Read more
Zorba Hy Lạp
Lời giới thiệu của Dịch giả
Không biết từ đời thuở nào tôi đã vô cùng ái mộ nền văn minh
Hy Lạp. Hy Lạp với những đền đài uy nghi tráng lệ song lại rất giản đơn, thanh
nhã. Hy Lạp với những thần linh uy mãnh song lại mỹ miều như những con người ngọc
và đầy đam mê rất người. Và rồi dưới ảnh hưởng của Nietzsche, tôi biết ái mộ
thêm tinh thần sáng lóa, tinh khôi của thiên tài Hy Lạp, biểu lộ một cách bi
tráng, lẫm liệt qua những bi kịch gia vĩ đại, những triết gia độc đáo tiền
Socrates, Plato. Cuối cùng, Henry Miller với cuốn du ký tuyệt vời “The Clossus of
Maroussi” đã đưa tôi vào những vườn olive, vườn chanh thơm ngát bên bờ biển, gặp
gỡ những người Hy Lạp đầy sức sống, nồng nàn tình người.
Với tình yêu Hy Lạp đó tôi đã dịch Alexis Zorba vào năm
1969.
Zorba đã được nhiều vòng tay mở rộng, nồng nhiệt đón chào, đặc
biệt giới thanh niên Phật tử và những tu sĩ trẻ. Zorba đã trở thành một mẫu mực,
một bàn đạp vững mạnh.
Zorba đã cho thanh niên một nhận định táo bạo: Ðức Phật là
người cuối cùng, còn ta là những con người thứ nhất. Ta chưa sống đủ, chưa yêu
thương đủ để đến mức chán chường, có thể rứt bỏ dễ dàng không tiếc nuối những
đam mê.
Zorba và Tất Ðạt (“Câu chuyện dòng sông” của Herman Hesse)
đã cho họ một phương châm táo tợn, một giải pháp quyết liệt và hợp tình lý: Bất
cứ một kinh nghiệm nào nếu không kinh qua đến cùng sẽ trở lại, bắt ta lặp lại,
chi bằng “dĩ tận vi độ” à la Zorba” (“đi đến cùng theo kiểu Zorba”).
Zorba và Freud lại cung cấp thêm cho họ một kinh nghiệm sống
mà dân tộc Pháp đã thực chứng từ ngàn năm qua: “Chasser le naturel, il revient
au galop” (“xua đuổi nhiên tính, nó sẽ phi nước đại trở lại”).
Zorba và Vivekananda, một người bằng kinh nghiệm bản thân, một
người bằng trí tuệ viên mãn, đã cho thanh niên Việt Nam trong thời buổi tao loạn
cùng cực đó, một lối thoát thênh thang, hài hòa cả tâm cơ lẫn khế cơ: “Hãy ước
muốn sống một trăm năm, hãy có tất cả những khát vọng trần gian, nếu bạn muốn;
có điều hãy thần thánh hóa chúng, biến chúng thành thiên đàng. Hãy có ước muốn
sống một cuộc đời dài hữu ích, diễm phúc và năng động trên trái đất này. Làm việc
cách đó, các bạn sẽ tìm thấy đường ra. Không có con đường nào khác.” (“Tôn Giáo
là gì? 100”)
(“Desire to live a hundred years, have all earthly desires,
if you wish, only deify them, convert them into heaven. Have the desire to live
a long life of helpfulness, of blissfulness and activity on this earth. This
working, you will find the way out. There is no other way.”) “What Religion
Is”, p.100.
Ðó là lý do tại sao Alexis Zorba lại trở thành một mẫu người
lý tưởng, hay ít ra là một nửa kiểu mẫu, một nửa khát vọng.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có lần tâm sự:
“Mình luôn luôn bị giằng co giữa Alexis Zorba và Hoàng Tử Bé.”
(“Hoàng Tử Bé” là một tác phẩm của Saint Exupéry do Bùi Giáng dịch).
Nhận định trên không chỉ đúng cho riêng nhạc sĩ thiên tài
này mà còn đúng cho nhiều người, ở nhiều nơi, nhiều lúc. Ðó là một nan đề muôn
thuở của con người trên trần gian. Theo tác giả Nikos Kazantzaki:
“Thế giới là một đấu trường nơi chúng ta đã đến để vật lộn
ngõ hầu chuyển biến xác thịt chúng ta thành tinh thần.”
(“The World is an arena where we have come to wrestle in
order to turn our flesh into spirit”) Saint Francis, p.168.
Trong cuộc vật lộn này điên dại là một cần thiết điên dại vì
khát vọng trần gian, như Alexis Zorba hay điên dại vì khát vọng thần thánh, như
Thánh Francis, đều có tác dụng tương tự.
“Ðiên dại là muối ngăn cho lương tri khỏi rữa nát.”
(“Madness is the salt which prevents good sense from
rotting” Ibid 269).
Chỉ bằng cách đam mê điên dại con người mới có đủ dũng lực để
phá vỡ ngục tù thể xác, đập tan xiềng xích nô lệ phận người để vươn lên.
Dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu