Chương 4. Tiếng gọi tâm linh

Chương 4. Tiếng gọi tâm linh

Price:

Read more

Zorba Hy Lạp
Chương 4. Tiếng gọi tâm linh


- Bác Anagnosti, kỳ mục, xin gửi lời chào ông và nếu ông vui lòng, xin ông chịu khó dời gót đến nhà dùng bữa cơm đạm bạc. Gã thợ thiến hôm nay sẽ đến làng ta thiến mấy con lợn. Ðây là một dịp đặc biệt, “của quí” thực là một món cao lương mỹ vị, Kyria Maroulia nội tướng của lão già sẽ đặc biệt lo việc nấu nướng phần “của quí” đó cho ông. Hôm nay cũng là ngày sinh nhật của Minas, cháu họ, ông có thể nhân dịp này chúc mừng cháu họ luôn thể.”
Ðược bước vào nhà một nông dân Crete là một điều vô cùng thích thú. Mọi vật xung quanh đều cổ kính: lò sưởi, cái đèn dầu, những cái bình đất sắp hàng dọc theo vách nhà, một cái bàn với dăm ba cái ghế và, ở phía bên trái từ cửa bước vào, trong một hốc vách có một bình đựng nước mát. Trên sàn nhà treo lủng lẳng mấy tràng hạt mộc-qua, hạt lựu và hạt cây mùi: đan-sâm bạc-hà, hạt tiêu đỏ, mê-điệt và rau quế.
Cuối nhà, cái cầu thang hay ba bốn bậc gỗ dẫn lên cái bục nơi có để một cái sập và phía trên cao là những thánh tượng với cây đèn ngày đêm chong. Ngôi nhà có vẻ trống trải nhưng đủ đồ cần thiết, thực ra những nhu cầu thiết thực của con người chẳng có bao nhiêu.
Ngày diễm lệ với mặt trời thu rất đỗi dịu dàng. Chúng tôi ngồi trong mảnh vườn nông phu trước nhà, dưới một cây ô-liu trĩu trái. Qua những chiếc lá tráng bạc, biển lấp lánh xa xa, bình lặng, êm ả hoàn toàn. Những đám mây mù bay ngang đầu chúng tôi, nối tiếp bay qua mặt trời và khiến trái đất hiện ra lúc vui lúc buồn, như thể nó đang hô hấp vậy.
Cuối mảnh vườn, trong một cái chuồng nhỏ, con heo bị thiến la réo vì đau đớn làm chúng tôi điếc cả tai. Từ lò sưởi mùi “của quí” nướng trên than hồng của mụ Kyria Maroulia bay đến mũi chúng tôi.
Chúng tôi nói về những sự việc ngàn đời: ngũ cốc, nho, mưa. Chúng tôi bắt buộc phải la to vì vị kỳ mục không còn nghe rõ. Lão bảo rằng tai lão rất là “kiêu kỳ”. Cuộc đời của vị bô lão đảo Crete này suôn sẻ và bình thản như cuộc đời của một cái cây mọc bên khe nước khuất gió ngàn. Lão sinh ra, trưởng thành và lập gia đình. Lão có con cháu đầy đàn. Vài người đã qua đời, nhưng nhiều kẻ còn sống: việc nối dõi tông đường được bảo đảm chắc chắn.
Vị bô-lão đảo Crete nhắc nhở đến thời xa xưa, thời kỳ Thổ đô hộ, nhớ lại những lời giáo huấn của thân phụ lão, những phép lạ xẩy ra vào thời kỳ đó vì thuở ấy dân chúng biết sợ Thượng Ðế và có đức tin.
- Này, tôi, kẻ đang hầu chuyện với các ngài đây, tôi, bác Anagnosti, tôi được sinh ra do một phép lạ. Vâng, do một phép lạ. Và khi tôi thuật lại với các ngài sự việc như thế nào, các ngài sẽ vô cùng ngạc nhiên mà bảo rằng “Thượng Ðế thương xót chúng ta” và các ngài sẽ đi đến tu viện thờ Ðức Mẹ Ðồng Trinh để thắp nến lễ.
Lão làm dấu thánh giá và bình thản nói với giọng dịu dàng:
- Vào thời kỳ đó, ở làng tôi có một người đàn bà Thổ Nhĩ Kỳ giầu có - mụ khốn kiếp! Một ngày nọ mụ ta mang bầu, mụ quái ác ấy, và đã đến lúc mụ sinh nở. Người ta để mụ ngồi trên một cái ghế và mụ ngồi đấy mà rống lên như một con bò cái trong ba ngày ba đêm. Nhưng đứa con không chịu ra. Bởi thế một người bạn gái của mụ ta - cũng lại là một ả trời đánh nữa - cô này khuyên mụ như thế này: “Tzafer Hanum, chị phải cầu xin mẹ Mariré cứu giúp mới được!” Mẹ Mariré là tên người Thổ gọi Ðức Mẹ Ðồng Trinh. Oai quyền Ðức Mẹ lớn lắm! “Gọi bà ấy à?” Cái con chó cái Tzafer rống lên, gọi bà đó à? Thà chết còn hơn!” Nhưng mỗi lúc cơn đau càng dữ dội. Y thị phải chịu đựng một ngày một đêm nữa. Y thị vẫn rống lên và y thị vẫn không đẻ được. Làm sao bây giờ? Y thị không thể chịu đau lâu hơn nữa. Thế là y thị lại gọi: “Mẹ Mariré! Mẹ Mariré!” Y thị tha hồ mà kêu la nhưng cơn đau không buông tha y thị và đứa nhỏ cũng chưa chịu chui ra. “Bà không nghe chị đâu, người bạn gái của y thị nói. Có lẽ bà không hiểu tiếng Thổ. Vậy chị hãy gọi bà bằng tên Cơ Ðốc Giáo!” Lúc đó con đĩ chó mới kêu lên:
“Hỡi Thánh Nữ Ðồng Trinh của dân Thiên Chúa Giáo!” Dân Thiên Chúa Giáo khốn kiếp! Cơn đau mỗi lúc mỗi gia tăng. Người bạn gái của y thị lại bảo: “Chị không gọi bà ấy đúng cách, Tzafer Hanum, chị không gọi bà ấy đúng cách nên bà ấy không đến.” Thế là con chó cái tà giáo ấy nhận thấy nguy cơ đã đến bèn rống lên một tiếng thật lớn: “Nữ Thánh Ðồng Trinh!” Tức thì đứa bé tuồn từ bụng y thị ra như một con lươn ra khỏi bùn.
“Việc đó xẩy ra vào Chủ Nhật tuần này thì Chủ Nhật tuần sau đến lượt mẹ tôi đau đớn như vậy. Bà cũng thế, tội nghiệp quá, bà cũng đau, bà cũng rống lên, bà mẹ khốn khổ của tôi. Bà thét: “Hỡi Thánh Nữ Ðồng Trinh! Hỡi Thánh Nữ Ðồng Trinh!” Nhưng bà không được giải thoát. Cha tôi ngồi bệt dưới đất ở giữa sân. Ông đau lòng quá đến nỗi không ăn uống gì được cả. Ông không hài lòng với Ðức Mẹ Ðồng Trinh lắm. “Tuần trước, em thấy không, cái con đĩ chó Tzafer nó kêu gọi bà ta, và bà ta cắm đầu cắm cổ chạy đến để giải thoát nó. Bây giờ...” Ngày thứ tư, cha tôi không chịu đựng nổi nữa. Không chút lưỡng lự, ông xách cây gậy chạc đôi đi một mạch đến tu viện Nữ Thánh Ðồng Trinh Thống Khổ. Cầu cho chúng tôi! Ông bước vào nhà thờ mà không làm dấu Thánh giá, cơn thịnh nộ của ông lớn biết chừng nào, ông khóa cửa và dừng lại trước tượng Thánh Mẫu: “Xin bà cho tôi biết, hỡi Thánh Nữ Ðồng Trinh, vợ tôi, mụ Krinio, bà biết chứ? Bà phải biết, mụ thường mang dầu đến đây vào mỗi buổi chiều Thứ Bẩy và mụ thắp sáng hết các ngọn đèn chong ở đây, vợ tôi, mụ Krinio, đã đau đớn từ ba đêm ba ngày rồi và mụ kêu gọi bà. Bà không nghe thấy hay sao? Nhất định bà phải điếc nếu bà không nghe thấy. Chắc hẳn nếu mụ là một con đĩ chó nào đó như Tzafer, quân bẩn thỉu Thổ Nhĩ Kỳ thì bà đã cắm cổ chạy đến để giúp nó rồi đấy. Nhưng vợ tôi, chỉ là một tín đồ Cơ Ðốc Giáo bởi thế nên bà trở nên điếc đặc, không nghe thấy vợ tôi kêu van! Bà biết không, nếu bà không phải là Nữ Thánh Ðồng Trinh, tôi đã cho bà một bài học, với cây gậy mà bà đã thấy đây!”
“Nói xong, không thèm cúi đầu lạy lục gì hết cha tôi quay lưng bỏ đi. Nhưng Chúa thiêng liêng làm sao, cùng lúc ấy, thánh tượng bắt đầu kêu răng rắc thật lớn như thể nó đang nứt ra.
Những thánh tượng kêu răng rắc như thế khi sắp ban phép lạ, ghi nhớ lấy điều ấy nếu các ngài không biết. Cha tôi hiểu ngay. Ông quay lại, quì gối xuống và làm dấu thánh giá. “Con đã xúc phạm đến Ngài, Nữ Thánh Ðồng Trinh, con đã nói nhiều điều quá đáng, xin Mẹ bỏ qua cho!”
“Cha tôi vừa về đến làng là người ta đã báo tin mừng cho ông hay: ‘Mừng ông đó, Kostandi, vợ ông đã sinh con trai rồi.’ Ðó là tôi, lão Anagnosti này. Nhưng tôi sinh ra với lỗ tai hơi kiêu kỳ. Cha tôi, như các ngài biết, đã phạm thượng, ông bảo Mẹ Ðồng Trinh điếc.
“A, được rồi, làm như thế đó phải không? Ðức Mẹ Ðồng Trinh hẳn phải nói như thế. Ðược lắm, hãy chờ một chút, con ơi, ta sẽ làm cho con ngươi điếc để dạy ngươi biết thế nào là phạm thượng!”
Và bác Anagnosti làm dấu thánh giá.
- Nhưng như thế cũng chẳng sao. Lạy Chúa! Bà có thể làm tôi đui mù, ngốc nghếch hay gù lưng hoặc - xin Thượng Ðế phù hộ cho chúng tôi - bà có thể làm tôi thành một đứa con gái không sao, tôi xin quì trước ơn cả của Ngài.
Lão rót thêm rượu đầy ly.
- Xin Mẹ phò trợ chúng ta! Lão vừa nói vừa nâng ly.
- Uống mừng bác mạnh khỏe, bác Anagnosti. Xin cầu chúc bác sống trăm năm tuổi để nhìn thấy đàn chút chít của bác!
Lão già nốc một hơi cạn ly rượu nho và lau ria mép:
- Không con ạ, lão nói, thế này là đủ lắm rồi! Không nên đòi hỏi nhiều quá. Thời của lão đã đến rồi. Ta đã già, các bạn này, thận ta khô cạn, ta không thể - chứ không phải không muốn - ta không thể gieo giống được nữa; như thế, ta còn sống để làm gì chứ?
Lão lại rót đầy các ly, móc thắt lưng ra mấy trái hồ đào, và mấy trái vải khô gói trong mớ lá nguyệt quế và chia cho chúng tôi.
- Ta đã cho con cái tất cả những gì ta có. Chúng ta sa vào cảnh khốn cùng xơ xác, vâng, cảnh khốn cùng xơ xác, nhưng ta không ta thán gì hết. Thượng Ðế có tất cả những cái cần thiết!
- Thượng Ðế có thể có tất cả những cái cần thiết, thưa bác Anagnosti, Zorba kề tai lão già la. Thượng Ðế có chứ không phải chúng ta. Nhưng lão keo kiết không cho chúng ta gì cả!
Vị hương mục kỳ cựu nhíu mày.
- Ðừng ăn nói thế, đừng nặng lời với Ngài như vậy ông bạn, lão nghiêm nghị nói. Xin đừng nặng lời vì Ngài cũng tin cậy vào chúng ta!”
Trong lúc đó, cụ bà Anagnosti lặng lẽ đi vào và líu díu mang món cao lương mỹ vị đặt trên đĩa bằng đất và một bầu bằng đồng đầy rượu nho. Bà lão đặt tất cả xuống bàn, đứng đấy khoanh tay lại và cúi mặt xuống.
Tôi cảm thấy lợm giọng phải nếm món ăn chơi này, nhưng tôi cũng xấu hổ nếu từ chối, Zorba liếc nhìn tôi và tinh quái cười trước sự lúng túng của tôi.
- Ðó là món ngon nhất đấy ông chủ ạ, hắn quả quyết với tôi. Ðừng làm bộ chê chớ.
Lão Anagnosti cười khúc khích.
- Ông bạn nói đúng đấy, hãy thử dùng mà xem. Cũng như óc vậy mà! Khi hoàng tử George thăm viếng tu viện của chúng tôi ở phía ngọn núi trên kia, các tu sĩ sửa soạn một bữa ăn vương giả, mời tất cả mọi người dùng thịt heo. Riêng phần hoàng tử thì chỉ có một đĩa súp. Hoàng tử cầm muỗng và quấy đĩa súp của mình. Ngài ngạc nhiên hỏi: Ðậu trắng phải không? Kính mời hoàng tử nếm thử, vị tu viện trưởng nói, kính mời ngài nếm thử rồi chúng tôi sẽ thưa sau.” Hoàng tử nếm thử một muỗng, hai muỗng, ba muỗng rồi cạn hết đĩa và ngài liếm mép. Ngài hỏi: “Món ăn gì tuyệt diệu thế? Ðậu ngon quá! Như óc heo vậy! - Thưa hoàng tử, đó không phải là đậu, vị tu viện trưởng thưa. Ðó không phải là đậu. Chúng tôi đã thiến tất cả gà ở quanh vùng này!”
Vừa phá lên cười ông lão vừa lấy cái nĩa ghim vào một miếng “của quí” của con heo.
- Một món ăn vương giả! Lão nói. Há miệng ra.
Tôi há miệng ra và lão nhét miếng thịt vào.
Lão lại rót rượu đầy ly và chúng tôi uống chúc mừng cháu bé lão. Ðôi mắt của ông nội ngời sáng.
- Bác ước muốn cháu bác trở thành gì, thành gì, thưa bác Anagnosti? Tôi hỏi lão như thế. Xin bác cho biết để chúng tôi chúc cháu.
- Lão có thể ước muốn gì con? Vậy thì, mong rằng nó sẽ theo con đường ngay, nó sẽ trở thành một con người lương thiện, một người gia trưởng tốt; nghĩa là nó cũng sẽ lập gia đình và có con, có cháu. Và mong rằng một đứa con của nó sẽ giống lão. Ðể các bô lão trong làng khi nhìn thấy nó sẽ bảo rằng: “Coi này, nó giống lão Anagnosti làm sao! Mong rằng lão được yên nghỉ nơi suối vàng! Lão thật là một con người tốt.”
“Maroulia! Lão gọi mà không nhìn vợ, Maroulia cho đầy bầu rượu nữa đi!”
Ngay lúc đó, cửa chuồng heo bị tông thật mạnh và con heo vừa chạy ra sân vừa réo ầm ĩ.
- Nó đau, tội nghiệp con vật... Zorba thương hại nói.
- Dĩ nhiên là nó đau! Lão già Crete vừa cười vừa nói. Nếu người ta làm chú như thế, chú có đau không?
Zorba giẫy giụa trên ghế.
- Thụt lưỡi đi, lão điếc lòi tai! Zorba sợ hãi càu nhàu.
Con heo chạy qua lại trước mặt chúng tôi và nhìn chúng tôi một cách giận dữ.
- Tin tôi đi, hình như nó hiểu rằng mình đang ăn của nó! Lão Anagnosti nói, cao hứng vì đã ngà ngà say.
Nhưng chúng tôi, như những kẻ chuyên ăn thịt người, chúng tôi bình tĩnh và thỏa mãn tiếp tục vừa ăn vừa uống rượu vang đỏ; trong khi nhìn, qua những cành ô-liu tráng bạc, tới biển cả mà giờ đây hoàng hôn đã nhuộm hồng.
Chúng tôi từ nhà vị kỳ mục trở về lúc chiều tà. Zorba lúc này chuếnh choáng say, ngứa ngáy muốn nói:
- Ngày hôm kia mình nói gì nhỉ ông chủ? Ông nói ông muốn soi sáng đám dân, mở mắt họ ra. Ðược lắm, ông hãy thử mở mắt bác Anagnosti! Ông có thấy bà vợ lão đứng trước mặt lão, chờ lệnh lão như một con chó ăn xin không? Ông hãy đến dậy cho lão ta biết ngay bây giờ rằng đàn bà cũng có quyền như người đàn ông và ngồi đó mà ăn miếng thịt lợn trong khi con lợn còn đang sống rên xiết trước mắt mình như vậy là một điều tàn nhẫn và cám ơn Thượng Ðế vì lão có tất cả trong khi ông đang chết đói chỉ là một việc điên cuồng! Lão sẽ thu lượm được gì, cái lão già quỉ quái! Anagnosti ấy, với những lời giải thích phỉnh phờ của ông? Ông sẽ chỉ làm cho lão ấy bực mình. Và lão bà Anagnosti sẽ thu lượm được gì? Chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa: những vụ lộn xộn sẽ bắt đầu, con gà mái muốn trở thành gà trống, và trong gia đình rồi sẽ những cuộc lục đục... xin ông hãy để cho họ yên, đừng mở mắt họ làm gì. Nếu ông mở mắt họ, họ sẽ thấy gì? Nỗi khốn cùng của họ! Hãy để mắt họ nhắm, ông chủ, để mặc họ tiếp tục mơ ngủ!
Hắn ngừng nói giây lát rồi gãi đầu. Hắn suy nghĩ và cuối cùng tiếp tục:
- Trừ phi... trừ phi...
- Trừ phi gì... Cứ nói toạc ra đi!
- Trừ phi khi họ được mở mắt, ông có thể chỉ cho họ một thế giới, tuyệt hảo hơn cái bóng tối mà hiện tại họ đang rờ rẫm đây... Ông có thể làm được chứ?
Tôi không biết. Tôi biết rõ cái gì sẽ sụp đổ trên những đổ nát kia. Tôi nghĩ không ai biết được điều ấy một cách chắc chắn. Cuộc đời cũ và hiển nhiên vững vàng, chúng ta sống trong nó và tranh đấu với nó từng giây từng phút - nó hiện hữu đó. Cuộc đời vị lai chưa sinh ra, nó chưa thể sờ mó được, nó còn lỏng, cấu tạo bởi ánh sáng của mộng mơ dệt thành; đó là đám mây bị những cơn cuồng phong lùa đi - tình yêu, hận thù, trí tưởng tượng, sự tình cờ, Thượng Ðế... Nhà tiên tri vĩ đại nhất trên trái đất chỉ có thể ban cho con người một ám hiệu và ám hiệu càng mơ hồ, vị tiên tri càng vĩ đại.
Zorba nhìn tôi với nụ cười chế giễu khiến tôi mếch lòng.
- Tôi có thể chỉ cho họ một thế giới tuyệt hảo hơn! Tôi phát cáu trả lời hắn.
- Thực không? Ðược lắm, ông hãy nói nghe!
- Tôi không thể nói được, bác không hiểu đâu.
- Thế có nghĩa là ông không có rồi! Zorba vừa nói vừa lắc đầu. Ðừng tưởng tôi là một tên ngốc nghếch, ông chủ. Nếu có ai nói với ông tôi là một tên đần độn người ta lừa ông đấy. Có thể tôi cũng dốt đặc như lão Anagosti, nhưng tôi không đến nỗi đần độn đến thế đâu! Á! Không! Ðược rồi, nhưng nếu tôi không hiểu thì ông hy vọng gì ở lão đáng thương kia và mụ đầu đặc như bí của lão? Còn tất cả những chàng Anagnosti khác trên thế giới sẽ ra sao? Họ sẽ chỉ thấy bóng tối mới dầy đặc hơn? Thôi, để họ giữ những bóng tối cũ; họ đã quen rồi. Họ đã tự biết lo liệu đàng hoàng cho đến bây giờ rồi, ông không thấy sao? Họ sống và sống rất hay, họ sinh con đàn cháu đống nữa. Thượng Ðế làm cho họ đui điếc để họ kêu rằng: “Vinh danh thay Thượng Ðế!” Họ sống thoải mái trong cùng khổ. Vậy ông để mặc họ và đừng nói gì cả.
Tôi lặng thinh. Chúng tôi đi ngang vườn của góa phụ. Zorba dừng lại giây lát, thở dài nhưng không nói gì. Dường như trời đã đổ trận mưa rào đâu đây. Mùi đất mới, mát rượi đầy không khí. Những ngôi sao thứ nhất xuất hiện. Trăng non chiếu sáng, ánh vàng xanh dịu dàng. Bầu trời tràn ngập êm ái.
Tôi thầm nghĩ: “Người đàn ông này không cắp sách đến trường và trí óc hắn không bị phá hỏng. Hắn đã điêu đứng quá nhiều, tâm trí hắn mở rộng, tâm hồn hắn mở phơi bát ngát, không đánh mất mảy may lòng táo bạo nguyên thủy. Mọi vấn đề phức tạp, nan giải đối với chúng ta, hắn đều cắt phăng bằng một đường gươm như Alexander Ðại Ðế cắt cái nút của vua Gordian*. Hắn khó lòng nghiêng lật vì hai chân hắn trồng vững trên mặt đất bởi sức nặng của toàn thân. Dân man rợ Phi Châu tôn thờ con rắn vì toàn thân nó tiếp xúc mặt đất và do đó hiểu tất cả những điều bí ẩn của trái đất. Nó biết những điều bí ẩn bằng bụng, bằng đuôi, bằng đầu nó. Nó luôn luôn tiếp xúc, hòa hợp, làm một với Ðất Mẹ. Zorba cũng thế. Còn chúng ta những kẻ trí thức, chúng ta chỉ là những con chim trời đầu óc trống rỗng.”
Sao mỗi lúc một nhiều. Cứng rắn, lạnh lùng, ngạo mạn và tàn khốc đối với loài người.
Chúng tôi không nói gì thêm nữa. Cả hai chúng tôi đều kinh hãi nhìn trời. Mỗi lúc chúng tôi lại thấy những ngôi sao mới bừng lên ở phương Ðông và kéo dài đám cháy lớn.
Chúng tôi về đến lều. Tôi không còn muốn ăn uống gì nữa, và tôi ngồi bệt xuống tảng đá bên bờ biển. Zorba đốt lửa, hắn định ngồi bên cạnh tôi nhưng hắn đổi ý trèo lên nệm lăn ra ngủ.
Mặt biển im lặng như tờ. Dưới trận mưa sao tới tấp đất cũng nằm bất động và lặng lẽ. Không một tiếng chó sủa, không một tiếng chim đêm thất thanh. Một sự im lặng hoàn toàn len lén, nham hiểm, làm thành bởi muôn vàn tiếng kêu xa xăm hay sâu thẳm quá nơi chúng ta đến nỗi chúng ta không nghe nổi. Tôi chỉ nhận ra dòng máu trong tôi rào rạt đập trong thái dương và tĩnh mạch cổ.
“Hòa khúc hổ!” Tôi vừa nghĩ vừa run rẩy.
Ở Ấn Ðộ, khi đêm xuống, một điệu hát nho nhỏ, một điệu ca trầm buồn thê thảm, man rợ và chậm rãi, như một tiếng ngáp của dã thú từ xa - hòa khúc hổ. Tâm hồn con người tràn ngập một niềm mong đợi căng thẳng.
Và tôi nghĩ đến hòa khúc ghê gớm ấy, lồng ngực trống trải của tôi dần dần được lấp đầy. Tai tôi thức tỉnh, sự im lặng trở thành một tiếng thét. Như thể tâm hồn cũng được cấu tạo bằng hòa khúc ấy và nó thoát khỏi thân xác để lắng nghe.
Tôi cúi xuống vốc nước biển vỗ lên trán và thái dương. Tôi cảm thấy tươi mát trở lại. Tận đáy lòng tôi, những tiếng kêu vang dội hăm dọa, rối loạn, nóng nẩy - con hổ ở trong tôi đang gầm thét.
Ðột nhiên, tôi nghe thấy giọng nói một cách rõ ràng:
- Ðức Phật! Ðức Phật! Tôi đứng phắt dậy và kêu lên.
Tôi bắt đầu bước đi thật nhanh dọc theo mé nước như thể muốn trốn thoát. Ðã từ lâu lắm rồi, khi tôi cô đơn lúc đêm về và khi im lặng trì ngự, tôi lại nghe tiếng nói của Ngài - mới đầu buồn bã than van như một khúc ai ca - rồi dần dần trở nên giận dữ, quát tháo và phán quyết. Và nó lồng lộn trong lồng ngực tôi như đứa bé đã đến lúc rời lòng mẹ.
Chắc phải đến nửa đêm rồi. Nhiều cụm mây đen xây thành ở trên trời, một vài hạt mưa lớn rớt trên tay tôi. Nhưng tôi không chú ý tới. Tôi đang chìm đắm trong một bầu không khí nóng bỏng; tôi cảm thấy có một ngọn lửa leo lét ở hai bên thái dương tôi.
“Ðã đến lúc rồi đây, tôi thầm nghĩ và run rẩy, bánh xe Phật Giáo lôi cuốn tôi xa, đã đến lúc tôi phải tự giải thoát khỏi cái gánh nặng kỳ diệu này.”
Tôi vội vã trở lại lều và đốt đèn lên. Khi ánh sáng hắt lên Zorba, hắn dụi mắt và mở mắt ra nhìn thấy tôi đang cúi mình viết trên giấy. Hắn càu nhàu điều gì tôi không nghe thấy, quay ngoắt về phía vách và lại chìm vào giấc ngủ ngay.
Tôi viết rất nhanh, hối hả. “Ðức Phật” hoàn toàn ở trong tôi, tôi nhìn thấy Ngài hiện trước thần trí tôi như một giải băng xanh đầy biểu tượng. Ngài hiện ra rất mau và tôi cố gắng chụp bắt Ngài một cách tuyệt vọng. Tôi viết, tất cả trở nên đơn giản, thật đơn giản. Tôi không viết, tôi đang ghi chép lại. Cả một thế giới hiện ra trước mắt tôi, cấu thành bởi lòng từ bi, hỉ xả và hư không - những lâu đài của Ðức Phật, những cung tần mỹ nữ, cỗ xe ngựa bằng vàng, ba lần gặp gỡ tiền định với một cụ già, một người bệnh và một tử thi; cuộc trốn ra đi, cuộc sống khổ hạnh, sự giải thoát và lời phát thệ cứu độ chúng sinh. Mặt đất phủ hoa vàng, hành khất và vua chúa đều mặc áo mầu khương hoàng, đất đá, cây cối, xác thịt trở nên thanh thoát. Mọi tâm hồn đều trở thành hơi, hơi trở thành tinh thần và tinh thần trở thành hư không... Mấy ngón tay tôi mỏi rời rã nhưng tôi không muốn, tôi không thể ngừng viết. Sự trực thị qua, mau chóng rồi biến mất; tôi phải bắt kịp.
Sáng hôm sau, Zorba thấy tôi nằm ngủ, đầu gối lên trang bản thảo.
Khi tôi thức dậy, mặt trời đã lên cao đến hai con sào rồi. Khớp xương tay phải của tôi bị tê cứng vì cầm bút quá lâu. Tôi không thể co những ngón tay khít lại. Cơn giông tố Phật Giáo đã qua đi và để tôi ở lại, mệt mỏi và trống trải.
Tôi cúi xuống lượm những tờ giấy rải rác trên mặt đất. Tôi không muốn cũng như không đủ sức nhìn chúng. Như thể tất cả nguồn hứng khởi bộc phát này chỉ là một giấc mơ mà tôi không muốn nhìn thấy mình bị tù túng trong những chữ, trở thành đê hèn vì chúng.
Trời mưa hiu hắt, âm thầm. Trước khi đi ra, Zorba đã đốt lò than, và suốt buổi sáng hôm ấy tôi ngồi xếp bằng, tay hơ trên ngọn lửa, không ăn, bất động, chỉ lắng nghe cơn mưa đầu mùa dìu dịu rơi rơi...

Tôi không nghĩ ngợi gì hết. Cuộn tròn như con chuột chũi trong đất ẩm, trí óc tôi yên nghỉ. Tôi nghe thấy những cử động nhẹ nhàng, những tiếng xì xào và gậm nhấm sần sật của đất, và mưa rơi với những hạt giống căng phồng. Tôi cảm thấy trời đất giao hòa như trong buổi ban sơ khi chúng phối hợp với nhau tựa một người đàn ông và một người đàn bà và tạo ra con cái. Trước mặt tôi, dọc theo suốt một vùng duyên hải, tôi nghe thấy biển gầm thét và táp vào bờ như một con dã thú lè lưỡi ra liếm cho dịu cơn khát.
(Còn tiếp)

Ads Belove Post