Khi bạn cảm thấy có trách nhiệm với những vật nhỏ bé nhất, cuộc sống sẽ đáp lại bạn bằng hàng ngàn cách

Khi bạn cảm thấy có trách nhiệm với những vật nhỏ bé nhất, cuộc sống sẽ đáp lại bạn bằng hàng ngàn cách

Price:

Read more

Thiền Osho Podcastsho

Khi bạn cảm thấy có trách nhiệm với những vật nhỏ bé nhất, cuộc sống sẽ đáp lại bạn bằng hàng ngàn cách



Osho yêu quý,
Càng thiền sâu tôi càng cảm thấy mình phải trách nhiệm với bản thân và với thế giới.
Làm sao như thế được?
Cũng vậy thôi, vẫn là câu hỏi đó.
Càng là chính mình, bạn sẽ càng cảm thấy có trách nhiệm với thế giới bởi vì càng hòa nhập vào thế giới thì bạn không còn tách rời khỏi nó nữa. Việc thực sự là chính mình có nghĩa là trách nhiệm to lớn - nhưng không phải gánh nặng. Nó là niềm vui khi bạn được làm điều gì đó cho hiện hữu.
Hiện hữu đã làm rất nhiều cho bạn và bạn sẽ không cách nào đền đáp hết. Nhưng ta có thể làm được chút gì đó, dù là rất nhỏ so với những gì hiện hữu đã đem đến cho ta, nhưng ít nhất đó cũng là lòng tri ân của ta. Vấn đề không phải là nhiều hay ít; vấn đề là ở lời cầu nguyện của ta, lòng biết ơn của ta, và nhất thể của ta cũng nằm trong đó.
Đúng vậy, điều đó sẽ xảy ra: càng là chính mình, bạn càng cảm thấy mình phải có những trách nhiệm mà trước đây bạn chưa bao giờ cảm nhận được.
Điều này nhắc tôi nhớ, trong cuộc đời của Mahavira, vị triết gia có ảnh hưởng nhất trong Kỳ na giáo... Ngài du hành khắp nơi cùng môn đồ thân tín nhất của mình là Goshalak. Và đây là câu chuyện họ đang bàn luận với nhau. Mahavira nói: "Trách nhiệm của ta đối với cuộc sống cho thấy ta đã đi đến đâu trên con đường tới thực tại đích thực. Ta không nhìn thấy thực tại đích thực nhưng ta có thể thấy trách nhiệm của mình."
Trên đường họ nhìn thấy một cây con. Và Gosholak là một nhà logic học - anh nhổ cây này lên và vứt đi. Đó là một cây con với những chiếc rễ bé xíu.
Mahavira nói: "Vậy là vô trách nhiệm. Nhưng con không thể làm điều gì chống lại cuộc sống được. Con có thể cố, nhưng nó sẽ không cho kết quả ngược lại."
Goshalak đáp: "Vậy, cuộc sống đã làm gì cho con nào? Con nhổ cái cây đó đi; và cuộc sống cũng chẳng thể nào làm cho nó sống lại được."
Mahavira cười lớn. Rồi họ tiếp tục đi vào thị trấn để khất thực. Ăn xong họ quay lại, và thật kỳ lạ: cây con kia đã đứng dậy sống tiếp. Trong lúc họ vào thị trấn thì ở đây trời đổ mưa, và rễ cây nhờ cơn mưa mà đâm xuống đất. Rễ cây rất bé, mà trời thì gió, và gió đã giúp cho cây đứng dậy.
Khi họ trở lại, cây con kia đã vươn lên vững chãi. Mahavira nói: "Hãy nhìn xem. Ta đã nói rồi, con không thể chống lại sự sống được. Con có thể cố, nhưng nó sẽ trở lại chống lại con, vì nó sẽ tách con ra càng xa khỏi cuộc sống. Nó sẽ không đưa con đến gần thêm đâu.
Hãy xem cái cây này. Ai mà nghĩ được là chuyện này sẽ xảy ra, rằng cơn mưa và gió trời sẽ đem nó trở lại, đâm rễ thật sâu xuống đát. Nó sẽ sống cuộc đời của nó.
Đối với chúng ta, nó chỉ là một cây con, nhưng nó là một phần của vũ trụ bao la, của sự sống bao la, của quyền năng vĩ đại." Và Mahavira bảo Goshalak: "Từ đây con đường của chúng ta chia cắt. Ta không thể cho phép một người chống lại sự sống và không cảm nhận được trách nhiệm của mình sống với ta được."
Toàn bộ triết lý phi bạo lực của Mahavira có thể gọi là triết lý tôn thờ sự sống. Phi bạo lực đơn giản là một phần của nó.
Điều này sẽ vẫn diễn ra như vậy: càng hiểu chính mình, bạn càng cảm thấy mình có trách nhiệm với nhiều thứ mà bạn chưa bao giờ để tâm đến. Hãy coi đó là một tiêu chí: càng thấy mình có trách nhiệm với mọi người, mọi vật, sự sống, bạn càng yên tâm là mình đang đi đúng đường.
Thầy giáo của tôi, Giáo sư Ras Biharidas lúc ấy đã già và sống một mình. Ông hài lòng với cuộc sống và vui thú với chính mình rằng không bao giờ ông cần đến một ai. Ông là trưởng khoa và được cấp một căn nhà gỗ lớn - ông sống một mình ở đó. Tôi và ông ngày càng thân thiết hơn và ông yêu quý tôi như một người cha đối với con trai mình.
Ông nói: "Cậu không cần ở trong ký túc xá đâu - hãy về đây với tôi. Cả đời tôi đã sống ở đây rồi..." Ông thường chơi đàn sitar - có lẽ ông là người chơi sitar hay nhất mà tôi từng biết, mà tôi thì đã được nghe tất cả những nghệ sĩ sitar xuất sắc nhất biểu diễn rồi. Thế nhưng ông không chơi đàn để tiêu khiển người ta; đó chỉ là một thú vui của ông.
Chẳng ai có thể tưởng tượng được thời gian biểu của ông: cứ đến 3 giờ sáng là ông lại thức dậy và chơi sitar. 70 năm qua ông vẫn chơi sitar vào lúc 3 giờ sáng. Vấn đề bắt đầu nảy sinh ngay ngày đầu tiên tôi đến sống với ông. Tôi thường đọc sách đến 3 giờ sáng mới đi ngủ - mà giờ đó là giờ ông dậy chơi đàn.
Đối với cả tôi và ông, điều này thật khó chịu, vì tôi thích đọc những gì tôi thích, không phải đọc thầm mà là đọc to lên. Nếu chỉ đọc bằng mắt, bạn chỉ phần nào liên hệ được với tác phẩm. Còn khi bạn đọc lớn một bài thơ, bạn trở thành một phần của nó; lúc đó bạn trở thành thi sĩ. Bạn quên đó là bài thơ của ai đó; nó trở thành một phần xương máu của bạn.
Tất nhiên là tôi làm cho ông khó ngủ. Và lúc tôi đi ngủ thì tôi cũng bị khó ngủ. Ngay bên tai, ở phòng bên cạnh, ông bắt đầu chơi nhạc cụ điện tử - ghi ta, sitar và nhiều nhạc cụ khác. Sau hai ngày, chúng tôi cùng mệt rã rời.
Ông bảo tôi: "Cậu cứ ở đây - tôi sẽ đi!"
Tôi đáp: "Thầy không cần đi đâu - mà thầy sẽ đi đâu cơ chứ? Ít nhất con còn có ký túc xá để ở. Con sẽ đi."
Nhưng ông lại nói: "Tôi không thể để cậu đi được. Tôi quý cậu, tôi quý sự hiện diện của cậu ở đây. Nhưng thói quen của chúng ta thật nguy hiểm cho cả hai. Tôi chưa bao giờ đụng chạm đến một ai. Và tôi cũng hiểu cậu - cậu sẽ không đụng chạm đến tôi. Nhưng thế này thì cả hai ta đều chết! Cậu sẽ không bảo tôi thay đổi thời gian biểu. Tôi cũng không thể nói cậu đi khỏi đây; vì thế mà tôi đi - cậu hãy ở lại ngôi nhà này."
Tôi cố thuyết phục ông: "Con không ở đây được đâu. Thầy đi rồi thì trường cũng không cho phép con ở trong căn nhà này - nó là dành cho thầy. Con phải về ký túc xá thôi." Ông đưa tôi trở lại ký túc xá mà nước mắt rưng rưng.
Tôi nhớ đến ông lúc này vì chưa bao giờ trong cuộc đời, tôi từng gặp một người nào nhiệt tình và nhạy cảm đến vậy. Thậm chí nếu có vô tình va phải chiếc ghế, ông cũng dừng lại xin lỗi nó - xin lỗi chiếc ghế. Tôi nói với ông: "Thế này thì quá xa rồi!"
Ông đáp: "Tôi cảm thấy như thế. Tôi va phải chiếc ghế tội nghiệp. Nó không nói được; hẳn nó phải giận tôi lắm. Mà nó là một phần của vũ trụ, nó đã phục vụ tôi, tôi đối với nó lại không trân trọng, tôi va phải nó. Tôi cần phải xin lỗi."
Ở trường người ta cho rằng ông điên - trên thế giới này, một người đi xin lỗi cái ghế thì không thể là người tỉnh táo được. Tôi quan sát ông rất kỹ; ông là một trong những người tỉnh táo nhất. Trách nhiệm của ông thật lớn lao.
Ông không thể bảo tôi, đó là nhà của ông. Ông có thể nói tôi đọc nhỏ lại, đọc vào lúc khác, hoặc đọc vào lúc ông chơi nhạc, nhưng ông không làm vậy. Mọi chuyện có thể dễ dàng hơn rất nhiều - đó là điều mà tất cả mọi người trên thế giới này hẳn sẽ làm. Thế nhưng, sự nhạy cảm và trân trọng sâu sắc đối với người khác của ông, thậm chí cả sự tôn kính của ông đối với đồ vật là không thể lay chuyển.
Người ta nhìn cách ông cư xử và cho rằng: "Ông này có vấn đề về thần kinh." Nhưng không ai chịu hiểu rằng, trạng thái tâm lý bình thường giúp người ta hiểu được trách nhiệm của họ đến mức biến họ thành những người điên trong mắt kẻ khác.
Chẳng hạn như Mahavira chỉ nằm nghiêng một bên khi ngủ. Suốt đêm ông không trở mình một lần nào. Người ta hỏi thì ông đáp rằng - vì ông sống trơ trọi, không có gì là của mình, nằm ngủ trên nền đất trống trải... Nếu trở mình, có thể ông sẽ đè bẹp một chú kiến hay những loài côn trùng khác, mà ông thì không muốn chuyện đó xảy ra. Trách nhiệm của ông trước cả những sinh vật nhỏ bé nhất chứng tỏ sự hợp nhất của ông với cuộc sống.
Cách ông khất thực cũng sẽ giải thích cho bạn hiểu ý tôi muốn nói. Không nơi nào trên thế giới lại có người làm việc này - quá nhiều niềm tin vào cuộc sống! Buổi sáng, sau giờ thiền định, ông hình dung ra mình sẽ nhận thức ăn trong điều kiện nào. Và nhiều khi suốt 30 ngày trời ông chẳng thể nhận một miếng thức ăn nào chỉ vì cái ông đã hình dung ra, một điều kiện đặc biệt không được đáp ứng. Những điều thật kỳ lạ...
Chẳng hạn, ông mường tượng rằng ông sẽ chỉ nhận thức ăn nếu người phụ nữ ở ngôi nhà đó vừa bế con và cho con bú, vừa đem thức ăn ra cho ông. Và ông sẽ chỉ nhận thức ăn nếu sự việc diễn ra đúng y như vậy; nếu không ngày hôm đó coi như xong. Và hôm sau ông sẽ thử lại.
Môn đồ của ông liên tục bảo ông: "Chuyện này kỳ cục quá! Trước giờ đã có rất nhiều các thầy tu khổ hạnh vĩ đại rồi. Thầy có thể chịu đựng sự khổ hạnh chừng nào thầy muốn, còn đây lại là một chuyện hoàn toàn khác."
Ông nói: "Chuyện này chẳng liên quan gì đến việc tu khổ hạnh cả. Ta để mặc nó cho cuộc sống, còn ta, ta đang tạo ra điều kiện trong đó ta có thể biết được cuộc sống có muốn ngày hôm nay ta được ăn hay không. Đây là chuyện giữa ta và cuộc sống. Nếu điều kiện không được thỏa mãn thì đơn giản nó có nghĩa là cuộc sống muốn ta phải chịu sự khổ hạnh. Đó không phải là sự khổ hạnh của ta, nó chỉ đơn giản là hôm nay cuộc sống không muốn ta ăn, và Đấng toàn năng luôn sáng suốt hơn tất thảy."
Và đôi khi những điều kiện lạ lùng như vậy được thỏa mãn một cách khó tin. Không ai có thể tưởng tượng được chuyện đó lại xảy ra. Sau 13 ngày nhịn đói, ông vẫn cứ tiếp tục như vậy: trừ phi điều kiện đó được thỏa mãn chứ ông không chịu thay đổi điều kiện. Ông sẽ chỉ thay đổi khi nó đã được đáp ứng, lúc đó ông sẽ đưa ra điều kiện thứ hai.
Điều kiện ông đưa ra là ông sẽ nhận thức ăn nếu người cho thức ăn đó là một công chúa - không phải một thiếu nữ bình thường mà là một công chúa cao quý - chân bị xiềng và tay bị trói. Đến đây thì điều kiện của ông có vẻ thật ngớ ngẩn. Thứ nhất, nếu đó là một công chúa thì sao nàng lại bị trói và bị xiềng? Và nếu nàng bị trói tay và xiềng chân thì nàng chỉ có ở trong ngục mà thôi! Có thể sẽ có một công chúa như thế, nhưng nàng công chúa đó sẽ không thể cho thức ăn được.
Nhưng chuyện xảy ra thế này, có một vị vua nọ giận cô con gái Chandana của mình đến mức ra lệnh còng tay và cùm chân công chúa 24 tiếng đồng hồ. Nàng không bị giam trong ngục mà được tự do đi lại trong cung điện.
Và khi Mahavira đến, bấy giờ cuộc tranh cãi bắt đầu nổ ra: nàng muốn đem thức ăn ra cho Mahavira. Nàng cảm động trước con người này, nàng ngưỡng mộ cách nghĩ của ông, còn cha nàng thì hoàn toàn phản đối. Thế là nàng bị còng tay và cùm chân - nàng không thể ra khỏi cung điện trong tình trạng đáng xấu hổ như thế. Khi Mahavira đến, có hàng ngàn môn đồ theo chân ông.
Công chúa đem thức ăn ra và hàng ngàn môn đồ kia không thể tin vào mắt mình. Vì đúng ngày hôm đó, sau 13 ngày, các môn đồ bắt đầu cầu xin ông: "Mahavira, chúng con sẽ không nói cho ai khác biết; chúng con chỉ muốn biết liệu có ý nghĩa gì trong những điều kiện của ngài hay không. Liệu cuộc sống có đủ lòng trắc ẩn không? Nó có bận tâm gì đến ngài không? Chỉ lần này thôi, chúng con muốn biết, điều kiện của ngài là gì?"
Ông nói cho họ nghe về điều kiện đó.
"Trời ơi, không thể nào có chuyện đó xảy ra được đâu..." họ thốt lên.
Mahavira nói: "Điều đó đơn giản nghĩa là cuộc sống không cần ta. Ta không phiền trách gì; có lẽ sứ mệnh của ta đã hoàn tất, và ta không nhất thiết là một gánh nặng nữa." Thế mà điều kiện đó đã được thỏa mãn.
Niềm tin như thế trước cuộc sống, niềm tin không lay chuyển đó sẽ đến, khi bạn bắt đầu nhận lấy trách nhiệm. Khi bạn cảm thấy mình có trách nhiệm với những vật nhỏ bé nhất quanh mình, cuộc sống sẽ đáp lại bạn bằng hàng ngàn cách. Bạn không mất gì cả.

0 Đánh giá

Ads Belove Post