Thiền có nghĩa là chín chắn - Ðừng mang những giấc mộng của bạn vào thực tại

Thiền có nghĩa là chín chắn - Ðừng mang những giấc mộng của bạn vào thực tại

Price:

Read more

Thiền có nghĩa là chín chắn - Ðừng mang những giấc mộng của bạn vào thực tại
Tôn giáo chỉ có một mà thần học thì đủ thứ. Thần học bao hàm triết học về Thượng Ðế, luận lý về Thượng Ðế... Tất cả đều nhảm nhí vô nghĩa bởi vì không có cách gì chứng minh có Thượng Ðế - cũng như không có Thượng Ðế. Tranh cãi những điều chẳng dính dấp vào đâu cả. Vâng, người ta có thể nói có những điều chỉ có thể thực chứng mà không thể chứng minh - và đó là điều mà thần học tiếp tục làm những công việc ngu xuẩn - chẻ sợi tóc ra làm tư. Khi bạn là người khách quan đứng ở xa nhìn vào, bạn sẽ không khỏi bật cười. Sao mà lại có chuyện lố bịch như thế.
Trong thời đại Trung Cổ, các nhà thần học Cơ Ðốc đã vô cùng quan tâm, vô cùng lo lắng, vô cùng hoang mang với những vấn nạn mà xem ra sẽ chẳng bao giờ là vấn nạn của bạn cả. Thí dụ như, có bao nhiêu thiên thần có thể cùng đứng được trên một mũi kim? Ðã có không biết bao nhiêu sách vở luận bàn về đề tài này - đã nổ ra một cuộc tranh luận khá lớn lao.
Mulla Nasrudin, chủ nhân của hai con chim vẹt xanh, một hôm mang chim đến cho một vị bác sĩ thú y nhờ chăm sóc: "Tôi lo quá, những con chim của tôi không đi cầu cả tuần nay rồi."
Nhà thú y sĩ nhìn vào lồng và hỏi, "Ông luôn luôn lót lồng chim với những tấm bản đồ thế giới?"
"Không," Mulla Nasrudin trả lời, "Tôi chỉ mới thay nó vào hôm thứ Bảy vừa rồi vì hết cả giấy báo."
"Ðấy là lý do!" nhà thú y sĩ trả lời. "Vẹt xanh là giống vật rất nhạy cảm. Nó nín đi cầu vì sợ rằng trái đất này sẽ lấy hết phân mà nó có thể bài tiết nổi!"
Thần học là thứ cặn bả phế thải. Tôn giáo đã bị đầu độc bởi thần học. Một người có tín ngưỡng đích thực không hề biết đến thần học. Vâng, y sẽ thực chứng, sẽ đạt đến chân lý, đến điểm linh quang mà không cần đến thần học. Nhưng thần học lại giúp ích cho các nhà học giả, bác học, những người được gọi là trí thức. Nó còn cần thiết hơn nữa cho giới tu sĩ, các ông giáo hoàng, các Shankaracharyas. Nó mang lại mối lợi lớn cho họ. Toàn bộ cái dịch vụ làm ăn của họ đều nương tựa vào đây.
Thiền thì khác, nó cắt đứt tất cả mọi gốc rễ. Nó hủy diệt cái dịch vụ cơ bản nhất của giới tu sĩ. Và đây cũng là cái dịch vụ tồi tệ nhất trên thế giới vì được đặt trên sự dối gạt lớn lao. Nhà tu sĩ không hề biết gì cả nhưng lại tiếp tục đi rao giảng; nhà thần học không hề biết gì cả nhưng lại tiếp tục đi nói chuyện huyên thuyên về học thuyết. Ðương sự cũng dốt nát như bao nhiêu người khác - có khi còn dốt nát hơn nữa là khác, nhưng là một sự dốt nát rất có lớp lang bài bản, được tô vẽ bởi nhiều thứ - tô vẽ bởi kinh sách, tô vẽ bởi học thuyết; tô vẽ một cách xảo quyệt và thông minh khiến người ta khó mà tìm ra được kẻ hở. Thần học như thế chẳng có ích lợi gì cho nhân loại, nhưng chắc chắn là nó giúp ích cho một số người: những tu sĩ. Từ đó nhân danh những học thuyết xuẩn động, họ khai thác con người.
Hai nhà phân tâm học gặp gỡ nhau tại một nhà hàng đông khách và bắt đầu nói chuyện. Một người khoe là mình đang chữa trị một ca phân sinh nhân cách khá thích thú. Người kia chặn họng: "Phân sinh nhân cách có gì mà đặc biệt? Những trường hợp này xảy ra thông thường quá mà!"
"Thích thú ở chỗ là tớ được cả hai người trả tiền!"
Những nhà thần học cũng sống như thế. Thần học là chính trị. Nó chia rẽ con người. Chia để trị là thủ thuật muôn đời.
Thiền không thế, nó nhìn nhân loại không bằng ánh mắt phân chia - nó không chia rẽ. Nó có một cái nhìn toàn diện. Ðó là lý do tại sao tôi hay nói rằng Thiền là tôn giáo của tương lai. Nhân loại ngày càng trưởng thành dần trong tỉnh thức, lúc đó thần học sẽ bị loại trừ và tôn giáo sẽ được chấp nhận một cách thuần khiết như là một thực chứng tâm linh.
Nhật Bản có một từ ngữ đặc biệt để diễn tả điều này. Họ gọi đó là konomama hay sonomama -"Cái Ðây là" của hiện hữu. Một chữ Ðây viết hoa - không là cái gì khác. Chính cái như thị này của đời sống mới là Thượng Ðế, không là cái gì khác. Chính cái như thị trong khoảnh khắc này đây mới thánh hóa, thiêng liêng: cái như thị của một cành cây, cái như thị của một hòn đá, cái như thị của một người nam, cái như thị của một người nữ, cái như thị của một đứa trẻ. Và cái như thị đó không hề được định nghĩa, không thể được định nghĩa. Bạn có thể tan biến vào đó, thể nhập vào đó, nếm được hương vị của nó. "Thật là tuyệt vời! Thật là mầu nhiệm!"
Vâng, bạn không thể định nghĩa được nó, không thể phân tích nó một cách luận lý, không thể đóng khung nó vào một ý niệm dứt khoát, rõ ràng. Nó sẽ bị giết chết bởi ý niệm. Nó sẽ không còn là như thị nữa mà là một sản phẩm cấu trúc của tâm. Cái danh từ "Thượng Ðế" không phải là Thượng Ðế, cái ý niệm về Thượng Ðế không phải là Thượng Ðế. Cũng vậy, ý niệm về "tình yêu" không phải là tình yêu, ý niệm về "thực phẩm" không phải là thực phẩm. Thiền đã nói ra điều này một cách rất đơn giản: Nên nhớ rằng thực đơn không phải là món ăn. Bạn đừng có xơi luôn thực đơn nhé. Nhưng đó là điều mà người ta đã làm hàng bao thế kỷ qua: xơi luôn cả thực đơn!
Thế thì bạn đừng ngạc nhiên khi thấy con người ốm đói, con người không thể thăng hoa, con người không sống động, con người không sống một cách trọn vẹn; dĩ nhiên thôi, ai cũng có thể thấy trước điều này. Họ không hề sống bằng thực phẩm thực. Họ nói quá nhiều về thực phẩm đến độ quên mất thực phẩm là cái gì. Thượng Ðế phải được ăn, Thượng Ðế phải được nếm, Thượng Ðế phải được sống với - không phải là để tranh luận về.
Cái tiến trình "nói về" này chính là thần học. Cái "nói về" này dẫn ta đi lòng vòng, chẳng bao giờ đưa ta đến cái đích thực. Ðây là cái vòng luẩn quẩn. Luận lý chỉ là cái vòng lẩn quẩn. Và Thiền chính là những nỗ lực nhằm đưa ta thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đó.
Tại sao luận lý là cái vòng lẩn quẩn? Bởi vì chính trong tiền đề đã hàm chứa kết luận. Kết luận chẳng có gì là mới mẻ, nó đã được chứa sẵn trong tiền đề. Và rồi trong kết luận, tiền đề được chứa sẵn. Cũng chẳng khác gì một cái hạt: cái cây được chứa sẵn trong cái hạt, rồi cái cây sản sinh ra vô số hạt, rồi trong những hạt này sẽ lại ươm mầm những cái cây. Cái vòng lẩn quẩn là như thế. Hạt, rồi cây, rồi hạt. Tiếp tục như thế mãi. Cũng giống như trứng, rồi gà, rồi trứng, rồi gà, rồi trứng... tiếp tục không ngừng. Một cái vòng bất tận.
Thiền là tất cả những gì nhằm bẻ gãy cái vòng lẩn quẩn này - tâm của bạn sẽ không còn tiếp tục lang thang qua những ngôn từ và ý niệm mà trực nhập ngay vào hiện hữu của tự thân.
Nanin, một vị đại thiền sư đang đốn củi ở trong rừng. Một vị giáo sư đại học tìm đến thăm. Nghĩ rằng gã tiều phu này chắc biết Nanin đang sống ở đâu trong vùng núi non này, ông ta liền hỏi thăm. Gã tiều phu nâng cái búa lên và nói: "Ta phải trả giá cái này đắt lắm đấy."
Dĩ nhiên vị giáo sư đâu có hỏi về cái búa. Ông muốn tìm hỏi xem Nanin đang ở đâu; ông muốn biết Nanin có đang ở trong chùa hay không để ông đến gặp. Gã tiều phu lại nâng cái búa lên và nói: "Nhìn đây này. Ta phải trả giá cái búa này đắt lắm đấy." Vị giáo sư hơi hoang mang và trước khi kịp tháo lui thì người tiều phu đã tiến sát đến gần hơn, đưa lưỡi búa hạ xuống ngay sát trên đỉnh đầu ông. Vị giáo sư hoảng hồn đứng run lên thì người tiều phu nói tiếp: "Cái búa này bén lắm đó." Ðến đây thì vị giáo sư bỏ chạy.
Sau đó, khi tìm được đến chùa, ông mới biết được rằng gã tiều phu kia không ai khác hơn là Nanin. Ông mới hỏi, "Bộ ông ấy điên hả?"
"Không," người đệ tử trả lời. "Khi ngài hỏi rằng Nanin có ở trong đó không thì ông ta trả lời rằng có bằng cách chỉ cho ngài thấy cái "ở trong" và cái "như thị" của ông ấy. Trong khoảnh khắc đó, Nanin là gã tiều phu; trong khoảnh khắc đó, cái búa ở trong tay ông ta, ông ta hoàn toàn thể nhập vào sự sắc bén của cái búa. Ông ta đã trả lời 'Tôi đang ở trong' bằng cái hiện sinh lập tức và toàn vẹn của mình ngay chính trong khoảnh khắc hiện tại đó. Ngài đã không lãnh hội được ý nghĩa này. Ông ta đã chỉ cho ngài thấy cái phẩm chất của Thiền."
Thiền là vô niệm và vô trí - không hề là sản phẩm của ý niệm, và trí tuệ. Ðây là tôn giáo duy nhất trên thế giới rao giảng về trực nhận tức thời; trực nhận tức thời trong từng khoảnh khắc, trực nhận tức thời trong từng sát na; hiện hữu ngay trong chính hiện tại, không quá khứ, không tương lai.
Thế nhưng con người bị bao quanh bởi thần học. Những lý thuyết thần học này giữ họ mãi trong tình trạng ấu trỉ, không cho phép họ trưởng thành. Bạn không thể nào trưởng thành được khi bị giam hảm ở trong hàng rào thần học, khoác lên người chiếc áo Ky-tô, hay Ấn Ðộ giáo, hay Hồi giáo, và ngay cả Phật gia1o. Bạn không thể trưởng thành. Bạn không đủ chỗ để lớn dậy. Bạn bị giam hảm quá kỹ, trong một không gian nhỏ hẹp; bạn đang bị cầm tù.
Một vị mục sư trẻ thụt két một trăm ngàn đô-la của qũy nhà thờ và đem nướng hết vào thị trường chứng khoán. Rồi bà vợ trẻ đẹp của ông ta cũng chán ngán bỏ đi. Quá đổi tuyệt vọng, ông ta tìm đến một dòng sông và sắp sửa buông mình ra khỏi chiếc cầu để tự tử thì bị chặn lại bởi một người đàn bà trong chiếc áo khoác dài đen, khuôn mặt nhăn nheo, mái tóc quăn queo màu muối tiêu.
"Ðừng nhảy", người đàn bà với giọng the thé, "Ta là mụ phù thủy đây, và ta sẽ ban cho ngươi ba điều ước nếu ngươi làm cho ta một việc!"
"Không ai có thể giúp tôi được nữa," ông ta trả lời.
"Này, đừng có ngớ ngẩn như thế," bà ta đọc thần chú, "Alakazam! Tiền bị mất sẽ trở lại hộp an toàn của nhà thờ! Alakazam! Vợ ngươi hiện đang ở nhà chờ ngươi với tình yêu say đắm nhất. Alakazam! hai trăm ngàn đô la hiện ở trong nhà băng của ngươi!"
"Thật là tuyệt... tuyệt... tuyệt vời," vị mục sư lắp bắp, "bây giờ thì tôi phải làm điều gì cho bà đây?"
"Ngủ và làm tình với ta trong đêm nay."
Cái ý tưởng phải ăn nằm với một mụ già không răng xấu như ma đã bị đẩy lùi vì quả tình nó rất đáng giá, thế rồi họ ngủ lại qua đêm với nhau tại một khách sạn cạnh đó. Buổi sáng, sau khi màn trao đổi ghê tởm kết thúc, vị mục sư đang sửa soạn bận áo quần để về nhà thì có tiếng nói vọng lên từ trên giường: "Này con trai cưng, bao nhiêu tuổi rồi vậy?"
"Bốn mươi hai! Có chuyện gì không?"
"Có phải ngươi chưa đủ già để tin rằng chuyện phù thủy là có thực?"
Ðó là những gì đang xảy ra. Nếu bạn tin tưởng vào Thượng Ðế, bạn cũng có thể tin tưởng vào chuyện phù thủy, cũng cùng một loại thôi. Nếu bạn tin tưởng vào một chuyện nhảm nhí vô nghĩa, bạn có thể tin tưởng vào tất cả những chuyện nhảm nhí vô nghĩa khác. Thế là bạn không bao giờ trưởng thành. Bạn vẫn luôn là trẻ con dễ bị dối gạt.
Thiền có nghĩa là chín chắn. Thiền có nghĩa là loại bỏ tất cả những mụ phù thủy hoang đường để nhìn thẳng vào vấn đề. Ðừng mang những giấc mộng của bạn vào thực tại. Hãy chùi sạch đôi mắt mơ ngủ của mình để nhìn rõ thực tại. Cái như thị đó được gọi là konomama hay sonomama. Kono hay sonomama có nghĩa là cái như thị của một sự vật - cái thực tướng trong cái như thị của nó. Tất cả mọi ý thức hệ đều ngăn chặn tầm nhìn của bạn. Những ý thức hệ là những chiếc khăn bịt mắt cản trở thị kiến của bạn. Một người Ky tô hữu không thể thấy được cái gì cả, người Ấn Ðộ giáo cũng thế, kể cả người Hồi giáo. Bởi vì bạn bị chiếm ngự bởi những ý tưởng của riêng mình nên bạn chỉ trông thấy những gì muốn trông thấy, cái thực tại không hề xuất hiện, bạn đang phóng chiếu, bạn đang diễn dịch, bạn đang tạo ra một thực tại riêng tư của chính bạn vốn không hề hiện hữu ở đó. Ðiều này tạo ra một sự phá sản tâm linh. Trong số một trăm người được gọi là ông thánh của bạn, có đến chín mươi chín người là kẻ mất trí.
Thiền mang lại sự lành mạnh tinh thần cho thế giới, một sự lành mạnh hoàn toàn. Nó giải trừ tất cả mọi giáo điều, ý hệ, khi nói: "Hãy trở nên trống rỗng. Hãy nhìn bằng đôi mắt vô niệm. Nhìn thẳng vào bản tánh của vạn pháp, mà không khởi lên một ý niệm, không thiên kiến, không giả định." Không nên để bị nhồi nhét trước, đó là một trong những điều cơ bản nhất. Thế nên thần học phải bị loại trừ, nếu không bạn sẽ vẫn mãi bị nhồi nhét bởi những thiên kiến.
Bạn đã thấy được trọng tâm của vấn đề chưa? Khi bạn đã mang sẵn một ý tưởng ở trong đầu, thường một điều chắc chắn là bạn sẽ tìm thấy nó ở trong thực tế -bởi vì tâm rất là sáng tạo. Dĩ nhiên cái sáng tạo này chỉ thuần là tưởng tượng. Nếu bạn đang tìm kiếm Christ, có thể bạn sẽ thấy những ảo ảnh về Jesus Christ, và tất cả đều là hư huyễn. Nếu bạn đang tìm kiếm Krisna, bạn có thể bắt đầu thấy Krisna, và tất cả cũng chỉ là hư huyễn.
Thiền rất mực thực tế. Nó cho rằng những gì là ảo tưởng cần phải được loại trừ. Ảo tưởng đến từ quá khứ. Từ thuở ấu thơ bạn đã bị điều kiện hoá bởi một số ý tưởng. Từ thuở ấu thơ bạn đã được đưa đến nhà thờ, đưa đến chùa, đưa đến thánh đường Hồi giáo; bạn đã được dẫn đến các nhà học giả, các nhà thông thái, các nhà tu sĩ; bạn đã bị buộc phải lắng nghe những bài thuyết pháp -đủ mọi thứ chuyện được nhét vào tâm trí của bạn. Với gánh nặng chồng chất như thế, bạn chớ vội đi tìm chân lý -vì nếu không, bạn sẽ không bao giờ biết rõ được chân lý là cái gì.
Phải cởi bỏ cái gánh nặng đó. Cởi bỏ cái gánh nặng đó tức là Thiền.
Một vị mục sư đang rao giảng Phúc Âm trong một bệnh viện tâm thần cho những người mất trí. Bài giảng của ông ta nửa chừng đột nhiên bị cắt đứt bởi tiếng ré lớn: "Này, nghe tôi nói đây này, chúng ta có nên lắng nghe những chuyện vớ vẩn này không?"
Vị mục sư hơi ngạc nhiên và bối rối hỏi người canh giữ: "Tôi có nên ngưng nói không?"
Người gác trả lời: "Không, không, hãy cứ tiếp tục. Chuyện này tôi bảo đảm là sẽ không xảy ra nữa đâu, ít nhất là bảy năm nữa. Cái tên điên này cứ bảy năm mới được tỉnh táo một lần đó mà."
Quả thật là rất khó khăn để tỉnh táo trong một thế giới đang điên loạn.
Thiền dễ nhưng mà khó. Thiền như ta được biết là những gì đơn giản -rất mực đơn giản, đơn giản nhất, bởi vì đây là sự tự phát- nhưng lại rất khó khăn, bởi vì tâm của ta đã bị điều kiện hóa, bởi vì cái thế giới khùng điên mà chúng ta đang sống, chúng ta được nuôi dưỡng lớn khôn, nó làm cho chúng ta hư hỏng.
Trích quyển 'Thiền - Con đường nghịch lý'

0 Đánh giá

Ads Belove Post