Thiền Osho Podcast - Cuộc sống dửng dưng với cách sắp xếp của bạn

Thiền Osho Podcast - Cuộc sống dửng dưng với cách sắp xếp của bạn

Price:

Read more



Điều gì xảy ra? Cuộc sống vô tư, cuộc sống không thiên vị. Cuộc sống hoàn toàn dửng dưng với cách sắp xếp của bạn - nó không bận tâm về cách sắp xếp bạn tạo ra. Cuộc sống là món quà. Nếu bạn thay đổi sắp xếp, tổng số không thay đổi.
Người giầu đã tìm được thức ăn ngon hơn, nhưng đói bị mất; người đó không thể thực sự cảm thấy sự mãnh liệt của việc đói. Tỉ lệ này bao giờ cũng như nhau. Người đó đã tìm được cái giường đẹp, nhưng với chiếc giường đó thì mất ngủ lại tới. Người đó đã sắp xếp tốt hơn cho việc ngủ. Người đó đáng phải rơi vào giấc ngủ trong sushupti - điều người Hindu gọi là samadhi vô ý thức - nhưng điều đó không xảy ra. Người đó không thể rơi vào giấc ngủ được. Người đó chỉ thay đổi cách sắp xếp.
Người ăn xin ngủ ngay bên ngoài kia trên phố. Giao thông diễn ra bên cạnh mà người ăn xin vẫn ngủ. Người đó không có giường. Chỗ người đó ngủ gồ ghề, thô cứng và không thoải mái, nhưng người đó vẫn ngủ. Người ăn xin không thể kiếm được thức ăn ngon, điều ấy là không thể, bởi vì người đó phải đi ăn xin. Nhưng người đó lại ăn ngon. Kết quả tổng số vẫn là như nhau. Kết quả tổng số vẫn là bẩy.
Người thành công không chỉ thành công, vì với thành công, mọi loại tai hoạ cũng kéo tới. Người thất bại không chỉ thất bại, vì với thất bại, nhiều loại ân huệ tới. Tổng số bao giờ cũng như nhau, nhưng tổng số này phải được thấu hiểu và được nhìn vào, cần phải có cảnh quan rõ ràng. Mắt là cần để nhìn vào tổng số bởi vì tâm trí chỉ có thể nhìn vào phân mảnh. Nếu tâm trí nhìn vào buổi sáng, nó không thể nhìn vào buổi tối; nếu nó nhìn vào buổi tối, buổi sáng bị quên lãng. Tâm trí không thể nhìn vào cả ngày, tâm trí là phân mảnh.
Chỉ tâm thức thiền mới có thể nhìn vào cái toàn thể, từ sinh tới tử - và thế thì tổng số bao giờ cũng là bẩy. Đó là lí do tại sao những người trí huệ không bao giờ cố gắng thay đổi sắp xếp. Đó là lí do tại sao ở phương Đông không cuộc cách mạng nào đã từng xảy ra - bởi vì cách mạng có nghĩa là thay đổi cách sắp xếp.
Nhìn vào điều đã xảy ra ở nước Nga Xô viết. Năm 1917 cuộc cách mạng vĩ đại đã xảy ra trên trái đất. Sắp xếp đã thay đổi. Tôi cho rằng Lenin, Stalin hay Trotsky đã không bao giờ biết tới câu chuyện về ba vào buổi sáng này. Họ chắc có thể học được nhiều từ Trang Tử. Nhưng thế thì sẽ không có cách mạng. Điều gì đã xảy ra? Chủ nghĩa tư bản biến mất, bây giờ không ai là kẻ giầu, không ai là người nghèo. Các giai cấp cũ không còn nữa. Nhưng chỉ cái tên là thay đổi thôi. Các giai cấp mới đi vào hiện hữu. Trước đó, đấy là người giầu và người nghèo, tư bản và vô sản - bây giờ đấy là người quản lí và người bị quản lí. Nhưng sự phân biệt, lỗ hổng, vẫn còn lại như nhau. Chẳng cái gì thay đổi cả. Chỉ có bây giờ bạn gọi tư bản là người quản lí thôi!
Những người đã nghiên cứu về cuộc cách mạng Nga nói rằng đây không phải là cuộc cách mạng xã hội, nó là cuộc cách mạng quản lí. Cùng lỗ hổng đó, cùng khoảng cách đó, vẫn còn giữa hai giai cấp, và xã hội phi giai cấp vẫn còn chưa đi vào hiện hữu.
Trang Tử chắc phải cười to. Ông ấy chắc phải kể lại câu chuyện này. Bạn đã làm gì? Người quản lí đã trở nên quyền thế, người bị quản lí vẫn còn không có quyền hành.
Người Hindu nói rằng người nào đó bao giờ cũng sẽ là người quản lí và người nào đó bao giờ cũng sẽ là người bị quản lí. Có sudra và kshatriya; và những điều này không phải chỉ là cái nhãn, đấy là kiểu người. Người Hindu đã phân chia xã hội thành bốn giai cấp và họ nói rằng xã hội không bao giờ có thể là phi giai cấp được. Đấy không phải là vấn đề về sắp xếp xã hội - bốn kiểu người tồn tại. Trừ phi bạn thay đổi kiểu này, còn không chẳng cuộc cách mạng nào có ích mấy cả.
Họ nói có một kiểu là người lao động, sudra, người bao giờ cũng bị quản lí. Nếu không ai quản lí anh ta, anh ta sẽ lúng túng, anh ta sẽ không hạnh phúc. Anh ta cần ai đó ra lệnh cho mình, anh ta cần ai đó để anh ta vâng lời, anh ta cần ai đó người có thể nhận mọi trách nhiệm. Anh ta không sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về phần mình. Đó là một kiểu. Nếu người quản lí ở quanh đó chỉ thế thì kiểu người đó mới làm việc. Nếu người quản lí không có đó, anh ta sẽ đơn giản ngồi không.
Người quản lí có thể là hiện tượng tinh vi, thậm chí vô hình. Chẳng hạn, trong xã hội tư bản, động cơ lợi nhuận điều khiển. Người lao động làm việc không phải bởi vì anh ta yêu thích làm việc, không phải bởi vì công việc là thú vui của anh ta, không phải bởi vì anh ta sáng tạo, mà bởi vì anh ta phải nuôi bản thân mình và gia đình mình. Nếu anh ta không làm việc, ai sẽ nuôi anh ta? Đấy chính là động cơ lợi nhuận, cái đói, thân thể, dạ dầy, cái quản lí.
Trong một nước cộng sản, động cơ này không phải là người quản lí. Tại đó họ phải đặt ra người quản lí hữu hình. Người ta nói rằng ở nước Nga của Stalin có một cảnh sát cho mỗi người dân; nếu không thì khó quản lí được bởi vì động cơ lợi nhuận không còn có nữa. Người ta phải bị bắt buộc, người ta phải bị ra lệnh, người ta phải cãi cọ thường xuyên, chỉ thế người lao động mới làm việc.
Bao giờ cũng có kiểu người là doanh nhân, người thích thú tiền bạc, của cải, tích trữ. Người đó sẽ làm điều ấy - cũng chẳng có gì khác biệt về cách thức người đó làm việc ấy. Nếu tiền có sẵn, người đó sẽ thu thập tiền; nếu tiền không có sẵn, thế thì người đó sẽ thu thập tem chơi. Nhưng người đó sẽ làm điều ấy, người đó sẽ thu thập. Nếu tem chơi không có sẵn, người đó thu thập tín đồ - nhưng anh ta sẽ thu thập. Anh ta phải làm điều gì đó với các con số. Anh ta sẽ có mười nghìn, hai mươi nghìn tín đồ, một triệu tín đồ. Điều đó cũng hệt như việc nói rằng anh ta đã có một triệu ru pi!
Đến với các thánh nhân mà xem - số tín đồ càng lớn, họ càng vĩ đại. Cho nên tín đồ không là gì ngoài số dư ngân hàng. Nếu không ai theo bạn, bạn không là ai cả - thế thì bạn là guru nghèo. Nếu nhiều người theo bạn thế thì bạn là guru giầu. Dù bất kì điều gì xảy ra, doanh nhân cũng vẫn sẽ thu thập. Người đó sẽ đếm. Vật chất là không quan trọng.
Có loại chiến binh luôn đánh nhau - bất kì cớ gì cũng được. Người đó sẽ đánh nhau, đánh nhau có trong máu người đó, trong xương tuỷ người đó. Bởi vì kiểu người này thế giới không thể nào sống trong hoà bình được. Điều đó là không thể được. Cứ mười năm là nhất định có một cuộc chiến tranh lớn. Và nếu bạn muốn tránh các cuộc chiến tranh lớn, thế thì có nhiều cuộc chiến tranh nhỏ đi, nhưng tổng số sẽ vẫn là như nhau. Bởi vì bom nguyên tử và khinh khí nên bây giờ chiến tranh lớn đã trở thành gần như không thể được. Đó là lí do tại sao có nhiều cuộc chiến tranh nhỏ đến thế trên khắp thế giới: ở Việt Nam, ở Kashmir, ở Bangladesh, ở Israel, nhiều cuộc chiến tranh nhỏ, nhưng tổng số sẽ là như nhau. Trong năm nghìn năm con người đã đánh nhau mười lăm nghìn cuộc chiến tranh, cứ ba cuộc chiến tranh trong một năm.
Một kiểu người tồn tại, người phải đánh nhau. Bạn có thể thay đổi kiểu này, nhưng việc thay đổi sẽ chỉ là bề mặt. Nếu chiến binh này không được phép đánh nhau trong chiến tranh, người đó sẽ đánh nhau theo cách khác. Người đó sẽ tranh đấu trong bầu cử, hay người đó có thể trở thành nhà thể thao - người đó có thể tranh đấu trong môn cricket hay bóng đá. Nhưng người đó sẽ tranh đấu, người đó sẽ đua tranh, người đó cần ai đó để thách thức. Đâu đó chỗ này chỗ khác việc tranh đấu phải được thực hiện để thoả mãn người đó. Đó là lí do tại sao, khi nền văn minh phát triển, mọi người phải được cung cấp với ngày càng nhiều trò chơi hơn. Nếu trò chơi không được trao cho kiểu chiến binh, người đó sẽ làm gì?
Đi và theo dõi khi trận đấu cricket, bóng đá hay khúc côn cầu đang diễn ra - mọi người phát điên, dường như cái gì đó rất nghiêm chỉnh đang diễn ra, dường như một cuộc chiến thực đang xảy ra! Người chơi nghiêm chỉnh, người cổ động quanh họ phát điên. Đánh nhau bùng ra, bạo loạn xảy ra. Trường chơi bao giờ cũng nguy hiểm, bởi vì kiểu người tụ tập ở đó là kiểu chiến binh. Bất kì lúc nào mọi thứ cũng đều có thể đi sai.
Có kiểu người là học giả brahmin, người bao giờ cũng sống trong lời nói, trong kinh sách. Tại phương Tây không có kiểu người như brahmin; cái tên không quan trọng, nhưng người brahmin tồn tại ở mọi nơi. Các khoa học gia của bạn, các giáo sư của bạn, các đại học chật cứng họ. Họ liên tục làm việc với lời, kí hiệu, tạo ra các lí thuyết, bảo vệ, biện luận. Họ thường làm điều đó đôi khi nhân danh khoa học, đôi khi nhân danh tôn giáo, đôi khi nhân danh văn học. Cái tên thay đổi, nhưng người brahmin cứ tiếp diễn.
Có bốn kiểu người này. Bạn không thể tạo ra xã hội phi giai cấp được. Bốn kiểu người này sẽ còn mãi và việc sắp xếp toàn bộ sẽ là như nhau. Các phân mảnh có thể thay đổi. Vào buổi sáng bạn có thể làm việc này, vào buổi tối cái gì đó khác, nhưng cả ngày sẽ vẫn còn như nhau.
Tôi đã nghe về một nhà khoa học trẻ có người bố chống đối lại việc nghiên cứu khoa học của anh ta. Người bố bao giờ cũng nghĩ điều đó là vô dụng. Ông ấy bảo với con mình, “Đừng phí thời gian của mình. Tốt hơn cả là con trở thành bác sĩ, điều đó sẽ thực tế hơn và có ích cho mọi người. Chỉ lí thuyết, lí thuyết trừu tượng về vật lí chẳng ích gì cả.” Cuối cùng ông ấy cũng thuyết phục được con mình và anh ta trở thành bác sĩ.
Người đầu tiên tới anh ta là người đã phải chịu đựng chứng mất ngủ trầm trọng. Bác sĩ tra sách - bởi vì anh ta là nhà tư tưởng trừu tượng, một brahmin. Anh ta cố gắng và cố gắng mãi. Người bệnh trở nên mất kiên nhẫn, ông ta nói, “Tôi còn phải đợi bao lâu đây?”
Nhà khoa học bây giờ là bác sĩ nói, “Tôi nghĩ rằng chẳng còn hi vọng gì. Ông sẽ chết thôi. Không có cách trị liệu cho chứng bệnh này, nó đã vượt ra ngoài việc chữa chạy.” Bệnh nhân là thợ may, ông ta đi về nhà.
Hai tuần sau vị bác sĩ đi qua và anh ta thấy ông thợ may vẫn đang làm việc, mạnh khoẻ và tràn đầy năng lượng. Thế là anh ta nói, “Sao vậy, ông vẫn còn sống à? Ông đáng phải chết đã lâu rồi. Tôi đã tra cứu sách vở và điều này không thể được. Ông xoay xở thế nào sống được?”
Ông thợ may nói, “Anh bảo tôi rằng trong vòng hai tuần tôi sẽ phải chết, cho nên tôi nghĩ: Thế thì sao lại không sống? Chỉ còn mỗi hai tuần… Và bánh kếp khoai tây là món tôi ưa chuộng, cho nên tôi vứt béng việc khám bệnh của anh, đi thẳng tới hiệu cà phê, ăn một lúc ba mươi hai cái bánh kếp khoai tây và lập tức tôi cảm thấy năng lượng dâng lên. Và bây giờ tôi hoàn toàn mạnh khoẻ!”
Ngay lúc đó bác sĩ ghi vào sổ tay rằng ba mươi hai cái bánh kếp khoai tây là cách chữa chắc chắn cho những trường hợp mất ngủ trầm trọng.
Bệnh nhân tiếp sau ngẫu nhiên cũng bị mất ngủ. Ông ta là thợ làm giầy. Bác sĩ nói, “Đừng lo. Bây giờ cách chữa đã được phát hiện ra. Lập tức đi ra và ăn ba mươi hai bánh kếp khoai tây, không ít hơn ba mươi hai chiếc, và ông sẽ khoẻ mạnh; bằng không thì ông sẽ chết trong một tuần.”
Sau hai tuần, vị bác sĩ gõ cửa nhà người thợ giầy. Nó khoá kín. Hàng xóm nói, “Ông ấy chết rồi. Bánh kếp khoai tây của ông đã giết chết ông ấy.” Lập tức anh ta lại ghi vào sổ tay: Ba mươi hai cái bánh kếp khoai tây có ích cho thợ may, giết chết thợ giầy.”
Đây là tâm trí trừu tượng. Anh ta không thể thực tế được, người brahmin.
Bạn có thể thay đổi bề mặt, bạn có thể tô vẽ khuôn mặt, nhưng kiểu người bên trong vẫn còn như cũ. Do đó phương Đông đã không làm rắc rối mình bằng cách mạng. Phương Đông chờ đợi; và những người ở phương Đông mà trí huệ, họ nhìn vào phương Tây, và họ biết rằng bạn đang chơi với đồ chơi. Tất cả các cuộc cách mạng của bạn đều là đồ chơi. Chẳng chóng thì chầy bạn sẽ đi tới hiểu ra cái luật ba vào buổi sáng này.
Ba vào buổi sáng này là gì? Một đệ tử phải đã hỏi Trang Tử, bởi vì bất kì khi nào ai đó muốn đề cập tới cách mạng hay thay đổi, Trang Tử sẽ cười to và nói, “Luật ba vào buổi sáng.” Cho nên một đệ tử phải đã hỏi, “Ba vào buổi sáng này thầy hay nói tới là gì vậy?”

0 Đánh giá

Ads Belove Post