Những việc sau khi đạt đến giác ngộ và lý do trở thành một vị thầy

Những việc sau khi đạt đến giác ngộ và lý do trở thành một vị thầy

Price:

Read more

Những việc sau khi đạt đến giác ngộ và lý do trở thành một vị thầy

Nếu một người giác ngộ trước tuổi 35 thì sau đó họ có thể sống lâu hơn những người khác, bởi vì cơ thể trở nên trẻ hơn, khỏe hơn và tình trạng đó sẽ không thuyên giảm. Nó vẫn còn tiềm năng để tốt hơn nữa. Họ sẽ hấp thu những cú sốc và những cú sốc đó sẽ tạo ra rung động lên mọi thứ.
Tôi không bao giờ bị ốm trước khi trở nên giác ngộ; tôi hoàn toàn khỏe mạnh thậm chí mọi người còn phải ghen tị với sức khỏe của tôi. Nhưng sau sự giác ngộ, tôi bất ngờ phát hiện ra rằng cơ thể tôi đã trở nên vô cùng yếu ớt đến nỗi làm bất cứ việc gì cũng gần như bất khả. Thậm chí cả với việc đi bộ – trước đây thì tôi rất hay chạy bộ, bốn dặm trong buổi sáng, bốn dặm buổi tối, chạy, nhảy, bơi lội. Tôi đã vận động theo mọi cách thức có thể.
Nhưng sau sự giác ngộ, thật ngạc nhiên và thật lạ lùng, cơ thể tôi trở nên hoàn toàn yếu đuối. Và điều đó gần như không thể tin được – tôi không thể tin vào nó, cả gia đình em gái của cha tôi, gia đình mà tôi đang ở cùng lúc đó, cũng không thể tin được. Thậm chí việc này còn gây cho họ nhiều ngạc nhiên hơn bởi vì họ hề không biết chút gì về sự giác ngộ này. Tôi nghi rằng hẳn phải có một vài sự kết nối nào đó nhưng lại không có ý tưởng nào về sự kết nối đó với những gì đã xảy ra: tất cả lông trên ngực tôi đều chuyển sang màu trắng, chỉ trong một đêm! Và tôi mới chỉ 21 tuổi.
Tôi không thể che giấu điều đó – bởi vì đây là một đất nước nóng nực - Ấn Độ, và tôi thường chỉ quấn một cái lunghi cả ngày và ngực tôi luôn luôn để trần. Vậy nên mọi người trong ngôi nhà đều nhận ra được điều đó và họ đều vô cùng kinh ngạc trước những gì xảy ra. Tôi nói, “Chính con cũng đang ngạc nhiên.”
Tôi biết rằng chắc chắn cơ thể tôi đã mất hoàn toàn sức đề kháng. Nó trở nên rất mong manh, và tôi cũng đã đánh mất hoàn toàn thứ gọi là giấc ngủ. Tôi thường tự hỏi rất nhiều lần rằng tại sao Rama Krishna lại chết vì ung thư. Tôi đã biết tại sao ông ấy chết vì ung thư: hẳn ông ấy đã hoàn toàn mất khả năng chống lại những mầm bệnh. Và nếu nó chỉ xảy ra với Rama Krishna chúng ta có thể nghĩ đó chỉ là trường hợp ngoại lệ; nhưng Maharshi Ramana cũng chết vì ung thư. Điều đó trông có vẻ lạ, rằng trong một ngàn năm đã có hai bậc thầy giác ngộ ở cấp độ cao nhất đều chết vì ung thư. Có lẽ họ mất tất cả khả năng chống chọi đối với mọi bệnh tật.
Tôi có thể hiểu từ vị trí của tôi, tôi mất tất cả sức đề kháng với bệnh tật. Tôi chưa từng biết tới những gì mà bạn gọi là dị ứng. Tôi yêu nước hoa rất nhiều, và tôi chưa từng bị gì với chúng. Tôi luôn có nhiều loài hoa đẹp trong tất cả những căn nhà tôi từng ở, ở Ấn Độ có rất nhiều loại hoa mà tôi nghĩ không đất nước nào khác có được chúng – với những mùi thơm tuyệt vời… Có những loại hoa ví dụ như loài “nữ hoàng bóng đêm” – bạn chỉ cần một cây thôi và cả ngôi nhà sẽ ngập tràn mùi hương của nó, và không chỉ ngôi nhà của bạn mà cả nhà những người hàng xóm của bạn cũng sẽ ngập tràn mùi thơm. Và có rất nhiều loài hoa khác nữa – champa, chameli, juhi – những loài hoa thơm vô cùng. Tôi luôn luôn có những loài hoa này quanh tôi, và tôi chưa bao giờ gặp vấn đề với bất cứ loại dị ứng nào. Nhưng sau khi giác ngộ tôi trở nên rất nhạy cảm đến nỗi chỉ một mùi cơ thể của ai đó cũng đủ làm tôi rùng mình, hắt hơi, và cái hắt hơi đó sẽ kích hoạt thứ gì đó khác trong lồng ngực. Tôi sẽ bắt đầu ho, và việc ho lại kích hoạt một quá trình khác; tôi bắt đầu bị cơn hen suyễn tấn công, một căn bệnh mà tôi hoàn toàn không biết tới trước đây. Tôi không bao giờ nghĩ những thứ như vậy lại có thể xảy ra với tôi.
Nhưng tôi cũng nhận thức được những gì đang xảy ra. Ý thức của tôi và cơ thể của tôi đã bị mất đi một phần nào đó, sự kết nối trở nên rất mong manh. Việc để cho cơ thể được nghỉ ngơi trở thành điều bất khả, và khi bạn không thể nghỉ ngơi trong nhiều ngày, bạn sẽ trở nên dễ bị tấn công với tất cả mọi loại bệnh truyền nhiễm. Bạn sẽ vô cùng mệt mỏi, không thể kháng cự với bất cứ gì. Và nếu trong nhiều năm bạn không thể có một chút nghỉ ngơi nào, sau đó tự nhiên bạn sẽ mất toàn bộ sức kháng cự.

Cảm giác của tôi là: bởi vì sự giác ngộ là bài học cuối cùng của cuộc đời, không còn gì hơn để học nữa, bạn không còn cần phải đi loanh quanh nữa. Bạn đã học tất cả các bài học – đó là mục đích của cuộc sống – vậy thì cuộc sống bắt đầu mất dần kết nối với cơ thể. Và hầu hết người ta chết gần như ngay lập tức vì phải nhận quá nhiều những cú sốc. Họ chết nhưng cái chết của họ thì không phải một tai họa chút nào, nó là một phúc lành, bởi vì họ đã đạt được tất cả mọi thứ mà cuộc sống mang lại.
Nhưng sự sống sau khi giác ngộ thì thật là một việc khó khăn. Điều quan trọng là khi một người bị mất kết nối với tâm trí bất động của anh ta, và nó sẽ ngày càng trở nên không có bất cứ mối liên hệ nào. Khoảnh khắc bạn giữ im lặng, ngay lập tức năng lượng di chuyển vào vùng nhận thức siêu việt, bạn sẽ vẫn nhận thức được bạn đang làm gì đó, nói gì đó nhưng chỉ giống như một ngọn lửa lập lòe, bởi vì năng lượng của bạn đang được dùng cho một vài hoạt động khác. Nhưng khi bạn không làm gì cả, bất ngờ toàn bộ năng lượng lập tức thay đổi chiều hướng và đi tới điểm cao nhất – như một ngọn lửa rực cháy. Nó là một phúc lành vô cùng tận, nó là một cảm giác ngây ngất lớn lao, nhưng chỉ dành cho ý thức, không phải cho cơ thể.
Không ai từng giải thích một cách chính xác về cái cảm giác sau khi giác ngộ ấy. Tôi nghĩ người ta không giải thích vì nó có thể tạo ra một chút sợ hãi cho mọi người – mọi người sẽ không còn thực hiện bất cứ nỗ lực nào để đạt tới trạng thái giác ngộ nữa. Và nếu bạn nói rằng giác ngộ có thể dẫn đến cái chết cho ai đó, họ sẽ cảm thấy lăn tăn: ‘Thế thì tại sao phải bận tâm tới giác ngộ làm gì? Chúng tôi luôn cố gắng hết sức và đang sống rất tốt – hay ít nhất chúng tôi vẫn còn đang sống – kể cả khi khổ sở chăng nữa, nhưng chúng tôi vẫn còn đang sống.’ Nếu cơ thể bạn trở nên dễ tổn thương, mong manh, không còn sức kháng cự với bất cứ loại bệnh tật nào, điều đó có thể mang lại cho họ sự tranh cãi 'Điều này là không tốt chút nào, sẽ tốt hơn nếu không cần bận tâm về những việc như giác ngộ nữa. Sẽ tốt hơn khi khỏe mạnh và không bệnh tật gì, còn hơn là giác ngộ để rồi sầu khổ về một cơ thể yếu ớt mong manh.'
Có lẽ đó là lý do tại sao không ai từng nói về nó. Nhưng tôi muốn tất cả mọi thứ phải được làm cho rõ ràng. Tôi không muốn để lại bất cứ gì giống như điều bí mật – trong tiến trình giác ngộ này.
Thật tốt khi người ta biết chính xác những gì họ đang làm và những kết quả có thể xảy ra. Nếu họ vẫn làm nó một cách có ý thức, một cách nhận biết, nó sẽ đi được xa hơn. Và những ai mà không định làm bất cứ nỗ lực nào, họ sẽ tìm ra những lý do để thoái thác, họ sẽ không có bất cứ nỗ lực theo bất cứ cách nào. Còn để cho những ai trong các bạn, những người dự định sẽ dành nhiều nỗ lực hơn để đạt được nó – thậm chí nếu cái chết có đến, nó cũng sẽ là một thử thách, một chuyến phiêu lưu, bởi vì bạn đã đạt được bất cứ thứ gì sự sống có thể dâng cho bạn, và sau đó sự sống sẽ trôi ra xa.
Điều đầu tiên tôi làm sau khi giác ngộ, ở độ tuổi 21, là chạy về ngôi làng nơi bà ngoại tôi đang sống, ngôi làng của cha tôi. Gần như ngay lập tức tôi đã chạy ào đến ngôi làng đó để gặp hai người: đầu tiên, Magga Baba, người đàn ông tôi đã nói đến trước đây. Bạn nhất định sẽ ngạc nhiên tại sao. Bởi vì tôi muốn ai đó nói với tôi “Con đã giác ngộ rồi.” Tôi biết điều đó, nhưng tôi vẫn muốn nghe nó từ ai đó bên ngoài nữa. Magga Baba là người đàn ông duy nhất tôi có thể hỏi vào thời điểm đó. Tôi đã nghe ông ấy vừa quay trở về ngôi làng nên tôi chạy đến với ông. Ngôi làng chỉ cách hai dặm từ nhà ga. Tôi đến chỗ cây xoan nơi mà Bagga Baba ngồi, và khoảnh khắc ông ấy thấy tôi bạn có biết ông ấy làm gì không? Tôi không thể tin vào chính mình – ông ấy chạm vào chân tôi và khóc. Tôi cảm thấy hơi bối rối bởi vì một đám đông đang tụ tập ở đó và tất cả họ đều nghĩ Magga Baba đã phát điên rồi. Dù trước giờ ông ấy vẫn hơi điên một chút, nhưng giờ đây hẳn ông ấy đã điên hoàn toàn rồi, ông ấy đi rồi, vượt qua cánh cổng, đi và đi và đi mãi. Nhưng Magga Baba cười lớn, và lần đầu tiên, trước mặt rất nhiều người, ông ấy nói với tôi, “Cậu bé của ta, con đã đạt được rồi! Ta vốn luôn biết rằng một ngày nào đó con sẽ đạt được mà.”
Tôi chạm vào chân ông ấy. Lần đầu tiên ông ấy cố ngăn cản không để tôi làm điều đó, ông ấy nói “Không, không, đừng bao giờ chạm vào chân ta thêm nữa.” Nhưng tôi vẫn cứ cố chạm vào chúng, mặc kệ ông ấy ngăn cản. Tôi không bận tâm và nói “Im nào! Ông hãy cứ làm việc của ông và để cho con làm việc của con. Nếu con đã giác ngộ như ông nói, vậy làm ơn đừng ngăn cản một người đàn ông giác ngộ chạm vào chân của ông chứ.” Ông ấy bắt đầu cười lại và nói “Cậu thật là đồ láu cá! Cậu đã giác ngộ nhưng vẫn là đồ láu cá.”
Sau đó tôi chạy về nhà tôi – nhà bà ngoại tôi, không phải nhà cha tôi – bởi vì bà là người mà tôi muốn kể lại những gì đã xảy ra. Nhưng cuộc sống luôn diễn ra theo những cách lạ lùng: bà đang đứng trước cửa, nhìn tôi, một chút kinh ngạc. Bà nói “Chuyện gì đã xảy ra với con? Con không còn là con người trước đây nữa.” Bà tôi không phải người đã giác ngộ, nhưng sự sáng suốt của bà cũng đủ để bà thấy điều khác biệt ở tôi.
Tôi nói, “Vâng, con không còn giống như trước đây nữa, và con đến để chia sẻ kinh nghiệm những điều đã xảy ra với con.”
Bà nói “Làm ơn, điều duy nhất ta bận tâm, hãy luôn là Raja của ta, đứa nhỏ của ta.”
Vậy nên tôi không nói bất cứ gì với bà. Một ngày trôi qua, sau đó vào giữa đêm, bà đã đánh thức tôi dậy. Với những giọt nước trong mắt bà, bà nói, “Hãy tha lỗi cho ta. Con không còn là con trước đây nữa. Con có thể giả vờ nhưng ta có thể nhìn thấu suốt sự giả vờ của con. Không cần thiết phải giả vờ nữa. Con có thể kể với ta những gì đã xảy ra cho con. Ta không thể gọi con là của riêng ta được nữa, nhưng giờ điều đó không thành vấn đề. Bây giờ con sẽ có thể được gọi bởi hàng triệu người như là của họ, và bất cứ ai cũng có thể cảm thấy con là của họ. Ta xin rút lại lời yêu cầu, nhưng hãy dạy ta con đường đó.”
Đây là lần đầu tiên tôi nói với ai đó về con đường. Nani của tôi chính là môn đồ đầu tiên. Tôi dạy bà cách thức. Cách thức của tôi rất đơn giản: hãy giữ im lặng, thử thách chính bản thân mình với vai trò như một người quan sát, nhưng không bao giờ quan sát, chỉ biết người được biết, và quên đi cái đã biết.
Cách thức của tôi đơn giản, như cách của Lão Tử, Trang Tử, Krishna, Christ, Moses, Zarathustra… bởi vì những cái tên có thể khác nhau nhưng cách thức chỉ cùng là một. Chỉ khách hành hương là khác biệt, nhưng cuộc hành hương thì giống nhau. Và sự thật, tiến trình thì rất đơn giản.
Tôi đã rất may mắn khi có chính bà ngoại tôi là môn đồ đầu tiên, bởi vì tôi không bao giờ tìm thấy bất cứ ai khác mộc mạc như bà. Tôi đã tìm hiểu rất nhiều người khác nhau, vài người rất gần với sự mộc mạc ấy của bà, nhưng vừa sâu sắc mà lại vừa giản dị mộc mạc như bà thì thật không ai từng có thể vượt qua được, thậm chí cả cha tôi. Ông là một người đơn giản, hoàn toàn đơn giản, và rất sâu sắc nữa, nhưng không thể so sánh với bà được. Tôi xin lỗi phải nói như vậy, vị thế ông ấy vẫn còn xa và mẹ tôi ở còn xa hơn nữa, mẹ tôi thậm chí còn không hiểu thấu được sự đơn giản của cha tôi.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết – và tôi cũng đang xác nhận lần đầu tiên – Nani không chỉ là môn đồ đầu tiên, bà cũng là môn đồ đã trở nên giác ngộ đầu tiên của tôi nữa, bà đã đạt được khá lâu trước khi tôi bắt đầu giúp mọi người trở thành sannyas. Bà chưa bao giờ là một sannyasin.
Và tôi phải thú nhận, sau Magga Baba, Shambhu Babu là người đàn ông thứ hai nhận ra có gì đó rất bao la xảy đến với tôi. Tất nhiên ông ấy không phải một nhà huyền môn, nhưng một nhà thơ cũng có khả năng, trong lúc nào đó, trở thành một nhà huyền môn, và ông ấy thì vốn là một nhà thơ vĩ đại.
Tôi hiểu ông ấy, vậy nên khi tôi nói mặc dù ông ấy không phải bậc thầy chứng ngộ, không phải một bậc thầy theo bất cứ cách nào, tôi vẫn sẽ xem ông ấy như người thứ hai, sau Magga Baba, bởi vì ông ấy đã nhận ra tôi khi người khác không thể nhận ra được. Tôi có thể thậm chí không nhận ra được chính mình, nhưng ông ấy lại nhận ra tôi.
Sau sự giác ngộ, chính xác là một ngàn ba trăm năm mươi ngày sau đó tôi đã cố để duy trì sự im lặng – tôi đã cố gắng hết sức trong mọi điều kiện. Có một vài điều cần tôi phải nói, nhưng những lời nói của tôi chỉ giống như những bức điện tín.
Cha tôi đã rất tức giận với tôi. Ông ấy yêu tôi rất nhiều nên ông ấy có mọi quyền để trở nên tức giận như vậy. Ngày mà ông ấy gửi tôi đến trường đại học ông ấy đã nhận được lời hứa của tôi rằng tôi sẽ viết cho ông ít nhất một lá thư mỗi tuần. Khi tôi bắt đầu trở nên im lặng tôi đã viết cho ông ấy lá thư cuối cùng và bảo với ông rằng, “Con đang hạnh phúc, hạnh phúc vô cùng, hạnh phúc tối hậu, và con biết từ rất sâu bên trong sự tồn tại rằng con có thể giữ được trạng thái này từ bây giờ đến mãi mãi, bất kể khi còn ở trong cơ thể này hay không. Cảm giác phúc lành này là thứ gì đó của vĩnh hằng. Vậy nên từ giờ, mỗi tuần, nếu cha cứ yêu cầu, con có thể viết cùng điều này lần nữa rồi lần nữa. Mặc dù điều này trông không ổn lắm, nhưng vì con đã hứa, vậy nên con sẽ gửi cho cha một cái thiếp mỗi tuần mà chỉ ghi một chữ 'như cũ'. Làm ơn hãy tha thứ cho con, và khi cha nhận thư của con với dòng chữ 'như cũ', cha hãy đọc lại bức thư này.”
Ông ấy nghĩ tôi đã phát điên hoàn toàn rồi. Ông ấy ngay lập tức chạy đến thị trấn, đến trường đại học và hỏi tôi “Chuyện gì đã xảy ra với con vậy? Đọc thư của con và cái ý tưởng 'như cũ' này, ta nghĩ con điên rồi. Nhưng khi nhìn thấy con, dường như ta mới bị điên, toàn bộ thế giới này đều điên rồi. Ta có thể lấy lại lời hứa của con và lấy cả cái từ mà con đã trao cho ta. Không cần phải viết thư về mỗi tuần nữa. Ta sẽ tiếp tục đọc lá thư cuối cùng của con.”
Và ông ấy đã giữ nó cho tới ngày ông ấy mất, nó được đặt dưới gối của ông ấy.
Người đàn ông thuyết phục tôi nói lại sau một ngàn ba trăm năm mươi ngày giữ im lặng – là một người đàn ông rất lạ lùng. Chính ông ấy cũng đã giữ im lặng trong cả đời ông. Không ai nghe nói về ông, không ai biết về ông. Và ông ấy là người đàn ông quý giá nhất mà tôi từng đi qua trong đời, hay bất cứ đời nào trước đây. Tên ông ấy là Magga Baba.
Trong một thời gian, vào những đêm lạnh của mùa đông, tôi thường đến tìm ông khi ông ở một mình, sau đó ông ấy sẽ nói gì đó với tôi và thường là ông thuyết phục tôi phải nói trở lại. Ông ấy nói, “Hãy nhìn đi, ta đã giữ im lặng cả đời ta, nhưng họ không bao giờ nghe, họ không bao giờ biết lắng nghe cả. Họ không thể hiểu được sự im lặng, nó ở ngoài tầm hiểu biết của họ. Ta đã thất bại. Ta không thể truyền tải được những gì ta đang cảm nhận trong ta, và giờ không còn nhiều thời gian cho ta nữa rồi. Con còn rất trẻ, con có cả cuộc đời dài phía trước, nên làm ơn đừng ngừng việc nói. Hãy bắt đầu nói lại đi!”
Điều đó là khó, hầu như là một công việc không thể làm được. Làm sao để truyền tải điều gì đó như vậy vào trong những từ ngữ, bởi vì chúng đều là những kinh nghiệm trong trạng thái vô lời của ý thức. Làm sao để truyền tải được sự tĩnh lặng vào trong âm thanh? Nó dường như không có cách nào cả. Không ai có thể làm cả.
Nhưng tôi hiểu ý của Magga Baba. Ông ấy đã rất già và ông ấy nói với tôi, “Con sẽ ở trong cùng một vị thế như ta lúc này. Nếu con không bắt đầu sớm. Nếu con cứ tiếp tục im lặng thì sự tĩnh lặng bên trong, khoảng trống bên trong, số không từ trong sâu kín ấy sẽ tiếp tục kéo con hướng vào bên trong hơn nữa. Sẽ đến một lúc khi mà con không còn có thể đi ra ngoài được nữa. Con sẽ bị chìm trong nó, trong sự hoàn toàn phúc lạc của nó, nhưng cả thế giới ngoài kia thì đầy tràn đau khổ. Con có thể chỉ cho họ con đường mà. Có lẽ ai đó có thể nghe thấy, có lẽ ai đó có thể đi trên con đường đó. Ít nhất con sẽ không cảm thấy rằng mình đã không làm gì xứng đáng với sự kì vọng mà sự tồn tại này đã dành cho con. Đúng vậy, nó là một trách nhiệm.”
Và tôi đã hứa với ông, “Con sẽ làm cố hết sức mình.” Trong ba mươi năm sau đó, tôi đã đi và tiếp tục nói chuyện về mọi chủ đề có thể tồn tại trên đời này.
Kinh nghiệm của tôi là một khi bạn giác ngộ, bạn sẽ rất tràn đầy, giống như một đám mây đen, bạn sẽ muốn trút nước ra.
Khoảnh khắc tôi được tràn đầy – đầy phúc lành từ những sự thật, tất nhiên tôi muốn chia sẻ nó, và nó xảy ra tự nhiên như thể tôi chia sẻ với cha tôi, với mẹ tôi, với các anh em tôi, với các chị em tôi, những người mà tôi biết lâu hơn bất kì ai khác. Và tôi đã chia sẻ.
Tôi chỉ là một người kể chuyện. Từ rất sớm trong thời thơ ấu tôi đã yêu việc kể lại những câu chuyện, có thật hoặc không có thật. Lúc đó tôi không hề nhận thức được việc kể những câu chuyện ấy đã mang lại cho tôi một khả năng truyền đạt mọi thứ một cách rành mạch, và nó đã trở thành một sự trợ giúp to lớn cho tôi sau khi giác ngộ.
Rất nhiều người đã đạt được trạng thái giác ngộ, nhưng không phải tất cả họ đều trở thành những bậc thầy – lý do đơn giản là vì họ không có khả năng truyền đạt mọi thứ một cách rõ ràng, họ không thể truyền tải những gì họ cảm thấy, họ không thể truyền thông những gì họ đã kinh qua. Việc này giống như một bất ngờ đối với tôi, và tôi nghĩ nó hẳn phải là một bất ngờ với tất cả những người đã trở thành những bậc thầy nói chung, bởi vì không hề có một khóa huấn luyện nào cho việc này cả. Và tôi có thể nói về nó với sự chắc chắn của riêng mình.
Khi đạt đến giác ngộ, tôi không thể nói trong 7 ngày, sự im lặng quá thâm sâu đến nỗi thậm chí ý tưởng nói cái gì đó về nó cũng không hề được khởi lên chút nào. Nhưng sau bẩy ngày, thật chậm rãi, khi tôi đã quen với với sự im lặng thâm sâu đó, quen với chân phúc đó, quen với phúc lành đó, tôi bắt đầu mong muốn chia sẻ nó – một khao khát rất lớn để chia sẻ nó với những người tôi yêu quý, đó là một tiến trình diễn ra rất tự nhiên. Tôi đã bắt đầu nói chuyện với những người mà tôi vẫn còn sự quan tâm – những người bạn. Tôi đã từng nói với họ trong nhiều năm, nói mọi chuyện trong mọi chủ đề. Tôi dường như đã luôn thực hành một loại bài tập duy nhất: nói chuyện. Vậy nên không khó để bắt đầu nói về việc giác ngộ, mặc dù tôi đã mất hàng năm để thanh lọc và mang vào trong từ ngữ những thứ của sự tĩnh lặng, những thứ của niềm vui.
Vấn đề huyền môn lớn nhất, lớn hơn cả việc đạt được kinh nghiệm này, là bày tỏ nó ra.
Tôi đã làm rất nhiều công việc với mọi biện pháp khác nhau. Đầu tiên, tôi thực hành với chính mình, sau đó tôi tìm cách để giúp những người muốn biết những gì tôi đã biết. Một người đã trở nên chứng ngộ không hẳn sẽ trở thành một vị thầy, hay thậm chí một nhà giáo. Anh ta có thể đã biết, nhưng anh ta lại không đủ khả năng truyền đạt nó một cách rõ ràng giúp những người khác đạt đến cùng kinh nghiệm đó như anh ta. Đó là một nghệ thuật rất khác.
Việc truyền đạt thì tương đối dễ đối với tôi bởi vì tôi đã tiến hành việc nói rất nhiều và rất lâu trước khi tôi trở nên giác ngộ. Nói giống như một điều hết sức tự nhiên.
Tôi không bao giờ học bất cứ khóa học diễn thuyết nào, không bao giờ đến bất cứ trường nào nơi người ta dạy việc diễn thuyết. Tôi không bao giờ thậm chí đọc một cuốn sách về nghệ thuật nói chuyện. Từ thời thơ ấu tôi đã rất hay lý luận và mọi người đều muốn tôi ngậm miệng lại. Trong gia đình, trong trường học, trong cao đẳng hay đại học, tất cả mọi người đều nói với tôi, “Xin đừng nói gì hết.”
Tôi bị trục xuất khỏi rất nhiều trường vì lý do các giáo viên phàn nàn rằng họ không thể hoàn thành được giáo trình, không thể hoàn thành được lớp học đó trong năm, bởi vì “sinh viên này cứ hướng chúng tôi vào những cuộc tranh luận không có điểm dừng.”
Nhưng tất cả những điều đó đã trao cho tôi một cơ hội lớn và làm tôi có khả năng trình bày mọi thứ rõ ràng hơn. Việc tranh luận với những người hàng xóm, với giáo viên, với những người trên đường phố – bất cứ đâu – là việc rất tự nhiên đối với tôi. Chỉ cần tìm cho tôi một người là đủ để tôi bắt đầu tranh luận.
Tôi yêu việc đó, giống như cái cách mà tôi yêu nó lúc này! Vậy nên sau khi đạt giác ngộ việc nói chuyện không hề khó khăn với tôi chút nào, nó rất dễ dàng.
Mọi người không phải ai cũng có thể trở thành một vị thầy hay nhà giáo bởi vì nó là một nghệ thuật của sự tổng hợp rất khác biệt.
Từ thời thơ ấu, tôi đã luôn tranh luận, luôn tranh đấu. Tất nhiên, một đứa trẻ sẽ tranh luận và tranh đấu theo cách của một đứa trẻ, nhưng từ thời thơ ấu tôi đã không bao giờ sẵn sàng chấp nhận bất cứ gì mà không có những lời thuyết phục thỏa đáng. Và tôi đã phát hiện ra từ rất sớm trong cuộc đời, rằng tất cả những con người học giả ấy đều có những cái đầu rất bự – họ là những chuyên gia, trưởng khoa, viện trưởng, phó thủ trưởng – và tất cả họ đều rỗng tuếch. Bạn chỉ cần chà xát nhẹ một chút và bạn sẽ thấy không có gì bên trong họ cả. Họ không có bất cứ một lập luận nào cho những thứ mà họ nghĩ là triết học của chính họ. Họ vay mượn nó, họ không bao giờ tự mình khám phá ra nó. Vậy nên tôi phải tiếp tục chiến đấu, và trong việc đấu tranh này tôi phải mài sắc những lý lẽ của tôi. Tôi không có thứ triết học nào của riêng tôi cả. Công việc của đời tôi là dỡ bỏ những thứ đã được lập trình, vậy nên bất cứ gì bạn nói, tôi sẽ phá hủy nó. Và tôi không bao giờ nói bất cứ gì như là triết học của riêng tôi, thế nên không có bất cứ ai có bất cứ cơ hội nào để phá hủy chúng. Mục tiêu của tôi là tái lập trình bạn, làm sạch bạn, xóa bỏ các điều kiện xung quanh bạn và để cho bạn được trong sạch, tươi trẻ, ngây thơ. Và từ đó bạn có thể lớn lên trong cái thực, trong tính cá nhân thuần túy – nếu không thì bạn sẽ chỉ như một nhân vật, không phải một người mang tính cá nhân. Một nhân vật là thứ vay mượn, nó là một chiếc mặt nạ. Và toàn bộ nỗ lực của tôi là làm cách nào để giúp mỗi người trở nên đích thực nhất, trở thành chính con người thuần túy của họ, không trang trí.
Bạn hỏi tôi: Có phải khả năng cao nhất của việc truyền đạt này đã làm cho tôi trở thành bậc thầy của những bậc thầy?
Vị thế của thế giới đã thay đổi một cách đáng kể. Chỉ ba trăm năm trước, thế giới đã rất rộng lớn. Thậm chí nếu Phật Gautam muốn tiếp cận tới tất cả loài người, đó là điều không thể làm được, chỉ với nghĩa của giao tiếp thì không thể thực hiện được. Người ta sống ở khắp nơi trên thế giới, hầu như bị cô lập khỏi những nơi khác. Nó là một thực tế bình dị.
Jesus đã phải đối mặt với chỉ những người Do Thái, không phải với toàn thế giới. Ông ấy không thể đối mặt với thế giới – đó là việc không thể, ngồi trên con lừa của ông ấy, đi vòng quanh thế giới ư? Thậm chí nếu ông ấy có thể xoay xở để vòng quanh toàn bộ vùng lãnh thổ nhỏ như Judea – cũng đã quá nhiều. Việc giáo dục rộng rãi tới mọi người rất hạn chế. Người ta thậm chí không nhận thức được sự tồn tại của những người khác ngay bên cạnh.
Phật Gautam, Lão Tử ở Trung Quốc, Socrates ở Athens – họ là những người sống cùng thời nhưng họ không hề biết về những người kia.
Đó là lý do tại sao tôi nói rằng trước khi có cuộc cách mạng về khoa học và nhất là các phương tiện truyền thông - vận chuyển, thế giới đã bao gồm rất nhiều những thế giới nhỏ khác – vừa đủ cho chính nó. Người ta không bao giờ nghĩ về những người khác, họ hoàn toàn không có ý tưởng gì về sự tồn tại của những người khác. Khi người ta trở nên hiểu biết hơn về mọi thứ, thế giới này ngày càng trở nên nhỏ bé hơn, gần gũi hơn. Trước đây một vị phật sẽ không thể gần bạn như thế, cả Jesus hay Moses hay Nho giáo cũng vậy. Tất cả đều có những tâm trí rất địa phương và thái độ cũng rất địa phương.
Chúng ta may mắn vì thế giới giờ đây rất nhỏ đến nỗi bạn không thể thu hẹp mình trong địa phương được nữa. Và bạn không chỉ không thể giữ tâm trí địa phương nhưng bạn còn phải sẵn sàng cho những tâm thế mang tầm vũ trụ. Bạn phải nghĩ về Nho giáo, bạn phải nghĩ về Krishna, bạn phải nghĩ về Socrates, bạn phải nghĩ về Bertrand Russell. Nếu bạn không nghĩ về cả thế giới hay không biết đến những đóng góp của những thiên tài khác nhau, bạn sẽ không thể nói chuyện với một người hiện đại. Khoảng cách sẽ rất lớn – hai mươi năm thế kỉ, hai mươi thế kỉ, người ta hầu như không thể nào bắc cầu chúng được.
Chỉ có một cách để bắc cầu là người ta không được ngừng việc tìm hiểu, không nên có thái độ hài lòng với những gì đã biết. Người đó phải có nhiều nỗ lực hơn để học thêm những ngôn ngữ khác… Công việc thì bao la, nhưng đó sẽ là một hành trình thú vị giúp khám phá những chiều hướng thiên tài bên trong con người.
Và khi bạn đã có ánh sáng bên trong của sự hiểu biết, bạn có thể sáng tạo mà không có bất cứ khó khăn nào, bạn sẽ nhận ra bạn là một sự tổng hợp của tất cả. Sự tổng hợp gồm không chỉ hiểu biết về những điều huyền bí thuộc tôn giáo – mà còn bao gồm tất cả những thứ nghệ thuật khác: sự hiểu biết của những nhạc sĩ, những nhà thơ, những vũ công… Tất cả những người đang sáng tạo để đóng góp cho cuộc sống này – những người làm cho tinh thần nhân loại trở nên giàu có hơn. Sự tổng hợp còn bao gồm cả những hiểu biết về các bước tiến của khoa học nữa. Bạn sẽ nhìn nhận chúng trong một tầm nhìn bao quát hơn với trái tim rộng mở – điều mà các tôn giáo đã không thể làm được trong quá khứ.
Trong quá khứ lúc đầu khoa học đã không được thừa nhận chút nào, và khi được thừa nhận nó đã thay đổi một ngàn lẻ một thứ trong cuộc sống. Cuộc sống không bao giờ có thể trở lại như trước nữa. Trong quá khứ xa xôi ấy không ai từng nghĩ về vai trò của những người nghệ sĩ, rằng sự đóng góp của họ cũng giống như của tôn giáo. Với tầm nhìn của tôi, ba thứ này là một tam giác: khoa học, tôn giáo và nghệ thuật – tuy chúng thuộc những chiều hướng khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau, hay thậm chí chúng có vẻ mâu thuẫn lẫn nhau, chỉ là một thỏa thuận kết nối lỏng lẻo chăng nữa. Trừ khi bạn có cái nhìn thật sâu bạn sẽ thấy chúng tan ra và trở thành chỉ một thứ.
Nỗ lực của tôi là làm những điều gần như không thể.
Những ngày tháng khi là một sinh viên, các giáo sư của tôi đã rất bối rối. Tôi là một sinh viên triết học nhưng tôi cũng tham dự những lớp học về khoa học, vật lý, hóa học hay cả sinh học nữa. Những vị giáo sư này họ cảm thấy thật lạ lùng: Em ở đây trong ngôi trường này là để học triết học. Tại sao lại phí thời gian của em với hóa học làm gì?”
Tôi nói, “Em không có gì để làm với hóa học. Em chỉ muốn có một cái nhìn rõ ràng sâu sắc về những gì mà hóa học đã làm, những gì vật lý đã làm cho cuộc sống. Em không muốn đi vào chi tiết, em chỉ muốn biết những đóng góp thiết yếu của chúng.”
Tôi hiếm khi ở trong những lớp của tôi mà hầu như chỉ ở thư viện. Giáo sư của tôi cứ luôn nói, “Em làm gì cả ngày trong thư viện vậy? – Bởi vì có rất nhiều lời phàn nàn đến từ các thủ thư rằng em là người đầu tiên bước vào thư viện, và gần như luôn phải dùng vũ lực về thể chất để can thiệp nếu muốn đưa em ra khỏi đó. Em ở trong đó cả ngày. Và không chỉ trong khu vực của triết học, em còn đi vòng vòng khắp các khu vực khác trong thư viện – những khu vực mà không liên quan tới ngành học của em chút nào.”
Tôi nói với họ, “Thật là khó để em có thể giải thích với thầy, nhưng nỗ lực của em trong tương lai là sẽ thu gom những gì có chứa sự thật, dù chỉ một chút ít sự thật. Em sẽ tổng hợp tất cả và tìm cách gắn kết chúng lại với nhau để tạo ra một phương thức sống mới: phương thức sống mới này không dựa trên nền tảng của tranh cãi và mâu thuẫn, nhưng dựa trên nền tảng của sự nhận biết sâu sắc bên trong, dựa trên những điều cốt lõi mà loài người đã phát hiện, đã đóng góp từ kiến thức và sự khôn ngoan.”
Họ nghĩ tôi bị điên – loại công việc mà tôi định làm có thể khiến bất cứ ai cũng có thể bị điên, nó quá bao la. Nhưng họ không thể nhận thức được rằng điên là một điều bất khả với tôi, vì tôi đã rời bỏ tâm trí rất xa phía sau rồi, tôi chỉ là một người quan sát.
Tâm trí là một cỗ máy rất tinh vi và phức tạp. Người ta có thể tạo ra một cỗ máy vĩ đại nhưng không gì có thể so sánh với tâm trí của con người. Chỉ cần trí óc của một người cũng có thể chứa đựng toàn bộ thư viện trên toàn thế giới. Và chỉ với một thư viện như thư viện của bảo tàng Anh Quốc cũng đã chứa một lượng sách khổng lồ mà nếu bạn xếp chúng lại với nhau, cuốn này tiếp cuốn kia, sẽ tạo thành ba vòng đi quanh trái đất. Và nó chỉ là một trong các thư viện lớn: Moscow cũng có một thư viện tương tự – có lẽ lớn hơn. Harvard cũng có một cái tương tự.
Nhưng chỉ cần trí óc của một người duy nhất cũng đủ khả năng chứa đựng tất cả những gì được viết trong tất cả những cuốn sách đó, qua việc ghi nhớ lại. Trong một bộ não đơn lẻ có hàng tỉ tế nào, và mỗi tế bào riêng lẻ có khả năng chứa hàng triệu mảnh thông tin. Chắc chắn một người sẽ phát điên nếu người đó không sẵn sàng đứng ngoài tâm trí. Nếu bạn không tiếp cận đến trạng thái của thiền định, điên là điều chắc chắn. Các giáo sư không sai trong việc nghĩ đến khả năng phát điên của một người, nhưng không phải tôi, họ không nhận thức được những nỗ lực tôi thực hiện trong việc thiền định.
Tôi đã đọc rất nhiều sách, những thánh thư lạ đến từ khắp nơi trên thế giới, tôi chỉ là một người quan sát, bởi vì từ rất lâu trước đó, tôi đã về tới nhà. Tôi không có gì để học thêm từ tất cả những thứ đó, nhưng việc đọc những thứ đó là dành cho một mục đích khác, và mục đích là đưa những thông điệp của tôi vào trong tâm thức bao la của vũ trụ, làm cho chúng trở nên dễ dàng với mọi người và thoát khỏi những giới hạn mang tính chất địa phương.
Và tôi rất hạnh phúc rằng tôi đã hoàn thành được việc đó.
Bởi vì bạn yêu mến tôi, bạn có thể gọi tôi là “bậc thầy của bậc thầy”. Nó xuất phát từ tình yêu của bạn. Nhưng từ rất lâu rồi, tôi chỉ đơn giản nghĩ về mình như một con người bình thường, một người bình thường nhưng có đủ bướng bỉnh để tiếp tục duy trì sự độc lập của riêng mình, từ chối tất cả mọi áp đặt, không bao giờ thuộc vào bất cứ tôn giáo nào, không bao giờ thuộc về bất cứ đảng phái chính trị nào, không bao giờ thuộc bất cứ tổ chức nào, không bao giờ thuộc vào bất cứ quốc gia nào hay bất cứ cuộc đua nào.
Tôi đã cố gắng trong mọi cách chỉ để là chính tôi, không có bất cứ lệ thuộc nào. Và điều đó đã mang cho tôi rất nhiều tính chính trực, tính cá nhân, tính đích thực, và tôi đã được lấp đầy bởi phúc lành lớn lao của sự tồn tại. Nhưng việc này cần có thời gian. Sau tôi, bất cứ ai muốn cố gắng trở thành một bậc thầy sẽ phải nhớ rằng: người đó phải trải qua mọi thứ tôi đã trải qua, nếu không thì anh ta sẽ không thể được gọi là bậc thầy. Anh ta sẽ giữ nguyên tính chất địa phương – anh ta có thể là một giáo viên Hindu, một nhà truyền giáo Công giáo, một thầy tu Hồi giáo – nhưng không phải là bậc thầy của sự tồn tại chút nào.
Sau tôi sẽ rất khó khăn cho bất cứ ai để trở thành một vị thầy.
Phi Tuyết trích dịch từ quyển 'Osho’s Life and Teaching'

Ads Belove Post