Osho - Từ bỏ hi vọng đi, bằng không thì ông bao giờ cũng khổ

Osho - Từ bỏ hi vọng đi, bằng không thì ông bao giờ cũng khổ

Price:

Read more

Từ bỏ hi vọng đi, bằng không thì ông bao giờ cũng khổ

Tâm trí tôi trong trạng thái lẫn lộn tới mức không thể nào vẫn còn ở giữa được. Chẳng lẽ không tốt hơn sao nếu tôi cứ theo tâm trí trong đủ mọi cực đoan của nó để cho tôi có thể kinh nghiệm toàn bộ cái ngớ ngẩn của nó?
Phần thứ nhất của câu hỏi này:
Tâm trí tôi trong trạng thái lẫn lộn tới mức không thể nào vẫn còn ở giữa được.
Tôi không nói rằng bạn nên vẫn còn ở giữa. Nếu bạn cố gắng vẫn còn ở giữa thì bạn sẽ chẳng bao giờ ở giữa được. Chỗ giữa là quân bình; bạn không thể cố gắng ở đó được. Bạn sẽ phải nghiêng sang trái, bạn sẽ phải nghiêng sang phải. Đừng níu bám lấy bất kì vị trí nào. Tự do. Và giữa việc nghiêng sang trái và việc nghiêng sang phải, ở đâu đó một điểm tinh tế nảy sinh trong bạn. Nó không ở bên ngoài bạn. Nếu bạn cứ nhìn ra ngoài thì có bên trái và bên phải; không có chỗ giữa.
Điều đó cũng giống hệt thời gian. Không gian và thời gian là cùng nhau. Cố hiểu đi. Nếu bạn nhìn vào đồng hồ thì có quá khứ và có tương lai, không có hiện tại. Đồng hồ của bạn chưa bao giờ nói hiện tại là gì - nó không thể nói được, bởi vì khoảnh khắc nó nói điều đó, thì điều đó đã là quá khứ rồi. Cho nên các kim đồng hồ cứ chuyển động từ quá khứ sang tương lai; không có hiện tại trong đồng hồ của bạn - không thể có được. Hiện tại không phải là một phần của thời gian. Bạn đã học trong trường phổ thông và trường đại học rằng hiện tại là một phần của thời gian - đó là điều ngớ ngẩn. Hiện tại không phải là một phần của thời gian. Bạn đã nghe điều đó được lặp lại biết bao nhiêu lần rằng thời gian được chia thành ba thời - quá khứ, hiện tại và tương lai - đến mức điều đó đã trở thành ước định trong tâm trí bạn. Không. Thời gian chỉ có hai phân chia: quá khứ và tương lai.
Thế thì hiện tại ở đâu? Hiện tại là ở trong bạn. Nếu bạn nhìn ra, bạn sẽ thấy quá khứ và tương lai; nếu bạn nhìn vào, bạn sẽ thấy hiện tại và bao giờ cũng hiện tại. Không có quá khứ và không có tương lai - không thể có được.
Bạn đi vào bên trong, và bạn đi vào trong cái vĩnh hằng của hiện tại; bạn đi ra ngoài, hoặc là bạn đi vào trong quá khứ hoặc bạn đi vào trong tương lai.
Và cùng điều đó cũng đúng cho không gian - trong không gian có hoặc bên trái hoặc bên phải. Nếu bạn nghiêng sang bên trái thì nó là ở ngoài, nếu bạn nghiêng sang bên phải thì đấy cũng là ở ngoài. Nhưng nếu bạn thu được quân bình giữa hai bên, bỗng nhiên bạn ở trong. Điểm giữa là ở bên trong bạn, nó không phải là một phần của không gian bên ngoài. Trong thực tế, hiện tại và chỗ giữa là cùng nhau. Bất kì khi nào bạn ở chỗ giữa, bạn đều trong hiện tại. Chỗ giữa không phải là một vị trí ở ngoài bạn. Nó là một hiện tượng bên trong cũng giống như hiện tại.
Cho nên khi tôi nói hay Lão Tử nói, "Quân bình," thì chúng tôi không nói làm cho quân bình thành một hiện tượng tĩnh tại trong cuộc sống của bạn. Nó không thể tĩnh tại được, bạn sẽ phải liên tục duy trì nó, chuyển sang trái và phải. Trong sự chuyển động đó, đôi khi bạn sẽ đi qua điểm bên trong nhất của bản thể của mình và bỗng nhiên bạn sẽ ở chỗ giữa. Và bỗng nhiên bạn sẽ thấy sự khép lại - không phải bùng nổ ra. Sự khép lại. Cái gì đó bên trong khép lại; bỗng nhiên bạn không còn như cũ nữa. Bất kì khi nào bạn đi qua vị trí của chỗ giữa bên trong, bạn không còn như cũ nữa - bạn trở nên sống mãnh liệt, bạn trở nên hồn nhiên mãnh liệt, bạn trở nên thuần khiết và thánh thiện mãnh liệt. Trong khoảnh khắc đó không có bóng tối cho bạn, không tội lỗi, không mặc cảm. Bạn là điều thiêng liêng, bạn là Thượng đế bất kì khi nào bạn có thể tìm ra quân bình đó. Nhưng bạn không thể nào tìm ra nó được một lần cho tất cả - không. Cuộc sống bao giờ cũng là cân bằng thường xuyên, sự liên tục, thể liên tục. Bạn không thể nào làm nó thành món hàng mà bạn mua một lần và bây giờ nó bao giờ cũng có đó trong nhà bạn. Không. Nếu bạn không nhận biết, bạn sẽ bỏ lỡ nó lặp đi lặp lại.
Đây là phần thứ nhất của câu hỏi của bạn: chỗ giữa không phải là điểm cố định bên ngoài. Bạn có thể đạt tới nó từ hoặc điểm đặc biệt, hoặc cố gắng thu được quân bình từ khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia giữa các cái đối lập - ghét trong yêu, giận dữ trong từ bi.
Giữ quân bình giữa các cái đối lập. Dần dần bạn sẽ đi tới cảm nhận sự thành thạo về nó. Tại đâu đó giữa ghét và yêu nó xảy ra. Tôi nói "đâu đó" - cái điểm không thể hình dung ra; nó là hiện tượng sống đến mức bạn không thể chỉ rõ nó ra được. Nó cũng giống như con bướm bay trong vườn - nếu bạn bắt bướm và ghim nó xuống thì nó chết. Bạn có thể ghim nó xuống nhưng nó không còn là bướm nữa, cuộc sống đã từ bỏ nó.
Giống như con bướm là quân bình bên trong, bạn không thể ghim nó xuống được. Đó là lí do tại sao điều đó không thể định nghĩa nổi, khó nắm bắt. Lão Tử nói: Đạo có thể được nói ra thì không còn là Đạo nữa. Chân lí mà có thể được thốt ra thì đã trở thành phi chân lí. Kinh sách Ấn Độ nói "Cái đó" không thể được biết bởi kinh sách. Bạn không thể hiểu được "Cái đó" bằng bất kì trao đổi lời nào. "Cái đó" là khó nắm bắt bởi vì nó sống động thế. Vào lúc bạn đạt tới nó thì con bướm đã mất rồi. Cứ tới mà xem. Đi vào vườn. Bạn tới gần nữa và con bướm sắp bay đi. Khi bạn tới gần tại điểm bắt nó thì nó đã rời bỏ đoá hoa, nó đã trên cây khác rồi. Bạn không thể ghim nó được. Nếu bạn có thể làm được điều đó, nó chết.
Tôi mới đọc hôm qua một trong những nhà thơ rất nhạy cảm của phương Tây, Wallace Stevens. Trong một trong những câu châm ngôn của mình ông ấy nói Aristotle là bộ xương. Tôi thích điều đó. Logic là bộ xương. Logic bao giờ cũng là cái chết, của cái chết. Nó không thuộc vào cuộc sống. Bất kì cái gì cố định thì bao giờ cũng chết - đó là lí do tại sao tôi nói hôn nhân là con bướm bị ghim lại; tình yêu là hiện tượng sống động.
Bạn có thể định nghĩa hôn nhân, bạn không thể định nghĩa được tình yêu. Cho dù toà án có thể quyết định hôn nhân là gì hay không là gì, nhưng không ai có thể quyết định được tình yêu là gì. Hôn nhân là làm hợp pháp; tình yêu là siêu việt lên mọi luật pháp - cái gì đó của cái không biết thấm vào trong tình yêu, vào trong hiện tượng yêu.
Quân bình bên trong không thể bị bắt buộc, bạn sẽ phải tìm ra sự thành thạo về nó. Và bạn có thể tìm thấy nó - bởi vì nếu tôi có thể tìm thấy nó, sao bạn không tìm được? Nếu Lão Tử có thể tìm thấy nó, sao bạn không tìm được? Nếu một người tìm thấy quân bình bên trong, cân bằng bên trong, tiếng nó nhỏ bé tĩnh lặng bên trong, thành thạo bên trong vượt qua mọi hiểu biết, thế thì mọi người đều trở nên có khả năng về nó. Trong Lão Tử là tương lai của bạn, khả năng của bạn. Bạn cũng có thể làm được điều đó.
Bạn nói:
Tâm trí tôi trong trạng thái lẫn lộn tới mức không thể nào vẫn còn ở giữa được.

Đừng cố gắng vẫn còn ở giữa, quên chỗ giữa đi. Cố gắng quân bình. Đi vào trong cái cái đối lập nhưng bao giờ cũng vẫn còn tỉnh táo để cho một ngày nào đó bạn có thể tìm thấy quân bình giữa hai cái đối lập. Và bạn đang làm điều đó đấy - chỉ nhận biết là cần. Mới khoảnh khắc trước bạn còn hạnh phúc, thế rồi sang khoảnh khắc khác bạn bất hạnh. Bạn đã chuyển sang cái đối lập. Bạn phải đã đi qua chỗ giữa rồi. Làm sao bạn có thể chuyển sang cái đối lập mà không đi qua chỗ giữa được? Có thể bạn đã đi qua nó chỉ một phần của giây, nhưng điều đó không phải là vấn đề; bạn đã đi qua nó. Nếu như bạn có chút ít tỉnh táo, bạn đã biết chỗ giữa ở đâu. Ngay bây giờ bạn im lặng thế, rồi một phút qua và toàn bộ tâm trí bạn bắt đầu huyên thuyên. Bạn phải đã đi qua chỗ giữa ở đâu đó.
Khi một người chết, người đó còn sống chỉ mới khoảnh khắc trước, thế rồi người đó chết. Nếu người đó tỉnh táo thì người đó sẽ thấy chỗ giữa vượt ra ngoài cái chết và cuộc sống, bất tử. Nhưng người đó không tỉnh táo. Bạn đã chết nhiều lần; hàng triệu lần, trong thực tế bạn đã đi qua chỗ giữa nhiều lần, hàng nghìn lần: từ bi và giận dữ, một người cảm thấy tốt thế và bỗng nhiên tồi thế, một người cảm thấy thánh thiện thế vào buổi sáng... nhìn mọi người đang cầu nguyện gần sông Hằng hay trong đền chùa - nhìn vào khuôn mặt họ, đẹp thế. Những khuôn mặt xấu xí nhất cũng trở nên đẹp khi có lời cầu nguyện. Và thế rồi nhìn vào họ trong chợ - ngay cả khuôn mặt đẹp nhất cũng có vẻ xấu. Họ phải đã đi qua điều đó ở đâu đó - từ đền tới chợ phải đã có một điểm giữa - nhưng họ không nhận biết.
Cho nên phải làm gì? Đừng cố gắng ở chỗ giữa. Tôi không nói cố gắng giận dữ chút ít và từ bi chút ít cùng nhau - không. Tôi không nói cố gắng ở giữa - bạn sẽ phát điên. Tôi đang nói chuyển từ cái đối lập nọ sang cái đối lập kia, nhưng chuyển một cách tỉnh táo tới mức bạn có thể tìm thấy điểm giữa ở bên trong mình. Khoảnh khắc bạn tìm thấy điểm giữa, lần đầu tiên bạn trở thành người chủ cuộc sống của mình. Mãi cho tới giờ bạn đã chỉ là nô lệ. Lần đầu tiên bạn trở nên thức tỉnh - mãi cho tới giờ bạn đã ngủ say.
Và phần thứ hai của câu hỏi:
Chẳng lẽ không tốt hơn sao nếu tôi cứ theo tâm trí trong đủ mọi cực đoan của nó để cho tôi có thể kinh nghiệm toàn bộ cái ngớ ngẩn của nó?
Mọi người đều chưa bao giờ có khả năng kinh nghiệm được toàn bộ cái ngớ ngẩn của tâm trí.
Nó là vô hạn. Bạn sẽ không có khả năng kinh nghiệm toàn bộ về nó; nó là rất bịa đặt, nó cứ bịa ra những cái ngớ ngẩn mới. Bạn đã ở đây trong sự tồn tại này lâu thế, ấy vậy mà bạn vẫn không có khả năng kinh nghiệm toàn bộ cái ngớ ngẩn của nó. Bạn không phải là lần đầu tiên ở trên hành tinh trái đất này, bạn đã ở đây từ trước rồi. Tôi có thể thấy những khuôn mặt cổ đại của các bạn, ẩn bên dưới làn da tươi trẻ của bạn. Bạn là người cổ xưa.
Đã có một thầy giáo vào thời của Phật ở Ấn Độ; tên ông ấy là Prakuddha Katyayana. Ông ấy là một thầy giáo hiếm hoi. Ông ấy bao giờ cũng gọi đệ tử của mình là người cổ đại. Thậm chí một đứa trẻ tới gặp Prakuddha Katyayana, ông ấy cũng nói, "Ông khoẻ không, ông bạn cổ?" Bởi vì mọi người đều già thế, già hơn cả trái đất. Trái đất không phải già lắm, chỉ... trong thực tế, rất trẻ, mới vị thành niên. Nhưng bạn còn già hơn mặt trời. Bạn đã từng ở đây từ khi sự tồn tại đã ở đây, bằng không thì điều đó là không thể được - bạn không thể bỗng nhiên bật ra được. Làm sao bạn có thể xảy ra một cách ngẫu nhiên thế? Bạn đã từng ở đây theo mọi cách.
Một trong những nhà tâm lí lớn nhất của Mĩ, William James, đã viết một cuốn sách trở thành một cột mốc rất quan trọng trong lịch sử tâm lí học và tôn giáo. Tên của cuốn sách là Sự đa dạng của kinh nghiệm tôn giáo. Ông ấy đã du hành khắp thế giới để thu thập tài liệu cho cuốn sách. Nhiều cuốn sách đã được viết ra từ đó về tôn giáo, nhưng không cuốn sách nào đã đạt tới đỉnh cao đó. William James đã làm việc vất vả về nó. Ông ấy cũng tới Ấn Độ, ông ấy phải tới - nếu bạn viết một cuốn sách về tôn giáo thế thì Ấn Độ trở thành nơi phải tới.
Ông ấy tới Ấn Độ và ông ấy tới gặp một hiền nhân trên Himalayas. Ông ấy không nêu tên; trong thực tế các hiền nhân đều không có tên, cho nên cũng không cần. Ông ấy đã tới gặp hiền nhân này và ông ấy đã hỏi một câu hỏi. Ông ấy đã đọc kinh sách Ấn Độ mà trong đó có nói rằng trái đất được tám con voi trắng đỡ.
Ông ấy phân vân - ông ấy là nhà logic - cho nên ông ấy hỏi hiền nhân này, "Điều này có vẻ ngớ ngẩn. Tám con voi đó đứng trên cái gì? Chúng được đỡ làm sao? "
Hiền nhân này nói, "Trên tám con voi trắng khác và lớn hơn."
William James nói, "Nhưng điều đó chẳng giải quyết được vấn đề. Những con voi trắng lớn hơn đó đứng trên cái gì? "
Hiền nhân này cười to và ông ấy nói, "Voi đứng trên voi, voi trên voi, tất cả cứ như thế xuống. Ông có thể cứ hỏi," hiền nhân này nói, "và tôi sẽ cứ trả lời cùng điều - tới tận đáy."
Thế là William James nghĩ rằng một câu hỏi nữa có thể được hỏi: "Và cái đáy đó được cái gì đỡ cho?" Hiền nhân này nói, "Tất nhiên, tám con voi lớn hơn."
Nó cứ tiếp diễn mãi - tất nhiên nó phải là như vậy rồi. Nếu bạn đi ngược lại thì bạn sẽ thấy bản thân mình lặp đi lặp lại mãi. Bằng không thì làm sao bạn có thể ở đây được? Bạn được kiếp sống quá khứ của mình nâng đỡ, đó là lí do tại sao bạn lại ở đây. Và kiếp sống quá khứ của bạn được hỗ trợ bởi kiếp sống quá khứ khác - đó là lí do tại sao bạn đã ở trong kiếp sống quá khứ của mình. Và điều này cứ tiếp diễn mãi và bạn không thể nào hỏi, "Lần đầu tiên tôi đã tới như thế nào?" Bạn chưa bao giờ tới lần đầu tiên, ngay cả trước khi bạn hiện hữu. Ngay cả trước lần đầu tiên thì bạn cũng vẫn được hỗ trợ bởi kiếp sống quá khứ - voi trên voi, voi trên voi. Người Hindus thực là tuyệt. Họ tạo ra câu chuyện ngớ ngẩn, nhưng những câu chuyện ngớ ngẩn đó lại có nghĩa và ý nghĩa sâu sắc. Bạn ở đây chỉ bởi vì toàn bộ quá khứ - không phải quá khứ của bạn, toàn bộ quá khứ của sự tồn tại - đều hỗ trợ cho bạn. Bạn là toàn bộ quá khứ, ấy vậy mà bạn vẫn không có khả năng vét cạn tất cả những cái ngớ ngẩn của nó. Bạn có cho rằng sẽ có khả năng vét cạn mọi cái ngớ ngẩn của tâm trí không? Không, không ai đã bao giờ có khả năng làm được điều đó. Nếu bạn trở nên nhận biết, thì thậm chí một ngày cũng là đủ. Nếu bạn vẫn còn không nhận biết, thậm chí cả triệu kiếp sống cũng không đủ. Nếu bạn trở nên nhận biết, thậm chí một khoảnh khắc cũng đủ để thấy cái ngớ ngẩn của tâm trí. Còn nếu bạn cứ ngủ và ngáy thế thì bạn có thể cứ ngủ và ngáy. Đó là cách bạn đã từng ở trong quá khứ, cùng điều bạn có thể ở trong tương lai.
Không, với việc ngủ bạn sẽ không bao giờ vét cạn cái ngớ ngẩn của tâm trí được. Đừng hi vọng; điều đó là vô vọng. Điều đó không thể được thực hiện. Điều đó là không thể được. Trở nên tỉnh táo, và bỗng nhiên bạn có thể thấy. Bởi vì cái ngớ ngẩn không thể nào bị vét cạn bằng việc kinh nghiệm, chúng chỉ có thể bị cạn kiệt bởi việc kinh nghiệm với nhận biết. Với chỉ một mình kinh nghiệm, bạn sẽ không có khả năng vét cạn chúng.
Bạn yêu một người đàn bà nhưng mối quan hệ trở thành tẻ nhạt và mọi sự đi sai. Thế rồi bạn bắt đầu nghĩ tới người đàn bà khác. Tâm trí nói, "Người đàn bà này không đúng dành cho mình, nhưng có người đàn bà đúng. Mình phải cố gắng tìm cho ra cô ấy. Mình bị móc vào người đàn bà sai, đấy là lí do tại sao vấn đề đã nảy sinh." Vấn đề đã không nảy sinh bởi người đàn bà này - nhớ lấy. Nếu bạn tỉnh táo thì bạn sẽ thấy vấn đề nảy sinh bởi vì ham muốn, không phải bởi vì người đàn bà này. Nhưng tâm trí nói, "Bỏ người đàn bà này, li dị đi, chuyển sang người khác." Và với người khác, cùng điều ấy xảy ra - tâm trí nói, "Tìm ai đó khác." Và bạn cứ tiếp diễn mãi. Và tâm trí bao giờ cũng sẽ hi vọng rằng ai đó một ngày nào đó sẽ lật lại và mọi sự sẽ phải, và bạn sẽ trên cõi trời.
Điều đó đã không xảy ra, nó sẽ không xảy ra. Bằng không thì sẽ không có nhu cầu về tôn giáo, không có nhu cầu về yoga, không có nhu cầu về Đạo. Dần dần mọi người sẽ đi tới cuộc sống đúng - nhưng điều đó chẳng bao giờ xảy ra cả. Nhưng hi vọng cứ chiến thắng so với kinh nghiệm, và tới tận cùng bạn cứ hi vọng rằng một ngày nào đó, bằng cách nào đó, mọi sự sẽ tốt.
Hi vọng là cơ sở cho mọi ngớ ngẩn, còn sự tồn tại thì lại ở mức là, với tâm trí dốt nát và ngủ, thì không có hi vọng gì cả. Trở nên tỉnh táo đi.
Chuyện xảy ra: Alexander đi tới Ấn Độ. Ông ấy gặp Diogenes trên đường. Diogenes là một người hiếm hoi - nếu Diogenes mà gặp Lão Tử, cả hai sẽ ngồi và cười và cười và cười mãi. Họ có cùng phẩm chất.
Alexander đi qua. Ông ta đã nghe nói rằng Diogenes chỉ ở ngay bên cạnh cho nên ông ta tới gặp ông này. Ngay cả Alexander cũng bị con người này gây ấn tượng, ngay cả Alexander cũng cảm thấy yếu ớt trước ông này. Diogenes là một thầy tu fakir trần trụi, ông ấy chẳng có gì, nhưng sự hiện hữu của ông ấy hấp dẫn thế, quyền năng thế - tới mức Alexander cũng bị ấn tượng, rất ấn tượng. Trong thực tế tương truyền rằng ông ấy không bao giờ bị ấn tượng lần nữa bởi bất kì người nào khác.
Ông ấy hỏi bí mật của điều đó: "Làm sao ông trở nên mạnh mẽ thế, mà chẳng có gì cả? Còn ta là người chinh phục thế giới, ta đã thắng gần khắp thế giới. Chỉ chút ít thêm nữa còn bỏ lại; chẳng mấy chốc ta sẽ kết thúc. Còn ông - một người trần trụi, chẳng có gì - bí mật về hạnh phúc của ông là gì?"
Diogenes theo thuật lại đã nói, "Ta đã từ bỏ hi vọng. Đó là bí mật. Và ta bảo ông, ông cũng từ bỏ hi vọng đi; bằng không thì ông bao giờ cũng sẽ khổ."
Alexander nói, "Ta sẽ tới ông để học bí mật này, nhưng không phải bây giờ. Ta đang trên đường - một nửa thế giới, hơn nửa thế giới ta đã thu được, nhưng còn có phần còn lại. Ta phải trở thành người chinh phục thế giới, thế rồi ta sẽ tới."
Diogenes nói, "Không ai đã bao giờ là kẻ chinh phục thế giới. Cái này hay cái khác vẫn còn lại cần được tiến hành. Giấc mơ không bao giờ hoàn chỉnh và ham muốn không bao giờ được mãn nguyện. Nếu ông thực sự hiểu tôi, và nếu ông thực sự thấy rằng tôi hạnh phúc mà không bận tâm gì tới việc chinh phục cả thế giới, thế thì ông cũng có thể hạnh phúc mà không có điều đó."
Một cách logic, trí tuệ, Alexander đã hiểu điều đó. Nhưng ông ấy nói, "Ta sẽ tới sau. Đây chưa phải là đúng lúc cho ta."
Khi ông ấy rời khỏi Diogenes, Diogenes nói, "Nhớ lấy, ông sẽ chết trước khi ông chinh phục xong thế giới; mọi người đều đã chết và ông không thể là ngoại lệ."
Và điều đó đã xảy ra. Alexander chẳng bao giờ về tới nhà. Trở về từ Ấn Độ, ông ấy đã chết trên đường. Ông ấy phải đã nhớ tới Diogenes, ông fakir trần trụi kia, trong những khoảnh khắc cuối cùng của mình.
Và thế rồi còn có một câu chuyện khác; tôi không thể bảo đảm về nó. Có một câu chuyện rằng vào cùng ngày đó thì Diogenes cũng chết. Và họ gặp nhau trên đường sang thế giới bên kia, đi qua con sông chảy ngăn giữa thế giới này và thế giới kia. Họ gặp nhau trên con sông đó. Diogenes bắt đầu cười to, và ông ấy nói, "Trông kìa, ông có nhớ không, ông bạn xuẩn ngốc? Ông đã chết, và ông chết ở chỗ giữa, còn thắng lợi thì không đầy đủ."
Chỉ để vớt vát lấy thể diện của mình, Alexander cũng cố gắng cười khanh khách nhưng ông ấy không thể cười được. Chỉ để vớt vát lấy thể diện của mình, ông ta nói, "Vâng, điều này thực là lạ, cuộc gặp gỡ của một hoàng đế và một kẻ ăn mày trần trụi trên dòng sông này. Nó có thể đã không xảy ra trước đây, nó có thể không xảy ra lần nữa."
Diogenes cười thậm chí còn vui nhộn hơn và ông ấy nói, "Ông phải đấy, nhưng ông không hiểu ai là hoàng đế và ai là nô lệ. Và ai là hoàng đế và ai là kẻ ăn mày - điều đó ông không biết đích xác. Tại đó ông sai, bằng không thì ông đúng: đấy là cuộc gặp gỡ của một hoàng đế và một kẻ ăn mày, nhưng ta là hoàng đế còn ông là kẻ ăn mày. Ông đã ăn mày cả thế giới - ông là kẻ ăn mày lớn nhất đã từng có. Và ta đã sống như một hoàng đế, nhưng nhìn vào điều đã xảy ra cho vương quốc của ông..."
Bây giờ ngay cả Alexander cũng trần trụi - bởi vì mọi thứ đều phải bị bỏ bên bờ này - và ông ấy cảm thấy rất xấu hổ và lúng túng, bối rối. Nhưng Diogenes không bối rối. Ông ấy nói, "Biết rõ điều này, rằng một ngày nào đó người ta phải trở nên trần trụi, ta đã tự tay ném đi những quần áo này. Bây giờ nhìn cách ông cảm thấy bối rối trước Thượng đế. Ta sẽ đứng cười, còn ông sẽ thấy mặc cảm và bối rối và mọi điều. Mọi thứ đều sai quanh ông."
Không có khả năng nào để vét cạn những cái ngớ ngẩn. Ngay cả Alexanders cũng chẳng bao giờ vét cạn được chúng. Nếu bạn muốn vét cạn chúng thì cách duy nhất là trở nên nhận biết. Bạn càng trở nên nhận biết thì những cái ngớ ngẩn càng có vẻ ngớ ngẩn hơn. Khi chúng trông có vẻ ngớ ngẩn, khi bạn thấy chúng ngớ ngẩn, bạn đơn giản chấm dứt. Bạn không làm chúng thêm nữa. Không có nhu cầu từ bỏ cái gì trong thế giới này - người ta chỉ nhận biết và mọi thứ vô dụng, vô nghĩa, sẽ tự loại bỏ chúng, theo cách của chúng.

Ads Belove Post