Dòng Sông Tâm Tưởng

Dòng Sông Tâm Tưởng

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.

Trái Tim Mặt Trời

Chương 1. Nắng trên lá xanh

Dòng Sông Tâm Tưởng












Playlist Gia Đình Chánh Niệm


Chúng tôi mới ngồi được chừng bốn mươi phút. Tôi thấy ông bạn đang mỉm cười nhìn ly nước táo. Ly nước táo đã lắng trong rồi. Bạn đã lắng trong chưa? Dù chưa được như ly nước táo, nhưng bạn cũng đã thấy thân tâm bạn lắng trong được một phần nào rồi chứ? Nụ cười chưa tắt trên môi bạn. Hình như bạn ngờ rằng bạn sẽ không thể nào đạt đến sự lắng trong của ly nước táo dù bạn cố gắng ngồi thêm một vài giờ đồng hồ nữa.

Ly nước táo có một chân lý rất bằng, rất vững. Còn bạn, bạn chưa có một thế ngồi thật vững chãi. Trong khi những cái xác táo nhỏ tuyệt đối vâng theo luật tự nhiên mà từ từ để mình rơi nhẹ xuống đáy ly thì tư tưởng của bạn lại như một đàn ong bay loạn xạ lên, không vâng theo một mệnh lệnh nào cả để lắng xuống. Đó, chính hai điều đó đã gây cho bạn cảm tưởng là bạn sẽ không làm được như ly nước táo.

Bạn nói rằng con người là một sinh vật, có tư tưởng và cảm giác, không giống như một ly nước táo. Tôi đồng ý với bạn. Nhưng tôi biết rằng mình cũng có thể làm như ly nước táo, và hơn thế nữa, có thể làm hay hơn ly nước táo: bạn có thể đạt tới tình trạng lắng trong không những trong tư thế ngồi mà còn trong những tư thế đi, đứng và làm việc nữa.

Bạn có thể không tin. Bởi vì trong bốn mươi lăm phút vừa qua bạn thấy bạn đã cố gắng khá nhiều mà không đạt tới sự an tĩnh mong đợi. Bé Thanh Thủy đang ngủ an lành, hơi thở của bé rất nhẹ. Chúng ta thắp thêm một ngọn bạch lạp nữa cho sáng đi, rồi hãy tiếp tục câu chuyện.

Bé Thanh Thủy ngủ an lành như thế mà không hề cố gắng. Bạn có nhớ là mỗi khi không ngủ được mà ta "cố gắng" ngủ, thì ta lại càng không ngủ được, có phải không? Bạn đã cố gắng để được yên tĩnh, và vì vậy, bạn cảm thấy có một sự chống cự bên trong. Nhiều người ban đầu tập ngồi thiền cũng cảm thấy sự "chống cự" đó, càng muốn yên thì càng nhiều tạp niệm. Họ cho đó là bị "ma" phá, hoặc bị cái "nghiệp nặng" tích lũy từ ngàn kiếp của họ phá. Không phải vậy đâu. Cái sức chống cự ấy sở dĩ có là do sự cố gắng của ta, và sự cố gắng ấy đã trở nên một sức đàn áp. Tư tưởng và cảm giác ta xuôi đi như một dòng sông. Ta chặn dòng sông là ta tạo nên sức chống cự của nước. Tốt hơn hết là ta nên đi theo dòng sông. Ta lại có thể hướng dòng sông đi theo những ngõ ngách mà ta mong muốn, nhưng nhất định là ta không nên chặn đường của nó.

Dòng sông thì phải chảy. Được rồi nhé, chúng ta đi theo dòng sông. Bất cứ một con nước nào sáp nhập vào dòng sông là ta phải biết. Tất cả những tư tưởng và cảm giác nào có mặt trong ta là ta biết. Ta ý thức được sự phát sinh, tồn tại và hoại diệt của từng tư tưởng, từng cảm giác và từng cảm xúc. Bạn thấy không, sức "chống cự" đã biến mất.



Dòng sông tâm tư bây giờ vẫn trôi chảy như trước, nhưng không phải trong bóng tối mà dưới ánh sáng mặt trời ý thức. Giữ cho mặt trời ý thức ấy sáng tỏ để soi rõ từng con nước, từng bờ cỏ, từng khúc quanh của dòng sông, ấy là thực hiện thiền quán, tức là "ngồi" thiền. Thiền trước hết là theo dõi và quán sát.





Bây giờ đây ta có cảm tưởng là ta đã làm chủ được tình hình, dù dòng sông còn đó và tiếp tục trôi chảy. Ta cảm thấy an tĩnh. Nhưng đây không phải là cái an tĩnh của ly nước táo. Sự an tĩnh của tâm tư không phải là sự chết cứng hay hóa đá của mọi tư tưởng và cảm giác. Cũng không phải là sự hoại diệt của tư tưởng và cảm giác; nói một cách khác hơn, sự an tĩnh của tâm tư không phải là sự vắng mặt của tâm tư.

Cố nhiên tâm không phải chỉ gồm có tư tưởng và cảm giác. Những hiện tượng như giận, ghét, hổ thẹn, tin tưởng, nghi ngờ, ao ước, chán bỏ, buồn rầu, thắc mắc, nôn nao... đều là tâm. Những cái mà ta gọi là hoài vọng, ẩn ức, linh tính, bản năng, vô thức và tiềm thức cũng đều là tâm. Duy Thức Học trong Phật học nói đến tám vua tâm (tâm vương) và năm mươi mốt tùy tùng của tâm (tâm sở), nếu có chút thì giờ bạn nên xem qua cho biết. Mọi hiện tượng tâm lý đều được bao hàm trong các tâm vương sở ấy.

Xem Tiếp 'Nắng và lá cây xanh'

Xem Tiếp Chương 2Quay Về Mục Lục


0 Đánh giá

Ads Belove Post