Osho - Tượng Phật chẳng có gì liên quan đến Phật Gautam cả

Osho - Tượng Phật chẳng có gì liên quan đến Phật Gautam cả

Price:

Read more

Osho - Tượng Phật chẳng có gì liên quan đến Phật Gautam cả

Osho kính yêu, trong khi thăm một viện bảo tàng nghệ thuật ở Frankfurt gần đây, tôi đã vào một phòng chẳng có gì ngoài tượng và hình khắc Phật. Tôi hoàn toàn không tin vào các thần tượng bằng đá, nhưng tôi ngạc nhiên cảm thấy một luồng năng lượng rất mạnh trong phòng, tương tự như điều tôi cảm thấy ở đây trong bài giảng này. Tôi có tưởng tượng ra điều ấy không? Và nếu có thì làm sao tôi có thể tin cậy điều tôi cảm thấy ở đây với thầy?
Câu hỏi này là từ Anand Samagra. Điều đầu tiên cần được hiểu: tượng Phật chẳng có gì liên quan đến Phật Gautam cả, bạn sẽ ngạc nhiên mà biết; chúng tất cả đều là giả. Chúng không giống Phật chút nào, nhưng chúng có cái gì đó liên quan tới phật tính - không với Phật Gautam, con người đó, chúng có cái gì đó liên quan tới phật tính.
Bạn có thể đi vào một đền Jaina giáo và bạn sẽ thấy hai mươi bốn bức tượng tirthankaras, những người sáng lập đạo Jaina, và bạn sẽ không thể nào phân biệt được khác biệt giữa chúng; tất cả chúng đều giống nhau. Để phân biệt, người Jaina tạo ra các biểu tượng nhỏ trên họ để biết ai là ai, bởi vì tất cả họ đều giống nhau. Cho nên nếu biểu tượng của ai đó là một hình nét thì ngay ở mặt dưới bàn chân là hình nét đó; thế thì họ biết được đấy là tượng của ai. Biểu tượng của ai đó là con rắn, họ biết đấy là tượng của ai. Nếu những biểu tượng này được giấu kín, ngay cả người Jaina cũng không thể phân biệt được ranh giới - đây là tượng của ai? Của Mahavira? Của Parswanatha? Của Adinatha? Và bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng chúng đều giống hệt Phật - không khác biệt.
Lúc ban đầu, khi người phương Tây trở nên quen biết với Mahavira, họ nghĩ đấy chẳng là gì ngoài cùng một câu chuyện về Phật, bởi vì bức tượng là một, triết lí là một, cách hiểu là một, giáo huấn là một. Cho nên đấy chỉ là cùng một thứ, chẳng có gì khác với Phật; họ nghĩ Mahavira là cái tên khác của Phật. Và tất nhiên cả hai đều được gọi là phật - 'phật' có nghĩa là 'người thức tỉnh'. Cho nên Phật đã được gọi là Phật còn Mahavira cũng được gọi là Phật. Và cả hai đều được gọi là jina - 'jina' có nghĩa là 'người chinh phục', người đã chinh phục được bản thân mình. Phật được gọi là 'người chinh phục' còn Mahavira cũng được gọi là 'người chinh phục', cho nên họ nghĩ đấy là cùng một người. Và bức tượng là bằng chứng lớn; chúng tuyệt đối giống nhau. Chúng không phải là ảnh chụp của nhau, chúng không biểu thị cho một người; chúng biểu thị cho trạng thái nào đó. Bạn sẽ phải hiểu điều này, thế thì mọi việc sẽ được giải thích.
Trong tiếng Ấn Độ ba từ sau rất quan trọng: một là mật tông tantra, từ chúng ta đang nói tới, từ thứ hai là mật chú mantra, và từ thứ ba là mật hình yantra. Mật tông có nghĩa là các kĩ thuật để trải rộng tâm thức của bạn. Mật chú có nghĩa là tìm ra âm thanh bên trong của bạn, nhịp điệu bên trong của bạn, rung động bên trong của bạn. Một khi bạn đã tìm được câu mật chú của mình, nó sẽ cực kì có ích: chỉ một lần thốt ra câu mật chú là bạn đã trong một thế giới hoàn toàn khác. Điều đó trở thành chìa khoá, thành bước chuyển, bởi vì một khi thốt ra câu mật chú đó, bạn rơi vào rung động tự nhiên của mình. Và từ thứ ba là mật hình. Những bức tượng này là các mật hình. Mật hình có nghĩa là một hình nào đó có thể tạo ra một trạng thái nào đó trong bạn. Một hình nào đó, nếu bạn nhìn vào nó, nhất định sẽ tạo ra một trạng thái nào đó trong bạn.
Bạn chưa quan sát điều đó sao? Khi nhìn vào bức tranh của Picasso bạn sẽ bắt đầu cảm thấy một chút không thoải mái. Tập trung vào bức tranh của Picasso khoảng nửa giờ và bạn sẽ cảm thấy rất lạ kì - cái gì đó đang trở thành điên dại. Bạn không thể nhìn vào bức tranh của Picasso trong nửa giờ. Nếu bạn để bức tranh của Picasso trong phòng ngủ bạn sẽ gặp cơn ác mộng, bạn sẽ có những giấc mơ rất nguy hiểm: bị ma ám, bị Adolf Hitler tra tấn và những thứ đại loại như vậy; nạn nhân chiến tranh trong trại tập trung - những thứ đại loại như vậy.
Khi bạn ngắm cái gì đó, đấy không chỉ là hình ảnh bên ngoài; khi bạn ngắm cái gì đó, hình này tạo ra một tình huống nào đó trong bạn. Gurdjieff quen gọi điều này là 'nghệ thuật mục đích'. Và bạn biết nó: lắng nghe nhạc pop hiện đại, cái gì đó xảy ra trong bạn; bạn trở nên bị kích động dục. Chẳng có gì ngoài âm thanh bên ngoài, nhưng âm thanh này dội vào bên trong, tạo ra cái gì đó trong bạn. Lắng nghe nhạc cổ điển bạn trở nên ít dục tình hơn, ít kích động hơn. Trong thực tế với nhạc cổ điển vĩ đại bạn gần như quên mất dục; bạn trong yên tĩnh, im lặng, một chiều hướng hoàn toàn khác của bản thể bạn. Bạn tồn tại trên một bình diện khác.
Ngắm tượng Phật là nhìn vào một mật hình. Hình của bức tượng, hình học của bức tượng, tạo ra một hình bên trong bạn. Và hình bên trong đó tạo ra một rung động nào đó. Đấy không phải là tưởng tượng xảy ra cho bạn, Samagra này, trong bảo tàng ở Frankfurt; những bức tượng Phật đó đã tạo ra rung động nào đó bên trong bạn.
Ngắm bức tượng Phật đang ngồi im lặng đến thế trong tư thế yoga mà xem: nếu bạn tiếp tục ngắm bức tượng đó, bạn sẽ thấy cái gì đó tựa như cái đang xảy ra bên trong bạn nữa. Nếu bạn ở trong một toán mà có mười người đang buồn và bạn là người thứ mười một, bạn có thể duy trì niềm hạnh phúc được bao lâu? Mười người kia sẽ vận hành tựa như một mật hình, một mật hình buồn; chẳng chóng thì chầy bạn sẽ rơi vào buồn. Nếu bạn bất hạnh mà bạn nhập vào một nhóm mọi người đang vui đùa cười nói, bạn giữ được nỗi buồn trong bao lâu? Những người cười nói này sẽ tạo ra tiếng cười trong bạn. Họ sẽ thay đổi sự tập trung của bạn, họ sẽ sang số cho bạn; bạn sẽ bắt đầu chuyển sang chiều hướng khác. Điều này xảy ra hàng ngày - dù có chủ ý hay không chủ ý.
Khi bạn ngắm trăng tròn, điều gì xảy ra cho bạn? Hay khi bạn lắng nghe chim hót và nhìn cây xanh, điều gì xảy ra cho bạn? Khi bạn đi vào rừng và nhìn cây cỏ, điều gì xảy ra cho bạn? Cái gì đó xanh tươi bên trong bắt đầu xảy ra. Mầu xanh lá cây là mầu của tự nhiên, mầu xanh ấy là mầu của thanh thoát, mầu xanh ấy là mầu của cuộc sống; cái gì đó xanh tươi bắt đầu xảy ra bên trong bạn. Mầu bên ngoài phản ánh cái gì đó bên trong, làm rung động cái gì đó bên trong, tạo ra cái gì đó bên trong. Nhìn lên cây xanh bạn trở nên sống động hơn... bạn trở nên trẻ trung hơn!
Khi bạn đi lên đỉnh Himalayas và bạn thấy núi non, chóp núi tuyết phủ... tuyết vĩnh viễn chẳng bao giờ tan chảy, tuyết thuần khiết nhất nơi không người nào bước tới, không bị nhiễm bẩn bởi sự đụng chạm của xã hội và con người; khi bạn nhìn lên đỉnh Himalayas, tuyết trong trắng và không bụi bặm tạo ra cái gì đó trong trắng trong bạn. An bình tinh tế bắt đầu xảy ra bên trong.
Bên ngoài không phải là bên ngoài và bên trong cũng chẳng chỉ là bên trong, chúng đang gắn với nhau. Cho nên nhận biết điều bạn thấy, nhận biết điều bạn nghe, nhận biết điều bạn đọc, nhận biết nơi bạn đi - bởi vì tất cả đều tạo ra bạn.
Đó là điều đã xảy ra ở Frankfurt. Các bức tượng Phật, nhiều bức tượng quanh bạn đã tạo ra một hình học tinh tế. Bạn sẽ ngạc nhiên: đó là lí do cơ bản tại sao tượng được tạo ra; chúng không phải là thần tượng như bạn vẫn nghĩ. Tư tưởng của người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo và người Do Thái đã cho một khái niệm rất sai về thế giới. Tượng không phải là thần tượng, tượng rất khoa học. Tượng không phải là các vật để thờ phụng, tượng là hình học để được hấp thụ. Đó là một điều hoàn toàn khác.
Ở Trung quốc có một đền thờ Phật với mười nghìn tượng Phật - tất cả đều là tượng Phật; bất kì khi nào bạn nhìn, đều cùng một khuôn mặt. Trần cũng cùng khuôn mặt, tất cả các phía đều cùng khuôn mặt, tường cũng có cùng khuôn mặt. Mười nghìn tượng Phật! Hình dung xem, ngồi bắt chéo chân theo tư thế Phật và bạn còn được mười nghìn Phật bao quanh! Điều ấy tạo ra hình học. Từ mọi nơi Phật đều tác động vào bạn. Từ mọi xó xỉnh và ngóc ngách ông ấy đều bao trùm quanh bạn. Bạn mất đi; hình học bình thường của bạn không còn đó nữa, cuộc sống bình thường của bạn không còn đó nữa. Trong vài khoảnh khắc bạn đang chuyển lên những bình diện cao hơn, ở các vĩ độ cao hơn.
Đó cũng là điều đang xảy ra ở đây. Trong khi bạn lắng nghe tôi, cái gì đó được tạo ra - bởi sự hiện diện của tôi, bởi lời nói của tôi, bởi thái độ của bạn, bởi bao nhiêu người áo da cam quanh bạn. Đấy là tình huống, đấy là ngôi đền. Ngôi đền là một tình huống; nó không chỉ là chỗ bạn ngồi trong thính phòng này. Bao nhiên người đang lắng nghe tôi với tình yêu, lòng biết ơn đến thế, với im lặng đến thế, với thông cảm đến thế, với hoà hợp đến thế... chỗ này trở nên linh thiêng. Chỗ này trở thành tirtha; nó là chỗ thiêng liêng. Khi bạn tới chỗ này là bạn đang cưỡi trên một con sóng, bạn không cần nỗ lực nhiều. Bạn có thể đơn giản cho phép nó xảy ra. Bạn sẽ được đưa đi xa, xa sang bờ bên kia.
Hội hoạ hiện đại biểu diễn cái xấu trong sự tồn tại. Cái xấu trở thành trội hơn bởi một lí do nào đó. Thế kỉ này là một trong những thế kỉ xấu nhất: hai cuộc chiến tranh thế giới trong vòng năm mươi năm, hàng triệu người bị giết, bị tiêu diệt... tàn bạo thế, hung tợn thế, bạo hành thế, điên rồ thế. Thế kỉ này là thế kỉ ác mộng. Con người đã lạc lối nhân đạo. Con người đã làm biết bao điều tàn ác với con người! Một cách tự nhiên điên khùng này bùng ra mọi nơi - trong hội hoạ, trong âm nhạc, trong điêu khắc, trong kiến trúc - mọi nơi tâm trí xấu xa của con người đã tạo ra xấu xí.
Xấu xí đã trở thành giá trị thẩm mĩ. Bây giờ các nhà nhiếp ảnh đi tìm cái gì đó xấu xí. Không phải vì cái đẹp đẽ không còn tồn tại nữa; nó vẫn tồn tại nhiều như trước, nhưng nó bị lãng quên. Cây xương rồng đã thay thế cho hoa hồng. Không phải vì xương rồng là cái gì đó mới mẻ; nó bao giờ cũng tồn tại, nhưng thế kỉ này đã đi tới biết rằng gai dường như thật hơn hoa hồng. Hoa hồng dường như là giấc mơ; nó không thích hợp với chúng ta, do đó hoa hồng đã bị trục xuất. Xương rồng đã bước vào phòng khách của bạn. Mới chỉ một trăm năm trước đây chẳng ai nghĩ tới việc đem xương rồng về nhà. Bây giờ nếu bạn là người hiện đại vườn bạn phải đầy những xương rồng. Hoa hồng trông hơi tư sản; hoa hồng trông hơi cổ hủ; hoa hồng trông như thành viên đảng Bảo thủ, chính thống, truyền thống. Xương rồng trông có vẻ cách mạng. Vâng, xương rồng là cách mạng - giống Adolf Hitler, Josef Stalin, Mao Trạch Đông và Fidel Castro. Vâng, xương rồng dường như gần gũi với thế kỉ này hơn.
Nhà nhiếp ảnh đi tìm một vật gì đó xấu xí; người đó sẽ đi và chụp ảnh người ăn mày. Không phải vì người ăn mày trước đây chưa từng có; người đó đã tồn tại từ trước; người đó là thật, chắc chắn thật, nhưng không ai làm nghệ thuật về người đó. Chúng ta cảm thấy khiêm tốn trước người ăn mày, chúng ta cảm thấy biết lỗi trước người ăn mày, chúng ta cảm thấy rằng cái gì đó không nên có vẫn còn đó; chúng ta muốn không còn có người ăn mày nữa. Nhưng thế kỉ này vẫn cứ đi tìm cái xấu xí.
Mặt trời vẫn chiếu xuyên qua rặng thông và mỗi sáng. Tia sáng xuyên qua lá thông tạo ra cái đẹp kì ảo... Nó vẫn tồn tại, nhưng chẳng nhà nhiếp ảnh nào quan tâm;  nó không còn quyến rũ nữa. Cái xấu quyến rũ bởi vì chúng ta đã trở thành xấu xí. Cái hấp dẫn chúng ta chứng tỏ cái gì đó về chúng ta.
Phật là một bông hoa hồng, đó là khả năng cao nhất. Và nhớ, Phật không giống hoàn toàn như trong ảnh ông ấy; chẳng ai biết Phật trông như thế nào. Nhưng đấy không phải là vấn đề. Trong những ngày ấy chúng ta đã không quan tâm - ít nhất ở phương Đông không quan tâm - chúng ta không quan tâm tới cái 'thực' chút nào, chúng ta quan tâm tới cái thực tối thượng. Chúng ta không quan tâm tới sự kiện, chúng ta quan tâm tới bản thân chân lí.
Có thể Phật có mũi dài hơn một chút, nhưng nếu người nghệ sĩ nghĩ rằng mũi nhỏ hơn một chút sẽ hài hoà hơn với thiền, người đó sẽ vứt cái mũi dài đó của Phật, người đó làm cho nó bé đi chút xíu. Có thể Phật có bụng to, ai mà biết được? Tượng Phật ở Nhật bản có bụng phệ, nhưng Phật ở Ấn Độ không có bụng phệ - các thái độ thật khác nhau.
Ở Nhật người ta nghĩ rằng thiền nhân phải thở từ bụng, từ rốn. Và khi bạn thở từ bụng dĩ nhiên bụng phải lớn hơn một chút. Thế thì ngực không nhô ra như bụng, ngực được thảnh thơi. Cho nên Phật ở Nhật có bụng phệ. Điều đó nữa cũng bởi một lí do nào đó: để chỉ cho bạn rằng thở bụng mới là thở đúng. Điều đó chẳng có liên quan gì tới Phật cả; chẳng ai biết được ông ấy có bụng phệ hay không.
Các tượng Phật ở Ấn Độ không có bụng phệ, bởi vì yoga Ấn Độ không nhấn mạnh vào thở bụng: bụng phải lép. Điều ấy nữa cũng có một lí do khác nào đó. Nếu bạn muốn năng lượng dục chuyển lên, tốt hơn cả là đừng thở bụng. Khi bụng được lép vào năng lượng bị hút lên dễ dàng hơn - các kĩ thuật khác.
Việc thở bụng cũng tốt cho thiền nhân nào đó; nó rất thảnh thơi. Nhưng rồi năng lượng không thể chuyển theo cùng cách như nó vẫn chuyển khi bụng lép vào. Các tượng Phật ở Ấn Độ đều có bụng lép - gần như không có bụng. Chẳng ai biết đích xác Phật trông như thế nào. Các tượng đều rất nữ tính, rất tròn trĩnh; chúng không có vẻ gì nam tính cả.
Bạn đã bao giờ thấy bức tượng nào có ria và râu không? - không. Người vẽ Jesus thực tế hơn. Người vẽ Phật không quan tâm nhiều tới hiện thực, họ chỉ quan tâm tới chân lí tối thượng. Họ không quan tâm tới việc Phật được trông như thế nào, họ chỉ quan tâm tới việc phật nên trông như thế nào. Nhấn mạnh không phải là vào Phật mà là vào người sẽ nhìn vào các bức tượng đó - làm sao cho tượng này sẽ giúp được cho những người đó.
Cho nên Phật không được vẽ như ông già. Ông ấy đã phải trở nên già yếu, ông ấy đã đến tám mươi hai... chắc chắn là ông ấy rất già, rất già và ốm yếu. Một thầy lang đã phải liên tục đi theo ông ấy. Nhưng chẳng có tượng nào được sơn vẽ về ông ấy lúc già, lúc ốm, bởi vì rằng đấy không phải là vấn đề. Chúng ta không quan tâm tới thân thể vật lí của Phật, chúng ta chỉ quan tâm tới hình học bên trong của ông ấy; phẩm chất bên trong đó của Phật bao giờ cũng trẻ trung, nó không bao giờ già cỗi. Và nó chẳng bao giờ ốm yếu, nó bao giờ cũng trong trạng thái mạnh khoẻ; bởi chính bản chất của nó, nó không thể ốm yếu được. Thân thể trẻ, thân thể già, thân thể trở nên hư hỏng, thân thể chết. Phật không sinh, không bao giờ diệt; Phật vẫn còn trẻ vĩnh viễn. Khi nhìn vào bức tượng trẻ trung cái gì đó của tuổi trẻ sẽ nảy sinh trong bạn và bạn sẽ cảm thấy cái gì đó tươi tắn.
Bây giờ người Ấn Độ chẳng bao giờ thích Jesus được chụp ảnh, được vẽ, được tạc tượng trên cây thánh giá. Điều đó xấu, điều đó buồn bã. Cho dù điều đó mang tính lịch sử thì điều đó cũng chẳng đáng nhớ, bởi vì bất kì cái gì bạn nghĩ tới thì đã xảy ra rồi, bạn định giúp cho nó xảy ra lần nữa. Chẳng có gì bắt buộc phải hướng về sự kiện: chúng ta không mắc nợ điều gì với quá khứ, chúng ta không cần phải nhớ quá khứ hệt như nó đã xảy ra. Vấn đề trong tay chúng ta để chọn quá khứ - chọn quá khứ theo cách để tương lai tốt hơn có thể được tạo ra.
Vâng, Jesus đã bị đóng đinh, nhưng nếu ông ấy bị đóng đinh ở Ấn Độ thì chúng ta sẽ không vẽ điều đó. Ngay cả trên cây thánh giá chúng ta cũng sẽ vẽ một thứ hoàn toàn khác. Bức vẽ phương Tây về Jesus trong đau đớn, trong buồn thảm - một cách tự nhiên thôi, ông ấy đã bị giết chết. Khi bạn ngắm nhìn, khi bạn tập trung, thiền về Jesus, bạn sẽ cảm thấy buồn.
Không phải ngẫu nhiên mà người Ki tô giáo nói rằng Jesus chẳng bao giờ cười. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà bạn không được phép nhảy múa, cười đùa vui vẻ trong nhà thờ. Nhà thờ là công việc nghiêm chỉnh: bạn phải rất nghiêm chỉnh... mặt dài ra. Trong thực tế khi Jesus bị đóng đinh ở đó trên ban thờ, làm sao bạn có thể cười và hát được? Ở Ấn Độ bạn có thể hát và cười, vui vẻ. Tôn giáo là hớn hở, lễ hội.
Toàn bộ vấn đề là ở chỗ tâm trí phương Tây mang tính lịch sử, tâm trí phương Đông mang tính tồn tại. Phương Tây chú trọng quá mức vào các sự kiện trần tục, phương Đông chẳng bao giờ để ý tới lịch sử. Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng mãi cho tới khi người phương Tây đến Ấn Độ, người Ấn Độ đã chẳng biết gì đến những cái như lịch sử. Chúng ta chưa bao giờ viết sử, chúng ta chưa bao giờ bận tâm về nó. Đó là lí do tại sao chúng ta không biết đích xác khi nào Phật ra đời, đích xác khi nào ông ấy chết. Chúng ta chẳng bao giờ đặt nhiều kính trọng vào sự kiện. Sự kiện là trần tục: có thành vấn đề gì liệu ông ấy được sinh ra vào ngày thứ hai hay thứ ba hay thứ năm? Vấn đề là gì, vấn đề như thế nào? Trong thực tế điều đó chẳng thành vấn đề chút nào; ngày nào cũng được và năm nào cũng được. Đấy không phải là điểm chính yếu. Điều chính yếu là: Ai được sinh ra? Ai là con người này trong cốt lõi bên trong nhất?
Lịch sử nghĩ về ngoại vi, huyền môn nghĩ về cốt lõi bên trong nhất. Ấn Độ đã viết về huyền môn nhưng không viết về lịch sử. Chúng ta có puranas; puranas là huyền môn, chúng không phải là lịch sử. Chúng là thơ ca, cách nhìn huyền bí về mọi thứ nên là thế nào, không phải là việc chúng là thế nào. Chúng là cái nhìn tới điều tối thượng. Và Phật là cái nhìn tới samadhi tối thượng.
Những bức tượng Phật đó bạn thấy ở bảo tàng Frankfurt là những bức tượng về im lặng bên trong. Khi một người tuyệt đối im lặng, người đó sẽ trong trạng thái đó. Khi mọi thứ yên tĩnh và im lặng, bình thản bên trong - không một ý nghĩ khởi lên, không một ngọn gió thoảng qua; khi mọi thứ đã dừng lại, thời gian đã dừng lại - bạn sẽ cảm thấy việc ngồi tựa vị phật. Cái gì đó cùng kiểu hình học sẽ xảy ra cho bạn. Đó là nghệ thuật mục đích - ít liên quan tới thực tại của Phật, nhưng liên quan nhiều tới những người sẽ tới và sẽ tìm kiếm phật tính. Nhấn mạnh là khác nhau: điều gì sẽ xảy ra cho những người ngắm bức tượng và sẽ quì xuống trước những bức tượng đó và sẽ suy tư về những bức tượng này?
Ở Ấn Độ có những đền như Khajuraho trong đó có đủ loại tư thế làm tình được tạc tượng. Nhiều tư thế ngớ ngẩn đến mức ngay cả de Sade hay von Sacher-Masoch cũng không thể nào tưởng tượng ra được chúng. Người truỵ lạc nhất cũng không thể tưởng tượng được ra như thế. Chẳng hạn, đàn ông và đàn bà đứng trên đầu và làm tình - dường như là chẳng có ai định thử hay tưởng tượng ra điều đó. Tại sao họ vẽ những bức tranh này? Chúng là điển hình cho nghệ thuật mục đích.
Những đền đài này ở Khajuraho không phải là các đền đài thông thường; chúng là một kiểu trị liệu, chúng tồn tại như một cách trị liệu. Bất kì khi nào một ai đó đang bị suy đồi dục đều được gửi tới Khajuraho. Người đó phải ngắm nhìn và thiền về tất cả những thứ dị thường, quái chiêu này. Người đó có cái gì đó suy đồi trong tâm trí; cái suy đồi đó ở bên trong vô thức. Phân tâm học làm được gì? Nó cố đem mọi điều từ vô thức ra ý thức, có thế thôi. Và phân tâm học nói rằng một khi cái gì đó từ vô thức tới ý thức thì nó được thoát ra, bạn tự do với nó.
Bây giờ đây là phân tâm học vĩ đại, các đền ở Khajuraho này. Người suy đồi bất thường được đưa tới. Người đó đã kìm nén suy đồi của mình - đôi khi chúng bùng phát, nhưng người đó cứ kìm nén. Người đó biết rằng cái gì đó đang có đấy tựa như một vết thương, nhưng người đó chẳng bao giờ có thể thấy được nó mặt đối mặt. Người đó được đưa đến Khajuraho. Người đó đi chậm rãi, suy tư về từng bức tượng, về từng tư thế kì quái. Rồi một hôm, bỗng nhiên một tư thế khớp với suy đồi bên trong của người đó. Bỗng nhiên từ vô thức sự suy đồi tràn ra bề mặt tới ý thức, và nó được thoát ra mà chẳng cần Freud hay Jung hay Adler có đó - chỉ có ngôi đền gây ra tác dụng. Người đó được bỏ lại trong đền. Trong một vài tuần người đó có thể ở đó. Với mỗi thiền nhân, người thực sự muốn đi vào thiền sâu trong những ngày ấy, điều nên làm là tới thăm một ngôi đền kiểu như Khajuraho.
Trên các bức tường của ngôi đền tất cả đều là những bức tượng ấy - rất bất thường, rất quái dị, rất suy đồi. Bên trong ngôi đền không có các tranh vẽ dâm dục, không có tượng dâm dục chút nào, không dâm dục chút nào. Bên trong thì hoặc là tượng Phật, tượng Shiva hay tượng Krishna.
Ý nghĩa của nó là gì? Tại sao dục chỉ có trên tường bên ngoài mà bên trong thì không có dục? Đấy là một kĩ thuật. Đầu tiên bạn phải đi tới phần ngoại vi để cho bạn có thể trở nên thoát khỏi dục. Khi một người cảm thấy rằng bây giờ các tượng dâm dục này không hấp dẫn người đó chút nào nữa - bây giờ người đó cứ ngồi trước chúng và không có gì xảy ra bên trong nữa, người đó giữ được bình tĩnh và lặng yên, không gợi dục, không kích động; trong vài tuần người đó chờ đợi, và không cảm thấy gợi dục - thế thì người đó có khả năng đi vào bên trong ngôi đền.
Đấy là biểu tượng. Bây giờ dục của người đó có thể vượt ra ngoài. Ngôi đền này là ngôi đền Mật tông, một trong những thực nghiệm vĩ đại nhất đã được thực hiện. Chúng không khiêu dâm, chúng không gợi dục, chúng là tâm linh - một thực nghiệm vĩ đại trong tâm linh, một thực nghiệm vĩ đại trong việc biến đổi năng lượng con người hướng lên các mức cao hơn.
Nhưng đầu tiên năng lượng phải được giải phóng khỏi mức thấp hơn. Và để giải phóng nó chỉ có một cách: làm cho nó hoàn toàn thành ý thức, đưa mọi tưởng tượng của tâm trí vô thức thành ý thức. Khi vô thức hoàn toàn không còn bị nặng gánh nữa, bạn được tự do. Thế thì bạn không còn các khối chắn nữa, thế thì bạn có thể chuyển vào trong. Thế thì bạn có thể đi vào bên trong ngôi đền, thế thì bạn có thể thiền về Phật, về Shiva, về Krishna.
Đó không phải là điều tưởng tượng, Samagra này, đó là nghệ thuật mục đích mà bạn vô tình gặp đấy.

Ads Belove Post