Chương 10. Vị Phật và con vật

Chương 10. Vị Phật và con vật

Price:

Read more

Thầy Hoàn Hảo (Tập 1) - Osho

Bài nói về câu chuyện Sufi

Chương 10. Vị Phật và con vật


Câu hỏi thứ nhất:

Con người đích xác là gì?

Con người đơn thuần là điều có thể, một khả năng, một tiềm năng, sự trở thành, niềm khao khát. Con người còn chưa hiện hữu. Con người phải hiện hữu. Đó là đau khổ của con người, và là cực lạc nữa. Con vật hiện hữu - không có trưởng thành nào là có thể. Nó là sản phẩm đã hoàn thành. Không có khả năng nào để tìm và kiếm và hiện hữu. Do đó, không có tự do. Con vật ở trong tù túng tuyệt đối. Con vật sống và chết mà không biết rằng nó sống và chết. Con vật hiện hữu, nhưng không biết rằng nó hiện hữu.

Con người hiện hữu và biết rằng mình hiện hữu, nhưng không biết mình là ai.

Con người là một quá trình thường xuyên. Cái gì đó bao giờ cũng xảy ra, bao giờ cũng trên bờ của việc xảy ra.

Con người là niềm háo hức, cuộc phiêu lưu, cuộc hành hương.

Không con vật nào đã bao giờ bỏ lỡ số mệnh của nó. Nó bao giờ cũng được tiền định. Con vật có số mệnh tuyệt đối. Không cái gì sẽ là khác đi. Con vật được lập trình sẵn. Con người không có chương trình lập sẵn mà chỉ là quá trình mở ra. Cả nghìn lẻ một thứ là có thể. Do đó mới có lo âu: "Là cái này hay là cái kia? Đi sang đông hay đi sang tây? Sống theo cách này hay sống theo cách kia? Và cái gì là đúng? Và cái gì sẽ hoàn thành tôi?"

Từng khoảnh khắc con người đều phải quyết định. Và, hiển nhiên, khi bạn quyết định, có run rẩy. Bạn bao giờ cũng có thể đi sai. Thực ra, khả năng đi sai là nhiều hơn. Trong cả nghìn lẻ một đường, chỉ một đường sẽ là đúng. Do đó mới có lo lắng lớn, phiền não: "Mình có làm ra nó không? Mình có thành công trong việc là bản thân mình không? Hay đó chỉ là một nỗ lực vô tích sự lâu dài, và đến cuối thì thất vọng và thất bại? Mình sẽ có khả năng biết cuộc sống dư thừa không? Cuộc sống này có trở thành nền tảng cho cuộc sống lớn hơn tới không? Hay chẳng có gì ngoài chết? Chỉ có nấm mồ lúc cuối, hay cái gì đó hơn nữa?"

Con người là sự hiện hữu mở, mọi thứ đều là có thể, nhưng không cái gì là chắc chắn. Con vật là tuyệt đối chắc chắn. Nó có sự xác định. Con người không có sự xác định.

Cho nên khi bạn hỏi tôi: Con người đích xác là gì? bạn hỏi tôi một câu hỏi sai. Con người đích xác là cái không. Con người chỉ là niềm khao khát mông lung, giấc mơ rất rất mông lung về mọi thứ phải hiện hữu, về những thứ mà có thể có khả năng, có thể không có khả năng. Con người là sự lưỡng lự. Từng khoảnh khắc đều bị sự lưỡng lự nắm giữ, vì bất kì một bước nào đi sai đều sẽ phá huỷ toàn thể cuộc đời bạn.

Con người có thể mất. Không con vật nào đã bao giờ có thể mất. Nhưng bởi vì con người có thể mất, con người có thể được nữa. Chúng cả hai tới cùng nhau. Con người có thể trưởng thành - con người là việc trưởng thành. Sự có thể đơn thuần mang nghĩa có thể trở thành thực tại. Tiềm năng có thể được biến đổi vào trong thực tại. Hạt giống có thể trở thành việc nở hoa. Cái mà không biểu lộ có thể được biểu lộ, và thế thì sẽ có huy hoàng lớn lao, phúc lành lớn lao.

Vị Phật hiện hữu, biết rằng mình hiện hữu, và cũng biết mình là ai. Đây là ba trạng thái của trưởng thành: con vật, con người, vị Phật. Con vật chỉ có một chiều - nó hiện hữu, nó tồn tại, hoàn toàn vô nhận biết rằng nó tồn tại. Do đó nó không thể nghĩ về chết được.

Chết không phải là vấn đề với con vật. Chết chỉ có thể trở thành vấn đề khi bạn biết rằng bạn hiện hữu. Với chính việc biết đó nỗi sợ nảy sinh rằng một ngày nào đó bạn có thể không hiện hữu - vì đã có thời mà bạn không có, sẽ lại có thời mà bạn sẽ không có. Sự tồn tại của bạn là nhất thời. Bạn có thể biến mất vào bất kì khoảnh khắc nào. Bạn sẽ biến mất một ngày nào đó. Chết nhất định xảy ra. Chính là chỉ con người mới biết về cái chết.

Đó là lí do tại sao con người tạo ra tôn giáo. Tôn giáo là đáp ứng của con người cho khả năng của chết. Nó là nỗ lực của con người để chinh phục cái chết. Không con vật nào có tính tôn giáo, không thể thế được. Không có nhận biết về cái chết, tôn giáo không có khả năng nào. Nhưng trước khi bạn có thể trở nên nhận biết về chết, bạn sẽ phải trở nên nhận biết rằng bạn hiện hữu. Đó là yêu cầu cơ bản.

Cho nên con người biết mình hiện hữu - và cũng trở nên nhận biết và e sợ rằng bất kì khoảnh khắc nào mình sẽ không hiện hữu. Thời gian là ngắn. Với con vật thời gian là không tồn tại, thời gian là không có. Con vật sống trong thế giới vô thời gian. Từng khoảnh khắc. Không nghĩ về quá khứ, không tưởng tượng về tương lai.

Con người không thể sống trong hiện tại được. Người đó nghĩ về quá khứ và mọi nỗi buồn. Những ngày vàng son và giờ không còn nữa. Và nghĩ, hình dung, tưởng tượng về tương lai - những ngày như chúng đáng phải vậy.

Con người sống trong quá khứ và trong tương lai. Con vật sống chỉ trong hiện tại. Nhưng chúng không nhận biết được rằng đây là hiện tại. Chúng không thể nhận biết được về hiện tại. Chỉ con người nhận biết về quá khứ và tương lai mới có thể nhận biết được hiện tại, vì hiện tại được kẹp giữa quá khứ và tương lai.

Con vật không có lo âu. Kí ức không quấy rối chúng, và tưởng tượng không khuấy động trái tim chúng. Chúng đơn giản. Sự tồn tại không phức tạp cho chúng. Khi chúng sống, chúng sống; khi chúng chết, chúng chết. Chúng hồn nhiên. Thời gian không đi vào làm biến chất hiện hữu của chúng.

Nhưng con người sống trong thời gian, có nhận biết rằng mình hiện hữu, nhưng không nhận biết mình là ai. Và điều đó trở thành vấn đề lớn: Tôi là ai? Đây là câu hỏi nền tảng mà bất kì người nào cũng có thể hỏi. Từ câu hỏi nền tảng này là mọi triết lí, mọi tôn giáo, mọi thơ ca, mọi nghệ thuật - những cách khác nhau để nêu ra câu hỏi: Tôi là ai? những cách trả lời khác nhau cho nó. Nhưng câu hỏi là một: Tôi là ai?

Nếu bạn cố hiểu cuộc đời con người, bạn sẽ thấy câu hỏi đơn giản này cứ còn dai dẳng. Vâng, người điên theo tiền cũng cố trả lời câu hỏi này: Tôi là ai? Bằng việc có tiền, người đó nghĩ rằng mình sẽ biết mình là ai - người đó sẽ biết mình là người giầu. Người đó sẽ có sự đồng nhất nào đó. Người đang tìm quyền lực về căn bản đang cố trả lời cho câu hỏi: Tôi là ai? Bằng việc trở thành thủ tướng đất nước người đó sẽ biết: Tôi là thủ tướng.

Nhưng những câu trả lời này là bề ngoài và sẽ không thoả mãn thực sự. Chúng có thể thoả mãn chỉ người tầm thường. Chúng không thể thoả mãn được cho người thực sự thông minh. Ngay cả khi bạn đã trở nên rất giầu, thông minh của bạn sẽ cứ khăng khăng hỏi mãi, "Mình là ai? Đúng, mình có tiền, nhưng mình là ai? Mình không phải là tiền - mình không thể là cái mình sở hữu được. Người sở hữu này là ai? Đúng, mình đã trở thành thủ tướng đất nước, nhưng đó chỉ là một chức năng, đó không phải là bản thể mình. Mình là ai? Ai là người mà đã không phải là thủ tướng và bây giờ là thủ tướng, và ngày mai có thể lại không là thủ tướng nữa? Tính thủ tướng này chỉ là một chương hồi thôi - trong cuộc sống của ai?"

Câu hỏi này cứ còn dai dẳng. Nó không thể được trả lời bằng nỗ lực và phấn đấu bề ngoài. Nhưng về căn bản con người sẵn sàng để làm điều đó. Người đó trở thành chồng, người đó trở thành người mẹ, người bố, thế này thế nọ... nhưng thôi thúc cơ bản là bằng cách nào đó có sự đồng nhất nào đó: "Tôi là người vợ, tôi là người chồng, tôi là người cha, tôi là người mẹ." Dầu vậy bạn đã không trả lời cho câu hỏi này. Hiện hữu của bạn là người mẹ hay hiện hữu của bạn là người bố chỉ là điều ngẫu nhiên, trên bề mặt. Cốt lõi bên trong nhất của bạn vẫn còn không được động tới.

Đây không phải là sự đồng nhất thực. Đây là đồng nhất giả. Đứa trẻ sẽ chết - thế thì bạn là ai? Thế thì bạn không là người mẹ. Người chồng có thể bỏ đi - thế thì bạn là ai? Thế thì bạn không còn là vợ nữa.

Những đồng nhất này là rất mong manh, và con người sống thường xuyên trong khủng hoảng về đồng nhất. Con người cố gắng vất vả để ấn định sự xác định nào đó quanh bản thân mình, nhưng chúng cứ tuột khỏi tay người đó.

Duy nhất người tôn giáo mới thực sự hỏi câu hỏi này, và hỏi theo hướng đúng.

Vị Phật tồn tại hệt như con vật. Vị Phật biết hệt như con người rằng ông ấy hiện hữu. Nhưng chiều thứ ba đã mở ra: ông ấy biết ông ấy là ai - ông ấy đã đi tới thấy ra bản thể bên trong nhất của ông ấy. Ông ấy đã không tìm sự đồng nhất trong thế giới bên ngoài, vì không thể có đồng nhất nào cả. Làm sao nó có thể ở trong thế giới bên ngoài được? Bạn là lãnh thổ bên trong của bạn, bạn là tính bên trong của bạn, bạn là tính chủ thể của bạn - làm sao bạn có thể biết được nó qua các đối thể?

Bạn có thể có ngôi nhà đẹp, nhưng nó là bên ngoài. Bạn có thể có nghệ thuật, tranh vẽ, công trình nghệ thuật cổ đẹp, nhưng chúng là ở bên ngoài! Chúng không thể xác định được bạn. Bạn vẫn còn không được xác định bởi chúng. Một ngày nào đó ngôi nhà bị cháy và mọi đồng nhất của bạn bị thiêu rụi, và bạn đang đứng trên đường, lại phân vân: "Tôi là ai?"

Đó là lí do tại sao mọi người tự tử. Nếu tiền của họ mất đi, nếu họ trở nên bị phá sản, họ tự tử. Tại sao họ tự tử? Người ta tự hỏi - tại sao? Tiền có thể kiếm được lại... Nhìn sâu vào chúng - đó là sự đồng nhất của họ. Họ đã tin từ lâu rằng "Đây là mình." Bây giờ tất cả số dư ngân hàng đều mất rồi. Lần nữa vấn đề nảy sinh: Tôi là ai? Và họ đã muốn cả đời họ tạo ra số dư ngân hàng đó. Bây giờ họ không sẵn sàng đi vào trong nỗ lực đó lần nữa. Nó là quá nhiều rồi. Họ đã hoàn toàn thất bại.

Thực ra, bởi việc bị phá sản tự tử đã xảy ra rồi! Đồng nhất của họ mất rồi. Họ không còn biết bây giờ họ là ai. Mặt họ đã biến mất. Làm sao họ có thể sống mà không có mặt được? Người đàn bà của bạn chết đi, người bạn đã từng yêu dấu... và bạn tự tử, hay bạn bắt đầu nghĩ tới tự tử! vì người đàn bà đó là sự đồng nhất của bạn. Bây giờ bạn bị bỏ lại một mình, trống rỗng. Và bắt đầu từ chính lúc bắt đầu, từ tay trắng, dường như là quá nhiều. Tốt hơn cả là kết thúc toàn thể điều này.

Đây là ba giai đoạn. Và khi tôi nói con vật, có nhiều người giống như con vật. Họ là vậy - họ thậm chí không biết rằng họ hiện hữu. Họ sống một cách máy móc. Có nhiều người là người như thế - họ biết họ hiện hữu, nhưng họ không biết họ là ai. Và chỉ có vài người và xa ở giữa, những người hiếm hoi đó, người biết họ là ai. Họ trở thành ba chiều.

Con người là chiếc cầu giữa con vật và vị Phật. Nhớ lấy, con người là chiếc cầu. Đừng làm nhà của bạn trên cầu; cầu không được ngụ ý cho điều đó. Cầu phải được đi qua. Đừng vẫn còn là con người, bằng không bạn sẽ vẫn còn trong lo âu và đau khổ - vì con người không phải là chỗ ở lại và trú ngụ. Nó là đoạn đường cần được đi qua. Nó là chiếc thang! Bạn không thể ở trên thang được. Nó chỉ là một móc nối từ điểm này sang điểm khác.

Con vật hiện hữu, và ở trong trạng thái mãn nguyện nào đó. Không lo âu, không sợ hãi, không chết, không tham vọng, không khao khát; hoàn toàn bình thản và yên tĩnh. Nhưng vô nhận biết, vô ý thức. Vị Phật lại được mãn nguyện, hoàn toàn an bình, ở nhà; đã đạt tới, cuộc hành trình đã chấm dứt. Không có đâu mà đi, ông ấy đã đạt tới. Giữa hai điều này là con người: nửa con vật, nửa Phật. Do đó mới có căng thẳng: một phần lùi lại, một phần tiến lên.

Con người bị giằng xé.

Để tôi nhắc lại: Con người còn chưa là sự hiện hữu. Con người đã đánh mất một loại hiện hữu - hiện hữu của con vật. Và con người còn chưa đạt tới loại hiện hữu khác - hiện hữu của vị Phật. Và con người thường xuyên di chuyển giữa hai hiện hữu này, giữa đôi bờ này.

Bạn không thể đi lui được, vì trong sự tồn tại không có chuyển động lui. Bạn không thể đi lui lại theo thời gian; thời gian chỉ có một chiều: nó chảy lên trước. Bạn chỉ có thể tiến lên. Đừng phí thời gian của bạn vào việc nghĩ rằng bạn cũng có thể là con vật và có thể sống như con vật: ăn, uống và vui vẻ. Điều đó là không thể được cho con người. Con người sẽ phải nghĩ, con người sẽ phải suy tư. Con người không thể đảm đương được việc không suy nghĩ. Và cũng rất rủi ro để làm điều đó, vì thế thì bạn sẽ bị mắc kẹt và bạn sẽ trở thành vũng nước bẩn. Tính tươi mát của bạn, tính sống động của bạn là có thể chỉ nếu bạn liên tục tuôn chảy và tuôn chảy mãi cho tới khi bạn đạt tới đại dương. Đại dương đó tôi gọi là Phật - trạng thái Phật của tâm thức.

Con người phải trở thành vị Phật. Tạo ra ham muốn mãnh liệt đó đi, niềm khao khát mãnh liệt đó, trở thành vị Phật. Ở trong việc tìm kiếm đam mê về nó. Kéo mọi năng lượng mà bạn có vào! Trở nên bắt lửa với niềm khao khát đó... và bạn có thể trở thành vị Phật. Và ngày bạn trở thành vị Phật, bạn đã trở thành sự hiện hữu lần nữa - và là sự hiện hữu ở mức độ cao hơn, ở mức độ cao nhất. Không có gì cao hơn điều đó.

Bạn hỏi tôi: Con người đích xác là gì?

Như con người, con người đích xác là cái không - chỉ là hiện tượng mông lung, u ám, mơ hồ. Con người không chính xác vì con người là đám đông. Con người là nhiều người; do đó con người mới mơ hồ. Sự thống nhất bị thiếu. Bạn không có trung tâm - trung tâm nảy sinh chỉ qua tâm thức. Con người đơn giản sống như mẩu gỗ trôi giạt.

Đó là lí do tại sao tôi nói con người là sự có thể đơn thuần, điều ngược đời gây hoang mang, sự hiện hữu ngớ ngẩn. Con người hiện hữu và con người không hiện hữu. Con người ở lưng chừng. Con người là con vật duy nhất mà có thể tự lừa bản thân mình. Không con vật nào có thể lừa bản thân chúng - duy nhất con người, vì con người có năng lực để trở thành trí huệ.

Nếu bạn không trưởng thành trong trí huệ, bạn sẽ cư xử như kẻ ngu. Đó là điều đa số mọi người trên thế giới đang làm. Nếu bạn quan sát từ một quan điểm tách rời, bạn sẽ ngạc nhiên về cách mọi người đang sống... trong lộn xộn thế, trong lẫn lộn thế, trong điên khùng thế. Họ di chuyển thế nào? Họ không di chuyển chút nào - họ đang chạy bộ tại chỗ.

Và nếu bạn quan sát con người, bạn sẽ ngạc nhiên: rất hiếm khi bắt gặp một người trí huệ. Toàn người ngu và người ngu... người ngu nhan nhản. Nhưng nhớ cho: không con vật nào khác có thể cư xử như kẻ ngu. Bạn có thấy con chó cư xử như kẻ ngu không? Không bao giờ. Vì chúng không thể trí huệ được, chúng không thể ngu được. Cả hai khả năng này nảy sinh đồng thời.

Quan sát bản thân bạn mà xem. Quan sát cái ngu của bạn. Thường xuyên tỉnh táo về điều bạn làm với cuộc sống của bạn. Nó là cuộc sống quí giá. Nó có giá trị tới mức bạn không thể đo được, bạn không thể lượng giá được nó. Nhưng bởi vì nó được trao cho bạn như món quà, bạn không ca ngợi giá trị của nó. Vì nó chỉ là ân huệ từ Thượng đế, bạn đã coi nó như đương nhiên có sẵn. Điều này là ngu xuẩn! Đừng coi nó như đương nhiên có sẵn. Đây là cơ hội cho trưởng thành.

Và bạn phải trả lời cho Thượng đế về điều bạn đã làm với cuộc sống của bạn. Bạn có tới hệt như bạn đã đi không? Hay thậm chí còn tồi hơn? Nghĩ về điều này đi, rằng con người là có khả năng trả lời được. Và chừng nào bạn chưa là vị Phật bạn sẽ không có khả năng trả lời. Vì là vị Phật tức là là Thượng đế - và đó là khả năng bản chất của bạn. Và chừng nào bạn chưa là Thượng đế, bạn sẽ không cảm thấy được mãn nguyện.

Và chỉ thế thì bạn mới biết bạn đích xác là gì. Ngay bây giờ, bạn là cái không, sự ranh mãnh đơn thuần...

Câu hỏi 2

Osho kính yêu ơi, tôi đã từng nghe những lời của thầy đôi lúc và tôi có thể chấp nhận được mọi điều thầy nói về chân lí và vô chân lí. Chỉ mỗi câu hỏi còn lại trong tâm trí tôi: Nếu chứng ngộ của tôi tuỳ thuộc vào tôi và mối quan hệ của tôi với tính toàn bộ và không gì khác, phỏng có ích gì trong việc buông xuôi của tôi theo một thầy con người?

Thầy không phải là người, chỉ có vẻ là người thôi. Thầy là lối chuyển vào tính toàn bộ. Đây là cái đẹp của việc là đệ tử, vì chỉ đệ tử mới có khả năng thấy rằng thầy không phải là người. Khách thăm tò mò, hay học trò, người đã tới để thu thập chút ít tri thức ở đây, sẽ không có khả năng thấy điều đó. Và thế thì câu hỏi này sẽ nảy sinh.

Kenneth, bạn là đúng: bạn ở đây, dầu vậy, không có quan hệ với tôi. Bạn ở đây không ràng buộc gì với tôi. Bạn ở đây không mắc míu gì với tôi.

Bạn là khán giả, không phải là người tham gia. Và điều huyền bí lớn hơn trở thành sẵn có cho những người dám tham gia. Đừng vẫn còn là khán giả, bằng không bạn sẽ vẫn còn là con người. Trở thành người tham gia đi! và bạn sẽ thấy cách nhìn biến đổi. Bạn sẽ thấy rằng cái gì đó đã thay đổi trong bạn. Tôi vẫn thế thôi! Nhưng khi bạn trở thành đệ tử, bạn có con mắt mà có thể thấy rằng thầy không phải là người.

Nếu thầy là người, người đó không phải là thầy. Người đó chỉ là thầy giáo. Với học sinh tôi vẫn còn là thầy giáo. Với khán giả, làm sao tôi có thể sẵn có trong tính toàn bộ của tôi được? Chừng nào bạn chưa tới gần... và tính đệ tử còn là cái gì khác? - dũng cảm tới gần ai đó mà cái chết là có thể, dũng cảm lại gần lửa nơi bạn sẽ bị thiêu cháy thành tro. Và chỉ thế thì mới có phục sinh.

Jesus là người với người Do Thái, những người đã đóng đinh ông ấy. Nhưng ông ấy không là người đối với Luke, với Thomas, với Mark. Với đệ tử ông ấy là Christ, con trai của Thượng đế. Với khán giả, với đám đông, ông ấy là con trai của ông thợ mộc Joseph, con trai của con người, và của người rất bình thường. Họ đã không nhìn vào cùng người, nhớ lấy; mặc dầu họ đã nhìn vào cùng người, họ đã không nhìn vào cùng người chút nào. Cách nhìn của họ tạo ra khác biệt.

Với đệ tử, Phật không phải là người. Do đó, họ đã gọi ông ấy là Bhagwan. Nhưng với khán giả, ông ấy chỉ là người như bất kì ai khác.

Và vấn đề là ở chỗ đệ tử không thể chứng minh được điều đó - những điều này ở bên ngoài chứng minh. Chúng hiện hữu, nhưng chúng không sẵn có cho chứng minh. Và những người đã nói rằng Phật chỉ là con người thì còn logic hơn - vì ông ấy cảm thấy đói hơn, trở nên khát, bị ốm. Đây là bằng chứng rằng ông ấy là con người! Bạn còn cần bằng chứng nào hơn nữa? Trở nên già, và chết vì việc đầu độc thức ăn. Bạn cần bằng chứng nào hơn? Làm sao Thượng đế có thể chết được? Con người chết; Thượng đế là vĩnh hằng. Làm sao Thượng đế bị ốm được? Và Phật bị ốm. Thầy lang riêng của ông ấy, Jivaka, phải đi theo ông ấy liên tục. Thượng đế có cần bác sĩ điều trị không? Chỉ con người mới cần bác sĩ điều trị.

Khi trời nóng, Phật vã mồ hôi. Bạn cần bằng chứng nào hơn nữa?! Khi trời lạnh, ông ấy rùng mình. Cả nghìn lẻ một bằng chứng có thể được thu thập rằng ông ấy giống chúng ta. Khác biệt là gì?

Và đệ tử này bao giờ cũng sẽ lúng túng, mặc dầu đệ tử này sẽ cười về tất cả những bằng chứng này, vì đây chỉ là những thứ ngu xuẩn đã từng được mọi người thu thập. Chúng là những sự kiện không liên quan, vì đệ tử này đã đi tới gần tới mức anh ta đã có khả năng có tiếp xúc với linh hồn của thầy - thân thể của thầy đã trở thành không liên quan. Thân thể chỉ là phương tiện.

Nếu tôi du hành trong xe và xe bị hỏng, tôi không bị hỏng. Nếu xe kêu lục cục và tạo ra đủ loại tiếng ồn, đó chỉ là trong máy móc của xe. Thân thể cũng vậy - một phương tiện. Nhưng cái gì đó sâu hơn thân thể có đó, cái gì đó cao hơn thân thể có đó - cái gì đó của tính toàn bộ. Một cửa sổ đã mở vào trong tính toàn bộ.

Thầy là ai? Người đang trong hoà hợp với tính toàn bộ.

Ở trong tình yêu với thầy là tiếp cận tới tính toàn bộ. Với bạn, tính toàn bộ sẽ chỉ là một từ. Bạn có thể hiểu nó về mặt trí tuệ. Và đó là điều đã xảy ra cho Kenneth.

Anh ấy nói: tôi đã từng nghe những lời của thầy đôi lúc và tôi có thể chấp nhận được mọi điều thầy nói về chân lí và vô chân lí.

Đây là hiểu biết trí tuệ. Bạn phải là người thông minh đấy! Cho nên điều tôi nói, bạn hiểu. Tôi không dùng những từ rất khó; cách diễn đạt của tôi là đơn giản như của bất kì người nào khác. Tôi không dùng thuật ngữ đặc biệt. Tôi không dùng cách nói hoa mĩ nào, cho nên bạn có thể hiểu được. Không có vấn đề trong nó.

Nhưng hiểu điều tôi nói là một chuyện, và hiểu tôi là chuyện hoàn toàn khác. Nếu bạn chỉ hiểu điều tôi đang nói, bạn sẽ thu thập chỉ cái bề mặt; bạn sẽ bỏ lỡ cái bản chất, vì cái bản chất không thể được nói. Đạo mà có thể được nói không phải là Đạo thực. Và Thượng đế mà có thể được thốt ra không phải là Thượng đế thực. Tôn giáo trong sự giầu có nền tảng của nó vẫn còn không được diễn đạt.

Cho nên điều tôi đang nói không phải là điều tôi đang hiện hữu.

Phật đi qua một khu rừng. Cả khu rừng đầy lá khô; lá đang rụng. Cây trơ trụi. Đệ tử của ông ấy, Ananda, hỏi ông ấy, "Bhagwan ơi, một câu hỏi cứ còn dai dẳng trong tâm trí tôi lặp đi lặp lại. Và bây giờ tôi không thể cưỡng lại được - tôi phải hỏi nó. Đây là câu hỏi của tôi: thầy đã nói cho chúng tôi nhiều điều - thầy có nói mọi điều thầy biết không? hay nó chỉ là một phần thôi?"

Phật nhặt vài cái lá, lá khô, từ dưới đất cầm trong tay và nói, "Ananda, trong tay ta có bao nhiêu lá?"

Ananda nói, "Không quá một chục lá, chỉ vài lá."

Và Phật nói, "Trong rừng này có bao nhiêu lá?"

Và Ananda nói, "Hàng triệu hàng triệu - không thể đếm được."

Và Phật nói, "Hoàn cảnh là vậy đấy, Ananda: điều ta đã nói chỉ giống như những chiếc lá trong tay ta, và điều ta đã không nói thì giống như cả khu rừng này. Nhưng đừng coi ta là kẻ keo kiệt, rằng ta không muốn nói những điều đó - chúng không thể được nói ra bởi chính bản tính của chúng. Không thể nào nói được chúng."

Học trò sẽ học chỉ cái đã được nói. Đệ tử học cái không được nói và không thể được nói. Với học trò, lời đạt tới, và anh ta sẽ trở nên thông thái. Với đệ tử, sự hiện hữu đạt tới, và anh ta trở thành việc biết, không thông thái.

Đó là chức năng của mối quan hệ giữa thầy và đệ tử. Nó là chuyện tình! Nó là thân thiết. Nó là sự thân thiết hé mở xảy ra mãnh liệt hơn trong bất kì tình yêu nào khác. Khi hai người đang trong yêu, đó là sự mãnh liệt của ham muốn dục, sự gần gũi thân thể. Chẳng mấy chốc nó sẽ biến mất. Nó sẽ không kéo dài lâu. Nó là chốc lát, vì năng lượng dục là chốc lát. Thân thể là chốc lát.

Mối quan hệ giữa thầy và đệ tử là mối quan hệ giữa hai linh hồn có tính vĩnh hằng. Một khi được thiết lập, nó còn mãi.

Kenneth, bạn nói: tôi đã từng nghe những lời của thầy đôi lúc và tôi có thể chấp nhận được mọi điều thầy nói về chân lí và vô chân lí.

Và đó không phải vấn đề là việc chấp nhận nữa. Đó là vấn đề việc được nhận chìm trong tôi! Chấp nhận, bạn vẫn còn là bản thân bạn. Chấp nhận, bạn không đi ra khỏi bản ngã của bạn. Bạn nói, "Vâng, logic của tôi cũng nói điều này là đúng - tôi đồng ý." Đây là một loại thoả thuận. Bạn vẫn còn là bạn, tôi còn là tôi, và có một loại thoả thuận. Nhưng khi bạn tan biến, đó không phải là loại thoả thuận. Không phải là bạn chấp nhận điều tôi nói. Không có vấn đề về chấp nhận hay không chấp nhận.

Nhớ lấy: nếu bạn chấp nhận, bất kì ngày nào bạn cũng có thể bác bỏ - vì không có đảm bảo rằng ngày mai tôi cũng sẽ nói cùng một điều. Hôm nay bạn đã chấp nhận cái gì đó mà tôi đã nói; ngày mai bạn có thể không có khả năng chấp nhận nó.

Nhưng đệ tử là người mà chấp nhận, không chấp nhận đã trở thành vô nghĩa. Người đó bị nhận chìm trong tôi. Cho nên nếu hôm nay tôi nói một điều, người đó lắng nghe một cách vui sướng. Và chưa bao giờ có nảy sinh một ý tưởng là liệu có chấp nhận nó hay bác bỏ nó - không có vấn đề gì vì không có tách rời. Dường như điều tôi nói, anh ta nói. Không phải là anh ta đồng ý. Không có người để đồng ý với nó. Không phải là người đó gật đầu trong đồng ý - cái đầu đó đã biến mất; không có gì để gật đầu. Thế thì ngày mai, cho dù tôi nói chính điều đối lập với nó, không có vấn đề gì, vì không có ai để bác bỏ.

Hôm qua nó đã giống điều nọ. Hôm nay nó giống điều này. Ngày mai nó sẽ giống điều kia. Sự hài hoà của người đó với hiện hữu của tôi là toàn bộ tới mức người đó hiểu. Đó không phải là vấn đề về chấp nhận nhưng về hiểu biết vô cùng - điều không biết tới bác bỏ. Đây là tin cậy. Giữa thầy và đệ tử nở đoá hoa tên là tin cậy. Và chính tin cậy đưa bạn tới Thượng đế, tới tính toàn bộ.

Bạn nói: chỉ một câu hỏi còn lại trong tâm trí tôi...

Và câu hỏi đó không phải là một câu hỏi - đó là hàng nghìn câu hỏi. Trong một câu hỏi được cô đọng mọi câu hỏi có thể.

Nếu chứng ngộ của tôi tuỳ thuộc vào tôi và mối quan hệ của tôi với tính toàn bộ và không gì khác...

Vâng, tôi nói đi nói lại: Chứng ngộ của bạn tuỳ thuộc vào bạn - nhưng không như bạn hôm nay, không như bạn bây giờ. Bạn như thế này phải ra đi. Loại bạn khác phải tới trong sự tồn tại. Bạn như thế này là rào chắn; chứng ngộ không phụ thuộc vào nó. Bằng không, nó có thể đã xảy ra rồi. Cái 'tôi' này mà bạn đang mang, con người Kenneth này, trong bạn, người nói "tôi đây" - không, chứng ngộ không phụ thuộc vào cái này đâu. Nó là rào chắn, nó là cản trở.

Nếu cái 'tôi' này chết đi, thế thì một loại hiện tượng khác nảy sinh trong bạn - mà không còn là cái 'tôi' nữa nhưng là một loại 'đây' thuần khiết. Khi bạn nói "tôi đây," tôi là giả, đây là thực. Và bạn sẽ cần một thầy để phá huỷ cái tôi của bạn và giải phóng cái đây của bạn. Cái đây như vậy, sự tồn tại thuần khiết, không được xác định, sự hiện hữu, hồn nhiên - cái đây như vậy là cánh cửa tới chứng ngộ.

Nhưng bạn sẽ vứt bỏ cái tôi của bạn ở đâu? Cái tôi đó đang bao quanh cái đây của bạn nhiều tới mức bạn thậm chí không thể quan niệm được cái đây sẽ có nghĩa gì nếu không có cái tôi. Thực ra, câu hỏi này sẽ nảy sinh: Làm sao có thể có cái đây nếu không có cái tôi? Cái tôi dường như là quan trọng hơn; cái đây dường như chỉ là cái bóng cho nó. Chân lí chính là điều đối lập lại.

Cái tôi là giả: cái đây là chân lí.

Và khi bạn buông xuôi theo một thầy, bạn không buông xuôi cái đây của bạn - nó không thể được buông xuôi - bạn chỉ buông xuôi cái tôi của bạn. Thầy lấy đi mọi thứ mà bạn tin bạn có nhưng bạn không có. Thầy chỉ lấy đi bệnh tật của bạn. Và khi mọi bệnh tật đã được lấy đi, mạnh khoẻ trào lên.

Mạnh khoẻ không thể được thầy trao cho, điều đó là đúng - vì một thứ được cho sẽ là một thứ được cho. Và nếu nó được cho, nó có thể bị lấy đi. Nếu nó là thứ được cho, ai đó có thể đánh cắp nó. Nếu nó là thứ được cho, ở đâu đó bạn có thể quên, mất dấu vết về nó. Thứ được cho không quan trọng gì mấy. Thầy chưa bao giờ cho bạn chân lí: thầy chỉ lấy đi các dối trá của bạn. Khi mọi tảng đá dối trá đã bị loại bỏ, chân lí tuôn chảy. Đó là dòng suối bên trong nhất của bạn. Không ai cần trao nó cho bạn.

Nhưng ai sẽ lấy cái tôi của bạn đi? Ai sẽ uống chất độc này của cái tôi của bạn? Bạn sẽ cần ai đó người đã đi tới điểm mà tính bất tử của người đó được khải lộ cho người đó - người đó có thể uống mọi chất độc của bạn.

Bạn phải đã thấy những bức hình của Shiva. Một huyền thoại hay có ở đằng sau những bức hình đó. Nếu bạn đã nhìn gần vào trong một hình Shiva, bạn sẽ thấy rằng cổ họng ông ấy mầu xanh lam. Đó là câu chuyện rất rất hay. Devas, thần, và phản thần, Asuras, đang làm nổi sóng đại dương để tìm nước cam lồ - nhưng bạn không thể tìm được nước cam lồ một cách trực tiếp. Nó bị giấu sâu.

Điều thứ nhất mà họ bắt gặp không phải là nước cam lồ mà là nước độc. Bây giờ ai sẽ uống nước độc? Shiva đã uống nó. Đó là lí do tại sao họng ông ấy đã trở nên mầu xanh lam. Chỉ ông ấy mới có thể uống được nó. Bạn có thể uống cái chết chỉ khi bạn biết bạn là bất tử.

Khi đệ tử tới thầy, anh ta đem mọi loại chất độc tới. Một cách không chủ ý anh ta đã nuôi dưỡng những chất độc này. Và bản ngã là chất độc lớn nhất. Và trước khi tính bất tử của bạn có thể được hiển lộ cho bạn, chất độc của bạn phải được loại bỏ. Ai sẽ uống nó?! Chỉ người biết rằng mình là bất tử mới có thể uống được nó.

Thầy uống mọi chất độc từ hệ thống của đệ tử. Dần dần, dần dần, thầy lấy đi mọi chất độc từ đệ tử. Và một ngày nào đó, khi mọi chất độc đã được lấy ra rồi, sự bất tử có đó trong mọi vinh quang của nó.

Bạn nói với tôi: Chỉ một câu hỏi còn lại trong tâm trí tôi: Nếu chứng ngộ của tôi tuỳ thuộc vào tôi...

Chắc chắn nó tuỳ thuộc vào bạn, nhưng không như bạn vậy ngay bây giờ. Cái bạn này là giả. Cái bạn này phải ra đi. Cái bạn này phải dừng lại, thế thì cái bạn thật sẽ tới.

...và mối quan hệ của tôi với tính toàn bộ và không gì khác, phỏng có ích gì trong việc buông xuôi của tôi theo một thầy con người?

Điều chắc chắn đúng là câu hỏi này là về mối quan hệ của bạn với tính toàn bộ và không cái gì khác được cần tới - nhưng chừng nào bạn còn như vậy, bạn sẽ chống lại tính toàn bộ, bạn sẽ tranh đấu với tính toàn bộ. Bạn không thể quan hệ với tính toàn bộ. Bạn phải ra đi, chỉ thế thì mối quan hệ mới có đó.

Thầy được cần chỉ để lấy đi mọi cái là không cần thiết quanh bạn - cái cản trở, rào chắn. Thầy sẽ cho bạn sự hiện hữu thực của bạn bằng việc lấy đi mọi cái là không thực trong bạn. Khi bạn buông xuôi theo thầy, bạn buông xuôi chỉ cái không thực vì bạn chỉ có cái không thực! Nếu bạn đã có cái thực, chẳng ích gì mà buông xuôi theo thầy. Nhưng nếu bạn có cái đó, bạn chắc đã không ở đây ngay chỗ đầu tiên.

Bạn đang làm gì ở đây? Tại sao bạn thậm chí lắng nghe tôi? Để làm gì? Điều đó tất cả đều tuỳ thuộc vào bạn và mối quan hệ của bạn với tính toàn bộ... tại sao lắng nghe tôi? Điều này phải là một bản ngã sâu ở đâu đó đang hợp lí hoá. Bản ngã rất láu cá. Khi nó lắng nghe những phát biểu đó, rằng chứng ngộ tuỳ thuộc vào bạn, bản ngã nói, "Trông đấy, vậy nó tuỳ thuộc vào tôi - không cần phải buông xuôi." Khi điều được nói là đó chỉ là vấn đề về hiện hữu của bạn với tính toàn bộ, bản ngã nói, "Hoàn toàn đúng - không cần buông xuôi."

Tôi không quan tâm tới việc buông xuôi của bạn chút nào - vì bạn có gì để buông xuôi cho tôi? Chỉ bệnh tật, chất độc. Bạn không có của cải để buông xuôi cho tôi! Chỉ khổ, thất bại, thất vọng, lo âu. Bạn có gì để buông xuôi cho tôi? Nhưng mọi người níu bám ngay cả khổ của họ. Họ nghĩ nó là một loại kho báu nào đó.

Quan sát cách thức tinh ranh này của bản ngã.

Và khi bạn buông xuôi theo thầy, bạn buông xuôi chỉ mọi cái là giả. Và trong việc buông xuôi đó, thầy chỉ là cái cớ. Nếu bạn có thể buông xuôi một cách trực tiếp cho tính toàn bộ, hoàn toàn tốt - bạn đi và buông xuôi cho tính toàn bộ đi. Nhưng bạn đi đâu để tìm ra tính toàn bộ? Ở đâu? Bạn không có mắt để thấy tính toàn bộ. Và tính toàn bộ không thể được đương đầu một cách trực tiếp. Bạn sẽ bắt gặp nó chỉ theo những cách gián tiếp. Bạn sẽ rơi vào tình yêu với người đàn bà - buông xuôi đi! vì người đàn bà này đại diện cho một loại tính toàn bộ. Khía cạnh nữ tính của nó. Bạn có thể rơi vào tình yêu với người bạn - buông xuôi đi! Anh ấy đại diện cho một loại tính toàn bộ khác của nó. Cửa sổ khác mở ra. Bạn yêu âm nhạc - buông xuôi đi!

Đừng liên tục dùng từ này 'tính toàn bộ'. "Tại sao tôi phải buông xuôi theo âm nhạc? Tôi định buông xuôi theo tính toàn bộ cơ mà. Sao tôi phải buông xuôi theo tình yêu? Tôi định buông xuôi theo tính toàn bộ cơ mà. Sao tôi phải buông xuôi theo cái đẹp? Tôi định buông xuôi theo tính toàn bộ cơ mà."

Bạn sẽ tìm ra tính toàn bộ ở đâu? Tính toàn bộ tồn tại trong hàng triệu hình dạng... cái đẹp của mặt trời lên, và cái im lặng của ban đêm, và đôi mắt yêu thương của người bạn, và bàn tay ấm áp của người đàn bà. Đây toàn là các cử chỉ của tính toàn bộ. Tính toàn bộ tới trong những cách này. Đây là cách tiếp cận của tính toàn bộ tới bạn.

Thầy là con đường rõ ràng nhất của tính toàn bộ đạt tới bạn, cách có ý thức của tính toàn bộ đạt tới bạn. Người đàn bà là vô ý thức, người bạn là vô ý thức - họ là những bộ phận vô ý thức của tính toàn bộ. Thầy là phần có ý thức của tính toàn bộ; do đó, không có cái thay thế cho thầy.

Jesus là đúng khi ông ấy nói: Ta là con đường - chừng nào các ông chưa đi qua ta, các ông sẽ không đạt tới. Ông ấy không nói chỉ về bản thân ông ấy - thầy đang nói đấy. Và bất kì khi nào thầy nói, thầy nói cho mọi thầy, quá khứ, hiện tại, tương lai.

Câu hỏi 3

Tại sao tôi sợ thế khi hỏi thầy một câu hỏi?

Mọi người đều thế, vì hỏi một câu hỏi nghĩa là đưa đầu bạn ra trước tôi. Và người ta chẳng bao giờ biết tôi sẽ làm gì với đầu bạn. Tôi có thể đánh nó, tôi có thể chặt nó. Tôi có thể làm ra quả bóng từ nó... chẳng ai biết! Sợ là tự nhiên.

Một điều là chắc chắn, rằng tôi sẽ làm cái gì đó quyết liệt. Sợ là người tầm thường không thích hợp, nhưng cứ hỏi đi - vì đó là mục đích của sự hiện hữu của bạn ở đây và sự hiện hữu của tôi ở đây.

Hỏi đi nếu câu hỏi nảy sinh; đừng sợ. Và nếu bạn sợ lắm, bạn có thể làm một điều mà vài người vẫn làm: bạn có thể hỏi theo tên của ai đó khác. Thế thì người đó nhận cú đánh và bạn chỉ là phái viên.

Nhưng hỏi đi. Không hỏi, nó sẽ còn dai dẳng. Và nó có thể là quan trọng; nó có thể có cái gì đó có tầm quan trọng mênh mông. Nó có thể thay đổi... câu trả lời có thể trở thành cách nhìn mới. Mặc cho nỗi sợ, cứ liên tục hỏi - cho tới khi các câu hỏi biến mất và người hỏi biến mất nữa.

Nhưng sợ là tự nhiên.

Tôi đã nghe:

Một người tới bác sĩ phàn nàn rằng anh ta bị ho không thể kiểm soát được. Bác sĩ cho anh ta một lọ dầu dấm và nói, "Về nhà và uống toàn bộ lọ này rồi mai quay lại. "

Khi bệnh nhân quay lại ngày hôm sau, bác sĩ hỏi, "Anh đã uống dầu dấm chưa?"

Người này trả lời, "Rồi ạ."

Thế rồi bác sĩ tiếp tục, "Anh còn ho không?"

Bệnh nhân nói, "Dạ còn, tôi vẫn tiếp tục ho."

Bác sĩ cho anh ta lọ dầu dấm thứ hai và nói "Uống cái này, và mai quay lại."

Ngày hôm sau người này trở lại. Bác sĩ hỏi anh ta, "Anh vẫn còn ho à?"

Và bệnh nhân nói, "Vâng, tôi vẫn ho đều đặn."

Thế rồi bác sĩ cho anh ta lọ dầu dấm khác, và nói, "Uống toàn bộ lọ này đêm nay và sáng mai quay lại."

Bệnh nhân trở lại và bác sĩ nhìn người bất hạnh đáng thương này và nói, "Anh còn ho bây giờ không?"

Bệnh nhân trả lời một cách run rẩy, "Tôi không ho nữa rồi - tôi sợ ho."

Bạn liên tục hỏi các câu hỏi và tôi sẽ liên tục cho bạn những lọ dầu dấm. Sớm hay muộn, một ngày nào đó bạn sẽ sợ ho - sợ hỏi câu hỏi.

Hệ thống của bạn phải được lau sạch. Câu hỏi của bạn phải không chỉ là từ tò mò. Nhớ điều đó. Đừng bao giờ hỏi câu hỏi chỉ từ tò mò; điều đó là vô nghĩa. Nếu một câu hỏi có cái gì đó quan trọng với bạn, nếu đời bạn phụ thuộc vào nó, nếu nó có cái gì đó liên quan tới phong cách sống của bạn, với thói quen của bạn - máy móc, tựa robot - nếu nó có cái gì đó về điều đó rằng nếu nó được giải quyết bạn sẽ trở nên nhận biết hơn, hỏi nó đi. Đừng hỏi những câu hỏi siêu hình, vì chúng sẽ không làm thay đổi bạn. Hỏi các câu hỏi tâm lí đi - chỉ thế chúng sẽ làm biến đổi bạn.

Bertrand Russell đã nói: Có ba khả năng về cách tiếp cận của con người hướng tới cuộc sống. Một là xung đột với tự nhiên, hai là xung đột với người khác, và ba là xung đột với bản thân mình.

Cách thứ nhất đã từng là cách thức của triết học phương Tây, khoa học phương Tây, suy xét của phương Tây, suy nghĩ. Tranh đấu với tự nhiên. Tâm trí phương Tây trở thành có tính đối thể: Làm sao biến đổi tự nhiên? - điều đó trở thành câu hỏi gốc rễ. Họ đã không có khả năng biến đổi nó, mặc dầu họ đã phá huỷ nó. Họ đã phá huỷ nhịp điệu của tự nhiên. Họ đã phá huỷ sinh thái. Họ đã tạo ra sự tàn phá trong hài hoà của tự nhiên. Và bây giờ dường như không có quay ngược lại. Trái đất đang chết.

Dường như chỉ có một khả năng, rằng con người phải di trú từ hành tinh này sang hành tinh khác. Trong vòng một trăm năm sẽ không thể nào sống được trên trái đất này. Nó gần như biến thành cái xác. Trái đất này đã từng bị khoa học cưỡng hiếp nhiều thế, bị thương nhiều thế, què quặt, tê liệt, vì cách tiếp cận đó: chinh phục tự nhiên! Và con người trở nên tuyệt đối bị cuốn hút và bị xâm chiếm bởi một một điều: làm sao chinh phục tự nhiên? - và quên mọi thứ khác.

Tâm trí người Trung Quốc đã đi theo một cách khác. Mối quan tâm duy nhất của nó đã là: Làm sao sống với con người? Mối quan tâm của nó đã có tính xã hội. Con người là con vật xã hội. Làm sao tạo ra đạo đức tốt hơn? Làm sao tạo ra hệ thống xã hội tốt hơn? Làm sao có xã hội tốt hơn? nền văn hoá cao hơn? nền văn minh tốt hơn? Về tự nhiên, tâm trí Trung Quốc đã không trong xung đột. Nó ca ngợi tự nhiên, nó yêu tự nhiên. Tự nhiên có giá trị thẩm mĩ cho người Trung Quốc. Tận hưởng nó! Không cần chinh phục. Mở hội nó! Không cần tranh đấu.

Vấn đề cơ bản cho tâm trí Trung Quốc đã là: Làm sao chúng ta phải làm cho con người nhân bản hơn? Toàn thể cuộc vật lộn là: Làm sao phá huỷ giữa con người và con người, - hận thù, giận dữ, điên khùng, tính súc vật - thái độ như con vật, bạo hành? Trung Quốc đã tạo ra một trong những nền văn minh nhất đã từng có.

Tâm trí Ấn Độ đã lấy con đường thứ ba: Làm sao biến đổi bản thân người ta? Phương Tây đã cho sinh ra khoa học, Trung Quốc đã cho sinh ra xã hội học phẩm chất cao hơn, Ấn Độ đã cho sinh ra khoa học tối thượng về tâm lí - khoa học về linh hồn. Đó đích xác là điều tâm lí học ngụ ý. Thực ra, tâm lí học phương Tây không nên tự gọi nó là tâm lí học, vì nó không phải là khoa học về linh hồn chút nào. Ngược lại, nó chỉ quan sát hành vi con người - từ bên ngoài. Nó nghĩ về con người cũng như một đối thể. Nó qui giản nhân phẩm của con người. Nó biến con người thành cái máy.

Điều không quan trọng với tâm lí học phương Tây là nghĩ: Cái gì ở bên trong con người? Mọi điều là quan trọng là điều người đó làm, cách người đó vận hành - hành vi của người đó. Nhưng trong tâm thức Ấn Độ, vấn đề cơ bản duy nhất đã là: Làm sao chinh phục được bản thân người ta? Làm sao nâng tâm thức của người ta lên đỉnh cao nhất có thể? Làm sao trở thành vị Phật?

Ba cách tiếp cận này đã từng rất thịnh hành.

Đừng bao giờ hỏi một câu hỏi mà không thực sự có bất kì mối quan tâm nào tới sự trưởng thành tâm linh của bạn. Toàn thể mối quan tâm của tôi ở đây là để giúp bạn trở thành có ý thức hơn. Đừng hỏi những câu hỏi ngu xuẩn. Và đôi khi ngay cả những người rất thông minh cũng hỏi những câu hỏi ngu xuẩn.

Mới đêm hôm nọ tôi đọc một cuốn sách cổ được một triết gia Hindu lớn, Kumaril, viết. Ông ấy phê phán Phật ở nhiều khoản, nhưng một điều nực cười tới mức tôi không thể nào tin được rằng một người thông minh như Kumaril lại nêu ra câu hỏi như thế!

Tương truyền - theo các đệ tử của Phật, dĩ nhiên - rằng ông ấy là người biết mọi thứ. 'Biết mọi thứ' không có nghĩa là ông ấy là một loại Bách khoa toàn thư Britannica. 'Biết mọi thứ' nghĩa là ông ấy biết mọi điều xứng đáng biết. 'Biết mọi thứ' nghĩa là ông ấy biết mọi điều có ích cho tâm thức phát triển. Và Kumaril này đã làm gì? Ông ấy nói, "Điều này là sai, vì ông ấy không biết có bao nhiêu sâu bọ trên thế giới." Bây giờ người Brahmin này, Kumaril, phải đã là một loại người ngu. Có bao nhiêu sâu bọ trên thế giới Phật đã không biết, cho nên ông ấy không phải là người biết mọi điều.

Thỉnh thoảng chuyện xảy ra: bạn có thể là người thông minh trên bề mặt, bạn có thể có luận cứ logic, láu lỉnh, và dầu vậy, sâu bên dưới, bạn là ngu xuẩn. Bây giờ đây là loại câu hỏi gì? Chỉ nghĩ tới nó cũng đã ngớ ngẩn thế.

Đừng bao giờ hỏi một câu hỏi mà không liên quan tới sự trưởng thành tâm linh của bạn. Và bất kì chỗ nào một câu hỏi nảy sinh về trưởng thành tâm linh của bạn, gạt mọi nỗi sợ sang bên - bạn phải hỏi nó! Cho dù câu hỏi của tôi có làm tan nát bạn, cho dù tôi đánh đau lên đầu bạn, tôi làm điều đó đấy, tôi dạy bạn, bằng việc nện búa lên đầu bạn... Tôi bao giờ cũng giữ cái búa vô hình trong tay, và bất kì khi nào tôi thấy rằng sọ ai đó đáng đập vỡ, tôi thực sự đập nó.

Nhưng một ngày nào đó bạn sẽ biết ơn rằng sọ của bạn đã bị đập vỡ, rằng bạn đã bị giết trong sự ngu xuẩn của bạn. Cho nên dù nguyên nhân cho sợ của bạn là bất kì cái gì, bạn phải hỏi nó. Đó là cách duy nhất để tới gần tôi hơn. Từng câu hỏi được hỏi, được trả lời, đều đem bạn tới gần hơn.

Và tôi không nói rằng nếu không có câu hỏi, thế nữa bạn vẫn phải hỏi - thế thì không có vấn đề gì. Đừng hỏi nếu bạn không có câu hỏi nào. Điều đó nữa cũng xảy ra. Mọi người là tới mức họ sống ở các cực đoan. Có những người viết cho tôi: "Biết bao nhiêu người hỏi các câu hỏi mà tôi đã chẳng hỏi lấy một câu mãi cho tới giờ - tôi có đang làm cái gì sai không?" Nếu bạn không có câu hỏi, không cần hỏi câu hỏi. Nhưng nếu bạn có câu hỏi, nó phải được hỏi - với bất kì giá nào.

Câu hỏi 4

Kinh nghiệm huyền bí là gì?

Margo, điều đầu tiên: kinh nghiệm huyền bí không phải là kinh nghiệm chút nào. Nó được gọi là 'kinh nghiệm huyền bí' vì chúng ta phải gọi nó là cái gì đó, nhưng nó không phải là kinh nghiệm chút nào.

Kinh nghiệm bao giờ cũng ở bên ngoài bạn. Bạn thấy mây trên trời, hay tia sét trên trời. Hay, bạn có thể thấy cùng điều đó bên trong bạn nữa: bạn có thể nhắm mắt lại và bạn có thể thấy tia sét bên trong. Cái đó nữa cũng là bên ngoài - vì người thấy bao giờ cũng vẫn còn bên ngoài cái được thấy, người quan sát vẫn còn bên ngoài cái được quan sát, người kinh nghiệm vẫn còn bên ngoài cái được kinh nghiệm. Và kinh nghiệm huyền bí không phải là cái gì đó bên ngoài bạn: nó là một loại kinh nghiệm rất đặc biệt, duy nhất.

Tính duy nhất của nó là gì?

Kinh nghiệm và cái được kinh nghiệm trở thành một, người biết và cái được biết trở thành một. Không có phân chia chút nào. Không phải là bạn thấy cái gì đó, mà là bạn là nó. Thượng đế không bao giờ được kinh nghiệm như một đối thể: Thượng đế bao giờ cũng được kinh nghiệm như bản thể bên trong nhất của bạn,. "Ana'l haq!" Al-Hillaj Mansoor đã tuyên bố - "Ta là Thượng đế! " người Sufi nói. Hay "Aham Brahmasmi!" Upanishads tuyên bố - "Ta là tất cả!" Đó không phải là kinh nghiệm! Mọi kinh nghiệm đã bị tan biến. Không cái gì còn lại. Duy nhất tâm thức thuần khiết có đó, nhưng trong tâm thức thuần khiết đó hiểu biết này nảy sinh. Người biết và cái được biết không còn tách rời.

Kinh nghiệm huyền bí là tới mức bạn được tham gia vào trong nó với tính toàn bộ của bạn. Nó không ở trong đầu, nó không ở trong tim nữa; nó không trong thân thể, nó không trong tâm trí, nó không trong chỉ linh hồn. Nó đập rộn ràng khắp bạn và bên ngoài bạn. Nó đập rộn ràng với tính toàn bộ của bạn.

Tôi đã nghe một chuyện ngụ ngôn rất cổ:

Ngày xưa có chuyện ba thánh nhân, thánh nhân rất nổi danh, thánh nhân rất nổi tiếng, đi qua một khu rừng. Tất cả họ đều làm việc siêng năng, giữ kỉ luật đời họ một cách gian khổ. Họ là những người tìm kiếm lớn. Một người là một bhakti yogi - tín đồ của con đường sùng kính, tình yêu, lời cầu nguyện. Tín đồ khác là một gyan yogi - tín đồ của con đường tri thức, trí huệ, thông minh, nhận biết. Và người thứ ba là một karma yogi - tín đồ trên con đường của hành động, phục vụ, tận tâm.

Tất cả họ đều đã làm mọi điều mà con người có thể làm, mọi điều mà về tính người là có thể, nhưng vậy mà họ đã không kinh nghiệm được Thượng đế. Bây giờ họ đã già đi rồi, và cũng hơi chút thất vọng nữa. Thời gian tuột khỏi tay họ, và mục đích còn xa xôi như bao giờ, và sự lạnh nhạt đã lắng đọng. Nhưng hôm đó phép màu đã xảy ra.

Đột nhiên trời bắt đầu mưa. Tất cả họ phải chạy xô vào một ngôi đền nhỏ. Ngôi đền này rất nhỏ; có mỗi bốn cột chống và cái mái, hở tứ phía, và mưa mới thực là mạnh, và gió cũng mạnh, và gió đem nước mưa hắt vào bên trong đền. Ướt khắp mọi nơi. Thế là tất cả họ đều phải đứng ngay ở giữa, bao quanh cái linh vật Shivalinga - nó phải là cái đền Shiva rồi. Và khi nước bắt đầu tới ngày càng nhiều vào trong, họ phải tới ngày càng gần hơn.

Họ tới gần tới mức họ chạm vào lẫn nhau. Đột nhiên, khi họ chạm vào nhau, họ cảm thấy rằng họ không phải là ba mà là bốn. Sững sờ, hoảng hốt... và cái thứ tư, và sự hiện diện của cái thứ tư, là mạnh tới mức họ hỏi lẫn nhau, "Các ông cảm thấy cái gì?" Và tất cả họ đều nói, "Cái gì đó kì lạ hiện diện ở đây."

Dần dần, dần dần, sự hiện diện này trở nên rất rất rõ ràng và toả sáng. Thật là cực lạc thế để thấy sự hiện diện đó. Tất cả họ đều quì xuống, và họ hỏi sự hiện diện này - vì cái rõ ràng mới tới đó là Thượng đế chứ không ai khác - họ hỏi, "Sao vậy? Chúng con đã làm việc cả đời và chúng con thậm chí không thể thấy một thoáng nhìn về ngài, mà hôm nay cái gì đã xảy ra? Tại sao ngài đột nhiên tới?"

Và Thượng đế cười và nói, "Vì tất cả các ông cùng nhau ở đây. Chạm vào nhau, các ông đã trở thành toàn bộ. Và ta chỉ có thể là sẵn có cho các ông khi các ông là toàn bộ. Bây giờ, các ông không là mảnh mẩu. Mãi cho tới giờ các ông đã là những mảnh mẩu: người thì làm việc qua trái tim, người khác làm việc qua cái đầu, và người thứ ba làm việc qua thân thể. Các ông mang tính mảnh mẩu. Còn ta không sẵn có cho các mảnh mẩu: ta sẵn có chỉ khi ai đó trở thành toàn bộ. Trong khoảnh khắc này, năng lượng của các ông gặp gỡ và quyện lẫn vào nhau.

"Ta bao giờ cũng theo các ông, nhưng vẫn còn vô hình vì cái tôi chỉ có thể thấy được ta khi nó là toàn bộ. Bây giờ các ông có thể chạm vào ta! Bây giờ các ông có thể có ta! Các ông đã từng bỏ lỡ ta chỉ vì một lí do: các ông đã kiêu ngạo, bướng bỉnh; các ông đã níu bám lấy một mảnh - và Thượng đế là tính toàn bộ."

Đây là thông điệp của tôi cho bạn: Kinh nghiệm huyền bí là kinh nghiệm toàn bộ - của thân thể, của tâm trí, của linh hồn. Tất cả đều được bao hàm trong nó. Không cái gì ở ngoài nó. Cho nên đừng bác bỏ cái gì trong cuộc sống của bạn; để mọi thứ được hấp thu. Đó là lí do tại sao tôi nói 'từ dục tới siêu tâm thức' - mọi thứ đều phải được hấp thu vào trong nó, không cái gì phải bị bác bỏ. Người bác bỏ bất kì cái gì là đã bác bỏ bản thân Thượng đế - vì Thượng đế là tính toàn bộ.

Chấp nhận tất cả đi, ca ngợi tất cả đi. Hân hoan trong tất cả đi! Và để cuộc sống của bạn trở thành sự thống nhất hữu cơ toàn bộ. Khi bạn là một thể hữu cơ, bạn sẽ có cực thích đó, kinh nghiệm đại dương được gọi là kinh nghiệm huyền bí. Nó không phải là kinh nghiệm... bạn là nó. Kinh nghiệm là không tách rời khỏi nó.

Thượng đế không được thấy: người ta trở thành Thượng đế.

Giải thoát không xảy ra cho bạn: bạn trở thành giải thoát. Niết bàn không phải là cái gì đó trong tay bạn: bạn là Niết bàn.

Chứng ngộ không phải là cái gì đó xảy ra trong bạn: bạn là nó!

Do đó, mặc dầu chúng ta gọi nó, 'kinh nghiệm tâm linh', nó thực sự không thể được gọi là kinh nghiệm tâm linh. Có kinh nghiệm dục, nhưng không có kinh nghiệm tâm linh. Có kinh nghiệm thẩm mĩ, nhưng không có kinh nghiệm tâm linh. Có nhiều loại kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm tâm linh, huyền bí thì không phải là một trong chúng: nó là một thực tại tách rời tuyệt đối. Nó là tất cả một mình. Nó là một phân loại trong bản thân nó.

Điều cơ bản cần nhớ là: trong mọi kinh nghiệm của chúng ta, người biết vẫn còn tách rời khỏi cái được biết; trong kinh nghiệm tâm linh, huyền bí, người biết và cái được biết tan biến vào lẫn nhau. Và đó là cái đẹp của nó, và phúc lành của nó, và tự do của nó.

Kết thúc quyển 'Thầy Hoàn Hảo' Tập 1 - Quay về Mục lục

..............................

0 Đánh giá

Ads Belove Post