Chương 1. Đôi bạn tình cờ

Chương 1. Đôi bạn tình cờ

Price:

Read more

Zorba Hy Lạp
Chương 1. Đôi bạn tình cờ


Tôi gặp hắn lần đầu tiên tại Piraeus. Tôi xuống bến để đáp tàu về Crete. Ngày sắp rạng. Trời mưa. Một cơn gió Ðông Nam Ðịa Trung Hải thổi mạnh và tiếng rào rào của sóng vẳng đến tận quán café nhỏ.
Những cánh cửa kính khép kín, không khí nồng mùi hơi người trộn với mùi rượu đan sâm. Bên ngoài trời lạnh và hơi thở làm mờ những gương cửa sổ. Năm sáu thủy thủ đã thức suốt đêm tại đây, co ro trong những cái áo khoác da dê nâu, đang uống café hay rượu đan sâm và nhìn biển qua những khuôn cửa mờ hơi nước. Những con cá váng vất vì biển động tìm chỗ ẩn trong những vùng nước lặng dưới đáy sâu; ở đó chúng đợi chờ bình lặng bên trên trở lại. Những ngư phủ trong những quán café cũng chờ đợi bão rứt và những chú cá, yên tâm, ngoi lên trên mặt nước và đớp mồi. Cá lờn bờn, cá miêu, cá đuối đang trở về sau những cuộc chinh phạt ban đêm. Ngày ló rạng.
Cửa kính mở. Một phu bến tàu mập lùn, rám nắng, đầu trần, đi chân không, toàn thân vấy bùn, bước vào.
- Kìa! Kostandi, một thủy thủ mặc áo khoác rộng màu xanh da trời kêu lên, hồi này ra sao bạn già?
Kostandi nhổ bọt.
- Mày muốn tao ra sao? hắn gắt gỏng trả lời. Chào chủ quán! Chào cả nhà! Chào chủ quán! chào cả nhà! Ðời tao vậy đó. Thất nghiệp dài dài!
Một vài người bắt đầu cười, những kẻ khác lắc đầu và nguyền rủa.
- Thế giới là tù ngục của cuộc đời, một lão để ria mép, đã học triết lý ở tuồng múa rối Thổ Nhĩ Kỳ* nói. Phải, tù ngục của cuộc đời. Khốn kiếp!
- Hừ, quân phá gia chi tử chó đẻ! Gã gầm lên và ngậm bộ ria mép xám.
Tôi ngồi thu mình trong một góc vì lạnh. Tôi gọi ly đan sâm thứ hai. Tôi thèm ngủ, nhưng tôi chiến đấu chống lại giấc ngủ, chống lại sự mệt mỏi và chống lại nỗi cô liêu của ngày mới rạng. Tôi nhìn qua những khuôn cửa mờ đục ra bến tàu đang thức giấc, nhộn nhạo bởi những tiếng còi tàu, tiếng kêu la của những phu kéo xe và những người lái đò. Và vì nhìn ngắm lâu, một tấm lưới vô hình, dệt nên bởi biển, bởi cơn mưa, và bởi chuyến ra đi, đã xoắn chặt tim tôi bằng những cái mắt lưới dầy của nó.
Mắt tôi dán chặt vào cái mũi đen ngòm của một con tàu lớn. Toàn thân tàu vẫn còn chìm đắm trong đêm tối. Trời vẫn mưa và tôi nhìn thấy những sợi nước mưa nối liền trời với bùn.
Tôi nhìn con tàu đen, bóng tối, cơn mưa và nỗi buồn của tôi thành hình. Những kỷ niệm nổi dậy. Trong không khí ẩm ướt, tạo thành bởi cơn mưa và niềm hối tiếc, khuôn mặt của người bạn chí thiết thân yêu lại hiện ra. Tôi đã xuống bến này tiễn biệt hắn bao giờ? Năm ngoái? Trong một cuộc đời khác hay mới hôm qua? Tôi còn nhớ buổi sáng hôm đó trời cũng mưa gió giá lạnh, và ngày cũng mới lên. Lần đó nữa, tâm hồn tôi cũng trĩu buồn.
Phải chia lìa dần những kẻ thân yêu, cay đắng biết bao! Thà giang tay cắt đứt phũ phàng và tìm lại cô đơn, khí hậu tự nhiên của con người còn hơn. Tuy nhiên, trong buổi rạng đông mưa gió ấy, tôi không thể chia lìa bạn tôi. (Sau này khi hiểu tại sao, than ôi, đã quá muộn rồi còn đâu!) Tôi đã lên tàu cùng với hắn và ngồi trong ca-bin của hắn, giữa những cái va-li ngổn ngang. Tôi chăm chú nhìn hắn thật lâu khi hắn mải nhìn đi chỗ khác, như thể muốn lần lượt ghi sâu vào tâm trí những nét đặc biệt của hắn - cặp mắt trong xanh long lanh, khuôn mặt trẻ trung đầy đặn, cách diễn tả tế nhị và khinh bạc, và, trên tất cả, hai bàn tay quí phái với những ngón thon dài.
Một lát sau bắt gặp cái nhìn tha thiết và quyến luyến của tôi, hắn quay lại với vẻ giễu cợt thường có mỗi khi hắn muốn che dấu cảm xúc. Hắn nhìn tôi. Hắn hiểu. Và để khuây khỏa nỗi buồn biệt ly, hắn hỏi với một nụ cười chế nhạo:
- Cho đến bao giờ?
- Cho đến bao giờ cái gì mới được chứ?
- ... Còn tiếp tục gậm nhấm giấy và bôi vẽ mực? Ði với tôi thầy nhé! Ở Caucasus đó, hàng ngàn đồng bào ta đang lâm nạn. Mình hãy đi cứu họ.
Hắn cất tiếng cười như để nhạo báng cái sứ mệnh cao cả của hắn.
- Có thể chúng ta không thể cứu họ được, nhưng chúng ta sẽ cứu vớt chúng ta trong khi chúng ta cứu vớt những kẻ khác. Có phải thầy đã thuyết pháp thế không, thưa thầy? “Cách duy nhất để cứu mình là tranh đấu cứu vớt những kẻ khác...” Vậy hãy tiến lên, thầy, thầy thuyết pháp hay lắm. Tại sao thầy không đi với tôi?
Tôi không trả lời. Tôi nghĩ tới mảnh đất Ðông Phương thiêng liêng, từ mẫu của những thần thánh, rặng núi cao vòi vọi còn vang dội tiếng gầm thét của Prometheus. Cũng bị trói vào những tảng đá đó, giống nòi tôi đang kêu gào. Một lần nữa giống nòi lại lâm nguy và kêu gọi các con đến cứu. Và tôi thụ động nghe lời kêu cứu đó, như thể nỗi đau đớn chỉ là một giấc mộng và cuộc đời một tấn bi kịch mê say mà trong đó không có ai, trừ kẻ thô lỗ hay khờ khạo, mới nhảy lên sân khấu và tham gia vào hành động.
Không cần chờ câu trả lời, bạn tôi đứng dậy. Tàu hú lên lần này nữa là lần thứ ba. Hắn chìa tay ra cho tôi và một lần nữa lại dấu cảm xúc trong lời chế nhạo.
- Au revoir nhé, mọt sách!
Giọng hắn run run. Hắn biết rằng không chế ngự nổi con tim là một điều đáng xấu hổ. Nước mắt, lời nói dịu dàng, cử chỉ rối loạn, sự suồng sã bình dân, tất cả những thứ đó hình như đối với hắn là những cái yếu đuối không xứng đáng với con người.
Chúng tôi, dầu yêu quí nhau đến thế mặc lòng, chẳng bao giờ trao đổi với nhau một lời nói ngọt ngào. Chúng tôi đùa giỡn và châm chọc nhau như dã thú. Hắn, con người tinh tế, châm biếm, văn minh. Tôi, dân man di. Hắn, tự chủ, khéo léo diễn tả tất cả những xúc động của tâm hồn trong tiếng cười... Tôi, thốt nhiên buông ra một tiếng cười lạc điệu và mọi rợ.
Tôi cũng cố gắng che đậy những cảm xúc của tôi dưới lời cứng rắn, nhưng tôi mắc cỡ, đúng hơn, tôi không đạt tới. Tôi siết tay hắn. Tôi nắm lấy và chẳng chịu buông. Hắn nhìn tôi, ngạc nhiên.
- Xúc động đến thế kia? Hắn gượng cười hỏi.
- Ừ, tôi bình tĩnh trả lời.
- Tại sao? Chúng ta đã quyết định thế nào? Bao năm nay chúng ta đã chẳng từng đồng ý với nhau về điểm đó sao? Những người Nhật Bản yêu quí của thầy nói thế nào? “Fudoshin! Ataraxia”. Ðiềm nhiên, tĩnh mặc trên khuôn mặt: Một cái mặt nạ tươi cười và bất động. Còn cái gì xảy ra dưới cái mặt nạ là việc của chúng ta.
- Phải, tôi lại vừa trả lời, vừa cố gắng không làm tổn thương mình bằng cách buông theo một câu dài. Tôi không dám chắc có thể giữ được giọng nói khỏi run.
Gồng trên tàu vang lên, xua đuổi khách tiễn đưa khỏi các phòng tàu. Trời mưa nhỏ hạt. Không khí đầy ắp những lời tiễn biệt não nề, những lời hứa hẹn, những chiếc hôn dài, những câu dặn dò hớt hải và hổn hển. Mẹ ôm chầm lấy con, vợ quấn chặt lấy chồng. Như thể cuộc chia ly ngắn ngủi này nhắc nhở họ cuộc chia ly khác - cuộc Vĩnh Biệt. Và đột nhiên trong không khí ẩm mục, âm thanh rất dịu dàng của tiếng cồng ngân lên, từ cuối lái tới đầu tàu, như một hồi chuông tang tóc. Tôi rùng mình.
Bạn tôi cúi xuống.
- Sao, hắn hạ giọng, thầy linh cảm thấy điều gì không hay?
- Ừ, tôi lại trả lời.
- Thầy tin những cái nhảm nhí đó à?
- Không, tôi trả lời một cách quả quyết.
- Sao nữa?
Không có “sao nữa” gì hết. Tôi không tin, nhưng tôi sợ.
Bạn tôi nhẹ nhàng đặt bàn tay trái lên đầu gối tôi như hắn thường làm những lúc tâm sự thân mật nhất. Tôi đã thúc đẩy hắn phải đi đến một quyết định rứt khoát, hắn phản đối, khước từ để rồi cuối cùng nhượng bộ, và bây giờ hắn rờ đầu gối tôi, như muốn nói: “Ðược rồi, vì tình bạn, tôi sẽ làm điều anh muốn...”
Hắn chớp mắt hai ba lần rồi lại nhìn tôi. Hắn hiểu rằng tôi đang ưu sầu và lưỡng lự chưa muốn dùng những thứ khí giới quen thuộc của chúng tôi: Tiếng cười, nụ cười, sự chế giễu...
- Ðược lắm, hắn nói. Thầy đưa tay đây. Nếu kẻ nào trong hai chúng ta gặp cơn hiểm nghèo...
Hắn ngừng bặt, như thể hắn mắc cỡ. Chúng tôi, những kẻ từ bao năm nay, thường nhạo báng những cuộc “chạy trốn” siêu hình và bỏ tất cả những kẻ ăn chay, những nhà thông linh học, thông thần học và ngoại chất học vào cùng một rọ...
- Sao nữa?
Tôi gặng hỏi, cố gắng phỏng đoán ý hắn.
- Chúng ta hãy coi đó như một trò chơi, thầy chịu không?
Hắn nói nhanh, để thoát ra khỏi câu nói nguy hiểm hắn vừa mắc vào. Nếu kẻ nào trong hai chúng ta gặp cơn hiểm nghèo, chúng ta hãy nghĩ đến nhau thật mãnh liệt để báo nguy cho người kia dầu ở nơi nào... Ðồng ý?
Hắn gượng cười, nhưng môi hắn, như bị đông giá, vẫn bất động.
- Ðồng ý, tôi nói.
Bạn tôi, sợ bộc lộ cảm xúc quá lộ liễu, vội thêm:
- Dĩ nhiên, tôi chẳng tin thần giao cách cảm chút nào...
- Không sao, tôi thì thầm. Kệ...
- Thôi được rồi, thây kệ, hả. Ðồng ý?
- Ðồng ý, tôi đáp.
Ðó là những lời cuối cùng chúng tôi nói với nhau. Chúng tôi lặng lẽ siết tay nhau, ngón tay chúng tôi đan vào nhau tha thiết, rồi đột nhiên rời ra. Tôi vội vã quay đi không ngoái lại như kẻ bị theo dõi. Tôi hoảng hốt muốn quay lại nhìn bạn tôi một lần cuối, nhưng tôi kìm hãm mình. “Không được quay lại!” tôi tự ra lệnh. “Tiến tới!”
Tâm hồn con người, sa lầy trong xác thịt, còn ở trạng thái thô kệch, bất toàn. Với những khả năng phát triển chưa đủ độ, tâm hồn không thể tiên cảm một cách minh bạch và chắc chắn. Nếu tâm hồn có khả năng ấy, cuộc chia ly này đã khác biết bao!
Trời sáng dần. Hai buổi sáng hòa lẫn vào nhau. Khuôn mặt thân yêu của bạn tôi, bây giờ tôi càng thấy rõ hơn, hãy còn bất động và cô độc trong cơn mưa, và trong không khí hải cảng. Cửa quán café bật mở, biển gầm thét, một thủy thủ mập lùn bước vào, chân dạng ra, ria dài thòng. Nhiều tiếng kêu thét lên vui mừng:
- Chào thuyền trưởng Lemoni!
Tôi thu mình trong góc, cố gắng tập trung tư tưởng lần nữa. Nhưng khuôn mặt bạn tôi đã tan ra trong mưa.
Ánh sáng tăng thêm, thuyền trưởng Lemoni cau có và trầm mặc lấy chuỗi tràng hạt hổ phách ra và bắt đầu lần. Tôi cố chống lại không nhìn, không nghe để giữ lại đôi chút hình ảnh đã điêu tàn.
Sống lại cơn giận dữ xâm chiếm tôi thuở ấy, cơn giận pha xấu hổ, khi bạn tôi gọi tôi là “mọt sách”. Từ đó tôi nhớ ra rằng, tất cả nỗi ghê tởm của tôi đối với cuộc đời tôi đã sống, đã thể nhập trong danh từ đó. Tại sao tôi, kẻ tha thiết yêu đời đến thế, lại để mình vướng mắc trong đống sách vô giá trị và đống giấy mực đen ngòm lâu đến như vậy! Trong buổi chia tay đó, bạn tôi đã giúp tôi thấy rõ. Tôi cảm thấy khuây khỏa. Biết rõ từ nay tên của nỗi sầu đau của mình, có thể tôi sẽ chiến thắng nó một cách dễ dàng hơn. Nó không còn tản mát và vô hình; nó đã mặc lấy một danh từ và một hình thể và cuộc chiến đấu chống lại nó trở nên dễ dàng đối với tôi...
Câu nói đó chắc chắn đã lặng lẽ tiến triển ngầm trong tôi. Từ đó tôi tìm cớ để bỏ rơi sách vở và lao mình vào hành động. Tôi ghê tởm đã mang con vật gậm nhấm khốn khổ đó trên tấm huy chương của tôi. Và một tháng trước đây, cơ hội ao ước đã tới. Tôi thuê trên bờ đảo Crete, bên bờ biển Lybia, một mỏ than bùn cũ bỏ hoang, và tôi sắp sống với những người đơn giản, những thợ thuyền, nông dân, xa cách loài mọt sách.
Tôi rất xúc động khi sửa soạn ra đi, như thể cuộc du lịch này có một ý nghĩa nào thầm kín. Tôi đã quyết định thay đổi cuộc sống. “Cho tới nay, tâm hồn ta ơi”, tôi tự nhủ, “mi chỉ nhìn thấy bóng tối và bằng lòng với nó; bây giờ, ta dẫn mi về với xác thân.”
Cuối cùng tôi đã sẵn sàng. Buổi tối trước ngày ra đi, trong khi lục lọi chồng sách vở, tôi tìm thấy một tập bản thảo dở dang. Tôi cầm lên, nhìn ngắm và lưỡng lự. Từ hai năm nay, trong cõi sâu thẳm của con người tôi, rung động một ước vọng lớn lao, một hạt giống: Ðức Phật. Lúc nào tôi cũng cảm thấy nó ngấu nghiến tôi và chín mùi trong lòng tôi. Nó lớn dần, cử động, bắt đầu đạp ngực tôi để thoát ra. Bây giờ tôi không đủ can đảm rứt bỏ nó. Không thể được nữa rồi. Ðã quá muộn cho một cuộc trụy thai tinh thần như thế này.
Ðột nhiên, tôi phân vân cầm lấy tập bản thảo, nụ cười của bạn tôi nở trong không khí, chế giễu và dịu dàng. “Tôi sẽ mang đi?” Tôi nói bướng. “Tôi sẽ mang đi cho mà xem. Ðừng có cười!” Tôi cẩn thận gói lại như quấn tã cho một hài nhi và mang theo.
Người ta nghe thấy tiếng thuyền trưởng Lemoni, trầm và khàn khàn. Tôi lắng nghe. Ông ta nói về những con quỉ lùn đã leo lên liếm cột buồm tầu ông, trong cơn giông bão.
- Chúng mềm nhũn và dính, ông ta nói. Khi mó vào chúng, tay mình bắt lửa. Một lần tôi vuốt ria thế là suốt đêm tôi sáng bừng lên như một con quỉ. Rồi nước biển tràn vào tàu và làm ướt hết hàng hóa của tôi. Hàng nặng thêm và tàu bắt đầu nghiêng. Tôi sắp mất nghiệp thì may mắn thay ông trời ngó lại giáng cho một lưỡi tầm sét đánh bật tung những cửa hầm tàu và tất cả than theo. Biển đầy than, nhưng con tàu nhẹ đi và lại trồi thẳng lên được. Lần này tôi lại thoát hiểm như vậy đó.
Tôi thò tay vào túi lấy ra cuốn Dante, ấn bản bỏ túi - người bạn đường của tôi. Tôi châm tẩu, dựa vào tường cho thoải mái. Tôi lưỡng lự một lát: Phải đọc đoạn thơ nào bây giờ? đoạn về nhựa thông nóng bỏng của Ðịa Ngục, về đống lửa tẩy uế của Lò Luyện Tội hay nhào ngay vào bình diện cao nhất của Hy Vọng nhân loại? Tôi lựa chọn. Cầm trong tay cuốn Dante bỏ túi, tôi khoan khoái hưởng sự tự do của tôi. Những câu thơ mà tôi sắp chọn trong buổi tinh mơ này sẽ cầm nhịp cho cả một ngày.
Tôi cúi mình trên rừng viễn tượng đó để quyết định, nhưng tôi không có thì giờ. Thốt nhiên, tôi ngẩng lên, lo âu. Không hiểu tại sao, tôi có cảm tưởng có hai con mắt mở ra trên chóp sọ tôi; tôi vội quay lại nhìn ra sau theo hướng cửa kính ra vào. Như một tia chớp, hy vọng điên cuồng thấy bạn xưa vụt qua tâm trí. Tôi sẵn sàng đón nhận phép lạ. Nhưng phép lạ không xảy ra. Một người lạ mặt, trạc lục tuần, rất cao và khô gầy, mắt mở lớn, đã dí mũi vào cửa kính từ lúc nào và đang nhìn tôi. Hắn kẹp dưới nách một gói quần áo giẹp lép.
Ðiều làm tôi xúc động nhất là cặp mắt buồn bã, lo âu, chế giễu và đầy những lửa của hắn. Ít ra, tôi thấy như vậy.
Ngay khi tia mắt chúng tôi gặp nhau - dường như hắn đang xác nhận thầm trong trí rằng tôi đúng là người hắn đang tìm kiếm, - người lạ mặt của tôi quả quyết giang tay mở cửa. Hắn bước qua các bàn bằng một bước đi nhanh nhẹn, mềm dẻo và dừng lại trước mặt tôi.
- Du lịch? hắn hỏi. Ði đâu vậy?
- Ði Crete. Sao?
- Cho tôi theo.
Tôi chăm chú nhìn hắn. Hai má hóp, quai hàm bạnh, lưỡng quyền cao, tóc xám và quăn, cặp mắt sáng như sao.
- Tại sao? Bác muốn gì?
Hắn nhún vai.
- Tại sao với chẳng tại sao! Hắn nói một cách khinh bỉ. Người ta không thể làm điều gì mà không cần biết tại sao à? Tại vậy đó, để chơi? Thôi được, cho tôi theo, làm đầu bếp chẳng hạn. Tôi biết nấu súp.
Tôi bật cười. Tôi thích cử chỉ và lời nói quả quyết sắc bén của hắn. Cả cái món súp của hắn cũng vậy. Mang cái gã ngúng nguẩy này với mình tới cái bờ biển xa xôi và hiu quạnh đó không phải là điều không hay, tôi nghĩ thầm. Những đĩa súp, những câu chuyện... Hắn có vẻ phiêu bạt giang hồ lắm, một thứ Sinh Bá* nhà hàng hải đây... Tôi thích hắn.
- Ông đang nghĩ gì đó? hắn thân mật hỏi vừa lúc lắc cái đầu to lớn. Ông cũng cân nhắc nữa, phải không? Cân nhắc từng chút một, đúng không? Thôi, quyết định đi nào, can đảm lên!
Gã cao lớn thô kệch đó đứng sừng sững trước mặt tôi, và ngẩng lên nói với hắn khiến tôi phát mệt. Tôi gập Dante lại.
- Ngồi xuống đây, tôi bảo hắn. Làm một ly rượu đan sâm nhé?
Hắn ngồi xuống, cẩn thận đặt gói quần áo của hắn lên cái ghế bên cạnh.
- Một ly rượu đan sâm? Hắn khinh bỉ hỏi. Chủ quán, một rhum!
Hắn nhấm nháp ly rhum của hắn từng ngụm nhỏ, chậm lâu trong miệng để thưởng thức, đoạn chậm rãi cho trôi xuống và sưởi ấm lòng. “Hiếu cảm, tay chơi sành sỏi, lọc lõi...” tôi nghĩ bụng.
- Bác làm nghề gì?
- Ðủ nghề, tay chân, đầu óc, làm tuốt. Chúng ta bị giới hạn nếu chúng ta lựa chọn.
- Hồi gần đây, bác làm ở đâu?
- Trong hầm mỏ. Tôi làm phu mỏ giỏi. Tôi biết đôi chút về kim loại. Tôi biết tìm mạch mỏ, khai đường hầm, xuống giếng; tôi không biết sợ. Tôi làm việc khá, tôi từng là đốc công, không có gì phải phàn nàn cả. Nhưng rồi ma quỉ xen vào công việc. Tối thứ bẩy rồi, tôi ngà ngà say, chẳng nói chẳng rằng tôi tới kiếm lão chủ mới đến hôm đó để kiểm soát và cho ngay lão một trận...
- Một trận? Sao vậy? Hắn làm gì bác?
- Làm gì tôi? không! Không làm gì hết, thực đấy! đó là lần đầu tiên tôi thấy lão. Lão quỉ đáng thương đó còn phân phát thuốc lá cho chúng tôi nữa chứ.
- Sao nữa?
- Ở Crete đã xẩy ra chuyện gì, Zorba? Kể đi!
- Chúng ta có cần phải khua chiêng gõ mõ không? Zorba bực tức nói. Khổ quá, ông ơi! Tôi đã nói rằng thế giới này là một điều bí ẩn và con người chỉ là một con mãnh thú lớn.
“Một con mãnh thú lớn và một ông trời con. Một tên phiến loạn đê tiện từ Macedonia đến cùng với tôi - người ta gọi hắn là Yorga, quân du thủ du thực, một con heo dơ dáy, sao cũng được - Hắn khóc lóc. “Sao mi khóc, tên trời đánh Yorga kia?” Tôi hỏi và tôi cũng khóc như mưa. “Sao mi khóc, đồ con heo?” Nhưng hắn không nói, ôm choàng lấy tôi và khóc sướt mướt như một đứa con nít. Thế rồi tên bủn xỉn thượng hạng ấy móc túi, lấy ra những đồng vàng thổ phỉ của dân Thổ, tung lên trời từng nắm đầy. Ông hiểu chưa, ông chủ, đó là tự do!”
Tôi đứng dậy và lên boong để hứng cơn gió phũ phàng của biển.
“Ðó là tự do, tôi nghĩ. Có một đam mê, chất hàng đống vàng và đột nhiên, chiến thắng nỗi đam mê của mình và tung hê kho hàng của mình cho gió bốn phương. Giải thoát khỏi một đam mê để tuân theo một đam mê khác, cao cả hơn. Nhưng việc đó, phải chăng cũng là hình thức của nô lệ? Hy sinh cho một ý tưởng, cho một giống nòi, cho Thượng Ðế? Hay điều đó có nghĩa là kiểu mẫu đặt càng cao, sợi dây nô lệ càng dài? Rồi lúc đó chúng ta có thể nô giỡn và đú đởn trong một đấu trường rộng lớn hơn và chết đi không gặp sợi dây. Vậy có phải cái đó người ta gọi là tự do không?”
Xế chiều chúng tôi ghé vào bờ biển cát và thấy cát trắng mịn, những cây trúc đào còn hoa, cây minh quyết và xa hơn nữa, về bên tay phải, một ngọn đồi thấp và xám, không cây, tựa khuôn mặt một người đàn bà lộn ngược. Và dưới cằm nàng, trên cổ, có những mạch nâu sẫm của mỏ than bùn chạy qua.
Một trận gió thu thổi nhẹ, những đám mây tua từ từ và dịu dàng đi qua trái đất và phủ bóng rợp lên mặt địa cầu. Những đám mây khác đang xây thành trên trời, đầy vẻ đe dọa. Mặt trời ló ra và ẩn đi, mặt đất sáng và tối lại như một khuôn mặt sống động và băn khoăn.
Tôi dừng lại giây lát và ngắm nhìn. Nỗi cô liêu thiêng liêng trải rộng trước mặt tôi, u hoài, nhưng quyến rũ, như sa mạc. Bài thơ Phật giáo bốc khỏi lên mặt đất và len lỏi vào trong tận đáy lòng tôi.
Bao giờ sẽ rút vào trong cô liêu, đơn độc, không bạn đồng hành, không vui mà cũng chẳng buồn, với một niềm xác tín thiêng liêng duy nhất rằng tất cả chỉ là giấc mộng? Bao giờ quần áo tả tơi - không dục vọng - tôi sung sướng ẩn mình trong núi? Bao giờ thấy rằng thân thể chỉ là bệnh hoạn và tội lỗi, già lão và tử diệt - tự do, không sợ hãi đầy hân hoan, - tôi sẽ rút vào rừng? Bao giờ? Bao giờ? Bao giờ?
Zorba lại gần, santuri cặp dưới nách.
- Mỏ than bùn kia! Tôi nói để che giấu cảm xúc. Và giơ tay về phía ngọn đồi giống như khuôn mặt đàn bà.
Nhưng Zorba cau mày không ngoái lại.
- Ðể sau sẽ hay. Bây giờ chưa phải lúc, thưa ông chủ, hắn nói. Trước hết, phải chờ trái đất ngừng. Nó hãy còn tròng trành, con chó, nó tròng trành như một con tầu say, con đĩ chó. Chúng ta hãy vào trong làng.
Nói đoạn hắn rảo bước đi.
Hai đứa trẻ đi chân đất, sạm đen như dân Ả Rập chạy tới và đỡ va-li. Một nhân viên quan thuế to lớn, mắt xanh đang rít ống điếu trong căn lều dùng làm trụ sở quan thuế. Hắn liếc mắt nhìn chúng tôi, uể oải đưa mắt nhìn mấy cái va-li, cựa quậy một chút trên ghế như để đứng dậy. Nhưng hắn không có can đảm. Hắn chậm rãi nâng cái xe điếu lên và nói bằng giọng còn ngái ngủ:
- Chào các ông!
Một trong hai đứa trẻ lại gần tôi. Nó nháy cặp mắt xanh màu ô-liu:
- Chả không phải dân Crete đâu! Nó nói, giọng chế nhạo. Trông chả làm biếng quá!
- Dân Crete không làm biếng sao?
- Họ làm biếng... phải, họ cũng làm biếng... đứa trẻ Crete trả lời, nhưng làm biếng cách khác.
- Làng có xa đây không?
- Ngay kia! Bằng một tầm đạn! Kìa, sau những vườn cây, trong khe suối. Làng đẹp lắm, ông chủ. Có đủ thứ - cây minh quyết, cây đậu ván, đậu Hòa Lan, dầu, rượu vang. Còn đằng kia, trong đụn cát, dưa chuột, cà tô mát, cà và dưa hấu sớm nhất ở Crete. Gió Phi Châu làm cho chúng mau lớn, ông chủ. Nếu ông chủ ngủ trong vườn cây ăn trái ban đêm, ông chủ sẽ nghe thấy chúng nó kêu: rắc! rắc! Và lớn như thổi.
Zorba đi trước, hơi xiên lệch. Ðầu óc hắn hãy còn choáng váng.
- Cố gắng lên, Zorba! Tôi gọi với. Chúng ta thoát nợ rồi. Không việc gì phải sợ hết.
Chúng tôi đi nhanh. Ðất cát trộn lẫn với vỏ sò vỏ ốc. Thỉnh thoảng có một cây tân-hà-liễu, một cây vả dại, một bụi cói, một vài cây thảo-bản bông vàng hắc. Không khí ngột ngạt. Mây mỗi lúc một thêm lũng thấp, gió tắt dần.
Chúng tôi đi qua một cây vả lớn thân chẻ đôi, ngoằn ngoèo bắt đầu rỗng ruột vì già cỗi. Một đứa trẻ dừng lại. Nó hất cằm chỉ cho tôi cây cổ thụ.
- Cây vả của Cô! Nó nói.
Tôi sửng sốt. Trên đất Crete này, mỗi hòn đá, mỗi cái cây đều có một lịch sử bi thảm.
- Của Cô! Tại sao vậy?
- Thời ông nội tôi, con gái của một kỳ mục phải lòng một mục đồng. Nhưng cha cô ta không chịu; cô gái khóc lóc, kêu la, van xin lạy lục, nhưng ông già vẫn không đổi ý! Thế rồi một đêm cả hai cô cậu biến mất. Người ta đổ đi tìm, một, hai, ba hôm, một tuần cũng không thấy họ đâu hết! Nhưng họ bắt đầu bị bệnh truyền nhiễm, bởi thế người ta lần theo mùi hôi thối và tìm thấy họ dưới cây vả này, thối rữa, nhưng vẫn ôm ghì lấy nhau. Ông thấy chưa, người ta tìm thấy họ vì mùi hôi thối.
Ðứa trẻ phá lên cười. Chúng tôi nghe tiếng xôn xao trong làng. Chó bắt đầu sủa, đàn bà nói the thé, gà gáy báo hiệu sự thay đổi trong thời tiết. Trong không khí thoang thoảng mùi bã nho bốc lên từ những thùng cất rượu raki.
- Làng đây rồi! Hai đứa nhỏ la lên và lao đầu chạy.
Khi chúng tôi đi vòng hết đồi cát, thôn làng nhỏ hiện ra, cheo leo trên sườn suối nước. Những ngôi nhà thấp, quét vôi trắng, sát vách nhau; và vì những cửa sổ mở làm thành những chấm đen, những ngôi nhà giống như những cái sọ người nêm trong đá.
Tôi theo kịp Zorba.
- Bây giờ chúng ta đã vào đến trong làng rồi, phải để ý lắm đến cách cư xử đấy nhé, Zorba, tôi khẽ ra lệnh cho hắn. Không được để họ nghi ngờ gì hết, Zorba! Mình hãy tỏ ra là những người làm ăn đứng đắn: Tôi là chủ và bác là đốc công. Dân Crete không đùa giỡn đâu, bác phải biết điều đó. Một khi họ để mắt tới mình là họ khám phá ra ngay cái kỳ cục nơi mình và gán cho mình một biệt hiệu. Không có cách nào thoát được. Tựa một con chó chạy rong với cái xoong cột vào đuôi.
Zorba đưa bàn tay to lớn lên vuốt râu và chìm đắm trong suy tư. Sau cùng hắn nói:
- Này ông chủ nếu có một bà góa trong nội địa, ông không việc gì phải sợ cả. Nếu không có...
Ngay lúc đó, ở cổng làng một mụ ăn mày quần áo tả tơi chạy tới chúng tôi, chìa tay ra. Mụ đen đủi, dơ dáy và có một hàng ria đen và cứng.
- Ê, bà con! Mụ thân mật gọi Zorba. Này, bà con có một linh hồn không?
Zorba dừng lại.
- Tôi có, hắn nghiêm trang trả lời.
- Vậy cho tôi xin năm đồng đi!
Zorba móc túi lấy ra một cái ví da rách mướp.
- Ðây! Hắn nói.
Và nụ cười xoa dịu cặp môi hãy còn nét chua cay. Hắn nhìn quanh và nói:
- Theo tôi thấy ở đây không lấy gì làm đắt đỏ lắm, ông chủ! Năm đồng một linh hồn.
Chó trong làng lăn xả vào chúng tôi, đàn bà thập thò ngoài hiên, trẻ con vừa nối đuôi theo chúng tôi vừa la ó. Một vài đứa kêu ăng ẳng, một vài đứa khác giả làm còi xe hơi, còn có đứa, chạy lên trước chúng tôi, ngoái cổ nhìn lại với cặp mắt mở lớn đầy ngạc nhiên.
Chúng tôi đi tới ngã tư làng, ở đấy chúng tôi thấy hai cây bạch dương um tùm, xung quanh có những thân cây vát vuông một cách thô sơ dùng làm ghế ngồi. Trước mặt là quán café, trên treo một tấm bảng lớn, đã nhạt mầu sơn: “Khiêm Tốn quán Café-và-Hàng Thịt.”
- Tại sao ông chủ cười? Zorba hỏi.
Nhưng tôi chưa kịp trả lời thì từ quán café và hàng thịt năm sáu đứa khổng lồ mang áo lót xanh sẫm với thắt lưng đỏ túa ra. Họ kêu lớn:
- Chào các bạn! Mời các bạn vào đây làm một ly raki. Rượu mới lấy trong thùng nấu ra hãy còn nóng hổi đây.
Zorba tắc lưỡi:
- Ông chủ nghĩ sao?
Hắn quay lại nháy tôi.
- Chúng ta vào uống một ly chăng?
Chúng tôi uống một ly đốt cháy ruột gan. Lão chủ quán café và hàng thịt, một lão già to lớn tráng kiện và lanh lợi, mang ghế ra cho chúng tôi ngồi.
Tôi hỏi xem chúng tôi có thể trọ ở đâu.
- Các ông hãy đến nhà Madame Hortense, một người nào đó nói to.
- Một người đàn bà Pháp ở đây sao? Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Mụ từ góc biển chân trời tới đây. Mụ đã đi hầu hết các nơi, khi trở về già mụ trôi giạt đến đây và mở một lữ quán sinh sống.
- Bà ấy bán cả kẹo nữa! Một đứa trẻ nói leo.
- Bà ấy còn thoa son trát phấn bứ bự! Một đứa khác nói. Bà ấy quấn dây băng quanh cổ... Bà ấy còn có một con két nữa.
- Góa phụ? Zorba hỏi. Bà ấy có phải là góa phụ không?
Lão chủ quán túm lấy một bên ria mép rậm xám của hắn.
- Thử đếm đây xem có được bao nhiêu sợi râu, ông bạn? Bao nhiêu? Ấy, mụ ấy là bà góa của từng ấy đức ông chồng. Nghe thủng chưa?
- Nghe thủng rồi, Zorba vừa trả lời vừa liếm môi.
- Mụ có thể làm ông thành một kẻ góa vợ lắm ạ?
- Coi chừng đấy nhé, ông bạn! Lão già la, và tất cả đều phá lên cười.
Chúng tôi được đãi rượu lần nữa, lão chủ quán café mang rượu ra trên một cái khay cùng với bánh lúa mạch phô-mai dê, và lê.
- Thôi, để họ yên! Lão nói. Không có đi tới nhà bà nào hết! Họ sẽ ngủ ở nhà tôi.
- Họ sẽ trọ ở nhà tôi, Kondomanolia! Lão già nói. Tôi không có trẻ con, nhà lại rộng, thừa chỗ.
- Xin lỗi, chú Anagnosti, lão chủ quán café ghé vào tai lão già nói to. Tôi nói trước.
- Mày chỉ được giữ một thôi, lão Anagnosti nói. Tao sẽ lấy lão già.
- Lão già nào? Zorba sừng sộ.
- Chúng tôi đi cùng với nhau, tôi vừa nói vừa ra hiệu cho Zorba đừng nổi nóng. Chúng tôi đi cùng với nhau. Chúng tôi sẽ tới nhà Madame Hortense...
- Xin chào quí khách! Xin chào quí khách!
Một mụ đàn bà mập mạp, thấp lùn, tóc mầu gai đã phai mầu, hiện ra dưới những cây bạch dương, chân vòng kiềng đi núng na núng nính. Một nốt ruồi trang điểm cằm mụ. Mụ đeo một giải băng đỏ xung quanh cổ và cặp má úa héo của mụ trát đầy phấn mầu hoa cà. Một chùm tóc nghịch ngợm phất phơ trên trán mụ, khiến mụ giống hệt Sarah Berhnardt lúc về già trong vở L'Aiglon.
- Hân hạnh được biết bà, bà Hostense! Tôi vừa đáp vừa sửa soạn hôn tay mụ, tôi bị lôi cuốn bởi một nỗi yêu đời bất chợt.
Cuộc đời thình lình hiện ra như một câu chuyện thần tiên hay màn giáo đầu vở Giông Tố của Shakespeare. Chúng tôi vừa đặt chân lên hải đảo, ướt như chuột lột sau một cuộc đắm tàu tưởng tượng. Chúng tôi đang thám hiểm miền bờ biển kỳ thú, và trịnh trọng đón chào thổ dân. Mụ Hortense này là nữ chúa đảo, một giống hải thát vàng và bóng loáng, bị trôi dạt lên bờ biển cát này. Sau mụ, hiện ra vô số những cái đầu dơ dáy, lông lá vui tươi của thổ dân - hay của Caliban đang kiêu hãnh và khinh bỉ nhìn mụ.
Zorba, hoàng tử giả trang, cũng nhìn mụ, cặp mắt mở lớn, như nhìn một người bạn đồng hành cố tri, một tầu buồm cũ kỹ đã giao chiến trên những mặt bể xa xôi lần lượt nếm mùi chiến thắng và thất bại, cửa sổ bên hông tầu chìm xuống nước, cột buồm gẫy - buồm rách - và bây giờ, bị rạch khía bởi những đường nứt nẻ mà mụ trét đi bằng kem và phấn, đã lui về bờ biển này và chờ đợi.
Dĩ nhiên mụ chờ đợi Zorba, thuyền trưởng ngàn sẹo. Và tôi thích thú nhìn hai diễn viên này cuối cùng gặp nhau trong bối cảnh Crete, trang trí sơ sài và nguệch ngoạc vài nét bút lông đậm nét.
- Cho hai giường, bà Hortense! Tôi vừa nói vừa cúi rạp mình trước người diễn viên tình ái lão thành. Hai giường không rệp...
- Không có rệp, không, không có rệp mà! Mụ vừa la lên vừa đưa mắt thách thức nhìn tôi.
- Có! Có mà! Nhưng cái miệng của Caliban nhạo báng thốt lên.
- Không có! Không có! Mụ vừa nhắc lại vừa lấy chân mập ú giậm những viên đá bành bạch. Mụ đi tất màu xanh da trời và một đôi giầy khiêu vũ cũ méo mó, với những cái nơ xinh xắn bằng lụa.
- Hu! Hu! Ma quỉ bắt mụ đi! Caliban lại cười rộ lên.
Nhưng mụ Hortense đường bệ bỏ đi và hướng dẫn chúng tôi theo. Mụ ngạt ngào mùi phấn và xà bông rẻ tiền.
Zorba đi sau nuốt chửng mụ bằng mắt.
- Ông chủ nhìn nhá! Hắn thì thầm. Lối con đĩ nó ưỡn ẹo: Pờ láp! Pờ láp! Giống như con cừu có cái đuôi đầy mỡ!
Hai ba giọt mưa rơi xuống, trời tối sầm lại. Những lằn chớp xanh chém xối xả vào núi. Những cô gái nhỏ, cuộn mình trong tấm áo khoác da dê trắng, vội vã lùa bầy dê và cừu từ đồng cỏ về. Những thiếu phụ, quì trước lò sưởi, đang nhúm lửa chiều.
Zorba bứt rứt ngoạm ria mắt không rời đôi mông nhún nhẩy của mụ đàn bà.
- Hừm! Ðột nhiên hắn lẩm bẩm thở dài. Cuộc đời chó đẻ, con đĩ ngựa không bao giờ ngừng cợt nhả!
Những phòng tắm cũ kê sát vào nhau hợp thành lữ quán nhỏ bé của mụ Hortense. Phòng thứ nhất là cửa tiệm bán kẹo bánh, thuốc lá, đậu phụng, bấc đèn, sách học vỡ lòng, nến và cánh-kiến-trắng. Bốn phòng khác, tiếp giáp nhau, làm thành phòng ngủ. Sân sau là nhà bếp, chỗ giặt quần áo, chuồng gà vịt và chuồng nuôi thỏ. Những bụi tre rậm rạp và những cây lê gai được trồng trong dải cát mịn xung quanh. Tất cả nồng mùi biển, phân thú vật và nước tiểu. Nhưng thỉnh thoảng, khi mụ Hortense đi qua, không khí đổi mùi hương - như thể người ta đổ chậu nước gội đầu của người thợ hớt tóc trước mũi ta.
Giường đã dọn xong, chúng tôi đi nghỉ và đánh một giấc tới sáng. Tôi không nhớ đêm qua đã mơ những gì, nhưng khi thức dậy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái như vừa tắm ở biển lên.

Ads Belove Post