SỐNG THIỀN - Tự do nghĩa là Con người chịu trách nhiệm với chính mình

SỐNG THIỀN - Tự do nghĩa là Con người chịu trách nhiệm với chính mình

Price:

Read more


Thiền không phải là thần học. Thiền là một tôn giáo - và một tôn giáo không thần học là một hiện tượng độc nhất vô nhị. Tất cả những tôn giáo khác đều hiện hữu chung quanh ý niệm về Thượng Ðế. Họ có những hệ thống thần học. Thượng Ðế là trung tâm, không phải là con người; con người không phải là cứu cánh, Thượng Ðế mới là cứu cánh. Thiền thì không như thế. Với Thiền, con người là mục tiêu, con người là cứu cánh cho chính mình. Thượng Ðế không bao giờ là một cái gì đó vượt lên trên con người, Thượng Ðế là cái gì đó ẩn tàng ở chính trong con người. Con người mang theo Thượng Ðế với mình như là một năng lực tiềm ẩn.
Thế nên không hề có ý niệm Thượng Ðế trong Thiền. Và nếu bạn muốn, bạn cũng có thể nói rằng ngay cả nó cũng không phải là một tôn giáo - bởi vì làm thế nào lại có một tôn giáo mà không mang ý niệm về Thượng Ðế? Chắc chắn là những người được nuôi dưỡng trong bầu khí Ki-tô, Hồi giáo, Ấn Ðộ giáo, hay Do Thái giáo sẽ không quan niệm nổi Thiền thuộc loại tôn giáo nào. Nếu không Thượng Ðế thì phải là phiếm thần. Nhưng không phải như thế. Thiền hữu thần ngay tự bản chất - nhưng không có mặt Thượng Ðế.
Ðây là điểm cơ bản đầu tiên cần phải được thông suốt. Hãy để cho ý niệm này thấm sâu vào lòng bạn, và rồi mọi việc sẽ sáng tỏ. Thiền cho rằng Thượng Ðế không hiện hữu ở ngoài tôn giáo mà là ở trong. Nó không ở một nơi nào đó mà ngay tại đây. Thật ra, đối với Thiền, không hề có ý niệm "ở đó", tất cả đều hiện hữu ngay tại đây. Và Thượng Ðế cũng không bao giờ hiện hữu ở lúc đó mà là bây giờ -Thượng Ðế hiện hữu ngay lúc này, không phải ở một thời điểm nào khác. NGAY BÂY GIỜ và TẠI ÐÂY. Không có một không gian hay thời gian nào khác. Khoảnh khắc này là tất cả. Trong khoảnh khắc này tất cả hiện hữu đều tụ hội. Trong khoảnh khắc này tất cả đều có mặt. Nếu bạn không thấy được điều này không có nghĩa là chúng không có mặt -mà đơn giản là vì bạn không có thị kiến để nhìn thấy nó. Thượng Ðế không phải là cái gì đó để bạn tìm kiếm. Bạn chỉ cần mở rộng đôi mắt của mình ra. Thượng Ðế đã luôn sẵn ở đó.
Cầu nguyện cũng chẳng dính dấp gì đến Thiền - bạn cầu nguyện với ai? Không hề có một ông Thượng Ðế ngự sẵn ở một nơi nào đó ở trên Thiên Ðường và điều khiển cuộc sống con người. Không hề có một ông kiểm soát viên như thế. Dòng sống chuyển động một cách nhịp nhàng và hài hòa với chính nó. Không hề có ai đó ở bên ngoài để ra lệnh, chỉ huy. Khi có một thứ quyền lực ở bên ngoài như thế, lập tức nó tạo ra tình trạng nô lệ... những người Cơ Ðốc là những kẻ nô lệ. Những người Hồi giáo cũng thế. Khi có một vị Thượng Ðế đứng ở đâu đó chỉ huy, dứt khoát là bạn trở thành kẻ tôi tớ, hay tệ hại hơn, một tên nô lệ. Bạn mất hết tất cả phẩm cách.
Thiền không như thế. Thiền cho bạn phẩm cách con người. Không hề có một quyền lực nào ở bất cứ nơi đâu. Tự Do là hoàn toàn và tuyệt đối.
Nếu Frederick Nietzsche có đôi chút hiểu biết về Thiền có lẽ ông ta đã trở thành trầm mặc thay vì nổi điên. Ông ta đã rơi tỏm vào một sự thực vĩ đại: "Không hề có Thượng Ðế. Thượng Ðế đã chết. Con người được hoàn toàn tự do." Ông đã rơi tỏm vào chân giá trị của tự do, nhưng điều này quả là quá mức đối với ông. Tâm của ông không chuyên chở nổi vì quá tải. Nó làm ông phát khùng, nổi điên.
Con người có thể có niềm tin tôn giáo mà không cần đến Thượng Ðế. Thực ra, vấn đề là làm sao con người tín ngưỡng được với một vị Thượng Ðế? Ðây là vấn nạn mà Thiền nêu ra, một vấn nạn khá nhức nhối. Làm sao con người có thể có niềm tin tôn giáo nếu có bóng dáng của Thượng Ðế? - Bởi vì Thượng Ðế sẽ hủy diệt tự do của bạn, Thượng Ðế sẽ thống trị bạn. Không tin ư? Hãy nhìn vào Cựu Ước và nghe Thượng Ðế phán: "Ta là một Thượng Ðế rất ganh tỵ và ta không thể khoan dung với bất cứ một Thượng Ðế nào khác. Những ai không theo ta là kẻ thù ta. Ta cũng là một Thượng Ðế rất bạo động và hung dữ và ta sẽ trừng phạt ngươi, sẽ quẳng ngươi vào hỏa ngục đời đời." Làm sao con người có thể có được niềm tin tôn giáo với một vị Thượng Ðế như thế? Làm sao bạn có tự do và làm sao bạn có thể thăng hoa nhân cách? Không có tự do, dứt khoát không có nở hoa trí tuệ. Làm sao bạn có thể trở thành một con người thực với nhân cách toàn vẹn khi có một ông Thượng Ðế luôn ở bên cạnh giam hảm bạn, lên án bạn, buộc bạn phải làm điều này, điều kia và điều khiển bạn?
Thiền cho rằng với sự hiện hữu của Thượng Ðế, con người sẽ mãi mãi ở trong tình trạng nô lệ; với Thượng Ðế, con người mãi mãi chỉ là những kẻ chuyên môn qùy lạy; với Thượng Ðế con người luôn sống trong tình trạng sợ hãi. Làm sao đời sống của bạn sẽ nở hoa trong tình trạng sợ hãi? Bạn sẽ co rúm lại, bạn sẽ khô héo đi, và bạn sẽ chết dần chết mòn. Thiền cho rằng khi Thượng Ðế không còn có mặt, Tự Do sẽ chan hòa, sẽ không có một quyền lực hiện hữu. Từ đây sẽ lớn dậy trách nhiệm. Hãy nhìn kỹ đi... Nếu bạn bị kẻ khác thống trị, bạn sẽ không bao giờ có ý niệm trách nhiệm. Quyền lực thống trị tạo ra tinh thần vô trách nhiệm; quyền lực thống trị tạo ra chống đối, phản kháng, nổi loạn ở trong bạn -bạn muốn thủ tiêu Thượng Ðế. Ðó là ý nghĩa câu nói của Nietzsche, Thượng Ðế đã chết -không phải Thượng Ðế tự sát, mà là bị giết chết.
Thượng Ðế phải bị giết chết. Bởi vì với sự hiện hữu của Thượng Ðế, con người không hề được tự do - y phải bị loại trừ. Nhưng rồi sau đó thì Nietzsche kinh hoàng. Sống không Thượng Ðế con người phải rất can đảm; sống không Thượng Ðế đòi hỏi sự quán tưởng sâu xa; sống không Thượng Ðế con người cần tỉnh thức cao độ - tất cả những điều này đã chưa hề được chuẩn bị. Ðó là lý do tại sao tôi nói rằng Nietzsche bị rơi tỏm vào sự thực, ông ta không hề khám phá ra chân lý.
Ðối với Thiền, đây là sự khám phá. Ðây là một chân lý đã được thiết định: Thượng Ðế không hề hiện hữu. Con người chịu trách nhiệm với chính mình và với thế giới mà y đang sống.
Nếu có khổ đau, bạn là người gánh chịu trách nhiệm, đừng có đổ lỗi cho ai khác. Bạn không thể chạy trốn trách nhiệm của mình. Nếu thế giới này xấu xa và đầy thống khổ, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm - mà không là ai khác. Nếu chúng ta không trưởng thành, chúng ta không thể quẳng gánh nặng trách nhiệm lên vai kẻ khác. Chúng ta phải nhận lấy trách nhiệm.
Khi Thượng Ðế không còn hiện hữu, bạn được trả về nguyên vị. Bạn đã trưởng thành. Bạn buộc phải trưởng thành. Bạn phải gánh lấy trách nhiệm cuộc đời mình; bạn phải nắm lấy nó trong đôi tay mình. Bây giờ thì bạn đã trở thành chủ nhân ông của chính mình. Bạn trở nên cảnh giác hơn, tỉnh táo hơn, vì bất cứ điều gì xảy ra bạn sẽ là người hoàn toàn nhận chịu trách nhiệm. Bạn đã đón nhận một trọng trách. Khi một người bắt đầu cảnh giác hơn, tỉnh táo hơn, họ bắt đầu có một cuộc sống hoàn toàn khác biệt. Họ sống tỉnh thức. Họ trở thành chứng nhân.
Và khi không còn gì ở ngoài tầm... Cái gì ở ngoài tầm cũng đang hiện hữu ở trong bạn, không có gì là xa xôi ở phía bên kia. Ðối với niềm tin Cơ Ðốc, cái ở phía bên kia đó luôn ở ngoài tầm; đối với Thiền nó ở bên trong. Thế nên bạn đâu có cần phải hướng đôi mắt của mình lên bầu trời để cầu khấn - một việc làm nhảm nhí, vô nghĩa; bạn đang cầu khấn với một khoảng không. Trong tâm tưởng, bầu trời kia còn thấp hơn là chính bạn.
Có một số người đứng khấn vái trước một cái cây. Không ít người Ấn Ðộ giáo khấn cầu với một cái cây, có rất nhiều những người Ấn Ðộ giáo khác tìm đến sông Hằng và khấn cầu với một giòng sông, có nhiều người lại cầu khấn với một tảng đá, có người cầu khấn với bầu trời, thậm chí với một ý niệm, một tư tưởng. Kẻ bề trên lại đi cầu khấn với kẻ dưới. Thật là một việc làm nhảm nhí vô nghĩa.
Thiền nói rằng: Chỉ có một con đường duy nhất là thiền quán. Bạn không còn phải qùy trước bất cứ ai. Hãy liệng bỏ thói quen nô lệ cũ. Bạn chỉ cần một chút lặng lẽ, yên tĩnh và quán chiếu nội tâm để tìm ra cái cốt lõi. Ðây cũng chính là cái cốt lõi của hiện hữu. Khi bạn đạt đến điểm rốt ráo tận cùng này ở trong bạn, thì đây cũng chính là cái rốt ráo tận cùng của hiện hữu. Ðó là Thượng Ðế ở trong Thiền. Nhưng người ta không gọi đó là Thượng Ðế. Quả là một điều may.
Như vậy, điều cần phải ghi nhớ đầu tiên, rằng Thiền không phải là thần học, nó là một tôn giáo - một tôn giáo hoàn toàn khác biệt với những tôn giáo khác. Hãy lấy một thí dụ. Nó không giống với Hồi giáo. Hồi giáo cần ba điều cơ bản: một Thượng Ðế, một cuốn thánh kinh và một nhà tiên tri. Thiền không cần Thượng Ðế, không cần thánh kinh, không cần nhà tiên tri. Hiện hữu toàn vẹn chính là lời tiên tri của Thượng Ðế. Hiện hữu toàn vẹn chính là thông điệp của Thượng Ðế.
Nên nhớ rằng Thượng Ðế không hề cách ly với chính thông điệp của mình. Thông điệp tự thân đã thiêng liêng. Nó không cần đến người trung gian - tất cả những điều nhảm nhí vô nghĩa này không có trong Thiền. Thần học được dựng lên bằng một cuốn sách. Nó cần đến một cuốn sách giả bộ như là thánh kinh, nó cần một cuốn sách tự nhận là rất đặc biệt - không hề giống với bất cứ một cuốn sách nào khác. Vì đây là lời Thượng Ðế, vì đây là Phúc Âm. Nó được mang tên là Bible. Nó được mang tên là Koran...
Thiền thì cho rằng tất cả mọi thứ đều nhiệm mầu, thiêng liêng, tại sao lại có cái này đặc biệt hơn cái khác? Tất cả đều đặc biệt như nhau. Không có gì là không đặc biệt thế nên không có gì cũng là đặc biệt. Mỗi cọng lá trên mỗi cành cây, mỗi viên sỏi trên từng bờ biển đều đặc biệt, nhất thể, thánh hoá. Không phải chỉ có Bible là thiêng liêng, cũng không phải chỉ có kinh Koran là thiêng liêng. Khi một tình nhân viết thư cho người mình yêu dấu, lá thư đó cũng là một thiêng liêng.
Thiền đem thiêng liêng mầu nhiệm đến với cuộc sống đời thường. Bokogu, một vị đại thiền sư, luôn luôn nói: "Thật là tuyệt vời! Thật là mầu nhiệm! Tôi đang khiêng dầu, tôi đang gánh nước." "Thật là tuyệt vời! Thật là mầu nhiệm!" Việc khiêng dầu và gánh nước từ giếng lên được ông tán thán "Thật là mầu nhiệm!" Ðó chính là tinh thần của Thiền. Nó chuyển hoá cái bình thường thành phi thường. Nó chuyển hoá cái ô trọc thành thiêng liêng. Nó xóa nhòa biên giới giữa phàm và thánh. Ðó cũng là lý do tại sao tôi nói rằng Thiền không phải là thần học. Thần học làm nhiễm độc tôn giáo. Trên bình diện tôn giáo, sẽ không có gì khác nhau giữa một người Hồi giáo, Cơ Ðốc hay Ấn Ðộ giáo, nhưng trên bình diện thần học là cả một sự cách biệt lớn lao. Họ được xây dựng trên những nền tảng thần học khác nhau. Và rồi con người đánh nhau cũng chỉ vì thần học.

0 Đánh giá

Ads Belove Post