Read more
Osho yêu quý,
Vì lẽ ông là bậc kỳ tài trong việc kết hợp
và rồi vượt xa khỏi ngưỡng vật chất và tâm linh, vì lẽ cuộc sống của ông dường
như lúc nào cũng dư dả cả ở hai thế giới, tôi nghĩ rằng nhiều người bình thường
và cả những sannyasin cũng thấy đố kỵ với ông. Người ta phẫn nộ và không còn muốn
chu cấp cho một người đã dư dật mọi thứ rồi. Nếu họ có chu cấp thì cũng chỉ chu
cấp cho những người nghèo đói mà thôi. Ông ngồi trong hang, trần trụi, lạnh giá
và thiền hành là một chuyện, nhưng ông lại không làm vậy. Những sannyasin chưa
bao giờ dám mơ đến một chiếc Rolls Royce hẳn thèm khát nó lắm, thậm chí còn
khao khát nó hơn cả trạng thái giác ngộ dù đã đi theo ông nhiều năm rồi. Hình
như ông đã châm ngòi cho một thứ lòng tham vật chất chứ không phải niềm khao
khát vươn đến cao xa - ít nhất thì đó cũng là thông điệp mà một số người nhận
được. Xin ông hãy nhận xét.
Đó là một phần trong phương
sách của tôi nhằm thay đổi cái cấu trúc cốt lõi của ý thức nhân loại.
Quá khứ đã tôn sùng những thái
độ nghèo đói, khổ hạnh, khổ dâm. Một người sẽ được sùng kính nếu anh ta từ bỏ mọi
sung sướng, tiện nghi. Anh ta sẽ được kính nể vì đã tự hành hạ mình; càng tự
tra tấn anh ta càng được tôn sùng. Quá khứ của cả nhân loại là khổ dâm, và tất
cả các tôn giáo đều cổ vũ cho sự điên rồ này.
Tôi đang cố thay đổi quá khứ đó và ảnh hưởng của nó. Và chỉ có một phương cách mà thôi. Tôi không tạo ra cho người ta những ham muốn vật chất; chúng vốn dĩ đã có trong mỗi con người rồi mà không cần ai phải tạo ra cả. Vâng, chúng bị dồn nén sâu trong con người ta đến mức họ không còn nhớ là mình có chúng nữa. Tôi không tạo ra chúng; tôi chỉ đơn giản muốn tháo dỡ những thứ che đậy, đè nén, và giúp người ta hiểu ra rằng họ thèm có được một chiếc Rolls Royce hơn là sự giác ngộ.
Hiểu ra điều này là một bước cơ bản để đến được giác ngộ, bởi lẽ nó sẽ giúp người ta ý thức được thực tế của mình, lòng tham của mình.
Không nhất thiết phải có tới 93 chiếc Rolls Royce. Tôi chẳng thể nào đi hết 93 chiếc trong cùng một lúc - chỉ có một nhãn hiệu, một loại xe mà thôi. Nhưng tôi muốn các bạn hiểu rằng bạn sẽ sẵn sàng vứt bỏ mọi khao khát về thực tại, về tình yêu, về sự phát triển tâm linh để có được một chiếc Rolls Royce. Tôi cố tình tạo ra tình huống làm cho bạn cảm thấy đố kỵ.
Toàn bộ truyền thống và cả cái quá khứ đã làm điều hoàn toàn trái ngược. Cái gọi là vị thánh, trong mọi truyền thống, tồn tại theo cách không bao giờ làm cho bạn thấy ghen tỵ với họ. Bạn hãy để ý mà xem.
Bạn sẽ thấy đồng cảm với họ, sùng kính họ, nhưng sự sùng kính không phải là thực tại của bạn, đồng cảm không phải bản chất của bạn. Vị thánh thường tự tra tấn mình, mà đó cũng chẳng phải là bản chất của ông ấy. Ông ta đi ngược lại với tự nhiên để có được sự sùng kính, để đáp ứng bản ngã của mình. Ông ta không muốn phát triển tâm linh; ông ta chỉ muốn được tôn sùng như một vị thần. Và ông ta sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để được như vậy.
Ông ta sống trong ảo tưởng, và ông ta cũng đang tạo ra một thứ ảo vọng trong những người đến với ông ta. Ông ta giúp họ cảm thấy rằng họ là những người sùng đạo, giàu tâm linh vì họ tôn sùng một vị thánh. Họ chưa sẵn sàng đi theo con đường khổ hạnh, nhưng họ hy vọng một ngày nào đó, đây chính là lý tưởng của họ. Họ hoàn toàn quên rằng họ là những con người đầy lòng đố kỵ. Và vị thánh đã giúp họ quên đi lòng ghen tỵ của mình; vị thánh đã giúp họ đè nén nó.
Công việc của tôi hoàn toàn khác. Tôi muốn khiêu khích lòng đố kỵ của các bạn, vì đó là cách duy nhất để bạn thoát khỏi nó. Trước tiên bạn phải hiểu rằng mình có lòng đố kỵ; và rồi bạn sẽ có thể vứt bỏ nó, bởi nó là đau khổ và địa ngục. Nhưng bạn đã đè nén nó chặt và sâu đến mức không bao giờ trong bạn lại nảy sinh câu hỏi về việc vứt bỏ nó.
Tôi sống trong dư dả vì đối với tôi, không có sự phân cách giữa vật chất và tâm linh.
Dạy người ta sống trong nghèo đói là một việc hết sức nguy hiểm: bạn sẽ nghèo về vật chất, và bạn cũng sẽ nghèo về tinh thần, vì không có sự phân cách giữa hai thứ đó. Tôi dạy các bạn sống giàu sang, sống trong dư dả, cả về vật chất lẫn tinh thần. Vấn đề không phải là bạn nên giàu có về vật chất hay tâm linh. Vấn đề cơ bản là liệu bạn có được sống trong dư dả, trong giàu có - mà đó chính là tự nhiên và hiện hữu. Ham muốn cơ bản của bạn là được khai nở trong dư dả, được biết đến mọi sắc thái, mọi bài ca, mọi vẻ đẹp trong cuộc sống.
Tuy nhiên, như thế là tôi đã vướng vào mâu thuẫn với những cái cũ, vì quá khứ của cả nhân loại bấy lâu nay vẫn luôn ca ngợi nghèo khó và đưa nó lên ngang bằng với tâm linh, mà điều này hoàn toàn vô nghĩa.
Tâm linh là sự giàu có tuyệt vời nhất mà một con người có thể có được, nó chứa đựng tất cả những sự giàu có khác. Nó không đi ngược lại bất kỳ một sự giàu có nào, nó chỉ đơn giản chống lại mọi loại nghèo đói. Thế nên tôi đang cố làm một việc cơ bản đến mức nó chắc hẳn sẽ tạo ra một sự phản kháng từ khắp mọi ngóc ngách trên thế giới. Người ta đã sống với những giá trị nhất định đã quá lâu rồi, đến nỗi dù những giá trị đó chỉ đem lại cho họ đau khổ, họ cũng không nhìn thấy được mối liên hệ. Những giá trị đó không đáp ứng được họ, không làm họ sung sướng - nhưng họ vẫn không nhìn thấy mối liên hệ.
Tôi muốn những người đi theo tôi trở thành hình tượng để làm cho cả thế giới ý thức được rằng, khổ đau của họ bắt nguồn từ những giá trị sai lầm của họ, rằng họ nghèo là vì họ tôn sùng nghèo khó - và hành động của họ quả là điên rồ. Một mặt họ tôn sùng nghèo khó, mặt khác họ lại nói rằng: "Hãy giúp đỡ người nghèo". Thật kỳ quặc! Nếu như nghèo đói mang tính tâm linh đến thế thì việc làm đáng tôn kính nhất là biến tất cả những người giàu thành người nghèo, giúp người giàu trở nên nghèo khó, để họ có thể được giàu về tâm linh. Giúp đỡ người nghèo để làm gì? Bạn muốn phá hoại tâm linh của họ ư?
Thế nhưng, có một tiềm thức sâu thẳm, một sự mù lòa mê muội đang tồn tại, và tôi sẽ đấu tranh chống lại cái tiềm thức nặng nề ấy, cái bóng đêm bao trùm ấy. Hẳn nhiên là nó sẽ rất tức giận. Lẽ ra họ đã có thể yêu thưong tôi, tôn sùng tôi. Và để làm những điều họ muốn thì cực kỳ đơn giản, nhưng làm như thế thì tôi lại đi theo con đường đau khổ cố hữu ấy, căn bệnh cố hữu ấy, sự ngu dốt cố hữu ấy. Tôi thà đi con đường không được mọi người tôn kính chứ không giúp bất cứ một hệ thống giá trị vô nghĩa nào.
Tại sao việc những người khổ hạnh - những người tự hủy hoại mình làm cái việc đại loại như tự vẫn từ từ - lại được kính trọng đến thế; điều đó rất dễ hiểu thôi, bởi lẽ bạn không làm giống như vậy được. Họ làm một việc mà bạn không làm được. Nếu ai đó trồng cây chuối ngoài đường thì ngay lập tức người ta sẽ xúm lại xem, nhưng nếu bạn cứ đi bằng hai chân thì chẳng ai thèm ngó tới.
Vậy người kia đã làm gì để thu hút đám đông đó? Anh ta đã làm một việc mà đám đông đó không làm được. Anh ta đang chứng tỏ lý trí mạnh hơn thân xác, nghị lực mạnh hơn năng lực. Hành xác là chứng tỏ anh ta không phải là xác thịt, nó không ảnh hưởng đến anh ta. Khổ hạnh, không ngủ, hay đứng đó suốt nhiều ngày liền - anh ta chứng tỏ anh ta đã làm được những việc mà bạn không thể; rằng anh ta ở đẳng cấp cao hơn bạn. Bạn cũng làm được những việc đó, chỉ cần bạn ngu dốt một chút, tiêu cực một chút, thích tự tử một chút. Tất cả những gì bạn cần là một thứ sung sướng trong đau đớn và bạn sẽ trở thành một vị thánh tâm linh vĩ đại.
Tôi đã nhìn lại toàn bộ lịch sử mà không thấy có một ai chống lại thái độ tự sát trước cuộc sống, thái độ chống lại cuộc sống này. Có lẽ người ta sợ rằng sẽ không có ai chịu nghe theo họ, sợ rằng nó sẽ đánh mất sự đáng kính của mình.
Từ những ngày chập chững bước vào đời, tôi đã quyết định rằng, mình phải ý thức được một điều là không được bận tâm đến sự đáng trọng. Ý thức được như thế mọi việc sẽ rất đơn giản. Lúc đó tôi có thể làm được những việc thuận theo tự nhiên và lành mạnh. Và tôi có thể bắt chiếc cầu nối giữa vật chất và tâm linh, giữa thế giới này và thế giới kia.
Và đối với tôi, sống trong dư dật là điều linh thiêng nhất trên thế giới này. Hãy nhìn hiện hữu và sự dư dả của nó. Sao trên thế giới này lại có nhiều hoa đến thế? Chỉ cần hoa hồng thôi là đã đủ rồi, nhưng hiện hữu rất giàu có: hàng triệu hàng triệu loài hoa, hàng triệu chim muông - mọi thứ đều dư dật. Tự nhiên không hề khổ hạnh; nó hân hoan khắp nơi - từ đại dương đến rừng thẳm. Nó ca vang khắp nơi - trong cơn gió thổi qua ngọn thông, trong tiếng chim...
Cần gì phải có hàng triệu hệ mặt trời, mỗi hệ mặt trời lại có hàng triệu ngôi sao? Dường như chẳng cần phải có nhiều đến vậy, thế nhưng phong phú là bản chất của hiện hữu, giàu có là cốt lõi của hiện hữu, và hiện hữu không tin vào nghèo khó. Hãy nhìn vào tự nhiên hiện hữu mà xem, bạn sẽ thấy tất cả những gì loài người đã làm đều đi ngược với nó.
Nỗ lực của tôi là nhằm đưa con người trở lại với bản chất tự nhiên của họ.
Tôi sẽ bị lên án. Các tôn giáo, những truyền thống, các nền đạo đức đều sẽ kết tội tôi.
Điều đó không làm tôi bất ngờ! Tôi vẫn chờ đợi nó, bởi những điều tôi nói và làm sẽ thay đổi tiến trình cốt lõi của ý thức con người.
Tôi không tin là bằng cách hành xác bạn có thể thiền định dễ dàng hơn. Tôi không tin rằng khi nhịn ăn bạn có thể thiền định được. Bạn chỉ có thể nghĩ đến thức ăn và không còn gì khác nữa; bạn sẽ mơ đến thức ăn và không gì khác. Thế nhưng khi bạn đã ăn đủ, uống đủ, bạn sẽ không còn nghĩ đến thức ăn nữa - không còn nhu cầu đó nữa. Thể xác đã được thỏa mãn hoàn toàn và nó sẽ không gây phiền hà nữa.
Sống thoải mái, sống vui không có nghĩa là đi ngược lại thiền định mà nó thực sự là nhu cầu cơ bản của thiền định. Tôi biết nhiều thầy tu khổ hạnh nhưng tôi chưa bao giờ thấy sự thông thái trong họ, tôi chưa bao giờ thấy trong sự sáng tạo trong họ, chưa bao giờ thấy trong mắt họ ánh sáng linh thiêng nào, chưa bao giờ thấy trong cử chỉ của họ một thông điệp linh thiêng không lời nào. Họ chẳng có gì cả. Đơn giản là họ đang nhịn đói - mà nhịn đói vì điều đó giúp thỏa mãn cái tôi của họ, vì càng nhịn đói là họ càng tự tra tấn mình, càng có nhiều người tôn sùng họ hơn.
Đối với tôi chuyện này cũng chỉ là một chưong điên rồ trong lịch sử loài người; và nó cần được khép lại. Đã đến lúc chúng ta mở ra một chương mới - thuận theo tự nhiên, hiện hữu và tích cực trước cuộc sống - tạo ra cầu nỗi giữa thể xác và linh hồn, không phải bức tường mà là chiếc cầu nối.
Không cần phải chiến tranh hay xung đột. Đấu tranh với chính mình, bạn cũng chẳng được gì; bạn chỉ đơn giản tự hủy hoại mình dần dần. Tất cả những người được gọi là những vị thánh của các bạn hầu hết đều tâm thần, và họ đã làm cho cả nhân loại này bệnh hoạn theo họ.
Câu hỏi của bạn rất có ý nghĩa. Người ta đã nhiều lần hỏi tôi rằng: "Khắp mọi nơi người ta sùng kính những vị thầy tâm linh, thế mà tại sao ông đi đến đâu cũng bị phản đối?"
Tôi nói: "Chỉ có một điều chắc chắn: hoặc là những người đó không phải là những vị thầy tâm linh, hoặc là tôi không phải thầy tâm linh. Tôi và họ không thể cùng là tâm linh được, đó là điều chắc chắn. Về phần tôi, tôi sẽ nói là họ bệnh hoạn, chẳng có chút tâm linh nào và họ được một xã hội bệnh hoạn tôn sùng."
Đó là một cái vòng luẩn quẩn: xã hội tạo ra một vị thánh bệnh hoạn, vị thánh bệnh hoạn nọ lại tạo ra xã hội bệnh hoạn kia - và nó cứ tiếp tục như thế mãi. Tôi không dự phần vào sự bệnh hoạn - cái gọi là tâm linh này. Tôi chỉ là một con người hài lòng, viên mãn. Bạn còn muốn gì hơn? Sự linh thiêng có thể là gì hơn?
Chúng ta mong muốn mọi người được đáp ứng, được thỏa mãn, và hành trình đến hài lòng, viên mãn, giác ngộ nên bắt đầu từ thể xác. Bạn không thể bắt đầu từ một nơi nào khác cả. Bạn chỉ có thể bắt đầu từ đầu. Bạn không thể làm ngơ gốc rễ mà ngợi ca những bông hoa. Nếu gốc rễ không được chăm sóc thì hoa của bạn sẽ tàn, và bạn sẽ phải thay thế chúng bằng những bông hoa nhựa. Có xung đột nào không giữa gốc rễ và bông hoa? Nó uống cùng nguồn nước - và bạn phải bắt đầu từ gốc rễ, bởi bông hoa chỉ nở vào lúc cuối.
Nhưng với loài người thì chúng ta đã gần như điên loạn rồi. Chúng ta chưa bao giờ bận tâm đến gốc rễ, và chỉ nhắc đến những bông hoa. Chúng ta nói nhiều đến những người phi bạo lực, những người biết yêu thương - nhiều đến nỗi bạn có thể yêu được kẻ thù của mình, hàng xóm của mình. Chúng ta nói về những bông hoa nhưng không ai hứng thú với gốc rễ của nó. Vấn đề là: "Tại sao chúng ta không phải là những người biết yêu thương?"
Vấn đề không phải yêu người này hay người kia, yêu bạn bè hay kẻ thù. Vấn đề là bạn có biết yêu thương hay không? Bạn có yêu thương chính thân xác của mình hay không? Bạn đã bao giờ chạm vào thân mình với tình yêu thương tràn đầy chưa? Bạn có yêu chính mình không? Không, tất cả các tôn giáo đều dạy bạn phải ghét chính mình: bạn sai lầm và phải tu sửa lại cho đúng; bạn có tội và phải trở thành một vị thánh. Làm sao bạn yêu chính mình được? - bạn thậm chí còn không thể chấp nhận chính mình. Mà đó mới chính là gốc rễ!
Tôi sẽ dạy các bạn yêu chính mình. Và nếu bạn có thể yêu được chính mình, vui sướng được là chính mình, tự nhiên tình yêu của bạn sẽ lan tỏa. Nó sẽ trở thành tinh hoa bao quanh bạn; bạn sẽ yêu bạn bè mình, và theo cách nào đó bạn sẽ yêu cả kẻ thù của mình nữa - bởi cũng như một người bạn định tính cho bạn, kẻ thù của bạn cũng định tính cho bạn như thế.
Tôi nhớ đến một sự kiện gần đây. Ở Ấn Độ, trước khi đất nước này có được tự do, người Hindu và Hồi giáo xung đột rất gay gắt vì người Hindu muốn đất nước thống nhất, không bị chia cắt. Như vậy sẽ có lợi cho họ vì họ là tôn giáo chiếm đa số ở Ấn Độ. Nếu Ấn Độ không bị chia cắt thì người Hồi giáo sẽ không bao giờ cầm quyền vì họ chỉ là tôn giáo chiếm đa số thứ hai.
Người Hồi giáo lại muốn có đất nước của chính họ và họ đưa ra lý do là: "Chúng tôi muốn có tiếng nói riêng, chúng tôi là một chủng tộc khác, chúng tôi không thể sống chung với họ được." Thế nhưng lý do cơ bản không phải là tiếng nói, cũng không phải văn hóa, chủng tộc, bởi họ đã sống chung suốt hai ngàn năm rồi mà có vấn đề gì đâu. Thực chất chuyện này là: nếu họ có đất nước của họ, họ sẽ là người nắm giữ quyền lực.
Người đứng đầu phong trào Ấn Độ thống nhất là Mahatma Gandhi, và người lãnh đạo phong trào tách Ấn Độ ra và thành lập một đất nước mới, Pakistan, của người Hồi giáo là Mohammed Ali Jinnah. Suốt đời, họ là kẻ thù không đội trời chung của nhau.
Năm 1948 Gandhi bị bắn chết. Mohammed Ali Jinnah trở thành nhà lãnh đạo toàn quyền của Pakistan. Ông ta đang ngồi trên bãi cỏ khi người ta báo cho ông ta tin Gandhi bị ám sát. Người báo tin cho ông, nghĩ rằng ông sẽ rất vui sướng - rằng kẻ thù truyền kiếp của ông ta đã chết. Thế nhưng anh này đã hết sức kinh ngạc: Jinnah buồn bã quay vào trong nhà và yêu cầu không được ai làm phiền ông. "Gandhi chết thì tôi cũng coi như chết rồi, bởi chúng tôi định tính cho nhau."
Một sự hiểu biết sâu sắc - kẻ thù cũng định nghĩa bạn, giống như người bạn định nghĩa bạn vậy. Sau đó Jinnah chỉ sống thêm một năm nữa, người ta không còn nhìn thấy ông vui vẻ như trước đây; năm cuối cuộc đời ông chỉ còn lại nỗi thiếu hụt ghê gớm... Một mối thù suốt đời là một mối quan hệ, mối quan hệ sâu sắc. Thế nên một người có hiểu biết sẽ yêu cả kẻ thù của mình - không phải vì bất kỳ một lý do tâm linh nào mà là vì một lý do đơn giản là kẻ thù của ta định nghĩa cho chính ta, là một phần trong sự hiện tồn của ta. Không có hắn ta, thì chỗ trống đó không ai có thể lấp đầy được.
Vấn đề không phải ở chỗ, bạn phải "yêu kẻ thù của mình" theo cách Jesus đã nói. Như thế đơn giản chỉ là vị kỷ: yêu kẻ thù của bạn vì bạn là sinh linh cao đẳng hơn, và hắn ta chỉ là một con người bình thường; vậy nên hãy yêu lấy hắn, chỉ cho hắn thấy con đường thực sự của tâm linh. Nhưng như thế chỉ là đáp ứng bản ngã của chính bạn thôi.
Tôi cũng sẽ nói: "Hãy yêu lấy hắn", nhưng không vì lý do kia. Tôi sẽ nói, "Hãy yêu hắn", vì hắn định nghĩa bạn; hắn là một phần của bạn, cũng như bạn là một phần của hắn - không chỉ bạn bè mà cả kẻ thù nữa. Điều đó không làm cho bạn "thần thánh hơn kẻ khác". Đó chỉ đơn giản là một sự hiểu biết về cách vận hành của tâm lý.
Hãy yêu chính mình. Nhưng bạn chỉ có thể yêu chính mình khi bạn vứt bỏ được ý niệm rằng mình có tội. Bạn có thể vứt bỏ ý niệm rằng mình có tội nếu bạn vứt bỏ được ý niệm về một Thượng Đế.
Nếu có Thượng Đế thì bạn vẫn là kẻ có tội; bạn không thể là gì khác được. Nếu có Thượng Đế thì bạn là kẻ có tội. Bạn bị trục xuất khỏi vương quốc của Ngài, và bạn chỉ được chấp nhận cho quay về khi bạn biết phục tùng - phục tùng đến mức bạn đánh đổi cá nhân của mình cho một Thượng Đế giả thuyết mà bạn chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nhìn thấy.
Tôn giáo của bạn không cho phép bạn yêu bản thân mình, nhưng họ lại đi rao giảng đủ điều tào lao rằng, hãy yêu kẻ thù của mình và yêu hàng xóm của mình. Nhưng bạn vẫn có thể thấy cốt lõi của chuyện này. Nếu bạn không yêu chính mình thì bạn không thể yêu được bất kỳ ai khác trên thế giới này. Năng lực tình yêu phải xuất phát từ trái tim bạn, và ở đó có một kẻ tội lỗi bị kết tội đang chờ đến giờ hành quyết trong lửa địa ngục.
Tôi từng nghe rằng, vào thời trung cổ khi con người ta, đặc biệt là phụ nữ, còn ngây thơ lắm, giản dị lắm, có những nhà truyền giáo Ki-tô đi khắp nơi hù dọa họ bằng lửa địa ngục, vẽ ra bức tranh cụ thể đến từng chi tiết nhỏ về việc họ sẽ bị tra tấn như thế nào. Và chuyện thường xảy ra là nhiều phụ nữ ngất đi ngay tại nhà thờ trong lúc nghe cha xứ giảng đạo, vì lửa địa ngục và viễn cảnh bị tra tấn khiến họ sợ chết khiếp. Lúc này thì những người phụ nữ kia còn có thể chấp nhận chính bản thân họ hay không? - Không thể nào.
Tất cả mọi tôn giáo đều đứng trên một từ duy nhất, và đó là bạn nên trở thành người như thế nào. Đó là từ 'nên' - chứ không phải là từ 'là'. Từ 'là' luôn bị lên án, và từ 'nên' được ca ngợi; và cái 'nên' trái ngược với cái 'là' của bạn.
Bạn không thể yêu chính mình, vợ bạn không thể yêu chính bản thân cô ấy - trong khi hai vợ chồng cũng phải yêu nhau. Tôi không hiểu làm sao người ta làm được chuyện đó. Bạn có thể giả vờ, nhưng về căn bản thì bạn sẽ ghét người kia, vì vợ bạn hiểu rằng bạn đang lôi cô ấy ngày càng sâu xuống địa ngục, bạn cũng biết rằng cô ấy đang dìm bạn ngày càng sâu trong hỏa lò - thế thì các bạn làm sao mà yêu nhau nổi? Jesus rất sáng suốt. Ông ấy nói về việc phải yêu kẻ thù nhưng ông ấy không nhắc gì đến chuyện phải yêu vợ. Lạ nhỉ, lẽ ra đó là điều cần được nhắc nhở trước tiên - "Hãy yêu lấy chồng mình." Nhưng không, những điều này không hề được nhắc đến.
Các tôn giáo bấy lâu nay vẫn nói về những bông hoa; còn tôi cố thay đổi gốc rễ. Và tôi cực kỳ phản đối những bông hoa giả. Hoa thật rất đa dạng; hoa giả thì không tàn - tình yêu giả cũng không tàn. Hoa thật không tươi mãi, nó biến đổi từng giờ từng khắc. Ngày hôm nay nó còn hân hoan trong gió, trong nắng và trong mưa. Ngày mai họ đã không còn nhìn thấy nó - nó biến đi cũng kỳ diệu như lúc nó xuất hiện vậy. Tình yêu thật cũng giống như một bông hoa thật.
Thế nhưng mọi tôn giáo đều dạy bạn về một thứ tình yêu giả tạo. Và rồi họ lại phá hủy mọi cơ hội giúp bạn được biết đến một bông hoa thật. Hoa thật có hương thơm; hoa giả chẳng có gì để tô điểm cho cuộc đời bạn. Nó chỉ trông giống một bông hoa nhưng nó lại không phải là bông hoa. Hoa giả thì dễ giữ lắm. Bạn chẳng cần tưới nước cho nó, cũng chẳng cần chăm bón cho gốc rễ của nó. Những bông hoa thật lại cần chút gì sáng tạo từ phía bạn. Mọi giá trị thật đều cần đến sáng tạo.
Và chỉ cần nhìn những vị thánh của bạn: không ai trong số họ có óc sáng tạo. Những phẩm chất của họ thật nực cười - người thì có thể nằm dưới mồ suốt một tuần liền, rồi bạn đào ông ta lên và ông ta vẫn sống; và ông ta trở thành một vị thánh vĩ đại. Nhưng bạn không thấy có chút đóng góp nào ở đây, không có chút sáng tạo nào trong đó. Ông ta có nằm dưới mồ bảy trăm năm thì cũng chẳng thể ảnh hưởng gì đến ai. Làm sao mà ông ta có thể trở thành một vị thánh chỉ với việc nằm dưới mồ 7 ngày, bằng cách học một kỹ thuật nén hơi thở nào dó?
Paul Brunton, một nhà tìm kiếm vĩ đại đi hết nước này đến nước khác khắp phương Đông, gặp gỡ nhiều người được tôn thờ như những vị thánh hồi đầu thế kỷ 20. Ở Ajmer, Ấn Độ, ông gặp một vị thánh Hồi giáo với khả năng móc mắt ra và để chúng treo lủng lẳng ngoài hốc mắt - đó là khả năng duy nhất của ông ta. Và ông ta được tôn thờ rộng khắp, bởi ông ta đã làm một việc không thể!
Paul Brunton còn gặp một thầy tu già Hindu với khả năng uống tất cả các loại thuốc độc. Ông này đi triển lãm thành tựu to lớn của mình ở nhiều trường đại học - đến cả Oxford, Cambridge, Varanasi, Calcutta. Nhưng khi đến Calcutta thì một tai nạn xảy ra. Ông ta có thể giữ độc tố trong cơ thể mình và kìm chế không cho nó thấm vào máu, nhưng chỉ trong nửa giờ đồng hồ: lâu hơn thế thì không được. Cả cuộc đời ông ta đã tập luyện để làm việc này, nhưng ở Calcutta, giao thông đã đánh bại ông ta.
Bạn biết đấy, giao thông ở Ấn Độ rất tuyệt; mọi thời đại đều di chuyển trên đường phố - một chiếc xe bò, một cỗ xe ngựa, một con lừa, một chiếc xe lạc đà, rồi xe hơi, xe buýt, xe điện. Đặc biệt ở Calcutta, bạn sẽ nhìn thấy mọi thời đại cùng nhau đi trên đường. Từ thuở sơ khai khi con người mới phát minh ra xe cộ cho đến những chiếc xe hơi tân tiến nhất - mọi thứ đều sẵn có ở đây. Bạn chỉ cần đứng bên vệ đường mà xem.
Thế là ông này bị kẹt trong một vụ ùn tắc giao thông và không đến kịp nơi ông ta đã chuẩn bị trước để nôn thuốc độc ra; toàn bộ chuyện này là thế đấy. Ông ta chỉ giữ được trong nửa giờ; sau đó phải nôn ra - để thuốc độc không thấm vào máu. Nhưng ông ấy không kịp làm việc đó; thuốc độc đã đi vào máu và ông ta chết. Nhưng ông ta lại là một vị thánh nổi tiếng thế giới. Vậy ông ta đóng góp gì chứ?
Tôi không thể hiểu nổi làm sao mấy người này lại được gọi là thánh. Có lẽ người ta nên gọi họ là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó; họ có một khả năng đặc biệt nhất định, nhưng khả năng đó chẳng dính dáng chút nào đến tâm linh cả. Bấy lâu nay bạn vẫn đang tôn thờ những thứ hoàn toàn vô nghĩa dưới vỏ bọc tâm linh. Và đằng sau những thứ vô nghĩa này là con người thực sự - đau khổ, không biết yêu, không biết nhìn. Không ai bận tâm đến người đó hay những vướng mắc của anh ta; không ai đáp ứng nhu cầu thực sự của anh ta.
Toàn bộ nỗ lực của tôi là đem đến một khởi đầu hoàn toàn mới. Chắc chắn nó sẽ tạo ra những làn sóng phản đối tôi trên khắp thế giới. Nhưng có hề gì đâu - quan trọng gì đâu!
Tôi chỉ quan tâm đến những người sẵn sàng thay đổi chiều hướng ý thức con người. Tôi sẽ chống lại người ta, tôi sẽ gây phiền nhiễu người ta, tôi sẽ khiêu khích người ta, tôi sẽ khuấy động lòng đố kỵ trong người ta. Đó là một phần trong những phương cách của tôi. Tôi đang chống lại họ thật sự. Nếu họ có chút thông minh nào thì hẳn họ sẽ nhận thấy điều đó.
Chín mươi ba chiếc Rolls Royce... nhưng tôi chưa từng nhìn lại chúng, nhìn lại chuyện đã xảy ra. Chúng không thuộc về tôi, và có hay không có chúng thì tôi cũng vẫn vui như thế. Tôi không bao giờ xuống garage mà xem chúng ra sao cả. Tôi có một người quản lý garage tên Avesh. Tôi thường nói với anh ta rằng một hôm nào đó, tôi sẽ xuống đó kiểm tra, nhưng ngày đó không bao giờ đến. Tôi chưa bao giờ thấy hết toàn bộ số xe đó. Mỗi khi tôi đi dạo thì Avesh là người quyết định tôi sẽ đi bằng chiếc xe nào. Và tôi thì không quan tâm đó là chiếc nào cả.
Những chiếc xe đó đã hoàn thành mục đích của chúng. Chúng đã kích động lòng đố kỵ trên khắp nước Mĩ, trong cả giới thượng lưu ở đây. Nếu họ đủ thông minh thì thay vì trở thành kẻ thù của tôi, lẽ ra họ đã đến gặp tôi để tìm cách thoát khỏi lòng đố kỵ của mình, bởi đó là vấn đề của họ. Lòng đố kỵ là ngọn lửa sẽ thiêu đốt bạn, và thiêu đốt bạn đến quằn quại. Bạn đang nằm trong tay kẻ khác.
Tôi chỉ là một du khách đến đó, và tôi đã khiến cả nước Mĩ lúng túng. Họ có đủ tiền cơ mà; họ có thể mua nhiều Rolls Royce hơn thế nếu muốn. Thế nhưng họ không đủ can đảm để làm điều đó. Họ lên án tôi, cho rằng tôi là một kẻ tham vật chất. Và bạn sẽ phải ngạc nhiên hết sức; một vị giám mục nọ, người liên tục lên án tôi là một tên hám của, đã viết cho tôi một lá thư đề nghị rằng, "Thật phước đức nếu ông hiến tặng cho nhà thờ chúng tôi một chiếc Rolls Royce của ông. Đối với ông nó chẳng có ý nghĩa gì - chín mươi hai hay chín mươi ba chiếc cũng thế thôi - nhưng nó sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi." Và cứ mỗi Chủ Nhật ông này lại lên án tôi. Ông ta kết tội tôi không phải vì tôi là một tên hám của mà là để che giấu lòng ghen tức của ông ta.
Các chính trị gia, người giàu, lẽ ra đã có thể tự xoay xở được - sao họ lại phải lo sợ? Tuy nhiên, nỗi lo của họ là vị du khách nọ, người thậm chí còn không có được một tờ visa hợp lệ, đã đánh bại toàn bộ giới thượng lưu; thật đau đớn! Nếu họ đủ thông minh, họ đã hiểu rằng hẳn phải có mục đích gì đó đằng sau những chiếc Rolls Royce kia. Mục đích của chúng không thể nào chỉ là để đi dạo. Để làm việc đó thì chỉ một chiếc là đủ.
Tất cả mọi việc tôi làm trong cuộc đời mình đều có mục đích. Đó là cách tôi làm cho bạn nhìn thấy những thứ bên trong bản thân mình mà bạn không ý thức được.
Nếu bạn thông minh, bạn sẽ muốn thoát khỏi nó vì nó là liều thuốc độc giết chết bạn. Một lý trí đầy đố kỵ thì không biết yêu thương, không biết vui sướng, không chỉ không biết vui sướng mà còn không thể nhìn thấy một ai vui sướng cả. Loại người đó đầy rẫy trên quả đất này. Và những kẻ được gọi là thánh kia chưa từng giúp được gì cho họ. Những vị thánh của bạn bấy lâu vẫn lợi dụng bạn đấy.
Thật nực cười! Những vị thánh của bạn đang lợi dụng bạn bằng cách sống nghèo khổ, tự tra tấn mình; họ đang giúp bạn thoát khỏi cảm giác ghen tị, cảm giác tổn thương. Họ đang bảo vệ cái tôi của bạn. Mà chuyện đó không chỉ có một mặt. Chính vì thế mà tôi nói nó nực cười. Trò chơi này thật kỳ quặc: họ đang giúp sống mãi trong đau khổ, trong điên rồ, và bạn lại giúp họ sống mãi cuộc đời hành xác, tự giết mình - một sự thông đồng của cả nhân loại để lưu lại mãi trong địa ngục.
Cộng đồng của chúng ta ở Mỹ cũng là một phương tiện. Nó đã làm công việc của nó. Nó giúp người ta ý thức được rằng, trên trái đất này cũng có vui sướng và yêu thương; bạn không cần phải đợi đến lúc lên thiên đàng. Và tôi thì không hiểu nổi... một người chưa bao giờ được hát ca nhảy múa trên cõi đời này thì làm sao sau khi lên thiên đàng anh ta lại được ban cho một cây đàn harp - anh ta sẽ làm gì với cây đàn đó? Anh ta sẽ rối tung lên! Anh ta sẽ thắc mắc đó là cái gì và mình phải làm gì với nó đây?
Chỉ có người của tôi mới biết phải làm gì, dù được ban cho loại nhạc cụ nào. Nó không chỉ là chuyện vui sướng không thôi... tất cả những thứ khác cũng vậy. Nếu ở đây cả cuộc đời bạn chỉ biết cứ hành xác, thế thì bạn định làm gì trên thiên đàng nào? Cái trò hành xác đó sẽ trở thành bản năng thứ hai của bạn mất thôi.
Tôi nhớ có một câu chuyện thế này... Có một người cao quý nọ tên là Eknath đang chuẩn bị đi hành hương cùng các môn đồ của mình. Một tên trộm khét tiếng đến gặp ông và hỏi: "Dù tôi là kẻ có tội - ông cũng biết, ai ai cũng biết tôi là một tên trộm - bỗng nhiên tôi cảm thấy một niềm khát khao mãnh liệt được tham gia chuyến hành hương của ông, nếu ông cho phép. Đã có ba mươi người đi cùng ông rồi và thêm một người nữa có lẽ cũng chẳng sao đâu nhỉ..."
Eknath nói: "Không sao cả, nhưng với một điều kiện: chuyến đi này sẽ kéo dài 9 tháng" - vì họ phải đi bộ khắp đất nước và đến tất cả các thánh địa - "trong thời gian đó anh không được ăn cắp bất kỳ thứ gì của những người đi trong đoàn của bất kỳ ai khác trong những ngôi làng chúng ta ghé qua. Anh phải bỏ nghề trong khoảng thời gian 9 tháng này. Nếu anh hứa được như vậy tôi sẽ đồng ý cho anh tham gia."
Tên trộm nói: "Tôi hứa chắc chắn là tôi sẽ không ăn cắp suốt 9 tháng tới." Thế nhưng chỉ 2-3 ngày trôi qua là đã có chuyện rồi. Xảy ra một chuyện kỳ quặc thế này: túi tiền của người này được tìm thấy trong hành lý của người khác, áo ấm của người nọ lại nằm trong giỏ của người kia! Thật lạ lùng, đồ đạc hành lý của người ta bị hoán đổi loạn hết cả lên.
Cuối cùng, đêm nọ, Eknath quyết định thức xem chuyện gì đang diễn ra, vì cứ như thế này thì thật phiền phức. Sáng nào mọi người cũng phải lục tung mọi thứ để tìm cho ra đồ của mình; lúc nào họ cũng tìm ra được, nhưng ai cũng bực bội vì chuyện này. Eknath nghĩ tên trộm đó chính là thủ phạm - và đúng là như vậy. Nửa đêm hắn ta thức dậy và đi tráo đồ đạc của mọi người. Eknath bắt quả tang hắn. Ông nói, "Anh đã hứa là không trộm cắp trong thời gian này cơ mà."
Hắn đáp: "Tôi vẫn giữ lời hứa đấy chứ, tôi có trộm cắp gì đâu. Nhưng tôi không có hứa là sẽ không tráo đồ của người ta - như thế đâu phải là trộm cắp. Tôi có lấy đồ của ai bỏ vào túi mình đâu nào. Tôi làm thế này là để luyện tập thôi... chứ không thì sau chín tháng tôi sẽ quên nghề của mình mất. Hơn nữa, tôi không ngủ được nếu không làm gì đó. Thói quen từ trước tới giờ rồi."
Eknath nói: "Tôi hiểu khó khăn của anh, nhưng anh cũng cần phải hiểu khó khăn của mình nữa: sáng nào mọi người ai cũng bực bội vì chuyện này - nào là túi tiền biến mất, nào là thất lạc chiếc áo, nào là không tìm thấy cái chăn. Và sáng nào chúng ta cũng phải mất hàng tiếng đồng hồ để sắp xếp lại đồ đạc hành lý."
Nhưng tên trộm lý luận rằng: "Các ông phải chấp nhận thôi. Vì tôi có hứa là sẽ không làm thế đâu. Mà tôi cũng chẳng làm gì quá đáng cả. Mỗi đêm tôi chỉ làm có một tiếng đồng hồ, sau đó tôi ngủ được ngon giấc."
Mỗi người tự hành hạ mình trong suốt cuộc đời - bạn nghĩ liệu người đó có vui sướng nổi trên thiên đàng hay không? Anh ta hẳn sẽ quên mất cách cười, quên mất ý nghĩa của sung sướng. Không, tôi xin nói với các bạn là toàn bộ quá khứ của nhân loại thật tệ hại, điên rồ; nó đã tạo ra thứ tâm linh có một tên gọi khác là tâm thần phân liệt. Tôi phải đấu tranh chống lại nó, dù phải trả giá thế nào.
Phải có ai đó xung phong mà nói cho người ta biết rằng: "Các người đã đi sai đường rồi. Bằng chứng chính là sự khổ sở của các người, không cần thêm bằng chứng nào khác."
Trích từ quyển ' Thực tại: Kẻ tội đồ vĩ đại nhất' - Osho
0 Đánh giá