Thiền Osho - Tại sao có nhiều tôn giáo trên thế giới và họ liên tục cải nhau?

Thiền Osho - Tại sao có nhiều tôn giáo trên thế giới và họ liên tục cải nhau?

Price:

Read more

Thiền Osho - Tại sao có nhiều tôn giáo trên thế giới và họ liên tục cải nhau?

Thưa Thầy kính yêu,
Sao có nhiều tôn giáo trên thế giới thế, và tại sao các tôn giáo này liên tục cãi nhau?
Geetam, điều tự nhiên là phải có nhiều tôn giáo rồi. Thực ra, nhiều hơn là cần đấy. Như tôi thấy nó, mỗi cá nhân nên có tôn giáo riêng của mình; phải có nhiều tôn giáo như có ngần ấy người. Con số không nhiều thế đâu: chỉ có ba trăm tôn giáo - và bao nhiêu người trên trái đất?
Từng cá nhân nên có tôn giáo riêng của mình, bởi vì từng cá nhân là duy nhất thế, khác biệt thế với bất kì ai khác. Làm sao hai người có thể có một tôn giáo được? Điều đó là không thể được. Nhưng chúng ta đang yêu cầu điều không thể được. Từng cá nhân phải đạt tới Thượng đế theo con đường riêng của mình, và con đường đó không bao giờ được bất kì ai khác đi qua lần nữa.
Do đó, chư phật có thể chỉ dẫn, có thể cho bạn hướng dẫn. Họ không thể cung cấp cho bạn bản đồ chắc chắn, tuyệt đối chắc chắn - chỉ là hướng dẫn, vài hướng dẫn. Và những hướng dẫn đó không nên bị coi là rất nghiêm chỉnh - nên rất vui đùa. Bạn không định trở thành người cuồng tín. Nếu bạn trở thành người cuồng tín thì bạn không còn là tôn giáo nữa.
Người tôn giáo là khiêm tốn, sẵn có cho mọi loại hướng dẫn; người đó là người tìm kiếm, người tìm tòi, người thám hiểm, và người đó sẽ học từ mọi nguồn có thể. Người đó sẽ học từ Kinh Thánh, và người đó sẽ học từ Veda, và người đó sẽ học từ Dhammapada. Người đó sẽ lắng nghe Phật, nghe Jesus, nghe Zarathustra. Người đó sẽ học từ mọi nguồn có thể, nhưng dầu vậy người đó vẫn còn là bản thân mình. Người đó sẽ không trở thành bắt chước, người đó sẽ không trở thành bản sao. Người đó sẽ duy trì tính đích thực của mình. Người đó sẽ khiêm tốn, chân thành, đích thực; người đó sẽ không trở thành đồ rởm. Người đó sẽ không là tín đồ, người đó sẽ là người yêu.
Người đó sẽ yêu phật, nhưng người đó sẽ không theo ông ấy; người đó sẽ không theo ông ấy đến từng chi tiết. Làm sao bạn theo vị phật đến từng chi tiết được? Người đó là kiểu người khác toàn bộ. Bạn chưa bao giờ là như vậy trước đây, không ai giống như bạn đã từng có trước đây, và không ai đích xác giống bạn sẽ có lại lần nữa. Do đó tôn giáo của bạn phải là tôn giáo của bạn, chân lí của bạn phải là chân lí của bạn.
Và đó là cái đẹp của chân lí, rằng nó bao giờ cũng tới dưới dạng duy nhất đến mức bạn có thể nói, “Đây là món quà đặc biệt từ Thượng đế cho tôi.” Do đó có nhiều tôn giáo thế. Và điều đó là đẹp! - nên có nhiều hơn nữa. Nhiều người đã cố gắng tạo ra một tôn giáo; đó là xuẩn ngốc hoàn toàn. Bạn không thể tạo ra một tôn giáo được. Bạn có thể áp đặt một tôn giáo lên mọi người, nhưng điều đó sẽ phá huỷ tâm linh của họ, tự do của họ; điều đó sẽ làm què quặt bản thể họ và làm tê liệt trưởng thành của họ.
Cũng như có nhiều ngôn ngữ thế, có nhiều tôn giáo thế. Tính đa dạng là đẹp, tính đa dạng tạo khả năng cho bạn chọn lựa tương ứng theo kiểu của bạn. Tôn giáo không và không thể được quyết định bởi việc sinh, và những người đã quyết định tôn giáo của họ bởi việc sinh của họ là kẻ ngu hoàn toàn. Bạn không thể được sinh ra là người Hindu giáo và bạn không thể được sinh ra là người Ki tô giáo; việc sinh không liên quan gì tới tôn giáo của bạn cả. Tôn giáo là cuộc truy tìm. Bạn có thể được sinh ra từ bố mẹ Hindu giáo - đó là một điều - nhưng nếu bố mẹ bạn thực sự yêu bạn họ sẽ không chuyển đổi bạn thành người Hindu. Tất nhiên họ sẽ nói cho bạn về tất cả những điều họ đã biết và đã trải nghiệm, nhưng họ sẽ để cho bạn tự do. Và họ sẽ bảo bạn, “Trở nên tỉnh táo hơn, quan sát hơn, chín chắn hơn, và khi con đủ chín chắn và con muốn quyết định, chọn lấy tôn giáo của riêng con.”
Đi tới chùa chiền, đi tới nhà thờ, đi tới đền đài, đi tới gurudwara. Lắng nghe mọi loại đồ vật, nhìn mọi loại hoa: vườn của Thượng đế tràn đầy tính đa dạng thế, phong phú thế bởi tính đa dạng. Có hoa hồng và hoa sen và cả nghìn lẻ một hoa khác. Đi và chọn lấy mùi hương riêng của bạn, hương thơm riêng của bạn, bởi vì chừng nào bản thân bạn chưa chọn, bạn sẽ không tận tâm với nó, bạn sẽ không được buông xuôi theo nó.
Thế giới này không phải là tôn giáo bởi vì tôn giáo bị áp đặt lên chúng ta. Bố mẹ đang vội vã áp đặt; nhà thờ, quốc gia, đất nước - mọi người đều đang vội vã áp đặt tôn giáo nào đó lên con trẻ. Ngu xuẩn làm sao! Đần độn làm sao! Tôn giáo cần chín chắn, hiểu biết lớn lao, trước khi người ta có thể chọn.
Không ai sinh ra mà là người Hindu giáo hay Mô ha mét giáo hay Parsi giáo. Mọi người được sinh ra đều trong sạch, hồn nhiên, tabula rasa, và thế rồi mọi người đều phải tìm và kiếm. Đây là cái đẹp của cuộc sống bởi vì cuộc sống là cuộc truy tìm. Và đừng bị lắng đọng quá sớm; không cần đâu. Có thể là mọi tôn giáo hiện có không thể thoả mãn bạn. Nhưng điều đó là tốt; điều đó nghĩa là tôn giáo mới được sinh ra trong bạn. Thế giới trở nên giầu có hơn: một tôn giáo nữa, một đoá hoa nữa, một cây nữa - một hiện tượng mới.
Phật đem tới một tôn giáo mới vào trong thế giới này; thế giới đã nghèo hơn trước Phật bởi vì nó thiếu Phật giáo. Phật có thể đã theo tôn giáo của bố mẹ ông ấy; thế thì thế giới sẽ vẫn còn nghèo nàn. Thế giới bỏ lỡ cái gì đó giá trị mênh mông, cánh cửa mới tới Thượng đế. Phật đã mở ra cánh cửa mới, viễn kiến mới, sáng suốt mới. Ông ấy đã không bị thuyết phục bởi tôn giáo của bố mẹ ông ấy; bằng không ông ấy vẫn còn là người Hindu. Ông ấy đã nổi dậy. Mọi người tôn giáo đều là người nổi dậy.
Ông ấy đã đi vào tìm kiếm cá nhân - mọi người tôn giáo đều là nhà thám hiểm, mọi người tôn giáo đều là nhà phiêu lưu. Sẽ dễ dàng, thuận tiện và thoải mái để tin vào tôn giáo đã từng được bố mẹ, bố mẹ của bố mẹ tin vào, và trong hàng thế kỉ. Điều đó sẽ còn thuận tiện nhiều hơn bởi vì bạn không cầm truy tìm, bạn không cần đi qua toàn thể nỗ lực để tìm ra chân lí. Nó đã được tìm ra bởi nhà tiên tri nào đó trong quá khứ - bạn có thể đơn giản vay mượn nó. Nhưng chân lí vay mượn không phải là chân lí chút nào. Chân lí vay mượn là dối trá.
Phật đã đi tìm; gian truân là cuộc truy tìm. Ông ấy đã mạo hiểm tất cả - vương quốc, cuộc sống. Nhưng khi bạn mạo hiểm nhiều thế, cuộc sống mưa rào các kho báu mới lên bạn. Một tôn giáo mới, một sự sáng suốt mới, một tầm nhìn mới, được sinh thành vào thế giới này.
Mohammed có thể đã theo tôn giáo của bố mẹ ông ấy. Jesus có thể đã đi theo Do Thái giáo. Trở thành một Jesus đi, trở thành một Phật đi, trở thành một Mohammed đi! Đừng là người Mô ha mét giáo, đừng là Phật tử và đừng là người Ki tô giáo - thám hiểm! Đừng phí hoài cuộc sống trong việc bắt chước, bởi vì thế thì bạn sẽ vẫn còn là rởm. Và người rởm không thể là tôn giáo được. Đích thực , chân thành lớn lao là cần thiết.
Cho nên, Geetam này, điều tốt là có ba trăm tôn giáo - đáng phải có nhiều hơn! Tôi bao giờ cũng thiên về đa dạng. Tôi muốn thế giới này giầu có hơn theo mọi cách có thể. Bạn có muốn toàn thể thế giới này chỉ có một loài hoa - chỉ hoa hồng, hay chỉ hoa sen không? Điều đó sẽ không là một thế giới bần cùng hoá, rất nghèo nàn chứ? Bạn có muốn thế giới này chỉ có một ngôn ngữ không? Thế thì những sắc thái khác biệt của các ngôn ngữ khác nhau sẽ biến mất.
Có những điều mà chỉ có thể được nói trong tiếng Arab và không thể nói được trong bất kì ngôn ngữ nào khác; và có những điều chỉ có thể nói trong tiếng Do Thái và không thể được nói trong bất kì ngôn ngữ nào khác. Có những điều chỉ có thể được nói trong tiếng Trung quốc và không thể được nói trong bất kì ngôn ngữ nào khác. Nếu thế giới chỉ có một ngôn ngữ, nhiều, nhiều điều đẹp đẽ sẽ vẫn còn không được nói ra.
Lão Tử chỉ nói được tiếng Trung quốc. Bạn có  thể không cân nhắc về vấn đề này: nghĩ về Lão Tử viết Đạo Đức Kinh trong tiếng Anh mà xem... và cuốn sách sẽ khác toàn bộ. Nó sẽ thiếu cái gì đó có giá trị mênh mông; nó sẽ có cái gì đó khác, mầu sắc khác toàn bộ, nhưng nó sẽ thiếu hương vị mà nó có trong tiếng Trung quốc.
Bây giờ, chữ Trung quốc không có bảng chữ cái; nó được viết trong các kí hiệu. Bởi vì không có bảng chữ, các kí hiệu có thể được diễn giải theo cả nghìn lẻ một cách; kí hiệu là linh động hơn, kém cố định hơn, nhiều thi vị hơn, ít nôm na hơn. Một kí hiệu có thể ngụ ý nhiều điều. Nó là không khoa học; rất khó viết ra chuyên luận khoa học trong tiếng Trung quốc. Với điều đó, tiếng Anh là ngôn ngữ thích hợp hơn nhiều.
Nhưng điều Lão Tử đã tặng cho thế giới sẽ không thể nào có được nếu không có chữ Trung quốc. Từng kí hiệu có nhiều nghĩa, đa nghĩa. Bạn có thể chọn nghĩa của bạn tương ứng với trạng thái tâm trí của bạn. Từng kí hiệu có nhiều tầng nghĩa. Khi bạn trưởng thành trong hiểu biết của mình, nghĩa của các kí hiệu đó thay đổi.
Do đó, ở phương Đông một kiểu đọc khác toàn bộ đã tồn tại mà không tồn tại ở phương Tây. Bạn sẽ không thích đọc đi đọc lại cùng cuốn sách của Bernard Shaw mãi, hay bạn thích thế? Chừng nào bạn còn lành mạnh bạn sẽ không thích đọc đi đọc lại nó mãi. Phỏng có ích gì? Một khi bạn đã đọc nó rồi, nó được kết thúc! Đó là lí do tại sao sách bìa mềm lại tồn tại: đọc nó rồi vứt nó. Nhưng ở phương Đông một loại đọc khác tồn tại: cùng cuốn sách được đọc đi đọc lại suốt cả đời.
Đạo Đức Kinh không phải là cuốn sách có thể được xuất bản theo kiểu sách bìa mềm - bây giờ người ta đang làm điều đó. Nó không nên được xuất bản bằng sách bìa mềm - nó không thể là như vậy, bởi vì nó là loại sách hoàn toàn khác. Nó có hết tầng nọ tới tầng kia nghĩa. Khi lần đầu tiên bạn đọc nó, nó là một cuốn sách bởi vì bạn chỉ biết một nghĩa, nông cạn. Sau khi thiền vài tháng bạn đọc lại nó lần nữa; ý nghĩa khác tự nó lộ ra; sau khi thiền thêm vài tháng nữa bạn đọc lại nó lần nữa... nghĩa thứ ba. Nó phải cứ tiếp diễn, nó phải trở thành việc nghiên cứu cả đời.
Và bạn sẽ tìm thêm ra nghĩa - chúng không cạn. Aes dhammo sanantano: điều tối thượng là vĩnh hằng và không cạn. Nó không phải là hư cấu; bạn không thể chỉ đọc nó và được kết thúc với nó. Một lần đọc sẽ không giúp cho bạn chút nào đâu; nó đơn giản giới thiệu cho bạn, nó không cho bạn cốt lõi của nó. Phải mất cả đời mới đi tới cốt lõi của nó được.
Bây giờ chúng ta cần mọi loại ngôn ngữ. Tiếng Anh là cần thiết cho tính xác định của nó, cho tính chắc chắn của nó. Mỗi từ đều có một định nghĩa. Khoa học không thể phát triển mà không có ngôn ngữ như vậy.
Khoa học không thể sinh ra ở Ấn Độ bởi vì ngôn ngữ; tiếng Phạn là ngôn ngữ thơ ca. Bạn có thể hát nó - nó có phẩm chất đó - bạn có thể tụng bằng nó, nhưng bạn không thể nào làm nhiều suy luận từ nó được. Nhiều bài ca, chắc chắn, nhưng nó không có tính biện minh; diễn đạt nhưng không biện minh.
Tiếng Arab có phẩm chất rất ám ảnh. Nếu bạn tụng nó, nó sẽ trở nên ám trong tim bạn. Dừng tụng nó và việc tụng vẫn cứ tiếp tục trong tim. Tiếng Arab có phẩm chất đó trong nó bởi vì nó là ngôn ngữ của sa mạc; ngôn ngữ sa mạc có phẩm chất ám ảnh. Khi bạn gọi ai đó trong sa mạc, từ xa xôi, bạn phải gọi theo cách nào đó - và trong sa mạc bạn có thể gọi người ở rất xa; nếu bạn gọi họ theo cách thức có nhịp điệu, âm thanh của bạn sẽ đạt tới họ.
Do đó có cái đẹp của Koran. Nó không phải là sách để được đọc - những người đã đọc Koran sẽ bỏ lỡ ngĩa của nó - nó là cuốn sách để được hát. Nó không phải là sách để được nghiên cứu: nó là cuốn sách để được nhảy múa, chỉ thế thì bạn sẽ đạt tới tâm linh bên trong của nó.
Điều hay là có nhiều ngôn ngữ bởi vì có nhiều điều cần được nói, diễn đạt, trao đổi. Và khi thế giới trưởng thành, nhiều ngôn ngữ nữa được cần tới, bởi vì khi thế giới trưởng thành, người ta cảm thấy nhiều thứ hơn, mọi người đang đi qua, mọi người đang đạt tới.
Tôn giáo không là gì khác hơn ngôn ngữ để bầy tỏ điều tối thượng. Geetam, không có gì sai trong việc có nhiều tôn giáo cả. Tất nhiên, chắc chắn có điều gì đó sai trong cãi lộn thường xuyên của họ với nhau. Điều đó chỉ ra rằng cái gọi là các tôn giáo đó đã đánh mất phẩm chất tôn giáo của họ, họ đã trở thành chính trị; rằng cái gọi là các tôn giáo đó không còn có các thầy sống nữa mà chỉ những tu sĩ chết, đờ đẫn, xoàng xĩnh. Họ cứ cãi nhau, họ cứ cố cải đạo nhau, bởi vì con số tạo ra quyền lực. Nếu có nhiều người Ki tô giáo hơn, thế thì Ki tô giáo có quyền lực hơn và giáo hoàng ở Vatican trở nên mạnh hơn. Nếu người Hin du nhiều hơn về con số, tất nhiên họ hơn về quyền lực.
Số lượng cho quyền lực. Cho nên Ki tô giáo muốn mọi người là người Ki tô giáo, và người Mô ha mét giáo muốn mọi người là người Mô ha mét giáo. Cách thức và phương tiện của họ có thể khác nhau, nhưng nỗ lực và ham muốn của họ là như nhau, ham muốn chính trị rất sâu xa - đó là chính trị quyền lực. Thế thì một cách tự nhiên cãi lộn sẽ nảy sinh. Chính trị là cãi lộn; nó không liên quan gì tới tôn giáo cả.
Các tôn giáo nên có nhiều nhất có thể được. Và không có vấn đề về bất kì xung đột nào: đấy là vấn đề về thích hay không thích. Nếu tôi thích hoa hồng, bạn không cố gắng tới và thuyết phục tôi rằng tôi nên thích cúc vạn thọ - bạn đơn giản chấp nhận ý thích của tôi. Và nếu bạn thích cúc vạn thọ, điều đó hoàn toàn được; không có vấn đề tranh luận, cãi cọ. Chúng ta không cần đánh lẫn nhau - đánh thực hay bằng trí tuệ. Tôi có thể để bạn với chọn lựa của bạn, và tôi không cảm thấy bị xúc phạm bởi vì bạn thích cúc vạn thọ và tôi không thích chúng.
Thích và không thích là chuyện cá nhân. Người này có thể thích Bhagavadgita, người khác có thể thích Koran, ai đó khác có thể thích Dhammapada - điều đó hoàn toàn được, tuyệt đối được. Chúng ta nên chia sẻ lẫn nhau sở thích của mình, nhưng chúng ta không nên cố gắng cải đạo người khác, buộc người khác vào nhóm của chúng ta. Vâng, chia sẻ bằng đủ mọi phương tiện, bởi vì chia sẻ chỉ ra tình yêu của bạn. Nếu bạn đã tìm ra cội nguồn, chia sẻ đi! Nhưng chia sẻ nên là từ tình yêu, không phải từ chính trị quyền lực. Đấy không phải là thuyết phục người khác và lôi kéo anh ta vào nhóm của bạn. Các tôn giáo đã làm những điều xấu xa như vậy. Mọi người đã bị cải đạo bằng đầu lưỡi lê; mọi người đã bị cải đạo bằng tiền bạc, bằng đút lót cho họ... bằng bất kì phương tiện gì, đúng hay sai. Trở thành người Ki tô giáo đi! Trở thành người Mô ha mét giáo đi! Trở thành người Hindu đi! Chộp lấy ngày càng nhiều người để bạn trở nên ngày càng mạnh hơn, và không cho phép bất kì ai khác rời khỏi nhóm của bạn.
Con trai của Mulla Nasruddin hỏi anh ta, “Bố ơi, khi một người Ki tô giáo trở thành người Mô ha mét giáo, bố gọi người ấy là gì?”
Nasruddin mỉm cười và nói, “Người đó đã trở về nhận biết của mình, người đó là con người của hiểu biết, của trí huệ. Anh ta đã hiểu ra cái gì giả là giả và cái gì thật là thật.”
Đứa con lại hỏi, “Này bố, thế nếu người Mô ha mét giáo trở thành người Ki tô giáo bố gọi người đó là gì?”
Nasruddin giận lắm và nói, “Nó là kẻ phản bội! Nó đã phản bội. Nó là thằng ngu!”
Bây giờ, nếu người Ki tô giáo trở thành người Mô ha mét giáo, người đó là người thông minh, người trí huệ; và nếu người Mô ha mét giáo trở thành người Ki tô giáo người đó là kẻ phản bội, ngu xuẩn. Và cùng tình huống này nếu bạn hỏi người Ki tô giáo.
Một người Hindu trở thành người Ki tô giáo. Mọi người Hindu đều chống lại anh ta, tự nhiên thôi - anh ta đã phản bội họ! Nhưng người Ki tô giáo làm anh ta thành thánh nhân. Sadhu Sunder Singh là tên anh ta. Họ gần như tôn thờ anh ta dường như anh ta là hoá thân của Jesus, bởi vì anh ta đã chứng minh cho chân lí của Ki tô giáo. Còn người Hindu?
- họ giận con người này đến mức họ muốn giết chết anh ta. Và có mọi khả năng là họ đã giết chết anh ta, bởi vì một hôm anh ta bỗng nhiên biến mất và kể từ đó thi thể anh ta không tìm thấy đâu cả. Điều gì đã xảy ra cho Sadhu Sunder Singh, đấy vẫn còn là bí ẩn.
Tôi biết một người đã từng là người Hindu và đã trở thành người Jaina. Người Hindu chống lại ông ta ghê lắm, cũng là tự nhiên, hiển nhiên. Họ cố gắng theo đủ mọi cách để tiêu diệt con người này, nhưng người đó trở thành vị thánh Jaina nổi tiếng. Ganesh Varni là tên ông ta. Ông ta đánh bại mọi vị thánh Jaina khác; ông ta đạt tới đỉnh cao nhất. Phẩm chất thực của ông ta là gì? Tại sao ông ta đã đạt tới đỉnh cao nhất đó? bởi vì về cơ bản ông ấy là người Hindu và đã trở thành người Jaina. “Ông ấy đã chứng minh rằng đạo Jaina cao xa hơn nhiều đạo Hindu; bằng không tại sao con người này, một người khôn ngoan như vậy, lại tới nhóm của chúng ta?”
Geetam, những tôn giáo này cãi lộn bởi vì họ không phải là tôn giáo; họ đã trở thành ngày một chính trị hơn. Và khi bạn cãi lộn, thế thì mọi thứ là đúng - trong tình yêu và chiến tranh mọi thứ đều đúng.
Một người cơ đốc giáo đang cố gắng cải đạo một người Do Thái và bảo anh ta rằng nếu anh ấy trở thành người cơ đốc giáo lời cầu nguyện của anh ta chắc chắn sẽ được trả lời - bởi vì ông linh mục sẽ trao chúng cho ông giám mục, ông này sẽ trao chúng cho hồng y giáo chủ, ông này trao chúng cho giáo hoàng, ông này sẽ đẩy chúng vào cõi trời qua một lỗ hổng trên đỉnh Vatican, mà khớp với lỗ hổng dưới sàn của cõi trời, nơi Thánh Peter sẽ đưa chúng tới Đức Mẹ đồng trinh, người sẽ nói giùm nhân danh họ với Jesus, Jesus sẽ nói lời tốt lành về chúng cho Thượng đế.
Người Do Thái lặp lại toàn bộ hành trình này với vẻ sững sờ, kết thúc, “Ông biết điều đó phải đúng chứ, bởi vì tôi bao giờ cũng tự hỏi họ làm gì với tất cả cứt trên cõi trời. Họ phải vứt nó qua cái lỗ nhỏ đó ở Vatican, nơi giáo hoàng lại đưa nó cho hồng y giáo chủ, ông này đưa nó cho giám mục, ông này đưa nó cho linh mục, ông này đưa nó cho ông - và ông đang cố trao tay nó cho tôi có phải không?”
Tôn giáo là tốt - cần nhiều hơn nữa - nhưng tôn giáo cãi lộn không phải là tôn giáo. Chính thái độ cãi lộn làm cho họ thành chính trị. Và tu sĩ và chính khách đã trong cùng một mưu đồ rất tinh vi qua nhiều thời đại - bởi vì chính khách có thể chi phối mọi người qua tu sĩ rất dễ dàng. Tu sĩ sở hữu linh hồn mọi người và chính khách sở hữu thân thể của mọi người. Cả hai đều là kẻ áp bức, bóc lột. Cả hai đều trong cùng việc kinh doanh, cả hai đều là đối tác. Cả hai có thể giúp lẫn nhau. Chính khách có thể giúp tu sĩ bởi vì ông ta có quyền lực tạm thời, và tu sĩ có thể giúp chính khách bởi vì mọi người nghe ông ta, tôn thờ ông ta, coi lời ông ta là thiêng liêng.
Bạn có biết không, Phật giáo đã không trở thành tôn giáo lớn bởi vì Phật; nó đã trở thành tôn giáo lớn bởi vì hoàng đế Ashoka. Không phải bởi vì Phật mà hàng triệu người trở thành phật tử, không. Trong khi Phật còn sống, chỉ có vài, một vài người được chọn lựa là đủ dũng cảm để bước đi với ông ấy trong ánh sáng của ông ấy, giao cảm với ông ấy. Và họ dũng cảm thật - bởi vì họ phải chịu đựng, họ phải chịu đựng nhiều chế giễu, đối lập, bởi vì nhà thờ Hindu đã thiết lập chống lại con người Phật này.
Phật giáo trở thành tôn giáo thế giới không phải bởi vì Phật mà bởi vì hoàng đế Ashoka. Khi các tu sĩ Phật giáo nắm tay hoàng đế Ashoka, thế thì tôn giáo này trở thành tôn giáo thế giới. Toàn thể châu Á đã được chuyển đạo. Bây giờ các tu sĩ sẽ giúp Ashoka duy trì quyền lực của ông ấy, và Ashoka sẽ giúp cho các tu sĩ trở nên ngày càng mạnh hơn.
Ki tô giáo đã trở thành tôn giáo thế giới không phải bởi vì Jesus. Jesus rất một mình - chỉ vài đệ tử, mười hai đệ tử, và vài trăm người thông cảm, có vậy thôi. Và ngay cả những đệ tử này đã biến mất khi Jesus bị đóng đinh, và những người thông cảm đơn giản quên ông ấy; họ thôi nói về con người này bởi vì điều đó là nguy hiểm ngay cả việc biểu lộ sự thông cảm.
Tương truyền rằng những người đã thông cảm với Jesus đã tới để nhổ vào mặt ông ấy trong khi ông ấy sắp chết để chỉ cho mọi người, “Chúng tôi chống lại, chúng tôi không ủng hộ ông ta.” Để chứng minh cho mọi người... bởi vì người này sắp chết - bây giờ họ sẽ bị rắc rối. Họ phải sống, họ vẫn phải sống. Họ phải đưa ra bằng chứng nào đó rằng họ chống lại người này.
Họ phủ nhận Jesus trong khi ông ấy sắp chết. Họ ném bùn, đá, họ nhổ vào mặt ông ấy, chỉ để chỉ ra cho đám đông, “Thấy chưa, thế không đủ bằng chứng rằng những lời đồn đại mà các vị đã nghe rằng chúng tôi là người có cảm tình là tuyệt đối sai sao, là không có căn cứ sao? Chúng tôi chống lại ông ta cũng như các vị vậy - thực ra, chúng tôi chống ông ta nhiều hơn các vị nữa.”
Kẻ thù không khạc nhổ vào ông ấy nhưng bạn khạc nhổ. Jesus trở thành một lực lượng thế giới không phải bởi bản thân ông ấy mà chỉ khi các hoàng đế La Mã và các linh mục Ki tô giáo nắm tay nhau. Bây giờ, điều này là sự mỉa mai. Jesus đã bị hoàng đế La Mã đóng đinh - xem cách thức lịch sử chuyển vận! Pontius Pilate chỉ là đại diện của quyền lực La Mã, của hoàng đế La Mã; ông ta đơn giản tuân theo mệnh lệnh từ Rome. Ai đã nghĩ được rằng Rome sẽ trở thành vị trí trung tâm của Ki tô giáo? Ai đã nghĩ được trong khi Jesus bị đóng đinh rằng Rome sẽ là nơi thường trú của giáo hoàng? Nhưng đó là cách thức sự việc xảy ra. Khi các linh mục nắm tay Hoàng đế Constantine và các hoàng đế La Mã khác, Ki tô giáo trở thành lực lượng thế giới.
Ki tô giáo, Phật giáo, Hindu giáo, Jaina giáo - tất cả họ đều phụ thuộc vào chính trị. Họ không phải là tôn giáo thực chút nào mà là trò chơi chính trị được chơi nhân danh tôn giáo.
Tôi muốn thế giới này có nhiều tôn giáo hơn, nhiều đến mức mỗi cá nhân có tôn giáo riêng của mình - thế thì sẽ không tu sĩ nào được cần nữa. Đó là cách duy nhất để vứt bỏ các tu sĩ. Nếu bạn có tôn giáo riêng của mình, không tu sĩ nào được cần - bạn là tu sĩ và bạn là tín đồ và bạn là mọi thứ.
Bạn phải lắng nghe tiếng nói bên trong của bạn. Phật nói: Tuân theo bản tính riêng của ông; không cần bất kì ai xin giùm nhân danh bạn.
Nhưng tôi không thiên về việc tạo ra một tôn giáo; đủ điều vô nghĩa đó rồi! Trong quá khứ chúng ta đã cố gắng làm điều đó: làm ra một tôn giáo để cho việc cãi lộn có thể chấm dứt. Nhưng điều đó là không thể được. Cho dù bạn có thể áp đặt một tôn giáo, nếu toàn thế giới trở thành Ki tô giáo, thế thì lại sẽ có Tin lành và Cơ đốc giáo và cả nghìn lẻ một giáo phái. Và cùng trò chơi sẽ bắt đầu: mọi người sẽ bắt đầu cãi lộn - bởi vì nhu cầu của họ là khác, hiểu biết của họ là khác.
Tôi đã nghe:
Một phụ nữ trẻ đẹp từ London về nhà. Cô ấy ở một làng nhỏ, xuất thân từ một gia đình cơ đốc giáo. Sau ba hay bốn năm sống ở London cô ấy trở nên rất giầu; cô ấy trở về gặp bố mẹ. Người mẹ không thể nào tin vào mắt mình. Bà ấy hỏi, “Con xoay xở thế nào vậy? Con trở nên giầu thế - quần áo đẹp thế, vòng kim cương, ô tô đẹp!”
Và cô gái trả lời, “Mẹ ạ, con đã trở thành gái mãi dâm*.”
Vừa mới nghe thấy điều này bà mẹ ngất xỉu, mất ý thức.
Khi bà ấy tỉnh dậy bà ấy hỏi lại, “Con vừa nói gì?”
Người con gái nói, “Mẹ ạ, con nói con đã trở thành gái mãi dâm.”
Và bà mẹ bắt đầu cười và bà ấy nói, “Mẹ hiểu lầm con - mẹ cứ nghĩ con nói con đã trở thành người theo Tin lành.”
Thành gái mãi dâm là được, nhưng trở thành người Tin lành... ? Cùng chuyện cãi lộn sẽ bắt đầu. Ngay cả những tôn giáo nhỏ - chẳng hạn, Jaina giáo, một trong những tôn giáo nhỏ nhất trên thế giới - có biết bao nhiêu giáo phái, giáo phái bên trong giáo phái. Thực ra, chúng ta còn chưa trở nên nhận biết về sự cần thiết lớn lao rằng mỗi cá nhân cần có một phiên bản riêng của mình về Thượng đế, và mỗi cá nhân có con đường riêng của mình để tiếp cận Thượng đế.
Một người được một gái mãi dâm đón trong quán rượu, lấy làm ngạc nhiên bởi cờ hiệu trường đại học và chứng chỉ trang trí trên tường của phòng cô ấy.
“Đây là chứng chỉ của cô ư?” anh ta hỏi.
“Hẳn rồi,” cô ấy nói một cách vui vẻ. “Tôi có bằng thạc sĩ nghệ thuật tại trường Columbia, và tôi đã lấy bằng tiến sĩ về Shakespeare tại Oxford.”
Người này ngờ vực. “Nhưng làm sao một cô gái như cô đi làm cái nghề như thế này?”
 “Tôi không biết,” cô ấy nói. “Chỉ may, tôi đoán.”
Mọi người có hiểu biết khác nhau, các cách khác nhau để nhìn vào mọi thứ, các cách diễn giải khác nhau. Và họ phải được phép có tự do này.

0 Đánh giá

Ads Belove Post