là gì. Cho nên vấn đề là thay đổi tâm thức bạn từ ngoại vi vào trung tâm. Thế thì bỗng nhiên bạn thấy rằng bạn bao giờ cũng bình thản, bạn có thể nhìn vào ngoại vi từ một khoảng cách, khoảng cách bao la đến mức dường như điều đó không xảy ra cho bạn và trong thực tế, nó chưa bao giờ xảy ra cho bạn cả.

…Giận dữ là đẹp; dục là đẹp. Nhưng những cái đẹp đó có thể trở thành xấu, điều đó tùy thuộc vào bạn. Nếu bạn kết án chúng thì chúng trở thành xấu; nếu bạn biến đổi chúng thì chúng trở thành điều thiêng liêng. Giận dữ được biến đổi thành từ bi. Dục được biến đổi thành tình yêu. Trong biến đổi bạn không cần kìm nén, không cần kiểm soát, bạn đơn giản trở nên nhận biết hơn. Giận dữ giống như điện trong thân thể bạn, nó là điện bởi vì nó nóng. Nhưng khi giận dữ được biến đổi thành từ bi thì mọi thứ thành mát mẻ, đẹp đẽ, toàn bộ sự tồn tại được biến đổi thành một người bạn. Bây giờ không còn nhiều kẻ thù nữa… bởi vì, khi bạn nhìn qua con mắt của giận dữ, thì ai đó trở thành kẻ thù. Khi bạn nhìn bằng con mắt từ bi, thì mọi người đều là bạn, là hàng xóm. Khi bạn yêu, mọi nơi đều là Thượng đế. Khi bạn ghét, mọi nơi đều là quỉ. Chính quan đieểm của bạn mới được phóng chiếu lên thực tại. Dục là nóng, nó là điên và bạn bị đồng nhất với nó. Càng nhiều tình yêu thì càng nhiều mát mẻ. Từ bi là mát mẻ, và nếu từ bi của bạn vẫn còn nóng thì nó chưa phải là từ bi. Có những người quá nóng và họ tưởng họ có nhiều từ bi. Họ muốn biến đổi xã hội, thay đổi cấu trúc, họ muốn đem điều không tưởng vào thế giới này. Không, họ chỉ có giận dữ. Đối tượng đã thay đổi. Bây giờ đối tượng giận dữ của họ là đối tượng vô nhân tính- xã hội, cấu trúc xã hội, nhà nước, vị trí. Xã hội thay đổi theo cách của chúng, xã hội cũ chết đi theo cách của chúng, không cần phải phá hủy chúng. Và xã hội mới được sinh ra như đứa trẻ con cũng theo cách của chúng. Giai cấp không thể nào bị xóa bỏ. Xã hội loài người không bao giờ có thể trở thành phi giai cấp; bởi vì xã hội tồn tại qua mâu thuẫn. Một con người từ bi thật sự sẽ mát tính, người đó không thể là một nhà cách mạng, bởi vì nhà cách mạng cần một tâm trí, trái tim và thân thể rất nóng. Không kiểm soát, không bày tỏ với người khác, nhiều nhận biết hơn- thế thì tâm thức chuyển dịch từ chu vi vào trung tâm. Và đừng quá bận tâm tới những điều ở ngoại vi, chúng tới rồi chúng đi. Bản tính bạn bao giờ cũng có đó. Nếu bạn cứ bận tâm về những điều đã xảy ra thì… biết bao nhiêu thứ xảy ra trong 24 giờ giống như nói về thời tiết trong ngày. Tất cả những cái đó phỏng có ích gì? Khi bạn ở trung tâm bạn có thể tận hưởng nó. Khi bạn mát tính bạn có thể tận hưởng cả thế giới. Khi bạn nóng, bạn bị đồng nhất, bị lạc, bị lộn xộn làm sao bạn có thể tận hưởng nó được? Chỉ vị Phật mới tận hưởng thế giới này; điều này có vẻ nghịch lý, nhưng lại là thực tế.

…Với người đã chứng ngộ, mọi thứ đều đẹp, còn với người chưa chứng ngộ, thì mọi thứ đều xấu, chỉ có xấu ít và xấu nhiều, chứ không có cái đẹp nào tồn tại cả. Bạn của bạn chẳng là gì ngoài cái người ít thù nghịch nhất với bạn. Bạn như vậy bởi vì tâm trí bạn lộn xộn, rối ren, âm u, bạn không thể thấy được một cách trực tiếp. Bạn yêu và ngay lập tức bạn bắt đầu sở hữu. Nhưng tình yêu không bao giờ có thể sở hữu. Tình yêu đem tự do cho người khác. Nhưng với tâm trí của bạn, tình yêu chẳng là gì ngoài ít căm giận. Việc đánh giá vẫn tiêu cực. Nhưng khi bạn chứng ngộ thì việc đánh giá trở thành tích cực. Thế thì mọi thứ đều đẹp, ngay cả cái loạn thần kinh của bạn cũng đẹp, ngay cả người điên cũng có cái gì đẹp đẽ. Thượng đế có thể đi lạc một chút và phạm tội, nhưng đấy là Thượng đế. Cho nên chẳng có gì sai với người chứng ngộ. Mọi thứ đều phải, ít phải, nhiều phải. Sự khác biệt giữa quỉ và Thượng đế chẳng là cái gì cả, chỉ ít hay nhiều. Thượng đế và quỉ không phải là hai thái cực, hai kẻ thù.

…Vấn đề không phải đi tìm Đạo, vấn đề là tìm ra bản thân bạn, bạn là ai. Khi bạn biết tới bản thân mình, thì Đạo có đó. Khi bạn không biết bản thân mình thì Đạo không có. Bạn có thể nhìn bản thân mình từ khoảng cách xa được không, một người quan sát? Bạn đã vượt ra ngoài bạn chưa? Thế thì đấy là Đạo duy nhất.

…Cuộc sống và cái chết là những bí ẩn sâu sắc nhất. Chúng cũng không phải là hai bí ẩn mà là hai khía cạnh của cùng một bí ẩn, hai cánh cửa của cùng một bí mật. Nhưng chẳng điều gì có thể nói về chúng cả. Bất kỳ cái gì bạn nói thì cũng đều là giả. Bởi vì, cuộc sống có thể được sống, cái chết có thể được sống, chúng là cái kinh nghiệm- người ta phải trải qua chúng và biết chúng. Không ai có thể trả lời cho câu hỏi: cuộc sống là gì? Cái chết là gì? Chừng nào mà bạn chưa sống, chừng nào mà bạn chưa chết, thì ai sẽ trả lời?

…Không có điều khó hiểu nào lại do con người tạo ra. Nếu một điều khó hiểu do con người tạo ra thì nó có thể được trả lời, bởi vì nó chỉ là trò chơi của tâm trí- bạn tạo ra câu hỏi, bạn tạo ra câu trả lời. Nhưng bạn đối diện với điều gì đó mà bạn không tạo ra, thì làm sao bạn trả lời nó được, làm sao tâm trí con người có thể trả lời cho nó được? Nó là điều không thể hiểu nổi cho tâm trí con người. Bộ phận không thể hiểu thấu được toàn thể. Nó chỉ có thể hiểu thấu được bằng việc trở thành cái toàn thể. Bạn có thể nhảy vào trong nó và bị mất- và sẽ có câu trả lời. Nhảy vào cái toàn thể, vào đại dương của cuộc sống và cái chết là nguy hiểm. Chúng ta tất cả đều là những người làm bằng muối khi có liên quan đến đại dương, chúng ta sẽ bị tan chảy trong nó và chúng ta bắt nguồn từ nó, được làm từ nó.

…Bạn đã thấy ai giải thoát bằng lý thuyết chưa? Kinh nghiệm giải thoát, nhưng lý thuyết về kinh nghiệm ư? Không, chưa bao giờ! Nếu bạn lấy cái nhảy thì bạn sẽ mất. Bạn sẽ đi tới biết, nhưng bạn sẽ biết chỉ khi bạn không hiện hữu. Người muối đi tới biết; người đó chạm tới chính chiều sâu. Người đó đạt tới chính trung tâm, nhưng người đó không thể quay lại được. Cho dù người đó có thể quay lại, nhưng làm sao có thể kể lại được? Cho dù người đó tới, thì ngôn ngữ của người đó sẽ thuộc vào trung tâm, vào chiều sâu, còn ngôn ngữ của bạn thuộc vào bến bờ, vào ngoại vi.

…Bất kỳ khi nào bạn sợ, thì một cái gì đó đã trao cho bạn một chỉ dấu về cái chết. Nếu ngân hàng của bạn phá sản, bạn sợ hãi và lo âu, và thực chất là lo âu về cái chết; vì số dư ngân hàng của bạn chẳng là gì ngoài sự an toàn chống lại cái chết. Nếu bạn già đi, nếu bạn bị ốm, thì ai sẽ chăm sóc bạn? Người đảm bảo có đó trong ngân hàng, và ngân hàng đã phá sản rồi. Rồi nữa, bạn nếu bám lấy danh vọng, quyền lực, địa vị, bởi vì bạn có thể được mọi người bảo vệ nhiều hơn. Khi bạn không trong quyền lực thì bạn trở thành bất lực đến nỗi không ai bận tâm tới bạn. Khi bạn đang trong quyền lực thì bạn có bạn bè, gia đình, người theo sau. Khi bạn không trong quyền lực thì mọi người đều rời bỏ bạn, bây giờ không có ai chăm nom, săn sóc bạn. Bạn níu bám lấy chồng hay vợ bạn, bạn sợ vì họ có thể bỏ đi. Người ấy cho sự bảo vệ, cho cảm giác bạn không đơn độc, ai đó đang ở cùng bạn. Nhưng nếu họ bỏ đi thì ai sẽ bảo vệ bạn, ai chăm nom bạn khi bạn ốm? Khi bạn còn trẻ thì đấy là quan hệ dục là chính, nhưng khi họ già đi thì nhu cầu của họ nhiều hơn, nó trở thành quan hệ cuộc sống, bởi vì bây giờ nếu người kia bỏ đi, thì lập tức cái chết có đó. Mọi nỗi sợ đều là về cái chết. Cái chết là nguồn gốc sợ hãi duy nhất.

…Cuộc sống chỉ là một phần, và cái chết là cực điểm. Cuộc sống chỉ là tiến trình; cái chết là đỉnh cao. Cuộc sống chỉ là sự chuyển động; cái chết là sự đạt tới. Và cả hai là một. Cho nên cái gì bạn kính trọng hơn, con đường hay cái đích? Tiến trình hay sự nở hoa? Cái chết là bông hoa, cuộc sống chỉ là cái cây. Và cây có đó cho hoa, hoa không có đó cho cây. Cây phải hạnh phúc, phải nhảy múa khi hoa tới. Cho nên cái chết cần được chấp nhận, được đón chào. Nó là vị khách thiêng liêng. Khi nó gõ cửa vào, có nghĩa là vũ trụ đã sẵn sàng đón nhận bạn về. Khi cái chết xảy ra, hãy im lặng và quan sát. Cái chết là cánh cửa, nó không phải là việc dừng lại. Nhận biết di chuyển, nhưng thân thể thì bạn vẫn còn tại cửa. Thân thể bị bỏ lại bên ngoài ngôi đền, còn nhận biết của bạn đi vào trong đền. Nó là hiện tượng tinh tế nhất, cuộc sống chẳng là gì trước nó. Về cơ bản cuộc sống chỉ là việc chuẩn bị cho việc chết, và những người minh triết học trong cuộc sống của mình cách chết. Nếu bạn không biết cách chết thì bạn đã bỏ lỡ toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì cuộc sống chưa bao giờ chết cả. Cuộc sống không thể chết. Đâu đó bạn đã đồng nhất với thân thể, với máy móc. Máy móc sẽ chết, nó phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Nhận biết là vô điều kiện, nó không phụ thuộc vào cái gì cả. Nó có thể nổi như mây trên trời, không gốc rễ, không sinh không chết.

…Đây là chìa khóa bí mật: Nếu bạn biết sống, thì bạn sẽ biết chết. Nếu bạn hỏi cái chết là gì, thì bạn còn chưa biết sống- bởi vì sâu bên dưới chúng là một. Bí mật của cuộc sống là gì? Bí mật của cuộc sống là cái chết. Nếu bạn yêu, thì bí mật của tình yêu là gì? Cái chết. Nếu bạn thiền, thì bí mật của thiền là gì? Cái chết. Bất kỳ cái gì xảy ra mà đẹp và mạnh mẽ thì bao giờ cũng xảy ra qua cái chết. Bạn chết.  Bạn đơn giản đem toàn bộ bản thân mình một cách toàn bộ vào trong nó và chết cho mọi thứ khác. Bạn trở thành mãnh liệt đến mức bạn không có đó. Tình yêu sâu sắc, toàn bộ đến mức người yêu biến mất, thế thì bạn chỉ là sự chuyển vận năng lượng. Thế thì bạn sẽ biết tình yêu, bạn sẽ biết cuộc sống, bạn sẽ biết cái chết. Ba thứ này là rất có ý nghĩa: tình yêu, cuộc sống và cái chết. Bí mật của chúng là một, và nếu bạn hiểu chúng thì không cần phải thiền. Nếu bạn thực sự yêu thì nó trở thành thiền. Nếu bạn thực sự sống thì nó trở thành thiền. Nhưng nếu bạn không thể yêu sâu sắc, thì làm sao bạn thiền sâu sắc được? Nếu bạn không thể sống sâu sắc, thì làm sao bạn có thể thiền sâu sắc được? Vấn đề là làm sao đi vào chiều sâu được? Nếu bạn đi một cách sâu sắc vào bất kỳ cái gì, thì cuộc sống sẽ chỉ ở ngoại vi và cái chết sẽ ở trung tâm. Cho dù bạn quan sát một bông hoa một cách toàn bộ, quên hết mọi thứ, thì bạn sẽ chết đi trong bông hoa, bạn sẽ kinh nghiệm sự hội nhập, sự tan chảy, bỗng nhiên bạn thấy bạn không hiện hữu, chỉ hoa hiện hữu. Vậy hãy sống từng khoảnh khắc dường như đây là khoảnh khắc cuối cùng. Và chẳng ai biết- nó có thể là cuối cùng thật.

…Im lặng là cần thiết trước cái chết, trước cuộc sống, trước tình yêu. Nếu bạn yêu một người thì bạn ngồi yên lặng với người đó. Nếu bạn huyên thuyên thì bạn đang tránh con người này- tình yêu không thực sự có đấy. Nếu bạn yêu cuộc sống, thì sự huyên thuyên sẽ bị vứt bỏ, bởi vì mọi khoảnh khắc đã được chất đầy với cuộc sống đến mức không có cách nào, không có không gian nào cho việc huyên thuyên. Ăn, hãy ăn cho toàn bộ. Uống, hãy uống cho toàn bộ. Bởi vì chuộc sống đang đi vào bạn qua thức ăn, nước uống. Hãy im lặng và quan sát. Làm sao bạn có thể huyên thuyên được khi bạn đang uống chén trà? Cuộc sống ấm áp đang chảy vào bên trong bạn. Hãy kính trọng.

…Trước những bí ẩn của cuộc sống và cái chết, người ta phải im lặng. Động thái thay đổi, anh ta có thể thấy toàn bộ vấn đề, anh ta đạt tới một thoáng nhìn, satory. Nó không phải là chung cuộc, bạn sẽ mất nó lần nữa. Nó chỉ cho bạn một thoáng nhìn, một cơ hội… dường như bạn đang đi trong đêm tối, trong rừng thẳm, bị lạc, không biết mình đang đi đâu- bỗng nhiên có một ánh chớp. Trong khoảnh khắc đó bạn thấy mọi thứ. Thế rồi ánh chớp biến mất. Bạn không thể ngồi dưới bầu trời và đọc trong ánh chớp. Samadhi là bạn có thể đọc trong ánh sáng của nó. Satory giống như ánh chớp- có một thoáng nhìn về cái toàn thể, rồi nó biến mất. Nhưng bạn sẽ không như cũ nữa. Nó không phải là chứng ngộ cuối cùng, nhưng là một bước tiến lớn tới điều đó. Bây giờ bạn đã biết. Bạn đã nếm trải nó. Bây giờ bạn sẽ tìm kiếm thêm về nó, bây giờ chư Phật sẽ trở thành có ý nghĩa. Satory đem lại sự tin cậy và bắt đầu một chuyển động sống trong bạn, hướng tới chứng ngộ cuối cùng, samadhi.

…Bất kỳ điều gì bạn làm, thì bạn cũng làm một cách thiền định- không cần phải từ bỏ nó. Đây là một sự phát triển mới, cuộc sống không bị chối bỏ. Một thiền sư vẫn cứ làm việc, làm việc trong vườn, trong nông trại, sống bằng chính sức lao động của mình, người đó không phải là kẻ ăn bám. Người đó không bận tâm tới xã hội, và người đó còn tự do hơn đối với xã hội mà người đó đã từ bỏ. Làm sao bạn có tự do khi bạn từ bỏ xã hội? Bạn trở thành kẻ ăn bám, kẻ ăn bám thì không thể có tự do. Vậy hãy sống trong xã hội và trở thành thiền nhân. Đừng trở thành kẻ ăn bám, đừng phụ thuộc vào bất kỳ ai, bởi vì khi phụ thuộc thì cuối cùng sẽ trở thành nô lệ. Nó không làm bạn trở thành người tự do.

…Ham muốn trổ tài là ham muốn của tâm trí dốt nát. Tại sao bạn lại muốn trổ tài? Để mọi người biết tới bạn? Mọi người nghĩ rằng bạn là ai đó rất có ý nghĩa, quan trọng, phi thường? Bởi vì bạn không có cái TA, chỉ có bản ngã- cái thay thế cho cái ta. Bản ngã không phải là thực chất. Cái ta là thực chất, nhưng điều đó bạn lại không được biết tới- và con người không thể sống được nếu thiếu cảm giác về cái TÔI. Cho dù nó là giả thì nó cũng có ích. Không có cái TÔI, bạn đơn giản tan rã! Ai sẽ là người tích hợp cá nhân bên trong bạn? Từ trung tâm nào bạn sẽ vận hành? Chùng nào bạn còn chưa biết đến cái ta, thì bạn sẽ phải sống với bản ngã. Bạn không biết tới bản thân mình, cho nên bạn tạo ra cái ta của riêng mình, nó là sự bịa đặt của tâm trí. Và bất kỳ cái gì là giả thì cần sự hỗ trợ. Trổ tài cho bạn sự hỗ trợ. Chỉ người đạt tới cái ta thì mới vứt bỏ nhu cầu đó. Khi bạn có một trung tâm của riêng mình, thì bạn không cần sự quan tâm của người khác. Thế thì bạn có thể sống một mình, sống một mình ngay cả trong đám đông, bạn sẽ đi vào trong đám đông, nhưng một mình.

Bạn có năng lượng vô biên mà bạn lại không dùng, bạn đang dùng chỉ một mẩu mảnh nào đó. Nỗ lực của bạn lại không toàn bộ. Nếu bạn hờ hững trong nỗ lực của mình, thì bạn chẳng bao giờ đi tới điểm mà toàn bộ nỗ lực trở thành vô dụng. Đó là điểm sôi, là cánh cửa. Một sự thảnh thơi bất thần… và cánh cửa mở ra. Bây giờ bạn có thể thiền mà không là thiền nhân, thiền mà không có việc thiền, không có bản ngã, người hành động trở thành hành động. Mục tiêu là bạn, bên trong bạn- cội nguồn. Còn trước đó bạn cần nỗ lực thiền, nỗ lực học các kỹ thuật thiền.

…Hoàn toàn là không sợ hãi… bởi vì người hoàn hảo biết không có cái chết. Anh ta bao giờ cũng còn là anh ta hiện hữu. Cái gì đó ở ngoại vi, thân thể, mới tan biến đi, cái trung tâm vẫn còn lại, bao giờ cũng còn lại như nó vẫn hiện hữu. Cái chết không dành cho trung tâm. Cơn xoáy lốc chỉ ở phần ngoại vi, nó chưa bao giờ đạt tới trung tâm. Không cái gì đạt tới trung tâm. Người hoàn hảo là định tâm, là bắt rễ trong bản thân mình. Người đó không hoảng sợ. Người đó không phải là người bạo dạn. Người bạo dạn là người có sự sợ hãi, nhưng đi ngược lại nỗi sợ của mình; và người hèn nhát thì cũng có sự sợ hãi, nhưng đi cùng nỗi sợ hãi của mình. Người hoàn hảo không phải là hai loại người đó. Người đó đơn giản biết rằng cái chết là bí ẩn, là điều dối trá, là điều dối trá lớn nhất. Cái chết không tồn tại! Chỉ cuộc sống hay Thượng đế tồn tại. Khoảnh khắc bạn cảm thấy cái bất tử thì bạn cảm thấy điều thiêng liêng, bạn sẽ cảm thấy chính cội nguồn của cuộc sống. Và trung tâm bao giờ cũng tìm ra chu vi của nó, nhưng ngoại vi không thể tìm thấy trung tâm được. Bản thể bao giờ cũng tìm thấy cái hữu tử của nó, tính cách của nó, nhưng tính cách thì không thể tìm thấy bản thể của nó. Dòng sông không thể chuyển động được, nếu không có ngọn nguồn. Nếu ngọn nguồn tuôn chảy bạn sẽ đạt tới đại dương Còn đơn giản nếu bạn đùa với kỹ thuật, với trò chơi thì bạn sẽ lỡ. Điều tối thượng tới chỉ khi tất cả mọi kỹ thuật bị loại bỏ. Điều tối thượng sẽ gõ cửa bạn khi bạn không có đó. Khi bạn vắng mặt là bạn đã sẵn sàng, khi đó mới có không gian  cho điều tối thượng đi vào trong bạn. Bạn phải trống rỗng bao la- chỉ thế mới có khả năng cho việc gặp gỡ.

…Toàn bộ sự dốt nát của tâm trí bao gồm trong việc không ở trong hiện tại, bao giờ cũng di chuyển vào trong tương lai hay vào quá khứ. Bản chất của tâm trí là nghĩ, và trong khoảnh khắc hiện tại thì không thể nghĩ được. Bạn phải lắng nghe, bạn phải hiện diện, và khoảnh khắc chật hẹp tới mức không có khoảnh khắc nào để nghĩ. Nếu bạn nghĩ, điều đó nghĩa là đã qua hay nó còn chưa tới. Quá khứ và tương lai là một phần của thời gian, hiện tại là bạn, nó không phải là một phần của thời gian. Nó không phải là căng thẳng. Bạn lo nghĩ về quá khứ, cái vốn không còn nữa, điều đó là hoàn toàn ngu xuẩn! Bạn không làm được gì với quá khứ cả, và khi lo nghĩ về nó thì bạn làm phí hoài bản thân mình. Hay bạn nghĩ về tương lai, và mơ mộng, và ham muốn. Tương lai chẳng bao giờ tới được. Bất kỳ bao giờ tới thì cũng là hiện tại, và hiện tại thì bao giờ cũng khác hoàn toàn với những ham muốn của bạn, với mơ mộng của bạn. Cho nên đặt kế hoạch và lo nghĩ cho tương lai điều đó làm phí hoài bạn, năng lượng của bạn tiêu tan đi và cái chết tới gõ cửa bạn và nó chỉ gõ cửa bạn trong hiện tại. Bất kỳ cái gì hiện hữu thì cũng ở đây và bây giờ; bất kỳ cái gì không hiện hữu thì không bao giờ là một phần của hiện tại. Hãy vứt bỏ những cái chẳng bao giờ gõ vào bây giờ đi, và nếu bạn di chuyển vào bây giờ thì có chiều hướng mới mở ra, chiều hướng của vĩnh hằng. Người hiểu biết thiền về cách chấm dứt lo nghĩ về tương lai và quá khứ, thiền về cách lắng đọng ở đây và bây giờ và bạn sẽ thức tỉnh.

…Bây giờ bạn hãy quan sát: bất kỳ khi nào bạn bình luận thì bạn lại rơi vào giấc ngủ. Tâm trí đã đi vào, và với tâm trí thì quá khứ và tương lai đi vào. Và khoảnh khắc tâm trí đi vào thì bạn trở thành đường ngang, bạn bỏ lỡ đường đứng, cái vĩnh hằng. Bạn hãy đơn giản lắng nghe. Nếu ai đó đang nói ra chân lý thì chân lý sẽ được lộ ra cho bạn. Chân lý hay phi chân lý không phải là sự đồng ý hay không đồng ý của tâm trí bạn, nó là cảm nhận. Khi bạn trong hòa hợp toàn bộ thì bạn cảm, và bạn đơn giản cảm thấy điều đó đúng hay không đúng- và sự việc kết thúc! Không lo nghĩ về nó. Suy nghĩ chẳng thể làm được việc gì. Vì chân lý nằm bên trong bạn, khi bạn hoàn toàn không nghĩ ngợi gì thì chân lý bên trong bạn có thể được cảm thấy.

…Hãy lắng nghe và hãy tỉnh táo. Bất kỳ khi nào bạn cảm thấy rằng bạn đi vào trong giấc ngủ, thì hãy tự đem mình lại: chỉ rùng mình chút ít và đem mình lại. Sự tỉnh táo này vẫn còn có thể chỉ cho vài khoảnh khắc, lần nữa bạn sẽ làm mất nó, vì bạn đã sống trong giấc ngủ lâu quá rồi, nó đã trở thành một thói quen. Thói quen là nhà tù của bạn, và giấc ngủ là thói quen lớn nhất. Khi bạn tỉnh táo thì trong khoảnh khắc đó không có suy nghĩ. Quá khứ biến mất, tương lai biến mất, bạn ở đây và bây giờ. Khả năng có đó. Nếu bạn nỗ lực thì bạn sẽ bắt được một tia sáng vốn tồn tại trong bạn. Và khi bạn bắt được một tia sáng, thì mặt trời không còn xa lắm, thế thì qua tia sáng bạn có thể đạt tới mặt trời- tia sáng trở thành con đường.

…Cuộc sống là một luồng, chẳng có cái gì còn lại như cũ, mọi thứ đều chuyển động. Bạn không thể bước hai lần trên một dòng sông, làm sao bạn có thể lập kế hoạch được? Việc lập kế hoạch là có thể nếu quá khứ tự lặp lại. Nhưng quá khứ tự nó chưa bao giờ lặp lại cả. Nếu bạn thấy nó lặp lại thì thì cũng chỉ vì bạn không thể thấy cái toàn thể. Trong thực tế, việc lập kế hoạch có nghĩa là bạn cảm thấy không thích hợp thế, bằng không thì tại sao lại phải lập kế hoạch? Lập kế hoạch nghĩa là tâm trí sợ hãi. Và bởi bạn lập kế hoạch mà bạn bỏ lỡ mọi thứ đẹp đẽ, chân thực, mọi thứ thiêng liêng.

…Bạn không thể kích động được bậc thầy, cho dù cái chết có đó, bởi vì kích động thuộc vào tâm trí. Và bạn không thể làm cho thầy ngạc nhiên được, cho dù chết có đó, bởi vì ngạc nhiên cũng thuộc vào tâm trí. Thầy chưa bao giờ trông đợi điều gì cả. Làm sao bạn có thể gây ngạc nhiên cho người chưa bao giờ trông đợi điều gì cả? Với thầy, mọi điều đều có thể, và thầy không bị gắn với bất kỳ khả năng nào. Thầy sống trong khoảnh khắc này hoàn toàn cởi mở, bất kỳ cái gì xảy ra thì cứ xảy ra, thầy chấp nhận tất cả.

…Mọi quyết định của bạn đều sai, bởi vì sự tồn tại không theo quyết định của bạn, nó đi theo con đường của riêng nó. Bạn là một phần của nó- làm sao bạn có thể quyết định cho sự tồn tại được? Đừng bản ngã tới mức nghĩ: “Bất kỳ điều gì mình làm cũng đều phải cả”. Thế thì ai sẽ làm điều sai? Đừng bản ngã đến mức nghĩ: “Mình là người đạo đức, và người khác là vô đạo đức”. Người khác cũng là bạn. Bạn cũng là người khác. Chúng ta là một. Kẻ giết người và nạn nhân không phải là hai. Hãy thấy tình huống và đừng theo các qui tắc chết của nhà đạo đức, hãy hành động như là một nhân chứng, đừng là người làm. Và đừng bận tâm kết quả sẽ là gì. Trong thực tế không có kết quả, không thể có được, bởi vì nó là vô hạn. Cũng giống như ném một hòn đá nhỏ vào trong hồ nước. Hòn đá chìm trong nước, nhưng những gợn sóng cứ lan đi mãi. Hòn đá đã làm thay đổi toàn bộ phẩm chất của sự tồn tại, bởi vì tất cả là một mạng lưới, bạn chạm vào nó bất cứ đâu, lay động nó một chút xíu thôi và toàn bộ mạng lưới rung động, mọi nơi đều được cảm thấy. Bạn mỉm cười với một người- và toàn thể thế giới là một mạng nhện- và toàn bộ thượng đế được thay đổi qua nụ cười đó. Cho nên bạn không cần bận tâm tới quyết định, bởi vì nó là một thứ rất bao la, và cũng đừng nghĩ đến kết quả, kết quả cũng rất bao la. Hãy tự phát, tỉnh táo, hãy là một nhân chứng và không là người làm.

…Không có khả năng thảnh thơi nào nếu bạn có tâm trí và bản ngã; bản ngã là trung tâm của tâm trí. Bạn sẽ căng thẳng. Làm sao thảnh thơi? Chẳng có cách nào trừ phi hiểu biết có đấy. Nếu bạn biết bản chất của thế giới, bản chất của chính sự tồn tại, thế thì bạn là ai mà phải lo nghĩ? Chẳng ai hỏi bạn về việc được sinh ra, thời điểm nào bạn bị đem đi, thế thì tại sao phải lo nghĩ? Việc sinh xảy ra cho bạn, cái chết sẽ xảy ra cho bạn, bạn là ai mà đi vào giữa? Mọi sự xảy ra. Bạn cảm thấy đói, bạn cảm thấy yêu, bạn cảm thấy giận- bạn không phải là người làm. Tự nhiên chăm nom cho. Bạn ăn và tự nhiên tiêu hóa nó, bạn không cần bận tâm về nó, về cách dạ dày, ruột vận hành, và cách thức ăn trở thành máu. Cái toàn thể đang vận động. Đại dương bao la, cái vô hạn đang vận động. Bạn chỉ là một con sóng trong nó. Hãy thảnh thơi và để mọi sự hiện hữu. Một khi bạn biết cách buông bỏ, thì bạn đã biết tất cả những điều đáng biết. Nếu bạn không biết cách buông bỏ, thì bất kỳ điều gì bạn biết cũng đều không đáng kể, chỉ là rác rưởi.

…Nếu bạn nghĩ, bạn sẽ đi lạc lối- dù đúng hay sai cũng không phải là vấn đề. Nếu bạn không nghĩ thì bạn mới trên con đường. Với tâm trí, bạn cứ bỏ lỡ. Tâm trí là một cơ chế là đi theo vòng tròn. Bạn cứ lặp đi lặp lại cùng một điều. Ngày hôm kia bạn đã giận dữ, hôm qua bạn đã giận dữ, hôm nay bạn giận dữ- và có khả năng ngày mai bạn sẽ giận dữ. Và bạn có cảm thấy sự giận dữ có khác nhau mỗi lần không? Giận dữ vẫn là một. Tình huống có thể khác, nhưng giận dữ vẫn là một. Bạn đang di chuyển theo vòng tròn, chẳng có gì đạt được cả. Vòng tròn có thể lớn, rất lớn, nhưng làm sao bạn có thể di chuyển nếu bạn đi trong vòng tròn? Bạn sẽ cảm thấy bị sốc, rằng cả đời bạn đã bị dùng sai, bạn đã không di chuyển được lấy một ly. Cuộc đời bạn như một bánh xe, bạn bám vào bánh xe đó, bạn cảm thấy rất an toàn, và bánh xe cứ chuyển động; từ sinh tới tử nó hoàn thành một vòng tròn. Bạn tới và đi và bạn làm nhiều- chẳng lợi ích gì. Bạn bỏ lỡ ở đây, ngay bước đầu tiên. Nhưng bản chất của cuộc sống là không lặp lại; cuộc sống bao giờ cũng mới. Và vì vậy, tâm trí và cuộc sống không bao giờ gặp nhau; triết học chưa bao giờ hiểu được cuộc sống. Toàn bộ nỗ lực của tôn giáo là làm sao vứt bỏ tâm trí và đi vào cuộc sống, làm sao vứt bỏ cơ chế lặp lại và đi vào hiện tượng luôn mới, luôn xanh tươi của sự tồn tại. Thiền nhân là người vứt bỏ tâm trí, sống cuộc sống trong sự toàn bộ của nó và đơn giản anh ta trở thành sự tồn tại. Bạn làm mọi thứ và không bị gắn bó, đi cùng đám đông trong thế giới ấy vậy mà vẫn một mình; bạn có thể có mọi thứ mà bạn vẫn không bị gắn bó- thì cái gì đó rất sâu sắc đã được đạt tới.

…Và hãy nhớ, bao giờ cũng hãy còn điều này trong tim mình: chân lý, tình yêu, cuộc sống, thiền định, cực lạc, phúc lạc, tất cả những cái vốn là thật và đẹp và tốt, bao giờ cũng tồn tại như một nghịch lý: trong thế giới này và không có nó; với mọi người mà lại một mình; làm mọi thứ mà không hoạt động; di chuyển mà không di chuyển; sống bình thường mà không đồng nhất với nó; làm việc mà vẫn tách ra sâu bên dưới. Sống trong thế giới này mà không phải của thế giới này, đó là nghịch lý. Và khi đạt tới nghịch lý này, thì đỉnh vĩ đại nhất xảy ra cho bạn, kinh nghiệm đỉnh, sự hài hòa xảy ra, sự tổng hợp của các cái đối lập, cây cầu giữa đôi bờ. Chỉ trong sự phức tạp nhất thì điều cao nhất mới xảy ra, và mọi cái đối lập sẽ tan biến.

…Bất kỳ khi nào vị Phật xuất hiện trong thế giới này, thì toàn thể sự tồn tại tìm thấy một trung tâm ở đó. Thế thì tất cả các dòng sông đều chảy về ngài, tất cả các ngọn núi đều cúi mình trước ngài, các vì sao đều chuyển động quanh ngài, toàn thể sự tồn tại hội tụ vào bản thể ngài. Ngài trở thành trung tâm. Phật là người sống khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia, người không sống trong quá khứ, người không sống trong tương lai, người sống ở đây và bây giờ. Và nếu bạn cũng sống khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia thì bạn trở thành vị Phật. Bạn không cần chờ đợi vì phật tính không phải là mục tiêu, bạn có thể trở thành ngay ở đây và bây giờ.

…Bạn đã chọn không đau khổ, cho nên bạn đóng. Bạn có thể không đau khổ nhưng cuộc sống của bạn là sự chán chường, không có phúc lành. Cánh cửa bị đóng- Không buổi sáng, không mặt trời, không mặt trăng bước vào, không bầu trời bước vào, không có không khí trong lành, mọi thứ đều trở thành cũ rích. Và trong sợ hãi bạn đang ẩn nấp ở đó. Nó không phải là ngôi nhà nơi bạn sống, bạn đã biến nó thành nấm mồ. Thành phố của bạn là nghĩa địa. Toàn bộ cuộc sống của bạn là cuộc sống của người chết. Dũng cảm là cần thiết để cởi mở- dũng cảm chịu đau khổ, thế thì phúc lành mới trở thành có thể.

…Bạn lo nghĩ về những tình huống ở mọi nơi trên thế giới, về mọi người, ngoại trừ bạn. Những rắc rối đang có trên thế giới, chúng bao giờ cũng có đó và sẽ có đó. Bạn đã chưa có ở đây mà chúng thì đã có đó rồi. Bạn sẽ sớm không có ở đây nữa còn chúng sẽ còn lại đó. Chính sự sắp xếp của vũ trụ là ở chỗ dường như qua rắc rối và khốn khổ mà một cái gì đó đang lớn lên. Dường như đó là một bước, một trường học cần thiết. Vậy tại sao bạn lại lo nghĩ? Bạn cứ tiêu hao và phí phạm năng lượng của mình cho người khác thì chẳng bao giờ nhìn được vào bản thân mình, thế thì bạn sẽ chẳng bao giờ chứng ngộ cả. Đây là một mẹo của tâm trí để thoát khỏi bản thân mình. Bạn là nhà cải cách xã hội lớn lao, nhà cách mạng, người không tưởng, kẻ phục vụ xã hội vĩ đại- nhưng bạn đang làm gì? Bạn đơn giản lẩn tránh chính mình. Bạn hãy quên toàn bộ xã hội đi, và chỉ thế thì cái gì đó mới có thể được làm cho bạn. Và khi bạn được cứu thì bạn mới có thể đi cứu người khác. Trước khi bạn được chữa lành, bạn không thể chữa lành cho bất kỳ ai. Trước khi bạn được tràn ngập với ánh sáng, bạn sẽ không giúp được cho bất kỳ ai. Bạn trì hoãn vấn đề của riêng mình. Đấy là cách bạn đã phí hoài các kiếp sống của mình. Bạn đừng phí hoài nó thêm nữa.

…Đạo ở ngay trước mắt bạn, nhưng mắt bạn lại không ở ngay trước Đạo. Chúng bị nhắm lại, vẩn đục. Hàng triệu ý nghĩ đang đóng chúng lại, hàng triệu giấc mơ đang trôi nổi trên chúng. Vậy làm sao cho đôi mắt khỏi vẩn đục, cho nó trống rỗng, thảnh thơi? Khi ý nghĩ không có đó thì việc thấy xảy ra. Đừng là người diễn giải thực tại, hãy là người nhìn xa trông rộng. Đừng nghĩ về nó, hãy chỉ thấy nó. Hãy chạm vào nó, hãy cảm thấy cái chạm, hãy ở đây và bây giờ. Bạn đang ăn sao? Hãy nếm thức ăn cho kỹ, hãy ngửi nó cho kỹ, hãy nhai nó cho kỹ- bạn đang nhai thực tại đấy! Đừng đi lang thang trong các ý nghĩ. Bạn đang tắm sao? Hãy tận hưởng nó đi! Vòi hoa sen đang phun nước vào bạn sao? Hãy cảm thấy nó! Hãy trở nên ngày một cảm thấy trung tâm hơn là nghĩ về trung tâm. Thực tại bao quanh bạn từ mọi nơi, va đụng vào bạn từ mọi phía- dù bạn đi đâu thì bạn cũng gặp nó. Thế thì vấn đề là gì? Thân thể đang trong thực tại, nhưng tâm trí lại đang trong ý nghĩ- và đó là nhị nguyên. Vâng, Đạo ở ngay trước mắt bạn- nhưng bạn lại không có đó.

…Lo nghĩ về người khác là ngu xuẩn, lo nghĩ về bản thân mình thậm chí còn ngu hơn- bởi vì lo nghĩ là ngu rồi; còn bạn lo nghĩ về ai thì chẳng thành vấn đề.

…Phải làm gì? Dường như chỉ có hai cách: Hoặc là người hướng ngoại- nhưng nếu là người hướng ngoại thì bạn chẳng bao giờ có thể trở thành vị Phật. Bởi vì bạn lo nghĩ về người khác chỉ có thể là lối thoát khỏi chính bạn, sự hội tụ của bạn là vào người khác, bạn là một cái bóng. Nhưng làm sao bản thể bên trong của bạn phát triển được tới điểm nó trở thành ánh sáng nếu bạn không quan tâm tới nó chút nào. Là người hướng ngoại là tốt theo nghĩa bạn vẫn còn lành mạnh. Là người hướng nội thì nguy hiểm. Nếu bạn đi sai bạn sẽ trở thành người hư hỏng, và việc đi sai là do bạn quá quan tâm đến bản thân mình. Vậy phải làm gì? Hãy đối xử với chính mình như bạn cũng là người khác, đừng quá bận tâm. Và bạn là người khác thực. Thân thể bạn là khác với bạn, sao thân thể tôi lại không khác? Tâm trí bạn là khác với bạn, sao tâm trí của tôi lại không khác? Vấn đề chỉ là khoảng cách. Thân thể bạn cách tôi mét rưỡi, thân thể tôi chút ít gần hơn, có thế thôi. Tâm trí bạn ở kia, tâm trí tôi ở đây- sự khác biệt là khoảng cách. Và nếu thế giới này không phải là mối quan tâm của tôi, thì làm sao bản thân tôi thành mối quan tâm? Sao không bỏ lại cả hai, không hướng ngoại, không hướng nội? Đây là thông điệp của tôi.

…Hãy nhìn vào bản thân mình từ một khoảng cách. Khoảng cách có đó, bạn chỉ cố gắng một lần thôi và bạn sẽ cảm thấy nó. Bạn cũng là người khác. Khi thân thể bạn ốm thì dường như là thân thể của ai đó ốm. Hãy làm bất kỳ cái gì cần thiết nhưng đừng quá quan tâm, bởi vì nếu quan tâm quá nhiều thì đó là bệnh tật còn tệ hơn là bệnh tật của thân thể; đây là bệnh tật của tâm trí, tâm trí cứ mang nó mãi, mặc dù bệnh tật đã biến mất. Quá quan tâm tới mình là bệnh tật. Bạn không thể sung sướng, bạn không thể tận hưởng bản thân mình. Làm sao bạn có thể tận hưởng được? Biết bao nhiêu vấn đề bên trong. Vấn đề, vấn đề và vấn đề, và không có cái gì khác! Và dường như không có giải pháp. Phải làm gì? Bạn phát điên. Mọi người, bên trong, đều điên.

…Tôi và bạn là hai mặt của cùng một đồng tiền, mặt này là tôi, mặt kia là bạn. Nếu tôi bị vứt bỏ đi, thì bạn cũng bị vứt bỏ đi. Ta là một cực, người là cực kia, chúng cả hai đều bị bỏ đi hay cả hai cùng còn lại. Nếu bạn hiện hữu thì xung quanh bạn là đám đông, một đám đông những cái tôi và cái bạn khớp vào nhau. Nếu bạn không hiện hữu thì toàn bộ đám đông sẽ biến mất dường như đấy chỉ là cơn ác mộng- nó đã hiện hữu- và đơn giản im lặng tồn tại, không có sự phân chia ta và người. Nếu có sự phân chia thì tình yêu là không thể có được. Thực sự, khi bạn thấy… bạn chỉ thấy khi bạn không hiện hữu. Nhưng khi bạn không hiện hữu thì ai bận tâm về Đạo? Đạo đã xảy ra rồi. Tại đây bạn biến mất và tại kia mọi thứ đều sẵn sàng, bỗng nhiên chân lý có đó. Sự tan biến của bạn là chân lý. “Cái không có đó của bạn” là Đạo. Sự vắng mặt của bạn là sự có mặt của Thượng đế.

…Chân lý không thể nào có được qua quyền lực, nó chỉ tới khi bạn khiêm tốn. Nó không thể bị mua. Cũng tốt khi nó xảy ra, bằng không thì làm sao bạn mua nó? Tất cả những cái bạn có đều là rác rưởi. Chân lý là món quà, là sự chia sẻ của điều thiêng liêng với bạn- nhưng nó chỉ chia sẻ khi bạn cho phép. Bạn có thể được học nó, nhưng nó lại không thể được dậy.

…Cũng như bạn thở, khi hít vào lồng ngực bạn căng phồng, khi bạn thở ra, không khí đi ra và lồng ngực xẹp xuống; cũng nhịp điệu ấy trong sự tồn tại. Toàn bộ nghệ thuật của cực lạc, thiền định, samadhi là: làm sao trở thành một với nhịp điệu này của vũ trụ. Khi nó thở ra thì bạn thở ra. Khi nó hít vào thì bạn hít vào. Bạn sống trong nó, không tách biệt, là một với nó. Khó đấy, bởi vì vũ trụ là bao la, nếu bạn chưa đi vào thiền định sâu sắc thì bạn không thấy được.

…Chân lý ở trung tâm, còn lời (nói) tồn tại trên bề mặt, trên ngoại vi- nơi mọi người gặp gỡ, nơi gió và đại dương gặp nhau, nơi câu hỏi và trả lời gặp gỡ, nơi lời tồn tại. Chân lý không thể nào đi tới bề mặt được, nó chính là chiều sâu, và lời không thể nào đi tới chân lý được, chúng chính là bề mặt.

…Hiểu biết không phải là vấn đề trí thông minh sắc bén. Hiểu biết là vấn đề hòa hợp sâu sắc. Hiểu biết không phải là vấn đề lý lẽ, trí tuệ, logic. Hiểu biết là vấn đề thông cảm sâu sắc, thậm chí là sự thấu cảm sâu sắc. Hiểu biết xảy ra qua Đức tin, bởi trong Đức tin bạn tin cậy, trong tin cậy bạn thông cảm, hòa hợp là có thể bởi vì bạn không phòng thủ, bạn để cửa mở.

…Cái cần học mà không thể dạy được, thế thì tại sao lại cần thày và thày cứ nói mãi? Nói chỉ là cái mồi. Bất kỳ khi nào đệ tử sẵn sàng, thì lời có dịp được bỏ đi. Chúng chỉ là cách đem lại tới gần hơn, bởi vì bạn không thể hiểu được điều gì ngoại trừ lời. Im lặng chỉ là bức tường với bạn, và mang nỗi sợ sâu sắc nữa, bởi vì nó giống như cái chết. Nếu ai đó cứ im lặng thì bạn bắt đầu cảm thấy sợ, bạn sẽ cố gắng thoát ra khỏi chỗ đó bởi vì bạn cảm thấy rất nặng nề. Tại sao vậy? Bởi vì bạn không thể nào im lặng được và bạn không thể nào hiểu được im lặng. Bên trong bạn đang liên tục huyên thuyên. Thày phải nói để đem bạn tới gần hơn. Bạn càng tới gần, thày càng vứt bỏ nó đi hơn. Một khi bạn ở trong cái nắm giữ của im lặng của thày thì thày không cần nói nữa. Một khi bạn biết im lặng là gì, một khi bạn trở thành im lặng, thì sự hòa hợp mới tồn tại. Bây giờ mọi thứ có thể được nói, được chuyển trao, mà lại không có việc nói và thậm chí cũng chẳng có việc trao. Bây giờ hiện tượng đệ tử đã xảy ra.

…Lời có thể làm việc phủ định, im lặng có thể làm việc khẳng định. Chân lý là gì? Là điều không hiện có. Những người biết đến chân lý nói: thế giới này là ảo vọng, còn tâm trí vốn nhìn vào thế giới này cũng là ảo vọng. Và việc chứng kiến, bạn trong tâm thức sâu của mình, nơi không ý nghĩ nào tồn tại, chỉ bạn tồn tại- Nhưng Phật lại phủ định cả điều đó nữa. Ngài nói: “Không thế giới, không tâm trí, không linh hồn”. Đó là giáo huấn cao nhất- bởi vì nếu mọi sự đều là không, thì làm sao ý nghĩ có thể hiện hữu được? Nếu ý nghĩ không có thì làm sao bạn chứng kiến được chúng? Nếu thế giới là ảo tưởng, thế thì tâm trí vốn nhìn vào thế giới cũng chỉ là ảo tưởng. Thế thì người chứng kiến vốn nhìn vào tâm trí- làm sao có thể là thực được? Phật đi tới cốt lõi sâu sắc nhất của sự tồn tại. Khi bạn phủ nhận mọi thứ, nghĩa là bạn phá hủy cái thế giới mà bạn tạo ra. Cái thực còn lại, cái thực không thể được phủ nhận, bạn có thể biết nó, nhưng bạn không thể phát biểu nó. Khi bạn siêu việt lên trên tất cả ba điều này thì bạn trở thành vị phật, bạn chứng ngộ. Cái thực, chân lý là giải thoát, là niết bàn, là chứng ngộ thì còn lại.

…Bạn thức tỉnh chỉ khi ba giấc ngủ này bị phá vỡ. Một là giấc ngủ với mọi sự vật, thô nhất, đó là nhà cửa, xe cộ, số dư tài khoản ngân hàng,… Bạn có thể làm tăng đồ vật của mình lên, có thể tích lũy một đế quốc bao la, nhưng khi bạn chết, bạn sẽ đi mà không có đồ vật. Cái chết đau đớn thế, bởi vì bạn bị lôi ra khỏi đồ vật. Tốt hơn hết là trước cái chết, bạn hãy làm điều đó, tự đem mình ra khỏi giấc ngủ trên đồ vật. Thế rồi có giấc ngủ thứ hai, giấc ngủ của tâm trí. Có người không quan tâm đến đồ vật, nhưng lại quan tâm tới tâm trí- nghệ sỹ, tiểu thuyết gia, nhà thơ, họa sỹ. Họ có thể đói dữ, họ có thể sống trong khu nhà ổ chuột, nhưng họ cứ làm việc trong tâm trí. Tiểu thuyết họ viết ra sẽ bất tử, mặc dù họ không bất tử. Họ nghĩ vậy. Nhưng khi bạn không thể là bất tử thì tiểu thuyết của bạn làm sao bất tử được? Khi bạn diệt vong thì mọi thứ bạn tạo ra cũng sẽ chết, bởi vì làm sao từ cái chết một cái gì đó bất tử lại có thể được sinh ra? Và lại có việc ngủ thứ ba: các nhà sư, những người đã từ bỏ thế giới này, từ bỏ cả tâm trí nữa (qua thời gian dài thiền định), nhưng một bản ngã tinh vi, cái “tôi”- bây giờ họ gọi là linh hồn-, cái Ta- Ta viết hoa- là giấc ngủ của họ. Việc ngủ phải bị phá vỡ cả trên ba tầng này, và khi tất cả giấc ngủ bị phá vỡ, thì không có ai thức tỉnh, chỉ có việc thức tỉnh có đó, không ai chứng ngộ, chỉ có việc chứng ngộ có đó- đó là hiện tượng nhận biết, không có bất kỳ trung tâm nào…

…Khi thế giới của đồ vật biến mất, thì sự gắn bó, sự ám ảnh của bạn với đồ vật cũng sụp đổ. Khi ham muốn của bạn bị loại bỏ, thì thế giới có đó, nhưng nó lại hoàn toàn là một thế giới mới, tươi tắn, đẹp đẽ, mà một tâm trí gắn bó với đồ vật không thể thấy được. Khi tâm trí biến mất thì ý nghĩ biến mất. Không phải bạn trở thành không có tâm trí, mà bạn trở thành lưu tâm hơn, (Phật dùng từ “chính tâm”). Bạn làm mọi việc, bạn ăn, bạn ngủ, nhưng bao giờ bạn cũng lưu tâm, nhận biết, nhận biết hoàn hảo. Và khi cái ta biến mất thì không phải là bạn biến mất, mà là ngược lại, lần đầu tiên bạn mới hiện hữu, nhưng bây giờ bạn không tách biệt với sự tồn tại, bạn là một với sự tồn tại. Và khi cái ta biến mất, bạn không hiện hữu, thì toàn bộ sự tồn tại cảm thấy cực lạc và mở hội; hoa mưa rào lên bạn. Khi bạn tan biến, trống rỗng thì chúng bắt đầu mưa rào xuống. Nếu bạn có đó thì làm sao cái Một có đó được? Khi không cái gì xảy ra, thì tất cả xảy ra. Bạn là cái không… tất cả bắt đầu mưa rào lên bạn.

Ads Belove Post