Osho – Yêu bản thân mình, Quan sát, hôm nay, ngày mai, luôn luôn

Osho – Yêu bản thân mình, Quan sát, hôm nay, ngày mai, luôn luôn

Price:

Read more

Osho – Yêu bản thân mình, Quan sát, hôm nay, ngày mai, luôn luôn

Dễ dàng nhìn vào lỗi của mọi người. Người ta thích nhìn vào lỗi của mọi người, bởi vì điều đó giúp và làm mạnh thêm cho bản ngã của bạn: "Ta cao siêu hơn nhiều." Rất khó thấy lỗi riêng của mình; chỉ người yêu bản thân mình mới có thể thấy chúng.
Đừng nghe người khác, điều họ nói về bạn. Thấy bản thân bạn đi, bạn là ai, bạn ở đâu, lỗi của bạn là gì. Và phép màu là: việc thấy lỗi qua nhận biết riêng của bạn làm tan biến nó đi. Bạn không cần làm nỗ lực nào để làm tan biến nó; chính nhận biết là đủ. Nó bắt đầu tan ra như băng trong mặt trời nóng. Nhưng rất khó thấy lỗi của riêng người ta, bởi vì bạn chưa bao giờ nhìn vào bản thân mình; bạn thường xuyên hướng ngoại, nhìn vào người khác.
Điều đó chắc chắn khó, bởi vì bạn phải quay toàn thể ý thức của mình hướng vào bản thân mình. Và chúng ta đã trở thành hướng ngoại thế, chúng ta đã bị làm cho hướng ngoại tới mức hướng nội dường như là không thể được. Chúng ta bị tê liệt; chúng ta chỉ có thể nhìn vào người khác. Ngay cả chúng ta muốn nhìn vào bản thân mình, chúng ta cũng phải nhìn qua gương. Thế thì hình ảnh trong gương trở thành người khác.
Người ta phải học nhìn vào bản thân mình bằng mắt nhắm, để quan sát một cách im lặng. Và đừng mang bất kì định kiến trước nào. Nhiều người đã bảo bạn, "Đây là lỗi của anh." Đừng mang những ý niệm đó bên trong bạn, bằng không bạn sẽ thấy chúng - bởi vì ý nghĩ rất có tính bịa đặt. Gạt sang bên tất cả những điều đã được nói về bạn. Nhớ một điều: chừng nào bạn còn chưa biết nó theo thẩm quyền riêng của mình, nó không có giá trị, vô nghĩa. Cho nên đi mà không có định kiến nào - ủng hộ hay chống đối. Đi trong cởi mở toàn bộ và nhìn. Và nếu bạn yêu và nếu bạn biết cách nhìn, bạn sẽ bắt gặp hiện tượng huyền bí nhất: thấy lỗi là làm tan biến nó. Đó là bí mật lớn lao của Phật: biết rằng bạn đang làm điều gì đó sai là đủ; bạn không thể làm nó thêm nữa.
Socrates nói: Tri thức là đức hạnh. Ông ấy chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng của Phật. Ông ấy đã bị hiểu lầm rất nhiều ở Hi Lạp, bởi vì Hi Lạp đã tạo ra các triết gia vĩ đại nhưng không tạo ra chư phật vĩ đại. Chỉ có bốn cái tên từ Hi Lạp mà có thể được tính trong số chư phật: Socrates, Pythagoras, Heraclitus, Plotinus. Và có hàng nghìn cái tên triết gia lớn. Thảm kịch Hi Lạp là ở chỗ có nhiều triết gia thế và ít chư phật thế.
Socrates đã nói điều gì đó có giá trị mênh mông, nhưng nó ở ngoài hoàn cảnh. Đã không có bầu không khí trong đó, nó có thể được hiểu. Ông ấy đã nói ra chân lí: tri thức là đức hạnh. Nếu bạn biết cái gì đó là sai, nó biến mất; nếu bạn biết cái gì đó là đúng, bạn bắt đầu hành xử tương ứng.
Đó là điều Jesus ngụ ý khi ông ấy nói: Chân lí giải thoát. Biết chân lí là đủ, và giải thoát xảy ra theo cách riêng của nó. Không phải là trước hết bạn phải biết và thế rồi bạn phải thực hành. Việc biết là đủ: nó biến đổi lương tâm của bạn, và một khi lương tâm được biến đổi, tính cách của bạn đi theo như cái bóng.
Phật nói thầy bên ngoài không là gì ngoài sự phản xạ của cái bên trong. Ở cùng với thầy bên ngoài là vì mục đích nào đó - để cho thầy bên trong bắt đầu được đồng bộ với thầy bên ngoài. Thầy bên ngoài chỉ là sự khêu gợi, thách thức, nhưng chức năng thực của thầy là giúp cho bạn khám phá ra thầy riêng của mình.
Thầy thực không bao giờ tạo ra sự phụ thuộc của tín đồ và đệ tử của mình; thầy giúp họ được độc lập, được tự do. Thầy chưa bao giờ cho họ hình mẫu sống nào đó; thầy chỉ cho họ hướng dẫn về cách đạt tới ánh sáng của riêng họ. Thầy giúp họ là chính bản thân họ; thầy không áp đặt cá tính của mình lên đệ tử mình.
Đây là tiêu chí qua đó đánh giá được thầy là thực hay giả. Nếu ai đó cố gắng áp đặt cá tính của người đó lên bạn, ý niệm của người đó lên bạn, tính cách của người đó lên bạn, đạo đức của người đó lên bạn, nguyên tắc của người đó lên bạn, hãy thận  trọng! Tránh người như vậy nhanh chóng nhất có thể được. Người đó là nguy hiểm, người đó có tính huỷ diệt. Người đó có thể có vẻ rất đáng yêu với bạn, nhưng tình yêu của người đó là độc hại. Người đó có thể rất dịu ngọt, nhưng dịu ngọt của người đó không là gì ngoài chất độc được bọc đường.
Thầy thực là người giúp bạn là chính bản thân mình, người giúp bạn được tự do - ngay cả tự do với bản thân thầy.
Thiền nhân nói: Nếu ông gặp Phật trên đường, giết ông ta đi! Và họ tôn thờ Phật, và dầu vậy họ vẫn nói: Nếu ông gặp Phật trên đường, giết ông ta đi! Họ đơn giản nói điều mà bản thân Phật đã nói. Phật khăng khăng trong cả đời mình: Đừng đi theo - hãy hiểu. Thấm đẫm tâm linh ta, nhưng đừng theo tính cách của ta. Bạn sẽ phải có tính cách riêng của bạn, cái sẽ là duy nhất, bởi vì chưa bao giờ có cá nhân nào khác giống bạn và không cá nhân nào sẽ bao giờ là người có thể giống bạn. Bạn là duy nhất.
Đừng trở thành người bắt chước. Nhưng đó là điều xảy ra: mọi người trở thành vẹt. Họ lặp lại điều thầy họ nói, họ bắt chước cách thầy họ sống.
Người đó có thể đơn giản bắt chước thầy mình! Đừng là vẹt, đừng bắt chước. Đích thực là bản thân mình đi, thực là bản thân mình đi.
Ông là thầy duy nhất của mình. Ai khác? Chinh phục bản thân mình. Khi Phật nói, chinh phục bản thân mình, ông ấy không ngụ ý kìm nén bản thân bạn đâu. Việc dịch là không chính xác cho điều ông ấy ngụ ý. Và có khó khăn trong việc dịch ông ấy, bởi vì Phật dùng từ 'cái ta' theo nghĩa của bản ngã. Ông ấy không phải là người tin vào cái ta. Ông ấy nói bất kì cảm giác nào về cái ta đều không là gì ngoài một dạng tinh vi của bản ngã.
Và khi ông ấy nói, "chinh phục bản thân mình," ông ấy đơn giản ngụ ý: nhìn sâu vào trong ý niệm về bản ngã của bạn - và nó sẽ mất đi, nó sẽ biến mất. Nó là hiện tượng giả. Ý niệm rằng "ta tách rời khỏi sự tồn tại," là ý niệm sai, hoàn toàn sai. Nó chỉ cần một cảm nhận đúng và nó sẽ bị biến mất. Và khoảnh khắc bản ngã biến mất, bạn có thể khám phá ra người thầy riêng của mình.
Khi bản ngã không có đó, ai có đó? - tâm thức thuần khiết, nhận biết thuần khiết, không trung tâm nào cho nó, không có nội dung nào. Không có ý nghĩ và không có trung tâm, chỉ là tâm thức thuần khiết - tâm thức không có trung tâm nào và không có chu vi vào. Tâm thức đó là niết bàn, chứng ngộ; bạn đã đi tới người thầy riêng của mình. Từ đó trở đi bạn không cần hỏi bất kì ai. Cho dù bạn muốn hỏi bạn cũng không thể hỏi được: mọi câu hỏi đã bay hơi hết, mọi vấn đề đã bay hơi hết.
Trạng thái không vấn đề, không câu hỏi này, là trạng thái của phúc lạc, của an bình, của chân lí, của tự do.
Và nhớ: bất kì cái gì bạn đã từng làm, không ai khác chịu trách nhiệm cho nó. Nó là ý chí riêng của bạn, nó bắt nguồn từ chọn lựa riêng của bạn, rằng bạn đã làm những điều mà chung cuộc có tính huỷ diệt bạn. Lúc ban đầu chúng có thể dường như không thế; đến cuối bạn sẽ đi tới biết rằng bạn đã tự giết chết bản thân mình, đã tự đầu độc mình, dần dần, dần dần. Và bởi vì nó là quá trình chậm chạp thế, bạn không thể trở nên nhận biết được. Để trở nên nhận biết về các quá trình chậm chạp, cần có tính nhận biết lớn lao.
Tôi đã nghe nói về một thực nghiệm:
Một nhà khoa học ném một con ếch vào trong nước sôi. Một cách tự nhiên ếch nhảy ngay ra khỏi nước - ngay lập tức, nó không mất một khoảnh khắc nào; đó là vấn đề sống và chết. Nó nhảy thực sự cao, như nó chưa bao giờ từng nhảy trước đây.
Thế rồi nhà khoa học cho ếch vào trong một thùng nước khác với cùng nhiệt độ như thân thể ếch. Con ếch rất sung sướng, nghỉ ngơi ở dưới đáy. Và thế rồi nhà khoa học đun nước lên chậm tới mức phải mất hai mươi bốn giờ để nước tới điểm sôi. Con ếch chẳng bao giờ nhảy ra khỏi nước. Nó không thể trở nên nhận biết được - quá trình này chậm thế, việc tăng nhiệt chậm tới mức nó cần nhận biết của vị phật. Bạn không thể mong đợi điều đó từ ếch được - bạn không thể mong đợi điều đó từ mọi người được!
Con ếch chết. Nước sôi, con ếch bị đun sôi dần, nhưng nó sẽ không nhảy ra khỏi nước. Hai mươi bốn giờ là đủ; nó trở nên quen với việc tăng chậm. Nó bị làm ấm lên chậm tới mức nó không bao giờ có thể phân biệt được rằng nước đã bị đun nóng lên.
Đó là điều đang xảy ra trong cuộc sống của bạn: bạn cứ làm điều hại, bạn cứ làm những điều sai, trong hi vọng rằng với phương tiện sai bạn có thể đạt tới cứu cánh đúng. Đây là một trong những nguỵ biện lớn, nguỵ biện phổ biến, rằng phương tiện và cứu cánh không gắn gì với nhau cả, rằng phương tiện sai có thể giúp bạn đạt tới cứu cánh đúng. Nguỵ biện này phổ biến tới mức không ai nghĩ nó là nguỵ biện.
Không thể nào đạt tới cứu cánh đúng bằng phương tiện sai được. Phương tiện sai nhất định dẫn bạn tới cứu cánh sai, nhưng thế thì quá trễ rồi. Vào lúc bạn đạt tới, nó là quá trễ - quá trình này không thể nào đảo ngược được. Toàn thể thời gian đã bị phí hoài - và bạn có thể đã trở nên quen trong thời gian đó với phương tiện sai. Bạn có thể cứ nhớ mãi phương tiện sai cả đời mình. Người khác có thể nói rằng điều này sai và bạn thậm chí cũng đồng ý với họ về mặt trí tuệ, nhưng đồng ý về trí tuệ chẳng bao giờ đem tới thay đổi nào. Chừng nào bạn còn chưa cảm thấy về mặt tồn tại, "Cái gì đó sai và mình đang đầu độc bản thân mình," bạn sẽ không có khả năng bỏ được nó.
Và chúng ta ranh mãnh với việc hợp lí hoá tới mức chúng ta cứ làm điều hại, cứ tưởng rằng điều đó không hại, cứ tự thuyết phục mình rằng đây không phải là điều hại. Và chúng ta khéo dùng từ, dùng logic, dùng biện luận tới mức chúng ta có thể chứng minh cho người khác, "Đây không phải là điều hại, tôi đang làm cái gì đó lớn lao."
Joseph Stalin đã giết chết hàng triệu người ở Nga, và với lương tâm rất sạch sẽ; ông ấy không bao giờ bị rối loạn rằng ông ấy đã giết hàng triệu người. Thực ra, không người nào khác đã giết nhiều người thế. Nhưng ông ấy đã làm việc vì ý niệm lớn lao về bình đẳng, chủ nghĩa cộng sản, xã hội phi giai cấp. Những ý niệm này là vĩ đại, nhưng chúng đơn giản là những ý niệm và chỉ vì ý niệm, ý niệm trừu tượng, những trừu tượng hoá, ông ấy giết người thực.
Và những người bị giết không phải là người giầu, họ là những người nghèo - những người rất gắn bó với mảnh đất nhỏ bé của họ; họ không muốn đất trở thành của tập thể. Họ bị giết. Và cái đẹp - hay cái nực cười - là ở chỗ Stalin vẫn nghĩ ông ta đã giết họ vì họ, bởi vì "Chừng nào đất đai mà chưa thuộc vào quốc gia, chừng nào chuyên chính vô sản còn chưa phát huy tác dụng, người nghèo không thể được giúp đỡ." Và chính người nghèo mới là những người quá gắn bó với những thứ nhỏ bé của họ!
Ở Nga không có nhiều người giầu đâu. Nó cũng gần giống như Ấn Độ; vài người rất giầu, còn chín mươi tám phần trăm là người nghèo. Nhưng người nghèo có gắn bó riêng của họ - gắn bó nhiều thế bởi vì họ không có nhiều - một mảnh đất nhỏ, con bò già, xe bò kéo, vài con gà mái. Và họ rất sợ bởi vì đây là tất cả những gì họ có.
Có một câu chuyện kể lại:
Một người cộng sản tới hỏi một nông dân, "Anh có tin vào chủ nghĩa cộng sản hay không?"
Anh ta nói, "Có chứ, tôi tin vào chủ nghĩa cộng sản!"
Nhà lãnh đạo cộng sản hỏi, "Nếu anh có hai chiếc xe hơi, anh có đem một chiếc cho ai đó không có không?"
Anh ta nói, "Có chứ, tuyệt đối có!"
"Và nếu anh có hai ngôi nhà, anh có sẵn lòng cho một ngôi nhà cho ai đó không có nhà nào không?"
Anh ta nói, "Tuyệt đối sẵn lòng!"
Và thế rồi nhà lãnh đạo cộng sản hỏi, "Nếu anh có hai con bò cái, anh sẽ đem một con cho người không có bò chứ?"
Anh ta nói, "Không, tuyệt đối không!"
Nhà lãnh đạo cộng sản nói, "Nhưng điều này dường như ngớ ngẩn - mãi cho tới giờ anh đều nói, 'Có, có, có!' Sao đột nhiên nói không?"
Anh ta nói, "Tôi không có hai xe hơi, tôi không có hai nhà - nhưng tôi quả có hai con bò cái!"
Khi bạn không có, vấn đề là gì? Bạn có thể cho mọi thứ khi bạn không có nó. Bạn có thể cho mặt trăng, bạn có thể cho mặt trời cho bất kì ai muốn chúng. Nhưng khi chuyện xảy tới cho các vấn đề thực, thế thì nó lại thành khó.
Người nghèo bị giết, nhưng Joseph Stalin ngủ ngon. Ông ấy không bao giờ bị bối rối bởi vì "mình đang giết nhiều người thế." Và ý thức hệ cộng sản cũng là cách hợp lí hoá tốt cho ông ấy, bởi vì chủ nghĩa cộng sản tin không có linh hồn: tâm thức chỉ là sản phẩm phụ của vật chất, hiện tượng phụ. Cho nên khi bạn giết một người bạn không giết ai cả - không có ai ở bên trong; con người chỉ là vật chất.
Điều này là sự giúp đỡ lớn lao cho kẻ giết người, Joseph Stalin. Nếu không có ai bên trong, bạn không phạm phải tội lỗi nào, và khi bạn chết bạn sẽ chết: sẽ không có kiếp sau nào và không thể có Ngày Phán xử cuối cùng được.
Mọi người có thể tạo ra triết lí, cách hợp lí hoá, các biện luận, về việc làm đủ mọi loại điều hại. Và mọi người đều sẵn sàng tin vào bất kì cái gì giúp cho họ tiếp tục như họ đang vậy.
Khi bạn muốn tin vào bất kì cái gì, bạn có thể bịa ra đủ mọi loại ý niệm. Quan sát cách bạn tự bảo vệ điều hại của mình, cách bạn bảo vệ cái sai của mình, lỗi của mình.
Khi cây leo bắt đầu bò lên cây chủ, cây chủ cảm thấy rất thoải mái; điều đó chính là đáp ứng cho bản ngã rằng cây leo cần cây chủ. Bất kì khi nào bạn được cần tới bạn đều cảm thấy thoải mái. Cây chủ biết, "Mình mạnh mẽ và cây leo phải lệ thuộc vào mình." Cây chủ muốn có cây leo, ngày càng nhiều cây leo, quấn quanh cây chủ, để có sự nâng đỡ của nó. Nó có thể nghĩ nó đang làm việc phục vụ công cộng vĩ đại, hay nó có thể nghĩ rằng nó là người yêu lớn lao và cây leo là người được yêu. Cây leo mang nữ tính còn cây chủ có tính gia trưởng nam tính! Nhưng sớm  hay muộn cây leo sẽ bóp nghẹt cây chủ, làm cây chủ tắc thở - nhưng thế thì sẽ quá trễ rồi.
Thận trọng, có tính quan sát về mọi bước: Hôm nay, ngày mai, luôn luôn. Đừng đánh mất một khoảnh khắc nào trong vô nhận biết, bởi vì trong vô nhận biết bạn nhất định làm điều gì đó tai hại - và mọi điều hại sẽ bật lại bạn, sớm hay muộn.
Nếu bạn cứ lần lữa trong ngu si của mình cả đời, ngay cả khi chết bạn sẽ chết đi với đầy những ngu si của bạn. Do đó, đừng trì hoãn cho tới mai - người ta chẳng bao giờ biết liệu ngày mai sẽ tới hay không. Bắt đầu có tính quan sát từ chính khoảnh khắc này.
Phục vụ bản thân mình khó làm sao... Phật ngụ ý gì bởi điều đó? Ông ấy ngụ ý nhận biết khó làm sao - bởi vì đó là việc phục vụ đúng duy nhất cho bản thân bạn. Chừng nào bạn còn chưa hết sức yêu lấy bản thân mình, bạn sẽ không đi vào cuộc hành trình gian nan đó của việc có tính quan sát đâu. Bạn có thể có tính quan sát chỉ nếu bạn yêu bản thân mình vô cùng tới mức bạn không muốn cam kết với bất kì xuẩn ngốc nào, bất kì điều hại nào, tới mức bạn không muốn mang bất kì khổ nào lên bản thân mình.
Hãy vị kỉ đi - bởi vì nếu bạn vị kỉ bạn sẽ vị tha. Trước hết được bắt rễ vào trong bản thể của bạn, và thế rồi bạn sẽ giúp được cho người khác. Nhưng bạn đã được bảo rằng nếu bạn vị kỉ điều đó là xấu. "Đừng vị kỉ, hãy vị tha! Giúp người khác, phục vụ người khác, và quên bản thân mình đi!"
Một bà mẹ bảo đứa con trai nhỏ của mình, "Nghĩa vụ của chúng ta là phục vụ người khác. Thượng đế đã làm ra con để phục vụ người khác."
Đứa trẻ nghĩ một lúc rồi nói, "Con có thể hiểu được điều đó - rằng Thượng đế đã làm ra con để phục vụ cho người khác - nhưng sao Thượng đế lại làm ra người khác? Để phục vụ con à? Nhưng điều này dường như buồn cười! Ngài làm ra con để phục vụ người khác, làm ra người khác để phục vụ con sao? Sao con không thể phục vụ bản thân con và họ phục vụ bản thân họ? Điều đó sẽ đơn giản hơn, ít phức tạp hơn."
Bạn đã được bảo phục vụ người khác - và bạn phục vụ họ, nhưng bạn có thể làm được phục vụ gì cho họ? Nhân danh phục vụ, bạn làm đủ mọi loại điều sai cho mọi người. Bạn nhất định làm điều sai bởi vì bạn không đủ tỉnh táo...
Phải mất chút thời gian để hạt mầm mọc lên và trở thành chồi non, và chồi mọc lên và trở thành cây. Và cây cũng cần thời gian, đúng mùa vụ, để ra hoa, và thế rồi quả tới. Điều đó cần thời gian. Khi bạn gieo hạt mầm, bạn không thấy hoa hay quả.
Hãy có tính quan sát khi bạn đang gieo hạt mầm của mình, bởi vì một khi được gieo rồi, bạn sẽ phải chịu hậu quả. Bất kì cái gì bạn gieo, bạn sẽ phải thu hoạch. Chính lỗ hổng thời gian, đó tạo ra ảo tưởng trong tâm trí mọi người. Họ nghĩ họ có thể thoát được, rằng họ có thể gieo hạt mầm sai và thu hoạch mùa màng đúng. Điều đó là không thể được - điều đó là chống lại luật vĩnh hằng.
Và đây là những người - Phật gọi họ là "người ngu" - người khinh bỉ giáo huấn của người đã thức tỉnh, người cười và chế nhạo chư phật, bởi vì chư phật dường như là kẻ thù của họ. Họ biết rằng nếu chư phật là đúng, thế thì toàn thể cuộc sống của họ là sai, và điều đó là quá nhiều, họ không thể chấp nhận được. Họ biết rằng nếu chư phật là đúng, thế thì họ là hoàn toàn ngu xuẩn, hoàn toàn ngốc nghếch, và điều đó là quá nhiều, bản ngã họ không thể chấp nhận được, quá mất thể diện. Do đó tốt hơn cả là đóng đinh một Jesus, đầu độc một Socrates, ném đá một Phật, hơn là nghe họ.
Khinh bỉ giáo huấn của người đã thức tỉnh, hắt hủi những người theo luật... Và những người nghe theo chư phật và tuân theo luật, luật tối thượng của cuộc sống - luật của tình yêu và luật của thiền - những người tuân theo, họ bị cười. Mọi người chế nhạo họ. Mọi người nghĩ rằng họ điên, mất trí. Mọi người cố gắng theo đủ mọi cách để kéo họ ra khỏi con đường đúng, bởi vì chính sự hiện diện của họ, làm tổn thương mọi người.
Khi một người bắt đầu thiền, tất cả những người không là thiền nhân đều chống lại người đó. Người đó đang làm cái gì đó nêu ra câu hỏi về phong cách sống của họ, và bằng việc thiền người đó trở nên an bình hơn và phúc lạc hơn, thế thì tất nhiên họ trở nên ngày một nghi ngờ hơn về phong cách sống của họ, ngày một hoài nghi hơn - và không ai muốn sống trong hoài nghi. Và giết người này đi, tiêu diệt người này đi, dễ hơn là phá huỷ hoài nghi của bạn. Loại bỏ vị phật, giết vị phật dễ hơn là trở nên có ý thức.
Người Ki tô giáo chưa bao giờ có khả năng giải thích tại sao Jesus bị đóng đinh, và họ đã tìm ra đủ mọi loại diễn giải sai. Họ nghĩ ông ấy bị đóng đinh bởi tội lỗi của nhân loại. Hoàn toàn ngu xuẩn! Nếu bạn phạm tội, bạn sẽ phải chịu khổ. Sao lại Jesus Christ? Sao lại con người đáng thương này? Ông ấy đã làm gì? Người Ki tô giáo nói Jesus bị đóng đinh bởi vì Adam và Eve phạm tội nguyên thuỷ. Thế sao không đóng đinh Adam và Eve đi? Con trai ông thợ mộc này đã làm gì? Ông ta hoàn toàn hồn nhiên, ông ta đâu đã phạm phải tội nào.
Và thế rồi họ nói - và họ phải tìm ra cách giải thích mới, và nhiều cách giải thích nữa, bởi vì chẳng giải thích nào thoả mãn cả - ông ấy đã được chọn để tự ông ấy bị đóng đinh, như việc hi sinh để cứu nhân loại. Nhưng nhân loại vẫn chưa được cứu, hai nghìn năm đã qua rồi. Cho nên một điều là chắc chắn: sự hi sinh của ông ấy là vô tích sự.
Nhưng tất cả những giải thích này đều sai. Điều thực là ở chỗ một người chứng ngộ nhất định bị đóng đinh, bị giết, bị sát hại, bởi những người đã đầu tư sâu vào vô ý thức.
Phật nhắc bạn rằng bạn có thể khinh bỉ các giáo huấn của người đã thức tỉnh và hắt hủi những người tuân theo luật, nhưng nhớ: Đám sậy katthaka chết đi khi nó mang quả. Người ngu cũng thế... Sẽ diệt vong khi ngu xuẩn của người đó nở hoa. Điều đó sẽ không quá lâu đâu. Chẳng mấy chốc bạn sẽ thấy kết quả của hành động riêng của mình và thế rồi bạn sẽ kêu và khóc, nhưng thế thì sẽ quá muộn.
Thận trọng vào! Và làm hai điều đơn giản - thực ra đơn giản, nhưng chúng có vẻ gian nan, bởi vì chúng ta đã được nuôi dưỡng với những ước định tuyệt đối sai.
Điều thứ nhất là: Yêu bản thân mình.
Và thứ hai là: Quan sát - Hôm nay, ngày mai, luôn luôn.

Ads Belove Post