Nghe thiền mà không hành thiền thì chỉ là một loại giải trí tâm linh

Nghe thiền mà không hành thiền thì chỉ là một loại giải trí tâm linh

Price:

Read more

Thiền Osho - Nghe thiền mà không hành thiền thì chỉ là một loại giải trí tâm linh

Tâm trí không phản xạ là chiếc mái nghèo nàn.
Đam mê, như mưa, làm ngập lụt ngôi nhà.
Nhưng nếu mái mạnh mẽ, có chỗ trú ẩn.
Tâm trí không phản xạ... Phật không ngụ ý bởi “phản xạ” là suy nghĩ, lưu tâm vào. Bởi “phản xạ” ông ấy đơn giản ngụ ý việc phản xạ, không suy nghĩ - phản xạ theo nghĩa chiếc gương phản xạ. Khi bạn tới trước gương, gương không suy nghĩ về bạn. Tấm gương đơn giản soi gương! Việc soi gương đó là điều Phật ngụ ý.
Tâm trí không phản xạ - tâm trí đã quên mất cách soi gương - là chiếc mái nghèo nàn. Và chúng ta đã quên mất cách soi gương. Chúng ta biết cách nghĩ, chúng ta không biết cách phản xạ.
Nghĩ về đứa trẻ: đứa trẻ được sinh ra, lần đầu tiên đứa trẻ mở mắt ra - nó sẽ thấy cây, nhưng nó sẽ không có khả năng nói với bản thân nó, “Đây là cây.” Nó sẽ thấy ánh sáng, nhưng nó sẽ không có khả năng nói bên trong bản thân nó, “Đây là ánh sáng điện.” Nó sẽ thấy mầu đỏ của bông hồng, nhưng nó sẽ không có khả năng nói, “Đây là hoa hồng và mầu là đỏ.” Nó sẽ thấy mọi thứ, nhưng nó sẽ không nói gì bên trong. Đó là việc soi gương: nó sẽ đơn giản soi gương. Cây cối sẽ vẫn xanh, thực ra xanh hơn là chúng vẫn xanh, bởi vì gương hoàn toàn thuần khiết, trong như pha lê. Gương không có bụi bặm... ý nghĩ tụ tập bụi bặm.
Khi bạn đi vào vườn và bạn nói, “Hoa hồng đẹp quá,” bạn có thể thậm chí không thấy hoa hồng. Bạn có thể đơn giản lặp lại câu nói rập khuôn. Bởi vì bạn đã thấy người ta nói rằng hoa hồng đẹp bạn nói điều đó. Thấy mặt trời lặn đẹp, bạn có thể không thấy nó, bạn có thể không chú ý, bạn có thể không nhận biết... nhưng một cách vô ý thức, tự động, bạn đơn giản khẳng định, “Mặt trời lặn đẹp quá.” Bạn không ngụ ý điều đó chút nào; bạn đơn giản nói điều đó bởi vì bạn đã được bảo. Bạn đang lặp lại phát biểu của ai đó. Nếu bạn quan sát sâu, bạn thậm chí có thể thấy đây là phát biểu của ai - của mẹ bạn, của bố bạn, của thầy giáo bạn, của bạn bè bạn. Nếu bạn quan sát kĩ lưỡng bạn có thể có khả năng nghe thấy đích xác tiếng nói của người đã nói lần đầu tiên rằng mặt trời lặn là đẹp... và bạn đơn giản lặp lại điều đó. Bạn chưa thấy mặt trời lặn này. Bạn chưa thấy cái ‘này’, sự hiện diện, cái đẹp tức khắc của nó.
Phật nói: Tâm trí không phản xạ là chiếc mái nghèo nàn.
Đam mê, như mưa, làm ngập lụt ngôi nhà.
Một tâm trí mà đã quên mất cách soi gương chân lí bao giờ cũng là nạn nhân của ham muốn - nạn nhân của cái đầu, nạn nhân của tương lai, nạn nhân của khao khát thường xuyên về điều này điều nọ. Và không ham muốn nào có thể được thoả mãn cả. Vào lúc một ham muốn được thoả mãn, nó đã tạo ra thêm mười ham muốn nữa.
Và điều này cứ tiếp diễn mãi... và cuộc sống ngắn ngủi, và cái chết có thể gõ cửa bạn vào bất kì lúc nào.
Bạn tới thế giới này để được thoả mãn, nhưng bạn đi với bàn tay trống rỗng, bạn đi không được thoả mãn. Do đó bạn sẽ phải quay lại lần nữa. Chừng nào bạn chưa học xong bài học bạn sẽ còn phải bị ném trở lại nữa vào trong bụng mẹ nào đó, bạn sẽ phải được tái sinh. Bạn sẽ bị gửi lại trường học. Bạn đã bị gửi lại hàng triệu lần, và nếu bạn không chú ý, bạn cũng sẽ lỡ tầu với cuộc sống này.
Thận trọng vào! Bắt đầu lau sạch tấm gương của bạn sao cho bạn có thể phản xạ.
Đam mê, như mưa, làm ngập lụt ngôi nhà. Nhưng nếu mái mạnh mẽ, có chỗ trú ẩn. Nếu bạn biết cách phản xạ thực tại, có chỗ trú ẩn. Bạn an toàn bởi vì bạn ở trong Thượng đế, bởi vì bạn là một phần của chân lí.
Bất kì ai đi theo những ý nghĩ không thuần khiết
Đều khổ trong thế giới này và thế giới sau.
Trong cả hai thế giới người ấy khổ,
Và vĩ đại làm sao,
Khi người ấy thấy điều sai mình đã làm.
Mọi ý nghĩ đều không thuần khiết. Ý nghĩ không thể là thuần khiết được. Cho nên để tôi nhắc bạn lần nữa: bất kì khi nào Phật nói “ý nghĩ không thuần khiết” ông ấy ngụ ý các ý nghĩ. Ông ấy dùng tính từ “không thuần khiết” để nhấn mạnh nó, bởi vì nếu ông ấy đơn giản nói “ý nghĩ” bạn có thể không hiểu đúng. Cho nên ông ấy nói “ý nghĩ không thuần khiết,” nhưng ông ấy bao giờ cũng ngụ ý các ý nghĩ. Mọi ý nghĩ đều không thuần khiết, bởi vì ý nghĩ nghĩa là bạn đang nghĩ tới cái khác, ham muốn đã nảy sinh. Và bất kì khi nào ông ấy nói “ý nghĩ thuần khiết” ông ấy ngụ ý vô ý nghĩ.
Chỉ vô ý nghĩ là thuần khiết, bởi vì thế thì bạn hoàn toàn là bản thân mình, một mình, không cái gì can thiệp vào.
Jean-Paul Sartre nói: Người khác là địa ngục. Và ông ấy là đúng theo một cách nào đó, bởi vì bất kì khi nào bạn đang nghĩ về người khác, bạn ở trong địa ngục. Mọi ý nghĩ đều đề cập tới người khác. Khi bạn đang trong trạng thái vô ý nghĩ, bạn một mình, và tính một mình là thuần khiết. Và trong tính một mình đó xảy ra tất cả những điều đáng xảy ra.
Nhưng bất kì ai tuân theo luật
Đều vui vẻ ở đây và vui vẻ ở kia.
Trong cả hai thế giới người ấy đều hân hoan,
Và vĩ đại làm sao,
Khi người ấy thấy điều tốt mình đã làm.
Đảo ngược lại, khi bạn thấy rằng bạn đã tạo ra địa ngục cho bản thân mình - không ai khác chịu trách nhiệm ngoài bạn - khi bạn thấy điều này bạn sẽ khổ lắm, khủng khiếp rồi. Thậm chí không có một cái cớ, bạn không thể ném trách nhiệm lên vai ai đó khác được: nó là trách nhiệm của bạn.
Khổ sẽ có đó và còn nhiều thế, còn mạnh hơn thế, bởi vì bạn cũng sẽ cảm thấy, “Mình ngu quá. Không ai làm mình khổ cả. Chỉ bởi vì ý nghĩ của mình thôi. Đấy là vì mình ngày càng trở nên hướng ngoại hơn, ngày càng trở nên quan tâm đến những thứ của bên ngoài, nên mình khổ. Mình duy nhất phải chịu trách nhiệm.”
Điều này sẽ cho bạn thống khổ lớn lao - và ngược lại. Nếu bạn tuân theo luật, theo pháp, theo Đạo, nếu bạn tuân theo cốt lõi bên trong nhất của bạn, bản tính của bạn, bạn sẽ vui vẻ ở đây và ở kia.
Phật không quan tâm mấy tới “ở kia.” Nhưng ông ấy nói nếu bạn vui vẻ ở đây bạn nhất định vui vẻ ở kia. Nếu khoảnh khắc này bạn hân hoan, khoảnh khắc tiếp bạn sẽ hân hoan hơn, bởi vì khoảnh khắc tiếp sắp được sinh ra từ khoảnh khắc này.
Và phúc lạc của bạn thu lấy đà, nó có tính tích luỹ. Nếu khoảnh khắc này bạn khổ, khoảnh khắc tiếp bạn sẽ khổ hơn, bởi vì bạn đang học cách khổ, bạn đang trở nên quen với khổ. Bạn sẽ tạo ra nhiều khổ hơn cho khoảnh khắc tiếp bởi vì bạn đang trở nên hiệu quả hơn trong việc tạo ra nó. Cho nên bất kì cái gì là bản chất của khoảnh khắc này, nó sẽ được làm mạnh thêm, sâu hơn, vào khoảnh khắc tiếp.
Nhưng Phật không bận tâm về khoảnh khắc tiếp chút nào. Ông ấy đơn giản phát biểu một sự kiện.
Đừng bận tâm về khoảnh khắc tiếp, hay kiếp sống tiếp, hay thế giới tiếp. Làm cho khoảnh khắc này thành hân hoan, làm cho khoảnh khắc này là khoảnh khắc của phúc lạc, và khoảnh khắc tiếp sẽ theo nó, và kiếp sống tiếp, thế giới tiếp sẽ theo nó. Và mọi thứ mà bạn đang là trong khoảnh khắc này sẽ trở nên được làm càng sâu sắc hơn. Và khi bạn thấy rằng bạn chịu trách nhiệm cho phúc lạc của bạn, phúc lạc sẽ thêm nhiều nữa. Khi bạn thấy rằng không ai đã trao nó cho bạn, rằng bạn đã không phải là kẻ ăn xin, rằng nó không phải là món quà từ ai đó khác - bởi vì không ai trao nó cho bạn, không ai có thể lấy nó đi được - khi bạn thấy điều này bạn sẽ hạnh phúc hơn nhiều.
Thu hoạch trong thế giới này là lớn, và vẫn còn lớn hơn trong thế giới tiếp.
Dù ông đọc bao nhiêu lời linh thiêng,
Dù ông nói bao nhiêu lời,
Chúng sẽ làm điều gì tốt cho ông
Nếu ông không hành động theo chúng?
Nhưng toàn thể vấn đề phụ thuộc vào hành động. Đấy không phải là vấn đề chỉ nghĩ tới các ý nghĩ đẹp. Đấy không chỉ là vấn đề các ham muốn đẹp - về Thượng đế, về thiên đường, về moksha. Đấy không phải vấn đề về việc suy nghĩ về thiền, mà là hành động, làm điều gì đó về nó. Hành động và chỉ hành động mới có thể có ích. Bạn phải trở nên được tham dự vào, bạn phải trở nên được cam kết.
Nhiều người tới tôi và nói, “Chúng tôi yêu thích những bài nói của thầy, nhưng chúng tôi không muốn thiền và chúng tôi không muốn trở thành sannyasin. Thế không đủ sao,” họ hỏi, “nếu chỉ lắng nghe những bài nói tuyệt vời của thầy?” Điều đó hoàn toàn vô ích!
Chỉ lắng nghe bài nói của tôi là rất ngu xuẩn. Nếu bạn không hành động, đừng phí thời gian - đấy là bài tập về tính vô ích! Nếu bạn chỉ cứ nghe tôi và không bao giờ hành động, thì lời tôi có thể dễ nghe, lời tôi có thể an ủi, lời tôi có thể thuyết phục, bạn có thể thích thú điều tôi đang nói về mặt trí tuệ, bạn có thể thích thú không gian được tạo ra bởi sự hiện diện của tôi, nhưng một mình điều này sẽ không ích gì. Hành động là tuyệt đối cần thiết.
Nếu bạn bị thuyết phục về chân lí nào đó, hành động theo nó, và hành động ngay lập tức đi! - bởi vì tâm trí rất tinh ranh, và tinh ranh lớn nhất của tâm trí là trì hoãn. Nó nói, “Ngày mai vậy...” và ngày mai không bao giờ tới. Nó nói, “Vâng, chúng ta sẽ thiền một ngày nào đó. Trước hết chúng ta hiểu thiền là gì.” Và thế thì bạn có thể cứ đi hiểu thiền là gì trong cả đời mình, và bạn sẽ không bao giờ hành động. Và chừng nào bạn chưa hành động không cái gì sẽ xảy ra, không biến đổi nào sẽ xảy ra.
Sannyas là cam kết. Nó là việc biểu lộ một cách tích cực tình yêu của bạn hướng tới tôi. Đó là việc tham dự vào định mệnh của tôi. Đó là việc đi vào trong chiếc thuyền của tôi. Điều đó là nguy hiểm - an toàn hơn là đứng trên bờ và lắng nghe. Thế thì đấy là một loại giải trí - giải trí tâm linh! - nhưng hoàn toàn vô dụng, chỉ giết thời gian.
Và đó là điều mà mọi người cứ làm trong cái gọi là tụ tập tâm linh - satsang. Họ tới buổi giảng ngày chủ nhật và họ lắng nghe rất chăm chú và rất nghiêm chỉnh, nhưng ra ngoài nhà thờ điều đó không có tác dụng gì lên cuộc sống của họ. Thực ra, ngay cả người thuyết giảng cũng không bị ảnh hưởng bởi điều ông ta nói. Chính công việc của ông ta là nói những điều này, ông ta được trả tiền cho việc này. Ông ta là nhà chuyên môn. Và đó là nghi lễ cho những người nghe - chỉ có danh tiếng tốt trong cộng đồng, rằng họ là tôn giáo, rằng họ tới nhà thờ đều đặn mọi chủ nhật. Và đó là sự tụ tập xã hội đẹp nữa - gặp gỡ mọi người, nói chuyện với mọi người, tán gẫu. Nó đem lại cơ hội tốt - nhân danh tôn giáo. Một sự tụ tập xã hội! Đó là một kiểu cổ của câu lạc bộ Rotary, câu lạc bộ Lions, vân vân. Điều đó không có ý nghĩa gì, điều đó không làm thay đổi cuộc sống của họ.
Có lần tôi sống ở cạnh một linh mục Ki tô giáo, một diễn giả rất hùng biện. Một hôm ông ấy cho tôi xem khu vườn của ông ấy, và chúng tôi bắt đầu nói về điều này điều nọ. Và ông ấy nói, “Ông có thể giúp đỡ con tôi được không?”
Tôi nói, “Có chuyện gì với con ông vậy?”
Ông ta nói, “Nó bắt đầu coi buổi giảng lễ của tôi quá nghiêm chỉnh. Tôi phải thuyết giảng và tôi phải nói  về những điều lớn lao. Nó tới nghe và nó bắt đầu coi những điều đó quá nghiêm chỉnh. Bây giờ nó không muốn lấy vợ; nó muốn trở thành người linh thiêng. Ông có thể giúp cho nó được không?”
“Tôi có thể giúp được - đó là công việc của tôi mà! tôi có thể giúp - tôi giúp cho những người linh thiêng trở lại thành không linh thiêng. Ông cứ đưa nó tới tôi đi. Tôi sẽ kéo nó xuống.”
“Nhưng nghe đây,” linh mục nói, “nó coi lời tôi quá nghiêm chỉnh.” Ngay cả linh mục cũng không có nghĩa là bất kì ai cũng phải coi lời của linh mục là quá nghiêm chỉnh - và không ai làm như vậy ngoại trừ vài người ngu.
Nhưng khi bạn ở quanh một Phật, một Jesus, một Krishna, một Mohammed, vấn đề không phải là coi lời của họ là nghiêm chỉnh. Vấn đề là thấy tính chân thực của lời của họ và thế rồi hành động theo đó. Nếu điều đó khuấy động trái tim bạn, nếu chuông bắt đầu ngân trong tim bạn, thế thì đừng dừng nó lại. Thế thì đi theo đi, thế thì đi sâu hơn vào trong nó đi, bởi vì đó là cách duy nhất để được biến đổi. Đó là cách duy nhất để biết cái vĩnh hằng - aes dhammo sanantano. Đó là cách duy nhất để biết hài hoà vĩnh hằng của sự tồn tại.
Và biết tới hài hoà vĩnh hằng là biết tới phúc lạc, là biết tới Thượng đế, là vượt ra ngoài thời gian, là vượt ra ngoài cái chết, là vượt ra ngoài khổ.
Hai người phụ nữ đang nói chuyện trong phòng trà vào lúc bốn giờ, sau khi ăn cốc kem quả lớn và chút bánh đường. Họ đã không gặp nhau từ hồi còn học phổ thông, và một người đang khoe khoang về cuộc hôn nhân rất thuận lợi của mình.
“Chồng tớ mua cho tớ cả bộ kim cương mới khi chiếc của tớ bị bẩn,” cô ta nói. “Tớ chưa hề bận tâm tới việc lau sạch chúng.”
“Tuyệt diệu!” người phụ nữ kia nói.
“Vâng,” người thứ nhất nói, “chúng tớ cứ hai tháng lại kiếm một xe mới. Không có chuyện mua trả dần đâu nhé! Chồng tớ mua chúng ngay lập tức, và chúng tớ đem chúng cho người làm vườn da đen và người quản gia xem như quà tặng.”
“Tuyệt diệu!” người kia nói.
 “Còn nhà tớ,” người thứ nhất nói tiếp, “này, ích gì mà nói về nó nhỉ? Nó chỉ là...”
“Tuyệt diệu!” người kia kết thúc.
“Vâng, mà kể cho tớ, bây giờ cậu đang làm gì vậy?” người phụ nữ thứ nhất nói.
“Tớ đi học Trường làm duyên,” người kia nói. “Trường làm duyên? Sao, kì lạ nhỉ! Cậu học gì ở đó?”
“Thế này, chúng tớ học nói ‘Tuyệt diệu’ thay vì ‘Chuyện nhảm nhí’!”
Bạn có thể bắt đầu gọi chuyện nhảm nhí là “tuyệt diệu” nhưng điều đó không khác biệt gì. Bạn có thể học rác rưởi tôn giáo, tâm linh...
Có nhiều người ở đây nữa, người rất chuyên gia trong cái gọi là biệt ngữ bí truyền. Họ bao giờ cũng nói về nhiều bình diện thế, nhiều thể thế, nhiều trung tâm thế... và họ nói nghiêm chỉnh đến mức dường như họ biết điều họ đang nói tới. Tránh những thứ rác rưởi bí truyền đi! Tránh tri thức bí truyền! Đấy không phải là tri thức, đấy chỉ là đi lừa mọi người. Nếu bạn quan tâm tới những vấn đề như vậy thì bạn nên đọc tài liệu lớn do những người theo thuyết thần bí tạo ra.
Bất kì cái gì diễn ra, bạn chỉ phải nói theo cách là nó dường như ở thế giới khác. Điều đó không thể nào được chứng minh hay bác bỏ. Bây giờ làm sao bạn có thể chứng minh được có bao nhiêu bình diện? Bẩy hay mười ba?
Một người tới tôi. Giáo phái tôn giáo của người đó tin vào mười bốn bình diện, và ông ta có một sơ đồ, ông ta đem tới một sơ đồ. Mahavira đã chỉ đạt tới bình diện thứ năm,
Phật ở bình diện thứ sáu, Kabir, Nanak, bình diện thứ chín - bởi vì ông ấy là người Punjab nên ông ấy có chút ít hào phóng với Nanak và Kabir! Nhưng thầy riêng của ông ấy Radhaswami, ông ta đạt tới bình diện thứ mười bốn! Thậm chí Phật cũng chỉ treo lơ lửng ở bình diện thứ sáu! Còn Mohammed, bạn có biết Mohammed ở chỗ nào không? - chỉ ở thứ ba! Một người Hindu và một người Punjab, làm sao bạn có thể cho phép Mohammed vượt ra ngoài bình diện thứ ba được? Ông ấy giữ ông này ở bậc thứ ba. Với Jesus ông ấy có hào phóng hơn chút ít - ở bình diện thứ tư; ông ấy đặt Jesus ở thứ tư. Nhưng guru của riêng ông ấy - chẳng ai biết về guru này - ông ấy đã đạt tới thứ mười bốn! Bình diện thứ mười bốn được gọi là satch-khand - bình diện của chân lí.
Cho nên tôi hỏi ông ta, “Thế mười ba bình diện khác thì sao?”
Ông ta nói, “Chúng chỉ tới ngày càng gần hơn với chân lí, chỉ đúng xấp xỉ thôi.”
Bây giờ, có thể có cả chân lí xấp xỉ sao? Hoặc cái gì đó là đúng hoặc cái gì đó không đúng. Hoặc tôi ở đây trong chiếc ghế này hoặc tôi không ở trong ghế - tôi không thể xấp xỉ trong ghế được. Cho nên “chân lí xấp xỉ” là cái tên đẹp cho lời dối trá.
Ông ấy đã tới để hỏi tôi về ý kiến của tôi đối với mười bốn bình diện. Tôi nói, “Tôi đã đạt tới thứ mười lăm rồi. Và cũng như ông đang hỏi về các bình diện này, cái ông guru Radhaswami của ông cứ hỏi đi hỏi lại tôi mãi làm sao vào được bình diện thứ mười lăm.”
Ông ta giận lắm. Ông ta nói, “Chưa hề nghe nói đến bình diện thứ mười lăm!”
Tôi nói, “Làm sao ông nghe thấy được? Guru của ông cũng mới chỉ đạt tới bình diện thứ mười bốn, cho nên ông đã nghe nói đến thứ mười bốn. Nhưng tôi đã đạt tới bình diện thứ mười lăm!”
Chỉ vô nghĩa thôi! Nhưng nó có thể được trình bầy theo cách nó có vẻ rất tâm linh. Tránh xa ra!
Phật nói: Dù ông đọc bao nhiêu lời linh thiêng, dù ông nói bao nhiêu lời, chúng sẽ làm điều gì tốt cho ông nếu ông không hành động theo chúng?
Niềm tin vẫn còn trong thế giới của lời. Chính tin cậy, chính tin cậy sâu sắc đưa bạn vào hành động. Hành động là mạo hiểm. Nói về bờ bên kia là đơn giản, nhưng bơi sang bờ bên kia là nguy hiểm, bởi vì không bản đồ nào tồn tại. Thực ra không ai có thể chắc chắn về bờ bên kia, liệu nó có tồn tại hay không.
Chỉ niềm tin bình thường sẽ không có tác dụng. Chừng nào bạn chưa tin cậy vô cùng vào cuộc sống, chừng nào bạn chưa tin cậy vô cùng vào tiếng nói bên trong riêng của mình, bạn không thể tiếp tục cuộc hành trình tới những biển chưa được lập bản đồ.
Nhưng chỉ hành động sẽ chứng tỏ rằng bạn tin cậy, và chỉ hành động mới có thể biến đổi bạn.
Ông là người chăn cừu
Ai đi đếm cừu của người khác,
Chưa bao giờ chung một đường?
Phật thường nói đi nói lại: rằng có những người ngu xuẩn cứ đếm mãi bò của người khác - rằng người này có mười lăm con bò, người này có mười ba con bò - và bản thân họ thì không có lấy một con nào! Đếm bò hay cừu của người khác phỏng có ích gì? Điều đó không nuôi sống bạn, điều đó không nuôi dưỡng bạn. Điều đó cực kì lãng phí thời gian!
Nhưng đây là điều xảy ra nhân danh tôn giáo. Điều Veda nói... mọi người phí toàn thể những kiếp sống của họ trong việc cố gắng giải mã nghĩa của Veda. Có những người còn phí toàn thể cuộc sống mình để tìm ra nghĩa đúng của Kinh thánh. Đây là việc đếm cừu của người khác!
Bạn có thể đi vào trong và bạn có thể nghe thấy Kinh thánh nảy sinh tại đó - như Jesus đã nghe thấy nó. Jesus không có đặc quyền gì hơn bạn. Không ai có đặc quyền cả! Trước luật vĩnh hằng, trước pháp, mọi người đều bình đẳng. Trong thế giới này mọi người đều không bình đẳng và có thể không bao giờ bình đẳng cả. Trong thế giới này chủ nghĩa cộng sản là điều không thể được.
Nhưng trong thế giới bên trong mọi người đều bình đẳng - duy nhất chủ nghĩa cộng sản là có thể. Chủ nghĩa cộng sản là hiện tượng bên trong. Nỗ lực đang được thực hiện để làm cho thế giới bên ngoài thành thế giới cộng sản là vô tích sự; nó không thể xảy ra được trong chính bản chất của mọi vật.
Ở nước Nga Xô viết bây giờ các giai cấp cũ không còn nữa, nhưng các giai cấp mới đã tới. Các giai cấp cũ bị thay thế bởi giai cấp mới. Đầu tiên có vô sản và tư sản; bây giờ có những người cai trị, kẻ thống trị, đảng viên Đảng Cộng sản, và những người bị cai trị. Đấy là cùng trò chơi được chơi dưới cái tên khác.
Trong thế giới bên ngoài, chủ nghĩa cộng sản là điều không thể có được. Bất bình đẳng là luật; mọi người đều bất bình đẳng trong thế giới bên ngoài. Ai đó mạnh hơn bạn, ai đó thông minh hơn bạn, ai đó đẹp hơn bạn, ai đó tài hơn bạn, ai đó là thiên tài... Mọi người đều khác nhau, và họ không thể bị bắt buộc phải bình đẳng; điều đó sẽ phá huỷ nhân loại. Họ sẽ vẫn còn bất bình đẳng.
Nhưng trong thế giới bên trong, khi bạn di chuyển vào trong, bất bình đẳng bắt đầu biến mất. Tại cốt lõi bên trong nhất có bình đẳng tuyệt đối. Chủ nghĩa cộng sản là hiện tượng bên trong.
Đó là lí do tại sao tôi đang gọi đạo tràng mới của tôi là công xã. Chủ nghĩa cộng sản bắt nguồn từ từ ‘công xã’. Nó sẽ là bình đẳng bên trong. Mọi người sẽ vẫn còn khác nhau, nhiều nhất có thể được; thực ra, khi có liên quan tới thế giới bên ngoài, mọi người nên có tính cá nhân duy nhất của mình, hương vị riêng của mình, chữ kí riêng của mình. Bên ngoài mọi người nên được phép tự do tuyệt đối là bản thân mình. Bên trong, bản ngã biến mất, cá tính biến mất, chỉ có tâm thức thuần khiết. Và hai tâm thức không cao hơn hay thấp hơn nhau. Không có cấp bậc.
Đừng cứ đếm mãi cừu của người khác. Đi vào trong đi! Đừng cứ đọc mãi kinh sách. Đi vào trong! Đừng cứ nghe mãi lời người khác! Chia sẻ con đường! Nếu bạn bắt gặp vị phật bạn may mắn đấy. Nếu bạn yêu vị phật bạn được phúc lành đấy. Đừng chỉ cứ nghe mãi lời của ông ấy. Đi theo con đường, chia sẻ con đường! Nhìn vào nơi ông ấy chỉ tới, đừng bắt đầu tôn thờ ngón tay ông ấy. Nhìn vào mặt trăng!
Đọc ít lời như ông muốn
Và nói ít hơn.
Nhưng hành động theo luật.
Để tôi nhắc bạn lần nữa, bởi vì từ ‘luật’ trong tiếng Anh có liên hệ sai. Nó là việc dịch cho từ dhamma - pháp: luật vĩnh hằng, luật vũ trụ, đạo. Hành động theo luật không ngụ ý hành động theo luật hình sự Ấn Độ. Hành động theo luật nghĩa là hành động theo bản tính bên trong của bạn.
Từ bỏ con đường cũ -
Đam mê, thù hận, điên rồ.
Biết chân lí và tìm an bình.
Chia sẻ con đường.
Từ bỏ con đường cũ... Bạn phải trở nên gián đoạn với quá khứ. Bạn phải tồn tại theo cách mới. Bạn phải đơn giản cắt bỏ bản thân mình khỏi quá khứ của mình chỉ bằng một nhát. Và đó là điều tính chất sannyas tất cả là gì: cắt bản thân bạn ra khỏi quá khứ của bạn chỉ bằng một nhát kiếm.
Con đường cũ là gì? - con đường của ham muốn, con đường của ghét, và con đường của ngu ngốc. Đừng vận hành từ căm giận và đừng ham muốn mọi thứ, đừng sở hữu. Và đừng mê tín, ngu xuẩn. Nếu bạn có thể làm được chừng đó, nếu bạn có thể lấy bước nhảy vào cái không biết... bởi vì quá khứ đã được biết và bạn quen làm mọi thứ theo cách nào đó. Khi bạn vứt bỏ quá khứ bạn sẽ lúng túng trong vài ngày, mất hướng, không biết phải làm gì, làm sao để làm nó. Bạn sẽ trong chân không. Chân không đó phải được đi qua. Điều đó là đau đớn - đó là cái giá chúng ta phải trả cho chân lí.
Một khi bạn đã đi qua chân không đó: Biết chân lí và tìm ra an bình. Thế thì chân lí được biết tới và an bình theo sau chân lí như cái bóng.
Chia sẻ con đường, Phật nhấn mạnh lại lần nữa. Nhưng điều này không thể xảy ra chỉ bởi việc lắng nghe, chỉ bởi việc đọc công trình của các thầy.
Chia sẻ con đường.
Aes dhammo sanantano.

0 Đánh giá

Ads Belove Post