Read more
Bản chất hai mặt của vấn đề
Câu hỏi quan trọng nhất trong mọi
câu hỏi là: Hạnh phúc thực sự là gì? Người ta có thể đạt được nó không? Hạnh
phúc là vĩnh cửu, hay chỉ là khoảnh khắc? Cuộc sống chỉ là một giấc mơ phù du
hay cũng là một sự thật trường tồn? Cuộc sống chỉ có sống và chết hay còn có sự
luân hồi giữa hai cõi tử sinh? Bởi vì không có gì mãi mãi nên cũng chẳng có hạnh
phúc thực sự. Nếu hạnh phúc là một khoảnh khắc, nó chỉ thoáng qua đời bạn: nó
bên bạn lúc này, rồi sẽ rời xa bạn vào một ngày nào đó. Và khi không còn hạnh
phúc, bạn lại rơi vào trạng thái thất vọng tối tăm.
Cuộc sống thật là mờ mịt. Giây
phút này bạn tràn trề niềm vui nhưng thời khắc sau, lại chứa đầy đau khổ; cuộc
đời bạn là một trạng thái hỗn độn những cảm xúc. Bạn không thể giữ hạnh phúc ở
lại mãi mãi. Một cách bí ẩn, hạnh phúc cứ đến rồi đi mà bạn không cách nào làm
chủ được nó. Bạn không thể tránh khỏi sự đau khổ; vì nó cũng đến và đi theo
cách riêng của nó. Bạn chỉ đơn giản là một nạn nhân. Bạn bị xẻ đôi ra giữa hạnh
phúc và bất hạnh. Không bao giờ bình an được.
Cuộc sống này luôn bị phân tách
thành hai mặt. Bản chất hai mặt của hạnh phúc và bất hạnh là nền tảng nhất và
rõ ràng nhất. Chúng ta còn vô số thứ có tính chất hai mặt kiểu như vậy: tính
hai mặt của yêu và ghét, sống và chết, ngày và đêm, mùa hè và mùa đông, trẻ và
già, v.v... và v.v... Về cơ bản, con người luôn bị giằng xé giữa hạnh phúc và
khổ đau, bị đẩy vào hai thái cực khác nhau của cảm xúc, không thể tìm được trạng
thái cân bằng.
Theo Phật giáo, con người mắc
chứng tâm bệnh. Tâm bệnh này là cố tật, hay có thể vượt qua?
Câu hỏi nền tảng và quan trọng
nhất được đặt ra: Hạnh phúc thực sự là gì? Chắc chắn hạnh phúc mà chúng ta biết
không phải là đích thực, nó chỉ là một giấc mơ và luôn luôn có thể ra đi. Có
cái gì đó rất giống hạnh phúc ở thời điểm này thì bỗng dưng hóa thành bất hạnh ở
thời điểm khác.
Hạnh phúc hóa thành bất hạnh:
đó là hai mặt của một vấn đề, như hai mặt của một đồng xu. Nếu bạn đang ở phía
bên này, hẳn là mặt bên kia đang ẩn náu và chờ cơ hội để xuất hiện. Khi bạn hạnh
phúc, thâm tâm bạn đang che giấu một nỗi lo sợ mất mát, sớm hay muộn gì hạnh
phúc cũng tuột khỏi tay bạn, rằng đêm tối thất vọng lại đến, rằng ánh sáng tốt
đẹp chỉ là ảo giác; nó không thể giúp bạn lấy lại được hy vọng bình an.
Hạnh phúc của chúng ta không phải
đích thực đơn giản vì luôn có nỗi đau khổ chìm khuất phía sau. Tình yêu mà
chúng ta tưởng mình đang có, vẫn không phải đích thực vì chiếc mặt nạ của hận
thù luôn ẩn chìm đâu đó. Lòng thương của chúng ta chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng
ta vẫn còn nổi giận – cho dù được nuôi dưỡng, được giáo dục một cách cẩn trọng…
thì tình thương của bạn vẫn không hơn gì cơn giận. Tâm hồn nhạy cảm của bạn
không thực sự nhạy cảm mà nó chỉ là một thứ bài tập của lý trí.
Hãy nhớ rằng: toàn bộ loài người
được khuyến dụ rằng đức hạnh là thứ có thể luyện tập, cái tốt đẹp cũng do luyện
tập, rằng con người có thể học cách hạnh phúc, có thể làm chủ được hạnh phúc, rằng
nhờ quyền lực mà con người sẽ tạo nên một kiểu tính cách mang lại hạnh phúc. Điều
này hoàn toàn sai lầm.
Bạn hãy hiểu rằng hạnh phúc là
thứ không bao giờ do luyện tập mà có. Nó không phải do bạn tạo ra. Những gì bạn
tạo ra bao giờ cũng nhỏ hơn, ít hơn bạn, nó không thể lớn hơn chính bạn. Một bức
tranh không thể lớn hơn họa sĩ và một bài thơ không thể lớn hơn chính nhà thơ.
Bài hát của bạn sẽ nhỏ hơn chính bạn.
Nếu thực hành tìm kiếm hạnh
phúc, bạn sẽ luôn quay lại điểm xuất phát một cách ngây ngô bởi đó vẫn là chuyến
phiêu lưu của lòng tự kỷ với một tâm trí hỗn loạn. Với một tâm trí như vậy, bạn
không thể tạo ra sự hài hòa, không thể tạo ra lòng biết ơn. Lòng biết ơn luôn nằm
ở phía bên kia, nó là một món quà dành cho người có đức tin lớn lao vào sự
buông bỏ hoàn toàn. Chỉ ở nấc thang cao vời đó, hạnh phúc mới thực sự xuất hiện.
Chúng ta được giáo dục là phải
cố gắng chiến thắng, cố đạt được ước mơ. Tâm trí chúng ta được nuôi dưỡng bằng
ý tưởng nhất định phải là người thành đạt. Nền giáo dục, văn hóa, tôn giáo của
chúng ta, tất cả đều dựa vào ý tưởng cơ bản rằng con người cần phải có tham vọng,
và chỉ những người tham vọng mới có thể thành công. Nhưng đó là điều không bao
giờ xảy ra, nó sẽ không bao giờ xảy ra, và thật ngớ ngẩn nếu chúng ta cứ tin
như vậy.
Một người luôn tham vọng không
bao giờ có thể hạnh phúc; và trên thực tế, người tham vọng mới là kẻ đau khổ nhất
thế giới. Thế mà chúng ta dạy dỗ trẻ em rằng: “Phải xếp thứ nhất, phải đứng đầu,
chỉ như thế, con mới hạnh phúc.” Bạn đã từng thấy ai đó đứng đầu và hạnh phúc
chưa? Alexander Đại đế có hạnh phúc khi ông ta thống lĩnh toàn thế giới không?
Ông ta là một trong những người bất hạnh nhất sống trên trái đất này.
Nhìn niềm vui của Diogenes,
ngài Đại đế bỗng ganh tị – ngài ganh tị với một kẻ ăn xin?
Diogenes là người ăn xin; ông
ta chẳng có gì, kể cả cái bình bát. Đức Phật ít ra còn có được chiếc bình và ba
cái áo choàng. Diogenes hoàn toàn không có gì. Trước kia thì ông cũng có một
cái bình và một hôm, ông đến bờ sông với chiếc bình ăn xin ấy. Khát nước giữa
lúc trời nóng bức, ông muốn uống nước. Trên đường, ông nhìn thấy dòng sông nhỏ
và một con chó chạy qua trước mắt ông. Nó vừa chạy, vừa thở và nhảy ùm xuống nước,
tắm mát và vùng vẫy thỏa thích. Một ý nghĩ nảy lên trong đầu Diogenes: “Con chó
này tự do hơn ta – nó còn không có cả cái bình bát ăn xin. Nó sống được như vậy,
sao ta không làm được? Cái bình này là vật sở hữu duy nhất của ta, lúc nào ta
cũng lo nó bị đánh cắp. Thậm chí, đêm đêm ta cũng phải thức dậy đến vài lần để
xem cái bình còn ở đó không.” Nghĩ vậy, ông ném chiếc bình bát xuống sông, cúi
chào con chó và cảm ơn nó đã mang đến cho ông một thông điệp lớn lao: thoát khổ.
Con người hoàn toàn trắng tay
đó lại khiến cho Alexander ganh tị. Ngài Đại đế thật đáng thương làm sao. Ông
ta thú nhận: “Nếu Thượng Đế cho ta được sống lại một lần nữa, ta sẽ bảo Người: 'Xin
đừng cho con làm Alexander – mà hãy biến con thành Diogenes.'”
Diogenes cười nhạo và gọi con
chó – lúc này họ đã là một đôi bạn thân và sống quấn quít bên nhau – ông nói:
“Nhìn kìa, và nghe thử xem, Ngài Đại đế đang nói ngớ ngẩn cái gì vậy chứ? Kiếp
sau ngài muốn làm Diogenes! Tại sao lại là kiếp sau? Tại sao phải trì hoãn? Ai
có thể biết được kiếp sau? Thậm chí ngày mai còn không chắc chắn, phút sau còn
không chắc chắn, nói chi đến kiếp sau. Nếu ngài thực sự muốn làm Diogenes, hãy
trở thành Diogenes ngay tại đây, lúc này. Hãy vứt bỏ quần áo xuống dòng sông và
quên mọi chuyện thống lĩnh thế giới đi. Đó là một sự ngớ ngẩn khủng khiếp và
ngài biết rõ điều đó. Và ngài phải thú nhận rằng ngài đã đau khổ, ngài phải thú
nhận rằng Diogenes đang thực sự an lạc hơn. Vậy tại sao không trở thành
Diogenes ngay đi? Hãy nằm xuống dòng sông nơi ta đang tắm mát. Dòng sông này đủ
lớn cho hai chúng ta.”
Dĩ nhiên Alexander không thể nhận
lời Diogenes. Ông nói: “Cảm ơn ngươi đã có lời mời ta. Bây giờ ta không thể làm
điều đó, nhưng kiếp sau thì có thể…”
Diogenes hỏi Alexander: “Ngài
đang đi đâu vậy? Ngài sẽ làm gì sau khi thống trị toàn thế giới?”
Alexander trả lời: Sau đó ta sẽ
nghỉ ngơi.
Diogenes nói: “Nghe có vẻ vô lý
nhỉ. Còn ta lại được nghỉ ngơi ngay lúc này.”
Alexander có hạnh phúc không,
Adolf Hitler hạnh phúc không, Rockefeller và Carnegie – những người quyền lực
nhất, giàu có nhất thế giới ấy – có hạnh phúc không? Chỉ cần nhìn những người
thành công trên thế giới, bạn sẽ quên đi ý tưởng thế nào là thành công. Không
có gì khiến người ta thất bại như thành công. Cho dù bạn có nói rằng không có gì
thành tựu bằng những thành công, tôi vẫn nói với bạn rằng không có gì giống với
thất bại như sự thành công. Hạnh phúc chẳng có gì gắn với sự thành công.
Hạnh phúc không đi đôi với mong
muốn, tiền bạc, quyền lực, danh vọng. Hạnh phúc nằm ở một chiều kích hoàn toàn
khác. Hạnh phúc thuộc về ý thức của bạn, chứ không phải là tính cách. Hãy nhớ:
tính cách không phải là bản chất của bạn, nó là cái bạn học hỏi được. Bạn có thể
trở thành thánh nhưng vẫn không thể hạnh phúc nếu cái phần thánh hóa ấy chỉ do
luyện tập mà có. Đó là cách mà con người trở thành thánh nhân ở cuộc đời này.
Những tín đồ Công giáo, Jain giáo, Ấn Độ giáo – làm thế nào họ trở thành thánh
được? Họ luyện tập từng chút một, từng chi tiết một, thức khuya dậy sớm, ăn
kiêng và đi ngủ theo giờ…
Không
phải tính cách mà là ý thức
Tôi không tin tính cách con người
là tất cả. Niềm tin của tôi nằm ở ý thức. Nếu một người trở nên có ý thức hơn,
đương nhiên tính cách anh ta sẽ thay đổi. Sự chuyển biến của ý thức mà tôi muốn
nói ở đây không phải do bộ óc điều khiển mà là sự chuyển biến từ bên trong. Khi
nào tính cách của bạn phát triển một cách tự nguyện và tự nhiên, nó sẽ phát ra
một vẻ đẹp bí ẩn riêng. Nói cách khác, bạn luôn ở trong thế chuyển hóa. Bạn có
thể bớt đi sự tức giận, nhưng bạn sẽ làm dịu đi cơn cuồng nộ của mình ở chỗ
nào? Bạn sẽ phải tiêu trừ nó trong cõi vô thức của bạn. Bạn sẽ bước sang một
phía khác trong đời mình, song bất cứ điều gì bạn vứt bỏ đi cũng sẽ bắt đầu
hành trình của chúng ở một góc độ khác. Chắc chắn là như thế. Khi bạn chặn đứng
dòng suối bằng một tảng đá, dòng suối ấy sẽ tìm cách chảy về phía nào đó mà bạn
không thể hủy diệt được. Cơn tức giận vẫn ở đó, lòng tham vẫn còn đó, tính ích
kỷ và đố kỵ vẫn còn đó, bởi vì bạn vẫn chưa ý thức sâu sắc tất cả những vấn đề
này.
Vì vậy, tôi không quan tâm đến
việc bạn còn tức giận hay không; giống như việc xén đi những chiếc lá từ cái
cây và hy vọng một ngày nào đó cái cây sẽ biến mất. Nó sẽ không bao giờ biến mất
đâu, ngược lại, càng tỉa tót thì lá càng lên xanh.
Vậy nên những con người mà bạn
xưng tụng là thánh, đôi khi lại là những người-không-thánh nhất trên thế giới
này; họ chỉ là những kẻ đạo đức giả. Vâng, nhìn bên ngoài, họ có vẻ là những bậc
thánh – rất thánh thiện, rất ngọt ngào một cách bệnh hoạn. Bạn sẽ ngưỡng mộ họ
và chấm hết. Làm gì có chuyện bạn sẽ sống bên cạnh họ được một ngày – họ sẽ làm
phiền bạn đến chết mất. Càng gần gũi họ, bạn càng bị rối loạn, mờ mịt, nhầm lẫn,
vì bạn sẽ chứng kiến sự sân si của họ ở một góc nhìn khác.
Người bình thường đôi khi cũng
bực tức; nhưng cơn nóng giận của họ chỉ thoáng qua thôi. Rồi họ lại cười nói,
thân thiện; họ không bị tổn thương quá lâu. Nhưng những vị thánh giả mạo kia
thì khác, họ không thể nguôi giận dữ. Họ thường xuyên giận dữ. Họ kìm nén nó
nhiều đến nỗi chuyện gì cũng có thể làm họ tức giận. Mắt họ nhìn thấy nó, mũi họ
ngửi thấy nó, bất cứ lúc nào, bất cứ điều gì cũng làm họ thấy bực bội.
Lu Ting thường dùng bữa tại một
nhà hàng Hy Lạp vì ông chủ Papadopoulos làm món “fried rice” (cơm chiên) rất
ngon. Mỗi chiều Lu Ting đến và gọi món “flied lice” (đám chấy rận). Chuyện này
khiến Papadopoulos cười nắc nẻ. Đôi khi ông gọi hai ba người bạn của mình đến
chơi chỉ để nghe Lu Ting gọi món “flied lice”. Rốt cuộc, lòng tự ái của người
Trung Quốc bị tổn thương, Lu Ting cố gắng học cách nói từ “fried rice” một cách
chính xác.
Lần sau, Lu Ting đến nhà hàng
và nói: “fried rice”.
Không thể tin vào tai mình,
Papadopoulos hỏi: “Ông vừa nói gì?”
Lu Ting liền hét lên: “Ông
không nghe tôi nói gì sao, Gleek plick (đồ bịp bợm hay châm chọc)?”.
Chẳng có gì khác nhau lắm giữa
cái từ “flied lice” và “Gleek plick”. Bạn đóng cánh cửa này và ngay sau đó lại
mở ra một cánh cửa khác. Như vậy đâu phải là chuyển hóa.
Thay đổi tính cách thì dễ,
nhưng điều quan trọng là sự thay đổi từ trong ý thức, trong sự chuyển biến của
ý thức – nghĩa là ý thức của bạn trở nên mãnh liệt và dữ dội hơn. Ý thức giúp bạn
vượt qua cơn tức giận, sự tham lam, ích kỷ và ham muốn.
Khi tất cả những tâm trạng tiêu
cực không còn nữa thì nguồn năng lượng tạo nên chúng sẽ hoàn toàn tiêu biến, và
thay vào đó niềm an lạc vĩnh cửu sẽ tràn ngập trong ta. Niềm an lạc đó không đến
từ bên ngoài mà nó xuất phát từ bên trong – từ những chuyển hóa trong sâu thẳm
cõi tâm linh.
Khi thực sự sống trong an vui
và tĩnh lặng, chính bạn sẽ trở thành một trường lực hấp dẫn đặc biệt. Trường lực
hấp dẫn này xuất hiện khi nguồn năng lượng bấy lâu đã bị lãng phí một cách
không cần thiết cho những nhận thức tù túng, chật hẹp của bản thân bạn không
còn nữa. Khi ấy, trong bạn sẽ tràn trề một nguồn năng lượng mới mẻ, bạn có thể
chạm đến các vì sao, vươn tới một thế giới bạn chưa từng biết đến, và bắt đầu
bước vào vùng đất của niềm vui và sự bình an vĩnh cửu.
Cuộc hội ngộ của ý thức với miền
không gian mới lạ kia là một niềm vui, một hạnh phúc đích thực. Bạn sẽ có một hạnh
phúc trọn vẹn vì khi ấy bạn không hề biết đến đau khổ. Bạn sẽ không biết đến sự
chết vì khi ấy bạn đang sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc của cuộc đời. Bạn
sẽ không sợ bóng tối, vì bạn đã ở trong một ánh sáng thuần khiết. Đó là toàn bộ
mục đích đời bạn. Đức Thích Ca đã tìm kiếm điều này và sau 6 năm nỗ lực tu tập,
Ngài đã đạt được nó.
Bạn cũng có thể đạt tới trạng
thái an lạc đích thực đó. Khi nói như vậy, tôi không hề muốn bạn mơ mộng hão
huyền về một sự giác ngộ nào. Tôi chỉ đưa ra một sự thật: nếu bạn muốn sở hữu một
năng lượng to lớn, không dễ hoảng loạn vì bất kỳ sự cố nào trong đời thì chắc
chắn bạn sẽ đạt được. Chúng ta sẽ gọi đó là niềm an lạc thực sự hơn là niềm hạnh
phúc trong giây lát, bởi lẽ cái từ hạnh phúc sẽ khiến bạn nghĩ ngay đến cái
khái niệm hạnh phúc xưa nay đã ăn sâu trong tâm trí bạn. Thực sự không phải như
thế.
Cái mà bạn tưởng là hạnh phúc
chỉ là tương đối. Nhưng hạnh phúc mà Đức Phật nói đến lại tuyệt đối. Hạnh phúc
của bạn là một tình trạng tương đối. Hạnh phúc của Đức Phật là tuyệt đối, không
liên hệ với bất kỳ ai khác. Hạnh phúc thật sự nằm sâu trong tâm hồn bạn không
chút sẻ chia, so sánh.
Đuổi bắt cầu vồng
Người Mỹ cho rằng mưu cầu hạnh
phúc là đặc quyền cơ bản của con người. Như vậy, con người hầu như không có ý
tưởng nào khác ngoài việc theo đuổi khát vọng được hạnh phúc. Nếu theo đuổi hạnh
phúc là đặc quyền cơ bản của nhân loại, thì sẽ ra sao nếu con người không thể
có hạnh phúc? Những người suốt đời chỉ theo đuổi hạnh phúc liệu có biết rằng hạnh
phúc nào cũng đi đôi với nỗi bất hạnh thầm kín?
Tôi nói quan niệm trên là không
thực tế vì không ai có thể theo đuổi được hạnh phúc. Nếu bạn xem hạnh phúc là một
cái gì đó chắc chắn, bạn sẽ không thể đạt được nó. Hạnh phúc là một quá trình;
nó chưa bao giờ là kết quả của một sự theo đuổi. Nó xuất hiện thậm chí ngay cả
khi bạn không nghĩ gì về nó – như thế làm sao có thể nói là theo đuổi? Hạnh
phúc xuất hiện bất ngờ, và ở bất kỳ đâu.
Một ngày nào đó, bạn có thể đi
đốn củi – tất nhiên đốn củi không phải là hạnh phúc, nhưng bạn hãy nghĩ xem, một
buổi sáng tinh mơ, khi mặt trời vẫn chưa lên, hơi lạnh còn lan tỏa khắp không
gian, tiếng bổ củi đều đều…, những mảnh cây nhỏ văng ra khắp nơi, đánh động khu
rừng nhỏ và để lại những âm vang… Bạn bắt đầu đổ mồ hôi, và hơi lạnh khiến bạn
cảm thấy lạnh hơn. Bỗng dưng bạn cảm thấy hạnh phúc, nó đến một cách bất ngờ
như một niềm vui tuôn trào. Nhưng khi đó bạn chỉ đơn giản là đi đốn gỗ – mà đốn
gỗ hình như chẳng liên quan gì đến việc theo đuổi hạnh phúc.
“Tôi không thể quên một ngày…”
Có một cái gì đó thật phi logic và không hề thích hợp nhưng lại khiến bạn nhớ.
Bạn không thể hiểu lý do gì chúng lại xuất hiện trong trí nhớ của bạn trong khi
hàng tỷ thứ quan trọng hơn, ý nghĩa hơn lại hầu như biến mất. Những gì không
quan trọng vẫn để lại một dấu vết, bạn không thể hiểu nổi tại sao chúng cứ tồn
tại ở đó.
Tôi nhớ một câu chuyện như thế
này. Một hôm, tôi đi từ trường về nhà – trường cách nhà tôi khoảng một dặm –
thì tôi thấy một cây bồ đề mọc khoảng giữa đường đi. Bình thường tôi đi qua cây
bồ đề ít nhất bốn lần trong ngày: một lần đi đến trường, một lần về nhà ăn
trưa, một lần đi học chiều và một lần trở về nhà. Tôi đi qua cái cây ấy cả
nghìn lần, nhưng chỉ có một lần tôi thực sự thấy nó. Hôm ấy trời rất nóng. Khi
đến gần cây bồ đề, tôi toát cả mồ hôi. Tôi đứng dưới tán cây và cảm giác mát lạnh
đến nỗi không muốn bước đi nữa mà không hiểu tại sao. Chỉ đơn giản là đứng cạnh
một bóng cây to, ngồi xuống và cảm nhận về cái cây kỳ lạ ấy. Tôi không thể giải
thích điều gì đã xảy ra nhưng thực sự tôi cảm thấy hạnh phúc quá đỗi như thể có
một điều bí ẩn vừa được hé mở giữa lòng tôi và cái cây kia. Bóng mát của nó chẳng
phải là nguyên nhân vì đâu phải chỉ có một lần tôi bị toát mồ hôi và đi dưới những
tán cây xanh râm mát. Dường như trước đây cũng có lần tôi dừng lại như thế,
nhưng chưa bao giờ tôi chạm vào gốc cây và ngồi đó như thể gặp lại một người bạn
cũ.
Khoảnh khắc đó vẫn đọng mãi
trong tôi như tia sáng của một vì sao. Đời người có bao nhiêu chuyện xảy ra, vậy
mà tôi chưa từng gặp một sự kiện nhỏ nào nhưng lại sống lâu trong lòng tôi đến
thế. Bất kể lúc nào quay lại, tôi cũng thấy cây bồ đề năm xưa. Hôm đó tôi thực
sự không hiểu; bây giờ tôi cũng không rõ nhưng tôi biết chắc chắn có một cái gì
đó đã xảy ra. Từ bấy đến giờ, tôi xem cây bồ đề xa lạ ấy như một người thân yêu
của mình và gắn bó với nó hơn hết thảy điều gì khác. Lệ thường, khi đi qua cây
bồ đề, thể nào tôi cũng ngồi xuống dưới gốc cây ít phút chỉ để cảm nhận về cây.
Dường như một sợi dây nào đó đã nối kết chúng tôi.
Một ngày kia, tôi rời trường và
chuyển đến một thành phố khác để vào đại học, tôi từ giã bố mẹ, chú bác và cả
gia đình mình mà không rơi nước mắt. Tôi không phải là người dễ khóc. Thế nhưng
phải xa rời cội bồ đề, tôi đã khóc. Nó còn lại trong tôi như một tia sáng nhỏ
nhoi. Khi tôi khóc, tôi có cảm giác cây cũng khóc với mình mặc dù tôi không thể
thấy được giọt nước mắt chảy từ đôi mắt của cây. Tôi cảm giác được nỗi buồn khi
tay chạm vào cây, và tôi như nghe được lời chúc phúc tạm biệt. Đó là lần gặp cuối
cùng, vì khi tôi quay trở lại vào năm sau, cây bồ đề đã bị đốn ngã và chuyển đi
vì một lý do ngớ ngẩn.
Chẳng là người ta muốn xây một
tượng đài nhỏ để biến khu vực này thành một điểm đẹp nhất giữa thành phố. Tượng
đài xây lên để tưởng niệm một gã ngốc nghếch giàu có nào đó đã thắng cử và trở
thành thị trưởng thành phố. Ông ta 35 tuổi, cái tuổi đúng quy định để được làm
thị trưởng ở cái thành phố này. Mọi người rất vui mừng khi có vị thị trưởng mới
bởi với một người ngốc nghếch đến mức như thế, bạn có thể làm đủ mọi chuyện mà
không hề bị can thiệp chút nào. Bạn có thể xây nhà ở giữa đường phố, ông ta
cũng chẳng có ý kiến, chỉ cần bạn bầu cho ông ta lên chức thị trưởng. Vậy nên cả
thành phố hết sức sung sướng vì hết thảy đều được tự do. Các thành viên trong hội
đồng đều hân hoan khi ông ta được làm thị trưởng. Mọi người đều muốn ông cứ mãi
mãi làm vị thị trưởng đáng kính của thành phố. May thay, ngài thị trưởng ngốc
nghếch lại qua đời. Nhưng tiếc thay, cũng vì thế mà người ta lại chọn đúng nơi
có cây bồ đề để xây đựng đài tưởng niệm ông. Thế là cây bồ đề bị đốn ngã. Những
tảng đá cẩm thạch đã thay cho một cái cây tỏa bóng xum xuê.
Theo đuổi hạnh phúc là điều
không thể. Nếu nhìn vào kinh nghiệm của mình và tìm lấy một phút giây hạnh phúc
– có vẻ như rất hiếm hoi – thì chắc rằng bạn chỉ thật sự hạnh phúc vào đôi ba lần
nào đấy trong cuộc đời. Kể cả khi niềm hạnh phúc ngắn ngủi xuất hiện thì cũng
không có ngoại lệ: rằng hạnh phúc đến khi bạn không tìm kiếm nó.
Cố tìm kiếm hạnh phúc chỉ khiến
cho bạn càng thêm tiếc nuối.
Tôi không đồng ý với Đức Jesus ở
nhiều điểm. Phải chăng tôi là người không tốt? Ngài dạy rằng: “Tìm thì sẽ thấy.
Hỏi sẽ được trả lời. Gõ cửa, cửa sẽ mở.” Tôi không nghĩ thế.
Người Mỹ khi cho rằng “mưu cầu
hạnh phúc”, dù là ý thức hay vô thức, họ đã nhớ đến thông điệp của Chúa: “Tìm sẽ
gặp.” Nhưng tôi nói: “Nếu tìm, bạn sẽ không bao giờ gặp.” Đừng tìm, nó vẫn còn ở
đó.
Chừng nào dừng việc tìm kiếm hạnh phúc lại, khi ấy bạn mới có hạnh phúc – bởi lẽ tìm kiếm đồng nghĩa với sự căng thẳng, còn không thiết tha mưu cầu thì đồng nghĩa với sự nghỉ ngơi. Hạnh phúc chỉ thực sự đến khi nào bạn được nghỉ ngơi.
Một người cứ mãi đòi hỏi kiếm
tìm, làm sao có thể được thảnh thơi! Anh ta đâu có cố nghỉ ngơi. Bạn sẽ ngạc
nhiên nếu nhìn kỹ cuộc sống quanh bạn: chính những người nghèo khó lại dễ hài
lòng với cuộc sống hơn. Người dân Ethiopia chết đói mà không chút cay đắng hay
oán hận. Phần lớn những người luôn bất an đau khổ lại là những người Mỹ. Thật kỳ
lạ. Ở nước Mỹ, mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người. Nó chẳng có
liên quan đến bất kỳ một lề luật nào trên thế giới.
Theo đuổi hạnh phúc là một sự rồ
dại vì chẳng bao giờ người ta có thể thành công. Càng cố gắng, càng giãy giụa
người ta càng bất hạnh và đau khổ.
Hạnh phúc là cái đang diễn ra.
Bạn không quản lý nó, không tạo ra nó, không sắp xếp nó. Hạnh phúc nằm ngoài những
nỗ lực của bạn. Ngay khi đào một cái hố trong vườn, nếu bạn hoàn toàn bị thu
hút vào việc ấy – bạn tập trung đến độ bỏ quên cả thế giới xung quanh và cả bản
thân bạn – thì chính khi đó, hạnh phúc hiện diện.
Hạnh phúc luôn đi cùng chúng
ta. Nó không phải là chuyện thời tiết, chuyện đốn gỗ hay đào hố trong vườn. Làm
một cái gì đó không phải là hạnh phúc. Đừng trông đợi, hãy nghỉ ngơi, thưởng thức
sự tồn tại của mình, bạn sẽ thấy hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy không đến, không
đi. Nó luôn ở đó, như hơi thở lưu thông, như mạch máu tuần hoàn trong cơ thể bạn.
Nếu cứ khăng khăng đi tìm hạnh
phúc, bạn sẽ đánh mất nó. Nỗi bất hạnh là người bạn đồng hành của sự đeo bám.
Càng đeo đuổi một mục tiêu nào đó, bạn càng dễ rơi vào nỗi bất hạnh. Con người
đã chạy theo tiền bạc, quyền lực và tôn giáo một cách liều lĩnh. Họ đi khắp thế
giới để tìm cho được ai đó dạy cho họ thế nào là hạnh phúc.
Điều quan trọng nhất là hãy trở
về và quên mọi thứ đi. Nếu thích vẽ, bạn không cần phải đi học vẽ; hãy tưới màu
sắc lên bức vải trước mặt. Đứa trẻ nào cũng có thể làm được điều đó. Hãy tô màu
lên bức vải, có thể bạn sẽ ngạc nhiên: Ồ, mình có phải là họa sĩ đâu, vậy mà có
một cái gì đẹp đẽ đang hiện ra trước mắt. Màu sắc hòa trộn vào nhau theo một
cách nào đó đã tạo ra một sản phẩm không thể gọi tên.
Những tác phẩm hội họa hiện đại
thường không có tên; thậm chí nhiều bức tranh còn không có cả khung nữa (bởi lẽ
cuộc sống rộng lớn làm gì có kích cỡ). Hãy nhìn qua cửa sổ, bạn sẽ thấy bầu trời
dường như bị đóng khung, nhưng bầu trời mênh mông kia sao có thể đóng khung được.
Người họa sĩ thậm chí không cần vẽ lên bức vải mà vật liệu của anh ta là vô số
thứ: bức tường, nền nhà, trần nhà. Đó là những bức tranh kỳ lạ, song từ đó tôi
có thể nhìn được bên trong tâm hồn người nghệ sĩ. Họ không quan tâm đến việc
làm ra một bức tranh; họ chỉ quan tâm đến hành động vẽ tranh. Nó đâu phải để
bán. Người ta không thể mua cái trần nhà. Trong khi người họa sĩ chú tâm từng
nét vẽ, một cái gì đó đã âm thầm đi vào sự sống của họ, khiến họ hứng thú cao độ
mà không có lý do nào cụ thể.
Bạn đã hiểu vì sao tôi lại
không thích ý tưởng theo đuổi hạnh phúc rồi chứ. Người nào đã đề xuất cái ý tưởng
“theo đuổi hạnh phúc”, người ấy đích thực là một kẻ đau khổ. Anh ta không bao
giờ biết đến hạnh phúc. Anh ta chỉ theo đuổi nó.
Nijinsky, một trong những nghệ
sĩ múa lừng danh nhất thế giới, một “người-múa” vĩ đại mà tạo hóa đã sinh ra. Khi
múa Nijinsky là một vị thần. Ông từng có những động tác nhảy tuyệt diệu như
trong huyền thoại, đến nỗi người ta có cảm giác ông thoát khỏi sức hút của trái
đất. Những vận động viên tham gia thi nhảy xa trong kỳ thế vận hội không thể so
sánh với Nijinsky. Nhưng điều thần kỳ hơn nữa là cách ông rơi xuống mặt đất:
như một chiếc lá – chậm rãi, nhẹ nhàng. Dường như chẳng có quy luật khoa học
nào của vũ trụ có thể ảnh hưởng đến những bước nhảy của người nghệ sĩ huyền thoại
đó. Cách chạm đất của Nijinsky bình dị, không vội vã, bởi chẳng có gì để ông cố
bám lấy cả. Một chiếc lá rơi khỏi cành còn nhanh hơn bước chân của Nijinsky.
Ông rơi như một chiếc lông chim, không một tiếng động.
Người ta hỏi đi hỏi lại: Sao
ông có thể làm được như thế?
Nijinsky trả lời: tôi có làm gì
đâu. Nếu gắng gượng làm, tôi chẳng bao giờ thành công. Càng cố gắng bao nhiêu,
tôi càng thất bại bấy nhiêu. Tôi nghiệm ra một điều: điều kỳ lạ chỉ xảy ra khi
tôi không cố gắng, không nghĩ nhiều về nó. Khi tôi “vắng mặt” thì điều kỳ lạ đến.
Còn khi tôi bắt đầu suy nghĩ tại sao nó diễn ra thì ngay lập tức điều kỳ điệu
không còn nữa; tất cả đã ra đi, và tôi trở lại mặt đất.
Giờ đây, Nijinsky đã biết rõ hạnh
phúc là cái không thể theo đuổi. Nếu cần phải chia sẻ với nhân loại, hẳn người
nghệ sĩ hiền minh ấy sẽ viết rằng: “chính sự theo đuổi mới là cội nguồn đau khổ.”
Sống hạnh phúc không giống như cuộc săn tìm của một gã thợ săn. Chúng ta thường
kiếm tìm những chiếc bóng và chẳng bao giờ đến được bất kỳ nơi đâu. Và toàn bộ
cuộc đời chúng ta bị bỏ phí. Dù sống ở môi trường nào – chính trị, thương mại
hay tôn giáo – con người đều liên tục đuổi theo những chiếc bóng nào đó. Họ tất
bật, vội vã. Không ai hỏi họ đi đâu, vì cũng không ai rõ được. Chỉ một điều chắc
chắn là họ phải xoay như chong chóng để tồn tại, để làm chủ một mục tiêu nào
đó. Họ làm như thế vì họ cho rằng đó là quyền cơ bản của mình.
Vậy đó, người ta đi từ người phụ
nữ này đến người phụ nữ khác, rồi một đến một phụ nữ khác nữa; hay đi từ người
đàn ông này đến người đàn ông khác, lại đến người đàn ông khác nữa, hết phi vụ
này đến phi vụ khác – tất cả chỉ nhắm đến mục đích hạnh phúc. Kỳ lạ thay, có vẻ
như hạnh phúc luôn ở một nơi nào đó và con người cần phải chạy đến thưởng thức
nó. Nhưng ta càng cố gắng thì hạnh phúc càng lùi xa.
Cỏ ở đồi bên kia luôn xanh hơn;
bạn đừng nhảy sang ngọn đồi đó chỉ để xem có thật sự như vậy không. Hãy thưởng
thức! Nếu cỏ bên kia xanh hơn, hãy ngắm nó đi. Tại sao lại hủy diệt mọi thứ bằng
cách nhảy sang một ngọn đồi khác và nhận ra rằng cỏ ở đấy chẳng hề xanh hơn ngọn
đồi của bạn tí nào.
Con người cứ mãi đeo đuổi những
ảo tưởng xa vời như thể nó sẽ bù đắp cho họ những gì đã mất.
Cuộc đuổi bắt ấy chẳng giải quyết
được gì. Bạn có thể sống trong một tòa nhà tráng lệ mà vẫn khổ đau hơn cả khi bạn
trú ngụ trong một túp lều tồi tàn. Nếu bạn cảm thấy đau khổ khi sống trong một
túp lều rách rưới cũ kỹ thì ai cũng có thể cảm thông. Họ sẵn sàng lắng nghe bạn
than phiền, kể lể. Mọi người đều hy vọng bạn sẽ tìm được một nơi trú ngụ tốt
hơn, nếu không phải là một tòa nhà sang trọng thì cũng là một ngôi nhà nhỏ bé,
đẹp đẽ. Niềm hy vọng ấy sẽ giữ cho bạn sống, thúc đẩy bạn cố gắng hết ngày này
sang ngày khác. Nhưng có một cái gì đó không thể tựu thành, một thứ mà nó chỉ xảy
ra khi bạn hoàn tất mọi điều. Đơn giản là bạn cứ ngồi xuống và nói: “Thế là đủ.
Tôi sẽ không cố gắng nữa.”
Điều này đã xảy ra với Đức
Thích Ca trong giây phút giác ngộ viên mãn.
Chính Ngài cũng đã theo đuổi mục
đích của mình mà bỏ cả ngai vàng. Ngài là người khai sáng nhiều thứ, cũng là
người đầu tiên buông bỏ nhiều thứ. Muốn rời bỏ một điều gì đó, trước hết bạn phải
sở hữu nó. Đức Phật đã có và có nhiều hơn bất kỳ con người nào trên thế gian
này. Ngài được nhiều cung nữ xinh đẹp vây quanh, ngày ngày được hưởng sơn hào hải
vị, sống giữa hàng trăm nô lệ và ngự giữa những vườn thượng uyển lộng lẫy.
Đức Phật nói: “Ta đã từ bỏ tất
cả. Ta không tìm kiếm hạnh phúc nào ở thế gian. Ta sẽ tìm kiếm nó, theo đuổi
nó, làm mọi thứ để có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự.”
Trong sáu năm, Ngài đã làm những
gì mà bất cứ ai cũng có thể làm. Ngài đi gặp những bậc thầy, những bậc đại sư,
nhà thông thái, nhà hiền triết, những vị thánh. Đất nước Ấn Độ có thừa những bậc
đạo cao đức trọng đó, đến nỗi bạn không cần phải đi tìm họ. Chỉ cần ra ngõ, bạn
đã có thể gặp được họ. Họ ở khắp mọi nơi, nếu bạn không thấy họ, họ sẽ tìm bạn.
Thời của Đức Phật là như vậy. Thế nhưng, sau sáu năm ròng tu tập – khổ hạnh, ăn
kiêng, luyện tập yoga – Ngài vẫn không tìm được hạnh phúc. Và chuyện xảy ra vào
một ngày kia…
Suốt quãng thời gian tu hành, Đức
Phật đang ăn kiêng, tu khổ hạnh và ép xác mỗi ngày, Ngài trở nên yếu ớt đến nỗi
không thể xuống dòng sông nhỏ Niranjana để tắm. Nếu không vịn vào một gốc cây
bên bờ sông, Ngài có thể bị trượt chân trôi theo dòng nước. Trong khi đang bám
vào gốc cây, Ngài bỗng lóe lên một suy nghĩ: “Các hiền triết cho rằng tồn tại
cũng giống như một đại dương. Nếu sự sống là đại dương, thì bất kỳ điều gì ta
đã làm đều không đúng, bởi nếu ta không thể băng qua được con sông Niranjana bé
nhỏ này thì làm sao có thể băng qua đại dương sự sống? Những gì ta đã làm là
lãng phí thời gian, năng lượng và thể xác.” Cuối cùng, Ngài quyết định quay trở
lại bờ, quyết định vứt bỏ mọi nỗ lực và ngồi xuống dưới một gốc cây.
Buổi tối hôm đó, dưới ánh trăng
lồng lộng mênh mang, lần đầu tiên trong sáu năm trời, Ngài được ngủ một giấc
ngon lành, không phải lo âu mình sẽ đi đâu, làm gì vào sáng mai. Không tu luyện,
không khổ hạnh, không cần phải dậy sớm trước khi mặt trời mọc. Đó là lần đầu
tiên Ngài hoàn toàn tự do, thoát khỏi mọi cố gắng, tìm kiếm, theo đuổi. Ngài đã
ngủ một giấc ngủ khác thường, và một buổi sáng khi mở mắt ra, ngôi sao cuối cùng
đã tắt. Người ta cho rằng ngôi sao cuối cùng biến mất đồng nghĩa với sự biến mất
của con người Tất Đạt Đa trước đó. Giờ đây Ngài đã thực sự sống trong sự an lạc,
không còn lo lắng đến tương lai, không còn theo đuổi điều gì, không cố gắng làm
một điều gì nữa… Nằm xuống, không vội vã thức sớm, Ngài nhận ra rằng sáu năm
qua giống như một cơn ác mộng. Nhưng tất cả đã qua đi. Ngôi sao đã biến mất, và
thái tử Tất Đạt Đa cũng không còn hiện diện như một con người trần tục.
Người ta gọi đó là kinh nghiệm
an lạc, kinh nghiệm về sự thật cuối cùng mà chúng ta cứ mãi tìm kiếm và bỏ lỡ
nó bao nhiêu lần. Nhiều Phật tử đã không thể hiểu nổi ý nghĩa của câu chuyện
này. Đó là biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời Đức Phật mà không gì có thể
so sánh được.
Nhưng có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên lắm…
Tôi không phải là Phật tử, và tôi bất đồng với Ngài về cả nghìn việc. Song, tôi
là người đầu tiên trong hai mươi lăm thế kỷ nhấn mạnh câu chuyện này và đưa nó
thành vấn đề cốt yếu, bởi lẽ đó chính là giây phút thức tỉnh sâu sắc của Ngài.
Nhiều Phật tử và tu sĩ Phật giáo không thể kể lại câu chuyện này, bởi vì nếu kể
lại thì biết bao công sức khổ luyện của họ có ý nghĩa gì? Họ đang cố đạt tới điều
gì? Họ đang rao giảng điều gì, thực hành và cầu nguyện cái gì? Nếu bạn kể lại
câu chuyện rằng Đức Phật đã chấm dứt mọi nỗ lực tìm kiếm những giáo điều vô
nghĩa thì người nghe sẽ hỏi bạn: Vậy, ông đang rao giảng cho tôi thực hành một
thứ vô nghĩa hay sao? Và chúng ta sẽ phải chấm dứt việc rao giảng đó trong nay
mai hay sao? Nếu cuối cùng chúng ta vẫn phải dừng lại thì tại sao lại bắt đầu
nó làm gì?
Đối với các tu sĩ, điều này thật
khó trả lời; đặt câu hỏi như thế là hủy diệt toàn bộ sự nghiệp và công lao tu tập
suốt một đời của họ.
Sự thật và niềm an lạc của con
người cũng giống như thế. Bạn chỉ cần ngồi xuống, không làm gì cả, chờ đợi –
không phải chờ đợi Godot, mà chỉ đơn giản là chờ đợi, không phải vì một cái gì
đặc biệt mà chỉ đơn giản là chờ đợi, ở tư thế chờ đợi, và điều gì đến sẽ đến. Hạnh
phúc cuối cùng sẽ đến.
Cội nguồn đau khổ
Sống là khổ. Con người đã chìm
dưới nỗi đau khổ hàng bao nhiêu thế kỷ. Rất hiếm khi bạn gặp một người không hề
đau khổ. Đó là lý do tại sao người ta không thể tin có một người như Đức Phật tồn
tại trên đời này. Họ không thể tin vì họ vẫn mãi sống trong nỗi khổ riêng. Họ
vướng sâu vào nỗi khổ và không có cách nào thoát ra được.
Người ta vẫn cho rằng Đức Phật
là một nhân vật tưởng tượng, một người như Phật Thích Ca chỉ là một giấc mơ đẹp
của nhân loại. Đó chính là điều mà Sigmund Freud nói, con người giống Đức Phật ở
giấc mơ hoàn thiện. Chúng ta muốn thoát ra khỏi đau khổ, chúng ta muốn yên lặng,
hòa bình, muốn tạ ơn… nhưng không làm sao thực hiện được. Freud nói: thật sự
con người không nên hy vọng điều gì tốt đẹp hoàn hảo; nó không bao giờ xảy ra
vì đó là bản chất tự nhiên của mọi sự vật. Con người không thể tìm thấy hạnh
phúc.
Chúng ta cần phải lắng nghe
Freud một cách cẩn trọng và thấm thía, không nên phủ nhận hoàn toàn. Thông điệp
của ông là một trong những tư tưởng được quan tâm nhiều nhất. Khi quả quyết rằng
hạnh phúc là điều không thể có, Freud cũng đồng thời khẳng định niềm hy vọng về
hạnh phúc cũng hão huyền không kém. Kết luận đó không phải của một nhà triết học
mà của một người quan sát, chiêm nghiệm về nỗi đau khổ của con người. Freud
không thuộc kiểu người bi quan. Nhưng sau khi tìm hiểu hàng ngàn số phận, phân
tích sâu sắc tâm lý của họ, ông nhận ra rằng con người dù sống thế nào cũng đều
chịu đựng đau khổ. Cùng lắm là chúng ta có cảm giác hài lòng chứ không bao giờ
đạt tới niềm vui tối thượng. Cùng lắm là chúng ta có thể làm cho cuộc sống trở
nên dễ chịu hơn một chút – nhờ vào những phương tiện khoa học kỹ thuật, tiến bộ
xã hội, phát triển kinh tế, v.v... – nhưng lúc nào con người cũng sống trong nỗi
đau khổ. Làm sao Freud tin vào sự hiện hữu của một người như Thích Ca ngoài đời
thật? Sự thanh thản bình yên ấy của Đức Phật dường như chỉ là một giấc mơ; dường
như nhân loại đang mơ về một cuộc sống Phật tính.
Đối với Freud, sự tồn tại của một
nhân vật như Phật Thích Ca là một ngoại lệ khác thường. Cuộc đời Ngài là một
huyền thoại, nó nằm ngoài quy luật thế gian.
Tại sao con người mãi đau khổ
trong khi cái mà tất cả mọi người khát khao kiếm tìm là hạnh phúc. Không ai muốn
mình khổ, nhưng ai cũng khổ. Ai ai cũng muốn được hạnh phúc, toại nguyện, bình
an và yên tĩnh. Ai cũng muốn vui vẻ, hòa đồng. Nhưng hình như những điều ấy rất
khó xảy ra. Giờ đây chúng ta biết rõ một nguyên nhân sâu xa mà những phân tích
lô-gic của Freud không thể chạm tới.
Chúng ta phải chú ý rằng: con
người muốn hạnh phúc, vì thế mà họ luôn giày vò mình trong đau khổ. Càng khát
khao hạnh phúc bao nhiêu, chúng ta càng đau đớn bấy nhiêu. Điều này có vẻ vô lý
nhưng nó lại là nguyên nhân sâu xa. Nếu nắm được vai trò của lý trí trong quá
trình tư duy của con người, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn vấn đề này.
Mong muốn hạnh phúc bao giờ cũng tạo ra đau khổ. Nếu muốn thoát ra khỏi đau khổ, tốt nhất chúng ta hãy thoát ra khỏi ước mong hạnh phúc, khi đó không gì có thể làm cho bạn đau khổ được. Đây là điểm mà Freud đã bỏ qua. Freud không thể hiểu rằng khát khao hạnh phúc là cội nguồn đau khổ.
Thời khắc mà bạn mơ ước hạnh phúc chính là lúc bạn đang rời xa hiện tại, rời xa cuộc đời trước mắt để sống trong tương lai – nhưng tương lai là cái chưa có, chưa hiển hiện; nghĩa là bạn đang sống trong một giấc mơ không thật, và càng ngày càng dấn sâu thêm vào vòng xoáy sai lầm.
Mong ước hạnh phúc chứng tỏ bạn không bình an trong hiện tại, chứng tỏ bạn đang có một nỗi khổ nào đó. Bạn muốn gửi nỗi khổ ấy vào nơi khác để không phải lo âu buồn bã. Đôi khi bạn cảm thấy đỡ ưu phiền nhưng hạt giống đau khổ vẫn còn nguyên trong bạn. Nó chỉ tạm thời rời khỏi bạn, nhưng mọi thứ vẫn chẳng có gì thay đổi. Cũng như một đứa bé đang lớn lên, nó đang biến chuyển từng giây phút nhưng vẫn gương mặt ấy, dòng máu ấy.
Giờ đây bạn đang bất hạnh. Mong muốn thiết tha của bạn là ngày mai sẽ được hạnh phúc, nhưng cái ngày mai ấy chỉ là những ước đoán của tất cả những gì bạn làm trong ngày hôm nay. Bạn đang bất hạnh, bạn mong ngày mai sẽ sung sướng hơn, và kết quả là bạn càng thêm bất hạnh. Thất bại này khiến bạn càng đói khát hạnh phúc, và dĩ nhiên là càng khổ sở hơn. Bạn rơi vào một vòng tròn luẩn quẩn không sao thoát ra được, như con chó cứ muốn đuổi theo cái đuôi của mình.
Các thiền sư đã dẫn ra câu chuyện về người đánh xe và con ngựa. Nếu con ngựa không chịu đi chuyển, người đánh xe càng điên lên và quật con ngựa tới tấp, nhưng càng bị quật nó càng đứng im. Bất kỳ điều gì bạn mơ ước, khao khát đều khiến bạn trở nên đau khổ hơn mà thôi. Vì thế, điều đầu tiên bạn cần làm là đừng mơ ước nữa. Chỉ có hiện tại là quan trọng nhất, cho dù hiện tại có như thế nào. Và theo đó, một thông điệp lớn lao đang chờ đợi bạn.
Thông điệp ấy như sau: tại đây, lúc này, không có ai đau khổ cả.
Bạn đã có bao giờ khổ sở ngay tại đây, ngay lúc này không? Ngay tại khoảnh khắc này, tôi nhấn mạnh, có ai trong chúng ta thực sự đau khổ ngay lúc này không? Ngày hôm qua có thể là bất hạnh. Ngày mai có thể bất hạnh. Nhưng ngay lúc này – ngay khoảnh khắc phập phồng sống động của thực tại, không âu lo quá khứ, tương lai, bạn có đau khổ không?
Ký ức có thể mang lại cho bạn nỗi đau khổ. Ai đó đã sỉ nhục bạn hôm qua, đến bây giờ bạn vẫn bị tổn thương, đau đớn. Tại sao, tại sao điều đó lại xảy ra với bạn? Tại sao người ta lại sỉ nhục bạn? Bạn đã làm nhiều điều tốt đẹp, đã sống rất tử tế, nhưng bị lăng mạ không thương tiếc. Bạn đang suy nghĩ về những điều không còn nữa. Nó là câu chuyện của ngày hôm qua.
Bạn có thể đau khổ khi nghĩ tới tương lai. Ngày mai, bạn sẽ hết tiền, bạn sẽ ở đâu? Bạn sẽ ăn gì? Không còn tiền trong túi, bạn sẽ trở nên bất hạnh biết bao nhiêu. Bất hạnh là cái đến từ quá khứ hoặc tương lai, nó không thuộc về hiện tại. Hiện tại là cái không chứa đựng đau khổ.
Nếu thấm nhuần suy nghĩ này, bạn sẽ trở thành một vị Phật. Không ai có thể cản trở con đường của bạn. Bạn sẽ quên hết mọi lời nói của Freud; hạnh phúc không chỉ là cái có thể xảy ra mà nó vẫn đang hiển hiện. Nó ở ngay trước mặt bạn nhưng bạn đã bỏ qua, đơn giản chỉ vì bạn đang đi tìm một con đường nào đó xa xôi.
Hạnh phúc nằm ở chính nơi mà chúng ta đang sống. Chúng ta ở đâu, hạnh phúc xuất hiện ở đó. Hạnh phúc bao xung quanh ta một cách tự nhiên như không khí, như bầu trời. Hạnh phúc không phải là thứ phải đi tìm; nó là chất liệu của vũ trụ bao la. Hãy thưởng thức nguồn năng lượng tuyệt vời ấy. Bạn phải nhìn thẳng vào nó, đối điện trực tiếp với nó. Chỉ cần lơ đãng mong cầu hão huyền, bạn sẽ lập tức đánh mất nó.
Chúng ta tự mình đánh mất hạnh phúc. Chúng ta bất hạnh vì đã tiếp cận sai hướng.
Nếu khư khư nhìn vào quá khứ hoặc nghĩ về tương lai và cố gắng vượt qua đau khổ thì bạn chỉ chuốc lấy thất bại. Bạn không thể làm chủ được nó – cho dù bạn đã cố gắng nhiều đến đâu. Điều quan trọng nhất là bạn không thể tạo ra nỗi đau khổ ngay lúc này.
Mong cầu hạnh phúc khiến bạn cứ mải mê nhìn ra chỗ khác và bỏ lỡ niềm hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc đâu phải là cái được tạo ra, hạnh phúc chỉ đơn giản là cái sẵn có. Nó luôn hiện diện trong hiện tại. Ngay lúc này, bạn hạnh phúc, thật sự rất hạnh phúc. Đức Phật cũng trải qua kinh nghiệm ấy. Ngài là con của một vị vua, Ngài có đủ mọi thứ mà vẫn không hạnh phúc. Ngài chỉ cảm thấy chồng chất khổ tâm, vì càng sở hữu nhiều thứ thì càng khó có được hạnh phúc thực sự. Đó là nỗi khổ của người giàu: càng tích lũy nhiều của cải thì càng sợ mất. Những người nghèo luôn biết rõ việc họ làm: họ phải kiếm tiền để sống, phải xây nhà, phải mua xe, phải có tiền cho con đi học đại học. Lúc nào họ cũng lo nghĩ công việc sắp tới. Họ bận rộn với tương lai và hy vọng: “Một ngày nào đó, … nhất định một ngày nào đó…” Họ khổ sở nhưng họ sống trong hy vọng.
Những người giàu cũng khổ sở nhưng họ lại chẳng có gì để hy vọng. Họ đau khổ gấp đôi, tội nghiệp gấp đôi. Họ mong ngóng một tương lai nào đó mà cái tương lai ấy dường như cũng không mang lại cho họ điều gì, vì họ đã quá đầy đủ. Họ luôn sống trong lo lắng, nghi ngờ. Rồi họ trở nên đau đớn vô cùng. Phật Thích Ca đã từng sống một cuộc đời như thế. Từ giã mọi cao sang quyền quý, từ giã người vợ hiền xinh đẹp và đứa con trai vừa mới sinh, Ngài trốn khỏi cung điện. Ngài trở thành người ăn xin. Ngài bắt đầu đi tìm hạnh phúc, hỏi khắp các vị đại sư, hiền triết để xin lời khuyên. Rồi Ngài cũng thực hành theo những gì được chỉ dạy. Nhưng càng nghe theo những lời khuyên, Ngài càng bị rối bời, mờ mịt.
Dường như Ngài đã thử làm tất cả những gì được mách bảo. Nghe theo lời khuyên: “Hãy luyện Hatha Yoga đi,” Ngài trở thành một người thực hành Hatha Yoga mẫu mực. Nhưng cũng chẳng có niềm hạnh phúc nào xuất hiện cả. Có chăng là một cơ thể mạnh khỏe hơn mà thôi. Người ta có thể mạnh khỏe hơn đôi chút, nhưng điều đó không đồng nghĩa với hạnh phúc. Năng lượng nhiều mà làm gì nếu cứ dồn hết năng lượng ấy vào nỗi mong chờ bất hạnh. Nghèo túng khiến ta khổ sở, nhưng giàu có cũng làm ta khổ sở hơn vì bao nhiêu mới đủ cho nhu cầu của chúng ta.
Đức Phật chấm dứt mọi sự luyện tập Yoga. Ngài lên đường tìm kiếm các vị thầy khác, những học giả, nhà thông thái, nhà thiền định… Ngài cũng vâng theo lời các vị ấy, và tất nhiên cũng không có niềm hạnh phúc nào xuất hiện. Ngài thực sự mong cầu hạnh phúc. Khi chúng ta thực sự tìm kiếm một điều gì đó tức là chúng ta không còn phương cách nào để giải quyết cả.
Một người tầm thường sẽ dừng lại bất kỳ một nơi nào đó trên đường vì họ không thực sự muốn tìm kiếm. Người tận cùng khát khao là người có thể đi đến cuối con đường, để nhận ra một điều là mọi sự tìm kiếm đều vô nghĩa lý. Chính sự tìm kiếm là con đường của khát khao – Đức Phật đã nhận biết điều trọng yếu ấy trong một ngày giác ngộ. Ngài đã từ bỏ cung điện, từ bỏ mọi kho tàng vật chất, và sau sáu năm, Ngài từ bỏ cả việc đi tìm kiếm hạnh phúc. Nghĩa là Ngài đã chấm dứt việc tìm kiếm vật chất trước, và sau đó là chấm dứt những khao khát về tinh thần. Thế giới đã dừng lại từ lâu, giờ đây, Ngài cũng đã dừng lại. Ngài từ bỏ hoàn toàn mọi dục vọng, mong cầu…, và ngay lúc ấy, hạnh phúc có mặt. Giây phút đó tràn trề ân phúc. Chấm dứt mọi mong muốn, mọi hy vọng, thái tử Tất Đạt Đa lập tức trở thành Đức Phật. Ngài đã tìm kiếm quá lâu trong khi hạnh phúc ở trước mặt Ngài. Hạnh phúc ở đó, tràn ngập khắp nơi trong vũ trụ. Đó là an lạc, là sự thật, là thần thánh.
- Alexander Đại đế (356 – 323 TCN): Vị vua thứ 14 của vương quốc Macedonia (336 – 323 TCN). Ông được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới lúc bấy giờ.
- Vaslav Nijinsky (1890 – 1950): Nghệ sĩ múa ba lê huyền thoại người Nga gốc Ba Lan. Tên tuổi của ông sống mãi cũng những vở ballet lừng đanh như Cleopatra, Người đẹp say ngủ…
- Hatha Yoga: Một nhánh tu học Yoga, nhằm tu luyện Yoga thân thể; khác với nhánh còn lại của Yoga là Raja Yoga nhằm tu luyện Yoga tâm thức.
0 Đánh giá