Read more
Tôn giáo không chỉ là ngày Chủ Nhật
Nếu bạn tới Lão Tử thông qua
tâm trí, bạn sẽ không bao giờ tới được ông ấy. Bạn sẽ đi lòng vòng và lòng vòng
mãi - bạn sẽ chẳng bao giờ chạm vào sự hiện hữu của ông ấy. Tới ông ấy qua trái
tim. Sự tương tự là dành cho trái tim; logic là cho tâm trí.
Lão Tử mang nhiều tính nhà thơ
hơn. Nhớ lấy điều đó. Bạn không biện minh với nhà thơ - bạn lắng nghe thơ ca, bạn
hấp thu thơ ca, bạn nghiền ngẫm nó, bạn để nó đi vào bên trong sự hiện hữu của
mình, bạn để nó trở thành một phần của máu và xương bạn, bạn tiêu hoá nó. Bạn
quên lời, bạn quên tính thơ ca hoàn toàn, nhưng hương thơm trở thành một phần của
bạn. Bạn có thể không nhớ bài thơ đang hát về điều gì nhưng bài ca đã được giữ
lại: hương vị của nó, hương thơm, đã đi vào bạn. Bạn đã trở nên mang thai.
Lão Tử có thể được hiểu chỉ nếu
bạn trở nên mang thai với ông ấy. Cho phép ông ấy. Mở cửa ra. Ông ấy thậm chí sẽ
không gõ cửa, bởi vì ông ấy không năng nổ. Ông ấy sẽ không cố gắng biện minh bởi
vì ông ấy không tin vào biện luận. Ông ấy không phải là con người tâm trí chút
nào, ông ấy tuyệt đối là con người trái tim. Ông ấy đơn giản, sự tương tự của
ông ấy là sự tương tự của dân làng - nhưng sống động, toả sáng, sinh động. Nếu
bạn cho phép ông ấy, bỗng nhiên bạn sẽ được biến đổi - chỉ một hiểu biết, hiểu
biết của trái tim, và bạn sẽ được ông ấy làm cho biến đổi.
Điều thứ hai cần nhớ là ở chỗ
Lão Tử không phải là con người tôn giáo theo nghĩa bình thường. Ông ấy không phải
là nhà thượng đế học. Ông ấy không là con người tôn giáo chút nào theo cách bạn
hiểu thế giới. Ông ấy chưa bao giờ đi tới đền chùa, chưa bao giờ tôn thờ, bởi
vì ông ấy thấy rằng toàn bộ sự tồn tại này là ngôi đền và toàn bộ cuộc sống này
là sự tôn thờ. Ông ấy không là con người phân mảnh. Ông ấy không phân chia cuộc
sống, ông ấy sống nó như dòng sông không phân chia.
Bạn phân chia: một giờ trong đền,
mọi tuần bạn đều tới nhà thờ. Chủ nhật là ngày tôn giáo và dần dần tôn giáo trở
thành chuyện ngày chủ nhật - sáu ngày làm việc nó không được động tới. Bạn rất
tinh ranh! - Chủ nhật là ngày nghỉ, chủ nhật là ngày tôn giáo, khi bạn không đi
làm. Bạn có thể lương thiện dễ dàng khi bạn không làm việc; bạn có thể lương
thiện dễ dàng khi bạn không trong cửa tiệm; bạn có thể lương thiện dễ dàng khi
bạn nghỉ ngơi dưới ánh mặt trời; bạn có thể lương thiện dễ dàng khi bạn lắng
nghe buổi thuyết giảng trong nhà thờ. Điều đó không là gì cả, không có vấn đề
gì. Sáu ngày làm việc, chúng mới tạo ra vấn đề thật - thế thì bạn không thể tôn
giáo được. Cho nên đây chỉ là thủ đoạn mà thôi. Chủ nhật này là một thủ đoạn để
tránh tôn giáo. Bạn đã tạo ra căn phòng kín gió trong cuộc sống của mình. Tôn
giáo có chỗ riêng của nó vào ngày chủ nhật, và thế thì, thế thì bạn được tự do
trong sáu ngày để phi tôn giáo nhất có thể được.
Người Hindus có cách riêng của
họ, người Mô ha mét giáo có cách riêng của họ, người Ki tô giáo có cách riêng của
họ: cách tránh tôn giáo. Và những người này bạn gọi là tôn giáo! Họ là những
người tránh né. Họ tới đền chùa và họ cầu nguyện. Khi họ cầu nguyện nhìn vào họ,
vào khuôn mặt họ. Họ trông đẹp thế. Nhưng khi ra khỏi nhà thờ hay đền chùa, họ
không còn như thế nữa. Họ khác đi.
Tolstoy đã viết một truyện ngắn,
không thực là truyện nữa. Nó là một sự kiện, nó đã xảy ra, một sự vụ.
Tolstoy một hôm tới nhà thờ,
vào sáng sớm. Trời còn tối và ông ấy ngạc nhiên khi thấy rằng người giầu nhất
thành phố đang cầu nguyện và thú tội trước Thượng đế và nói rằng mình là kẻ tội
lỗi. Tất nhiên Tolstoy trở nên quan tâm. Và ông này đang kể lại tội lỗi của
mình: cách ông ấy đã lừa vợ mình và đã không trung thành, và cách ông ấy đã
trong quan hệ và chuyện tình với các phụ nữ khác, vợ người khác.
Tolstoy trở nên bị hấp dẫn. Ông
ấy lại mỗi lúc một gần hơn. Và ông này đang kể lại với nhiều thích thú, thú tội
với Thượng đế: "Con là kẻ tội lỗi và chừng nào ngài còn chưa tha thứ cho
con thì không có cách nào cho con cả. Và con đã bóc lột làm sao! Và con đã cướp
bóc mọi người làm sao! Con là kẻ tội lỗi và con không biết cách thay đổi bản
thân mình. Chừng nào ân huệ của ngài còn chưa giáng xuống thì không có khả năng
nào cho con cả." Và nước mắt cứ chảy ròng ròng.
Thế rồi ông ta bỗng nhiên nhận
biết rằng có ai đó khác ở đó. Ông ta nhìn. Ông ta nhận ra - vào lúc này trời đã
hửng sáng - và ông ta trở nên rất giận dữ và ông ta nói với Tolstoy: "Nhớ
lấy! Những điều này tôi đã nói cho Thượng đế, không phải cho ông.
Và nếu ông nói những điều này
cho bất kì ai thì tôi sẽ lôi ông ra toà về tội bôi nhọ danh dự tôi. Cho nên nhớ
rằng ông chưa bao giờ nghe nói gì về những điều này cả. Đây là đối thoại cá
nhân giữa tôi và Thượng đế và tôi không biết rằng ông có đó."
Một khuôn mặt khác trước Thượng
đế và một khuôn mặt hoàn toàn khác trước thế giới... Tôn giáo là một ngăn -
khép kín. Đây là thủ đoạn để tránh nó; đây là cách để mang tính tôn giáo mà
không tôn giáo chút nào - sự lừa dối.
Lão Tử là không tôn giáo chút
nào theo cách đó. Ông ấy là người đơn giản. Ông ấy thậm chí không nhận biết rằng
mình mang tính tôn giáo - làm sao một người tôn giáo lại có thể nhận biết rằng
mình mang tính tôn giáo? Tôn giáo cũng giống như việc thở với người đó. Bạn trở
nên nhận biết về việc thở chỉ khi cái gì đó đi sai, khi khó thở, khi bạn bị hen
hay loại trục trặc gì đó về thở. Bằng không thì bạn sẽ chẳng bao giờ biết, chẳng
bao giờ trở nên nhận biết rằng bạn thở. Bạn đơn giản thở, nó tự nhiên thế.
Lão Tử mang tính tôn giáo một
cách tự nhiên, ông ấy thậm chí không nhận biết về điều đó. Ông ấy không giống
như các thánh nhân của bạn, những người thực hành tôn giáo. Không, ông ấy không
thực hành: ông ấy cho phép tính toàn bộ chiếm quyền sở hữu. Ông ấy sống nó,
nhưng ông ấy không thực hành nó. Tôn giáo không phải là kỉ luật với ông ấy, nó
là sự hiểu biết sâu sắc. Nó không phải là cái gì đó bị áp đặt từ bên ngoài, nó
là cái gì đó tuôn chảy từ bên trong. Không có một chút khoảng cách giữa ông ấy
và tôn giáo.
Ông ấy không mang tính tôn giáo
theo nghĩa bạn vẫn hiểu. Ông ấy không phải là thánh nhân bởi vì ông ấy chưa bao
giờ thực hành tính thánh thiện cả. Ông ấy không bó buộc nó; nó không phải là
tính cách của ông ấy. Con người tôn giáo thực không có tính cách tôn giáo -
không thể có nó được bởi vì tính cách là một phương thức của phi tôn giáo. Cố
hiểu điều đó: bạn phát triển một tính cách bởi vì bạn sợ bản thể của mình; bạn
phát triển đạo đức bởi vì bạn sợ cái bất tử bên trong; bạn tự buộc bản thân
mình theo một cách sống nào đó bởi vì bạn biết rằng nếu bạn sống một cách tự
phát và tự nhiên, bạn sẽ trở thành tội nhân, không phải là thánh nhân. Bạn sợ bản
thể của mình; bạn áp đặt tính cách lên khắp xung quanh mình. Tính cách là cái
áo giáp; nó bảo vệ bạn tách khỏi người khác và và nó bảo vệ bạn tách ra với
chính bản thân mình. Nó là thành luỹ; bạn đi vào trong nó. Bạn nói chân lí,
không phải bởi vì bạn đã đi tới biết phúc lạc của nó; bạn nói chân lí, bởi vì bạn
đã được dạy rằng nếu bạn không nói, thì bạn sẽ bị ném vào địa ngục.
Các nhà thần học của bạn đã cố
gắng hình dung ra Thượng đế của bạn như kẻ tàn bạo nhất có thể được - ném mọi
người vào địa ngục, vào trong lửa cháy, vào trong dầu sôi. Thượng đế này dường
như là kẻ tàn bạo. Ông ta cần trị liệu tâm lí lớn - ông ta dường như là kẻ tra
tấn lớn lao nhất.
Bạn sợ địa ngục và bạn tham vọng
cõi trời - củ cà rốt cõi trời liên tục được treo ngay trước bạn. Và tính cách của
bạn chỉ là phương tiện giữa cõi trời và địa ngục - bảo vệ chống lại địa ngục và
nỗ lực để đạt tới tham vọng cõi trời. Làm sao bạn có thể mang tính tôn giáo được
nếu bạn sợ thế và tham vọng thế?
Con người tôn giáo không tham vọng
chút nào. Tham vọng là điều đầu tiên bị vứt khỏi người tôn giáo, bởi vì tham vọng
có nghĩa là trong tương lai còn người tôn giáo bao giờ cũng ở đây và bây giờ.
Người đó tồn tại trong hiện tại, người đó không có tương lai nào để bận tâm cả.
Và người đó không sợ hãi theo bất kì cách nào. Người đó sống một cách toàn bộ
thế, làm sao người đó có thể sợ hãi được? Sợ tới bởi vì bạn sống một cách phân
mảnh. Bạn đã không sống chút nào, đó là lí do tại sao có sợ.
Cố hiểu vấn đề này. Người ta sợ
chết - tại sao? Bạn có biết rằng chết là xấu không? Làm sao bạn biết được điều
đó khi bạn chưa chết? Bạn có biết rằng chết sắp sửa là điều tồi tệ hơn cuộc sống
không? Làm sao bạn có thể biết được? Nó có thể còn tốt hơn cuộc sống. Tại sao bạn
sợ chết mà không biết? Làm sao người ta có thể sợ cái không biết? Điều đó dường
như là không thể được. Bạn có thể sợ chỉ cái đã biết. Làm sao bạn lại có thể sợ
cái không biết, cái không quen thuộc mà bạn không biết chút nào? Không, bạn
không sợ chết. Bạn đã đặt sai nỗi sợ của mình vào cái chết. Bạn thực sự sợ chết
bởi vì bạn đã không có khả năng sống - nỗi sợ có liên quan tới cuộc sống chưa
được sống. Bạn sợ rằng bạn đã không có khả năng sống, yêu và chết đang tới gần,
cái sẽ chấm dứt mọi thứ. Bạn sẽ không còn nữa, và bạn vẫn còn chưa có khả năng
để yêu.
Bạn giống như cây vẫn còn chưa
ra hoa mà tiều phu đang tới. Cây cảm thấy hoảng sợ, không biết điều gì sẽ xảy
ra. Nỗi sợ không tới từ cái chết, nỗi sợ đang tới từ cái gì đó đã không xảy ra.
Cây biết rõ rằng quả còn chưa kết, hoa còn chưa ra, nó còn chưa nở hoa. Cây
chưa biết tới mùa xuân; nó còn chưa nhảy múa với gió, nó còn chưa yêu, nó còn
chưa sống. Cuộc sống chưa được sống này tạo ra nỗi sợ... và tiều phu đang tới.
Và tiều phu sẽ tới và sẽ không có tương lai. Chết nghĩa là không có tương lai.
Quá khứ đã qua, và không tương lai - còn hiện tại thì chật hẹp thế. Sợ chiếm
lĩnh, bạn run rẩy.
Sợ bao giờ cũng là về cái chưa
được sống. Nếu bạn sống một cách toàn bộ, bạn chẳng sợ cái gì cả. Nếu cái chết
tới với tôi ngay bây giờ, tôi đã sẵn sàng. Tôi đã sống. Mọi thứ đều đầy đủ,
không cái gì là không đầy đủ. Cái chết không thể phá huỷ được. Nếu cái gì đó
còn chưa đầy đủ thế thì tôi mới muốn cái chết đợi thêm chút xíu, nhưng mọi thứ
đều đầy đủ cả. Tôi đã tắm sáng nay, tôi đã nói với các bạn, bất kì cái gì định
xảy ra thì đã xảy ra rồi. Tôi hoàn toàn sẵn sàng. Nếu cái chết tới, tôi đã sẵn
sàng, tôi sẽ thậm chí không nhìn lại một lần bởi vì chẳng còn gì để nhìn cả, mọi
thứ đều đã đầy đủ. Bất kì khi nào bất kì cái gì cũng đều đầy đủ thì bạn tự do với
nó. Một cuộc sống đã được sống thực sự - người ta trở nên tự do với nó. Một cuộc
sống chưa được sống - bạn không bao giờ có thể được tự do với nó. Bạn có thể
vào hang cốc, lên Himalayas, lên Tây Tạng - bạn có thể đi bất kì đâu, nhưng bạn
sẽ không bao giờ được tự do, và nỗi sợ bao giờ cũng sẽ có đấy.
Sợ hãi và tự do không thể cùng
tồn tại được. Khi tự do tới - và tự do chỉ tới khi bạn đã sống, đã nở hoa, mọi
thứ đều đầy đủ và kết thúc - thế thì bạn còn khao khát sống lâu hơn nữa làm gì?
Thậm chí đến một khoảnh khắc cũng chẳng cần. Thế thì nỗi sợ biến mất.
Tôn giáo của bạn dựa trên sợ
hãi. Trong thực tế nó không phải là tôn giáo. Nó là giả tạo, nó là rởm, nó chỉ
là lừa dối. Lão Tử không mang tính tôn giáo theo nghĩa bạn mang tính tôn giáo
hay bạn cảm thấy người khác mang tính tôn giáo. Lão Tử mang tính tôn giáo theo
một cách hoàn toàn khác. Phẩm chất của ông ấy là khác. Ông ấy đơn giản, ông ấy
sống một cách hồn nhiên khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia. Ông ấy cũng không
nói về Thượng đế - bởi vì để làm gì? Thượng đế không phải là một từ. Làm sao bạn
có thể nói về Thượng đế được? Lão Tử sống Thượng đế, Lão Tử không nói về Thượng
đế. Lão Tử tận hưởng Thượng đế, Lão Tử mở hội về Thượng đế, đấy không phải là
hiện tượng não bộ. Lão Tử nhảy múa. Lão Tử uống Thượng đế. Lão Tử sống Thượng đế.
Cho nên phỏng có ích gì mà nói về Thượng đế?
Đây là quan sát của tôi: rằng mọi
người bao giờ cũng nói về những điều họ không biết.
Có một câu chuyện Sufi:
Một nhà vua vĩ đại hay tới một
nhà tu khổ hạnh fakir, một người ăn xin huyền môn. Nhưng ông ấy ngạc nhiên bởi
vì bất kì khi nào ông ấy tới thì nhà huyền môn này lại nói về tiền bạc, vương
quốc, chính trị, còn nhà vua lại nói về Thượng đế, thiền, tôn giáo.
Thế là một hôm nhà vua nói,
"Ta xin lỗi, nhưng điều này ta không thể nào hiểu nổi. Ta tới đây để nói về
Thượng đế, tôn giáo, thiền, samadhi. Và điều này thật kì cục - rằng ta, một con
người của thế gian, tới nói về samadhi, chứng ngộ, còn ông, một người tôn giáo
- cứ giả sử là tôn giáo đi, bởi vì bây giờ ta có hoài nghi - bất kì khi nào ta
tới, ông bao giờ cũng nói về vương quốc và chính trị và tiền bạc và cả nghìn thứ,
nhưng bao giờ cũng về thế gian. Ông giải thích điều này thế nào?"
Ông fakir cười. Ông ấy nói,
"Chẳng có gì để giải thích cả. Điều đó là đơn giản. Ông nói về những điều
ông không biết. Tôi nói về những điều tôi không biết. Điều đó là đơn giản. Sao
tôi lại phải nói về Thượng đế? Tôi biết mà. Sao ông lại phải nói về vương quốc?
Ông là vua. Ông biết mà. "
Lão Tử không nói về Thượng đế,
thậm chí không nhắc tới ngài, dù chỉ một lần. Ông ấy đã quên mất Thượng đế rồi
sao? Ông ấy chống lại Thượng đế sao? Không. Ông ấy sống Thượng đế một cách toàn
bộ đến mức ngay cả việc nhớ tới cũng sẽ là phạm thượng. Việc nói về Thượng đế sẽ
là nói về một hiện tượng sâu sắc thế, nó sẽ là phản bội.
Nói về Thượng đế sẽ là phản bội,
tôi nói với bạn vậy. Nó là một hiện tượng thân mật thế; nó là giữa ngài và cái
toàn thể. Cũng hệt như những người yêu không thích nói về tình yêu của họ. Và
những người nói về tình yêu của mình - bạn có thể chắc chắn họ không có cuộc sống
tình yêu. Tình yêu là hiện tượng thân mật tới mức không ai muốn nói về nó cả.
Các nhà thơ nói về nó bởi vì họ không biết. Họ viết ra các bài thơ, đấy là tưởng
tượng của họ - nhưng họ đã không biết. Những người yêu giữ im lặng. Những người
yêu không nói về tình yêu chút nào. Chẳng có gì để nói về nó cả - họ biết nó.
Và bởi việc biết nó mà họ cũng biết rằng không thể nào nói về nó được; điều đó
sẽ là phản bội. Lão Tử mang tính tôn giáo theo cách hoàn toàn khác.