Read more
Thiền
Osho Podcastsho
Powered by RedCircle
"Osho yêu quý, người ta gọi ông là “thiên tài lố bịch”. Con đường của ông trên thế giới này ngày càng điên rồ đến nỗi khiến nhiều người – có lẽ là tất cả mọi người – thắc mắc, hoặc bối rối; và thậm chí có khi căm phẫn. Tuy nhiên việc nghị viện châu Âu bỏ phiếu và ra lệnh cấm ông không được đặt chân vào châu Âu vĩnh viễn cũng thật lố bịch và điên rồ. Tôi tự hỏi trong trường hợp này, không biết ai lố bịch hơn ai? Chúng tôi tìm thấy sự thật nào trong sự lố bịch của ông?".
Họ không lố bịch đâu; họ đang
hành động một cách rất logic. Họ có thể thấy được mối nguy hiểm tiềm ẩn mà tôi
có thể đem đến cho thế hệ trẻ, và mối nguy đó có thể phá sập những lợi ích thiết
thân hàng thế kỷ qua của họ.
Họ không lố bịch đâu. Có vẻ như
là họ lố bịch – cả thế giới chống lại một người – nhưng chuyện này lại rất
logic. Họ thấy được những gì tôi nói đều là sự thật và họ không biết làm thế
nào để bảo vệ nền đạo đức của họ, hôn nhân của họ, gia đình của họ, cấu trúc xã
hội của họ. Hẳn nhiên là họ không muốn tôi tiếp xúc với lớp trẻ của họ, bởi lẽ
lớp trẻ bây giờ sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn; và nếu lớp trẻ bùng lên với ngọn lửa
ý tưởng của tôi thì ngày mai thế giới này sẽ hoàn toàn sụp đổ.
Để bảo vệ cái cũ và chống lại
cái mới, họ đã thử hết mọi biện pháp – và như thế cũng logic thôi. Tôi mới
chính là kẻ lố bịch.
Bạn phải hiểu ý nghĩa của sự lố
bịch. Trong cuộc sống, hễ cái gì có ý nghĩa quan trọng thì đều lố bịch. Khi bạn
yêu một người, điều đó là lố bịch chứ không logic. Bạn không thể đưa ra câu trả
lời logic cho câu hỏi tại sao bạn lại yêu người đó. Đó là điều nằm ngoài tầm hiểu
biết của bạn và chính nó đã tìm đến bạn. Bạn không cần làm gì cả. Thậm chí nếu
bạn có muốn ngăn chặn nó cũng không được; trên thực tế bạn không thể làm gì để
cưỡng lại được nó.
Niềm vui của bạn trong một thế giới đầy đau khổ là sự lố bịch. Nó chẳng có mối liên hệ nào với nhân loại đau khổ hết. Bạn hoàn toàn đơn độc. Mọi thứ có giá trị - bạn yêu âm nhạc, bạn rung động trước cái đẹp, bạn đi tìm thực tại, bạn muốn hiểu chính mình – những thứ này đều hết sức lố bịch. Hành thiền là lố bịch; đi kiếm tiền tốt hơn và logic hơn nhiều chứ.
Tôi lố bịch vì những gì tôi dạy
cho các bạn đều đi ngược lại với những gì người ta đã dạy cho các bạn. Mà những
điều đó, người ta đã dạy các bạn quá lâu rồi và bạn đã hoàn toàn quên rằng chúng
có vấn đề.
Chẳng hạn, mọi văn hóa trên thế
giới đều dạy cho thế hệ trẻ của họ rằng tình yêu là vĩnh cửu, rằng khi bạn yêu
một người, bạn sẽ yêu người ấy mãi mãi. Ý tưởng này đã sống qua biết bao thế kỷ
nay ở khắp mọi nơi trên thế giới. Có vẻ như rất logic nếu bạn yêu một người thì
chính hiện tượng tình yêu sẽ biến nó thành vĩnh cửu. Và tại sao mọi người chấp
nhận nó - vì bạn cũng ước mong có được một tình yêu mãi mãi. Tất cả mọi người đều
muốn như vậy.
Thế là ý tưởng truyền thống và
mong ước của bạn cộng hưởng với nhau, và nó trở thành một chân lý. Nếu tình yêu
của bạn thay đổi thì chính bạn và những người khác sẽ bắt đầu cho rằng, đó
không phải là tình yêu - chính vì thế mà nó thay đổi. Bạn không thay đổi quan
niệm về tình yêu vĩnh cửu mà lại cho rằng, "Mình tưởng đó là tình yêu nhưng
không phải, vì nó thay đổi mất rồi - mà tình yêu thì có thay đổi bao giờ."
Hẳn là tôi lố bịch vì tôi muốn
nói với các bạn rằng, trong cuộc sống mọi thứ đều thay đổi - dù bạn muốn hay
không, dù bạn có ngồi bên bờ sông mà ước rằng "sông ơi hãy ngừng chảy, mùa
ơi thôi đừng đi, hoa ơi xin đừng tàn, tuổi trẻ ơi đừng giã biệt, tuổi già ơi xin đừng
đến, cuộc đời ơi xin chớ đưa ta đến nấm mồ."
Ước muốn của bạn là một chuyện,
hiện hữu không nghe theo ước muốn của bạn, dù cho ước muốn đó có đẹp, có chân
thành đến đâu đi chăng nữa. Hiện hữu đi theo con đường của nó. Mọi sự đều thay đổi - và tình
yêu không phải ngoại lệ.
Giờ đây có lẽ tôi là người đầu
tiên muốn tất cả mọi người hiểu rõ rằng, tình yêu cũng thay đổi: nó sinh ra,
già đi và chết. Và tôi nghĩ như vậy là tốt. Nó cho bạn nhiều cơ hội hơn để yêu
những người khác, để bạn có một cuộc sống phong phú hơn - bởi lẽ mỗi người đều
có thể đem đến cho bạn một điều đặc biệt. Bạn càng yêu nhiều, bạn càng giàu
tình cảm, càng giàu tình yêu.
Và nếu bạn vứt bỏ ý niệm về sự
thường hằng thì tự động sự ghen tuông cũng ra đi; lúc đó ghen tuông trở nên vô
nghĩa. Cũng giống như khi bạn yêu, rồi thì bạn không thể cưỡng lại được, rồi sẽ
có một ngày bạn hết yêu và bạn cũng không thể cưỡng lại được. Một cơn gió thổi
vào cuộc đời bạn và ra đi. Cơn gió thật tuyệt, thật đẹp, thật thơm mát, và hẳn
bạn muốn nó ở lại mãi mãi bên bạn. Bạn đóng hết các cửa lại để giữ cơn gió trong
lành, thơm mát ấy. Thế nhưng bằng việc đóng cửa, bạn đã giết chết cơn gió, giết
chết sự trong lành, sự thơm mát của nó; nó không còn sức sống nữa. Và hôn nhân
cũng vậy.
Tôi lố bịch, vì tôi không muốn
ép hiện hữu vào trong logic - cái thứ do con người tạo ra. Bằng cách áp đặt
logic lên hiện hữu, đơn giản là bạn đã đem lại đau khổ cho chính mình, bởi lẽ bạn
sẽ thất bại; thất bại của bạn là điều không thể tránh khỏi. Hàng triệu người vẫn
đang vờ vĩnh rằng họ vẫn yêu nhau. Họ đã từng yêu, nhưng giờ nó chỉ còn là kỷ
niệm, và ngày càng phai nhạt đi. Thế nhưng chỉ vì cái quan niệm về tình yêu
vĩnh cửu mà họ không dám nói ra sự thật.
Và đó không phải là sự giận dữ,
căm thù; không phải việc chống lại người kia. Đơn giản đó là cuộc sống - tình
yêu có thể thay đổi. Nó giống như mùa vậy, và thật tốt khi ta có hạ và có đông,
có mưa và có nắng; có thu và có xuân.
Bạn có thể sống cuộc đời mình
theo logic hoặc theo hiện hữu. Hiện hữu thì lố bịch. Lúc này nó thế này, lúc
khác nó thế khác, lúc nọ lại thế kia. Và bạn phải tự mình quyết định hoặc là vờ
rằng mọi thứ vẫn không thay đổi, hoặc là thành thật mà thừa nhận rằng đó là thời
khắc đẹp nhất nhưng đã qua rồi. Thiên đàng đã qua và giờ ta đang đứng giữa sa mạc,
ta hiểu rằng mình đang đứng giữa sa mạc; không thể mừng vui.
Dù sao thì chúng ta vẫn gắn kết
với nhau từ ý niệm về một tình yêu thường hằng. Tình yêu thường hằng đó chính
là một ý niệm logic.
Tình yêu thực thụ là một bông hồng
thực thụ: nó sẽ thay đổi. Từ sáng đến tối nó sẽ có những hình dáng, sắc thái
khác nhau, và nó sẽ tàn khi đêm đến. Và tôi tin rằng điều đó chẳng có gì là sai
trái cả.
Tình yêu chỉ là một ví dụ.
Trong cuộc đời bạn sẽ gặp vô số những điều tương tự như vậy. Chẳng hạn, người
ta dạy cho trẻ con phải biết kính trọng cha mẹ, thầy cô và những người lớn tuổi
hơn.
Sự kính trọng là một kinh nghiệm đẹp đẽ, nhưng khi bạn bị buộc phải kính trọng người khác theo lễ nghi thì nó trở thành tệ hại.
Sự kính trọng là một kinh nghiệm đẹp đẽ, nhưng khi bạn bị buộc phải kính trọng người khác theo lễ nghi thì nó trở thành tệ hại.
Lúc bé tôi phải nghe đi nghe lại
câu này: "Con phải lễ phép."
Tôi thường nói với cha tôi rằng:
"Trước khi cha bảo con kính trọng một người, ít nhất cha cũng phải biết chắc
là người đó có đáng được kính trọng không đã chứ; nếu không cha sẽ biến con
thành đứa đạo đức giả. Con biết có những người không đáng kính chút nào, thế
nhưng họ lớn tuổi hơn con và con phải kính trọng họ. Con sẵn sàng kính trọng
người ta, nhưng ít nhất họ phải có gì đó xứng đáng. Nếu không thì tại sao con lại
phải kính trọng họ?"
Thế nhưng hết thế kỷ này đến thế
kỷ khác, cũng vẫn ý niệm đó được áp đặt lên những phương diện khác: phải kính
trọng cha mẹ mình. Nhưng tại sao? Chỉ vì họ đã sinh ra bạn ư? Chẳng phải đó là
niềm vui đối với họ sao? Nếu đối với họ, đó là niềm vui thì hẳn họ đã nhận được
phần thưởng xứng đáng. Và nếu họ muốn bạn phải kính trọng họ thì họ phải xứng
đáng với điều đó.
Và cha tôi nói: "Con toàn
nói ra những điều lố bịch. Chúng ta phải sống trong một xã hội, mà xã hội thì vận
hành theo những quy tắc nhất định. Chúng ta phải làm theo những phong tục tập
quán, nếu không con sẽ bị xã hội bài trừ. Con đừng lố bịch như thế nữa,"
và cha tôi cứ nhắc tôi mãi như thế.
Tôi nói: "Con không muốn bị
xã hội bài trừ, nhưng con không thể cư xử theo logic được trong khi hiện hữu lại
đi theo một hướng khác. Những gì cha nói là logic. Cha nói rằng: 'Đó là cách mà
bấy lâu người ta vẫn sống; và người ta cần phải sống theo cách đó'."
Trong đó có một logic - rằng nếu
bạn kính trọng người khác, họ sẽ kính trọng bạn; nếu bạn giúp đỡ xã hội, xã hội
sẽ giúp lại bạn. Nhưng nếu bạn lên án xã hội, nếu bạn nhìn ra sai lầm khắp mọi
nơi, bạn sẽ lạc lõng một mình và không thể thắng được số đông. Logic là cách
duy nhất để chiến thắng xã hội.
Hãy sống một cách logic, và bạn
sẽ leo lên những nấc thang một cách dễ dàng hơn.
Tôi nói: "Tôi muốn sống
theo hiện hữu - mà hiện hữu thì lố bịch. Nó không có logic, không có ý nghĩa.
Nó mang trong mình vẻ đẹp bao la, nó mang những triển vọng hạnh phúc, nhưng bạn
không thể tạo ra một hệ thống logic từ nó được."
Vậy nên bạn hãy nhớ rằng: nghị
viện châu Âu, chính phủ Mỹ - đều đang hành động rất logic - và các nước khác
cũng sẽ sớm làm theo như thế. Nhưng tôi không phải là một nhà logic học.
Tôi là một người theo chủ nghĩa hiện sinh.
Tôi tin vào sự hỗn loạn vô
nghĩa và đẹp đẽ này của hiện hữu, và tôi sẵn sàng đi theo nó đến bất kỳ đâu.
Tôi không có đích đến, vì hiện
hữu không có đích đến. Đơn giản nó chỉ khai hoa và vui múa - nhưng xin bạn đừng
hỏi tại sao. Chỉ căng tràn nhựa sống, và không có lý do gì cả. Tôi ở trong hiện
hữu. Một sannyasin có nghĩa là: Ở trong hiện hữu.
Điều duy nhất bạn cần từ bỏ, chính là lý trí logic của bạn.
Thế nên bạn hãy đi theo con đường
hiện hữu phi logic. Thế giới có gọi bạn là kẻ điên rồ, lố bịch... thì đã sao?
0 Đánh giá