Read more
Trang Tử nói:
Ba vào buổi sáng thì sao? Đây là chuyện về
người dạy khỉ, người đó tới lũ khỉ và bảo chúng:
“Chúng mày sẽ ăn ba gói vào buổi sáng, và bốn
gói vào buổi tối.”
Nghe thấy điều này cả lũ khỉ bực tức.
Bởi vì trong quá khứ chúng vẫn
được bốn gói vào buổi sáng và ba gói vào buổi tối. Hiển nhiên chúng giận dữ!
“Ông ngụ ý gì? Chúng tôi bao giờ cũng quen được bốn gói hạt dẻ vào buổi sáng,
thế mà bây giờ ông nói có ba thôi. Chúng tôi không thể dung thứ điều này.”
Thế là người dạy khỉ lại nói:
“Thôi được thế thì ta sẽ đổi lại, Ăn bốn
vào buổi sáng và ba vào buổi chiều.”
Lũ khỉ hoan hỉ với cách sắp xếp này.
Tổng số vẫn như nhau… nhưng lũ
khỉ không thể nhìn vào tổng số. Đấy là buổi sáng, cho nên chúng chỉ có thể thấy
buổi sáng. Mọi sáng đã thành thường lệ là được ăn bốn và chúng trông đợi bốn
gói, bây giờ người này lại nói, “Ba gói vào buổi sáng.” Ông ta cắt bớt đi một
gói. Điều đó không thể dung thứ được. Chúng trở nên giận dữ, chúng nổi loạn.
Nhưng người dạy khỉ này phải là
người trí huệ. Nếu bạn không trí huệ, khó trở thành người dạy khỉ được. Tôi biết
điều đó từ kinh nghiệm riêng của mình. Tôi là người dạy khỉ.
Người dạy khỉ nói, “Thôi dược,
thế thì đừng có bị kích động. Ta sẽ theo mẫu hình cũ. Chúng mày sẽ được bốn gói
vào buổi sáng và ba gói vào buổi tối.” Lũ khỉ rất hoan hỉ. Lũ khỉ đáng thương!
- chúng có thể hạnh phúc hay bất hạnh chẳng có lí do gì hết cả. Nhưng con người
này có tầm nhìn viễn cảnh lớn hơn. Người đó có thể thấy, người đó có thể cộng bốn
với ba. Kết quả vẫn thế - bẩy gói được dự định cho chúng nó. Cách chúng ăn nó
và theo cách sắp xếp nào thì không thành vấn đề. Hai cách sắp xếp là như nhau,
số lượng hạt dẻ không đổi, nhưng trong một trường hợp lũ khỉ phật ý còn trong
trường hợp kia thì chúng lại thoả mãn.
Đây là cách tâm trí bạn làm việc:
bạn chỉ thay đổi cách sắp xếp. Với cách sắp xếp này bạn cảm thấy thoả mãn, với
cách sắp xếp kia bạn cảm thấy không thoả mãn - và tổng số vẫn còn như nhau.
Nhưng bạn chưa bao giờ nhìn vào tổng số cả. Tâm trí không thể thấy tổng số được.
Chỉ thiền mới có thể thấy tổng số. Tâm trí nhìn vào phân mảnh, nó bị cận thị, rất
cận thị. Đó là lí do tại sao bất kì khi nào bạn cảm thấy hoan lạc, bạn lập tức
nhảy vào trong nó, bạn chưa bao giờ nhìn vào buổi tối. Bất kì khi nào có hoan lạc,
đều có đau ẩn trong nó. Điều này đã từng là kinh nghiệm của bạn nhưng bạn vẫn
không trở nên nhận biết về nó. Nỗi đau sẽ tới vào buổi tối nhưng hoan lạc thì ở
đây vào buổi sáng.
Bạn chưa bao giờ nhìn vào trong
cái đang ẩn kín, vào trong cái vô hình, vào trong cái đang ngấm ngầm. Bạn chỉ
nhìn vào bề mặt và bạn phát điên. Bạn làm điều này cả đời mình. Một phân mảnh bắt
giữ bạn. Nhiều người tới tôi và nói, “Ban đầu khi tôi mới cưới người đàn bà
này, mọi sự đều rất đẹp. Nhưng trong vài ngày mọi thứ đều mất cả. Bây giờ sự việc
tất cả đã thành xấu, bây giờ là khổ.”
Một lần có một tai nạn ô tô.
Chiếc xe lật nhào xuống mương bên cạnh đường. Người nằm dưới đất hoàn toàn bị
què, gần như bất tỉnh. Một cảnh sát tới và bắt đầu ghi vào sổ tay của mình. Anh
ta hỏi người này, “Anh có gia đình chưa?”
Người này nói, “Tôi chưa có gia
đình. Đây là cái mớ lộn xộn nhất tôi đã từng lâm vào.”
Người ta nói rằng những người
đã hiểu ra thì sẽ chẳng bao giờ xây dựng gia đình. Nhưng làm sao bạn có thể biết
điều gì xảy ra trong hôn nhân nếu không xây dựng gia đình? Bạn nhìn vào một người,
vào sự phân mảnh, và đôi khi cái phân mảnh đó sẽ có vẻ rất ngu xuẩn khi bạn
nghĩ về nó đến tận cùng.
Mầu của mắt - điều ngu xuẩn làm
sao! Làm sao cuộc đời bạn lại có thể phụ thuộc vào mầu mắt của bạn hay của ai
đó khác? Làm sao cuộc đời bạn lại có thể đẹp chỉ bởi vì mầu mắt? - một sắc tố
nhỏ, chỉ đáng giá ba hay bốn xu. Nhưng bạn làm lãng mạn lên: Ôi, đôi mắt ấy, mầu
mắt ấy. Thế rồi bạn phát điên và bạn nghĩ, “Nếu mình không lấy được người đàn
bà này, cuộc sống mất ý nghĩa, mình phải tự tử.”
Nhưng bạn không thấy điều bạn
đang làm. Người ta không thể sống chỉ bởi mầu mắt mãi mãi được. Trong hai ngày
bạn sẽ trở nên quen với đôi mắt ấy và bạn sẽ quên chúng. Thế rồi còn có toàn bộ
cuộc đời phía trước bạn, cái toàn bộ của nó. Thế rồi khổ bắt đầu. Trước khi tuần
trăng mật kết thúc, khổ bắt đầu; con người toàn bộ chưa bao giờ được tính tới -
tâm trí không thể nào thấy được cái toàn bộ. Nó chỉ nhìn vào bề mặt, vào hình
dáng, khuôn mặt, tóc, mầu mắt, cách thức người đàn bà này bước đi, cách cô ấy
nói, âm thanh của tiếng nói cô ấy. Đấy là những bộ phận, nhưng con người toàn bộ
thì đâu?
Tâm trí không thể thấy được cái
toàn bộ. Tâm trí nhìn vào các phân mảnh, và với phân mảnh, nó bị vướng vào. Một
khi nó bị vướng vào, cái toàn bộ tới - cái toàn bộ không ở xa xôi. Mắt không tồn
tại như một hiện tượng tách biệt, chúng là một phần của con người toàn thể. Nếu
bạn bị vướng vào đôi mắt, bạn bị móc vào toàn bộ con người. Và khi cái toàn thể
nổi lên, mọi thứ trở thành xấu.
Cho nên ai có trách nhiệm? Bạn
phải tính tới cái toàn thể. Nhưng trong buổi sáng tâm trí nhìn vào buổi sáng và
quên mất hoàn toàn buổi tối. Nhớ cho kĩ - vào mọi sáng thì buổi tối bị che khuất.
Buổi sáng thường xuyên chuyển thành buổi tối và chẳng thể làm gì được về điều
đó, bạn không thể dừng được nó.
Trang Tử nói:
Hai cách sắp xếp là như nhau - Số lượng gói
không thay đổi, nhưng một đằng lũ khỉ không hài lòng, và đằng kia lũ khỉ lại
thoả mãn.
Khỉ là tâm trí bạn đấy; chúng
không thể hiểu thấu cái toàn thể. Đây là khổ. Bạn bao giờ cũng bỏ lỡ, bạn bao
giờ cũng bỏ lỡ bởi vì phân mảnh. Nếu bạn có thể thấy cái toàn thể và thế rồi
hành động, cuộc đời bạn sẽ không bao giờ là địa ngục cả. Và thế thì bạn sẽ
không bận tâm về cách sắp xếp hời hợt, về sáng và tối, bởi vì thế thì bạn có thể
đếm - và điều đó bao giờ cũng là bẩy. Dù bạn có được được bốn hay ba vào buổi
sáng thì cũng chẳng khác biệt gì - tổng số vẫn là bẩy.
Tôi đã nghe rằng một cậu nhỏ từ
trường về nhà rất lấy làm phân vân. Mẹ nó hỏi, “Sao con trông phân vân thế?”
Đứa trẻ nói, “Con thấy rối tinh
lên. Con nghĩ cô giáo con đã phát rồ. Hôn qua cô ấy nói rằng bốn cộng với một
là năm còn hôm nay cô ấy bảo con ba cộng với hai là năm. Cô ấy phải phát điên rồi,
bởi vì khi bốn cộng với một đã là năm làm sao ba cộng với hai lại là năm được?”
Đứa trẻ này không thể thấy được
rằng năm có thể được tạo ra từ nhiều cách sắp xếp - không chỉ có một cách sắp xếp
có tổng là năm. Có hàng triệu cách sắp xếp tổng sẽ là năm.
Dù bạn thu xếp cuộc sống mình
như thế nào, người tôn giáo bao giờ cũng nhìn vào cái toàn bộ còn người phàm tục
bao giờ cũng sẽ nhìn vào phân mảnh. Đó là khác biệt. Phàm nhân sẽ nhìn vào bất
kì cái gì ở gần, và không thấy cái ở xa đang ẩn đằng kia. Khoảng cách không thực
là rất xa xôi đâu, nó sẽ trở thành gần, nó sẽ sớm xảy ra. Buổi tối đang tới.
Bạn có thể có cảnh quan trong
đó toàn bộ cuộc sống là thấy được không? Người ta tin, và tôi nghĩ điều đó cũng
đúng, rằng nếu một người chết đuối, bỗng nhiên toàn bộ cuộc đời anh ta, toàn bộ,
được nhớ lại. Bạn đang chết, chết đuối trên dòng sông, không còn lại thời gian
nữa, và bỗng nhiên trong con mắt của tâm trí bạn toàn bộ cuộc đời bạn được lộ
ra từ đầu tới cuối. Cứ dường như là toàn bộ cuốn phim diễn ra trên màn ảnh của
tâm trí. Nhưng điều đó phỏng có ích gì khi bây giờ bạn đang chết?
Người tôn giáo nhìn vào cái
toàn bộ trong mọi khoảnh khắc. Toàn thể cuộc sống có đó, và thế thì người đó
hành động từ cảnh quan của cái toàn thể đó. Người đó sẽ không bao giờ ân hận
như bạn bao giờ cũng ân hận. Điều không tránh khỏi là dù bất kì điều gì bạn
làm, bạn cũng sẽ ân hận về nó.
Một hôm nhà vua tới thăm nhà
thương điên. Viên giám thị nhà thương điên hộ tống nhà vua đi qua từng phòng
giam. Nhà vua rất quan tâm tới hiện tượng điên khùng, ông ấy đã nghiên cứu về
nó. Mọi người phải cũng quan tâm bởi vì đấy là vấn đề của mọi người. Và bạn
không cần tới nhà thương điên: cứ đi bất kì đâu và nghiên cứu khuôn mặt mọi người
mà xem. Bạn đang nghiên cứu trong nhà thương điên đấy!
Một người đang kêu khóc, đập đầu
vào chấn song. Nỗi đau đớn của anh ta thật sâu sắc, đau khổ của anh ta mới thấm
đẫm đến mức nhà vua đã yêu cầu kể lại toàn bộ câu chuyện làm sao người này lại
phát điên. Viên giám thị nói, “Người này yêu một phụ nữ và không thể lấy được
cô ta, cho nên anh ta phát điên.”
Thế rồi họ qua một phòng giam
khác. Trong đó có một người đang khạc nhổ lên bức ảnh một phụ nữ. Nhà vua hỏi,
“Còn câu chuyện về người này thế nào? Anh ta cũng dường như có dính líu tới phụ
nữ.”
Viên giám thị nói, “Cũng cùng
người phụ nữ đó đấy. Người này cũng yêu cô ấy, và anh ta đã lấy cô ấy. Đó là lí
do tại sao anh ta phát điên.”
Nếu bạn có được điều bạn mong
muốn, bạn phát điên; nếu bạn không có được điều bạn mong muốn, bạn phát điên. Tổng
số vẫn còn như nhau. Dù bạn làm bất kì điều gì, bạn sẽ ân hận về nó. Một mảnh
không bao giờ có thể được hoàn thành. Cái toàn thể lớn thế, cái phân mảnh thì
nhỏ đến mức bạn không thể nào đưa cái phân mảnh về cái toàn thể được. Và nếu bạn
phụ thuộc vào cái phân mảnh và quyết định cuộc đời mình tương ứng, bạn bao giờ
cũng lỡ. Toàn bộ cuộc đời bạn sẽ bị phí hoài.
Cho nên chúng ta phải làm gì?
Trang Tử muốn chúng ta làm gì? Ông ấy muốn chúng ta không phải là phân mảnh -
ông ấy muốn chúng ta là toàn bộ. Nhưng nhớ lấy, bạn có thể nhìn vào cái toàn bộ
chỉ khi bạn là toàn bộ, bởi vì chỉ điều tương tự mới có thể biết tới điều tương
tự. Nếu bạn là phân mảnh, bạn không thể biết cái toàn bộ được. Làm sao bạn có
thể biết được cái toàn bộ nếu bạn là phân mảnh? Nếu bạn bị chia rẽ thành các bộ
phận, cái toàn bộ không thể được phản ánh nơi bạn. Khi tôi nói về thiền tôi ngụ
ý một tâm trí không còn bị phân chia nữa, trong đó tất cả các phân mảnh đã biến
mất. Tâm trí là không bị phân chia, là cái toàn thể, cái một.
Tâm trí cái một này nhìn sâu vào
chính chỗ tận cùng. Nó nhìn từ tử đến sinh, nó nhìn từ sinh đến tử. Cả hai cực
đều ở phía trước nó. Và từ cái nhìn này, từ tầm nhìn xuyên thấu này, hành động
được sinh ra. Nếu bạn hỏi tôi tội lỗi là gì, tôi sẽ nói: Hành động từ tâm trí
phân mảnh là tội lỗi. Nếu bạn hỏi tôi đức hạnh là gì, tôi sẽ bảo bạn: Hành động
từ tâm trí toàn bộ là đức hạnh. Đó là lí do tại sao tội nhân bao giờ cũng hối hận.
Nhớ lại cuộc đời mình, quan sát
nó đi. Bất kì điều gì bạn làm, bất kì cái gì bạn chọn, cái này hay cái nọ, mọi
thứ đều đi sai. Dù bạn lấy được người phụ nữ này hay mất cô ấy, trong trường hợp
nào bạn cũng phát điên. Bất kì cái gì bạn chọn, bạn đều chọn khổ. Do đó
Krishnamurti thường xuyên nhấn mạnh vào vô chọn lựa.
Cố hiểu điều này. Bạn đang ở
đây nghe tôi. Đây là một chọn lựa, bởi vì bạn phải bỏ lại việc nào đó còn chưa
được làm, việc nào đó chưa hoàn chỉnh. Bạn phải đi tới văn phòng, tới cửa hàng,
tới gia đình, tới chợ và bạn lại ở đây để nghe tôi. Sáng nay bạn phải quyết định
làm gì. Liệu tới và nghe người này hay đi làm việc của bạn, tới văn phòng, tới
chợ. Thế rồi bạn đã chọn tới đây.
Bạn đã chọn tới đây. Bạn sẽ tiếc
về chọn lựa của mình… bởi vì thậm chí trong khi ở đây, bạn vẫn không thể ở đây
toàn bộ được: một nửa tâm trí lại ở đó, và bạn đơn giản đợi cho tới khi tôi kết
thúc để bạn có thể đi. Nhưng bạn có cho rằng nếu bạn chọn khác đi, đi tới cửa
hàng hay văn phòng, bạn sẽ ở đó toàn bộ hay không? Không, bởi vì đó lại là chọn
lựa. Cho nên bạn sẽ ở đó và tâm trí bạn sẽ ở đây. Và bạn sẽ tiếc: Mình đang bị
lỡ cái gì nhỉ? Ai biết được cái gì đang được làm ở đó, điều gì được nói tới? Ai
biết được liệu chìa khoá bí mật nào đã được truyền trao sáng nay?
Cho nên bất kì cái gì bạn chọn,
dù bạn tới hay bạn quyết định không tới, nếu đấy là chọn lựa thì nó có nghĩa là
một nửa trái tim, dù ít dù nhiều, đã chọn lựa. Đó là một quyết định dân chủ,
nghị viện. Với đa số của tâm trí bạn đã quyết định, nhưng thiểu số vẫn có đó.
Và không thiểu số nào là điều cố định cả, không đa số nào là điều cố định cả.
Không ai biết kích cỡ của nó, đảng viên cứ đổi phe hoài.
Khi bạn tới đây bạn đã quyết định.
Năm mươi mốt phần trăm tâm trí bạn muốn tới và bốn mươi chín phần trăm muốn tới
văn phòng. Nhưng vào lúc bạn tới đây, sắp xếp đã thay đổi. Chính cái quyết định
tới và nghe tạo ra xáo động.
Thiểu số có thể đã trở thành đa
số vào lúc bạn tới đây. Nếu nó chưa thành đa số, trước lúc bạn về nó sẽ thành,
và bạn sẽ nghĩ, “Hai giờ phí hoài sao? Bây giờ, làm sao mình bù lại được? Đáng
ra không tới thì tốt hơn - việc tâm linh có thể hoãn lại, nhưng thế giới này
thì không thể trì hoãn được. Cuộc đời vẫn còn đủ dài, chúng ta có thể thiền về
sau.”
Tại Ấn Độ mọi người nói rằng
thiền chỉ dành cho người già. Một khi họ đã bên bờ vực cái chết thế thì họ có
thể thiền, điều đó không giành cho người trẻ. Thiền là điều cuối cùng trong
danh sách; làm nó khi bạn đã làm mọi thứ khác. Nhưng nhớ lấy, rằng thời gian
chưa bao giờ tới khi bạn đã làm mọi điều, khi bạn quá già không làm được điều
gì khác, khi tất cả năng lượng của bạn đã bị phí hoài, khi đó là thời gian để
thiền.
Khi bạn không có khả năng làm bất
kì cái gì làm sao bạn có thể thiền được? Thiền cần năng lượng, thuần khiết nhất,
sống động nhất - thiền cần năng lượng tuôn trào. Đứa trẻ có thể thiền nhưng làm
sao người già có thể thiền được? Đứa trẻ dễ dàng thiền, người già - không, người
đó đã bị phí hoài. Không có chuyển động năng lượng trong người đó, dòng sông của
người đó không thể tuôn chảy, người đó đông cứng. Nhiều phần của cuộc sống của
người đó đã chết.
Nếu bạn chọn tới đền đài, bạn
đau khổ, bạn nuối tiếc. Nếu bạn tới văn phòng hay chợ, bạn đau khổ và nuối tiếc.
Ngày xưa chuyện xảy ra là một
sư chết. Ông ấy là một sư rất nổi tiếng, cả nước đều biết tiếng. Nhiều người
tôn thờ ông ấy và nghĩ ông ấy đã chứng ngộ. Và trong cùng ngày đó một gái mãi
dâm cũng chết. Cô ấy sống ngay trước ngôi đền của sư. Cô ấy cũng là gái mãi dâm
rất nổi tiếng, nổi tiếng như sư vậy. Họ là hai cực sống cạnh nhau và họ chết
cùng ngày.
Thần chết tới và đem sư lên cõi
trời, các thần chết khác tới và đưa cô gái mãi dâm xuống địa ngục Khi các thần
tới cõi trời thì cửa đóng lại và người gác cổng nói, “Các ông lẫn lộn họ rồi.
Sư này phải xuống địa ngục còn cô mãi dâm kia phải đưa lên cõi trời chứ.”
Các thần nói, “Ông ngụ ý gì vậy?
Người này là nhà khổ hạnh rất nổi tiếng, liên tục thiền và cầu nguyện. Đó là lí
do tại sao chúng tôi chẳng bao giờ hỏi, chúng tôi đơn giản tới và tóm ông ta.
Còn cô gái mãi dâm thì phải ở địa ngục bởi vì nhóm thần kia cũng đem cô ấy ở đấy
đi. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc hỏi, điều đó dường như quá hiển nhiên
rồi.”
Người gác cổng nói, “Các ông lẫn
lộn bởi vì các anh chỉ nhìn vào bề mặt. Sư này thường thiền về ích lợi cho người
khác, nhưng cho bản thân ông ta thì ông ta bao giờ cũng nghĩ, ‘Mình đang lỡ cuộc
đời này rồi. Người phụ nữ kia đẹp sao, lại mãi dâm, đang sẵn đấy. Bất kì lúc
nào mình đi qua phố, cô ta đều có đấy cả. Điều mình đang làm toàn là những thứ
vô nghĩa - cầu nguyện, ngồi theo tư thế phật và chẳng đạt được cái gì cả.’
Nhưng bởi vì danh tiếng, ông ta không dám làm điều đó.”
Nhiều người đức hạnh bởi vì họ
là kẻ hèn nhát như ông ta. Ông ta đức hạnh bởi vì ông ta hèn nhát - ông ta
không thể đi qua phố được. Bao nhiêu người biết ông ta, làm sao ông ấy có thể
sang nhà gái mãi dâm được? Mọi người sẽ nói gì?
Kẻ hèn nhát bao giờ cũng sợ dư
luận của người khác. Cho nên ông ta vẫn còn là người khổ hạnh, nhịn ăn, nhưng
tâm trí ông ta bao giờ cũng tơ tưởng tới gái mãi dâm. Khi có ca hát và nhảy
múa, ông ta sẽ lắng nghe. Ông ta ngồi trước tượng Phật, nhưng Phật không có đó.
Ông ta không tôn kính; anh ta sẽ mơ mình đang lắng nghe âm thanh của lễ hội, và
trong tưởng tưởng của mình anh ta sẽ làm tình với cô gái mãi dâm đó.
Thế còn cô gái mãi dâm thì sao?
Cô ấy bao giờ cũng hối hận, hối hận và hối hận. Cô ấy biết cô ấy đã làm phí
hoài cuộc đời mình, cô ấy đã làm phí hoài cơ hội vàng son. Và để làm gì? Chỉ vì
tiền, bán thân xác và linh hồn. Cô ấy bao giờ cũng quen nhìn về phía ngôi đền,
ghen tị với cuộc sống im lặng ở đó. Hiện tượng thiền gì đã xảy ra ở đó?
Cô ấy mong mỏi Thượng đế cho cô
ấy một cơ hội đi vào trong đền. Nhưng cô ấy nghĩ, “Mình là gái mãi dâm, ô uế,
và mình không nên vào đền.” Cho nên cô ấy bước quanh đền từ bên ngoài, chỉ nhìn
vào nó từ trên phố. Bên trong đẹp làm sao, im lặng làm sao, phúc lành làm sao!
Và khi có kirtan cùng bhajan, ca hát và nhảy múa, cô ấy thường rền rĩ, kêu
khóc, gào thét, tưởng tượng rằng mình đang lỡ.
Cho nên người gác cổng nói,
“Đem cô gái mãi dâm lên cõi trời và đưa sư này xuống địa ngục. Cuộc sống bề
ngoài của họ là khác nhau và cuộc sống bên trong của họ cũng khác nhau, nhưng
giống như mọi người khác, họ cả hai đều nuối tiếc.”
Ở Ấn Độ chúng ta đã phát minh
ra một từ không có trong bất kì ngôn ngữ nào khác trên thế giới. Cõi trời và địa
ngục đều tìm thấy được ở mọi nơi; tất cả các ngôn ngữ ở đâu cũng có từ cõi trời
và địa ngục. Chúng ta có một từ khác: đó là moksha hay niết bàn hay kaivalya -
tự do tuyệt đối, chẳng phải thiên đường lẫn địa ngục.
Nếu cuộc sống bên ngoài của bạn
là địa ngục và bạn ăn năn về nó, bạn sẽ đạt tới cõi trời, giống như cô gái mãi
dâm thường xuyên ham muốn thế giới thiền và cầu nguyện. Còn nếu cuộc sống bên
ngoài của bạn là cõi trời còn cuộc sống bên trong của bạn là địa ngục, giống
như nhà sư ham muốn cô gái mãi dâm này, bạn sẽ xuống địa ngục. Nhưng nếu bạn
không chọn lựa, không nuối tiếc, nếu bạn vô chọn lựa, thế thì bạn sẽ đạt tới
moksha.
Nhận biết vô chọn lựa là
moksha, tự do tuyệt đối. Địa ngục là tù túng, cõi trời cũng tù túng. Cõi trời
có thể là nhà tù đẹp, địa ngục có thể là nhà tù xấu - nhưng cả hai đều là nhà
tù. Chẳng người Ki tô giáo lẫn người Mô ha mét giáo nào có thể theo được điều
này, bởi vì với họ thì cõi trời là tối thượng. Nếu bạn hỏi họ Jesus ở đâu, câu
trả lời của họ là sai. Họ nói: Trên cõi trời cùng với Thượng đế. Điều này là
sai hoàn toàn. Nếu Jesus trên cõi trời thì ông ấy không chứng ngộ. Cõi trời có
thể bằng vàng, nhưng nó vẫn là nhà tù. Nó có thể tốt, nó có thể thoải mái,
nhưng nó vẫn là sự chọn lựa, việc chọn lựa chống lại địa ngục. Đức hạnh đã chọn
chống lại tội lỗi là quyết định của đa số, nhưng thiểu số chỉ ở sau đợi cơ hội
của mình để quyết định.
Jesus trong moksha, đó là điều
tôi nói. Ông ấy không trong cõi trời, ông ấy không trong địa ngục. Ông ấy là tự
do toàn bộ khỏi mọi cầm tù: tốt/xấu, tội lỗi/đức hạnh, đạo đức/ vô đạo đức. Ông
ấy không chọn lựa. Ông ấy sống cuộc sống vô chọn lựa. Và đó là điều tôi thường
xuyên bảo các bạn: sống cuộc sống vô chọn lựa.
0 Đánh giá